Minh Triết Trong Đời Sống
Người Giác Ngộ

Tatiana là một giáo sư dạy sinh ngữ ở Washington, cách đây mấy năm cô tham dự một lớp huấn luyện Yoga và say mê triết lý phương Đông từ đó. Cô thắc mắc:

- Thưa bà, tôi rất thích đọc sách vở về tâm linh và nhất quyết đi theo con đường này nhưng tôi thấy việc giác ngộ sao khó quá. Có biết bao điều phải làm và phải tránh, biết bao giới luật phải giữ và biết bao công phu phải hành. Tôi đã nghĩ ra một lối tắt nhanh hơn, không biết con đường này có đúng không? Để tôi kể cho bà nghe về phương pháp mà tôi đã tìm ra từ khi còn nhỏ.

Lúc bé tôi là một đứa trẻ yếu đuối, thân thể gầy còm, chậm phát triển, tính tình nhút nhát, vụng về, ăn nói ấp úng, không bao giờ dám ngửng mặt nhìn ai. Trong khi đó, anh tôi là một người to lớn, khỏe mạnh, đầy tự tin, bạo dạn. Cha mẹ tôi rất buồn bực về sự khác biệt này và thường mắng nhiếc chê bai tôi không bằng một góc của anh tôi. Khi lên tám tuổi, tôi bất mãn và nhất quyết thay đổi bằng cách quan sát kỹ lưỡng các cử chỉ, hành động của anh tôi và theo đó mà hành động: Tôi cố gắng ngửng mặt lên cao, đi đứng mạnh dạn, ăn nói thật lớn và rõ ràng, đôi khi nói như hét, như ra lệnh. Điều bất ngờ là chỉ trong vòng vài tháng, thân thể của tôi bỗng thay đổi hẳn, từ một đứa bé yếu đuối tôi bỗng lột xác trở nên bạo dạn nhất xóm. Từ đó đến nay tôi trở nên một người khỏe mạnh, tháo vát, đầy tự tin. Tôi nghĩ rằng con đường tâm linh chắc cũng như thế thôi, nếu tôi tập đi đứng, ăn nói, có các cử chỉ oai nghi như các bậc đạo sư đã giác ngộ và cứ thế tập dần dần thì có thể tôi cũng giác ngộ được như các ngài. Bà đã tiếp xúc và học đạo với các bậc đạo sư minh triết, liệu bà có thể nói cho tôi biết hình dáng, cử chỉ các ngài ra sao không?

- Này chị, một người đã giác ngộ không giống như một người có lòng tự tin đâu. Người đã thực sự giác ngộ không có dấu hiệu gì khác thường cả. Không những thế, hai người đã giác ngộ lại có thể hành động hoàn toàn không giống nhau. Đôi khi đức hạnh và cách xử thế của những người này lại dường như bí hiểm, không ai có thể biết được họ sẽ làm gì hay không làm gì. Tại sao như vậy? Vì họ đã vượt ra khỏi các giới hạn tầm thường của bản ngã, họ đã trọn vẹn phục tùng Thượng Đế. Họ không còn là nô lệ của các thói quen thông thường hay các lý lẽ phổ thông. Họ cũng không bị giới hạn bởi các ước lệ của xã hội hay các kinh điển, giáo điều. Vì họ đã hòa nhập được vào một quyền lực cao cả, do đó cách cư xử và hành động của họ cũng tùy theo cách thức mà quyền lực cao cả kia hoạt động. Người ta không thể phán đoán hay nhận xét những người đó bằng quan niệm thế tục vì đôi khi hành động của họ lại giống như một người khờ dại hoặc điên khùng. Tuy thế, tất cả những hành vi của họ không bao giờ có tính chất ích kỷ hay trái với luật nhân quả. Cuốn “The Gospel of Ski Ramakrishna” có nhắc lại một câu nói của vị này, rằng: “Khi một người đã đạt đến sự hiểu biết của đấng toàn năng Brahman thì họ có thể hành động như một đứa bé lên năm, một người khùng hay một kẻ trơ lì bất động”. Ram Das, một hiền triết xứ Ấn viết trong cuốn “God Experience” rằng dấu hiệu đặc biệt và duy nhất của những người đã chứng đắc là họ có một sức hấp dẫn mãnh liệt, có thể thu hút mọi người như đá nam châm hút sắt. Ngoài ra, tính tình hay cử chỉ của họ ra sao thì có lẽ chỉ có họ biết rõ mà thôi. Sở dĩ họ không còn lo lắng, sợ hãi hay lệ thuộc vào các giới hạn thông thường là vì họ biết rằng họ không phải là cái thể xác này, mà là một tinh thần bất tử. Các cảm giác về tội lỗi không còn ở trong họ nữa vì trong tâm khảm của họ đã dứt tuyệt các ý niệm về tội lỗi, tốt xấu, phải quấy, thiện ác hay sống chết. Trong cuốn “Self Knowlegde”, hiền triết Adi Shancharachya viết rằng: “Ân phước của người đã giải thoát thì bất biến, dù đôi khi kẻ khác thấy các ngài hành động không giống như một người bình thường, vì các ngài không sống trong dĩ vãng, không nghĩ đến tương lai mà chỉ thản nhiên trong hiện tại”. Dù các ngài sống trong xã hội như chúng ta nhưng các ngài không hề bị dao động bởi những sự kiện chung quanh. Dù bị ngược đãi bởi kẻ xấu hay được thờ phụng bởi kẻ lành, các ngài vẫn thản nhiên không bối rối vì các ngài đã vượt qua quan niệm thiện ác, thị phi, đã dứt tuyệt được cảm giác về bản ngã. Dĩ nhiên không bao giờ các ngài làm điều gì bất lợi hay không tốt lành đối với người khác. Các ngài không có cái dấu hiệu thánh thiện bề ngoài, cũng không có các ham muốn thông thường. Dù không giàu có các ngài vẫn an vui, dù sở hữu của cải thật nhiều, các ngài vẫn không lạm dụng chúng. Các ngài không để cho các giác quan bị đắm nhiễm vào các sự vật nhưng cũng không để giác quan tách ra khỏi các sự vật mà chỉ nhìn ngắm mọi sự vật một cách thản nhiên. Nói một cách khác, chỉ như khán giả xem hát, không quan tâm chi hết.

- Nhưng liệu bà có thể nói qua về hình ảnh các đạo sư mà bà đã gặp không?

- Các vị đạo sư mà tôi đã gặp đều khác nhau về diện mạo, tính tình, cử chỉ cũng như mọi người trong chúng ta vậy. Có vị hình dáng hết sức dữ tợn, ăn nói bộc trực, thẳng thắn, dường như không xót thương ai hết nhưng đó chỉ là một hình thức nhằm loại bỏ những kẻ ỷ lại bám vào ông ta. Bề ngoài thì như cọp dữ mà thật ra trong lòng ông lại hiền như chim bồ câu. Một vị khác có bề ngoài đạo mạo, hiền hòa nhưng bên trong lại hết sức dữ tợn, nghiêm khắc. Cả hai vị này đều có những quyền năng xuất chúng mặc dù rất ít khi nào các ngài sử dụng quyền năng ấy. Cả hai đều phủ nhận mọi danh hiệu mà người ta xưng tụng và không bao giờ tự nhận rằng mình có một cái gì siêu phàm khác người hay đã chứng đắc một điều gì. Tuy nhiên khi đã sống với các ngài một thời gian thì tôi lại thấy cả hai giống nhau như khuôn đúc. Nói tóm lại, trên đường tâm linh người ta không thể “Tự kỷ ám thị” hay đánh lừa mình bằng các cử chỉ bên ngoài vì bộ áo không bao giờ làm nên thầy tu. Theo ý tôi thì thật khó lòng có thể bắt chước cách xử sự bên ngoài mà đạt đến trạng thái bên trong nội tâm được.

- Như vậy tôi phải làm thế nào?

- Để tôi kể cho cô nghe một câu chuyện ngắn như sau: Một đệ tử người phương Tây đã nói với đạo sư Nisargadatta rằng dù nhận được các lời khen ngợi, khuyến khích của ngài nhưng bà vẫn cảm thấy mình không xứng đáng. Bà hỏi: “Thưa ngài, tôi phải làm gì đây? Tôi không thấy mình có những đức tính như ngài đã khen tôi, có thể ngài đúng và tôi sai nhưng làm cách nào để tôi có thể nhận thức rõ rệt về mình được?”. Đạo sư Sri Nisargadatta đáp: “Nếu một ông hoàng nghĩ rằng mình chỉ là một kẻ ăn xin thì ông ta có thể được khuyên rằng ông ta phải cư xử như một ông hoàng rồi xem mọi người phản ứng ra sao”. Điều này cũng có thể áp dụng đối với trường hợp của cô. Cô hãy hành động như thể cô là sự thức tỉnh, tinh khiết, sự an lạc vô biên, cô không phải là thể xác này, cũng không phải là thể trí mà là một cái gì không giới hạn, vượt ngoài thời gian, không gian. Cô hãy sống với nó, nghĩ về nó, chấp nhận nó và làm sao để cho tất cả mọi hành động, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của cô đều phản ảnh trung thực những điều Chân, Thiện, Mỹ. Nếu có thể làm như thế thì cô sẽ tiến rất xa trên đường tâm linh. Cô hãy tham thiền và suy ngẫm thật kỹ về lời khuyên bảo của các vị đạo sư đã giác ngộ như Sri Ramakrishna, rằng: “Tôi là sự thức tỉnh tinh khiết, tôi không phải là xác thân này, cũng không phải là cái trí này mà thực sự là một thực thể ở ngoài thời gian và không gian”. Hãy cố gắng thực hành như thế rồi cô sẽ thấy rằng mình thực sự vốn là một ông hoàng chứ không phải là kẻ ăn xin hèn kém.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Minh Triết Trong Đời Sống Người Giác Ngộ

Có thể bạn thích