Những Người Khốn Khổ
Chương XII & XIII

DocSachHay.net

ốtxuyê nói thầm vào tai Côngbơphe:

- Hắn không trả lời tôi.

- Đó là một con người làm việc thiện bằng súng, Côngbơphe đáp.

Ai còn giữ kỷ niệm về cái thời đã xa xôi ấy đều biết bọn quốc dân quân ở ngoại ô đã đánh lại các cuộc bạo khởi một cách can đảm. Nó đặc biệt hung hăng và gan dạ trong những ngày tháng sáu 1832. Bạo khởi đã khiến cho “doanh nghiệp” của hắn ta đóng cửa, thì cái lão chủ quán hiền đã trở thành dữ như hùm khi thấy phòng nhảy của mình trống không và quyết tử chiến đấu để bảo vệ cho trật tự xã hội, tượng trưng ở cái quán rượu. Ở cái thời vừa tầm thường vừa oanh liệt đó, đối diện với những hiệp sĩ của tư tưởng là những tráng sĩ của quyền lợi. Động cơ tuy tầm thường nhưng hành động vẫn là dũng cảm. Chồng bạc bớt chiều cao làm cho các chủ ngân hàng hát khúc Mácxâyde. Người ta đổ máu một cách tình tứ cho cái quầy đếm bạc, và người ta bảo vệ với một hào khí cổ đại của tổ quốc thu nhỏ ở cái hiệu buôn kia.

Phải nói rằng suy cho cùng thì tất cả những cái ấy đều có lý do nghiêm túc. Đó là sự xung đột của các nhân tố xã hội trong khi chờ đợi đạt thế cân bằng.

Một dấu hiệu khác của thời đại là tình trạng vô chính phủ trong phái chính phủ (“phái chính phủ” là cái tên dã man của đảng nghiêm chỉnh). Người ta ủng hộ trật tự một cách vô kỷ luật. Theo lệnh của một đại tá quốc dân quân nào đó, trống tập đánh liên hồi, tùy sở thích, đại úy này xông vào vòng lửa đạn tùy hứng, quốc dân quân nọ chiến đấu vì lý tưởng và vì quyền lợi của riêng mình. Trong những giờ phút khủng hoảng, trong những “ngày” dâng hiến, người ta tuân theo bản năng hơn là mệnh lệnh của cấp chỉ huy. Trong đạo quân bảo vệ trật tự, có những dân quân du kích thực sự, du kích bằng lưỡi gươm như Phannicô, hoặc du kích bằng ngòi bút như Hăngri Phôngphređơ.

Văn minh – hại thay văn minh vào thời ấy là một kết hợp những quyền lợi chứ không phải là một kết hợp những nguyên lý – văn minh đang lâm nguy hay tưởng là lâm nguy. Nó kêu báo động; ai cũng trở thành một trung tâm và lo bảo vệ nó, bảo vệ nó, che chở nó theo cách của mình. Người nào cũng tự nhận có nhiệm vụ cứu vãn xã hội.

Một đôi khi vì tích cực mà họ gây ra thảm họa tàn sát. Một toán quốc dân quân nào đó đã tự ban cái quyền lập tòa án binh và trong năm phút đã xét xử và hành quyết trong trường hợp họ nảy ra một sáng kiến tương tự như vậy. Đó là cái luật Lynsơ[1] dữ tợn mà không một phái nào có quyền trách cứ các phái khác bởi vì nếu phái cộng hòa áp dụng nó ở Mỹ thì phái dân chủ áp dụng nó ở Chân Âu. Luật Luynsơ đã vậy lại còn thêm tai họa do những lầm lẫn nữa. Trong một ngày bạo khởi, nhà thơ trẻ Pôn Emê Gácniê bị người ta vác lưỡi lê đuổi bắt tại quảng trường Rôian, may nhờ trốn vào cái cổng xe nhà số 6 mà thoát nạn. Những người săn đuổi thét: - Hắn cũng là một thằng Xanh Ximông nữa! Và muốn giết anh. Chỉ vì anh ta cắp nách một cuốn hồi ký của công tước Xanh Ximông[2].

Một quốc dân quân đã đọc thấy cái tên Xanh Ximông trên bìa sách và hắn thế là hắn kêu: sát! Sát!

Ngày 6 tháng sáu năm 1832, một đại đội quốc dân quân ngoại ô do đại uý Phannicô – người mà chúng tôi đã nói ở trên – chỉ huy, đã vì cao hứng mà tự nguyện nhường quân ở phố Săngvrơri: chuyện này tuy kỳ lạ, nhưng đã được xác nhận bởi cuộc điều tra tư pháp sau vụ khởi nghĩa năm 1832. Đại úy Phannicô là một anh tư sản nóng nảy và táo bạo, một thứ lính đánh thuê của một nền trật tự xã hội, trong loại mà chúng tôi vừa nêu ra, một anh thuộc phái chính phủ, cuồng tín và vô kỷ luật. Phannicô lấy làm thích thú được nổ súng trước giờ và có tham vọng, chỉ một mình, nghĩa là đối với đại đội của y, hạ chiến lũy. Tức tối vì thấy lá cờ đỏ là cái áo dạ cũ, mà anh cho là một lá cờ đen, thay nhau xuất hiện, anh chỉ trích công khai các tướng lĩnh và tư lệnh binh đoàn. Vì những vị này hội ý với nhau thấy chưa phải lúc tiến công nên để cho “cuộc khởi nghĩa  rệu rã”, theo cách nói của một người được truyền tụng trong bọn họ. Riêng đại úy thì nghĩ cái chiến lũy đã chín muồi rồi, cái gì cũng phải rụng, cho nên y chọc thử.

Những người y chỉ huy cũng là những người cùng quả quyết như y, những người “hăng máu”, như một dân chúng đã gọi. Chính đại đội của y đã bắn Giăng Pruve. Đó là đại đội I của cái tiểu đoàn dân quân ở góc phố. Lúc bất ngờ nhất, đại úy xua quân lên đánh vào chiến lũy. Cuộc hành quân nhiều thành ý nhưng mà thiếu chiến lược này đã gây tổn thất lớn cho đại đội. Tiến chưa được hai phần ba đường phố, nó đã được một loạt  súng từ chiến lũy chặn đón. Bốn tên lính, trong số gan dạ nhất, chạy hàng đầu, bị đạn tầm gần ngã quay quay dưới chân chiến lũy. Đám quốc dân quân can đảm mà ô hợp, gồm những người bạo gan nhưng không kiên gan như quân nhân, sau mấy phút do dự, đã tháo lui, bỏ lại trên mặt đường mười lăm xác chết. Những phút do dự đó đã đủ cho nghĩa quân nạp lại đạn vào súng. Thế là một loạt đạn thứ hai vô cùng lợi hại đã vãi vào đại đội trước khi nó trở về trước góc phố và là nơi ẩn nấp. Trong một lúc, đại đội đã bị kẹt giữa hai luồng đạn vì cỗ súng đại bác không nhận được lệnh, vẫn không ngừng bắn và đạn ghém của nó xả vào đại đội. Anh chàng Phannicô táo tợn và dại dột là một trong những người chết vì đạn ghém. Khẩu đại bác, tức là trật tự, đã giết anh ta.

Cuộc xung kích điên cuồng vô cùng hiệu lực ấy làm cho Ănggiônrátx bực tức. Anh nói: - cái lũ ngu! Chúng hy sinh người của chúng và làm tổn hại đạn dược của ta mà chẳng ích lợi gì!

Ănggiônrátx nói năng giống như một tướng chỉ huy bạo động. Quân khởi nghĩa và quân đàn áp khí giới không đồng đều. Nghĩa quân chỉ có một số đạn nhất định để bắn và một số chiến sĩ nhất định để hy sinh, do đó chóng bị hao hụt. Một túi đạn trút sạch, một con người ngã xuống đều không thay thế được. Cánh trấn áp thì không cần tính số người vì có cả quân đội, không cần tính số đạn vì có kho đạn Vanhxen. Nghĩa quân có bao nhiêu chiến sĩ thì quân trấn áp có bấy nhiêu trung đoàn, nghĩa quân có bao nhiêu đạn thì quân trấn áp có bấy nhiêu kho thuốc đạn. Cho nên những cuộc chiến đấu một chống trăm này luôn luôn kết thúc bằng sự hủy diệt của các chiến lũy, trừ khi cách mạng đột nhiên đứng dậy ném vào cán cân lực lượng cây gươm thần rực lửa của mình. Điều đó từng xảy ra. Lúc đó tất cả đều đứng lên, đá đường sôi sục, chiến lũy nhân dân mọc lên tua tủa. Pari rung động oai hùng, lửa thiêng[3] xuất hiện, một ngày 10 tháng tám bàng bạc trong không khí. Một ánh sáng thần kỳ tỏa ra, cái mõm há hốc của vũ lực lùi lại, và con sư tử quân đội nhìn thấy, ở trước đầu mình, nhà tiên tri, bình tĩnh và vững chãi, nước Pháp.

 

XIII

ÁNH SÁNG LƯỚT QUA

Gì cũng có trong mớ tình cảm và nhiệt tình hỗn độn của mớ bảo vệ một chiến lũy: dũng cảm, trẻ trung, danh dự, hưng phấn lý tưởng, tình trạng say máu của người đánh bạc, nhất là những cơn hy vọng.

Vào lúc không ai chờ đợi thì một cơn hy vọng, một luồng tin tưởng rung động như vậy đã đến bất thình lình với chiến lũy Săngvrơri. Ănggiônrátx luôn luôn nghe ngóng bỗng dưng kêu lên:

- Hãy lắng tai nghe, hình như Pari đã tỉnh dậy.

Quả là trong buổi sớm ngày 6 tháng sáu, cuộc khởi nghĩa có tăng mức độ chút ít. Chuông đổ liên hồi trong nhà thờ Xanh Meri có thổi nóng lên một số mong muốn mơ hồ. Một số chiến lũy bắt đầu nhóm lên ở phố Poariê và phố Graviliê. Trước cửa đài Xanh Máctanh một chàng thanh niên với chỉ một cây súng, đã tấn công vào cả một tiểu đoàn kỵ binh. Trống trải giữa đại lộ, anh ta quì gối, nâng súng lên vai bắn chết viên tiểu đoàn trưởng và quay lại nói: Thế là chết thêm một thằng không thể giết hại chúng ta. Anh bị bắn chết. Ở phố Xanh Đơni, một phụ nữ sập cửa chớp, nép ở sau để bắn vào một đội cảnh vệ thành phố. Cứ mỗi phát súng bắn ra là thấy các lá chớp rung động. Một chú bé mười bốn bị bắt ở phố Cốtxnônơri với các túi áo đầy đạn súng trường. Nhiều bót gác bị tấn công. Một trung đoàn giáp kỵ, có tướng Cavenhắc đơ Baranhơ[4] đi đầu, vừa đến đầu phố Becstanh- Poarê thì bị một loạt súng dữ dội và bất ngờ bắn đón. Phố Plăngsơ Mibrê, từ các mái nhà người ta vất mảnh sành và nồi chảo xuống đầu binh lính. Điềm xấu rồi! Khi người ta báo cáo sự việc này cho thống chế Xun[5] người tướng già của Napôlêông đâm ra nghĩ ngợi vì nhớ câu nói của Xuysê[6]: khi bọn bà già đổ bô nước tiểu của họ xuống đầu ta thì ta không còn cách gì thắng nữa!

Những triệu chứng chung hiện ra trong lúc người ta nghĩ rằng cuộc bạo động đã  bị giới hạn, cơn sốt giận dữ đã trở lại thắng thế, những tàn đốm bay đây đó trên những đống nhiên liệu sâu dày là những khu ngoại ô, tất cả những cái đó khiến cho các tướng lĩnh lo ngại. Họ phải vội vã giập tắt những đám cháy bắt đầu kia. Họ hoãn cuộc tấn công vào các chiến lũy ở Môbuyê, Săngvrơri và Xanh Meri lại, cho đến khi diệt câm các đám nổ nhỏ kia xong, để rồi lúc ấy chỉ còn đối phó với các chiến lũy kia mà thôi, và có thể đập tan cả trong một trận. Họ tung nhiều đoàn quân vào các đường phố đang lên men, quét các phố lớn, sục sạo các phố nhỏ, xông trái, tạt phải, khi thì từ từ và thận trọng, khi thì xung phong. Bộ binh phá cửa các nhà đã bắn ra, trong lúc đó kỵ binh hành quân giải tán các đám đông trên đại lộ. Các trấn áp dĩ nhiên là ồn ào và không tránh khỏi tiến huyên náo đổ vỡ đặc biệt khi có xung đột giữa nhân dân và quân đội. Đó là tiếng Ănggiônrátx đã nghe thấy giữa các loạt súng trường và súng đại bác cách quãng. Ngoài ra, anh có thấy những cáng tải thương đi qua ở cuối phố và anh nói với Cuốcphêrắc: - Những thương binh đó không do ta bắn.

 Hy vọng không được lâu; ánh sáng tắt nhanh chóng. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, ánh rạng trên không trung biến mất, như một ánh chớp không có sét đánh. Và nghĩa quân cảm thấy tấm áo chì lại đè xuống người họ. Tấm áo chì làm bằng sự hờ hững của nhân dân đối với những kẻ cố thủ bị bỏ rơi.

Cuộc vùng dậy rộng lớn hiện ra lờ mờ rồi tắt non mất, và bây giờ tâm trí bộ trưởng bộ chiến tranh cũng như chiến lược các tướng lĩnh tập trung vào ba hay bốn cái chiến lũy còn đứng vững.

Mặt trời đã lên cao.

Một nghĩa quân gọi Ănggiônrátx.

- Đói lắm. Như thế này thì chúng ta sẽ chết mà không được ăn hay sao?

Ănggiônrátx vẫn chồm trên quãng xẻ ở đầu tường, mắt không rời đầu kia đường phố, gật đầu đáp lại.

 


[1] một điều luật tố tụng ở Hoa Kỳ, cho phép công chúng bắt, xét xử và hành quyết ngay người phạm tội

[2] Công tước Xanh Ximông, sống vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nhà văn, nhà triết học, là một trong những người khởi xướng chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp

[3] nguyên văn La tinh: quid divinum: cái gì thần linh

[4] trong những ngày tháng 6 năm 1848 sau này, được chính phủ đệ nhị Cộng hòa giao trấn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân Pari, nổ ra sau cuộc thải hồi 12 vạn thợ; đã cải biến cuộc “chiến tranh đường phố” và áp dụng phổ biến lối dùng đại bác bắn thia lia đạn ghém vào các chiến lũy, tàn sát nghĩa quân và dân phố. Hắn bị nhân dân oán ghét và Mác lên án trong cuốn “Ngày 18 tháng sa mù của Luy Bôngpác”

[5] tướng của Napôlêông trước cầm quân xâm lược Tây Ban Nha, lúc này đang làm bộ trưởng Bộ chiến tranh

[6] tướng của Napôlêông ừng chiến đấu ở Tây Ban Nha) ở Xaxagốtxơ (thành phố ở Tây Ban Nha, đã chống cự oanh liệt quân của Napôlêông

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những Người Khốn Khổ Chương XII & XIII

Có thể bạn thích