Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ
Ốc không nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu

Câu thành ngữ ý nói về việc lo liệu cho mình chẳng xong lại còn ôm đồm, cáng đáng cho người khác.

Chuyện kể:

Một con cốc xuống ao mò cá bắt được con ốc. Ốc hổi cốc:

- Trời lạnh thế này mà anh cũng dám tắm à?

Cốc khoác loác rằng:

- Ta quản chi giá lạnh, mưa nắng, khi ta dẹp cánh lại thì ta lội khắp sông hồ. Khi ta giương cánh lên thì bay được mấy tầng cao.

Ốc nói:

- Nhà tôi ở dưới nước quen rồi. Còn anh, tôi chỉ lo anh xuống đây không khéo thì nó mọc rêu ra đầy đầu đấy.

Chuyện giữa ốc và cốc kéo dài làm cho cốc phải ở dưới nước lâu quá thành ra mỏi cánh. Cốc liền dọa ốc:

- Này ốc, mày phải cõng cái cọc dựng lên để cho ta đậu, không ta nuốt mày vào bụng.

Ốc chậm dãi van nài cốc rằng:

- Thân tôi đã thế này, anh thấy đấy, tôi mang nổi mình đã khổ lắm rồi. Vậy mà rêu còn bám đầy vào, bắt tôi phải cõng cả rêu. Bây giờ lại mang cả cọc và rêu cho ông đậu, tôi làm sao nổi. Thôi được, tôi cố mang cái cọc rêu này, ông cứ đậu vào cho đỡ mỏi cánh.

Nói rồi, con ốc cố gắng hết sức cõng cái cọc để cho cốc đậu, nhưng cọc rêu nặng quá, không chịu nổi, nó bèn ngậm miệng lại, rồi chìm xuống nước. Còn con cốc mỏi cánh phải bay lên bờ đậu. (1)

Chuyện hàm ý nhắc nhở người đời đừng làm gì vượt quá khả năng của mình. Bản thân ốc phải vác cái vỏ to hơn người nó nên đã vất vả khó nhọc lắm rồi thế mà còn phải đèo bòng thêm cái cọc rêu nữa, thử hỏi vác sao nổi. Câu thành ngữ này có ý chê bai những kẻ không hiểu được sức mình, không tự lo được cho mình lại còn ôm đồm, gánh vác cho người khác chỉ làm trò cười cho thiên hạ. 

 Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,

 NXB Thông tấn

(1) Dựa theo truyện Ốc và Cốc

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ Ốc không nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu

Có thể bạn thích