Những Huyền Thoại
Cuộc Đua Xe Đạp Vòng Quanh Nước Pháp Như Bản Anh Hùng Ca

Cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp như bản anh hùng ca

CÓ một danh mục Cuộc đua Vòng quanh nước Pháp mà riêng bản thân nó đã cho ta thấy Cuộc đua là một bản anh hùng ca lớn. Tên các tay đua dường như phần lớn đến từ thời xửa thời xưa khi nòi giống chỉ vang lên qua một số ít âm vị tiêu biểu (Brankart le Franc, Bobet le Francien, Robic le Celte, Ruiz l’Ibère, Darrigade le Gascon*). Thế rồi các tên tuổi đó trở đi trở lại mãi trong suốt cuộc đua đầy biến cố ngẫu nhiên, chúng tạo thành những điểm cố định có nhiệm vụ gắn kết sức bền bỉ nhất thời, sôi nổi với bản chất vững chắc của các tính cách lớn, như thể con người trước hết là một cái tên nó làm chủ được các sự kiện: Brankart, Geminiani, Lauredi, Antonin Rolland, các tên tuổi đó giống như những ký hiệu đại số biểu thị giá trị, sự trung thực, thói phản trắc hoặc tính kiên cường. Khi Tên của tay đua đồng thời vừa bao hàm nội dung vừa được tỉnh lược thì nó tạo thành hình ảnh chủ yếu của ngôn ngữ thơ ca thực sự, cho chúng ta biết về một thế giới rốt cuộc không cần thiết miêu tả nữa. Sự kết tinh dần dà những phẩm chất của tay đua vào cái âm của tên anh ta rốt cuộc làm tiêu tan hết ngôn ngữ định tính: lúc bắt đầu nổi danh, các tay đua còn được gọi kèm theo một tính từ chỉ bản chất. Về sau, điều đó không còn cần thiết. Người ta nói Coletto hào hoa hoặc Van Dongen người Batave*; còn với Louison Bobet, người ta chẳng thêm gì nữa.

Thực ra, việc giảm thiểu tên gọi là cách đi vào lĩnh vực anh hùng ca: Bobet trở thành Louison, Lauredi thành Nello và Raphael Geminiani, nhân vật nhiều đức tính vì vừa tốt bụng vừa can trường thì khi được gọi là Ralph, khi được gọi là Gem. Những tên gọi ấy nhẹ nhàng, hơi âu yếm và hơi bỗ bã; chỉ với một âm tiết, chúng nói lên giá trị siêu phàm và sự mật thiết rất người đời, nhà báo tiếp xúc thân tình, phần nào như các nhà thơ La Mã đến với César* hoặc Mécène*. Tên gọi ngắn gọn của tay đua xe đạp là hỗn hợp của chất bỗ bã, chất ngưỡng mộ và chất đặc quyền như dân chúng ngước nhìn các thần thánh.

Tên gọi gọn nhẹ thật sự được mọi người biết đến; nhờ nó mà tay đua được bước vào tiền sảnh của các anh hùng. Bởi vì địa điểm anh hùng ca thực thụ không phải là chiến trận, mà là lều bạt, là trước quảng trường nơi chiến binh nung nấu các ý định của mình, từ nơi đó chiến binh thét lên những lời lăng mạ, những lời thách thức và những lời tâm tình. Cuộc Đua vòng quanh nước Pháp biết rất rõ niềm vinh quang ấy của cuộc sống riêng tư giả tạo, nơi điều lăng nhục và cảnh ôm hôn là những hình thức gia tăng của mối quan hệ giữa người với người: trong một chuyến đi săn ở vùng Bretagne*, Bobet, hào hiệp, đã công khai chìa bàn tay ra với Lauredi, và Lauredi cũng công khai chẳng kém từ chối không chịu bắt tay. Các xích mích như trong những thiên anh hùng ca của Homère* ấy đối trọng với những lời các ông lớn tâng bốc lẫn nhau bên trên đám công chúng. Bobet nói với Koblet: “tao tiếc cho mày”, và riêng cái từ đó cũng phác ra thế giới anh hùng ca, nơi kẻ thù chỉ được xác lập căn cứ vào mức độ lòng quý mến của người ta đối với mình. Chính vì trong cuộc Đua vòng quanh nước Pháp có rất nhiều vết tích thần phục, cái quy chế có thể nói là kết nối da thịt với nhau giữa người với người, Người ta ôm hôn nhau rất nhiều trong cuộc Đua. Marcel Bidot, chỉ đạo viên kỹ thuật của đoàn Pháp, ôm hôn Gem sau một chiến thắng, và Antonin Rolland đặt một cái hôn nồng nhiệt lên chiếc má hõm của chính tay Geminiani ấy. Ôm hôn ở đây là biểu hiện tâm trạng vô cùng sảng khoái trước thế giới anh hùng ca hoàn hảo vừa xong. Trái lại, cần tránh sáp nhập vào niềm hạnh phúc anh em ấy tất cả những tình cảm bè lũ trỗi dậy giữa các thành viên trong cùng một đoàn; những tình cảm ấy hỗn độn hơn nhiều. Thực ra, sự hoàn hảo của các mối quan hệ công khai chỉ có thể diễn ra giữa những ông lớn; khi các “đầy tớ” bước ra sân khấu là anh hùng ca thoái hoá thành tiểu thuyết ngay.

Đến như địa bàn của cuộc Đua cũng hoàn toàn lệ thuộc vào tính thiết yếu anh hùng ca của thử thách. Các môi trường và địa hình được nhân cách hoá, bởi vì chính là con người phải đọ sức với chúng và cũng như trong mọi anh hùng ca, cuộc đối chọi cần thiết là phải diễn ra giữa những thế lực ngang tài ngang sức: vậy con người được thiên nhiên hoá, Thiên nhiên được nhân tính hoá. Các đường dốc thì hiểm độc, rút lại thành những “tỷ lệ phần trăm” ương ngạnh hoặc chết người, và các chặng đường, chặng nào trong cuộc Đua cũng có tính thống nhất của một chương tiểu thuyết (thực vậy, vấn đề là một tiến trình anh hùng ca, một phép cộng những gian nan quyết liệt, chứ không phải là diễn biến biện chứng của một xung đột duy nhất, như trong tiến trình bi kịch), các chặng đường trước hết là những nhân vật thực thụ, hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, được cá thể hoá bằng cách hỗn hợp hình thái và tinh thần, điều đó xác định Thiên nhiên anh hùng ca. Chặng đua bù xù, nhầy nhụa, nắng cháy, lởm chởm, v.v., toàn những tính từ chỉ tính chất thuộc lĩnh vực hiện sinh và nhằm nói lên rằng tay đua đương đầu, không phải với khó khăn này hay khác về thiên nhiên, mà là với yếu tố hiện sinh thật sự, một yếu tố thực thể, mà anh đồng thời vừa phải nhận thức vừa phải phán đoán.

Tay đua bắt gặp trong Thiên nhiên môi trường sống động nơi anh trao đổi dinh dưỡng và ảnh hưởng. Chặng dọc bờ biển kia (Le Havre-Dieppe) sẽ “có i-ốt”, sẽ mang lại cho cuộc đua nghị lực và màu sắc; chặng khác (miền Bắc) gồm những con đường lát đá, sẽ là món ăn cứng đanh, xương xẩu: chặng ấy sẽ đích thị là “khó nhá”; chặng khác nữa (Briançon-Monaco), toàn nham thạch, như thời tiền sử, sẽ vít tay đua lại. Tất cả các chặng ấy đều đặt vấn đề phải tiêu hoá, tất cả bằng thao tác thơ ca thật sự đều được xem như chất liệu sâu xa, và đối mặt với các chặng ấy, tay đua mò mẫm tìm cách tự xác định mình như một con người tổng thể đương đầu với một Thiên nhiên-chất liệu, chứ không phải chỉ là Thiên nhiên-đối tượng. Do vậy điều quan trọng là các động tác tiếp cận chất liệu: tay đua luôn được thể hiện ở trạng thái nhấn chìm chứ không phải ở trạng thái chạy: anh ta nhào xuống, anh ta băng qua, anh ta bay, anh ta xâm nhập, chính mối ràng buộc với mặt đất xác định anh ta, thường là những lúc kinh hoàng và cận kề cái chết (cú đổ dốc khủng khiếp trên Monte-Carlo, canh bạc trên dây Esterel).

Chặng đua bị nhân cách hoá mãnh liệt nhất là chặng núi Ventoux. Các đèo cao trên dãy Alpes hoặc dãy Pyrénées, dù cheo leo đến mấy, vẫn chỉ là những đường hẻm; chúng được cảm nhận như các vật thể phải băng qua; đèo là cái hố, nó khó được gọi là người; còn núi Ventoux thì đúng là núi, đó là một vị chúa ác, phải liều mạng thôi. Đích thực là Moloch*, bạo chúa của các tay đua, hắn chẳng bao giờ tha thứ cho những kẻ yếu đuối, hắn đòi phải cống nạp những chịu đựng quá quắt. Về hình thể, núi Ventoux thật kinh người: hói trọc (bị chứng vẩy cứng da đầu, tờ équipe bảo thế), hắn chính là linh hồn của Khô khan; khí hậu khắc nghiệt của hắn (hắn là bản chất của khí hậu hơn là một không gian địa lý) khiến hắn trở thành mảnh đất chết tiệt, nơi thử thách của người anh hùng, một cái gì đó như địa ngục trên cao, ở đấy tay đua sẽ xác định cứu tinh của mình là đâu: anh ta sẽ chiến thắng con rồng, hoặc nhờ một vị thần giúp đỡ (Gaul, bạn của Phoebus), hoặc chỉ thuần tuý nhờ vào sự dũng mãnh vô song, đem đối chọi với vị chúa ác kia một con quỷ còn cứng cổ hơn (Bobet, quỷ Satan của xe đạp).

Vậy là cuộc Đua vòng quanh nước Pháp có địa bàn anh hùng ca Homère thật sự. Cũng như trong Odyssée, ở đây cuộc đua vừa là chuyến đi dài đầy thử thách vừa là cuộc thám hiểm toàn diện các ranh giới thế gian. Ulysse* đã nhiều lần đến tận các cổng Trời*. Cuộc Đua cũng thế đi sượt qua nhiều điểm ngoài cõi trần gian; người ta kể rằng trên núi Ventoux họ đã rời hành tinh Trái đất, họ đã tiếp cận với các vì tinh tú xa lạ. Qua địa bàn của nó, cuộc Đua là việc tổng kiểm kê các cõi nhân gian; và nếu ta sử dụng lại sơ đồ nào đấy của Vichy về Lịch sử, cuộc Đua biểu thị cái thời điểm nhập nhằng nơi con người nhân cách hoá mạnh mẽ Tự nhiên để công kích nó dễ hơn và dễ dàng thoát khỏi nó hơn.

Đương nhiên, việc gắn kết tay đua với Tự nhiên nhân dạng ấy chỉ có thể diễn ra thông qua những con đường nửa hư nửa thực. Cuộc Đua thường thực hiện năng lượng Thần linh. Sức mạnh mà tay đua có được để đương đầu với Trái đất. Người có thể có hai dạng: đó là tư thế, trạng thái cao hơn lấy đà, sự cân bằng chủ chốt giữa tính chất của cơ bắp, độ nhạy bén của trí tuệ, ý chí của tính cách; và bước nhảy vọt, là luồng điện thực sự mà các tay đua được thần thánh ưu ái thỉnh thoảng truyền cho khiến những lúc ấy họ thực hiện được các kỳ tích siêu phàm. Bước nhảy vọt có liên quan đến lĩnh vực siêu nhiên, con người thành công chừng nào được một vị thần giúp đỡ: đó là bước nhảy vọt mà bà mẹ của Brankart đến giáo đường Chartres cầu xin Nữ thánh Đồng Trinh cho con trai bà, và Charly Gaul, người được hưởng vô vàn ân sủng, chính là chuyên gia nhảy vọt; anh nhận được luồng điện do chốc chốc lại giao tiếp với các thần thánh; đôi khi các thần thánh nhập vào anh và anh làm cho mọi người thán phục; đôi khi các thần thánh rời bỏ anh, bước nhảy vọt cạn kiệt. Charly chẳng còn làm được gì nên hồn nữa.

Có một kiểu chơi nhại kinh khủng bước nhảy vọt, đó là cho dùng thuốc kích thích: cho tay đua dùng thuốc kích thích cũng là có tội, cũng phạm thượng như muốn bắt chước Thượng đế; đó là đánh cắp đặc quyền có tia lửa của Thượng đế. Và Thượng đế lúc đó biết trả thù: anh chàng Malléjac tội nghiệp biết rõ là dùng chất kích thích dẫn đến chỗ phát điên (hình phạt những kẻ đánh cắp lửa). Trái lại, Bobet lạnh lùng, duy lý, chẳng mấy khi biết đến bước nhảy vọt: đó là một đầu óc mạnh mẽ, tự mình làm công việc của mình; Bobet, chuyên gia về tư thế, là một anh hùng hoàn toàn mang chất người, không nhờ cậy gì vào siêu nhiên và giành các chiến thắng chỉ do những phẩm chất trần thế, được tăng cường nhờ chất nhân văn cao độ: đó là ý chí. Gaul là hiện thân của cái Chí tôn, cái Thiêng liêng, cái Kỳ diệu, sự Tuyển lựa, việc hiệp lực với các thần thánh; Bobet là hiện thân của cái Chính trực, cái Chất người. Bobet chối từ các thần thánh, Bobet làm rạng rỡ đạo lý của chỉ con người mà thôi. Gaul là một thượng đẳng thần, Bobet là kẻ mang tầm vóc Prométhée, đó là một Sisyphe* rất có thể xô đổ tảng đá lên chính các thần thánh đã xử phạt y chỉ được phép là một con người tuyệt vời.

Tính năng động của cuộc Đua thì rõ ràng diễn ra như một cuộc chiến, nhưng là một cuộc đối đầu đặc biệt, cuộc chiến chỉ gay cấn ở bối cảnh hoặc các chặng của nó, chứ nói đúng ra không phải ở các trận giao tranh. Tất nhiên, cuộc Đua có thể so sánh với một đạo quân hiện đại ở tầm quan trọng của các khí tài và con số các lính pháo thủ; cuộc Đua có đoạn gây chết chóc, có những lúc cả nước lo sợ (nước Pháp bị bao vây bởi các corridori của Signor Binda, lãnh đạo đoàn đua Squadra của Italia), và người anh hùng đối mặt với thử thách trong trạng thái như César, gần với cái bình tĩnh thần thánh quen thuộc với Napoléon của Hugo* (“Gem mắt sáng quắc nhào xuống cái dốc nguy hiểm trên Monte-Carlo”). Tuy nhiên không vì thế mà chuyện xung đột trở nên khó nắm bắt và chẳng xảy ra trong một quãng thời gian. Trong thực tế, tính năng động của cuộc Đua chỉ diễn ra ở bốn động thái: dẫn đầu, bám riết, bứt phá và suy sụp. Dẫn đầu là hành vi gay go nhất, mà cũng vô tích sự nhất; dẫn đầu là luôn luôn hy sinh mình; đó là tính chất anh hùng thuần tuý, nhằm tỏ rõ tính cách hơn là bảo đảm kết quả; trong cuộc Đua, vinh quang không trao thưởng trực tiếp, nó thường bị cắt giảm bởi các chiến thuật tập thể. Bám riết, trái lại, bao giờ cũng có chút hèn nhát và chút phản trắc, do tính chất muốn ngoi lên chẳng quan tâm đến danh dự: bám riết dai dẳng, gây phiền nhiễu, rõ ràng là thuộc về cái ác (hổ thẹn cho những “kẻ mút bánh xe”). Bứt phá là giai đoạn nên thơ, nhằm biểu dương sự đơn độc có dụng ý, vả lại ít hiệu quả, vì hầu như luôn luôn bị bắt kịp, nhưng vẫn vẻ vang vì danh dự hão (một mình bứt lên của tay đua Tây Ban Nha Alomar: rạp người xuống, bốc lên cao của người anh hùng theo kiểu Montherlant). Suy sụp báo trước sự bỏ cuộc đua, nó luôn luôn khủng khiếp, nó khiến người ta buồn rầu như cuộc thua chạy tán loạn: ở chặng núi Ventoux, một số suy sụp mang tính chất “Hiroshima”. Bốn động thái ấy rõ ràng được kịch tính hoá, được miêu tả bằng từ vựng khoa trương của cơn biến động: thường thường một trong số mấy động thái ấy, được hình tượng hoá, để lại tên cho chặng đua, cũng như cho chương của một tiểu thuyết (Nhan đề: Kubler guồng pê-đan hối hả). Vai trò của ngôn ngữ ở đây vô cùng to lớn, chính nó đem lại cho sự kiện, vốn không nắm bắt được vì không ngừng bị tiêu tan trong thời gian, tính chất gia tăng anh hùng ca nhờ đó mà sự kiện được kết tinh.

Cuộc Đua có đạo lý mập mờ: những đòi hỏi có tính chất hiệp sĩ không ngừng kết hợp với các nhắc nhở tàn bạo của đầu óc chỉ cốt thành công. Đó là đạo lý không biết hoặc không muốn lựa chọn giữa được khen ngợi là tận tâm tận lực với việc sử dụng những kinh nghiệm cần thiết. Sự hy sinh của một tay đua vì thành công của toàn đội, dù là do tự ý mình hay do lệnh của chỉ huy (chỉ đạo viên kỹ thuật) luôn luôn được tán dương, nhưng bao giờ cũng có tranh cãi. Sự hy sinh là lớn lao, cao thượng, là minh chứng to lớn thể hiện đạo lý trọn vẹn trong thể thao đồng đội; nhưng nó cũng trái với một giá trị khác cần thiết cho truyền thuyết viên mãn của cuộc Đua: đó là tính chất hiện thực. Người ta không xen tình cảm vào trong cuộc Đua, đó là luật lệ để cho cảnh tượng gây hứng thú. Chính vì ở đây đạo lý hiệp sĩ được cảm nhận như nguy cơ của sự sắp đặt có thể có của số phận; cuộc Đua hết sức tránh tất cả những gì xem ra có thể chi phối từ trước cái ngẫu nhiên trần trụi, tàn bạo của trận đấu. Các cuộc chơi không được làm sẵn, cuộc Đua là sự đối đầu của các tính cách, nó cần đến một đạo lý của cá nhân, của cuộc chiến đơn độc cho sự sống còn: cái lúng túng và mối quan tâm của các nhà báo là làm thế nào để cuộc Đua chưa biết kết quả ra sao: trong suốt cuộc Đua năm 1955, người ta không tán thành về việc ai cũng tin rằng Bobet chắc chắn sẽ thắng. Nhưng cuộc Đua cũng là môn thể thao, nó đòi hỏi đạo đức tập thể. Chính cái mâu thuẫn nói đúng ra chẳng bao giờ giải quyết được ấy buộc truyền thuyết phải luôn luôn bàn cãi và giải thích sự hy sinh, lần nào cũng phải nhắc nhở đạo đức hào hiệp là cơ sở của sự hy sinh kia. Chính vì hy sinh được cảm nhận như một giá trị tình cảm nên cần phải không mệt mỏi biện minh cho nó.

Chỉ đạo viên kỹ thuật đóng vai trò chủ yếu ở đây: ông ta bảo đảm mối liên kết giữa cứu cánh và các phương tiện, giữa lương tâm và tính thực dụng; ông ta là nhân tố biện chứng liên kết thực tế cái ác và sự cần thiết của nó trong một nỗi day dứt duy nhất. Marcel Bidot là chuyên gia của những tình huống kiểu Comeille ấy, khi ông phải hy sinh tay đua này cho tay đua khác trong cùng một đội, và thậm chí đôi khi còn bi đát hơn phải hy sinh một tay đua cho chính anh trai anh ta (hy sinh Jean cho Louison Bobet). Thực ra, Bidot chỉ tồn tại như hình ảnh hiện thực của một tính tất yếu thuộc lĩnh vực trí tuệ, và với danh nghĩa ấy, trong một thế giới về bản chất mang tính dục vọng, nó cần sự hiện thân độc lập. Công việc được phân chia rõ ràng: với mỗi nhóm mười tay đua, cần phải có một bộ óc thuần tuý, mà vai trò lại không hề được ưu đãi, bởi trí tuệ ở đây mang tính chức năng, nó chỉ có nhiệm vụ thể hiện cho mọi người thấy bản chất chiến lược của cuộc đua tranh: vậy Marcel Bidot rốt cuộc chỉ là một người giỏi phân tích tỉ mỉ, vai trò của anh là trù tính.

Đôi khi một tay đua gánh lấy trách nhiệm đầu não: đó chính là trường hợp Louison Bobet và “vai trò” độc đáo của anh ta tất cả là ở đấy. Thông thường khả năng chiến lược của các tay đua rất yếu, không vượt quá kỹ xảo của vài ngón vớ vẫn thô thiển (Kubler pha trò để đánh lừa đối thủ). Trong trường hợp Bobet các vai trò gộp chung nháo nhào khiến anh nổi tiếng chẳng biết ở vai trò nào, còn mập mờ hơn cả sự nổi tiếng của một Coppi hay một Koblet: Bobet suy nghĩ nhiều quá, đó là người thắng cuộc, chứ không phải là đấu thủ.

Đầu óc trù tính giữa đạo lý hy sinh thuần tuý và quy luật thắng thua nghiệt ngã thể hiện một lĩnh vực tinh thần hỗn hợp, đồng thời vừa ảo tưởng vừa hiện thực, được tạo nên bởi những vết tích của nền đạo đức học rất xa xưa, có tính chất phong kiến hoặc bi kịch, và những đòi hỏi mới, phù hợp với thế giới đua tranh tổng thể. Ý nghĩa căn bản của cuộc Đua chính là ở chỗ nhập nhằng ấy: sự hỗn hợp khéo léo giữa hai lý do được viện ra, lý do lý tưởng và lý do thực tế, khiến truyền thuyết che kín được những quyết định luận kinh tế trong bản anh hùng ca vĩ đại của chúng ta bằng một tấm voan vừa đáng kính vừa gây hứng thú.

Nhưng dù sự hy sinh có nhập nhằng thế nào đi nữa, cuối cùng nó cũng lấy lại được sự minh bạch khi truyền thuyết không ngừng kéo nó về trạng thái tâm lý thuần tuý. Cuộc Đua được cứu vãn khỏi tình trạng bực mình muốn sao làm vậy, chính là nhờ ở chỗ theo định nghĩa, nó là thế giới của những bản chất tính cách. Tôi đã chỉ ra rằng những bản chất ấy được đề cao là do thuyết duy danh tuyệt diệu khiến tên tuổi của tay đua trở thành nơi lưu giữ lâu bền giá trị vĩnh hằng (Coletto, sự hào hoa; Geminiani, tính chất đều đặn; Lauredi, thói phản trắc v.v.). Cuộc Đua là sự xung đột không rõ ràng của những thực thể rõ ràng; thiên nhiên, phong tục, văn học và các quy chế lần lượt khiến những thực thể ấy có liên quan cái nọ với cái kia: cũng như các nguyên tử, chúng sượt qua nhau, ngoắc vào nhau, đẩy nhau, và chính từ cái trò đó mà anh hùng ca nảy sinh. Lát nữa dưới đây tôi đưa ra lớp từ vựng về tính cách của các tay đua, những người chí ít đã có được một giá trị ngữ nghĩa chắc chắn: mọi người có thể tin vào hệ thống loại hình ấy, nó bền vững, qua đó chúng ta biết được các thực thể. Ta có thể nói rằng ở đây, cũng như trong hài kịch cổ điển, và đặc biệt là hài kịch ứng tác, nhưng theo cách xây dựng khác hẳn (diễn tiến hài kịch vẫn là diễn tiến của một vở kịch dựa trên xung đột, trong khi diễn tiến của cuộc Đua là diễn tiến của câu chuyện trong tiểu thuyết), cảnh tượng nảy sinh từ những quan hệ lạ lùng giữa người với người: các thực thể va chạm nhau theo đủ các dạng có thể có.

Tôi tin rằng cuộc Đua là bằng chứng rõ rệt nhất xưa nay về một huyền thoại tổng thể, do đó mà mập mờ: cuộc Đua vừa là huyền thoại biểu hiện vừa là huyền thoại phóng chiếu, cùng một lúc vừa hiện thực vừa ảo tưởng. Cuộc Đua thể hiện và giải phóng người Pháp thông qua một câu chuyện duy nhất trong đó những trò bịp bợm truyền thống (tâm lý của các thực thể, đạo lý của trận đấu, ma thuật của các thành phần và các lực lượng, tôn ti trật tự của người trên kẻ dưới) pha trộn với những hình thái lợi ích thiết thực, với hình ảnh ảo tưởng về một thế giới khăng khăng tìm cách hoà giải, bằng cảnh tượng hoàn toàn minh bạch, với những quan hệ giữa con người, mọi người và Thiên nhiên. Điều tệ hại trong cuộc Đua, đó là cơ sở, là những động cơ kinh tế, là cái lợi cuối cùng của cuộc thử thách, cội nguồn sinh ra những viện cớ về tư tưởng. Dầu sao cuộc Đua vẫn là sự kiện quốc gia hấp dẫn, trong chừng mực bản anh hùng ca thể hiện cái khoảnh khắc mong manh của Lịch sử khi con người, mặc dù vụng về, bị lừa gạt, thông qua những chuyện chẳng trong sạch gì, vẫn thấy trước theo cách của mình sự tương ứng hoàn toàn giữa mình với cộng đồng và vũ trụ.

Từ vựng của các tay đua (1955)

Bobet (Jean). Tay đua kèm với Louison cũng là âm bản của Louison; anh là người hy sinh lớn của cuộc Đua. Anh phải hy sinh toàn bộ cá nhân mình cho ông anh, “vì tình anh em”. Tay đua ấy, luôn luôn nản lòng, có một nhược điểm trầm trọng: anh ta suy nghĩ. Tính chất trí thức có chứng chỉ của anh (anh là giáo viên tiếng Anh và đeo cặp kính to sụ) khiến anh có đầu óc sáng suốt tệ hại: anh phân tích nhược điểm của mình và ngẫm nghĩ thấy mất đi lợi thế của hệ thống cơ bắp vượt trội so với hệ thống cơ bắp của ông anh. Đó là một con người phức tạp, vậy là một con người không may.

Bobet (Louison). Bobet là một anh hùng tầm vóc Prométhée; anh có khí chất tuyệt vời của đô vật, có ý thức sắc bén về cách tổ chức, đó là một con người tính toán, anh thiết thực nhắm thẳng tới mục tiêu chiến thắng. Cái dở của anh, đó là tính chất suy lý manh nha (ít hơn so với ông em, vì anh chỉ đỗ tú tài); anh có lúc lo lắng, có lúc lòng kiêu hãnh bị thương tổn: đó là một người hay cáu kỉnh. Năm 1955, anh phải đương đầu với sự đơn độc nặng nề: thiếu vắng Koblet và Coppi, phải vật lộn với những bóng ma của họ, không có những đối thủ công khai, anh lực lưỡng và đơn độc, tất cả đều là đe doạ đối với anh, mối nguy hiểm có thể xuất hiện từ khắp nơi (“Tôi xem ra cần phải có những Coppi, những Koblet, bởi vì chỉ có một mình được ưu ái thì gay go quá”). Tính cách Bobet xuất hiện khẳng định một kiểu tay đua rất đặc biệt, đã có sức mạnh lại có thêm óc phân tích và tính toán.

Brankart. Tượng trưng cho thế hệ trẻ đang lên. Đã có thể làm cho các bậc đàn anh lo lắng. Tay đua xe đạp tuyệt diệu, với ý chí tiến công không ngừng tái sinh.

Coletto. Tay đua hào hoa nhất của cuộc Đua.

Coppi. Anh hùng hoàn hảo. Cưỡi trên xe đạp, anh ta có đủ mọi đức tính. Bóng ma đáng sợ.

Darrigade. Tay gác cổng bạc bẽo nhưng có ích. Kẻ phục vụ sốt sắng của Sự nghiệp tam tài*, và vì lý do đó, được tha thứ cái tội một kẻ mút bánh xe, một tên cai ngục hắc búa.

De Groot. Tay đua xe đạp đơn độc, lầm lì ít nói người Hà Lan.

Gaul. Vị thượng đẳng thần mới của núi non. Tay tráng niên vô tư lự, anh chàng đẹp như thiên thần, chàng trai mới lớn râu ria chưa có, mảnh dẻ và ngạo mạn, cậu thanh niên thiên tài, đó là Rimbaud của cuộc Đua. Có những lúc thần thánh nhập vào Gaul; khi đó những năng khiếu siêu nhiên của anh đè nặng một mối đe doạ bí ẩn lên các đối thủ. Quà tặng thần thánh ban cho Gaul, đó là sự nhẹ nhàng: Gaul duyên dáng bốc lên cao và bay lượn (mà kỳ lạ là không hề phải cố gắng chút nào), anh mang đặc tính của loài chim hay máy bay (anh duyên dáng đậu xuống những đỉnh cao của núi Alpes và các bàn đạp của anh quay tít như chong chóng). Nhưng đôi khi thần thánh cũng rời bỏ anh, lúc đó cái nhìn của anh trở nên “lơ láo một cách lạ lùng”. Cũng như mọi nhân vật huyền thoại có khả năng bay trên không trung hoặc đi trên nước, Gaul trở nên vụng về, bất lực khi ở mặt đất; năng khiếu trời cho của anh khiến anh lúng ta lúng túng (“Tôi không biết phóng xe cách nào khác ngoài cách trên núi non. Nhất là chỉ khi phóng xe lên dốc. Khi xuống dốc, tôi vụng về, hoặc có thể là nhẹ quá”).

Germiniani (tức Ralph hoặc Gem). Phóng xe hết sức đều đặn và có phần máy móc như một động cơ. Dân miền núi lương thiện nhưng không bốc lửa. Không may mắn và có thiện cảm. Ba hoa.

Hassenforder (tức Hassen Tuyệt diệu hoặc Hassen Cướp biển). Tay đua hung hăng và tự phụ (“Anh em nhà Bobet, tôi có mỗi thằng ở một cẳng chân tôi”). Đó là một chiến binh hừng hực chỉ biết chiến đấu, chẳng bao giờ vờ vĩnh.

Koblet. Anh chàng guồng pê-đan duyên dáng có thể tự cho phép làm bất cứ điều gì, kể cả không tính toán những nỗ lực của mình. Đó là tay đua chống Bobet, ngay cả khi không có mặt, anh vẫn là cái bóng đáng gờm đối với Bobet, như Coppi.

Kubler (tức Ferdi hoặc Đại bàng miền Adziwil). Có góc có cạnh, lêu nghêu, khô khan và thất thường, Kubler thuộc loại bột phát. Động thái bứt phá của anh đôi khi bị nghi ngờ là không do thực lực (anh ta có sử dụng ma tuý không?). Làm trò làm vẻ (cứ hễ thấy ai là anh lại ho sù sụ và đi khập khà khập khiễng). Vì là dân Thuỵ Sĩ, nên anh có quyền và có bổn phận nói tiếng Pháp giả cầy như các nhân vật gốc Teutons* của Balzac và những người ngoại quốc của Nữ bá tước De Ségur* (“Ferdi rủi ro, Gem luôn luôn bám sau Ferdi. Ferdi không bứt lên được”).

Lauredi. Đó là tay phản trắc, tay đáng nguyền rủa của cuộc Đua 55*. Vị thế ấy đã cho phép anh xử sự tàn bạo chẳng cần giấu giếm: anh đã muốn làm cho Bobet đau khổ bằng cách trở thành con đỉa ghê gớm bám riết sau bánh xe. Bị buộc phải bỏ cuộc: phải chăng đấy là hình phạt? dù sao đi nữa, chắc chắn đấy là lời cảnh báo.

Molineris. Con người của cây số cuối cùng.

Rolland (Antonin). Dịu dàng, kiên cường, dễ gần. Tay đua đường trường chịu đựng gian khổ, đều đặn trong các thành tích. Gregarius của Bobet. Đắn đo gay gắt kiểu Comeille: có cần hy sinh anh ta không? Sự hy sinh tiêu biểu, bởi lẽ oan ức và cần thiết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những Huyền Thoại Cuộc Đua Xe Đạp Vòng Quanh Nước Pháp Như Bản Anh Hùng Ca

Có thể bạn thích