Phật Giáo & Nữ Giới
ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NỮ GIỚI TÂY TẠNG TRỞ THÀNH NGHỆ SĨ TÂM LINH VỀ MANDALA VÀ THANGKA

DocSachHay.net

hừa hiểu về sự giới hạn truyền thống của nữ giới Tây Tạng trong việc sáng tạo mandala và thangka, chúng ta không khỏi thắc mắc điều gì xảy ra để làm một sự thay đổi ngoạn mục trong phương cách tu tập của các nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng.  Nhận xét của Alan Sponberg có thể phần nào trả lời câu hỏi đó:  «Cách hành xử đối với nữ giới Phật giáo được hình thành, ít nhất là do các điều kiện xã hội ngày nay».  Thật vậy, sự tham dự của nữ giới Tây Tạng trong các loại hình nghệ thuật tâm linh đã xuất phát từ những sự thay đổi văn hóa và hoàn cảnh xã hội đang trên đà phát triển từ khi xa quê hương hơn bốn mươi năm nay.  Bài viết này phân ra ba yếu tố quan trọng, tương quan nhau, như là những chất xúc tác chánh cho nghệ thuật được phát triển nơi nữ giới: trong hoàn cảnh giới hạn của cuộc sống tha hương, sự gia tăng đối thoại giữa người Tây phương và Tây Tạng, và vai trò chủ động của chính các sư cô ở Keydong.

Đây chính là hoàn cảnh của các cộng đồng người Tây Tạng tha hương đang sống ở các nước phương Tây và Á châu.  Những người dân tha hương này luôn bị ảnh hưởng bởi tính cách, truyền thống, và văn hóa của Tây và Đông phương.  Và kết quả là các phong cách, truyền thống của văn hóa Tây Tạng đang trên đà thay đổi để người dân Tây Tạng có thể thích ứng với môi trường mới, và từ những thay đổi đó cung cấp một không gian cho tiềm năng và sự chuyển hóa. Kết quả là sự thay đổi các vai trò xã hội.  Các phong cách xã hội và văn hóa cũ về giới tính (LND: trọng nam khinh nữ) đã thay đổi triệt để, và do đó tạo ra nhiều cơ hội chưa từng có cho nữ giới Tây Tạng.  Các cơ hội này bao gồm học bổng tại các trường Tây phương, giảm bớt các cuộc hôn nhân áp đặt, sự thành lập các hội đoàn phụ nữ như Hiệp Hội Phụ Nữ Tây Tạng, và sự tham gia của các nữ tu sĩ Tây Tạng vào những hoạt động như tranh luận về triết học, văn nghệ Phật giáo, hỏa tế, và nghệ thuật tâm linh.  Tôi nghĩ rằng hoàn cảnh sống tha hương là nguồn gốc cơ bản của những thay đổi tiến bộ trong sự tham gia của nữ giới Tây Tạng vào các hoạt động tôn giáo, và rằng nếu như không có việc phải tha hương, hẳn là sẽ có rất ít những sự thay đổi triệt để như hiện nay.  Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có sự chống đối đối với tình trạng thiếu nề nếp, khá hạn chế giữa các thành viên trong cộng đồng người Tây Tạng ly hương.  Sự chống đối xuất hiện dưới hình thức thiết lập lại các nghi thức văn hóa và tôn giáo truyền thống, nhấn  mạnh đến các hoạt động truyền thống Phật giáo Tây Tạng như việc tạo mandala cát và vẽ thangka.  Như vậy, sự hạn chế của trải nghiệm sống ly hương kết hợp một cách đặc biệt với sự quan tâm cơ bản về việc sống còn của văn hóa đã khiến cho các hoạt động này ngày nay cũng mở ra đối với nữ giới.

Không thể cung cấp những câu trả lời thỏa đáng, các vị sư cảm nhận được sự vắng mặt hiển nhiên của phụ nữ Tây Tạng với tư cách là những nhà sáng tạo mandala và họ đã đặt lại vấn đề với các vị thầy lớn của họ.  Vào thời gian này, các ni sư ở Keydong cũng chủ động đến gặp các vị sư Dzonkar, thăm dò về việc các sư cô trẻ cần học tập về nhiều pháp tu khác nhau để nâng cao và làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về Phật pháp.  Các vị sư Dzongar với mối lo về sự vắng mặt của nữ nhân làm mandala, lại bị áp lực khi giao tiếp với người Tây phương, cộng với lòng mong muốn được học hỏi từ các ni, họ cảm thấy cần truyền bá rộng rải nghệ thuật này và kết quả là các sư cô đã được học phương pháp tạo hình mandala cát.  

Vị trí ni viện cũng ảnh hưởng đến sự giao tiếp giữa người Tây phương và Tây Tạng.  Ni viện nằm ở vị trí đường phố lớn bao bọc xung quanh thung lũng Kathmandu, một vị trí dễ dàng cho du khách ghé thăm.  Có lẽ nhờ vị trí thuận lợi này mà từ khi mới được thành lập tại Swayambhu năm 1980, ni viện đã là nơi đón tiếp khá nhiều khách thập phương Tây phương.  Sự tiếp cận này  không chỉ mở ra cho các sư cô nhiều sáng kiến và cơ hội, mà nó cũng ảnh hưởng đến người Tây phương.  Khi tôi sống cùng sư cô Ani Tenzin Sherab năm 1993, chúng tôi đã trao đổi nhiều quan điểm quan trọng.  Thí dụ, khi biết rằng có rất ít nữ nghệ sĩ tâm linh, tôi đã bỏ ra nhiều thời gian trong những năm sau đó để tìm hiểu về sự liên quan giữa nữ giới và nghệ thuật tâm linh.  Về phần Tenzin Sherab, có lẽ sư cô nhận ra rằng lòng mong muốn được học về tranh thangka  là một nhu cầu xác đáng, không phải  điều viễn vong.  Sau đó sư cô Tenzin Sherab tiếp tục vẽ và trưng bày các tác phẩm của mình, nhờ vậy sư cô đã có sự chuẩn bị để khi một thí chủ từ Thụy Sĩ xem thấy tranh vẽ của cô, đã quyết định bảo trợ cho sư cô học họa tranh thangka.

Cuối cùng và quan trọng nhất là vai trò của chư ni trong việc tạo ra sự thay đổi trong truyền thống này.  Quyết định cho sự thay đổi triệt để này bắt nguồn từ những cuộc trao đổi giữa các ni trưởng về phương thức mở rộng cơ hội học hỏi cho ni viện và các pháp tu.  Kết quả của những lần họp mặt đó đưa đến việc tiếp xúc với Tu viện Dzongar và là khởi đầu cho việc các sư cô được học về mandala cát.  Một thời gian ngắn sau khi các sư cô bắt đầu học về mandala, một số các sư cô trẻ tuổi từ 10 đến 12 được ghi danh vào các trường thế học.  Các sư cô trẻ này, đầu tròn, mặc đồng phục trường và học các môn cơ bản như toán, Anh Văn, và lịch sử vào buổi sáng, và trở về ni viện mặc áo tràng đỏ, làm nhiệm vụ trong ni viện vào buổi chiều.  Mặc dù phi truyền thống, vì điều này nó đặt để các sư cô trẻ trong môi trường kề cận với người thế tục mỗi ngày.  Việc giáo dục các môn thế tục cho các sư cô trẻ được các ni trưởng khởi xướng, vì họ cảm thấy các sư cô trẻ cần học các kỹ năng căn bản này.

Các vị ni trưởng ủng hộ tất cả các nỗ lực cải cách của ni viện và họ cảm thấy rằng các việc làm của ni viện không phải để làm một cuộc cải cách lớn lao về vai trò nam nữ ở Tây Tạng, mà là cơ hội để các nữ tu sĩ phát triển việc học và hành của mình, cũng như để mang lại công đức lớn lao cho tu viện của họ cũng như cộng đồng cư sĩ cận kề.  Các vị ni trưởng này cũng không bắt buộc tất cả ni chúng trong tu viện của mình phải tham dự những các hoạt động mới mẻ này.  Nếu không có sự giải thích rõ ràng và không hiểu được ý nghĩa mà sự cải cách đột ngột này mang đến cho tu viện, người ta sẽ sinh nghi ngờ và sự cải cách trở thành hời hợt.  Sự thay đổi từ ngoại vi thế giới nghệ thuật tâm linh đến trung tâm điểm của ni viện Keydong bắt nguồn từ một nền tảng vững chắc dựa trên nghi lễ là những hoạt động chánh của ni viện.  Hơn nữa, nhiều sư cô tại Keydong cũng luôn thắc mắc về nghệ thuật truyền thống này.  Do đó, sự tham gia của các sư cô ở Keydong trong lãnh vực nghệ thuật tâm linh rất quan trọng đối với họ, vì nó phát xuất từ điều họ luôn canh cánh đặc biệt đối với ni chúng ở tu viện này.

Ba chất xúc tác –sự hạn chế, sự giao tiếp giữa Tây Tạng với phương Tây, và sự tự nguyện thay đổi truyền thống– đã hoà quyện với nhau để bắt đầu cho một cuộc cải cách đáng kể.  Nhưng câu hỏi bây giờ là, cuộc cải cách này đã tác động như thế nào và phản ứng của các cộng đồng người Tây Tạng?  Việc sáng tạo nghệ tâm linh của nữ giới có ý nghĩa gì đối với vai trò của người nữ tu sĩ trong cộng đồng Tây Tạng hiện nay?

Kết Luận

Rõ ràng là những cải cách này rất hữu ích cho việc tu tập của các sư cô, nhưng ta không khỏi tự hỏi chúng ảnh hưởng thế nào đến các cộng đồng Phật giáo Tây Tạng trên một bình diện rộng lớn hơn.  Trong lúc đi tìm câu trả lời, tôi xin được trích một đoạn văn của ông Arnold Van Gennep nói về hệ thống chuyển hóa cổ điển trong nhân chủng học của cấu trúc ba phần trong lãnh vực  tế tự: sự tách biệt (tiền-vực pre-liminal) khỏi khuôn mẫu xã hội, hành trình đến mức hạn (vực hạn liminal), một nơi không có cấu trúc xã hội cụ thể, và cuối cùng là sự quay về nhà, trở lại cộng đồng (hậu-vực post-liminal).  Hệ thống biến hóa được sử dụng như một cánh cửa mở, qua đó ta có thể nhìn thấy và hiểu về các ảnh hưởng xã hội của sự chuyển đối của chư ni.  Như thế, bài viết này đã nói qua hai trạng thái đầu tiên của cuộc hành trình của chư ni; trạng thái tiền-vực là những định kiến từ đoàn thể và những điều kiện xã hội đã ngăn trở nữ giới tham gia vào việc tạo hình thangka và mandala cát.  Kế đó là phân tách trạng thái mức-hạn, tôi khám phá ra hành trình của chư ni, để trở thành những nghệ sĩ tâm linh và tác động của hành trình này đối với cuộc sống củahọ.  Nhà nhân chủng học Victor Turner giải thích về yếu tố thứ ba của cấu trúc ba phần – trạng thái hậu-vực, thời gian để trở về với cộng đồng – trong phương cách sau đây:

Trong giai đoạn ba (sự tụ hội lại hoặc sát nhập lại), quá trình được hoàn chỉnh.  Chủ thể tế tự, cá nhân hoặc đoàn thể, một lần nữa trong trạng thái tương đối ổn định, nhờ đó, được quyền và có nghĩa vụ đối với những người khác thuộc loại «có cơ cấu»  và được xếp loại một cách rõ ràng như thế; người ấy phải cư xử hòa hợp với những tiêu chuẩn tập quán nào đó, trong chuẩn mức đạo đức, liên kết với các vị chức sắc có địa vị xã hội trong hệ thống tổ chức đó.

Khi quay về «nhà» với cộng đồng –sau khi phát triển các kỹ năng và tri thức về nghệ thuật tâm linh- chư ni không thể quay về nguyên trạng, cư xử theo tập tục xã hội như trước đó.  Nếu sự việc là như thế thì những sự cải cách chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chẳng có tác động gì đến cộng đồng người Tây Tạng.  Tôi nghĩ rằng «các tập quán phong tục và chuẩn mức đạo đức» cần có để cụ thể hóa một số khuôn mẫu xã hội nào đó về sự giao tiếp thực sự đã được thay đổi vì mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau giữa cộng đồng và (các) cá nhân.  Sau khi thực hiện các nghi lễ và đảm nhiệm các Phật sự này, các sư cô được cộng đồng nhìn dưới một con mắt khác, và kết quả là mối quan hệ của họ với xã hội cũng đổi khác.

Tenzin Dagyon, một phụ nữ Tây Tạng trẻ tuổi, đã tốt nghiệp bằng cử nhân văn chương Anh ở Đại Học New Delhi, đã tuyên bố rằng cô thật kinh ngạc khi nhìn thấy các sư cô trong trang phục tế tự nghiêm chỉnh biểu diễn các vũ điệu và cử hành việc tế lễ mà trước đây chỉ dành cho chư tăng.  «Đây là việc mà người Tây Tạng chúng tôi chưa từng thấy trước đó.  Tôi nghĩ rằng nữ giới làm những chuyện này cũng tốt… nhưng người ta vẫn chưa quen mắt.  Mỗi lần chứng kiến, tôi đều tôi sửng sốt».  Tenzin cho rằng các hoạt động và phô diễn này sẽ giúp cho sự tu tập của chư ni cũng như hình ảnh của họ trong cộng đồng người Tây Tạng.  Tenzin nhận xét rằng việc người Tây Tạng có thể chứng kiến những phụ nữ này hành động một cách mạnh mẽ, tự tin, cũng là điều rất quan trọng.  Cộng đồng người Tây Tạng sẽ không còn coi họ là những người chỉ biết hành lễ cầu nguyện hay cúng dường (pujas), mà sẽ nhìn nhận họ là các vị hành giả nghiêm túc.

Sự phản hồi của Tenzin rất tích cực, nhưng cũng có những quan điểm không rõ ràng khác.  Tôi cũng được nghe những lời xì xào  bàn tán khác từ các cộng đồng cư sĩ và tu sĩ Tây Tạng rằng các sư cô đang tham gia vào những Phật sự mà họ không thể nào hiểu nổi.  Nói chung, dường như người Tây Tạng rất bàng hoàng trước những cải cách quyết liệt nầy, và họ không biết làm thế nào để đem chúng vào pháp tu của mình, hoặc phải phản ứng như thế nào đối với về những thay đổi này.  Người ta chỉ biết tự hỏi rằng cộng đồng cư sĩ Tây Tạng quan tâm và ủng hộ việc phụ nữ tham gia trong nghệ thuật tâm linh này đến đâu?  Đúng ra, các cộng đồng cư sĩ Tây Tạng phải chấp nhận và ủng hộ những cải cách này.  Phải có người sẵn sàng hỗ trợ các sư cô sáng tạo thangka.  Liệu cộng đồng người Tây Tạng có ủng hộ các nỗ lực sáng tạo thangka và mandala qua việc cúng dường tịnh tài, bảo trở hoặc bằng các phương thức khác?  Liệu người Tây Tạng có xem các bức thangka và mandala hoàn chỉnh như là nơi trú ngụ của của vị thánh thiện?

Các câu hỏi này nhắm đến những lãnh vực có tiềm năng mang lại sự cải cách xã hội và sự phát triển, và như vậy lần nữa khẳng định rằng một trong những tác động lớn nhất của sự chuyển tiếp của chư ni vào lãnh vực nghệ thuật tâm linh dựa vào sự quay về với quần chúng của họ. Chính là ở đây, trong sự quy hướng về xã hội của chư ni, mà tiềm năng để tạo ra những làn sóng đổi thay trong cấu trúc của xã hội Phật giáo Tây Tạng mới có thể xảy ra.  Việc «phát động và đáp ứng» này giữa các cộng đồng (cộng đồng ni chúng và lớn hơn là cộng đồng Phật giáo Tây Tạng) rất tinh tế nhưng thiết yếu để thúc đẩy những cải cách xã hội sinh động.  Mặc dù chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa được giải toả, cũng những cải cách xã hội toàn vẹn vẫn còn là điều ở phía trước, thì cả cuộc hành trình đến «trung tâm điểm» này cho ta thấy rằng cải cách xã hội đang ở phía chân trời trước mặt.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Phật Giáo & Nữ Giới ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NỮ GIỚI TÂY TẠNG TRỞ THÀNH NGHỆ SĨ TÂM LINH VỀ MANDALA VÀ THANGKA

Có thể bạn thích