Cha tôi (huý Nguyễn Văn Bí – hiệu Đặc Như – sinh năm Đinh Hợi 1887, mất năm Canh Thân – 1920) giữ được truyền thống của tổ tiên mấy đời trước, săn sóc sự học của con rất chu đáo. Người dạy vỡ lòng chữ Hán cho tôi, tôi không nhớ vào hồi mấy tuổi, cũng không nhớ trong bao lâu, chỉ đoán vào khoảng một năm rưỡi.

 

Người mua cho tôi mấy cái thẻ bằng gỗ rộng chừng năm phân, dài chừng ba tấc, trên mặt khắc chìm những chữ Hán dễ, lớn như chữ: thiên, trung, lập, môn… Tôi dùng một cây bút lông chấm vào nước lã rồi tô những chữ đó. Như vậy ít lâu cho quen tay rồi mới tập viết phóng. Những thẻ bằng gỗ đó hình như không thông dụng, tôi không thấy ở các nhà khác. Ngày nào tôi cũng phải trả bài, hễ còn ngắc ngứ thì phải học lại cho thuộc kỹ rồi mới được đi chơi. (ch. III, tức chương III trong bộ Hồi Kí – sau cũng vậy).

 

Sau người dạy cho tôi chữ Quốc ngữ và bốn phép toán rồi nhờ một thầy ký có bằng cấp Tiểu học Pháp-Việt dạy cho tôi vần Tây. Đầu năm 1920, giữa niên học, người xin cho tôi vô lớp Dự bị (Préparatoire) trường Yên Phụ, Hà Nội. Tháng 8 âm lịch, ngày 26 năm đó người mất. Hồi đó tôi 10 tuổi ta nhưng tính theo Tây mới được 8 năm rưỡi.

 

Thế là luôn 9, 10 năm, mãi đến năm 1927, vào năm thứ nhất trường Bưởi, tôi mới được học chữ Hán mỗi tuần một giờ. Nhờ được được cha tôi dạy, cho nên tôi trội hơn các bạn về Hán tự, mỗi bài độ 20-25 chữ, thì chỉ có dăm ba chữ tôi không biết, tôi viết đã “ngang bằng, sổ ngay” và không lầm thứ tự các nét. Thầy dạy là cụ Thẩm Quỳnh, cử nhân Hán học.

 

Mùa hè năm 1928, nghĩa là cuối năm thứ nhất (1ère année), mẹ tôi (huý Nguyễn Thị Sâm, sinh năm Bính Tuất – 1886) có một quyết định khiến đời tôi sau này theo một hướng mà chính người và các bác tôi không ai ngờ được. Ngày nay càng nghĩ lại, tôi càng thấy công lớn của người và không hiểu đã có cái gì khiến người nảy ra quyết định đó (có lẽ chỉ tại người là con nhà Nho và cũng trọng Nho học như cha tôi). Thời đó Nho học đã tàn tạ mà người xin bác Hai tôi (huý Cổn, tự là Đạo Quýnh), cho tôi về Phương Khê (quê bên nội thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây), ở trong dịp hè để nhờ bác tôi dạy chữ Nho cho, mà “sau này đọc được gia phả bên nội, bên ngoại, chứ không lẽ con cháu nhà Nho mà không biết gốc gác ông bà”. Muốn cho con cháu biết gốc gác ông bà thì bác tôi chỉ cần viết lại gia phả bằng Quốc ngữ, chứ cần gì phải dạy tôi chữ Hán. Thâm ý của mẹ tôi là muốn cho tôi biết đạo Nho, giữ được truyền thống của nhà Nho chăng? Vậy là từ đó trong hai mùa hè liên tiếp, tôi về Phương Khê hai tháng, trước kia chỉ về chơi một tuần hay nửa tháng (ch. VI).

 

 

(…) Bác tôi năm đó còn làm thầy đồ, sáng nào cũng dạy khoảng 20 học trò từ 25 tuổi trở xuống đến 9-10 tuổi[1] (Từ 6 sáng đến khoảng 10 giờ thì xong, nghỉ trưa, chiều mới dạy riêng cho tôi).

 

Năm đầu, người cho tôi học bộ Ấu học Hán tự tân thư, cuốn thứ tư, rồi năm sau cho tôi học bộ Việt sử, chắc cũng trong loại tân thư nữa. Tôi chép lại trong một tập giấy Tây bằng bút sắt và mực Tây[2] bài học trong sách rồi bác tôi giảng nghĩa cho (Cũng như cụ Thẩm Quỳnh, người không hề cho biết ngữ nguyên của mỗi chữ, ngữ pháp, cách dùng các hư tự chi, hồ, giả, dã…). Tôi chỉ cốt học để “đọc được gia phả”, không làm văn thơ, nên không cần học thuộc lòng, không cần biết cách đặt câu, chỉ cần nhớ mặt chữ và nghĩa là được rồi.

 

Bài đầu dài độ 70 chữ về đạo tu thân, rồi lần lần bài dài hơn, cuối vụ hè tôi đã học những bài từ 200 đếm 300 chữ. Mỗi bài bác tôi giảng chừng 20 câu, có những chữ tôi biết rồi nhưng cũng giảng thêm. Chẳng hạn bài đầu có chữ thanhtrong, bác tôi cho biết thêm nghĩa nữa là xong, như sự thanhviệc xong rồi, và chỉ cho tôi những từ thanh bạch, thanh bình, thanh tĩnh, thanh minh, thanh khiết, hoàng các thanh phong. Vậy là do một chữ mà tôi biết thêm được ít nhiều chữ khác, lợi hơn với cụ Thẩm Quỳnh.

 

Tôi còn giữ tập chữ Hán năm đó, tất cả được 61 bài. Bài cuối có câu: “Người đi học ngày nay nên mài bỏ hai chữ khoa cử đi, phóng mắt nhìn đại dương tìm bờ bến, đừng nhận lầm lưng cá là bờ”. Vậy bộ đó là do một số nhà Nho tiến bộ soạn sau phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1960 đọc lại, tôi thấy đã quên một số chữ như thuỷ mẫu[3]con sứa và tôi mới biết du thuyết, thuyết khách, đúng ra phải đọc là du thuế, thuế khách.

 

Những bài luân lý trong tập Ấu học đó không có gì hấp dẫn, nhưng thường trích những câu của Khổng, Mạnh như bài đầu có câu: “Khổng Tử viết: Thanh tư trạc anh, trọc tư trạc túc” (Khổng Tử nói: Nước trong thì nước dùng để giặt giãi mũ, nước đục thì dùng để rửa chân)[4]; lại thêm thỉnh thoảng bác tôi cũng cao hứng chép cho tôi một câu thơ như: “Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu, vô nhân tri thị lệ chi lai”[5] tả nỗi mừng của Dương Quý Phi khi thấy trong đám bụi đỏ một người phi ngựa chở trái vải ở Quảng Đông về kinh cho nàng; hoặc câu “Lê hoa nhất chi xuân đái vũ”[6] (mà Nguyễn Du trong Kiều dịch thoát là: Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa) để tả một người đẹp giọt ngắn giọt dài. Nhờ vậy mà tôi biết được chút ít về cổ học.

 

Thời đó, tôi ham biết văn thơ Trung Quốc, nghe những tên như Văn Tâm điêu long, Chiêu Minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Qui khứ lai từ là trong lòng vang lên một điệu trầm trầm như nhớ nhung cái gì, nhưng khi gợi ý với bác tôi thì người gạt đi: “Cháu học tiếng Tây mà muốn biết những cái đó làm gì? Phải tốn công mười năm đèn sách mới hiểu được mà cái học Nho bây giờ đã thành vô dụng rồi. Thím Tư (tức mẹ tôi) muốn cho cháu về đây học bác để sau này đọc được gia phả bên nội bên ngoại, bác nghĩ như vậy là phải, còn văn thơ cổ nhân thì thôi, thôi đi. Để sức mà tìm hiểu khoa học, cháu”. Đó là tâm trạng chung các nhà Nho thời đó. Các cụ thấy cái hại của thứ văn chương “tám vế”, thấy tụi “bạch quỷ” chiếm được nước mình chỉ nhờ tàu chiến của họ mạnh, súng ống của họ tốt, nên chỉ muốn cho con cháu chuyên học kỹ thuật phương Tây để sau vượt họ mà đập lại họ như Nhật Bản năm 1905.

 

Các cụ mài bỏ hai chữ khoa cử rồi, muốn tẩy xoá luôn cả văn thơ Trung Quốc.

 

Học chữ Hán như vậy thì mỗi ngày tôi chỉ mất độ hai giờ, kể cả công chép bài. Nhớ được chữ nào thì nhớ, bác tôi không ép. (ch. VI).

 

 

Hè năm sau, 1929, tôi lại về Phương Khê học được 2 tháng nữa, học bộ Việt sử. Qua hè 1930, tôi mới về được nửa tháng, chưa học được gì thì bà ngoại tôi đau nặng rồi mất, tôi trở xuống ở luôn Hà Nội nên phải bỏ chữ Hán. Hè 1931, tôi mắc học thi vô trường Cao đẳng Công chánh, nên chỉ về Phương Khê chơi nửa tháng. Rồi từ đó bác tôi yếu, không dạy học nữa. Hè năm 1933 người mất, khoảng 55 tuổi. Vậy trước sau tôi học với bác tôi được bốn tháng, mỗi ngày hai giờ. Học được độ bốn ngàn chữ, nhưng sau nhớ độ một nửa. Đọc gia phả chắc hiểu lõm bõm, chưa đủ tra tự điển Trung Hoa như Từ Hải, Từ Nguyên, nhưng trong lớp tôi đứng đầu về môn Hán tự; cuối năm thứ tư, thi bằng Thành Chung, tôi đậu “Mention Caractères Chinois”. Tôi tưởng giám khảo là cụ phó bảng Bùi Kỷ, sẽ đưa cho tôi một đoạn văn dễ, bảo tôi đọc và dịch; nhưng cụ chỉ bảo tôi viết chữ “phụng” (là dâng, vâng) lên bảng đen rồi cười cho tôi ra. Cụ Dương Quảng Hàm dạy tôi Pháp văn, Việt văn, cũng ở trong phòng, theo dõi cuộc “hạch vấn” đó và cũng cười. Hai cụ làm sao ngờ được sau này học trò của mình thành một nhà nghiên cứu về cổ học Trung Quốc[7]. Học hai vụ hè đó, cái lợi về kiến thức tuy đáng kể, nhưng theo tôi không bằng lợi về tinh thần. Nhờ sống sau luỹ tre xanh giữa nông dân, tôi hiểu đời sống vất vả, thiếu thốn của họ, cả những tật xấu của họ nữa, mà tôi đã ghi lại vài nét trong chương VII bộ Hồi Kí; tôi có cảm tình với hạng dân nghèo chất phác mà ghét hạng tổng lý hách dịch, xảo trá. Tôi lại yêu quê hương tôi hơn: cảnh núi Tản hùng vĩ, cảnh ngã ba Bạch Hạc mênh mông vào mùa nước lớn, cảnh đồng ruộng văng vẳng tiếng sáo diều và thoang thoảng hương lúa, cảnh chợ quê lèo tèo mấy gian cột tre mái rạ với những quán chè tươi ở dưới gốc muỗm, lồng lộng gió đồng. Nhưng cái lợi nhất là ở gần bác tôi, tôi được thấm nhuần tinh thần gia đình và gia tộc, lòng thành kính trong sự thờ phụng tổ tiên, (Bác tôi, mấy tháng trước giỗ ông nội, bà nội tôi, luôn luôn chuẩn bị sẵn, cho thiến một con gà trống rồi nhồi bắp cho nó thật mập để mổ thịt, lấy mỡ làm xôi vò…). Tôi dần dần nhận định được địa vị và bổn phận của một người có học trong nhà, trong họ, trong làng, nên sớm có thái độ đúng đắn. Tôi được thấy nếp sống giản dị, nghiêm cẩn của nhà Nho và được nghe nhiều lời dạy dỗ của bác.

 

Trong số anh em trong nhà, tôi lanh lợi và mau hiểu nhất, nên bác tôi đi đâu cũng dắt tôi theo; và tôi được biết tính khoan hồng của người: bênh vực một thiếu phụ xấu số, mới có chồng được mấy tháng thì chồng bị tê liệt, không có con, nên khuyên mẹ chồng người đó tha thứ một lỗi nặng của con dâu để cho gia đình khỏi tan nát (việc đó tôi đã chép lại trong một tác phẩm của tôi, không nhớ cuốn nào); tôi ngạc nhiên về đức tín của nhà Nho: người hứa với một bạn xa cách nhau đã lâu năm ngày nào đó sẽ lại thăm, thì ngày đó, dù mưa gió, người cũng dắt tôi theo và hai bác cháu che ô lội qua một cánh đồng rộng hai cây số, nước ngập tới mắt cá để giữ chữ tín với bạn, một ông ấm ngồi dạy học ở làng Thanh Mai; tới nơi hai bác cháu phải hơ lửa bếp một lúc lâu quần áo mới khô, rồi một giờ sau, nói hết chuyện, bác tôi lại cáo từ ông ấm, ra về “kẻo trẻ ở nhà mong”. Lại lội đồng hai cây số nữa, may mà trời đã tạnh. (Việc này tôi chép lại trong cuốn Tương lai trong tay ta (?) của tôi).

 

 

Lần khác người lại dắt tôi đi thăm mộ cụ Nghè đời Lê ở làng Phú Xuyên, cách làng tôi ba cây số, và nhìn ngôi mộ cổ dưới gốc đa trên cái gò giữa đồng, tôi phục tinh thần thanh khiết, ẩn dật của nhà Nho (coi bài Tựa cuốn Cổ văn Trung Quốc của tôi).

 

Bài học để lại ấn tượng sâu nhất là bài học trọng tinh thần hơn vật chất mà tôi đã chép lại trong cuốn Tổ chức gia đình. Chiều hôm đó, chúng tôi đi thăm mộ cụ Lê Anh Tuấn, một vị tham tụng thời Trịnh Cương, ở làng Thanh Mai, bác tôi khuyên tôi sống thanh bạch như cổ nhân: cụ Lê Anh Tuấn chức như Tể tướng mà nhà rất nghèo, chỉ cất được mỗi ngôi nhà rất nhỏ; cụ Lê Đình Duyên, thầy học của ông nội tôi, đậu Tiến sĩ, làm chức Tư nghiệp Quốc tử giám mà nhà thờ còn nhỏ hơn nhà thờ cụ Lê Anh Tuấn nữa; cụ Nghè làng Vẽ mà bác tôi gọi là ông chú còn bần hàn hơn: nhà lợp ra, dột, bữa cơm chỉ có dăm con tép và một bát rau muống. Tôi nhớ hoài lời này của bác tôi: “Đời sống vật chất nên dưới mực trung bình còn đời sống tinh thần thì nên trên mức ấy”.

 

Hồi dạy học ở Long Xuyên năm 1951-1952, tôi đem ra khuyên lại học trò tôi và mới năm ngoái (1979), một người trong số học trò đó đã 46-47 tuổi lại thăm tôi, nhắc lại lời đó (tóm tắt trong ch. VI).

 

°


[1] Tôi đã nhắc tới không khí trong lớp học đó ở cuối cuốn Nhà giáo họ Khổng.

[2] Giấy Tây: loại giấy manh, không có gạch hàng. Mực Tây: mực ngâm nước, không phải mài như mực Tàu (theo Nam Sơn Trần Văn Chi, Một thời để nhớ, DatViet.net). (Goldfish).

[3] Sách in sai thành thuỷ mâu. Tôi sửa lại theo Hồi Kí là: thuỷ mẫu. Theo bác Vvn, chữ Hán là 水母.

 (Goldfish).

[4] Trong sách Mạnh tử, chương Li Lâu thượng, đoạn 8 có viết: Khổng tử viết: tiểu tử thính chi! Thanh tư trạc anh, trọc tư trạc túc hĩ… 孔子曰: 小子聽之! 清斯濯纓, 濁斯濯足矣 … Nghĩa là: Khổng tử rằng: “Nghe trẻ con hát kìa! Nước trong thời giặt mũ, nước đục thời rửa chân…”. (theo góp ý của bác Vvn). (Goldfish).

 

[5] Trong bài Quá Hoa thanh cung của Đỗ Mục. Tương Như dịch: Bụi hồng ngựa ruổi, phi cười nụ, Vải tiến mang về, ai biết đâu. (Goldfish).

[6] Trong bài Trường hận ca của Bạch cư Dị (Goldfish).

[7] Sau tôi được học một năm Việt ngữ với cụ Bùi ở trường Công chánh. (Coi Nửa thế kỷ chánh tả Việt ngữ trong cuốn Mười câu chuyện văn chương). Còn cụ Dương thì tôi viết bài: Cụ Dương Quảng Hàm, trong Bách Khoa số 230 năm 1996.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích