Một nguồn tin làm cho mọi người phải giật mình, và cũng giống như một ngọn cuồng phong thổi bay tất cả sự vui mừng trước việc Hạng Võ đã đại thắng quân của Chương Hàm: Lưu Bang đã tiếp nhận sự đầu hàng của Tử Anh tại Bá Thượng, thực hiện được lời hứa hẹn của Sở Hoài Vương, ai vào Quan Trung trước thì sẽ trở thành Quan Trung Vương.

Người truyền đại tin tức đã miêu tả cảnh xưng vương của Lưu Bang hết sức sinh động: đó là một ngày tháng 10 đầu năm theo lịch nhà Tần, Lưu Bang đã hiên ngang đến Bá Thượng nằm tại tây nam thuộc ngoại thành Hàm Dương, với tư thế là một bậc Vương giả đã cùng với Trương Lương, Bành Việt, Lệ Thực Kỳ gặp gỡ Tần vương Tử Anh.  Cuộc gặp gỡ này không phải là cuộc gặp gỡ bình thường, mà nó đánh dấu sự thành công của Lưu Bang tiến quân về phía tây, dự báo những lời hứa hẹn của Sở Hoài Vương sắp được thực hiện. Tần vương Tử Anh không dám tiếp tục xưng đế, mà chỉ xưng Tần vương, ngồi trên một cỗ xe gỗ mộc (không sơn phết) do những con bạch mã kéo.  Trên cổ của ông ta được buộc một sợi thừng để chứng tỏ ông  ta là một tù binh.  Cỗ xe của ông ta đậu cạnh một cái nhà mát bên vệ đượng, rồi mang Tỷ, Phù, Tiết cung kính dâng lene cho Lưu Bang.  Quả Ngọc Tỷ là ấn tín của hoàng đế có hình vuông mỗi cạnh bốn tấc, (tấc cổ của Trung Quốc), bên trên có một núm chạm trổ rồng cọp, còn mặt dưới của quả ấn này có viết tám chữ "Thụ thiên chi mệnh, hoàng đế thọ xương" (nhận mệnh lệnh của trời, hoàng đế sống lâu và phát đạt."  Ngọc Tỷ được dùng một thứ ngọc quý giá vô song, đó là ngọc Hòa Thị để tạo sa, còn chữ viết do Lý Tư viết theo thể chữ Triện.  Tần Thủy Hoàng xem nó là quốc bảo, được dùng để đóng dấu vào sắc thị của nhà vua khi phong chức tước cho các quan cũng như trên những giấy tờ khác tiêu biểu cho quyền lực của nhà vua.  Phù là một vật dùng để làm tin khi phát binh.  Nó được dùng đồng hoặc ngọc thạch làm ra, bên trên có khắc chữ, và cắt ra làm đôi, một nửa giữ tại trung ương, còn một nửa trao cho các quan viên đi làm việc ở bên ngoài.  Khi cần đối chứng thì đem hai nửa trên ghép lại.  Còn Tiết có hình dạng như một cành trúc dài một xích hai tấc, trên đầu có một chùm lông, người đi sứ cầm nó để tiêu biểu như chính nhà vua đã đến.  Ba bảo vật đó đều tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế.  Tần vương Tử Anh đem Tỷ, Phù, Tiết trao cho Lưu Bang, cũng có nghĩa là trao chính quyền của vương triều nhà Tần cho người chiến thắng.

Lưu Bang từ trước tới nay không quen che giấu tình cảm, tình cảm luôn luôn bộc lộ ra ngoài.  Ông ta tiếp nhận những bảo vật do Tử Anh dâng cho, có thái độ rất phấn khởi, sự vui mừng đều được thể hiện từ lời nói tới cử chỉ.  Lúc bấy giờ bộ hạ của ông có người kiến nghị nên giết quáh Tần vương đi, nhưng Lưu Bang không bằng lòng, nói:

- Trước đây Hoài Vương phái ta xua quân tiến về phía tây do ta là người có lòng khoan dung đại lượng, nay Tần vương đã đầu hàng đem giết Tần vương đi là điều không tốt.

Ông liền trao Tử Anh cho một  quan lại canh giữ.

Người thông báo tin tức chừng như muốn khiêu khích Hạng Võ, ông ta nói:

- Tướng quân huyết chiến tại Cự Lộc, dốc hết sức mình ra để chiến thắng địch, công cao không ai bằng, vậy đáng lý tướng quân phải là người đứng ra nhận sự đầu hàng của Tần vương, và xưng Vương ở vùng Quan Trung này.  Còn Bái Công là người không có một tí công lao nào đáng kể, thế mà lại ngồi không hưởng lấy thành quả của người khác, tôi thật bất bình cho tướng quân!

Hạng Võ chú ý lắng nghe người đó kể chuyện, giống như anh ta có mặt tại Bá Thượng, chính mắt trông thấy mọi việc đã diễn ra.  Hạng Võ cảm thấy trong lòng vô cùng tiếc rẻ, và hết sức ganh tỵ.  Đặc biệt là những thứ quốc bảo hấp dẫn mọi người đó lại rơi vào tay của Lưu Bang, khiến cho Hạng Võ hết sức tức giận.  Những thứ quốc bảo đó đáng lý ra phải thuộc về Hạng Võ.  Thế mà Lưu Bang một người xuất thân từ chức vụ Đình trưởng nhỏ nhen có tư cách gì để chiếm dụng chúng?

Hạng Võ cũng thầm trách mình là quá sơ sót không nên để mất quá nhiều thì giờ tại Cự Lộc, khiến Lưu Bang đã phổng tay trên, nhưng, Hạng Võ không buồn, vì ông cho mình là người chiến thắng, tiếng tăm lẫy lừng trong thiên hạ, uy quyền làm cho các chư hầu đều khiếp phục, còn Lưu Bang cơ bản thì không thể nào so sánh được với ông.  Ông vừa là người sức mạnh đánh tan ba chục vạn quân Tần của Chương Hàm mà cũng có sức mạnh đoạt trở về Vương hiệu đáng lý thuộc về ông.  Suy nghĩ tới đây, ông liền xua bốn chục vạn đại quân đi nhanh về hướng Hàm Dương.

Khi trời tháng 10 đã dần dần trở lạnh.  Lá cây đã rụng sắp hết, ngoài ruộng nông gia đã thu hoạch xong, trên mặt đất hoàn toàn trống rỗng.  Gió thổi mạnh, thỉnh thoảng lại có mưa và tuyết rơi, càng làm cho không khí lạnh hơn.  Nhưng, các tướng sĩ vẫn vô cùng háo hức.  Ai ai cũng tỏ ra phấn chấn, họ đi rất nhanh, và người phấn chấn nhất chính là Hạng Võ, vị tướng đang chỉ huy toàn bộ quân Sở.  Tướng sĩ dưới quyền ông ta tất cả đều nói cười, hân hoan.  Trên mặt của họ còn hiện lên một thái độ cao ngạo và đắc thắng.  Chừng như họ cảm thấy họ là những binh sĩ cật ruột trong bốn chục vạn đại quân.  Họ thấy mình cao hơn binh sĩ của các chư hầu kéo tới gia nhập, với hai chục vạn quân Tần của Chương Hàm được ghép vào quân Sở thì họ lại càng xem không ra gì.

Đối với họ, cho dù hiện giờ những binh sĩ đó đi chung cùng một hàng ngũ với họ, nhưng thân phận của những người đó vẫn bị phân biệt rõ ràng: quân Tần vẫn là quân Tần, là kẻ chiến bại, là tù binh, cơ bản không thể so sánh được với quân Sở.  Cho nên suốt đường hành quân, những binh sĩ thuộc quân Sở luôn tỏ ra hết sức ngạo mạn.  Họ to tiếng kể lại sự thảm bại của quân Tần dưới chân thành Cự Lộc và sự đầu hàng của Chương Hàm bên bờ sông Hoàn Thủy một cách hênh hoan, cố ý dùng những lời lẽ đó để châm biếm binh sĩ đầu hàng của quân Tần, để chứng tỏ họ là những người bề trên.  Có một số người còn xem quân Tần là nô lệ, bắt chúng vác đồ nặng cho mình, khi nghỉ ngơi lại bắt chúng bổ củi nấu cơm và hầu hạ cho họ.  Khi ăn cơm thì quân Sở ăn trước, để cho binh sĩ của quân Tần vét nồi, thỉnh thoảng quát nạt mấy câu, thậm chí còn đánh đập.  Quân Tần bị sai khiến và hiếp đáp, tuy trong lòng cũng tức giận nhưng không dám nói ra.  Một là vì quân Sở đông hơn, hai là vì họ cảm thấy chính mình là tù binh, nên tự xấu hổ.

Lúc ban đầu Hạng Võ hoàn toàn không hay biết sự việc trên. Ông là người rất hời hợt, nên không hề chú ý tới những việc nhỏ nhặt như vậy.  Ông lúc nào cũng đi ở phía trước đội ngũ, và trên đường đi cảm thấy rất vui khi được nghe Mạt tướng Phạm Tăng kể lại một số câu chuyện mà từ trước tới nay ông chưa bao giờ được nghe.

Hạng Võ tuy xuất thân quý tộc, nhưng học hành không nhiều, còn Phạm Tăng là người có học thức uyên bác, hiểu biết nhiều.  Đầu đề trong câu chuyện của Phạm Tăng đều tập trung vào những mưu lược của các binh gia từ thuở xưa.  Ông nói đến cuộc chiến tại Trường Thược giữa Tề - Lỗ, Tào Quệ đã biết lợi dụng lúc địch mệt mỏi để giành chiến thắng, trong trận đánh tại Thành Bộc, Tấn Văn Công đã biết chỉ huy một cách chính xác nên giành được thắng lợi; trong trận đánh tại đất Hào giữa Tần và Tấn, Tấn Văn Công đã biết tổ chức khôn ngoan; trên đường Mã Lăng, Tôn Tẫn đã biết giấu bớt những bếp nấu cơm để dụ địch.  Tất cả những trận đánh đó đều rất hấp dẫn người nghe, vì đều là những trận đánh được dùng mưu lược để đấu trí  với nhau, và hấp dẫn lòng hiếu kỳ của Hạng Võ.  Với một tướng trẻ từ trước đến nay vẫn sùng bái vũ lực, cho rằng chính vũ lực mới là yếu tố để chiến thắng trên chiến trường, nay lần đầu tiên được nghe cách dùng mưu lược để thắng địch cũng là một yếu tố quan trọng.  Cho nên càng kính nể Phạm Tăng, người giỏi sử dụng mưu lược.  Hạng Võ nghĩ bụng: "Ta có sự dũng cảm, còn ông ấy có mưu lược vậy ông ấy phụ tá cho ta thì có kẻ địch nào lại không chiến thắng?"  Nhưng, trong thâm tâm của Hạng Võ, quan niệm dùng "vũ lực một cách gan dạ thì sẽ thắng", vẫn còn ăn sâu.  Việc gợi ý về dùng mưu chước để thắng địch cũng chẳng qua chỉ có thể xem là bước đầu.  Việc vận dụng và tin tưởng ở mưu lược của Hạng Võ so với Phạm Tăng hãy còn khoảng cách rất xa.

Nói về dùng mưu chước, Phạm Tăng không khỏi lo ngại nhắc đến Bái Công Lưu Bang.  Ông nói: Lưu Bang là một con người tuy vẫn còn có tính thô lỗ của một tiểu dân phố chợ, nhưng ông ta rất hiểu tình đời, tính toán đâu ra đó.  Phạm Tăng liền nói cho Hạng Võ nghe một câu chuyện được truyền tụng về Lưu Bang:

Đó là lúc Lưu Bang còn giữ chức Đình trưởng tại Tứ Thủy, giữa ông và viên Huyện lệnh tại huyện Bái có mối thù oán.  Viên Huyện lệnh này ghi trong lòng, tìm cơ hội để trả thù.  Năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 28 (tức năm 219 Tr. CN), Tần Thủy Hoàng trong chuyến đi thị sát các quận huyện ở phía đông trên đường trở về Hàm Dương có đi ngang qua Bành Thành và nghe nói một trong chín chiếc đỉnh quý của triều nhà Châu bị người ta lăn xuống sông Tứ Thủy, bèn ra lệnh cho viên Huyện lệnh huyện Bái chọn một người giỏi võ và gan dạ để hướng dẫn ba nghìn dân tại đây lặn xuống sông Tứ Thủy tìm vớt chiếc đỉnh đó lên.  Nếu không vớt được sẽ bị tử hình.  Viên Huyện lệnh huyện Bái suy nghĩ: chiếc đỉnh của nhà Châu chìm xuống sông Tứ Thủy đã nhiều năm, hoàn toàn không còn dấu vết gì, vậy làm sao vớt lên cho được?  Nếu phái ai đi tìm vớt, thì người đó chắc chắn sẽ chết mà thôi.  Cho nên, ông ta quyết định chọn Lưu Bang.  Nhưng, vì sợ miệng đời chê cười ông ta nhỏ nhen rắp tâm tìm cơ hội để trả thù riêng, bèn bảo người em trai ruột của mình là Tư Anh cùng Lưu Bang bốc thăm.  Trước khi bốc thăm ông ta nói rõ, ai bốc được lá thăm có chữ Dũng thì phải đi vớt đỉnh, còn ai bốc được lá thăm có chữ Vô thì khỏi đi.  Hôm bốc thăm, người trong huyện tới xem rất đông.  Để chứng tỏ mình công bằng, viên Huyện lệnh huyện Bái bảo đám đông đề cử một người kiểm soát thăm.  Hai lá thăm này đã được viên Huyện lệnh gian lận, vì cả hai đều viết chữ Dũng cả, và bảo Lưu Bang bắt trước.  Lưu Bang đoán biết viên Huyện lệnh nắm cơ hội này để trả thù ông, cho nên sau khi bốc một lá thăm thì không mở ra mà bỏ vào miệng nuốt tuốt xuống bụng, rồi nói: "Tôi đã bốc một lá thăm rồi, vậy còn lại một lá thăm xin hãy mở ra, nếu lá thăm đó viết chữ Vô thì lá thăm tôi nuốt xuống bụng là lá thăm có viết chữ Dũng; trái lại, lá thăm còn lại viết chữ Dũng, thì lá thăm tôi đã nuốt là chữ Vô, vậy xin các vị hãy làm chứng!"  Thấy vậy, sắc mặt của viên Huyện lệnh không khỏi tái xanh, thầm kêu trời, nhưng chính ông ta đã có lời giao kết trước, không thể sửa đổi, chỉ đành để cho mọi người mở lá thăm ra xem, thấy bên trên có chữ Dũng.  Không còn cách gì khác hơn, ông ta buộc người em ruột của mìn phải lãnh lấy trách nhiệm lặn xuống sông để vớt chiếc đỉnh.  Do không vớt được nên người em của viên Huyện lệnh đã bị Tần Thủy Hoàng chém đầu.

Câu chuyện đồn đại đó Phạm Tăng nghe được trong dân gian, nguyên chỉ là lời đồn đại chưa chắc có thật.  Nhưng, hôm nay Phạm Tăng nhắc lại chuyện đó một cách trân trọng là có ý để cho Hạng Võ hiểu được sự quan trọng của mưu chước nhưng với bản tính thật thà Hạng Võ đã tin đó là chuyện có thật.  Hạng Võ chú ý lắng nghe Phạm Tăng kể xong rồi nói:

- Tần Thủy Hoàng một khi muốn thực hiện việc gì thì phải thực hiện cho kỳ được.  Ông ta bắt đông đảo nhân dân lặn xuống nước để vớt chiếc đỉnh, vớt không được thì xử tử quả thật là hết sức vô lý.  Một vị bạo chúa như vậy đáng lý phải được thay thế sớm hơn.  Riêng Bái Công cũng là người rất tinh ranh, nên mới tránh được cái hoạ thiệt thân.  Nếu là tôi thì cơ bản không rút thăm chi cả, mà trước hết chém quách viên Huyện lệnh có lòng dạ bất lương đó rồi nói gì thì nói!

Phạm Tăng cười đáp:

- Thượng tướng quân bao giờ cũng muốn thẳng tay chém giết.  Nếu dụng binh đánh giặc mà như vậy thì không được, cần phải giống như Bái Công, biết sử dụng mưu chước và thậnn trọng trong việc dùng sức mạnh.  Ngài xem Bái Công trên đường tiến về phía tây để tới Quan Trung một cách dễ dàng, hết sức thuận lợi, không cần tiêu hao bao nhiêu binh lực, mà trái lại còn phái triển được đội ngũ và thu dụng được mấy mưu thần, tướng giỏi, đó chính là người biết dụng mưu.  Này Thượng tướng quân tôi xem Bái Công là người có chí không phải nhỏ, vậy không nên xem thường.

Hạng Võ khẽ gật đầu nhưng ông vẫn không xem Lưu Bang ra gì.  Ông nói Lưu Bang có được ngày nay, là nhờ sự giúp đỡ của ông và người chú Hạng Lương.  Nếu trước đó ông và Hạng Lương không cho Lưu Bang mượn năm nghìn binh mã, thì khôngg chừng ông ta đã bị quân Tần tiêu diệt từ lâu rồi.  Lưu Bang làm thế nào không nhớ đến ân đức ngày xưa, mà dám không nghe theo lệnh của Thượng tướng quân à?  Hơn nữa, Lưu Bang cho dù đã khuếch trương đội ngũ nhưng nếu so với bốn chục vạn đại quân dưới tay của ông thì chẳng thấm tháp gì. Lưu Bang mặc dù kéo quân vào quan ải trước nhưng có lẽ ông ta cũng không dám tự ý xưng vương.  Quan Trung Vương phải là Hạng Võ này, vì công diệt Tần không phải Hạng Võ này thì còn ai vào đây, không ai có thể so sánh được.

Phạm Tăng thấy Hạng Võ vừa quá tự tin, vừa quá tin ở người khác, thiếu sự dự đoán tỉnh táo tình hình trong tương lại, nên không khỏi lấy làm lo ngại.  Ông nghĩ, từ nay về sau còn có thể thong thả nói với Hạng Võ một số vấn đề cần thiết, không nên quá gấp gáp.  Cần phải nói cho Hạng Võ biết tranh giành thiên hạ không phải là một chuyện giản đơn, mà đầy trắc trở, đòi hỏi sự đấu tranh không ngừng, vừa đấu tranh với bên ngoài lại vừa đấu tranh trong nội bộ, vấn đề đan chéo phức tạp và sự nguy hiểm từ đó xảy ra liên tiếp, nếu không có nhận thức đúng đắn, thì sẽ khó thành công.  Phạm Tăng đang muốn trực tiếp bàn với Hạng Võ về cách nhìn và phương pháp đối phó với Lưu Bang, thì Anh Bố và Bồ tướng quân người ở giữa đội người ở sau đội thúc ngựa chạy lên phía trước.  Họ vội vàng báo cáo với Hạng Võ:

- Quân Tần qui hàng luôn có lời thán oán, xem ra họ có thể tạo phản!

Hạng Võ giật mình, vội vàng hỏi rõ mọi việc.  Anh Bố nói:

- Quân Tần tuy đã đầu hàng, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy không phục.  Họ nói riêng với nhau là họ bị Chương Hàm bắt buộc đầu hàng, vậy nếu tiến vào Hàm Cốc Quan đánh bại được nhà Tần thì điều đó tất nhiên là rất tốt.  Nhưng nếu không thể chiến thắng, các tướng lãnh chư hầu sẽ ép họ phải triệt thoái về phía đông, như vậy, vương triều nhà Tần sẽ giết chết hết cha mẹ vợ con của họ.  Thay vì đắc tội với triều đình, chi bằng bây giờ tìm cách bỏ trốn hoặc đứng lên tạo phản.  Họ vẫn còn đến hai chục vạn người, vậy chưa chắc thủ thắng!

Trong khi Anh Bố báo cáo tình hình đó, thì không hề nói đến việc quân Tần đầu hàng bị hành hạ, bị làm nhục đủ điều. Ông cũng không hề nói tới một thiểu số quân Tần đầu hàng đã bị quân Sở nô dịch và đánh chửi.  Ngược lại, họ còn thêm nhân thêm nhị, bảo quân Tần luôn luôn oán trách, và đối với quân Sở vẫn còn giữ thái độ thù địch, cho nên họ không muốn trở giáo chống Tần.  Việc họ lấy cớ này cớ nọ để tìm cách nghỉ phép là chuyện thường xảy ra.  Để họ trong hàng ngũ chỉ có hại chứ không có lợi.  Họ vừa phá hoại quân kỷ, lại vừa làm hại sĩ khí của toàn quân, vậy dẫn họ vào Quan Trung là điều bất lợi.

Hạng Võ là người nóng tính, vừa nghe tới đây thì nổi giận đùng đùng:

- Bọn hàng binh này quả to gan liều lĩnh, vậy hãy đem một vài tên ra chém xem chúng còn dám nói gì nữa hay không?

Anh Bố và Bồ tướng quân đưa mắt ra hiệu cho nhau nói:

- Sử dụng quân pháp cũng như giết gà để dạy khỉ, có thể thu được một ít hiệu quả, nhưng cơ bản vẫn khó dẹp yên lòng thán oán của họ, vậy nên suy nghĩ một biện pháp nào khác mạnh mẽ hơn.

Hạng Võ cau mày suy nghĩ một lúc lâu, rồi giận dữ nói:

- Nếu cách đó không xong, thì sẽ giết sạch hết chúng!

Phạm Tăng lên tiếng can ngăn:

- Tự ngàn xưa không ai lại đi giết hàng binh.  Làm như vậy sẽ không ổn.

Ông lại nhắc đến việc trước đây tướng Tần là Bạch Khởi từng giết và chôn sống bốn chục vạn quân Triệu và chỉ rõ: Bạch Khởi thẳng tay chém giết như vậy, đã làm cho trời và người đều oán hờn, bị mất lòng dân, tướng quân cần xem gương đó mà tránh.  Phạm Tăng không hề nói tới việc Bạch Khởi bị Tần vương nghi kỵ, khiến trước khi ông ta tự sát đã hối hận nói: "Trận chiến tại Trường Bình, ta đáng lẽ không nên lừa gạt để giết mấy chục vạn hàng binh của Triệu.  Vậy ngày nay ta cũng đáng chết rồi!"  Mà ông chỉ nói khéo giết người quá nhiều là điều không tốt.  Việc quân Tần thán oán có thể có nguyên nhân, vậy nên điều tra tường tận rồi sẽ xử lý cho thích hợp.

Lời nói của Phạm Tăng, Hạng Võ không nghe lọt vào tai, nên đã trách Phạm Tăng, cùng Anh Bố và  Bồ tướng quân bàn bạc một quyết sách rất thâm độc.

Ngày hôm đó, quân Sở hành quân tới phía nam thành Tân An thuộc quận Tam Xuyên.  Hạng Võ truyền lệnh cho toàn thể đội ngũ dừng lại, dựng lều đào đất nấu cơm, bảo là cho họ nghỉ ba hôm rồi mới tiếp tục lên đường.  Tất cả binh sĩ đã hành quân nhiều ngày, cảm thấy mệt mỏi, nghe thế đều vui mừng.  Bọn hàng binh Tần cũng rất mệt mỏi, nhưng do biết thân phận của mình là binh sĩ đầu hàng nên tự giác chịu làm những việc cần phải làm, cố nhẫn nại để ngheh theo lệnh sai khiến của quân Sở.  Trong lúc đó thì Anh Bố, Bồ tướng quân và một số Hiệu úy khác cùng tới doanh trướng của Hạng Võ để hội họp bí mật.  Hạng Võ dặn dò họ làm theo sự bố trí của mình.

Màn đêm buông xuống, các binh sĩ bắt đầu đi ngủ.  Do hành quân liên tiếp nhiều ngày, nên trong doanh trướng chẳng mấy chốc đã vang tiếng ngáy khắp  nơi.  Đêm hôm đó bầu trời rất tối, trên trời không có trăng, tất cả những vì sao cũng bị mây đen che phủ, hoàn toàn không có một tí ánh sáng nào, bốn bên đều vắng lặng, thỉnh thoảng lại nghe từ trong núi có tiếng thú rừng gầm rống, làm cho ai cũng phải rùng mình. Những binh sĩ đi tuần rón rén cầm lồng đen đi tới đi lui, trông như những đốm đèn mà chập chờn, còn tất cả lều trướng đều phủ một màu đen thui, trông như từng nấm mộ nằm trên mặt đất một cách hỗn hoạn, âm u đáng sợ.

Bỗng nhiên, có tiếng người kêu thét lên, xé tan bầu không khí tĩnh mịch:

- Bớ anh em binh sĩ đầu hàng của quân Tần, hãy mau dậy đi, chúng ta không thể nào chịu đựng nổi sự hà hiếp của quân Sở, có người sẽ tiếp ứng cho chúng ta!

Binh sĩ đầu hàng của quân Tần đang ngủ say đều choàng cả dậy, không kịp mặc áo, chụp ngay vũ khí rồi chạy nhanh ra khỏi doanh trướng, và theo tướng người la to như vừa rồi, tiếp tục chạy nhanh ra phía trước.  Họ vốn đang oán hận quân Sở, nên nghe tiếng hô hào đó thì hưởng ứng ngay.  Trong cơn ngáy ngủ họ chạy loạng choạng và kéo nhau đi về một hướng.  Lúc bấy giờ ở phía sau lưng họ bỗng có ánh lửa bừng lên, và tiếng reo sát phạt cũng nổi dậy đinh tai.  Quân Sở như có chuẩn bị trước, ồ ạt kéo ra truy đuổi.  Do vậy, quân Tần buộc phải chạy nhanh hơn, không chú ý dưới chân mình.  Họ càng không nghĩ rằng ở phía trước mặt họ là một cái vực sâu, bờ vực thẳng đứng.  Do chạy quá nhanh nên khi đến sát miệng vực họ không thể dừng chân kịp, đua nhau rơi xuống hố sâu thăm thẳm, lớp chết lợp bị thương vô số.  Những tên còn lại cũng bị quân Sở hoặc giết chết hoặc xô xuống hố chôn sống.  Thế là hai chục vạn quân Tần đầu hàng đã bị thiệt mạng toàn bộ tại thành Tân An.

Đó là việc đã được Hạng Võ, Anh Bố, và Bồ tướng quân sắp xếp trước.  Người hét to đầu tiên chính là một binh sĩ của quân Sở.  Anh ta cố  ý dụ quân Tần chạy ra để cho quân Sở rượt theo chém giết.

Một cuộc đại thảm sát vô cùng rùng rợn đã kết thúc, cảnh tượng Bạch Khởi đã giết và chôn sống quân đầu hàng của nước Triệu một cách thê thảm trước kia này diễn lại tại Tân An.  Hạng Võ chính là hung thủ của cuộc đại thảm sát này.  Ông ta không hề quan tân tới cuộc thảm sát, mà muốn trừ đi cái hoạ ở ngay trong nội bộ của mình, đề được yên lòng, nhưng Hạng Võ không hề nghĩ tới chính việc đó đã đưa ông đến chỗ sai lần to lớn, từ đó tạo nên một sự tổn thất không thể cứu vãn được trong việc tranh giành ngôi vị Quan Trung Vương, cũng như sự nghiệp giành thiên hạ sau này.

 

 

Kéo thẳng vào Hàm Cốc Quan

 

Sau một đêm rùng rợn, tại chân trời phía đông lại xuất hiện ánh bình minh.  Màu sắc của ánh bình minh đỏ hồng cũng giống như màu máu.  Màu sắc đó đã tô lên bầu trời, đỉnh núi và mặt đất bằng một màu đỏ máu.  Ngay cả trong bầu không khí cũng chừng như ngửi thấy được mùi tanh của máu.  Một lúc sau, màu đỏ của ánh bình minh phai nhạt dần, và vầng thái dương cũng từ phía sau núi nhô lên.  Ánh triều dương ngày hôm nay cũng mang màu đỏ, nó đỏ lóa mắt, đỏ đến khiến mọi người phải ngạc nhiên.

Miệng hố đã nuốt chửng hai chục vạn quân Tần giờ đây vẫn há to mồm như một con dã thú, trông thực ghê rợn. Chừng như nó đang tiếp tục nhai những thi thể chồng chất ở dưới đáy, để thưởng thức mùi vị thơm ngon chưa từng có.  Bầy quạ đen bay vần trên bầu trời cất tiếng kêu âm u như tiếng gọi hồn từ bên kia thế giới.

Ba viên tướng của  quân Tần là Chương Hàm, Tư Mã Hân, Đổng Ế, vẫn may mắn sống sót.  Họ tránh được tai họa đêm qua đúng là một sự may mắn hiếm có.  Lúc ban đầu khi trù hoạch cuộc tàn sát đẫm máu nói trên, có một số tướng lãnh quân Sở chủ trương nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc, nhưng Hạng Võ không đồng ý, ông cho rằng ba tướng lãnh đó ít nhiều có tài năng, ta có thể lợi dụng được.  Đặc biệt là trường hợp Tư Mã Hân, vì trước đây trong một hoàn cảnh nguy cấp ông ta đã từng giúp đỡ cho người chú của Hạng Võ là Hạng Lương.  Trong quá trình thúc đẩy Chương Hàm đầu hàng, ông ta cũng có một số công lao, cho nên cả ba người đều được Hạng Võ giữ lại. Hạng Võ cũng là người nặng tình cảm, có lẽ đây cũng là một cách để đền ơn.

Ngay lúc ban đầu ba người của Chương Hàm đều không dám tin, vì họ đã bị sự tàn nhẫn của Hạng Võ làm cho mất cả bình tĩnh.  Họ đã rơi lệ trước thảm cảnh hai chục vạn binh sĩ từng chịu sự chỉ huy của mình.  Họ cũng lo lắng cho tương lai của bản thân.  Hạng Võ có thể trong vòng một đêm giết chết hai mươi vạn quân Tần, thì chả lẽ không thể dồn ba người họ vào chỗ chết hay sao?  Họ từng có lực lượng trong tay, từng có uy quyền, nhưng hôm nay họ cũng giống như một con đại bàng bị chặt cánh, không còn bay được nữa.  Bầu trời mênh mông kia không còn thuộc về họ, họ nằm co rút trước mặt của người khác để chờ đợi người ta muốn giết hay tha tùy ý.

Hạng Võ thấy được tâm trạng đó của họ, nên đã gọi riêng ba người đến để giải thích, sự kiện xảy ra tại phía nam thành Tân An, là một việc làm bất đắc dĩ, nếu  không làm như thế thì khó chấn chỉnh được nội bộ, đề cao được sĩ khí.  Đồng thời, bảo đảm với họ là tuyệt đối không bao giờ sát hại họ, trái lại sẽ dùng họ như các tướng lãnh của quân Sở.  Đến chừng đó ba người của Chương Hàm mới cảm thấy an tâm, ngỏ ý một khi đã đầu hàng Sở, thì tuyệt đối không bao giờ hối hận, nhất định sẽ theo sát nghĩa quân, cống hiến tất cả sức lực của mình, dùng chiến công để bù đắp lại những tội lỗi của họ đã qua.

Tiếp đó, Hạng Võ lại có lời răn dạy đối với các tướng lãnh và hiệu úy trong toàn quân, bảo họ phải một lòng trung thành, giúp đỡ lẫn nhau lấy tinh thần và lòng dũng cảm dưới chân thành Cự Lộc để nhanh chóng tiến quân vào Quan Trung, tranh thủ địa vị Quan Trung Vương.  Tất cả các tướng lãnh và các Hiệu úy đều đồng thanh hứa hẹn.  Thế là toàn quân liền rời  khỏi thành Tân An, tiếp tục tiến thẳng về phía tây.

Lúc bấy giờ Lưu Bang đang đóng quân tại Hàm Dương và đang say sưa trong sự vui mừng vì sắp được xưng vương.  Lưu Bang là người từ bấy lâu nay có tính tham tiền háo sắc.  Trong cung Hàm Dương có không biết bao nhiêu là bảo vật quý hiếm trông đến hoa mắt, và cũng có không biết bao nhiêu cung nga mỹ nữ sắc nước hương trời, làm cho ông ta say mê điên đảo.  Năm nay ông ta đã 50 tuổi, và hầu hết thời gian đã qua ông ta sống trong miền quê hẻo lánh, những gì mắt thấy tai nghe đều là cảnh tượng nghèo nàn lạc hậu của người nông dân.  Cho nên vốn kiến thức của ông rất hạn hẹp, chưa từng thấy được bộ mặt giàu sang phú quý của cuộc đời, chưa từng sống ở đô thị, riêng cảnh sang trọng ở cung Hàm Dương và những sự uy nghi của hoàng gia ông ta chỉ nghe người ta nói lại.  Có một năm nọ, hoàng đế xuống lệnh chọn gái đẹp tren toàn quốc, ở huyện Bái có một thiếu nữ con nhà giàu là người đẹp nhất vùng cũng được chọn.  Ngày tiến cung cô gái đó trang điểm hết sức đẹp, chẳng khác nào tiên nga, lên đường rời khỏi Bái huyện giữa tiếng trống tiếng nhạc inh ỏi.  Tình cảnh đó khiến cả đời của Lưu Bang cũng không thể quên được.  Ông ta từng suy nghĩ: chỉ với một cô gái đẹp như thế, cũng đủ cho mình vui sống cả đời, thế mà trong hoàng cung gái đẹp đông đến hàng nghìn, và tất cả họ đều phụng sự một bậc hoàng đế chí tôn, mặc tình cho hoàng đế hưởng lạc, rõ ràng là hoàng đế có diễm phúc biết bao!  Người đại trượng phu sống ở trên đời thì phải như thế!

Lưu Bang dù nằm mộng cũng không thể tưởng tượng được là một tiểu dân phố chợ như ông mà lại có thể mơ ước một cược sống gấm vóc phồn hoa, một thế giới phú quý sang trọng.  Thế nhưng, nói cho cùng thì đây cũng là sự thật.  Hiện nay ông đã là chủ nhân của một hoàng cung lộng lẫy như cảnh tiên, ông có thể mặc tình hưởng thụ tất cả, giống như một vị hoàng đế, ông quyết định là không bao giờ phụ ân trời đã ban cho, phải thưởng thức tất cả mọi mùi vị mà một vị hoàng đế dã thưởng thức.  Ông ngã người nằm xuống chiến giường trải gấm để tính toán làm thế nào thu gom tất cả những bảo vật ở đây, làm thế nào thay phiên gần gũi với bao nhiêu người đẹp, còn những buổi tiệc thịnh soạn bao giờ mới cử hành, những buổi ca vũ ngày nào mới ra lệnh tổ chức.  Ông ta tiếp tục suy nghĩ mãi mà cảm thấy lâng lâng như bay bổng lên mây.

Bỗng có tiếng người vào bẩm báo, tiếng nói rất quen thuộc.  Lưu Bang mở mắt ra nhìn, thấy đó là bộ tướng Phàn Khoái, gã đồ tể chuyên bán thịt chó để mưu sinh này, trước đây đã theo LƯu Bang khởi nghĩa, từng tỏ ra là người hết sức anh dũng, cứ mỗi khi tấn công vào một thành trì nào thì ông ta cũng đi trước mọi người, lập nhiều chiến công, cho nên được Lưu Bang rất xem trọng.  Lưu Bang vội vàng ngồi dậy và mời Phàn Khoái ngồi xuống ghế, hỏi:

- Tướng quân đến có chuyện gì?

Phàn Khoái là một con người thô lỗ, tiếng nói rất to.  Ông ta liếc mắt nhìn chiếc giường trải gấm một lượt rồi ôn tồn nói:

- Bái Công có vẻ rất yêu thích chiếc giường trải gấm của hoàng cung này, vậy có lẽ ngài muốn sống luôn ở đây chăng?

Lưu Bang không hề giấu giếm, đáp:

- Điều đó thì có gì không được? Vương triều nhà Tần đã sụp đ, Tần vương đã đầu hàng rồi, vậy cung Hàm Dương này đã thuộc về chúng ta, tại sao không ở đây hưởng thụ cho thỏa thích?

Nói đến đây sắc mặt của Lưu Bang trông hết sức rạng rỡ, đôi mắt híp nhỏ lại rồi mới nói tiếp:

- Thời trẻ tuổi cha ta thường bảo ta không lo làm ăn để tạo dựng sự nghiệp, nhưng đến nay thì sự nghiệp này có ai sánh kịp ta?  Bắt đầu từ hôm nay ta sẽ uống rượu ngon cho tới say, và thụ hưởng sắc đẹp cho tới trời nghiêng đất ngã, để tận hưởng sự lạc thú của đời người!

Phàn Khoái lắc đầu nói:

- Bái Công muốn được cả thiên hạ không?  Hay là chỉ muốn làm một ông nhà giàu thôi? Những cung thất sang trọng này có vô số tài sản quý báu, lại có đông đảo những mỹ nữ yêu kiều, nhưng đó chính là nguyên nhân làm cho vương triều nhà Tần bị sụp đổ, vậy ngài cần nó để làm gì/  Xin ngài hãy kéo quân trở về Bá Thượng, tuyệt đối không nên ở lại trong cung.

Lưu Bang mỉm cười không đồng ý, nói:

- Tướng quân nói sai rồi, trong đời người khó có dịp nào để hưởng lạc, đây là cơ hội tốt trời cho, há lại bỏ qua sao?  Tướng quân đừng nói nhiều nữa, ta biết tướng quân thích uống rươuwj nay đã hết chiến sự rồi, vậy tướng quân cứ tha hồ uống rượu cho say sưa đi!

Phàn Khoái là người không biết ăn nói, nên cho rằng mình không thể khuyên can Lưu Bang được, chỉ thở dài:

- Đa tạ ý tốt của Bái Công, tôi hiện giờ không còn lòng dạ nào để uống rượu nữa1

Nói dứt lời, Phàn Khoái đứng lên bước ra.

Phàn Khoái vừa bước ra thì Trương Lương lại đi vào.  Với giọng nói thân tình ông phân trần với Lưu Bang:

- Chính vì phải tiêu diệt vương triều nhà Tần vô đạo, nên chúng ta mới đánh chiếm quan ải thành quách để tới đây.  Chúng ta đã diệt trừ sự tàn bạo cho thiên hạ, thì nên tỏ thái độ thù ghét nó.  Nay mới vừa vào cung điện của nhà Tần, lại mê say hưởng lạc, đó chẳng khác nào giúp kẻ tàn bạo làm việc tàn bạo hơn.  Lời nói thẳng tuy khó nghe, nhưng có lợi cho hành động của mình, cũng giống như thuốc đắng thì có thể trị được bệnh vậy.  Mong Bái Công nghe lời khuyên can của Phàn Khoái!

Tiếp đó, Trương Lương phân tích tình hình lúc bấy giờ cho Lưu Bang nghe.  Ông vạch rõ: tuy trước kia Sở Hoài Vương có giao kết, ai vào Quan Trung trước thì người đó làm Vương, nhưng nếu vội vàng xưng vương sẽ làm cho Hạng Võ tức giận, gây ra nhiều chuyện rắc rối không cần thiết.  Vậy chi bằng kéo quân trở lại Bá Thượng, để tùy thời cơ mà hành động.  Người muốn hoàn thành sự nghiệp lớn thì tối kỵ trở nên kiêu ngạo đối với những thắng lợi nhỏ.  Trận đánh Định Đào của Hạng Lương đã dẫn đến binh bại và thiệt thân, đúng là tấm gương răn đời cần soi.

Những lời nói chí lý của Trương Lương khiến Lưu Bang không thể cãi lại được.  Ông ta cố gắng hết sức đè nén dục vọng hưởng lạc của mình, rồi ra lệnh thống kê niêm phong tất cả đồ quý giá trong cung điện của nhà Tần lại, chỉ cho phép Tiêu Hà lấy đi một số sách vở có tương quan đến pháp luật, rồi dẫn quân trở về bờ sông Bá hạ trại.

Tháng 11, Lưu Bang triệu tập các hương thân hào kiệt ở chung quanh Bá Thượng đến tuyên bố:

- Các vị phụ lão chịu sự cai trị tàn bạo của vương triều nhà Tần đã lâu, trước khi tiến vào Quan Trung, nghĩa quân đã có giao kết: ai vào Quan Trung trước sẽ làm Vương.  Dựa theo đó thì hôm nay tôi là Quan Trung Vương.  Cho nên tôi muốn đưa ra ba chương ước pháp với các phụ lão: ai giết người thì sẽ bị xử tử, ai gây thương tích cho người hoặc trộm cướp tài sản của người khác thì tùy theo tội nặng nghẹ mà trừng trị.  Ngoài ra không tuyên bố hủy bỏ tất cả pháp luật của nhà Tần, còn các quan lại thì vẫn giữ nhiệm vụ như cũ.  Tôi sở dĩ đi tiến vào Quan Trung, là vì muốn trừ hại cho dân, chứ không phải muốn cướp đoạt tài sản của bá tánh, vậy xin tất cả đừng sợ hãi.  Giờ đây tôi hạ trại tại Bá Thượng, để chờ các chư hầu tới nơi, vậy nên có những quyết định đó trước.

Sau đó, Lưu Bang phái người đi khắp mọi nơi tuyên truyền bá tánh hoan hô nhiệt liệt, tranh nhau dẫn bò, gánh rượu, thịt đến để khao quân của Lưu Bang.  Lưu Bang khôn khéo nói:

- Doanh trại của chúng tôi lương thảo còn rất nhiều, không hề bị thiếu thốn, vậy không dám để cho các vị phải tốn kém.

Qua những lời nói đó, bá tánh lại càng vui mừng, chỉ lo sợ Lưu Bang sẽ không làm Quan Trung Vương.

Lưu Bang không ở lại cung Tần, mà kéo quân trở ra Bá Thượng, lại tuyên bố ước pháp ba chương, từ chối không nhận các thứ đồ vật của nhân dân mang tới tặng là một hành động hết sức sáng suốt.  Uy tín của ông do đó tăng cao, thanh danh quân đội của ông cũng nổi bật.  Ông tạm thời kềm chế dục vọng của mình nên được sự ủng hộ của bá tánh, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của ông từ đó về sau.  Cùng một lúc đó thì Hạng Võ đã thẳng tay tàn sát hàng binh tại phía nam thành Tân An, làm cho người Tần ai ai cũng oán hận đến tận xương tủy.  Kể từ đó, thiên hạ đều ghét bỏ, bá tánh đều xa rời.  Hạng Võ hoàn toàn mất nhân tâm.  Tất cả những hành động nói trên của hai người, đã hình thành một sự tương phản mãnh liệt, đồng thời, cũng dự báo sự kết cục của hai người sẽ hoàn toàn khác nhau.

Lưu Bang vừa mới kéo quân trở ra Bá Thượng, thì lại nhận được tin tức hãi hùng.  Hạng Võ đang ồ ạt kéo bốn chục vạn đại quân đến Hàm Dương.  Lưu Bang không khỏi toát mồ hôi lạnh, nghĩ bụng: Hạng Võ người đông thế mạnh, nhất là ông ta dũng cảm gan dạ hơn tất cả mọi người, nay quân Tần đã bị tiêu diệt, chắc chắn ông tới đây để tranh đoạt ngôi Vương với ta, vậy biết làm thế nào?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích