Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy
Tạo Ấn Tượng Mạnh

Theo khảo sát, phần đông mọi người đều sợ phải đứng trước một đám đông và thuyết trình. Họ cứ líu cả lưỡi lại hay trở nên hồi hộp quá mức và không trình bày thông tin tốt như khả năng thực tế của họ. Thế nhưng nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo, bạn cần phải có khả năng diễn thuyết trước các đồng nghiệp, các khách hàng và các nhà quản lý. Sử dụng những bí kíp trong chương này và bạn sẽ có thể giải phóng con người biết ăn nói đầy ấn tượng tiềm ẩn trong bạn.

6.1 Học từ những bậc thầy

Có thể bạn quen biết ai đó có khả năng diễn thuyết tốt: có lẽ là một người bạn hay một đồng nghiệp. Hay có thể có ai đó trong lĩnh vực kinh doanh nói chung của bạn hay trong cộng đồng mà bạn cảm thấy ngưỡng mộ. Những người này đã làm gì mà khiến họ trở thành những nhà diễn thuyết tài ba?

Bất kỳ là ai mà bạn nghĩ tới, có lẽ họ cũng sẽ có nhiều điểm tương đồng với những nhà diễn thuyết xuất sắc khác. Bằng cách học một vài kĩ thuật cơ bản mà tất cả các nhà diễn thuyết đã sử dụng, dù họ có ý thức được mình đang sử dụng điều đó hay không, bạn cũng có thể học cách tạo dựng được ấn tượng tốt trước một nhóm đồng nghiệp nhỏ trong một buổi họp hay tại một hội nghị trước hàng nghìn người, hay ở bất cứ tình huống nào khác.

  1. Trước hết hãy xác định rõ ràng những gì bạn muốn nói và tại sao bạn muốn trình bày chúng. Nói cách khác, hãy suy nghĩ dựa trên kết quả mà bạn muốn có.
  2. Hãy đảm bảo rằng bạn biết lý do tại sao khán giả lại tham dự và bạn cần phải tập trung vào điều mà họ muốn.
  3. Hãy có trách nhiệm trong việc truyền tải thông điệp của bạn. Nhiệm vụ của bạn là chắc chắn rằng khán giả đã hiểu được thông điệp đó.
  4. Điều khiển trạng thái tinh thần sao cho bạn có những tư tưởng và cảm xúc tích cực khi đứng lên phát biểu.
  5. Hãy ý thức được phương pháp giao tiếp của bạn, cả về mặt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể) trong mọi lúc, cũng như phương pháp giao tiếp của khán giả.
  6. Hãy chắc chắn rằng ngôn ngữ cơ thể phù hợp với ngôn từ của bạn.
  7. Hãy giao tiếp linh hoạt. Tập trung vào những loại ngôn ngữ (bằng hình ảnh, âm thanh, xúc giác), các hệ giá trị, niềm tin, và những động lực thúc đẩy của khán giả của bạn.
  8. Biến mình trở nên tương đồng với họ để tạo nên sự ăn ý. Hãy nhận thức được và chú ý xem có ‘người lệch pha’ trong đám đông khán giả không.
  9. Hãy giữ cho bản thân sự hiếu kỳ về con người, giữ sự say mê với chủ đề của bạn và tỏ ra hào hứng khi nói cho người khác những gì mà bạn biết.

Một phút suy ngẫm: Một nhà diễn thuyết giỏi luôn luôn để ý tới sự phản hồi của người nghe và luôn cởi mở với những thông tin mới. Một niềm tin hữu dụng đáng để bạn học tập là, “Mình luôn có thể học được điều gì đó từ tất cả mọi người mình gặp gỡ trong công việc.” Niềm tin này giúp cho não bộ trở nên hoạt bát, mềm mỏng hơn và có nghĩa là người thuyết trình đó có thể học tập cũng như tiếp thu những ý tưởng mới vào trong cách ứng xử của mình.

Tập trung vào lý do mà khán giả của bạn có mặt và thỏa mãn nhu cầu của họ.

6.2 Sử dụng những câu chuyện

Một cậu bé muốn trở thành vận động viên trượt tuyết. Thế nhưng cậu bé lại sống ở một đảo sa mạc, vì thế, một ngày nọ, cậu quyết định ra khơi trên một chiếc thuyền tự tạo. Sau nhiều tuần liền, cậu dạt tới một vùng đất bao la rộng lớn với những ngọn núi tuyết phủ trắng. Và trong lúc nằm nghỉ trên bãi biển, cậu gặp một cụ già, ông cụ đã kể cho cậu bí quyết làm thế nào để đạt được ước mơ…

Tiềm thức của chúng ta rất yêu những câu chuyện. Chúng ta thường thực sự chuyên tâm lắng nghe những câu chuyện và rồi có được cảm giác ấm áp và giúp gợi lên những ý tưởng. Lấy ví dụ, chỉ với câu chuyện ngắn phía trên thôi, bạn đã bắt đầu tự hỏi xem bí quyết mà ông cụ sắp nói ra là gì. Bộ não của bạn bắt đầu tạo lập những hình ảnh.

Thay vì cho chiếu những trang PowerPoint dài dằng dặc với vô số thông tin, hãy sử dụng một vài câu chuyện để minh họa cho các luận điểm hay ý tưởng của bạn. Khán giả sẽ trở nên cởi mở hơn để đón nhận thông điệp mà bạn muốn nói. Truyện kể vượt qua được rào cản là bởi vì nó tác động vào vùng não bên phải: phần não cảm thụ nghệ thuật. Não phải yêu thích hình ảnh và biểu tưởng. Bằng cách kể chuyện, chúng ta bỏ qua logic thông thường – nằm ở bán cầu não trái – và thay vì đó, sử dụng trí tưởng tượng.

  • Tìm các ví dụ. Nếu nhìn vào những người thầy, những nhà hùng biện hay triết gia vĩ đại, bạn sẽ thấy họ đều sử dụng các câu chuyện để thu hút được khán giả và truyền tải thông điệp càng đơn giản càng tốt. Hãy nghĩ về những câu chuyện cổ tích nổi tiếng từ thời thơ ấu của bạn.
  • Một câu chuyện có thể vô cùng đơn giản. Một ý tưởng quen thuộc trong kinh doanh là những cuộc cạnh tranh khốc liệt hoặc vượt qua khó khăn để thành công hay giành phần thắng trong một cuộc đua. Hãy nghĩ đến một câu chuyện có thật, hay đơn giản là sáng tác ra.
  • Có một cốt truyện và nhân vật mang tính thuyết phục. Câu chuyện bạn kể không nhất thiết phải gắn trực tiếp tới công việc kinh doanh, nhưng nó cần phải có một nhân vật gây cho khán giả sự hứng thú. Chiều hướng của truyện cần phải phản ánh được chiều hướng mà bạn muốn khán giả nghĩ tới và có một kết cục phù hợp với kết quả mà bạn muốn khán giả chấp nhận. Một câu chuyện hay có thể khiến khán giả của bạn nhìn nhận một tình huống hay ý tưởng theo một cách khác.

Một phút suy ngẫm: Hãy chọn một câu chuyện với chủ đề và nhân vật chính mà khán giả của bạn có thể liên hệ với chính họ. Liên kết các phần ý tưởng của bạn với những chi tiết trong câu chuyện. Sử dụng nhiều chi tiết gợi hình để kích thích trí tưởng tượng. Hãy giữ cho ngôn ngữ tươi sáng, tích cực, và sử dụng đa dạng các từ về thị giác, thính giác hay xúc giác để có thể thu hút được nhiều kiểu đối tượng.

Vận dụng những câu chuyện để kích thích trí tưởng tượng và truyền đạt thông tin của bạn tới người nghe.

6.3 Biến chuyển giọng điệu

Bạn có uyển chuyển trong cách nói chuyện với mọi người không? Bạn có ý thức được bản thân nói nhanh hay chậm như thế nào không? Bạn luôn nói chuyện theo cùng một kiểu, hay bạn nhận ra rằng bạn điều chỉnh cách nói khi gặp gỡ những người khác nhau? Thí dụ, liệu giọng nói của bạn có thể hiện cả sự thông cảm và lập trường vững chắc hay không?

Khi bạn nói chuyện với ai đó, hơn một phần ba ảnh hưởng bạn tạo nên là do giọng nói. Khi bạn truyền tải thông tin và kể chuyện, ngoài việc nghe xem bạn nói gì, khán giả cũng để ý tới cách bạn nói ra sao.

Hãy chú ý tới những lúc bạn muốn giọng nói của mình mang tính quyền lực và khi bạn muốn hướng tới khán giả, có thể là để đặt một câu hỏi.

  • Câu hỏi. Giọng bạn lên cao vào cuối cụm từ hay cuối câu.
  • Câu khẳng định. Giọng điệu đều trong suốt cả cụm từ hay câu.
  • Câu mệnh lệnh. Giọng bạn hạ xuống thấp vào cuối cụm từ hay cuối câu.

Bạn thường hay dùng dạng câu nào nhất? Mỗi loại câu lại khơi gợi những phản ứng khác nhau ở khán giả. Nếu bạn đang trình bày các thông tin thực tế, sử dụng câu khẳng định sẽ phù hợp hơn. Khi bạn muốn khán giả đáp lại mình, có thể bạn sẽ dùng giọng điệu của câu hỏi. Còn nếu bạn muốn kết thúc một cuộc tranh luận, bạn có lẽ nên dùng tới câu mệnh lệnh. Hãy lắng nghe người khác khi họ nói chuyện. Họ sử dụng loại giọng điệu gì và phản ứng mà nó tạo ra là gì?

Nào giờ thì hãy bàn về các yếu tố khác trong giọng nói:

  • Nhịp độ, sắc thái, tốc độ, âm lượng và các tính chất chung khác (ví dụ như giọng bạn nghiêm trọng hay mềm mại như thế nào).

Hãy nhớ rằng, khi bạn muốn tạo được sự ăn ý với khán giả của mình, bạn cần chọn giọng điệu cũng như ngôn ngữ cơ thể phù hợp với họ.

Bạn cần phải làm gì nếu bạn có một lượng khán giả lớn? À, hãy đảm bảo rằng, cùng với việc sử dụng ngôn ngữ từ các hệ thống biểu trưng khác nhau (xem phần 1.4), bạn cũng cần thay đổi tốc độ giọng nói của mình. Khi bạn mới bắt đầu phát biểu, hãy lôi kéo sự tập trung của khán giả bằng cách nói tương đối nhanh và nhiệt tình. Nói chậm lại một chút và rồi chậm hơn nữa để có thể lôi kéo được toàn bộ khán giả, sau đó là biến đổi giọng nói của bạn trong suốt bài phát biểu.

Một phút suy ngẫm: Hãy để ý tới nhịp thở của bạn để có cách giao tiếp linh hoạt hơn. Những người thiên về thị giác có xu hướng nói rất nhanh bởi họ thở từ vị trí cao phía trên lồng ngực. Những người thiên về thính giác thì nói chậm hơn một chút, thở ở khu vực giữa lồng ngực. Còn những người thiên về xúc giác sẽ nói chậm nhất, họ thở sâu, lấy khí từ bụng. Hãy luyện tập cả ba cách và xem xem giọng bạn biến chuyển như thế nào.

Luyện tập thay đổi giọng điệu của bạn để có thể trở nên linh hoạt trong giao tiếp.

6.4 Sử dụng hệ thống 4-Mat

Một nhà diễn thuyết giỏi là một người biết tập trung vào khán giả và lên kế hoạch kĩ càng để có thể tùy cơ phản ứng với những thành phần khán giả khác nhau. Một cách để làm được điều này là sử dụng hệ thống 4-Mat, được phát triển bởi nhà lý thuyết giáo dục Bernice McCarthy.

Hệ thống này giúp bạn nói chuyện với nhiều kiểu người trong đám đông, dựa trên phong cách tiếp thu kiến thức khác nhau của họ. Lý thuyết cho rằng khi con người lắng nghe một cuộc nói chuyện, họ được chia ra làm bốn kiểu người với bốn kiểu câu hỏi khác nhau: “tại sao”, “cái gì’” “như thế nào”, và “chuyện gì sẽ xảy ra nếu…”? Nếu họ không tìm được câu trả lời cần thiết cho câu hỏi chính đó của mình, họ sẽ mất đi sự hứng thú với cuộc chuyện trò.

  • Kiểu người học từ ‘cái gì’. Họ muốn biết rõ các thông tin thực tế, các khái niệm và chi tiết.
  • Kiểu người học từ ‘tại sao’. Họ muốn biết tại sao họ lại đang ở đó và tại sao họ lại cần phải lắng nghe bạn nói.
  • Kiểu người học từ ‘làm thế nào’. Họ muốn làm điều gì đó và áp dụng những gì bạn nói với họ vào thực tiễn.
  • Kiểu người học từ ‘chuyện gì sẽ xảy ra nếu…’. Họ muốn tìm tòi các cách khác nhau và nghĩ về các lựa chọn khác cũng như hậu quả của việc làm mọi thứ theo một cách nào đó.

Nếu bạn muốn tất cả khán giả tập trung vào bài diễn thuyết của mình, hãy thiết kế bài nói của bạn theo bố cục sau:

  1. Trước hết giải thích lý do tại sao chủ đề mà bạn đang nói tới lại quan trọng. Bạn có thể đặt ra câu hỏi: “Vậy, những thứ này có hữu ích với bạn không?” Sau đó hãy giải thích câu hỏi ‘tại sao’ cho đến khi bạn thực sự nhận được một câu trả lời ‘có’.
  2. Sau đó bạn có thể đi vào các thông tin thực tế dành cho những người thuộc kiểu học từ ‘cái gì’. Trong lúc nói, hãy nêu câu hỏi: “Bạn còn cần biết thêm điều gì nữa tại thời điểm này không?” Đi vào càng nhiều thông tin chi tiết càng tốt để có thể thỏa mãn được khán giả của bạn.
  3. Giờ thì hãy thu hút những người học theo kiểu ‘làm thế nào’. Hãy chỉ cho họ cách sử dụng thông tin của bạn. Nếu đang huấn luyện, bạn có thể đưa ra cho khán giả các bài luyện tập. Hãy để khán giả của bạn được tham gia vào điều mà họ đang học càng nhiều càng tốt. Tự hỏi xem: “Bạn còn cần biết thêm gì để có thể sử dụng điều này?”
  4. Thu hút những người ‘chuyện gì sẽ xảy ra nếu…’ bằng cách cho phép họ tìm hiểu các khả năng thông qua việc dành thời gian trả lời các câu hỏi của họ.

Một phút suy ngẫm: Cũng như việc áp dụng hệ thống 4-Mat vào các cuộc nói chuyện, nó cũng rất hữu hiệu khi bạn đào tạo kinh doanh. Hãy thiết kế cả nội dung đào tạo của bạn cho cả bốn kiểu người này. Cuối cùng bạn sẽ có được sự cân bằng giữa số lượng thông tin, lý do tại sao, mẫu ví dụ, và những bài luyện tập thực hành, cùng với nhiều thời gian cho việc trả lời các câu hỏi.

Sắp xếp bố cục bài nói của bạn để có thể đưa vào cả bốn phong cách học tập.

6.5 Điều hành tốt một buổi họp

Trong kinh doanh, chúng ta thường phải tham gia các buổi họp của công ty hay gặp gỡ khách hàng. Bạn sẽ cần một bố cục rõ ràng cho những buổi họp như vậy để có thể kiểm soát tốt ảnh hưởng của bạn, ví dụ như bố cục dưới đây.

  1. Trước hết, quyết định xem tại sao bạn muốn tổ chức một buổi họp. Nó có thực sự cần thiết không? Kết quả bạn muốn có được là gì và làm thế nào bạn biết mình đã đạt được nó? Bạn có thể đạt được kết quả ấy nhờ vào một cú điện thoại thay vì một buổi họp không?
  2. Hãy có một kế hoạch hành động tập trung vào kết quả mong muốn và bằng chứng cho việc giành được kết quả đó để giúp mọi người dự họp đi đúng hướng.
  3. Chọn địa điểm tổ chức cuộc họp sao cho nó gắn với những cảm giác tích cực và hãy chọn một nơi chuyên để tổ chức họp. Làm như vậy sẽ khiến cho những người tham gia, trong vô thức, tự động thiết lập tư tưởng chuyên nghiệp phù hợp cho cuộc họp.
  4. Bắt đầu buổi họp bằng cách đề ra mục đích của cuộc họp và những việc cần làm để đạt được nó. Điều này giúp cho mọi người bắt đầu ở cùng một điểm xuất phát. Hãy đảm bảo là tất cả mọi người đều hiểu và đồng ý với nó.
  5. Hãy giữ cho những cuộc bàn bạc luôn liên quan tới nội dung chính. Vì mọi người đều đã đồng ý với mục đích ngay từ lúc bắt đầu cuộc họp, việc dừng những câu chuyện ngoài lề cũng dễ dàng hơn.
  6. Hãy trao vai trò phù hợp cho mọi người. Ví dụ, nếu như trong số đó có người có xu hướng hay nhặt lỗi và phản đối, ngay từ ban đầu bạn hãy đề nghị họ phản biện tại một số thời điểm được đặt ra sẵn.
  7. Vừa họp vừa kết luận. Khi đạt được một số thỏa thuận, hãy đảm bảo là bạn nhận được những cái gật đầu xung quanh. “Vậy là chúng ta đều đồng ý ở điểm này chứ?”
  8. Nếu bạn cần làm sáng rõ một luận điểm, vậy thì hãy quay ngược lại bằng cách nói: “Tôi muốn chúng ta quay lại điểm này để có thể đi đến được thỏa thuận.”
  9. Nếu có sự bất đồng, hãy sử dụng kĩ năng thương thuyết của bạn. Hãy nói: “Nếu tôi làm việc X, vậy thì bạn có thể làm việc Y không?”
  10. Vào cuối buổi họp, tổng kết lại về những điểm mọi người đã thống nhất và đồng ý về bước tiến tiếp theo.

Một phút suy ngẫm: Hãy tuân theo luật 2/3. Công thức này được áp dụng theo hai cách. Trước hết, bất cứ ai đến dự buổi họp cũng cần phải có khả năng đưa ra quyết định hay đóng góp cho 2/3 những điều cần bàn bạc trong kế hoạch hành động. Thứ hai, nếu 2/3 số người có liên quan không xuất hiện tại buổi họp, hãy hủy nó đi.

Hãy liên tục tóm tắt lại các điểm đã bàn luận trong cuộc họp và trở thành một người chủ trì hiệu quả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy Tạo Ấn Tượng Mạnh

Có thể bạn thích