Quân tóc dài thấy tướng Thanh oai dũng liền lui vào trong thành cố thủ. Hoà Xuân lại định ra một kế: sai quân sĩ đào hào đắp tường vây kín thành Giang Ninh xa rộng đến hơn trăm dặm, sau đó còn bố trí chung quanh đến tám vạn quân để chuẩn bị xung sát. Phía ngoài sông, Xuân cho thuỷ sư dùng ván ghép lại thành những thuỷ doanh liên lạc luôn luôn với bộ doanh khiến thuỷ lục hải quân đều có cái thế ỷ đốc, vây chặt tứ bề thành Giang Ninh.

Tục ngữ có câu "chó cùng thì dứt giậu", một tay chọc trời khuấy nước, dám tự xưng Thiên vương mười mấy năm trời như Hồng Tú Toàn há lại không có một chủ kiến nào trong lúc nguy cấp này? Huống hồ dưới trướng Toàn lại còn có cả một triều đình đa mưu túc kế giúp sức! Bởi vậy Lý Tú Thành đứng lên hiến kế hàng binh ở nhiều mặt để đối phó với quân Thanh ở Giang Nam. Thành vốn thuộc loại nhân kiệt tiếng tăm của Thái bình Thiên quốc, mặc dầu Thành học hết sách vở, hiểu hết thao lược, nhưng giữa lúc quá nguy khốn thực chẳng còn có kế gì khác hơn nữa.

Hồng Thiên vương dùng kế của Lý Tú Thành sai quân tóc dài ở An Huy, Giang Tây chia đều quấy phá khắp miền Chiết Mân để khiên chế đại doanh Giang Nam của Thanh triều và hứa nếu giải vây được Giang Ninh sẽ có trọng thưởng.

Quân tóc dài ở Giang Tây ứng mệnh liền cất quân đánh phá Chiết Giang. Quả nhiên bọn quan lại Chiết Giang vội chạy tới cầu viện ở đại doanh Giang Nam. Thế là Hoà Xuân đành phải phân binh nam hạ sai Châu Thiên Thụ cứu viện Chiết Giang.

Miền Chiết Giang vừa tạm yên ổn bỗng tỉnh Mân lại có quân tóc dài kéo đến. Mân và Chiết kề nhau, đã cứu Chiết chẳng lẽ không viện Mân. Xuân lại phải sai Châu Thiên Bồi đem quân cấp tốc đi ngay. Thế là Xuân chỉ còn lại có quân lực yếu, người ít, đánh mãi đến hằng tháng chẳng ăn thua gì!

Trong lúc tình hình dai dẳng chưa liệu trước được gì, bỗng lại có những tin cấp báo nguy ngập khác, quân tóc dài do Tứ Nhãn Cầu chỉ huy đánh phá tan hoang khắp nơi.

Nguyên do tướng tóc dài Trần Ngọc Thanh thua chạy khỏi Hoãn Đông liền qua về đánh Phổ Khẩu. Tướng Thanh Đức Hưng A không kịp đề phòng, bị Tứ Nhãn Cẩu đánh cho một trận tơi tả: Thế là toàn quân của A lạc lõng chạy vội về Dương Châu. Tiếng tăm của Tứ Nhãn Cẩu vang dậy trong ngoài, suốt một dọc từ Giang Phố thiên trường đến Nghi Trưng thảy đều lần lượt thất hãm.

Sư oai có thừa, Tứ Nhãn Cẩu rầm rộ kéo tới Dương Châu như nước lũ, đánh thốc vào cửa tây bắc thành. Khốn thay cho Dương Châu hôm đó, tướng Đức Hưng A lại đang ngất ngưởng trên chiến thuyền của thuỷ quân trên sông. Quân Thanh không chủ soái chẳng biết làm sao đối phó. Doanh tổng Phú Minh A, thủ bị Chiêm Khải Luân thấy tình thế quá gấp đành phải thay Hưng A điều động quân đối địch. Mặt khác, thủ bị Trương Đức Bưu kéo ra cửa tây nghinh chiến.

Tú Nhãn Cẩu vốn là một tay tướng đã từng có kinh nghiệm chiến trường, lại còn là người khôn ngoan quỷ quyệt khôn lường. Cẩu thấy cửa nam không có phòng bị, liền cho quân leo thành nhảy vào.

Thế là thành bị phá. Hàng ngàn, hàng vạn quân tóc dài xông vào như nước vỡ bờ. Còn ai là người cản nồi nữa! Quân Thanh kẻ chết kẻ bị thương, kẻ chạy trốn hỗn loạn. Bọn tướng Chiêm, Phú thấy tình hình hỏng rồi, chẳng còn lòng nào ham đánh, vội cướp đường chạy trốn, cuống cuồng như chó gặp hoả tai.

Thành bị phá rồi Đức Hưng A mới biết! A sợ quá, chân tay run lên cầm cập, vội vàng một mạch chạy trốn. Tới hồ Thiệu Bá, Hưng A thu thập được ít tàn quân đóng trạm đồn tại cầu Vạn Phúc, cố giữ mặt đông bắc, một mặt mang hoả bài tới đại bản doanh Giang Nam cầu viện.

Hoà Xuân lâm vào tình trạng bất đắc dĩ, đành phải sai Trương Quốc Lương cho quân vượt sông sang bắc, tập họp với quân Giang Bắc đánh thành Dương Châu.

Lương vừa tới nơi, bỗng một tướng tóc dài mở cửa thành xông ra, Lương phi ngựa lên trước nghinh chiến, múa tít cây đại bao, lúc chém lúc đâm, sức mạnh muôn phần. Quân tóc dài thấy Lương oai mãnh quá vội chạy vào thành.

Cửa thành chưa đóng kịp thì Lương đã phóng ngựa bay vào thành, hô quân đột nhập. Quân tóc dài hoảng hốt chạy trốn, quân Thanh tiến tới. Hai bên ác đấu một trận tơi bời, rút cục quân tóc dài đại bại, quân Thanh cướp lại được Dương Châu.

Đại thắng ở Dương Châu, Trương Quốc Lương chuyển quân đánh Nghi Trưng, Nghi Trưng thu phục, Lương lại tiến đánh huyện Lục Hợp.

Huyện Lục Hợp ở phía bắc Giang Ninh, chỉ là một cô thành, thế mà vân chống cự được với quân tóc dài đến sáu năm trường.

Đã từ lâu, huyện lệnh Lục Hợp gặp lúc loạn ly, chiêu mộ quân nghĩa dũng cố thủ cộ thành. Sáu năm qua, Ôn Thiệu Nguyên so giáo với giặc ước hàng trăm trận, quân tóc dài không làm gì nổi. Nhưng đến khi Đức Hưng A lui về đóng ở Thiệu Bá, thành Dương Châu đã lấy lại thì Trương Quốc Lương tất nhiên kéo binh cứu viện cho Ôn Thiệu Nguyên.

Lương tới cầu Trần Bản, cách thành còn độ mười dặm, quân tóc dài được tin, liền đem đội binh tính nhuệ nhất ra chặn đánh, một mặt đào địa đạo để nổ phá chân thành. Giữa lúc Lương tiếp chiến với quân tóc dài ở mặt trước, thì mặt sau, thành Lục Hợp đã bị mìn nổ tung, bật hết từng đoạn đài Quân tóc dài ùn ùn kéo vào thành hò hét vang trời, đâm chém, đốt phá, tiếng khóc, tiếng la thê thảm.

Huyện lệnh Ôn Thiệu Nguyên thất thủ, nhảy xuống giếng tự tử. Vợ con của Nguyên cũng tuẫn tiết theo chồng.

Ngày mồng bảy tháng ba nhuận năm Hàm Phong thứ mười, quân tóc dài từ Hoãn Chiết chia làm mấy ngả nhất loạt tấn công tiến vào đại bản doanh. Trương Quốc Lương ngày đêm cự chiến đến nỗi không còn được lấy một phút để nghỉ ngơi nữa.

Cuộc chiến xảy ra liên tiếp tám ngày tám đêm. Quân tóc dài đến ngày càng đông, đứng xa trông nườm nượp như đàn kiến. Sức người có hạn bởi vì người ta cũng là thịt là xương.

Xung trận liên tiếp tám ngày tám đêm liền, dù có phải mình đồng da sắt, thì rồi cũng có lúc gân chùn gối mỏi, mắt hoa đầu váng, khó lòng mà chống chọi với muôn người. Chiến trận kéo dài tới ngày thứ mười bốn. Trời mưa to gió lớn, đêm đến rét kinh khủng, Trương Quốc Lương vẫn phải đốc thúc quân kháng chiên mọng mỏi đợi sáng. Bỗng trong doanh lửa cháy.

Rồi chỉ chớp mắt, lửa tràn lan khắp nơi. Lương biết lòng quân đã biến vội chạy ra khỏi doanh lui về giữ Đan Dương. Quân tóc dài gặng sức đuổi đánh. Chúng phá Lật Dương, chiếm Nghi Hưng, tấn công thành Đan Dương. Lúc đầu chúng còn sợ uy danh của Lương không dám lại gần, chỉ đắp các tường đất làm thành doanh. Về sau chúng cho một số quân cảm tử lẻn vào trại, đợi khi Lương xuất chiến, lừa dịp đâm trộm. Tên sát thủ đâm một mũi giáo trúng ngay hông Lương, Lương chịu đau, nhịp đâm lại chết hắn. Giữa lúc đó lưng Lương trúng thêm mấy ngọn thương, vết ngập quá sâu. Lương đã đến lúc hăng máu, bất chấp cả đau đớn, múa tít cây đại đao, hớt luôn một lúc mấy cái đầu tóc dài. Lương cử chém lia lịa, mở một đường máu chạy như cuồng tới bến Đại Dương, xuống ngựa, quay mặt về bắc, lạy mấy lạy rồi chết.

Trương Quốc Lương đã chết, thành Đan Dương thấy rõ khó lòng cố thủ. Chúng tướng vội bảo vệ Hoà Xuân xông qua vòng vây, mở một đường máu chạy thục mạng ra ngoài.

Khi cả bọn tới được Thương Châu, quay nhìn lại, thì ra quân tóc dài đang đuổi gấp đằng sau, quyết không chịu bỏ.

Xuân bất đắc dĩ phải quay lại nghinh chiến. Bỗng một viên đạn bay vèo tới trúng ngay giữa ngực Xuân, Xuân vội vàng quay ngựa chạy trở về, lui mãi tới Hữ Dã quan, hộc ra từng bát máu đặc, mặt tái xám đi rồi tắt thở.

Trận đại bại quả là thê thảm. Hai chủ soái đều chết. Doanh vụ xứ Hồ Bắc là đề đốc Vương Tuấn, tổng binh Thọ Xuân là Hùng Thiên Hỷ cũng trận vong. Duy chỉ còn có mỗi một mình đốc giang là Hà Thanh Quế thoát chết, chạy trốn về tới Tô Châu, nhưng lại bị tuần phủ Tô Châu là Từ Hữu Nhâm không cho vào thành khiến Quế phải chạy tít mãi đến Thượng Hải mới đám nghỉ ngơi ăn uống.

Quân tóc dài cướp được Thường Châu, tấn công Tô Châu. Từ tuần phủ thấy giặc tới miễn cưỡng điều động quân sĩ chống chọi được vài giờ thì quân tóc dài vượt thành, tràn ngập như thác lũ. Từ tuần phủ trốn chạy không kịp, đành chịu chết dưới ngàn vạn lưỡi dao của quân tóc dài băm nhỏ ra như cám.

Tin cảnh báo truyền về tới kinh đô. Triều đình gia ơn phủ tuất cho những kẻ trận vong. Duy chỉ còn có Hà Thanh Quế bị cách chức và bắt về tra hỏi. Ngoài ra còn chọn một viên đại thần làm Giang đốc.

Giữa lúc triều đình còn bàn tính chưa xong thì quân cơ đại thần Túc Thuận đằng hắng một tiếng, cử một tay nhân tài xuất chúng có thể lật ngược thế cờ, dẹp tan được Thái bình Thiên quốc.

Tìm một viên đại thần làm Giang đốc, triều đình nhà Thanh nhiều người có ý đề cử Hồ Lâm Dực. Duy chỉ có một mình Túc Thuận cho rằng chỉ nên nhiệm dụng Tăng Quốc Phiên.

Hàm Phong hoàng đế đắn đo một lúc rồi chấp thuận đề nghị của Thuận. Một đạo chỉ dụ ban xuống, Tăng Quốc Phiên bổ nhiệm Lưỡng Giang tổng đốc, đốc biên Giang Nam quân vụ, Phiên phụng chỉ xong tức thì viết biểu tâu về triều:

"Hiện nay lộ quân An Khánh đã đóng sát chân thành. Cánh quân này chính làm căn bản trong cuộc khắc phục Kim Lang, chớ nên vội rút. Thần vâng án mệnh, quyền chế Lưỡng Giang, đóng quân Tam Ngạn để vững lòng dân miền Ngô Hội, và gây thanh thế cho Huy Binh. Thần sẽ thương lượng với Quan Văn và Lâm Dực lấy thêm vạn lính, lên đường đi trước. Tuy vậy thần vẫn cho người về Tương Châu mộ thêm quân nghĩa dũng đưa tới hành doanh để đủ quân điều động. Còn việc quân lương, quân giới, thần về lấy Giang Tây, Hồ Nam làm căn bản. Thần cùng sẽ thông tư cho phủ thần hai tỉnh này dốc toàn lực để bố phòng ba tỉnh Giang Sở. Có phòng ngự xong xuôi cẩn thận, lúc đó mới có thể nói tiên đánh và càn quét. Nên chăng thế nào, kính mong thánh thượng xét soi!".

Tờ sớ dâng lên, được triều đình chuẩn ngay Phiên nhận thêm thượng dụ chiếu theo ý trong tờ sớ mà lo liệu hành động.

Hồ Lâm Dực đồng thời cũng bảo tấu cho Tả Tôn Đường được đặc cấp tứ phẩm kinh đường với nhiệm vụ biện lý quân của Tăng Quốc Phiên. Phiên lại cùng với Dực hội thương điều động năm ngàn bộ hạ của Bào Siêu cũng như ba ngàn người của bọn Chu Phẩm Long. Đường Nghĩa Huấn vượt đò sang sông về nam ngạn, đồn trú tài huyện Ký Môn, Hy Châu.

Hồng Thiên vương Tú Toàn được tin Tăng Quốc Phiên đồn trú tại Hoãn Nam, biết rằng Phiên có ý đóng đô Giang Ninh, bèn cho Lý Tú Thành làm Trung vương, đem theo bọn Cổ Lang Hiền, Lại Du Tân chỉ huy vài vạn quân tóc dài tiến thẳng vào Nam Huy.

Lúc đó, mấy lộ quân của Tả Tôn Đường và Bào Siêu, còn chưa tới hoãn, Lý Tú Thành theo đường châu Quản Đức kéo thẳng tới phủ Ninh Quốc. Tướng giữ thành là Châu Thiên Thụ không đủ sức địch, bị tử thương, Ninh Quốc bị hãm.

Huy Châu giới nghiêm. Tăng Quốc Phiên tức tốc sai Lý Nguyên Độ lo việc phòng thủ Huy Châu. Độ vừa tới Huy Châu thì, tướng tóc dài là Thị vương Lý Thế Hiền chỉ huy một lộ quân đông đảo ồ ạt kéo tới. Độ không chống nổi đành phải lui về giữ Khai Hoa.

Hiền phá tan thành phủ Huy Châu, tiến quân uy bức Kỳ Môn. Tăng Quốc Phiên hoảng sợ muôn phần… May nhờ được Bảo Siêu đem quân tới viện. Trương Vận Lan cũng được tin cảnh báo, vội chạy tới yểm trợ. Phiên liền sai Siêu ra giữa Hoàn Đình, còn Lan thì giữ Đa huyện.

Chủ đích của quân tóc dài là phải cướp cho kỳ được Kỳ Môn. Chúng chia ba đường tiến đánh: một đường qua phía tây hãm trấn Cảnh Đức, một đường tiến qua hướng đông hãm huyện Vụ Nguyên, còn một đường nữa đi sang ngả bắc, vượt qua núi Dương Sạn, đánh thốc vào đại bản doanh của Tăng Quốc Phiên.

Dưới trướng của Phiên lúc đó chỉ có hai chi quân của Siêu và Lan là dùng được, nhưng lại đã điều động hành quân ra ngoài cả rồi. Doanh trại của Phiên quả thực trơ trọi, vô cùng nguy hiểm, Phiên bất đắc dĩ đích thân chỉ huy ba quân chống giặc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích