Sở Khanh, một nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Nghĩa bóng: kẻ phản trắc, lừa lọc, đĩ bợm, bạc tình.

Chuyện kể:

Thúy Kiều bị bán vào lầu Ngưng Bích của Tú Bà. Ở lầu xanh, nàng cô đơn, tủi phận, nhớ nhà, nhớ quê. Bỗng một hôm, có một chàng trai, dáng vẻ thư sinh, tên là Sở Khanh, nhìn nàng ra vẻ xót xa. Sở Khanh đánh tiếng muốn cứu Kiều ra khỏi chốn lầm than. Một buổi, Sở Khanh gửi giấy cho Kiều, hẹn tối trời sẽ đến đón nàng đi trốn. Đúng giờ hẹn, Sở Khanh đến. Nó khoe nó có “ngựa trung phong”, có kẻ hầu người hạ. Tuy có hơi hồ nghi về những lời tán huênh hoang của Sở Khanh nhưng Kiều vẫn liều nhắm mắt đưa chân, nàng bước xuống lầu rồi lên ngựa theo Sở Khanh. Rừng khuya sương lạnh, nàng xót thương tấm tâm lưu lạc. Đến một địa điểm tiếng gà gáy, tiếng người lao xao, nhà trước, nhà sau, Kiều không thấy bóng Sở Khanh đâu. Nó “đã rẽ cương lối nào”. Nàng ngơ ngác hoảng sợ thì bất thần Tú Bà dẫn một đoàn người ập đến lôi nàng về nhà. Mụ đánh đập Thúy Kiều tơi bời. Từ ngày ấy, Kiều bước chân vào quãng đời kỹ nữ.

Về sau, người con gái cùng số phận với Kiều là Mã Kiều báo cho nàng biết: Tú Bà xưa nay vẫn thuê Sở Khanh đánh lừa các cô gái. Sở Khanh là “kẻ bạc tình nổi tiếng lầu xanh, một tay chôn biết bao cành phù dung”. Biết chuyện nó đánh lừa Thúy Kiều, cả xóm lầu xanh nguyền rủa nó là “kẻ bất lương”, “vô lương”, “mặt mo”. Từ hình tượng nhân vật ấy mà có thành ngữ “đồ Sở Khanh” là vậy. (1)

Sở Khanh được vận vào đời sống, gắn cho những kẻ dáng vẻ hào hoa, nói năng lịch thiệp nhưng chuyên đi lừa phỉnh, dụ dỗ lợi dụng, phản bội các cô gái. Những kẻ như vậy chỉ “tốt mã” nhưng “rẻ cùi” cần phải tìm ra “bộ mặt thật” của chúng để trừng trị, lên án.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Theo “Điển tích văn học”, Mai Thục - Đỗ Hiểu, NXB Giáo dục, 1997.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích