Trong cuộc chiến tranh đoạt nhân tài, mục tiêu đầu tiên mà Lưu Bang chủ động tấn công chính là Cửu Giang Vương Anh Bố.

Sau trận chôn sống và tàn sát hai chục vạn hàng quân Tần tại Tân An, Hạng Võ kéo binh đến phía ngoài Hàm Cốc Quan, lại phái Anh Bố đi theo đường tắt đánh bại quân đội đóng giữ tại quan ải này, Hạng Võ mới có thể tiến vào thành Hàm Dương.  Với thành tích đó của Anh Bố, Hạng Võ đã cắt đất phong cho Anh Bố làm Cửu Giang Vương, định đô tại Lục An.  Tháng 4 năm 206 Tr. CN, các chư hầu rời khỏi Hí Hạ, mạnh ai nấy trở về đất phong của mình.  Hạng Võ lập Sở Hoài Vương làm Nghĩa Đế, dời đô về huyện Sâm.  Tháng 8 cùng năm, Hạng Võ bí mật sai Anh Bố và Hành Sơn Vương Ngô Nhuế, Lâm Giang Vương Cộng Ngạo đuổi theo giết chết Nghĩa Đế.

Nhưng, với một mãnh tướng từng mấy lần đi tiên phong như thế lại bị Hạng Võ nghi ngờ.  Nguyên nhân của sự nghi ngờ này bắt đầu từ tháng 4 năm 205 Tr. CN, khi Hạng Võ xuất quân đi Bình Định dẹp loạn do nước Tề gây ra.  Lúc  bấy giờ Hạng Võ phái người đến Lục An, mời Anh Bố chỉ huy quân đi trợ giúp ông tấn công nước Tề, Anh Bố lấy cớ bệnh không đi, mà chỉ phái có mấy nghì binh sĩ gia nhập đoàn quân của Hạng Võ.  Hạng Võ hết sức bất mãn.  Về sau Lưu Bang đánh chiếm Bành Thành, Hạng Võ kéo quân trở về đánh Hán, Anh Bố cũng không tương trợ khiến Hạng Võ lại càng thêm bất bình ông ta.  Cho nên Hạng Võ đã mấy lần phái người đi khiển trách Anh Bố, chất vấn ông ta tại sao trong những giờ phút như vậy lại chỉ biết lo bảo tồn thực lực, quên mất cái ơn phong vương, đồng thời, cho gọi ông ta đến Bành Thành để gặp mặt nói chuyện kỹ hơn.  Anh Bố biết rõ cá tính của Hạng Võ, sợ bị Hạng Võ bắt tội nên không dám đi.  Chính vì vậy Hạng Võ càng  bất bình và càng nghi ngờ Anh Bố hơn.  Hạng Võ sợ Anh Bố sẽ phản lại mình, nhưng không tiện trở mặt với ông ta.  Vì lúc bấy giờ, ở phía bắc nước Tề đã đứng lên làm phản.  Nước Triệu cũng có ý đồ như vậy, còn về phía tây thì Hán Vương Lưu Bang lại đang có nhiều tham vọng.  Trong các chư hầu chỉ còn Anh Bố là chưa làm phản.  Hạng Võ rất tán thưởng tinh thần dũng cảm và tài dụng binh của Anh Bố, cho nên đã cố đè nén sự bất bình trong lòng muốn sử dụng Anh Bố tốt hơn, lôi kéo Anh Bố về với mình.  Do suy như vạy nên Hạng Võ không sử dụng binh lực để tấn công ông ta, mà ngỏ ý muốn hòa giải, và muốn thân cận với ông ta hơn.

Nhưng sự lung lạc của Hạng Võ đối với Anh Bố không có hiệu quả gì.  Hạng Võ là người  không có khả năng đoàn kết và sử dụng nhân tài, không có khả năng lý giải người khác, cũng như không có lòng khoan dung, thương yêu đối với người khác, tạo điều kiện cho nhân tài gần gũi với mình.  Sự ngỏ ý của Hạng Võ đối với Anh Bố không thu được kết quả nào cả.  Riêng Anh Bố thì do trong hai lần nguy cấp mà không tương trợ cho Hạng Võ, nên cảm thấy rất lo ngại.  Ông không tin Hạng Võ sẽ tha thứ cho mình, gần gũi mình hơn, để khôi phục lại mối quan hệ như trước, mà trái lại, ông cho rằng Hạng Võ là người lòng dạ hẹp hòi, nhất định không buông tha những lỗi lầm của mình, nên ngày đêm lo sợ Hạng Võ sẽ phát binh hỏi tội.  Đối với Hạng Võ, Anh Bố luôn giữ một khoảng cách, luôn duy trì cảnh giác, khiến mối quan hệ đối với Hạng Võ mỗi ngày một xa hơn.

Tình trạng đó đã được Lưu Bang nhận thấy.  Lưu Bang cho rằng nếu tranh thủ được Anh Bố, thì có thể làm cho sức mạnh của Hạng Võ bị suy yếu nặng nề.  Đó là một cơ hội trời cho không thể bỏ qua.  Khi Lưu Bang bị đánh bại tại Bành Thành và rút lui đến Hạ Ấp, đã cùng Trương Lương bàn về kế hoạch lôi kéo Anh Bố.  Đó là vào một ngày hạ tuần tháng 4 năm 205 Tr. CN, khi Lưu Bang bị thua phải bỏ chạy tới Hạ Ấp, mới dừng lại để thu gom tàn quân.  Trương Lương từ đất Hàn hối hả tới nơi.  Lưu Bang đứng tựa yên ngựa nói:

- Với tình hình hiện nay, tôi muốn buông bỏ vùng đất nằm về phía đông của Hàm Cốc Quan, để cho những người có ý chí cùng hợp sức với tôi tiêu diệt quân Sở, vậy tướng quân xem ai là người thích hợp?

Trương Lương suy nghĩ giây lát, đáp:

- Có ba người cộng sự được.

Lưu Bang nôn nóng hỏi:

- Ba người nào?

Trương Lương đáp:

- Mãnh tướng của Sở là Cửu Giang Vương Anh Bố, hiện ông ta đang có sự bất hòa với Hạng Vương, nếu có thể làm cho ông ta phản Sở, thì sẽ khiến cho lực lượng của Hạng Vương bị suy yếu.  Một người khác là Bành Việt.  Người này đã phản Sở, nếu có thể liên lạc được với ông ta, yêu cầu ông  ta tiến hành khuấy rối ở hậu phương của Hạng Võ, kềm chế binh lực của Hạng Vương, thì đối với ta là điều rất có lợi.  Người thứ ba là mãnh tướng Hàn Tín, một người dưới tay của Đại Vương.  Hàn Tín là người trí dũng song toàn, có thể uỷ thác đại sự, một mình lo toan được mọi việc.  Đại Vương nếu thật sự muốn buông bỏ vùng đất phía đông của Hàm Cốc Quan để cùng các tướng giỏi đó mưu đồ sự nghiệp lớn, thì nên chọn ba người nói trên.  Được vậy quân Sở nhất định sẽ bị đánh bại!

Lưu Bang nghe qua hết sức tán đồng, tức khắc tiến hành mọi việc theo sự hướng dẫn của Trương Lương.  Ông phái người đi liên lạc với Bành Việt, để bàn việc cùng phối hợp để đánh Sở.  Sau khi Ngụy Vương Báo làm phản, Lưu Bang đã trao cho Hàn Tín binh quyền để ông ta đi thảo phạt.  Sau khi đánh bại được Ngụy Vương Báo, Hàn Tín lại thừa thế bình định được các nước Yên, Đại, Triệu, giải trừ được nỗi lo cho Lưu Bang.  Cuối tháng 4 năm 205 Tr. CN, Lưu Bang phái tướng lãnh Tùy Hà đi Cửu Giang, bắt đầu thực thi kế hoạch tranh thủ Anh Bố.

Trung quân tháng 5, Tùy Hà dẫn theo hai mươi người mang bức thư của Lưu Bang đi đến Cửu Giang.  Anh Bố biết ý định của Tùy Hà tới gặp mình trong lòng rất do dự.  Ông ta nghĩ bụng: mình mặc dù có sự bất hòa với Hạng Võ, nhưng trước kia từng chiến đấu bên cạnh Hạng Võ, sống chết có nhau, hơn nữa, ngôi vị Cửu Giang Vương cũng do Hạng Võ phong cho, vậy là thế nào phản Sở đầu Hán được?  Do sự mâu thuẫn về tâm lý như vậy, nên ông ta không đích thân tiếp kiến Tùy Hà mà để cho thái tể Cửu Giang chịu trách nhiệm tiếp kiến.  Ba ngày đã trôi qua, Tùy Hà là người đang gách vác trách nhiệm nặng trên vai tỏ ra rất sốt ruột.  Ông nói với vị Thái tể:

- Đại Vương không chịu tiếp tôi, chắc là vì sợ Sở mạnh, Hán yếu, quy Hán sẽ bất lợi cho mình.  Tôi đi sứ tới đây chính là vì muốn giải tỏa nỗi băn khoăn đó.  Vậy xin nói lại với Đại Vương để tôi được gặp mặt, nói rõ về vấn đề này.  Nếu tôi nói hợp lý thì đó là những điều mà Đại Vương muốn nghe, trái lại, nếu tôi nói sai thì  Đại Vương có thể trói tất cả hai mươi người của chúng tôi dẫn ra chợ Cửu Giang trảm quyết, để chứng tỏ lòng trung thành với Sở vương của mình!

Thái tể đem những lời nói đó nói lại cho Anh Bố nghe, Anh Bố chần chừ trong giây lát, mới bằng lòng tiếp kiến Tùy Hà.  Thế là Tùy Hà với một niềm hy vọng rất to lớn đi vào gặp Anh Bố.  Trước tiên, ông ta lấy phong thư của Lưu Bang từ trong tay áo trao tận tay cho Anh Bố, nói:

- Hán Vương rất lấy làm lạ, tại sao ngài lại lưu luyến với Sở mà không đành đứt đi.  Sở vương có đức, có ân gì đối với ngài? Tôi thật sự lo lắng giùm cho ngài và tấm lòng ngu trung của ngài sẽ đi đến một kết quả ra sao!  Cũng chính vì lẽ đó, nên Hán Vương mới sai tiểu thần mang bức thư này đến cho ngài.

Anh Bố mở phong thư của Lưu Bang ra đọc sơ lược, nói:

- Hạng Võ là chúa của tôi, còn tôi là bộ hạ của ông ấy, vậy tôi cầ phải phụng sự ông ấy với vai trò của một người bộ hạ chứ.

Tuy Hà lắc đầu:

- Tiểu thần không nghĩ như vậy.  Giữa ngài và Hạng Võ đều là chư hầu ngang nhau, việc ngài lấy tư cách là bộ hạ để phụng sự Hạng Võ, có lẽ vì ngài thấy nước Sở mạnh, có thể nương tựa được.  Nhưng, khi Hạng Võ kéo binh đánh Tề thì ngài lại không mang quân tương trợ, mà chỉ góp phần của mình với một số binh sĩ ít ỏi.  Làm như vậy có phải là một bộ hạ đối với Hạng Vương hay không?  Ngoài ra, khi Hán Vương kéo quân đánh Bành Thành của nước Sở, đáng lý ngài phải mang quân vượt sông để hiệp trợ với Hạng Vương, nhưng kỳ thật dù ngài có trong tay cả vạn quân, mà vẫn không chịu phái đi một người để giúp Hạng Vương, trái lại, chỉ ngồi chờ xem ai thắng ai bại.  Một người dựa vào người khác để lập quốc, mà thái độ như vậy thì có đúng không?

Tùy Hà đề xuất hai sự kiện nói trên đã đánh vào sự nhạy cảm của Anh Bố.  Sở dĩ ông ta xa rời Hạng Võ là vì sợ Hạng Võ trách móc đối với hai sự kiện đó.  Hôm nay sở dĩ ông ta có thái độ do dự, cũng chính là do hai sự kiện này.  Cho nên câu nói của Tùy Hà đã chạm đến chỗ bí ẩn trong tâm lý của Anh Bố, khiến ông ta im lặng thực lâu, không biết trả lời sao.

Là một người giỏi du thuyết và lanh lợi nên Tùy Hà đã phát hiện được thái độ lúng túng của Anh Bố ngay.  Ông ta không để lỡ mất thời cơ, liền tiếp tục tấn công:

- Xin tha thứ cho tiểu thần có lời nói thẳng.  Tiểu thần nhận thấy ngài trên danh nghĩa là quy phục nước Sở, nhưng trên thực tế thì đang muốn tìm một chỗ dựa.  Chính ngài có sự tính toán riêng của ngài.  Hôm nay sở dĩ ngài không chịu phản Sở, chỉ là vì ngài sợ Hán yếu đó thôi.

Câu nói của Tùy Hà đã đánh trúng vào chỗ hiểm của Anh Bố.  Sắc mặt của ông ta bừng đỏ và nói lắp bắp:

- Tại sao ông... ông lại nói như vậy?

Tùy Hà mỉm cười đáp:

- Xin ngài đừng sốt ruột, hãy để cho tôi nói tỉ mỉ hơn.

Tiếp đó, Tùy Hà đã phân tích một cách tường tận giữa Sở và Hán ai mạnh ai yếu.  Ông vạch rõ: Sở tuy có binh lực rất mạnh, nhưng mọi người trong thiên hạ ai cũng lên án Hạng Võ là một người bất nghĩa.  Vì ông ta đã phản bội lại sự liên minh trước kia, sát hại Nghĩa Đế.  Trong khi đó thì Hán Vương sau khi thu nạp các chư hầu đầu hàng lại trở về đóng ở Thành Cao - Huỳnh Dương, và chuyên chở lương thực từ Thục Hán đến để cung cấp cho binh sĩ, lại cho đào hào sâu, đắp luỹ cao, rồi phân phối binh sĩ trấn giữ, có thể nói đó là một sự phòng ngự vô cùng vững chắc.  Hạng Võ nếu muốn từ Bành Thành kéo quân tới tấn công, thì phải trải qua một lộ trình dài tới tám chín trăm dặm, lại phải vận tải lương thảo hết sức khó khăn.  Khi ông ta kéo quân tới dưới chân thành Huỳnh Dương thì binh sĩ đã mỏi mệt rã rời.  Cho nên chỉ cần quân Hán cố thủ trong thành bất động, nếu ông ta rút lui thì quân Hán sẽ truy kích ngay.  Với tình thế nói trên, thì không thể bảo là Sở mạnh, Hán yếu.  Cho dù Hạng Võ có thắng Hán Vương, thì các chư hầu cũng nhất định sẽ đưa quana tới cứu viện, khiến cho Hạng Võ phải đối đầu với tất cả quân đội trong thiên hạ, đâu đâu cũng gặp kẻ thù.

Sau khi phân tích tình hình đó, Tùy Hà nói với Anh Bố:

- Những lời nói của tiểu thần đều là sự thật, ngài là người sáng suốt, vị tất lại không hiểu.  Có đièu làm cho tôi khó nghĩ, đó là Sở không bằng Hán, vậy tại sao ngài  không chịu về với Hán là một lực lượng có tương lai vô hạn mà lại muốn dựa vào Sở đang sắp sửa lâm nguy?  Tôi không cho rằng binh lực có trong tay của ngài đủ sức tiêu diệt Sở, nhưng chỉ cần ngài phản Sở, thì Hạng Vương nhất định sẽ bị kẹt chân ở nước Tề, và chỉ cần ông ta bị kẹt chân ở đó chừng vài tháng, Hán Vương sẽ chắc chắn giành được thiên hạ.  Cho nên tôi mới đặc biệt đến đây để mời ngài về với Hán, vậy mong ngài chớ nên chần chừ.

Tùy Hà còn lấy việc mở rộng vùng đất phong của Cửu Giang để làm mồi câu nhử, khuyến khích Anh Bố về Hán, nói:

- Hán Vương tuyệt đối không như Hạng Vương, ích kỷ hẹp hòi, không muốn chia sẻ quyền lợi của mình với thần hạ, chỉ cần ngài về Hán, thì tương lai Hán Vương sẽ cắt đất phong hầu, nhất định phong cho ngài một tước hiệu xứng đáng!

Thế là, ông liền ngỏ ý với Tùy Hà là có thể bằng lòng phản Sở quy Hán, nhưng tạm thời đừng nói ra cho ai biết.  Tùy Hà thấy mình đã đạt được mục đích, nên hết sức vui mừng, đồng ý làm theo lời dặn của Anh Bố, sẽ giữ bí mật chuyện này không lan truyền ra ngoài.

Có một đièu giàu kịch tính, đó là cùng một lúc đó, sứ giả của Hạng Võ cũng đến nhà Anh Bố tại Cửu Giang.  Hạng Võ phái người tới để mời Anh Bố phát binh đánh Võ Quan của quân Hán.  Sứ giả của Sở vừa mới gặp Anh Bố, chưa kịp chuyển lời của Hạng Võ thì Tùy Hà cũng bỗng bước vào, ngạo mạn ngồi ở hàng ghế trên của sứ giả quân Sở, nói:

- Cửu Giang Vương đã quy Hán, Hạng Vương tại sao còn đến đây thúc giục phát binh?

Sứ giả của quân Sở như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt, kinh ngạc hỏi:

- Ông là ai?

Tùy Hà cười nhạt đáp:

- Tôi là Tùy Hà, sứ giả của Hán, tới đây nghênh đón Cửu Giang Vương quy Hán!

Sứ giả của quân Sở dùng ánh mắt hoài nghi nhìn về phía Anh Bố.  Anh Bố không biết phải trả lời ra sao, trong lòng không khỏi trách Tùy Hà: "Tôi bảo anh tạm thời đừng lan truyền tin tức này ra, thế tại sao anh lại quá nôn nóng?"

Kỳ thực, thì đây là một sự cố tình của Tùy Hà.  Anh Bố mặc dù rằng lòng quy Hán, nhưng lại yêu cầu giữ bí mật khiến trong lòng Tùy Hà vẫn chưa vững tin. Ông sợ rồi đây Anh Bố sẽ có sự thay đổi, cho nên nhân dịp có mặt sứ giả của quân Sở, ông đã mở cuộc tập kích bất ngờ, để buộc Anh Bố phải quyết định dứt khoát, cắt đứt con đường hy vọng dựa vào Hạng Võ của ông ta.

Trong khi Anh Bố còn đang ngơ ngác, thì Tùy Hà kéo Anh Bố sang một bên nói:

- Mọi việc ngày hôm nay không cho phép chần chờ được nữa, vậy mời ngài hãy mau ra lệnh giết chết sứ giả của quân Sở, đừng để hắn trở về báo tin, bằng không thì đối với ngài là điều hết sức bất lợi.  Ngài chắc là biết rõ con người của Hạng Võ.  Ông ta ghét nhất là ai phản bội lại mình!

Anh Bố nghe xong, biết sự việc đã đến nước này rồi, thì chỉ còn một con đường duy nhất là đầu Hán, chứ không còn con đường nào khác để đi.  Hơn nữa, Hạng Vương nếu biết được chuyện này thì tuyệt đối không thể tha thứ cho ông ta.  Ông ta đành phải nói với Tùy Hà:

- Nếu thế thì làm theo lời của ông vậy.

Dứt lời, Anh Bố ra lệnh mang sứ giả của quân Sở ra chém và chính thức tuyên bố khởi binh đánh Sở.

Lúc bấy giờ Hạng Võ đang đích thân chỉ huy đáng Hạ Ấp, được tin Anh Bố làm phản thì hết sức giận dữ, to tiếng mắng Anh Bố là kẻ vong ân phụ nghĩa, đồng thời, phái Hạng Thanh, Long Thả dẫn quân đi tấn công Anh Bố.  Tháng 10 năm 204 Tr. CN, sau bảy tháng kịch chiến, quân Anh Bố bị hai tướng Hạng Thanh và Long Thả đánh bại.  Ông muốn dẫn quân chạy về Huỳnh Dương, lại sợ Hạng Võ chặn đánh, nên buộc phải bỏ rơi tàn quân, một  mình cùng Tùy Hà đi theo đường tắt chạy về phía tây.

Trong vòng tháng chạp, Anh Bố đến được Huỳnh Dương.  Khi ông vào yết kiến Lưu Bang, Lưu Bang vẫn ngồi chàng hảng để rửa chân, hoàn toàn không có vẻ gì là người biết lễ độ và có tinh thần chiêu hiền đãi sĩ cả.  Anh Bố không khỏi thất vọng, hối hận là mình không nên chọn lựa con đường quy Hán.  Thế nhưng, khi ông về đến nơi ở, thì cảnh tượng lại hoàn toàn khác hẳn: phương tiện đầy đủ, việc ăn uống, quân hầu, không khác gì Lưu Bang.  Anh Bố hết sức vui mừng, cảm thấy Lưu Bang tuy bề ngoài đối với thần hạ có vẻ như vô lễ, nhưng trên thực tế thì lại là một vị minh chủ biết trọng nhân tài.  Ông quyết tâm dốc hết sức mình ra để phục vụ cho Lưu Bang, dù gặp khó khăn tới đâu cũng không từ chối.

Giữa lúc Anh Bố được Lưu Bang nhiệt tình tiếp đãi, Hạng Võ lại giận điên lên phái Hạng Bá tới Cửu Giang tàn sát toàn bộ quyến thuộc của Anh Bố.  Khi được sự sắp xếp của Lưu Bang để đi đón vợ con, thì Anh Bố chỉ còn thấy nhà cửa trống trơn, đó đây vẫn còn nhiều vết máu.  Anh Bố căm hận Hạng Võ đến cực độ.  Ông thề sẽ giúp Hán diệt Sở, để trả mối thù đẫm máu này.  Đáng buồn cho Bá Vương Hạng Võ là đã để cho Lưu Bang lợi dụng được những sai lầm của mình, khiến vị tướng lãnh đắc lực của ông ta trở thành kẻ thù không đội trời chung.  Việc phản Sở quy Hán của Anh Bố đã mang đến cho sự nghiệp của Hạng Võ một hậu hoạ cực kỳ to lớn, thậm chí ảnh hưởng tới sự thành bại cuối cùng của ông ta, đó là điều mà Hạng Võ không thể tiên liệu được.

 

 

Bốn vạn cân vàng và một mưu sĩ

 

Anh Bố trở lại Huỳnh Dương với một tâm trạng nặng nề.  Chuyến trở về Cửu Giang lần này là một sự đả kích quá lớn đối với ông.  Sự trả thù một cách tàn nhẫn của Hạng Võ lại mang đến cho ông một bài học sâu đậm, ông hối hận là mình hành động quá chậm, không kịp thời trở về rước gia quyến, để nay phải gặp cảnh bi thảm như thế này.  Giờ đây, ông đã mất cả gia đình, mất cả Cửu Giang, và khi  nghĩ tới điều đó thì ông cả thấy ruột gan mình như bị  đứt từng đoạn.

Thực ra, với việc trả thù của Hạng Võ ông đã biết từ lâu.  Trước đây Hạng Võ đã từng phái ông thực hiện việc chôn sống và tàn sát hai chục vạn hàng binh của quân Tần. Thảm cảnh đó tới nay vẫn còn hiện rõ trong ký ức của ông.  Lòng phục thù mãnh liệt của Hạng Võ vẫn lưu lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ông, thế nhưng ông lại không nghĩ rằng thảm cảnh đó giờ đây lại tới với mình.  Ông tự trách mình và càng căm hận Hạg Võ.

Lưu Bang thấy được tâm trạng đau khổ của Anh Bố, nên phái người chăm sóc việc ăn uống, việc nghỉ ngơi cho Anh Bố thực chu đáo, để ông cảm thấy được niềm an ủi và sự ấm áp khi quy Hán.  Đồng thời, Lưu Bang cũng phái cho ông một bộ phận binh lực, để ông trở về Cửu Giang thu gom lại các quan viên dưới tay, các bạn bè cũ và mấy nghìn binh sĩ đã tản lạc, dẫn họ trở về đóng giữ Thành Cao.  Nhờ đó Anh Bố mới thấy phấn chấn trở lại.

Tháng chạp năm 205 Tr. CN, Hạng Võ bắt đầu mở cuộc đại tấn công vào Huỳnh Dương.  Hạng Võ nhằm thẳng vào con đường vận tải lương thực của quân Hán để làm mục tiêu tấn công.  Đó là con đường được Lưu Bang xây dựng nối liền giữa Huỳnh Dương với bờ sông Hoàng Hà để chuyển vận lương thực từ Ngao Thương về.  Hạng Võ phái binh tấn công liên tục vào binh sĩ vận lương của quân Hán, làm cho Lưu Bang gặp khó khăn trong việc chuyển lương thực từ Ngao Thương về Huỳnh Dương.  Quân Hán bắt đầu bị thiếu lương thực.  Lưu Bang cảm thấy lo lắng.

Ngày hôm đó, Lưu Bang cho gọi Lệ Thực Kỳ đến để cùng ôngta tìm cách giải cứu tình hình nói trên, cũng như làm suy yếu quân Sở.  Lệ Thực Kỳ kiến nghị cho phục hồi hầu duệ của sáu nước cũ để cô lập Hạng Võ.  Ông kể lại chuyện xưa, nói:

Đến chừng đó Đại Vương sẽ xưng bá ở phía nam, và nước Sở tất nhiên phải thần phục triều bái Đại Vương.

Lưu Bang nghe theo lời khuyên của Lệ Thực Kỳ, sai người nhanh chóng khắc con dấu, chuẩn bị phái Lệ Thực Kỳ làm sứ giả đặc biệt, mang con dấu đi phong cho hậu duệ của sáu nước.  Nhưng, ngay lúc đó thì Trương Lương từ bên ngoài trở về Huỳnh Dương, bước vào bái kiến Lưu Bang.  Lưu Bang đang ăn cơm, nghe tin Trương Lương trở về liền sai người hầu mời Trương Lương đến trước bàn cơm, để cùng nhau hàn huyên, vui vẻ nói với Trương Lương:

- Này Tử Phong, có người góp một ý kiến hay cho tôi, qua đó có thể đánh bại được Tây Sở!

Trương Lương hơi ngạc nhiên, vội vàng hỏi rõ đầu đuôi.  Lưu Bang đem những lời nói của Lệ Thực Kỳ kể hết lại cho Trương Lương nghe, và hỏi:

- Tướng quân thấy ý kiên đó như thế nào?

Trương Lương lắc đầu, đáp:

- Ai đã góp ý với Đại Vương như vậy?  Nếu làm theo cách đso thì sự nghiệp của Đại Vương sẽ không còn gì nữa!

Lưu Bang không hiểu, lên tiếng hỏi qua thái độ nghi ngờ:

- Tướng quân nói thế nghĩa là sao?

Trương Lương bèn lấy một chiếc đùa trên bàn ăn, vừa vẽ lên mặt bàn tình thế trong thiên hạ thời bấy giờ vừa nói:

- Kế hoạch đó có tám điều không thể thi hành được.  Thứ nhất, xưa kia khi Thương Thang đánh Hạ Kiệt đã phong cho Khởi, là vì tự biết mình có thể khống chế và dồn Hạ Kiệt vào con đường chết, còn nay Đại Vương có thể khống chế và dồn Hạng Võ vào con đường chết hay không?  Thứ hai, trước kia khi Võ Vương phạt Trụ đã phong hậu duệ của Trụ ở Tống, là tự biết mình có thể lấy đầu của Thương Trụ, còn hôm nay Đại Vương có thể lấy đầu của Hạng Võ không/  Thứ ba, Võ Vương tấn công vào Triều Ca để biểu dương sự hiền đức của Thương Khách, phóng thích Cơ Tử đang bị giam cầm, đắp cao ngôi mộ của trung thần Tỷ Can, còn nay bệ hạ có thể phong mộ của thánh nhân, biểu dương người hiền hay không?  Thứ tư, sau  khi triều nhà Châu được thiên hạ, đã mở kho lương Cự Kiều để chấn tế cho người nghèo ở trong nước, đem vàng bạc châu báu cất giữ lại Lộc Đài để phân phát cho bá tánh đói khổ, còn Đại Vương ngày nay có thể mở phủ khố để chấn bần hay không?  Thứ năm, triều nhà Thương bị diệt vong, triều nhà Châu lên thay thế, bèn cải tạo chiến xa thành xe dân dụng, để cho thiên hạ biết là không còn chiến tranh, vậy ngày nay Đại Vương có thể chấm dứt chiến tranh để tạo dựng một cuộc đời hòa bình và không sử dụng tới binh lực nữa không?  Thứ sau, sau khi nhà Châu hưng thịnh thì dùng chiến mã để cày ruộng, thả hết chúng vào phíanam Hoa Sơn, để chứng tỏ không bao giờ dùng tới chúng nữa, và đuổi bầy bò đến phía bắc Đảo Lâm, để chứng tỏ từ đây không dùng chúng để chuyển tải quân lương nữa, vậy nay Đại Vương có thể bỏ không dùng chiến mã, thả hết bầy bò để không vận chuyển quân lương nữa không?  Thứ bảy, hiện nay anh hùng hào kiệt đều phải xa rời người thân của mình, để chạy theo Đại Vương, nhằm tạo dựng chiến công, để sau này được phong cho một miếng đất, thế mà Đại Vương lại định đưa tất cả hậu duệ của lục quốc là những người hoàn toàn không có đóng góp gì cho Đại Vương để phong họ làm Vương, điều đó không phải khiến cho tất cả hào kiệt đều thất vọng đó sao?  Nếu tất cả họ đều trở về quê hương của mình để góp sức với những vị vương mới đó, thì Đại Vương lấy ai để hoàn thành sự nghiệp to lớn của Đại Vương?  Thứ tám, nếu Đại Vương phong hậu duệ của sáu nước làm vương, một khi Hạng Vương mạnh lên thì họ nhất định sẽ ngả về phía Hạng Vương, làm cho thế lực của Hạng Vương càng lớn mạnh hơn.  Đó là tám điều không thể làm được, vậy xin Đại Vương suy nghĩ kỹ.  Nếu làm theo cái kế của người này thì tất cả sự nghiệp của Đại Vương đều bị xóa bỏ sạch!

Lời nói của Trương Lương đã thật sự soi đúng vào cốt lõi của vấn đề.  Lưu Bang nghe xong liền bừng tỉnh, phun tất cả cơm đang nhai trong miệng ra, to tiếng mắng:

- Đồ hủ nho!  suýt nữa làm hỏng đại sự của ta rồi!

Sau đó, ông liền ra lệnh cho người hầu đem đốt tất cả những con dấu đã được khắc xong, và ngưng việc đưa Lệ Thực Kỳ đi sứ lại.

Sự khác nhau về sách lược của Trương Lương và Lệ Thực Kỳ có thể nói là một cuộc đại luận chiến về chính sách trong những túi khôn của Lưu Bang.  Lệ Thực Kỳ là người "ăn" chuyện cổ mà không "tiêu hóa" được, không biết tùy thời ứng biến, cho nên cuối cùng bị Trương Lương là người am hiểu chuyện cổ và biết suy xét ứng dụng với thời thế đã đánh đổ, và được một người biết chọn lựa điều hay để theo như Lưu Bang tiếp nhận.  Nhờ đó mà tránh  khỏi một sự sai lầm về mặt sách lược, tránh khỏi bị tổn thất một cách không đáng có.  Qua sự kiện đó cho thấy Lưu Bang chẳng những là người có thể tiếp nhận người tài, mà còn biết sử dụng người tài, hơn nữa, cũng có thể nghe theo ý kiến đúng, để sữa chữa sai lầm của mình bất cứ lúc nào.  Về điểm này thì Lưu Bang hơn hẳn Hạng Võ.

Lưu Bang sau khi phủ định ý kiến của Lệ Thực Kỳ, bèn tích cực mưu tìm một sách lược mới.  Ông cho tìm Trần Bình, vì ông cảm thấy Trần Bình là người từng cộng sự dưới tay của Hạng Võ, đối với tình trạng hư thực của quân Sở ông đều hiểu biết rất rõ.  Trần Bình lại là một con người giỏi mưu lược, nhất định sẽ nghĩ ra được một sách lược hay.

Trần Bình kể từ khi chạy về với Lưu Bang, phải nói là mọi việc đều thuận lợi.  Ông cảm thấy Lưu Bang xứng đáng là một người hiền minh, có thể nương tựa, đặc biệt là sau khi trải qua một cơn sóng gió thì ông càng kiên định cách nhìn của ông.  Đó là sau khi Trần Bình chạy theo Lưu Bang không bao lâu, thì một số tướng lãnh như Châu Bột, Quán Anh tỏ ra bất mãn trước việc Lưu Bang đã dùng lễ đối xử với Trần Bình, cho nên họ đã nói xấu Trần Bình trước mặt Lưu Bang, bảo Trần Bình tuy bề ngoài xem có vẻ đường đường, nhưng trong bụng thì lại trống rỗng, không có chân tài thực học.  Phẩm chất đạo đức của ông ta lại càng không tốt, như ăn hối lộ, và từng thông dâm với chị dâu.  Họ  lại nói Trần Bình trước kia ở với Ngụy, sau chạy sang Sở, rồi lại chạy sang Hán, là một loạn thần phản phúc vô thường, không thể trọng dụng.  Lưu Bang do đó sinh lòng nghi ngờ, khiển trách người tiến cử Trần Bình là Ngụy Vô Tri.  Nguỵ Vô Tri dựa vào lý lẽ để cãi lại, bảo mình tiến cử Trần Bình là tiến cử tài năng của ông ta, còn số người của Châu Bột lại chê trách phẩm cách và đạo đức của ông ta.  Hiện nay sự tương tranh giữa Sở và Hán ngày càng quyết liệt, cho dù một con người có phẩm chất đạo đức như thế nhưng ta vẫn dùng tài năng của người ta là chính.

Lưu Bang lại trực tiếp quở trách Trần Bình, Trần Bình không tự ti mà cũng không tự cao, nói: "Khi phụng sự Ngụy Vương ở nước Nguỵ, Ngụy Vương không tiếp nhận kiến nghị của thần nên thần bỏ đi sang Sở.  Hạng Vương chỉ tín nhiệm bà con cùng một họ của mình, mà không tín nhiệm người ngoài, cho nên không dùng tài năng của thần, buộc thần phải bỏ Sở quy Hán.  Thần cho rằng Hán Vương là người biết chiêu hiền đãi sĩ, biết dùng người, nhưng nay thấy ngài có lòng nghi ngờ thần, vậy thần sẵn sàng từ quan ra đi."  Những lời nói đó làm cho Lưu Bang hết sức ngạc nhiên, vội vàng xin lỗi Trần Bình, đồng thời, ban thưởng trọng hậu cho ông và thăng ông lên chức Hộ Quân Trung Úy.  Từ đó về sau, giữa chủ và tôi không có lòng nghi kỵ chi nữa.  Trần Binh đem toàn tâm toàn ý để phụng sự Lưu Bang.

Sau khi Lưu Bang tìm gặp Trần Bình, bèn nói thẳng vào đề:

- Nay thiên hạ hỗn loạn không yên, vậy bao giờ mới bình định được?

Trần Bình bèn hiến cho Lưu Bang một kế, ông nói:

- Số người mà Hạng Võ tin dùng nhất chính là  Phạm Tăng, Chung Ly Muội, Long Thả, Châu Ân, v.v... Vậy nếu Đại Vương có thể dùng hàng vạn cân vàng để làm kế ly gián thì giữa quân thần của Hạng Vương sẽ nghi kỵ lẫn nhau, Hạng Vương là người rất đa nghi, vậy chúng ta có thể thi hành kế ly gián, chắc chắn sẽ gây ra được tình trạng lục đục trong nội bộ của họ.  Đại Vương thừa cơ hội đó cử binh tấn công, thì nhất định sẽ đánh bại được quân Sở!

Hán Vương Lưu Bang nghe xong liền vỗ tay kêu tuyệt, tức khác ban cho Trần Bình bốn vạn cân vàng, để ông ta tùy nghi sử dụng.  Trần Bình cảm kích sự tín nhiệm của Lưu Bang, liền bắt đầu hành động.  Ông dùng rất nhiều vàng để thuê gián điệp chui vào trong quân Sở, lan truyền tin vịt để làm tan rã quân Sở bằng kế ly gián.

Tháng chạp, quân Sở mở cuộc tấn công lớn vào Huỳnh Dương, nhưng do Huỳnh Dương phòng thủ quá chặt chẽ, tấn công mãi mà vẫn không chiếm được, ảnh hưởng tới sĩ khí của quân Sở.  Một số tướng lãnh nói riêng với nhau đã tỏ ý bất mãn, cho rằng một số tướng lãnh như Chung Ly Muội, từng xung phong hãm trận, lập được nhiều chiến công, nhưng cuối cùng vẫn không được chia đất phong vương thật là bất công.  Nghe đâu ông ta muốn chạy theo Hán Vương, giúp Hán tiêu diệt Sở.  Một khi tiêu diệt được Hạng Vương rồi, thì ông ta sẽ về đất phong của mình để xưng vương.

Dù vậy, trong lòng Hạng Võ vẫn nhớ mãi không hề quên, và đối với số người của Chung Ly Muội không còn tín nhiệm như trước.  Ông không bao giờ nói thật mọi việc cho họ nghe, có một số nhiệm vụ quan trọng cũng không phái họ làm, đồng thời, bí mật quan sát hành động của họ.  Mối quan hệ giữa quân và thần đã xuất hiện sự rạ nứt.

Trong vòng tháng 4, Hạng Võ tăng cường việc bao vây tấn công Huỳnh Dương.  Ông ta điều động toàn bộ quân chủ lực, kéo tới đông nghẹt dưới chân thành Huỳnh Dương, quyết tâm đánh chiếm thành này để bắt sống Lưu Bang.  Riêng Lưu Bang mặc dù sự phòng thủ ở thành Huỳnh Dương rất kiên cố, vẫn không dám giao phong trực diện với Hạng Võ, vì biết Hạng  Võ là một dũng tướng quả cảm, còn quân Sở là một đạo quân có tinh thần chiến đấu cao.  Chính ông đã học được bài học thất bại tại thành Bành Thành, năm mươi sáu vạn đại quân đã bị Hạng Võ đánh cho tơi tả.  Đó là bài học khắc cốt ghi xương của Lưu Bang.  Để giữ vững tuyến rút lui cuối cùng này, Lưu Bang quyết định giảng hòa với quân Sở, tạm thời để cho Hạng Võ giữ yên vị trí, rồi sau này mới tính đến kế hoạch khác hơn.

Ngày hôm đó, Lưu Bang cử một sứ giả đến doanh trại của Hạng Võ, nói với ông ta là Hán Vương không dám tranh phong với quân Sở, nên bằng lòng giảng hòa.  Nếu bãi binh thì có thể lấy Hồng Câu tại Huỳnh Dương để làm ranh giới.  Vùng đất nằm về phía đông là của Sở, vùng đất nằm về phía tây là của Hán.  Hạng Võ nghe xong nghĩ bụng: quân Sở trong một thời gian dài đã liên tục đông chinh tây chiến, tướng mệt binh sĩ cũng xuống tinh thần, vậy lấy Hồng Câu làm ranh giới giữa Sở và Hán, mỗi người chiếm đóng một phương, thì chừng như cũng là điều có thể thực hiện.  Thế là ông muốn bằng lòng theo lời yêu cầu của người sứ giả quân Hán, đồng ý giảng hòa.

Phạm Tăng đang ngồi bên cạnh nghe được điều đó, trong lòng nóng như bị lửa đốt, ông liền nói với Hạng Võ:

- Đây chính là kế hoãn binh của quân Hán, Đại Vương tuyệt đối không nên tin.  Quân Hán bị vây trong một ngôi thành cô lập, lương thảo thiếu thốn, tình thế bất lợi, chỉ có thể ở vào thế thủ  một cách bị động, còn quân  ta thì nhuệ khí rất cao, nếu thừa thắng tiếp tục tấn công thì có thể chiếm được thành Huỳnh Dương.  Vậy xin Đại Vương tuyệt đối đừng để lỡ mất thời cơ.

Hạng Võ nghe theo lời của Phạm Tăng, dứt khoát không tiếp sứ giả của Lưu Bang.  Sứ giả trở về thành Huỳnh Dương, đem tình hình báo lại cho Lưu Bang.  Lưu Bang tỏ ra rất lo lắng.  Ông lại cho tìm Trần Bình, hai người bàn bạc kế hoạch một lúc, và đã nhất trí cách làm tiếp theo.

Khi sứ giả của Hạng Võ đến Huỳnh Dương, Trần Bình tiếp đón thật trọng hậu, bày một tiệc rượu sang trọng để thết đãi ông ta.  Sứ giả không khỏi lấy làm ngạc nhiên, không hiểu lý do tại sao.  Vì ông ta chẳng qua là một sứ giả, đâu cần phải đón tiếp trọng hậu như thế.  Trong khi sứ giả đang băn khoăn, thì Trần Bình bỗng làm ra vẻ giật mình, nói:

- Tôi tưởng đây là sứ giả của Á Phụ phái tới, té ra lại là sứ giả của Hạng Vương.  Tôi đã hiểu lầm rồi!

Nói dứt lời, ông ta khoát tay ra lệnh cho người hầu dọn hết những thức ăn thịnh soạn xuống, và đưa lên một bàn tiệc mới gồm toàn những thức ăn tầm thường.  Đó là việc làm do Lưu Bang và Trần Bình đã xếp đặt trước, nhưng  người sứ giả hoàn toàn không biêt có sự sắp xếp như vậy, cho nên sau khi trở về, liền đem tình hình đó bẩm lại cho Hạng Võ nghe.

Hạng Võ không khỏi giật mình, Phạm Tăng là một mưu sĩ thân cận nhất của ông ta, nay đã hơn 70 tuổi, từ trước tới nay luôn tỏ ra là người rất trung thành, thường hiến được nhiều mưu kế hay, được Hạng Võ hết sức kính trọng, tôn là Á Phụ.  Thế nhưng tại sao ông ta lại là người hai lòng, cấu kết với Lưu Bang?  Nếu không có sự cấu kết thì Lưu Bang tại sao lại dùng đại lễ để nghênh đón sử giả của Phạm Tăng?  Ông ta phái sứ giả đến doanh trại của quân Hán để làm gì?  Hạng Võ càng suy nghĩ lại càng nghi ngờ thêm, dần dần hình tượng của Phạm Tăng trong đầu óc của ông ta biến dạng, trở thành một con người tồi tệ đáng ghét!

Vừa lúc đó, Phạm Tăng vào ra mắt Hạng Võ, nhắc lại chủ trương nên cấp tốc mở cuộc tấn công vào thành Huỳnh Dương.  Hạng Võ hoàn toàn không nghe lọt vào tai, vì lúc đó ông ta đang suy nghĩ về một vấn đề khác.  Tại sao Á Phụ lại nôn nóng muốn mở cuộc tấn công Huỳnh Dương, phải chăng giữa ông ta và Hán Vương có sự bí ẩn gì với nhau?

Hạng Võ lơ đễnh bước tới bước lui trong phòng, không nói một tiếng nào, không trả lời là nên hay không nên.  Hạng Võ bình nhật vốn là người rất cở mở, nói chuyện ôn tồn, đặc biệt là đối với Phạm Tăng, ông lại càng xem là người trưởng bối, luôn kính nể, thế nhưng hôm nay thái độ lại rất khác thường, làm cho Phạm Tăng không khỏi ngạc nhiên.  Phạm Tăng nghĩ bụng: chắc là có nguyên do gì, nhưng ông không tiện hỏi thẳng, chỉ thở dài rồi bước ra.

Sau khi Phạm Tăng biết được mình đã bị Hạng Võ nghi ngờ, thì hết sức giận dữ và thấy thật là oan ức.  Từ đó ông liền nhớ lại trong buổi tiệc tại Hồng môn, Hạng Võ không chịu nghe theo lời khuyên của ông, thả Lưu Bang trở về doanh trại, bỏ mất một thời cơ tốt.  Cho nên ông cảm thấy Hạng Võ mặc dù là người gan dạ dũng cảm, nhưng chỉ ban ơn và chỉ nghe theo một số người nào mà thôi, trong khi chính bản thân Hạng Võ cũng không có mưu kế gì gọi là hay, như vậy, chắc chắn khó hoàn thành được đại sự.  Với một tâm trạng hết sức đau khổ và thất vọng, ông tới gặp Hạng Võ nói:

- Đại sự trong thiên hạ đã yên, xin Đại Vương tự bảo trọng lấy.  Nay thần đã già rồi, không còn đủ sức khoẻ để cho Đại Vương sai khiến, vậy  để cho thần được trở về quê hương!

Hạng Võ vì đã có lòng nghi Phạm Tăng nên không ngăn cản.  Chính vì vậy mà người mưu sĩ có lòng dạ trung thành này đã buồn bã rời khỏi Hạng Võ, kết thúc cuộc sống trong quân Sở của ông.  Trên đường từ Huỳnh Dương trở về Bành Thành, do mụn nhọt độc ở sau lưng của  ông tái phát, nên ông đã chết rất thê thảm.

Cái chết của Phạm Tăng đã làm cho Hạng Võ mất đi một cánh tay phải, đồng thời, cũng làm cho Hạng Võ bị thất bại trong cuộc đấu tranh giữa sức mạnh và mưu kế tại thành Huỳnh Dương.

Hai tiếng Thất Bại nghe rất chói tai, mà Hạng Võ tự nhận là người vô địch trong thiên hạ không làm sao tiếp nhận được.  Đúng vậy, ông phải đối diện với hiện thực đó, một hiện thực không thể phủ nhận được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích