Hoàng thái hậu, hoàng hậu vào phòng thay áo, nghỉ ngơi đôi chút thì bên ngoài trà, quả đã bày lên đầy cả mặt bàn. Một tiếng trống lớn, có tiếng thanh la, não bạt theo kèm bỗng xé không gian yên tĩnh, báo hiệu một cuộc vui nhộn lớn lao bắt đầu. Rồi tiếng hát giáo đầu cất lên, trong khi màn nhung từ từ mở ra rộng toác.

Động Nguyên đạo sĩ đã dặn trước gánh hát diễn mấy tuồng độc đáo mà nội đình ưa thích. Mọi người chỉ còn chờ đợi chỉ dụ của Hoàng thái hậu.

Quả nhiên, khi Hoàng thái hậu ngồi dùng trà, đã chọn ngay tuồng Hỗn Nguyên hạp, tuồng Cản Tam quan, Hoàng thượng chọn tuồng Hồi Long các, trong khi đó, hoàng hậu biết tính Hoàng thái hậu, thích loại tuồng tiểu đơn, liền chọn ngay tuồng Hồng Loan hy.

Hôm đó, Hoàng thái hậu thực là vui sướng hết chỗ nói.

Thân quyến của các quan viên đại thần ngồi hầu xung quanh xem hát. Trên sân khấu, tiếng sênh phách, tiếng ca nhạc tưng bừng nhộn nhịp. Phía dưới, màn quây trướng phủ, bọn văn võ quan viên đồng loạt cáo lui, chi còn lại mỗi một mình anh chàng đạo sĩ Động Nguyên, lượn như bươm bướm giữa cái đám quần thoa đó để vâng dạ, để đón đưa, cung phụng.

Ngày vui kéo dài mãi tới lúc mặt trời đã gác hẳn non Đoài, Hoàng thái hậu mới sửa soạn xa giá về cung. Đám nữ quyến của bọn vương công đại thần xem đang dở mắt, bỗng được lệnh sửa soạn ra về, bà nào bà nấy đành phải líu ríu lên xe, theo chân thái hậu vào thành. Chỉ vỏn vẹn còn lại có bọn vương gia đại thần ngồi trơ thổ địa ra đấy với nhau.

Động Nguyên đạo sĩ thấy vậy mời cả bọn vào ngồi trong chính sảnh. Bọn đại thần lúc này ai cũng muốn bầu bạn với Nguyên, thôi thì nào xưng hô bằng tiểu đệ, đại ca, nào tâng bốc nhau lên như diều giấy chiều thu. Tiệc rượu còn đầy đủ trên bàn. Cả bọn chia nhau an toạ, vừa nốc rượu vừa xem hát, vừa trò chuyện hết sức tương đắc.

Rất nhiều tên kép hát nổi danh nơi kinh thành hoa lệ này đều quen biết bọn vương gia đại thần. Bởi thế, khi xong vai trò của mình trên sân khấu, anh nào cũng chạy xuống phía dưới, ngồi lui về phía sau bọn đại thần vương gia cùng xem.

Bọn đại thần quay lại thấy bọn kép hát, thôi thì tay bắt mặt mừng, coi như bạn thân lâu năm mới gặp, nào hò rượu, nào quát đem đồ nhắm, tới tấp cả lên.

Vài hôm sau, Động Nguyên đạo sĩ vào cung tạ ơn. Tây thái hậu giữ Nguyên lại ngủ trong cung một lèo đến mấy ngày để trò chuyện. Nguyên giảng giải cho Thái hậu nghe thế nào là công phu Đại toạ luyện khí, lại dạy cho cả bà cách luyện tập công phu Bát đoạn cẩm như thế nào.

Theo Nguyên, hằng ngày cứ trước khi ngủ dậy, nếu tập luyện được công phu Bát đoạn cẩm, ắt sẽ được trường thọ lâu năm. Tây thái hậu tin lời Động Nguyên đạo sĩ, liền bắt đầu học tập từ ngày đó. Bà tập thành thạo, rồi từ đó bất luận ở nơi đâu bà cũng đều ôn luyện qua một lần Bát đoạn cẩm xong mới chịu khởi thân. Bà luyện tập công phu này mãi đến già không gián đoạn. Ấy chính nhờ sự luyện tập hằng ngày mà thân hình bà ngày càng đẫy đà đẹp tốt, đến già cũng không già ốm, đó là việc về sau.

Động Nguyên đạo sĩ lúc này quả được lòng Tây thái hậu.

Trước mặt thái hậu, Nguyên nói là được bà nghe, hiến kế ắt được bà theo. Nguyên thường được thái hậu tuyên triệu vào cung, cho ngồi tâu đáp mọi chuyện về đạo thuật. Nhiều hôm, nói chuyện với Nguyên từ sáng đến tối mà thái hậu không thấy mỏi, thấy chán.

Có nhiều quan đại thần thấy Nguyên đắc thế, đắc thời, vội tìm cách cầu thân, mời Nguyên vào phủ, đặt tiệc khoản đãi ăn uống đến lúc say khướt, liền cho gọi nào là phúc tấn phu nhân, nào là cách cách tiểu thơ ra trước cuộc rượu lạy Nguyên, tôn làm sư phụ.

Thế là từ hôm đó, cái phong khí mới lạ kẻ tôn làm sư phụ, người nhận lấy đệ tử ấy tự nhiên mở ra một kỷ nguyên mới. Thiếu gì những quyến thuộc quan gia trong kinh thành đều kéo nhau tới xin nhập môn hạ làm nữ đệ tử. Mà một khi được nhận, đều coi như một điều vô cùng vinh diệu!

Điểm đặc biệt là cứ mỗi một nữ đệ tử xin nhập môn phải có một số tiền gọi là tiền bái kiến sư phụ, nhiều thì phải kể vạn, mà ít thì cũng phải vài ngàn lạng. Ngoài chuyện tiền ra, còn phải đưa tới nộp thêm các loại đồ thêu, có người thêu cả một cái áo đạo bào, có người chắp lông hạc thành cả một cái áo thụng, lại cũng có người thêu cả một cây cờ phạn treo phất phới trước Phật đài. Cũng có những anh quan nhỏ, cấp bậc chức vụ chẳng cao bằng ai, hoặc tiền bái kiến sư phụ quá ít ỏi, đành phải cho vợ hay con gái tới để bái kiến Nguyên, hắn bèn chẳng thèm để ý tới.

Thú vị nhất là mấy anh vương gia cũng thiếp đi thư lại, mong sao cầu thân được với Nguyên, ấy thế hắn đã chịu cho đâu, cứ một mặt phớt lờ.

Người duy nhất được Động Nguyên đạo sĩ gọi đệ đệ huynh huynh, đó là Lý Liên Anh. Thực tế, chỉ có Anh mới là kẻ chí tình được với hắn. Cả hai tên tâng bốc lẫn nhau trước thái hậu, nói tốt cho nhau không thiếu một chuyện gì!

Lại một năm, đúng ngày rằm tháng giêng. Tây thái hậu đích thân lại tới Bạch Vân quán hành hương. Và rồi từ đó, hằng năm như một cái lệ, các quan viên văn võ trong kinh thành cứ đúng ngày rằm tháng giêng phải tới Bạch Vân quán hành hương.

Một hôm trước ngày rằm, Động Nguyên đạo sĩ sửa soạn tiệc vui, mời các vương gia đại thần tiệc tùng vui nhộn suốt ngày trong miếu.

Rồi từ ngày rằm ấy, cửa miếu mở toang, mặc sức cho khách thập phương chen nhau vào lễ Phật. Ngày hội bắt đầu từ đó, kéo dài mãi tới hai mươi lăm mới hết, vừa đúng mười ngày.

Thôi thì trai thanh gái lịch, ngựa xe kéo nhau tới như nước, phố xá chốn kinh thành đông nghẹt. Người ta đặt tên cái ngày hội đó là ngày "hội Thần tiên".

Hội Thần tiên, đâu có phải chỉ riêng bọn bách tính bình dân, mà cả những bà phúc tấn của các vị vương gia, các bà mệnh phụ của các đại thần, công khanh, các tiểu thư khuê các, các cách cách quý tộc, ăn mặc vô cùng lịch sự, trang điểm vô cùng mỹ miều.

Các bà phúc tấn, các bà mệnh phụ, các tiểu thư, cách cách này đi trẩy hội khác hẳn bọn dân giã quê mùa. Các bà, các cô đã tới miếu, thì tối hôm đó quyết chưa về phủ, còn phải ở lại một tối: Có như thế mới gọi là đi trẩy hội Thần tiên. Ngủ lại thêm một đêm như vậy gọi là Trúc Sơn.

Cái đám đàn bà này gần hết đều là nữ đệ tử của Động Nguyên đạo sĩ. Còn đám tiểu thư, cách cách trẻ măng như mấy con bê con, ngây thơ như mấy con thỏ mới sinh, lại còn ghi tên vào danh sách để xin làm can nữ nữa chứ! (Can nữ là một loại con nuôi không chính thức, hoặc để nhờ quyền thế, hoặc để nhờ dìu dắt, y như cái lối con tinh thần, cha tinh thần). Hễ thấy Động Nguyên đạo sĩ là đều gọi một can gia, hai can gia, tỏ tình thân thiết còn hơn cả gọi sư phụ.

Động Nguyên đạo sĩ mỗi khi thấy đám can nữ của mình tới mè nheo bên nách, y cũng quấn quýt lấy chẳng kém. Nguyên chuẩn bị vô cùng đầy đủ, nào là phòng ốc, nào là chăn gối, nào là mền trướng, tất cả đều hết sức lộng lẫy đẹp tốt, để cho cái đám con nuôi ấy ngủ qua đêm. Nhưng phòng lịch sự như vậy, có ít ra cũng đến mấy chục căn.

Trong đám phụ nữ, loại xồn xồn nhưng còn bảnh, hoặc đám cách cách, tiểu thư mới toanh, còn nguyên xi, có nhiều thị được Nguyên lưu lại đến ba, bốn đêm mới cho về. Nhiều ông quan tưởng rằng đây là dịp có thể thăng quan tiến chức được, liền nhờ vợ nhờ con gái thay mình nói khéo với Nguyên Can gia, xin nói tất cho vài lời trước mặt thái hậu. Nhiều anh quan, muốn cho chắc ăn hơn, còn lo liệu một số tiền lớn, vài chục vạn lạng bạc là ít, dâng cho Nguyên. Thực thế, miễn sao Động Nguyên sư phụ gật cho một cái, nhận số tiền, đấm vào mõm trên, đấm xuống mõm dưới, thì mươi hôm sau là đã thấy quan nhà ta nhảy trên hoạn lộ như cóc, từ cấp này lên bậc kia như bỡn.

Nhưng thú vị nhất phải nới cái đám quan được thăng đó đã chẳng biết câm cái mồm đi cho nó đẹp mặt, trái lại, còn ra ngoài vung vít khoe khoang cái tài cái khéo của vợ mình hoặc của con gái mình cho thiên hạ biết, tưởng thế là vinh dự, hãnh diện lắm! Số phận hẩm hiu nhất là của mấy anh quan già, có bà thái thái móm, hoặc có cô tiểu thư vổ răng, môi sứt, rốn lồi.

Người ta nhớ mải năm nọ có ông quan người Hàng Châu tên là Ngô thị lang còn để lại một câu chuyện thực là hi hữu.

Số là Ngô thị lang, tuy là một vị quan trong kinh đô đã lâu năm nhưng nghèo mạt, nghèo đến không có gạo ăn hằng ngày nữa! Ngô thị lang cũng muốn chạy vạy chỗ này chỗ kia, may ra cuộc đời có khá hơn đôi chút, nhưng khổ cái là lại chẳng có xu nhỏ nào trong túi. Ấy thế mà Úc thị, vợ cưng của ông, lại là một trang mỹ nhân tuyệt thế, biết tiêu tiền, khắp quan gia quyến thuộc trong thành ái mà chẳng rõ như vậy.

Năm đó, đúng vào ngày mồng bẩy tháng giêng, Úc thị vào phủ Bát vương gia để mừng tuổi năm mới, vừa gặp lúc bà phúc tấn của vương gia đang trang điểm son phấn để trẩy hội Thần tiên ở Bạch Vân quán. Thấy vậy, Úc thị cao hứng cũng theo bà phúc tấn ra đi.

Động Nguyên đạo sĩ vừa trông thấy Úc thị đã vội hỏi bà phúc tấn xem đó là vị thái thái của nhà nào? Bà phúc tấn liền giới thiệu cho Nguyên biết đó là phu nhân Ngô thị lang.

Đã từ lâu Nguyên nghe tiếng Úc thị sắc nước hương trời và đã có lòng ngưỡng mộ, nay bỗng được gặp, đời nào chịu để cá về sông! Thế là ngay sau đó, Nguyên ngỏ ý muốn thu Úc thị làm can nữ. Trái lại, Úc thị vội thối thác, chỉ vì không đem theo số tiền bái kiến sư phụ.

Xin nhớ cho rằng muốn làm một can nữ hoặc một nữ đệ tử của Động Nguyên đạo sĩ đâu phải chuyện dễ. Nhiều ít gì thì cũng phải có một cái lễ bái kiến.

Lễ bái kiến nhiều thì trên vạn ít thì cũng vài ngàn lạng, chứ đâu có cái chuyện cười suông mà được! Đó là chưa kể còn phải có thân bằng quyến thuộc năm, ba lần khẩn cầu đến mới mong có cơ được ghi vào danh sách đó của Nguyên. Ấy thế mà nay đối với Úc thị thì chính Động Nguyên đạo sĩ lại phải hạ mình xuống khẩn cầu để thu làm can nữ, thử hỏi còn gì vinh hạnh hơn cho Úc thị nữa chứ?

Bà phúc tấn ngồi bên cạnh càng lấy làm hãnh diện lây, vội bảo thị nhận lời Động Nguyên đạo sĩ. Bà còn nói thêm là thế nào sư phụ cũng sẽ có "hảo xứ" đôi lại về sau, khi nghe Úc thị nói không có tiền bái kiến, thì bà vội bảo:

- Có đây! Có đây!

Rối thò ngay tay vào túi lấy ra một tấm ngân phiếu năm ngàn lạng đưa cho Úc thị.

Úc thị nhận tấm ngân phiếu trao lại cho Động Nguyên đạo sĩ. Nhưng không ai ngờ được Động Nguyên đạo sĩ, con người đớp tiền lừng danh lâu nay, bỗng lắc đầu, xua tay lia lịa, bảo:

- Khỏi! Khỏi mà! Bần đạo nhận thấy gương mặt Ngô thái thái có tiên căn, chúng ta đều là người có tiền duyên cả mà! Tiền bái kiến còn cần gì!

Thế là ngay từ đêm đó, Ngô thái thái ở lại trong miếu, không phải một đêm mà luôn bốn năm đêm liền, và tất nhiên bà đã gặp tiên ông rất nhiều lần trong đại hội Thần tiên đó.

Lúc từ giã Bạch Vân quán, cùng về với phúc tấn Bát vương gia, Úc thị còn được Động Nguyên đạo sĩ bắt nhận thêm một ngân phiếu một vạn lạng bạc, gọi là chút lễ mọn "kiến diện" không phải của can nữ mà lại là của Can gia.

Đến hết ngày hai mươi lãm tháng giêng, miếu tan hội! Động Nguyện đạo sĩ nhận lời ký thác của Úc thị, bèn đem vào cung tâu với thái hậu, nói Ngô thị Lang lâm cảnh nghèo khổ, xin Lão Phật gia thưởng cho y một chức vụ.

Lời tâu xin này thật là đúng lúc! Bởi vì Tây thái hậu đang tính hạ dụ chọn một học sai (quan coi về học chánh).

Trong số các tỉnh tại Trung Quốc, chức vu học sai ở Quảng Đông có thể nói là béo bở nhất.

Chẳng mấy hôm, theo lời Động Nguyên đạo sĩ, quả nhiên Ngô thị lang đi làm học sai tỉnh Quảng Đông thật. Ngô nhận thượng dụ, vội vàng dẫn thân tới Bạch Vân quán tạ ơn.

Về tới nhà, Ngô thị lang lại còn bò rạp xuống đất dập đầu tạ ơn chính vợ ông là Úc thị nữa, mới thú vị chứ! Chuẩn bị khăn gói, hòm xiểng, Ngô quả thực như người chết đi sống lại, lòng thì cao hứng, mặt thì vênh vang với xóm giềng bè bạn không biết để đâu cho hết!

Một hôm, Từ Hy thái hậu ngồi nói chuyện gẫu với Động Nguyên đạo sĩ. Bà bảo Nguyên trong Bạch Vân quán, hoa viên xây cất đẹp thì đẹp thật, nhưng còn thiếu ít bức thư hoạ cần phải thêm vào.

Động Nguyên đạo sĩ vội quỳ xuống đất dập đầu tâu xin Lão Phật gia của y cho ít chữ về trang trí. Vì y biết Từ Hi thái hậu cũng rất khá về chữ nghĩa.

Đang lúc cao hứng, và cũng muốn đây là một dịp chưng tài với Nguyên, với thiên hạ. Từ Hi thái hậu liền gọi Lý Liên Anh mài mực và đem cái bút bự viết đại tự cho bà. Cầm ngay ngắn cây bút lông to tướng, Từ Hi thái hậu chỉ ngoáy có mấy nét trong nháy mắt mà mọi người đã thấy một chữ "PHÚC" lớn rất đẹp.

Viết xong chữ PHÚC, lại được Nguyên tâng bốc thêm mấy câu, Từ Hi thái hậu đã cao hứng lại cao hứng thêm, cho lệnh cung nữ đi lấy thêm bức hoạ "Đường hoa hỷ hoạ bình" mà bà đã vẽ từ trước với những nét vô cùng đắc ý, sau đó, đưa hết cả hai bức hoạ cho Động Nguyên đạo sĩ.

Nguyên lại vội vàng quỳ mọp xuống góc nhà dập đầu tạ ơn, rồi hí hửng mừng rỡ như được vàng, khệnh khạng vác hai bức hoạ bước ra khỏi cung.

Về tới Bạch Vân quán, Động Nguyên đạo sĩ gọi ngay anh thợ mộc tới, bắt làm ngay mấy cái khung chạm trổ tinh vi, lồng bức hoạ vào, trông hết sức lộng lẫy, quý phái. Xong đâu đấy Nguyên chọn ngày tết, sửa soạn một bữa tiệc thịnh soạn, cho gọi một gánh tuồng về để uống rượu xem hát.

Động Nguyên đạo sĩ cho treo bức tự hoạ và bức "Đường hoa hỷ hoạ bình" lên trên cao, rồi mời đủ mặt vương công, đại thần tới hoa viên thưởng ngoạn. Rượu được mấy tuần, một vị vương gia đứng dậy nói:

- Hằng năm, Lão Phật gia cho bọn đại thần rất nhiều bức hoạ. Lão Phật gia tuy thạo viết chữ, vẽ tranh, nhưng chỉ một mình thì làm sao viết xuể. Cho nên ngoài những chữ Phúc, Thọ, mấy chữ đại tự đó ra, còn bao nhiêu những khải tự, những bức hoạ Hoa Điểu, đều là do Giao thái thái vẽ thế viết thay cả đấy chứ Động Nguyên đạo sĩ nghe xong vội hỏi:

- Giao thái thái là bà nào vậy?

Vị Vương gia lại nói tiếp:

- Có lẽ sư phụ chưa rõ chuyện này.

Rồi ông ta kể:

- Theo luật lệ trong cung thì bọn thần từ trong và ngoài, trừ những nhân viên cung phụng trong nội đình, và nam thương bái thư phòng, cũng như nhân viên Nội phủ ra, phải làm quan từ nhị phẩm trở lên, mới được thái hậu thưởng cho chữ "PHÚC".

Bất luận quan to quan nhỏ nào, nếu tuổi chưa tới năm mươi thì không được thưởng chữ "Thọ". Nhưng từ lúc có Lão Phật gia ở trong cung, đặc biệt khai ân, bọn thần tử thường được thưởng thư hoạ. Nhất là khi Lão Phật gia cao hứng lên, thì bất luận là ai cũng đều được Lão Phật gia ban thưởng cho những bức hoạ, chữ PHÚC, chữ Thọ, do chính tay Lão Phật gia viết và vẽ, cũng có khi còn được thưởng cả bức hoạ "Hoa Điểu" bức tranh Tiểu Khải Tự nữa.

Lão Phật gia khi còn là Phi tử ở tại Đồng Âm thâm xứ, có học được kiểu tự hoạ rất tài tình, nên ngày nay mới thưởng cho nhiều người như thế. Song một người thì làm sao cho xuể bấy nhiêu việc được? Do đó, Lão Phật gia mới hạ mật chỉ xuống cho các vị tổng đốc, tuần phủ ở các tỉnh, tìm cho bằng được những mệnh phụ viết đẹp vẽ giỏi, đưa vào cung để thế Lão Phật gia viết chỉ và vẽ tranh.

Sau mật chỉ đó ít lâu, viền tổng đốc Tứ Xuyên chọn được Giao thái thái, liền lén đưa vào cung, bà Giao thái thái này tên là Tố Quân, nguyên người Vân Nam, theo chồng làm quan ở Tứ Xuyên. Chẳng may, chổng chết, gia cảnh hết sức nghèo túng, khó khăn. Người con trai tuy đã đỗ cử nhân nhưng cũng chưa được bổ đi làm quan. May được cái là Giao thái thái vẽ tranh Hoa Điểu tuyệt đẹp, lại giỏi cả văn, hay cả viết chữ Tiểu Khải Tự, cho nên nhờ đó bán tranh bán chữ trong giới quan trường vùng Tứ Xuyên được đủ tiền độ nhật.

Thế rồi khi nhận được mật chỉ của Lão Phật giao, tổng đốc Tứ Xuyên đưa Giao thái thái gấp về cung. Lão Phật gia vừa gặp mặt Giao thái thái, tỏ ra vẻ hết sức mừng rỡ, liền cấp cho hằng tháng hai trăm quan nguyệt bổng. Giao thái thái ở trong cung, suốt ngày chi có mỗi một việc là thế Lão Phật gia viết chữ và vẽ tranh mà thôi.

Giao thái thái người mập ú, mặt bự, mắt lớn. Bởi thế, Từ Hy thái hậu thường hay lấy thân hình bà mà đùa giỡn. Phải cái Giao thái thái thư hoạ tuyệt vời nên Từ Hy thái hậu lúc nào cũng tỏ vẻ quý trọng.

Theo lệ trong cung thì bất cứ cung nữ hoặc nữ quan, hễ thấy thái hậu đều phải quỳ lạy, duy chỉ mỗi một mình Giao thái thái là được miễn lễ ấy. Trong cung nội, từ người trên đến kẻ dưới, ai cũng đều gọi bà ta là Giao thái thái. Bà được cái tính hiền hoà, ai cũng thích.

Có một hôm nhân lễ vạn thọ của thái hậu, bọn phi tần muốn làm vui lòng bà, đã dự tính làm một cái mão Phượng quan rất lớn. Đến hôm vạn thọ, bọn phi tần đều ăn vận phẩm phục, cũng bảo cả Giao thái thái ăn vận như vậy nữa. Bọn cung nữ đem bộ phẩm phục lại cho Giao thái thái. Thế là trong mây phút sau, Giao thái thái đã thay hình đổi dạng. Bà ta cũng có quần hồng, có mão Phượng quan, có hài có cốt, đầy đủ bộ lệ: Người thì lùn lại mập ú, mà quần áo lại vừa rộng vừa dài, bà ta trông lúc này buồn cười quá, người xù ra như cái bồ nứt cạp, đứng lù lù trên mặt đất trông như một cây rơm.

Bọn cung nữ thấy vậy muốn cười mà không dám, hè nhau lại dắt bà ta đi mừng lễ vạn thọ của thái hậu. Lúc này, Thái hậu đang ngồi chính giữa điện để nhận lễ.

Một số đông phúc tấn, cách cách người Mãn, ăn vận đại lễ đã đứng hai bên cạnh thái hậu, bỗng thấy Giao thái thái ăn vận tròn xoe y như một quả bóng ngũ sắc nhúng nhinh từ ngoài vào, xuýt cười ầm lên mà không dám ra tiếng. Họ chỉ cười thầm trong bụng là bởi vì lúc đó Quang Tự hoàng đế cũng có mặt trên điện.

Về sau, khi hoàng đế ra khỏi phòng rồi, Giao thái thái nằm bò trên mặt đất hành lễ, trông chẳng khác chi một con ba ba rụt cổ nằm ỳ ra đó, thì cái người đầu tiên không nhịn được cười là chính Tây thái hậu. Bà cười chảy cả nước mắt nước mũi, xuýt nữa té xuống ngai vàng. Thấy vậy, bọn phi tần, và phụ nữ quý tộc người Mãn ùa theo, cười lên như nắc nẻ.

Khắp cả cái điện rộng lớn thênh thang lúc đó chỉ nghe có tiếng cười, tiếng thì hí hi, tiếng thì hô hố, tiếng thì hềnh hệch, tiếng thì khăng khắc, tiếng thì khanh khách… tạo thành một tiếng ồn chưa từng thấy ở trong cung cấm.

Tây thái hậu cười một lúc rồi lên tiếng hỏi ai đã ăn vận cho Giao thái thái như vậy. Nhưng hỏi được câu hỏi trên vừa xong thì bà lại phá lên cười nữa. Cuối cùng, Tây thái hậu ngừng lại, lên tiếng bảo:

Hôm nay là ngày vui của mọi người. Giao thái thái hãy vui cùng với bọn ta một hôm nhé!

Giao thái thái nghe thái hậu truyền bảo, vội dập đầu tạ ơn.

Thế là hôm đó, Giao thái thái được theo chân thái hậu du ngoạn Tam Hải. Tam Hải là một thắng cảnh rất rộng lớn.

Bọn phi tần và quý phụ người Mãn, có cặp chân to, có đôi giò bự, theo thái hậu chạy đi chạy lại xem nhởn nhơ chẳng mệt mỏi gì, nhưng đối với Giao thái thái thì quả là một hình phạt vô cùng thê thảm.

Giao thái thái vốn đàn bà Hán lại có cặp chân bự, đầu đội mão Phượng quan vừa to vừa nặng, đi một bước là lặp một bước, xiêu bên này vẹo bên kia, trông thương tâm hết sức!

Khổ cái nữa là hôm đó, thái hậu lại cao hứng đi du ngoạn quá lâu, mãi tới khi mặt trời gần gác non Tây mới xa giá về cung. Thái hậu thưởng cho Giao thái thái hôm đó rất nhiều đồ trân bảo quý giá. Giao thái thái tạ ơn, rồi ra khỏi cung, quay về nhà.

Nhưng khi đặt chân vào nhà, đôi chân là như đã sưng từ bao giờ! Bà nằm liệt giường, mặt nhăn nhó, như chỉ muốn cầm đôi cẳng mà liệng vội đi cho đỡ nhức!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích