Ông linh mục đã trở lại.

Ông ta có mái tóc bạc trắng, vẻ hiền từ, bộ mặt tử tế và đáng kính. Quả vậy, đó là con người tốt bụng và từ bi. Sáng nay tôi thấy ông ta vét túi lấy hết tiền cho tù nhân. Tại sao giọng ông ta không hề làm tôi xúc động và cũng không có vẻ xúc động. Tại sao ông ta chưa nói được điều gì có thể đi vào trí óc và trái tim tôi.

Sáng nay tôi như người mất trí. Tôi chẳng nghe được những điều ông ta nói với tôi. Tuy nhiên lời lẽ của ông xem ra đối với tôi là vô ích nên tôi dửng dưng? Chúng trôi đi như những giọt nước mưa rơi trên ô cửa kính lạnh giá.

Tuy vậy nhìn thấy ông ta trở lại với tôi ban nãy, tôi thấy dễ chịu trong người. Tôi tự nhủ: Trong số những người kia thì ông ta còn có tính người hơn cả. Ông đã chinh phục tôi bằng những lời an ủi tốt đẹp.

Hai chúng tôi đều ngồi, ông ta ngồi trên ghế còn tôi ngồi trên giường. Ông nói với tôi:

– Con của ta!…

Nghe vậy tôi như được cởi tấm lòng. Ông nói tiếp:

– Con có tin ở Chúa không?

– Có, thưa Cha.

– Con có tin ở nhà thờ Giatô theo giáo lý tông đồ và La Mã không?

– Dạ, thế nào cũng được, thưa Cha.

– Con có vẻ nghi ngờ…

Rồi ông bắt đầu nói, nói rất lâu, rất nhiều lời, rồi khi tin là đã nói hết, ông đứng dậy nhìn tôi lần đầu tiên từ khi ông bắt đầu thuyết giáo và hỏi tôi:

– Thế nào con? Tốt chứ?

Tôi trả lời là tôi đã nghe ông ta nói, trước hết là như nuốt từng lời, sau đó là hết sức chú ý, và sau nữa là hết sức thành kính.

Tôi cũng đứng dậy:

– Thưa Cha, xin Cha để con một mình ở đây.

Ông ta hỏi tôi:

– Vậy bao giờ ta trở lại?

– Con sẽ cho Cha biết sau.

Thế là ông linh mục ra khỏi phòng, không nói gì, nhưng như tự nói với mình:

– Đúng là một kẻ nghịch đạo.

Không, dù tôi đã sa đọa rồi, tôi không phải là kẻ báng bổ Thượng Đế và Chúa Trời chứng giám cho tôi là người tin ở Chúa. Nhưng còn cái ông già đó đã nói gì với tôi? Không có gì để tôi phải xúc cảm, phải mủi lòng, phải khóc lóc.

Không có gì gắn bó với tâm hồn ông từ trái tim ông truyền sang tôi. Trái lại tôi chỉ thấy lơ mơ, không có ý gì được nhấn mạnh có thể áp dụng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, lối nói kiểu cách ở những chỗ cần phải sâu sắc, nhạt nhẽo ở những chỗ phải giản dị. Một thứ thuyết giáo cảm tính, một khúc bi thương thần học, thỉnh thoảng lại trích dẫn một câu La tinh. Thánh Augustin, Thánh Grégoire, và còn gì nữa?

Vả lại ông ta có vẻ đọc thuộc lòng một bài học đã đọc hai mươi lần rồi trở lại một đề tài đã bị phai nhạt trong trí nhớ vì đã quá quen thuộc. Mắt mở mà không nhìn ai, giọng nói đều đều không nhấn mạnh, tay không cử động.

Nhưng làm sao ông ta có thể làm khác được? Ông linh mục này mang danh nghĩa cha tuyên úy nhà tù, chức nghiệp của ông là an ủi vỗ về và ông ta sẽ sống với việc đó. Những người tù khổ sai, những người sắp bị hành hình đều thuộc phạm vi giao giảng của ông. Ông nghe họ xưng tội và giúp đỡ họ vì ông có địa vị để làm công việc ấy. Ông đã già đi trong việc đưa người về cõi chết.

Từ lâu rồi ông đã quen với cái việc làm người khác rùng mình run sợ. Tóc của ông đã bạc trắng không còn mọc nữa. Nhà tù khổ sai, đoạn đầu đài là nơi lui tới hàng ngày của ông. Ông đã quá nhàm với công việc này. Chắc hẳn ông có cuốn sổ riêng, trang nào ghi tên những tù khổ sai, trang nào cho người bị án tử hình. Từ chiều hôm trước ông đã được báo ông phải an ủi người nào vào hôm sau, vào lúc mấy giờ.

Ông chỉ hỏi người đó là tù khổ sai hay bị hành hình và kiểm tra trang ghi chép của ông trong quyển sổ. Theo cách đó, những ai sẽ đến Toulon, ai sẽ ra pháp trường La Grève ông đều coi như nhau và đối với ông hay đối với họ chỉ là điều vô vị sáo mòn mà thôi.

Ôi! Tôi nghĩ đối với tôi đáng lẽ ra nên đi tìm một thầy trợ tế trẻ tuổi thay một cha xứ có tuổi nào đó trong một xứ đạo gần đây. Nếu tình cờ bắt gặp ông bên bếp lửa trong lúc ông đang đọc sách và không trông chờ một điều gì thì người ta nên nói với ông:

– Có một người sắp phải chết và ông phải ở đó khi người ta cùm tay anh ta, cắt trọc đầu anh ta. Ông phải lên xe đi với anh ta ra pháp trường cùng với cây thánh giá để che mắt anh ta không nhìn thấy đao phủ. Ông cũng phải chịu ngồi xe xóc với anh ta trên con đường lát đá đến quảng trường La Grève. Ông cùng với anh ta đi qua đám đông dân chúng tò mò chứng kiến cuộc hành hình, ông sẽ ôm hôn anh ta dưới chân đoạn đầu đài và ông sẽ ở lại đấy cho đến khi đầu rơi một nơi, thân một nơi.

Lúc đó ông ta sẽ dẫn tôi đến với ông ta trong lúc tôi đang hồi hộp, toàn thân run cầm cập từ đầu đến chân. Ông ta sẽ dang tay đón tôi, ấp ủ tôi giữa hai đầu gối của ông và ông ta sẽ khóc, cả hai chúng tôi sẽ khóc. Như thế những lời giao giảng của ông sẽ có ý nghĩa hơn, truyền cảm hơn và tôi sẽ được an ủi, nỗi đau của tôi sẽ được chia sẻ, được nguôi ngoai trong tình thương yêu đồng cảm của ông. Như thế ông ta chinh phục được tâm hồn tôi, tôi sẽ về với Chúa của ông.

Còn ông già tốt bụng này, ông ấy là gì của tôi? Tôi là gì với ông ta? Một cá thể của một loài bất hạnh, một bóng người như ông ta đã từng nhìn thấy nhiều bóng người như thế, một đơn vị thêm vào con số của những vụ hành hình.

Có lẽ tôi mắc sai lầm đã xua đuổi ông ta như thế. Chính ông là người tốt còn tôi là con người chẳng ra gì. Than ôi! Đâu phải lỗi tại tôi! Chính là hơi thở của một tử tù đã làm hỏng tất cả.

Người ta vừa đem đồ ăn đến cho tôi. Họ tưởng là tôi cần một bữa ăn thịnh soạn và cầu kỳ. Hình như có một con gà và còn nhiều thứ khác nữa. A! Tôi thử ăn một miếng xem sao, nhưng mới cho vào miệng tôi đã phải nhè ra hết. Hình như tất cả những thức ăn đó đối với tôi đều đắng ngắt và bốc mùi hôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích