Cổ học tinh hoa
Ứng đối lanh lợi

Thiệu(2) là con vua Nguyên đế nhà Tần(1), lúc nhỏ đã cực kỳ thông tuệ.

Một hôm, có sứ thần ở Trường An(3) đến, vua Nguyên đế hỏi thử rằng: “Trường An gần hay mặt trời gần hơn?”

Thiệu đáp: “Trường An gần hơn”.

- Tại làm sao?

- Tôi chỉ thấy nói có người ở Trường An lại, chớ chưa từng thấy nói có người ở mặt trời lại đây bao giờ”.

Vua nghe câu nói lấy làm lạ.

Cách mấy hôm sau, vua đem câu chuyện kể lại cho quần thần nghe. Nhân Thiệu đứng hầu bên lại hỏi đùa: “Trường An gần hay mặt trời gần hơn?”

Thiệu đáp: “Mặt trời gần hơn”.

Vua ngạc nhiên hỏi: “Sao hôm nay lại trả lời khác hôm nọ như thế?”

- Tôi ngửng đầu lên, trông thấy ngay mặt trời chớ không thấy Trường An đâu cả.

Vua nghe, lại càng lấy làm lạ.

Tấn Sử

Lời bàn:

Thiệu đối đáp lanh lợi như vậy, thực đáng khen là đĩnh ngộ. Khi ai hỏi gì, mà đối đáp được xác lý là đã khó, đã xác lý mà lại mau trí khôn lại càng khó hơn nữa. Lẽ phải không cùng, ứng đối mau mắn và xác đáng, thế mới là người thông tuệ có tài. 

--------------------------------- 

(1) Tần: tên một triều đại bên Trung Quốc (265 – 419)

(2) Thiệu: sau nối ngôi Nguyên đế làm vua gọi tên là vua Minh Đế.

(3) Trường An: tên một đô thành cũ bên Tàu, tức là Tây Bắc, huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây bây giờ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Cổ học tinh hoa Ứng đối lanh lợi

Có thể bạn thích