Minh Triết Trong Đời Sống
Thiền Định Và Khoa Học

Richard là một thanh niên ham hoạt động. Khi còn nhỏ anh đã tập các tư thế Yoga và tham thiền, lúc trưởng thành lại say mê khoa học, kỹ thuật và làm việc cho một công ty điện tử rất lớn. Anh nói:

- Thưa bà, hình như thời gian gần đây phong trào tham thiền được phổ biến sâu rộng khắp nơi, mang lại nhiều đổi thay bất ngờ, nhanh chóng. Tôi đã thấy những nhân viên quản trị lúc nào cũng căng thẳng, khó chịu nhưng chỉ sau một khóa thiền đã trở nên vui tươi, thoải mái. Tôi muốn biết tại sao thiền định có thể giúp người ta như vậy? Tôi xem các tài liệu khoa học chứng minh rằng thiền định có thể làm hạ huyết áp, chữa nhiều bệnh tật, v.v. Mặc dù đã tham thiền từ nhỏ nhưng tôi vẫn không hiểu chuyện gì thực sự xảy ra trong lúc người ta thiền?

- Nếu anh muốn giải thích theo cách hoàn toàn khoa học thì đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng tham thiền đem lại sự quân bình cho cả hai phần phải và trái của khối óc. Trải nghiệm được trạng thái quân bình này là trải nghiệm được sự duy nhất, bất nhị, toàn vẹn, tràn đầy, quân bình các mãnh lực âm dương trong cơ thể. Một số tài liệu khoa học đã nghiên cứu mối tương quan giữa thiền định và sự rung động của bộ não như sau: Hãy tưởng tượng anh đang làm việc trong công sở, có nhiều vấn đề phải giải quyết mà không biết phải làm chuyện gì trước. Đầu óc anh bối rối, bực bội rồi điện thoại reo, anh phải trả lời. Nhìn vào thời khóa biểu, anh biết sẽ có một cuộc họp quan trọng trong vài phút nữa, anh lo lắng về việc trong sở, việc tại nhà v.v. Trong tình trạng đó, nếu có một điện não đồ để đo mức độ rung động, làn sóng trong óc anh thì nó sẽ ghi nhận sự rung động ở mức 22 chu kỳ trong một giây hay ở mức Beta. Sau khi đi làm, trở về nhà, ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi thoải mái cho thư giãn thì mức độ rung động ở óc anh sẽ hạ thấp xuống khoảng 10 chu kỳ trong một giây hay ở mức Alpha. Nếu tham thiền, tập trung tư tưởng vào một hình ảnh đẹp đẽ như một bông hoa, một câu thần chú, hay quán niệm hơi thở, thể xác anh ngồi yên bất động, tâm trí lặng yên, không bị những tư tưởng lộn xộn xâm nhập thì mức độ rung động của các làn sóng trong óc sẽ được ghi nhận khoảng 4 chu kỳ trong một giây hay ở mức Theta. Nếu là một hành giả đã thiền định nhiều năm, nhập thiền dễ dàng, mức tập trung hoàn hảo, không còn phân biệt chủ thể hay đối tượng mà đạt đến trạng thái bất nhị, hòa nhập toàn vẹn thì mức rung của bộ óc sẽ vào khoảng 2 chu kỳ trong một giây hay ở mức Delta. Khi nhập vào các trạng thái siêu đẳng của thiền định hay Đại định (Samadhi), toàn thân đắm chìm trong niềm phúc lạc tuyệt vời, không còn lo lắng, sợ hãi, vượt ra khỏi các hư ảo, bỏ lại đằng sau các giới hạn vật chất, thì tiến đến mức ra ngoài Delta, ra ngoài tầm mức mà máy móc kỹ thuật có thể đo lường được. Vì không thể ghi nhận được gì nữa nên chuyện gì xảy ra trong tình trạng tâm thức siêu đẳng này thì chỉ người đã đạt đến trạng thái đó mới biết, lúc đó Chân Ngã cảm nhận được chính nó.

- Nhưng phải chăng con người cũng cảm nhận được Thượng Đế chứ?

- Không đâu, một con người tầm thường không cảm nhận được Thượng Đế, cái hữu hạn không thể biết được cái vô biên. Chỉ có người cảm nhận biết được người cảm nhận.

- Phải chăng bà muốn đề cập đến một trạng thái tôn giáo hay một tín điều nào đó?

- Điều này không phải là một ý kiến hay quan niệm của một tôn giáo nào. Nhưng điều này vượt ra khỏi thể xác và thể trí, ngoài ranh giới của bản ngã hữu hạn. Đó là cái kinh nghiệm thần bí mà tất cả mọi truyền thống tôn giáo đều nói đến. Thánh Bernard đã viết: “Không có niềm vui nào trên thế giới có thể so sánh được với cái kinh nghiệm khi con người tan biến như thể người đó không còn là gì nữa”. Thánh Augustine cũng viết rằng: “Sự chiêm ngưỡng Thượng Đế đưa đến một trạng thái trừu tượng, thanh khiết hoàn toàn và người ta thấy chính mình là tất cả và như thể mình không còn là ai cả”. Thiền sư Han Shan đã nói: “Bất thình lình tôi đứng yên lặng, toàn thân tràn đầy một sự nhận thức rằng tôi không còn là thể xác hay thể trí này nữa. Tất cả những điều tôi nghiệm được là một cái toàn thể sáng chói, có mặt khắp nơi, hoàn hảo, sáng ngời và thanh tịnh... Tôi cảm thấy rõ ràng, thông suốt...”. Đạo sư Ramana Maharshi giải thích rằng chúng ta vốn không có hình tướng và việc tự coi mình có hình tướng là sự vô minh căn bản và là nguyên nhân cội rễ của mọi khổ đau, phiền não. Thiền định giúp người ta trở về, ý thức được họ thực sự là gì. Trong trạng thái tâm thức siêu đẳng, Chân Ngã biết nó là cái gì, biết được và quán triệt tất cả. Nếu kinh nghiệm này kéo dài một cách lâu bền thì trạng thái đó có thể gọi là giác ngộ.

- Như vậy Chân Ngã liên hệ với thể Trí ra sao?

- Chân Ngã là nhân chứng của cái Trí.

- Nhưng nếu Chân Ngã chứng kiến cái Trí thì tại sao chúng ta lại tham thiền?

- Thiền định giới thiệu chúng ta với nhân chứng hay nói một cách khác là tháo gỡ các tấm màn vô minh vẫn che mắt chúng ta từ bao lâu nay để biết mình thực sự là ai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Minh Triết Trong Đời Sống Thiền Định Và Khoa Học

Có thể bạn thích