Thành ngữ chỉ những người mối lái trong việc dựng vợ gả chồng, xe duyên cho đôi lứa.

Chuyện kể:

Tương truyền Vi Cố, đời nhà Đường, bên Trung Quốc, một hôm gặp một bà già chột mắt ẵm đứa bé đi qua chợ. Một người không rõ ở đâu đến bảo: “Đứa bé sau này sẽ là vợ anh”.

Giận quá, Vi Cố cho đầy tớ đi giết đứa bé. Người đầy tớ lùng sục, rồi lén đâm đứa bé, sau đó bỏ trốn.

Mười bốn năm sau, Vi Cố lấy vợ. Vợ Vi Cố là Vương Thái, con quan Thái Sử Trương Châu. Cô gái có dung nhan đẹp, giữa lông mày có đính điểm một bông hoa vàng. Gạn hỏi vợ mới bảo:

- Thuở còn bé, một bà vú họ Trần bế vào chợ bị cuồng tặc đâm dao. Vi Cố bèn gạn hỏi:

- Người vú đó có phải bị chột một con mắt không?

Vợ Vi Cố trả lời:

- Đúng thế.

Chuyện cũ nhắc lại khiến Vi Cố ngày đêm lo nghĩ khôn nguôi.

Một đêm trăng sáng, Vi Cố mơ thấy có con hạc ở đâu bay đến, mời Vi Cố ngồi lên lưng rồi bay lên trời. Đến cung trăng, Vi Cố thấy một ông già quắc thước, râu trắng như cước và một bà lão ngồi trên hai bậc đá. Vi Cố đánh bạo hỏi ông cụ:

- Dám hỏi hai cụ làm gì ở đây và tên họ là gì?

Cụ già điềm tĩnh đáp:

- Ta là lão Tơ, còn kia là Nguyệt lão. Chúng ta chỉ có một việc là xe duyên.

Vi Cố lại hỏi tiếp:

- Hai cụ xe duyên thế nào?

Cụ già đáp:

- Cứ đợi đấy sẽ biết!

Một lúc sau, có đôi trai gái từ đâu tới. Lão Tơ lấy ra một sợi tơ hồng trong một cái giỏ buộc hai cổ chân của đôi nam nữ lại với nhau. Đoạn Nguyệt lão vẩy lên tóc của hai người một thứ nước tiên, rồi hai người ra đi. Cứ thế, chốc chốc lại có một đôi trai gái đến để được buộc tơ hồng vào cổ chân rồi lại được vẩy lên tóc một thứ nước thơm. Lúc vãn việc cụ già nói với Vi Cố:

- Họ đã thành vợ thành chồng rồi đấy.

Tỉnh giấc, nghĩ cái duyên của mình với người con gái ngày xưa mà mình cố ý lén cho người đâm chết, chính lại là vợ mình, mới cho rằng “tình duyên là do trời xe nên”. Đó cũng là nhân là nghĩa, những đôi trai gái mà Vi Cố đã gặp trên cung trăng cũng là duyên phận. Nghĩ mình, Vi Cố mới hết sức lập ra người mối lái, giống như ông Tơ, bà Nguyệt trên trời để se duyên kết chỉ cho các đôi trai gái, và cũng đặt tên cho người mối lái xe duyên là ông Tơ, bà Nguyệt. Ông Tơ, bà Nguyệt ở dưới trần gian do Vi Cố lập ra dùng chỉ hồng buộc cổ tay cho các đôi trai gái hoặc dùng cau trầu đặt lễ để bắt mối se duyên.

Vi Cố hết sức mãn nguyện và cảm ơn hạc trời đa đưa ông lên tận ông Tơ, bà Nguyệt để học cách xe duyên.

Trải qua nhiều đời, ông Tơ, bà Nguyệt hay còn gọi là ông mối, bà mối vẫn còn lưu truyền. (1)

Mối lái với nhân duyên là chuyện gắn bó với nhau. Nét văn hóa đẹp lưu giữ muôn đời và được thêu dệt từ những sợi tơ hồng và ánh trăng, với nước thơm. Đó là tình yêu lung linh bền chặt. Tuy nhiên trong thực tế, càng ngày trai gái càng có nhu cầu tự mình tìm và lựa chọn, quyết định người bạn đời của mình nên vai trò ông Tơ, bà Nguyệt ít được nói đến. Thậm chí, khi xe duyên, nếu không xuất phát từ tình yêu thì cũng thật trớ trêu.

 Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,

 NXB Thông tấn

(1): Theo truyện “Nguyệt Lão” – “Điển tích Văn học” Mai Thục- Đỗ Đức Hiểu- NXB Văn học, 1997

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích