Cội Rễ
Chương 45

Càng ngày những chiếc còng trên cổ chân Kunta càng làm cho anh đi lại khó khăn và đau đớn hơn. Song anh vẫn tự nhủ rằng cơ hội thoát thân tùy thuộc vào việc tiếp tục ép mình làm bất cứ cái gì được giao, đằng sau một cái mặt nạ, ngây độn và ngớ ngẩn hoàn toàn. Trong khi làm thế, tai, mắt và mũi anh không để lọt một cái gì – mọi khí giới anh có thể lợi dụng, mọi nhược điểm của bọn tu bốp anh có thể khai thác -  cho tới khi nào bọn bắt anh, cuối cùng, yên tâm tháo cùm ra. Lúc đó anh sẽ lại chạy trốn.

 

Mỗi buổi sáng, ngay sau khi tù và rúc, Kunta lại tập tễnh ra ngoài ngắm đám da đen kỳ cục nọ chui khỏi lều, mặt còn lộ rõ vẻ ngái ngủ, lấy nước ở những chiếc xô múc từ giếng cạnh đó vã vào người. Nhớ tiếng chày giã mạch kê của các bà các chị trong làng sửa soạn bữa sáng cho gia đình, anh lại vào lều của bà già nấu bếp và nuốt chửng bất cứ thức gì bà đưa cho – trừ cái món thịt ủn ỉn bẩn thỉu.

 

Sáng nào, trong khi ăn, anh cũng đưa mắt lục soát căn lều xem có gì – khả dĩ làm khí giới mà anh có thể lấy trộm được, không bị phát hiện. Nhưng trừ những nồi niêu xoong chảo đen thui treo ở móc trên bếp, chỉ có những vật tròn, dẹt bằng sắt tây trên đó bà bếp xẻ các thức cho anh ăn bốc. Anh thấy bà ta ăn bằng một cái vật dài, bằng kim khí có ba bốn mũi nhọn xít nhau dùng để xiên thức ăn. Anh thắc mắc không biết đó là cái gì và nghĩ mặc dầu bé, nó vẫn có thể hữu ích – nếu như có một lúc nào anh bất chợt thấy bà ta ngảnh nhìn đi chỗ khác trong khi cái vật lấp lánh đó nằm trong tay anh.

 

Một buổi sáng, đang lúc vừa ăn cháo vừa theo dõi bà bếp thái thịt bằng một con dao trước đây anh chưa từng thấy và mưu tính sẽ dùng con dao đó vào việc gì nếu nó ở trong tay anh. Kunta chợt nghe thấy một tiếng éc đau đớn ré lên bên ngoài lều. Điều đó gần gũi với những ý nghĩ của anh đến nỗi anh gần như bật dậy khỏi chỗ ngồi. Khập khiễng bước ra ngoài, anh thấy những người khác đã sắp hàng đi làm – nhiều người còn đang nhai những miếng cuối cùng của bữa “điểm tâm”, sợ bị ăn roi vì ra chậm – trong khi cạnh họ trên mặt đất, một con ủn ỉn đang giãy giụa, máu phọt từ cổ họng bị mổ; hai gã đen khiêng nó lên bỏ vào một thùng nước sôi bốc hơi, rồi lôi ra, cạo lông. Da con ủn ỉn trắng hếu như da bọn tubốp, anh nhận thấy thế khi hai gã kia treo chân nó lên, rạch bụng và moi lòng ra. Mũi Kunta tắc nghẹn khi ngửi thấy mùi ruột nó phả ra và trong lúc cùng những người khác đi về phía cánh đồng, anh phải cố nén nỗi rùng mình kinh tởm khi nghĩ mình phải sống giữa đám vô đạo ăn thịt cả cái giống bẩn thỉu đến thế.

 

Bây giờ, sáng nào cũng có băng giá bám trên thân ngô và một ánh sương mờ là thấp trên cánh đồng cho tới khi sức nóng của mặt trời đang leo lên cao thiêu tan nó đi. Quyền phép của Chúa Ala quả không ngừng làm Kunta kinh ngạc – ngay cả ở nơi xa vời như cái đất tubốp này, ngăn cách một vùng bao la nước, mặt trời và mặt trăng của Chúa Ala vẫn lên và đi ngang qua bầu trời, tuy mặt trời không nóng bằng và mặt trăng không đẹp bằng ở Jufurê. Duy chỉ có người ở cái nơi đáng nguyền rủa này thì dường như không phải là công trình của Chúa Ala. Bọn tubốp chẳng có tính người, còn đám da đen thì đừng có tìm hiểu họ làm gì, chỉ tổ uổng công vô ích.

 

Khi vầng dương lên tới giữa bầu trời, tù và lại thổi, báo hiệu cho mọi người sắp hàng một lần nữa đón một chiếc xe trượt bằng gỗ kéo bởi một con vật từa tựa như ngựa nhưng lại giống lừa hơn, mà Kunta nghe lỏm thấy họ gọi là con “la”. Đi bên cạnh xe trượt là bà bếp già phân phát cho mỗi người trong hàng mấy miếng bánh dẹt và một bầu món ninh; người đứng kẻ ngồi, ăn nghiến ngấu rồi uống nước múc ở một cái thùng cũng đặt trên xe trượt. Ngày nào Kunta cũng thận trọng ngửi món ninh trước khi nếm để bảo đảm chắc chắn là mình không để lọt tí thịt ủn ỉn nào vào trong miệng, song món này thường thường chỉ có rau chứ chẳng chứa chút thịt nào mà anh có thể trông hoặc ngửi thấy. Còn về bánh thì anh yên trí hơn vì đã thấy một số phụ nữ da đen dùng chày đá giã ngô trong một cái cối để làm bánh, gần giống như cách làm ở Châu Phi mặc dầu chày của Binta bằng gỗ.

 

Có những hôm họ cho ăn những món quen thuộc với Kunta từ dạo ở quê nhà, như lạc và kanjô - ở đây gọi là “mướt tây” – với cái thứ gì gì gọi là “đỗ mắt đen”. Anh thấy những người đen này rất thích cái thứ quả to to mà ở đây người ta gọi là “dưa hấu”. Song anh thấy hình như Chúa Ala không cho dân ở đây được hưởng xoài, cùi dừa, quả bánh mì và biết bao trái cây ngon lành khác hầu như mọc ở bất cứ chỗ nào ta chịu khó nghé mắt tới trong các lùm cây, bụi rậm bên Châu Phi.

 

Thỉnh thoảng, lão tubốp đã đưa Kunta đến chốn này – họ gọi lão là “me-xừ” – cưỡi ngựa ra ngoài đồng trong lúc họ đang làm việc. Đầu đội chiếc mũ rơm trăng trắng, những khi nói với tên tubốp trông coi cánh đồng, lão khoa một cái roi da bện dài và mảnh; Kunta nhận thấy tên tubốp “xú-ba-dăng” (1= Giám thị) cũng lăng xăng, xun xoe cười nịnh hầu như chẳng khác gì những người đen, khi nào có mặt lão ở quanh đấy.

 

Mỗi ngày đều xảy ra nhiều điều kỳ lạ như vậy, và trở về lều, Kunta thường ngồi ngẫm nghĩ về những điều đó trong khi chờ đợi cái ngủ đến. Những người da đen này dường như trong đời không có quan tâm nào vượt quá cái việc làm hài lòng tên tubốp lăm lăm ngọn roi. Cứ nghĩ đến cái cung cách những người đen này bổ nháo bổ nhào vào công việc bất cứ lúc nào trông thấy một tên tubốp và, nếu hắn bảo một tiếng, hối hả làm bất cứ cái gì hắn sai, là anh phát ớn đến buồn nôn. Kunta không thể dò xét điều gì xảy đến đã phá hoại đầu óc họ đến nỗi giờ đây họ hành động như loài dê, loài khỉ. Có lẽ bởi vì họ sinh ra ở nơi này chứ không phải ở Châu Phi, bởi vì mái nhà duy nhất họ biết là những túp lều gỗ thỏi của bọn tubốp, trát bằng bùn và lông con ủn ỉn. Những người đen này chưa bao giờ biết được ý nghĩa việc đổ mồ hôi dưới ánh mặt trời không phải vì bọn chủ tubốp, mà vì bản thân và đồng bào mình.

 

Nhưng dù có phải ở lẫn với họ lâu đến đâu chăng nữa, Kunta cũng nguyện sẽ không bao giờ trở nên giống họ và mỗi đêm, tâm trí anh lại thám hiểm tìm cách trốn khỏi vùng đất đáng khinh ghét này. Anh không khỏi tự riếc móc hầu như hàng đêm về thất bại trước đó. Duyệt lại trong đầu cái thế bị lũ chó rớt rãi ròng ròng dồn vào bụi gai, anh biết là phải có một kế hoạch chu đáo hơn cho lần sau. Trước hết cần phải tự làm một lá bùa xaphi để bảo đảm an toàn và thành công. Rồi phải tìm ra hoặc làm một thứ vũ khí gì đó. Thậm chí một cái gậy vót nhọn cũng đâm được thủng bụng những con chó – anh nghĩ bụng – và thế là lại có thể vọt xa trước khi gã da đen và lão tubốp rẽ được bụi rậm tới chỗ anh quần nhau với lũ chó. Cuối cùng, phải làm quen với thung thổ xung quanh để khi tẩu thoát lần nữa, có thể biết đường mà tìm những chỗ ẩn náu tốt hơn.

 

Mặc dù thường thường mất tới nửa phần đêm nằm thao thức, trăn trở với những ý nghĩ như vậy, bao giờ Kunta cũng dậy trước tiếng gà gáy đầu gọi đám gia cầm khác hòa theo. Anh nhận thấy chim chóc ở đây chỉ ríu rít, líu lo – khác hẳn tiếng quàng quạc ỏm tỏi đinh tai của những bầy vẹt xanh đông đảo mở đầu buổi sáng ở Jufurê. Dường như ở đây chẳng có vẹt mà cũng không có khỉ, cái giống này bên quê nhà bao giờ cũng khai ngày bằng chí chóe trên cây, bẻ que ném xuống những người đứng dưới đất. Kunta cũng không hề thấy có dê ở đây – một điều mà anh thấy khó tin chẳng kém gì việc dân vùng này nhốt giống ủn ỉn ở trong chuồng – họ gọi chúng là “lợn” hoặc “heo” – và thậm chí còn cho cái loài bẩn thỉu ấy ăn nữa.

 

Nhưng Kunta thấy tiếng kêu eng éc của con ủn ỉn cũng chẳng xấu gì hơn thứ tiếng nói của bọn tubốp, sao mà chúng giống hệt nhau. Anh sẵn sàng đổi bất cứ cái gì để được nghe, dù chỉ một câu, tiếng Manđinka hoặc bất kỳ tiếng Phi nào khác. Anh nhớ những người bạn xiềng trên con xuồng lớn – kể cả những người không theo đạo Hồi – và băn khoăn tự hỏi giờ họ ra sao. Họ bị đem đi đâu? Tới những trại tubốp khác tương tự như trại này chăng? Ở đâu thì ở, liệu họ có như anh, khao khát được nghe một lần nữa ngọt ngào tiếng mẹ đẻ - và như anh, cảm thấy tù hãm và cô đơn vì nỗi không biết tí gì về tiếng tubốp?

 

Kunta vỡ lẽ ra rằng cần phải học chút ít về cái thứ ngôn ngữ kỳ lạ này nếu anh muốn hiểu kha khá về bọn tubốp hoặc về cách trốn thoát khỏi tay chúng. Không để cho ai biết, anh đã thuộc được mấy chữ “lợn”, “heo”, “dưa hấu”, “đỗ đen”, “xú-ba-dăng”, “me-xừ” và đặc biệt “uẩy me-xừ” cái câu hầu như duy nhất anh nghe thấy đám người da đen nói với hắn. Anh cũng thấy đám người da đen gọi mụ tu bốp, cùng chung sống với “me-xừ” trong tòa nhà trắng lớn là “bà đầm”. Một lần từ đằng xa, Kunta đã thoáng thấy mụ, người ngợm xương xẩu, màu da như bụng cóc, trong khi mụ đi dạo quanh, hái mấy bông hoa ở bụi cây mọc cạnh ngôi nhà lớn.

 

Phần lớn những chữ tubốp khác Kunta nghe lỏm được vẫn còn làm anh bối rối không hiểu. Nhưng đằng sau cái mặt nạ ngây độn, anh cố hết sức đoán cho ra nghĩa và dần dà anh bắt đầu gắn những âm khác nhau vào với một số đồ vật và hành động. Nhưng đặc biệt có một âm làm anh bối rối cực kỳ mặc dù ngày nào cũng nghe thấy cả bọn tubốp lẫn đám da đen nói đi nói lại hoài. Một gã “nhọ” là cái gì nhỉ? anh tự hỏi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Cội Rễ Chương 45

Có thể bạn thích