Nhưng nếu để tâm suy nghĩ, thì dù sao mỗi vật thể cũng phải gắn với một cái gì đó khác nữa ngoài các dữ liệu giác quan chứ! Ẩn đâu đó ở đằng sau nó chẳng hạn.

Triết gia Đức thế kỷ mười tám Immanuel Kant nghĩ vậy. Ông đọc các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh, và như ông diễn tả, họ đã làm ông thức tỉnh khỏi cơn mê giáo điều. Kant từng cho rằng trí óc của chúng ta có thể cho ta biết chắc thế giới thực sự thế nào. Nhưng các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đã chứng minh, vì tri thức của chúng ta về thế giới bên ngoài đến với chúng ta qua các giác quan, nên ở một mức độ nào đó, nó luôn không chắc chắn. Một quả dâu chỉ đỏ và ngọt khi nó được kiểm tra bằng những công cụ nhất định - mắt và các nụ vị giác của chúng ta. Chúng ta biết một số người có cấu tạo nụ vị giác khác thường có thể không cảm thấy quả dâu ngọt. Vì vậy, Kant thắc mắc, quả dâu “tự thân” là gì mà có vẻ đỏ và ngọt - hoặc ở một trạng thái khác - khi đi qua công cụ cảm giác của chúng ta?

___oOo___

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cho rằng khoa học có thể giúp ta biết một vật tự thân thực sự là gì, kể cả khi giác quan của chúng ta bất lực. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ, ta sẽ thấy khoa học thực ra không thể đưa chúng ta đến gần hơn với quả-dâu-tự-thân. Thực tế thì khoa học không giúp ta khẳng định được rằng một cấu trúc hóa học nhất định của quả dâu và một cấu trúc thần kinh nhất định của con người kết hợp lại có thể quyết định quả dâu sẽ ngọt hay chua - và rằng cấu trúc hóa học này chính là cái mà quả dâu tự thân “thực sự là”. “Một cấu trúc hóa học nhất định” mà chúng ta nói đến đó thực ra là “hiệu quả mà ta quan sát được khi ta cho quả dâu đi qua những thiết bị nào đó”. Cho quả dâu đi qua những thiết bị nào đó chỉ cho chúng ta biết quả dâu có vẻ như thế nào khi nó đi qua những thiết bị ấy, cũng như cắn vào một quả dâu cho chúng ta biết quả dâu có vẻ như thế nào khi nó đi qua những nụ vị giác của chúng ta.

***

Kant kết luận rằng chúng ta không thể biết sự vật tự thân là gì. ding an sich, vật-tự-thân, theo Kant là “bằng x” (ẩn số). Chúng ta chỉ có thể biết thế giới hiện tượng, thế giới của các biểu hiện bên ngoài; chúng ta không thể biết gì về thế giới bản thể, siêu nghiệm ở phía sau các biểu hiện bên ngoài.

Với quan điểm đó, Kant đã thách thức vô số các luận thuyết triết học. Lý trí không thể cho ta biết về thế giới nằm bên ngoài giới hạn các cảm giác của ta. Kể cả vị Chúa-thư-ký-nhập-dữ-liệu của Berkeley, lẫn tất cả các giải thích siêu hình về thế giới đều không đem lại cho chúng ta hình dung chân thực về thế giới. Triết học từ nay không bao giờ còn như trước nữa.

Thư ký: Thưa bác sĩ , có một người vô hình trong phòng đợi.

Bác sĩ: Bảo là tôi không thể gặp anh ta được. (*)

(*) Chơi chữ: I can’t see him: không thể nhìn thấy, hay từ chối gặp.

Có thể chuyện cười này không giúp bạn hiểu được những lý giải phân biệt thế giới hiện tượng và thế giới bản thể của Kant. Đó là vì nó đã bị rơi rụng ít nhiều khi chuyển ngữ. Đây là nguyên bản chúng tôi nghe được trong quán rượu tầng hầm của trường đại học Königsberg:

Thư ký: Herr Doktor (thưa bác sĩ), có một ding an sich trong phòng đợi.

Bác sĩ tiết niệu: Lại một ding an sich! Nếu hôm nay mà tôi thấy thêm một gã nữa thì tôi sẽ khóc thét lên mất! Ai vậy?

Thư ký: Làm sao tôi biết được?

Bác sĩ tiết niệu: Cô tả hắn cho tôi.

Thư ký: Ông đang đùa à!

      

Image

Bạn có nó rồi đấy: một truyện cười chính hiệu về sich (vật tự thân).

Câu chuyện này sâu sắc hơn ta thoạt tưởng. Cô thư ký đã chọn, vì một lý do nào đó chỉ có một mình cô rõ nhất, không chia sẻ với bác sĩ dấu hiệu cô biết về việc có một ding an sich trong phòng đợi. Dù dấu hiệu đó là cái gì, nó phải là mang tính hiện tượng! (Nếu bạn vẫn đang theo sát chúng tôi nói gì). Cái gì mách nước cho cô? Phải là cái gì đó trong phạm vi các giác quan, có thể là giác quan thứ sáu, có thể chỉ là giác quan từ một đến năm, nhưng chắc chắn nó là một giác quan theo nghĩa nào đó. Ở đây có một câu chuyện ẩn phía sau. Là cô thư ký đã hoàn thành luận án tiến sĩ về Phê phán Lý tính Thuần túy của Kant trước khi phát hiện ra rằng lựa chọn sự nghiệp thích hợp nhất với cô chính là nghề thư ký và công việc với nồi xoong bếp núc. Do đó, cô hiểu yêu cầu của bác sĩ, “Tả hắn cho tôi”, không có nghĩa là “Cô đang trải nghiệm hiện tượng cảm tính nào?” mà là “Hãy tả hắn như hắn vốn là, đằng sau những biểu hiện bề ngoài”. Dễ hiểu vì sao cô phật ý với yêu cầu này, mặc dù về sau cô đã bình tâm lại và cưới Helmut, người em họ của bác sĩ, và đã nuôi nấng ba đứa con đáng yêu.

Đối với Kant và những nhà nhận thức luận sau ông, câu hỏi chúng ta có thể biết cái gì và biết nó như thế nào có thể được diễn giải thành: chúng ta có thể nói gì, một cách đầy đủ ý nghĩa, về việc chúng ta biết cái gì và biết nó như thế nào. Loại mệnh đề nào về thế giới chứa đựng trí thức về thế giới?

Kant bắt tay giải quyết nhiệm vụ trả lời câu hỏi đó bằng cách chia các mệnh đề ra làm hai phạm trù: phân tích và tổng hợp. Mệnh đề phân tích là mệnh đề đúng theo định nghĩa. Mệnh đề “Tất cả thú mỏ vịt là động vật có vú” là mệnh đề phân tích. Nó không cung cấp thêm điều gì mới về bất kỳ con thú mỏ vịt có thật nào, ngoài những gì mà ta có thể biết được đơn giản bằng cách tra từ “thú mỏ vịt” trong từ điển. Trái lại, “Một số con thú mỏ vịt bị lác mắt” là mệnh đề tổng hợp. Nó cho chúng ta một thông tin mới về thế giới, bởi vì “bị lác mắt” không nằm trong định nghĩa về “thú mỏ vịt”. “Một số con thú mỏ vịt “bị lác mắt” nói với chúng ta thông tin về những con thú mỏ vịt mà chúng ta không thể tìm thấy bằng cách tra từ “thú mỏ vịt” trong từ điển.

Tiếp theo, Kant phân biệt mệnh đề a priori (tiên nghiệm) với a posteriori (hậu nghiệm). Các mệnh đề tiên nghiệm là mệnh đề mà chúng ta có thể thiết lập trên cơ sở thuần túy lý tính, không cầu viện đến kinh nghiệm cảm tính. Mệnh đề trên của chúng ta, “Tất cả thú mỏ vịt là những động vật có vú”, được coi là mệnh đề tiên nghiệm. Chúng ta không cần quan sát một đám thú mỏ vịt để thấy điều đó đúng. Chúng ta chỉ cần tra trong từ điển. Phán đoán hậu nghiệm, trái lại, dựa trên kinh nghiệm cảm giác về thế giới. Mệnh đề “Một số con thú mỏ vịt bị lác mắt” chỉ có thể thiết lập được qua kết quả quan sát nhiều con thú mỏ vịt - hoặc của chính chúng ta, hoặc của người khác mà chúng ta tin cậy.

___oOo___

Đến đây chúng ta đã thấy những thí dụ về các mệnh đề phân tích tiên nghiệm (“Tất cả thú mỏ vịt là động vật có vú”) và mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm (“Một số con thú mỏ vịt bị lác mẳt”). Kant hỏi, “Liệu có loại mệnh đề thứ ba, tổng hợp tiên nghiệm không?” Chúng sẽ cho chúng ta những tri thức mới về thế giới bên ngoài nhưng chỉ có thể được biết nhờ lý trí mà thôi. Các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đã ngụ ý rằng không tồn tại tri thức tổng hợp tiên nghiệm, vì nguồn gốc tri thức của chúng ta về thế giới bên ngoài là những kinh nghiệm cảm giác của chúng ta. Nhưng Kant nói, “Khoan đã! Thế còn những mệnh đề như ‘Mỗi sự kiện đều có một nguyên nhân’ thì sao?” Nó là tổng hợp: Nó nói với chúng ta một điều mới về thế giới vượt ra khỏi những gì chứa trong định nghĩa về “nguyên nhân” và “sự kiện”. Nhưng nó cũng là tiên nghiệm, chỉ nhờ lý trí mà biết được, không phải từ kinh nghiệm. “Thế là thế nào?” Kant nói, “Bởi vì nó phải được giả định là đúng ngay cả nếu chúng ta có loại kinh nghiệm chỉ có thể nhận thức được bằng trí óc.” Nếu chúng ta không giả định rằng hoàn cảnh hiện tại có nguyên nhân từ một chuỗi những sự kiện diễn ra từ trước, chúng ta không thể cắt nghĩa bất cứ điều gì. Như vậy sẽ giống như sống trong bộ phim Mulholland Drive, trong đó các sự kiện diễn ra theo một trật tự không mạch lạc. Chúng ta phải quên đi việc đưa ra bất kỳ loại phán đoán hoặc mệnh đề nào về thế giới bởi vì chúng ta không thể trông mong thế giới nhất quán từ phút này sang phút khác.

***

Có hàng trăm truyện cười xoay quanh sự nhầm lẫn giữa những mệnh đề phân tích tiên nghiệm với những mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm:

Một cách đảm bảo trường thọ chắc chắn: mỗi ngày ăn một viên chả băm trong một trăm năm.

Cốt lõi của truyện cười này nằm ở chỗ nó đưa một “giải pháp” phân tích tiên nghiệm cho một vấn đề cần đến một giải pháp tổng hợp hậu nghiệm. Câu hỏi về một cách chắc chắn để sống lâu rõ ràng cần đến một số thông tin về thế giới. “Kinh nghiệm cho thấy điều gì dẫn đến trường thọ?” Chúng ta chờ đợi một câu trả lời đại loại “bỏ thuốc lá” hay là “uống 400 miligam Co-Enzyme Q-10 (Chất bổ sung dinh dưỡng, có tác dụng chống lão hóa, phòng chống bệnh tật) lúc đi ngủ”. Nhưng ở đây câu trả lời là phân tích, với một chút lạc đề về thịt băm viên làm trí óc của bạn mù mịt. “Để trường thọ, hãy sống một trăm năm, bởi vì một trăm năm, theo định nghĩa thông thường, là trường thọ. Ăn chút thịt viên nữa. Như thế không gây hại cho bạn đâu.” (Ờ, có lẽ tất cả những chất béo chuyển hóa trong thịt băm viên có thể gây hại, nhưng tất nhiên là không hại, nếu bạn ăn được một trăm năm).

Một truyện khác nữa:

Joe: Đúng là một ca sĩ huyền thoại, nhỉ?

Blow: Ha! Nếu tôi mà có giọng của anh ta, tôi cũng hát hay như thế.

Vẫn cùng một kiểu. Điều chúng ta ngụ ý khi nói “ca sĩ huyền thoại” là người có giọng hát tuyệt vời - thứ mà một nghệ sĩ biểu diễn đương nhiên phải có. Do đó, tuyên bố của Blow “Nếu tôi có giọng của anh ta, tôi cũng hát hay như thế”, không cho chúng ta biết thêm điều gì mới về khả năng ca hát của Blow. Câu nói của Blow thực ra là: “Nếu tôi là một ca sĩ huyền thoại, tôi sẽ là một ca sĩ huyền thoại.” Và nếu điều đó không đúng theo định nghĩa, thì chẳng có gì đúng.

Còn đây là một minh chứng phức tạp hơn khi người ta lẫn lộn mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm và mệnh đề phân tích tiên nghiệm:

Một người thử bộ đồ đặt may và nói với thợ may, “Tôi muốn ống tay áo nầy ngắn bớt đi một chút! Nó dài quá đến năm phân!”

Người thợ may nói, “Không cần đâu, anh cứ gập khuỷu tay lại như thế này này. Đấy, nó sẽ kéo ống tay áo lên.”

Người kia nói, “Thôi được, nhưng nhìn cái cổ áo xem! Khi tôi co khuỷu tay, thì cổ áo xốc lên đến nửa đoạn gáy.”

Người thợ may nói, “Vậy sao? Thế thì anh hãy ngẩng cao đầu và ngửa ra sau. Tuyệt lắm.”

Người kia nói, “Nhưng bây giờ vai trái thấp hơn vai phải đến bảy phân!”

Người thợ may nói, “Không thành vấn đề. Anh lệch eo lưng qua trái một chút nó lại bằng ngay.”

Người kia mặc bộ đồ ra khỏi tiệm may, khuỷu tay phải gập, đầu ngả ra sau, thân mình đổ nghiêng qua trái. Anh ta chỉ có thể đi theo lối cà giựt, co quắp như người liệt.

Đúng lúc đó, có hai người đi đường để ý đến anh ta.

Người thứ nhất nói: “Trông anh chàng tật nguyền tội nghiệp chưa kìa. Tôi thấy thương quá.”

Người thứ hai nói: “Ừ, nhưng thợ may của anh ta tài quá! Bộ đồ đó vừa khít với anh ta không chê vào đâu được!”

Tổng hợp đối lập phân tích, phải không? (Và ở đây chúng ta không bàn đến vải.) Người lạ mặt đó nghĩ, “Người thợ đã may cho anh ta bộ đồ vừa khít không chê vào đâu được.” Đây là một mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm có mục đích thông qua quan sát để cung cấp thông tin về người thợ may và tay nghề của ông ta thể hiện qua bộ đồ. Nhưng đối với người thợ may, “Bộ đồ tôi may là bộ đồ vừa khít không chê vào đâu được” thật ra là một mệnh đề phân tích. Với người thợ may, câu nói đó không khác gì, “Bộ đồ tôi may là một bộ đồ tôi may”: vì bất cứ bộ đồ nào người đàn ông kia mặc thử cũng sẽ vừa khít với anh ta, do người thợ may đã làm cho người kia vừa khít với bộ đồ.

___oOo___

Chiếc đồng hồ của Kant

Kant gán cho lý tính thuần túy tầm quan trọng hàng đầu, đến mức ông thấy kinh nghiệm cá nhân không mấy cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề về tri thức. Vì thế, ông không bao giờ mạo hiểm ra khỏi thành phố quê hương Königsberg và sống một cuộc đời cô độc với những thói quen cực kỳ đều đặn, chẳng hạn đi dạo hằng ngày sau bữa chiều. Người ta nói rằng dân chúng Königsberg đặt giờ đồng hồ của họ theo vị trí mà Giáo sư Kant đến ở thời điểm đó trong cuộc đi dạo hằng ngày ngược xuôi trên cùng con phố (về sau nổi tiếng với tên gọi Philosophengang, Phố đi dạo của Triết gia).

Một chuyện khác ít được biết hơn, (có lẽ vì nó có thể không đúng) là người kéo chuông nhà thờ lớn ở Königsberg cũng chỉnh giờ đồng hồ trên tháp nhà thờ bằng cách theo dõi khi nào Kant bắt đầu cuộc đi dạo hàng ngày, và Kant đến lượt mình cũng sắp đặt thời gian đi dạo của mình theo giờ đồng hồ trên tháp nhà thờ.

Hãy bàn về sự lẫn lộn giữa phân tích và tổng hợp! Cả Kant lẫn người kéo chuông nhà thờ đều tin rằng họ đang nhận thông tin mới bằng cách quan sát hành vi của nhau. Kant cho rằng, nhìn đồng hồ tháp ông sẽ biết giờ chuẩn chính thức của Đức, mà giờ chuẩn chính thức của Đức thì được xác lập tương ứng với vòng quay của Trái Đất. Người kéo chuông nghĩ rằng bằng cách quan sát cuộc đi bộ hằng ngày của Kant, ông sẽ biết giờ chuẩn của Đức, vì ông tin vào tính đúng giờ cố hữu của Kant. Thực tế, mỗi người đều đơn giản đi đến một kết luận phân tích, đúng theo định nghĩa. Kết luận của Kant: “Tôi đi dạo vào lúc 15:30,” thực ra là một mệnh đề phân tích “Tôi đi dạo khi tôi đi dạo” - vì Kant xác định thời gian là 15:30 nhờ một chiếc đồng hồ được chỉnh theo cuộc đi dạo của ông. Kết luận của người kéo chuông nhà thờ, “Đồng hồ của tôi đúng,” thật ra là “Đồng hồ của tôi chỉ giờ mà đồng hồ của tôi chỉ” - bởi vì tiêu chí để ông đánh giá độ chính xác trên chiếc đồng hồ của mình là cuộc đi dạo của Kant, mà cuộc đi dạo lại dựa theo giờ khắc mà chiếc đồng hồ thể hiện.

***

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích