Sapiens: Lược Sử Loài Người
MŨI TÊN LỊCH SỬ

MŨI TÊN LỊCH SỬ

Sau Cách mạng Nông nghiệp, xã hội loài người phát triển rộng lớn hơn và phức tạp hơn, trong khi những cấu trúc tưởng tượng để duy trì trật tự xã hội cũng trở nên tinh vi hơn. Các huyền thoại và những chuyện hư cấu đã làm cho con người, gần như từ thời điểm được sinh ra, quen với việc nghĩ theo những cách nhất định, cư xử dựa trên những tiêu chuẩn nhất định, mong muốn một số thứ nhất định, và tuân theo những quy tắc nhất định. Vì vậy, họ đã tạo ra những bản năng nhân tạo, làm cho hàng triệu người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả. Mạng lưới những bản năng nhân tạo này được gọi là “văn hoá”.

Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, các học giả đã dạy rằng mỗi nền văn hoá đều hoàn chỉnh và hài hòa, sở hữu một bản chất cốt lõi không thể thay đổi, xác định rõ đặc điểm của nó mọi lúc. Mỗi nhóm người đều có thế giới quan, hệ thống sắp đặt về xã hội, luật pháp và chính trị của riêng mình, được vận hành một cách trơn tru như các hành tinh xoay quanh Mặt trời. Theo quan điểm này, những nền văn hoá nếu để mặc chúng hoạt động sẽ không thay đổi. Chúng tiếp tục vận hành với cùng một tốc độ và cùng một hướng. Chỉ khi có sự tác động từ bên ngoài mới làm cho chúng thay đổi. Chính vì vậy, các nhà nhân loại học, sử gia và chính trị gia đã xem “Nền văn hoá Samoa” hoặc “Nền văn hoá Tasmania” như là những niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị đã hình thành nên các đặc điểm của người Samoa và người Tasmania từ thời xa xưa.

Ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu văn hoá đều kết luận rằng ngược lại mới đúng. Mỗi nền văn hoá đều có những niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị đặc thù, nhưng chúng thay đổi liên tục. Nền văn hoá có thể biến đổi mình để đối phó lại với những thay đổi trong môi trường của nó hoặc qua sự tương tác với các nền văn hoá láng giềng. Nhưng các nền văn hoá cũng trải qua sự thay đổi do những động lực bên trong chúng. Thậm chí một nền văn hoá bị cô lập hoàn toàn, tồn tại trong một môi trường ổn định về mặt sinh thái cũng không thể tránh khỏi sự thay đổi. Không giống như các định luật vật lý vốn tránh được các mâu thuẫn, mỗi trật tự nhân tạo đều hàm chứa những mâu thuẫn nội bộ. Các nền văn hoá đã liên tục cố gắng để hòa giải những mâu thuẫn này, và quá trình đó đã cung cấp nhiên liệu cho sự thay đổi.

Ví dụ, ở châu Âu trung cổ, giới quý tộc tin vào cả Ki-tô giáo lẫn tinh thần hiệp sĩ. Một nam quý tộc điển hình sẽ đến nhà thờ vào buổi sáng, lắng nghe linh mục diễn thuyết về cuộc sống của các vị thánh. “Sự phù phiếm của những sự phù phiếm”, linh mục nói, “tất cả đều là phù phiếm. Sự giàu có, thèm khát và danh vọng là những cám dỗ nguy hiểm. Con phải vượt lên trên chúng, và đi theo bước chân của Thiên Chúa. Hãy nhu mì giống như Thiên Chúa, tránh xa bạo lực và sự tiêu xài phung phí, và nếu bị tấn công – hãy giơ bên má còn lại ra”. Trở về nhà với một tâm trạng nhu mì và trầm ngâm, người đàn ông quý tộc sẽ thay bộ quần áo bằng lụa đẹp nhất và tới một bữa tiệc lớn trong lâu đài lãnh chúa của mình. Ở đó rượu chảy như nước, những người hát rong ca ngợi Lancelot và Guinevere, còn các vị khách thì trao đổi những lời đùa cợt bẩn thỉu và những câu chuyện về các cuộc chiến đẫm máu. Các vị nam tước tuyên bố, “Chết đi còn hơn là sống trong sự hổ thẹn. Nếu một kẻ nào đó nghi ngờ về danh dự của bạn, chỉ có máu mới xóa sạch được sự lăng mạ này. Trong cuộc sống có gì vui hơn ngoài việc nhìn thấy kẻ thù chạy trốn bạn, và những đứa con gái xinh đẹp của chúng run sợ dưới chân bạn?”

Sự mâu thuẫn này không bao giờ được giải quyết trọn vẹn. Nhưng khi giới quý tộc châu Âu, giới tăng lữ và thường dân vật lộn với nó, văn hoá của họ sẽ thay đổi. Một nỗ lực để giải quyết nó đã sinh ra Thập tự chinh. Trong những cuộc Thập tự chinh, các hiệp sĩ có thể chứng minh sức mạnh quân sự và lòng mộ đạo của mình bằng một cú đánh. Sự mâu thuẫn tương tự đã tạo ra những đội quân như các hiệp sĩ dòng Templar và các hiệp sĩ dòng Hospitaller, những người đã cố gắng làm cho các tư tưởng Ki-tô và tinh thần hiệp sĩ ăn khớp với nhau chặt hơn. Nó cũng chịu trách nhiệm cho phần lớn nền văn học và nghệ thuật thời trung cổ, như những câu chuyện về Vua Arthur và Chén Thánh. Camelot là gì nếu không phải là sự nỗ lực để chứng minh rằng một hiệp sĩ giỏi có thể và nên trở thành một Ki-tô hữu ngoan đạo, và rằng những Ki-tô hữu tốt sẽ trở thành những hiệp sĩ xuất sắc nhất?

Ví dụ khác là về trật tự chính trị hiện đại. Kể từ Cách mạng Pháp, con người trên toàn thế giới đã dần nhìn nhận bình đẳng và tự do cá nhân như những giá trị cơ bản. Song, hai giá trị này lại mâu thuẫn nhau. Bình đẳng chỉ có thể được đảm bảo bằng việc giảm bớt tự do của những cá nhân xuất sắc hơn. Đảm bảo rằng mỗi cá nhân sẽ được tự do làm điều mình mong muốn chắc chắn sẽ hạn chế bình đẳng. Toàn bộ lịch sử chính trị của thế giới từ năm 1789 có thể được coi như hàng loạt nỗ lực để giải quyết mâu thuẫn này.

Bất cứ ai từng đọc tiểu thuyết của Charles Dickens đều biết rằng, những chế độ cai trị tự do ở châu Âu thế kỷ 19 dành sự ưu tiên cho tự do cá nhân, kể cả khi nó đồng nghĩa với việc ném các gia đình nghèo không thể trả nợ vào tù và cho trẻ mồ côi rất ít sự lựa chọn trừ việc gia nhập trường dạy móc túi. Bất cứ ai từng đọc tiểu thuyết của Alexander Solzhenitsyn đều hiểu rằng lý tưởng bình đẳng cực đoan đã tạo ra những sự chuyên chế tàn bạo cố gắng kiểm soát mọi mặt của cuộc sống thường ngày.

Các hoạt động chính trị ở Mỹ hiện nay cũng đang xoay quanh mâu thuẫn này. Đảng Dân chủ mong muốn một xã hội bình đẳng hơn, dù có phải tăng thuế để tài trợ cho các chương trình giúp đỡ người nghèo, già yếu và ốm đau. Nhưng điều này đã xâm phạm đến tự do của các cá nhân trong việc sử dụng tiền của mình như họ muốn. Tại sao chính phủ ép tôi mua bảo hiểm sức khỏe trong khi tôi thích dùng tiền của mình để cho con cái đi học đại học? Còn Đảng Cộng hòa thì muốn tối đa hoá tự do cá nhân, dù nó có nghĩa rằng khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày càng lớn hơn, và nhiều người Mỹ sẽ không đủ khả năng chi trả tiền chăm sóc sức khỏe.

Giống như văn hoá trung cổ không hòa trộn được tinh thần hiệp sĩ với Ki-tô giáo, thế giới hiện đại đã thất bại trong việc làm cho tự do hài hòa với bình đẳng. Nhưng đây không phải là khuyết điểm. Những mâu thuẫn như vậy là một phần không thể tách rời trong mỗi nền văn hoá của con người. Trên thực tế, chúng là những động cơ của văn hoá, là nguyên nhân cho óc sáng tạo và tính năng động của loài người chúng ta. Giống như khi hai nốt nhạc nghịch nhau được chơi cùng sẽ đẩy một giai điệu ngân lên, các mâu thuẫn trong những suy nghĩ, ý tưởng và giá trị đã buộc chúng ta phải suy nghĩ, tái đánh giá và phê bình. Tính nhất quán trước sau như một là sân chơi của những trí tuệ trì trệ.

Nếu những căng thẳng, xung đột và thế lưỡng nan không thể giải quyết được là gia vị của mỗi nền văn hoá, thì một con người thuộc bất kỳ nền văn hoá riêng biệt nào đều có những niềm tin trái ngược nhau và bị giằng xé bởi các giá trị không tương hợp. Đây là đặc điểm cơ bản của bất kỳ nền văn hoá nào, thậm chí nó có hẳn một cái tên: sự bất hòa nhận thức. Bất hòa nhận thức thường được xem là thất bại trong tâm lý con người. Trên thực tế, nó là một tài sản quý báu. Nếu con người không thể giữ vững được những niềm tin và giá trị trái ngược nhau, họ có lẽ sẽ không thể hình thành và duy trì bất cứ một nền văn hoá nào.

Giả dụ, nếu một người Ki-tô giáo thật sự muốn hiểu người Hồi giáo, những người thường xuyên lui tới thánh đường Hồi giáo cuối phố, thì anh ta không nên đi tìm một hệ giá trị nguyên sơ mà người Hồi giáo hằng yêu quý. Thay vào đó, anh ta nên tìm hiểu các thế lưỡng nan của văn hoá Hồi giáo, mà tại đó các nguyên tắc thì mâu thuẫn còn các tiêu chuẩn lại xô lệch. Chính ở nơi mà người Hồi giáo đi loạng choạng giữa hai sự sai khiến, anh ta sẽ hiểu họ tốt nhất.

Vệ tinh do thám

Văn hoá của con người biến đổi không ngừng. Liệu sự biến đổi này có hoàn toàn ngẫu nhiên không, hoặc liệu nó có một khuôn mẫu tổng quát nào không? Nói cách khác, liệu rằng lịch sử có một chiều hướng hay không?

Câu trả lời là có. Sau hàng thiên niên kỷ, những nền văn hoá nhỏ bé và đơn giản dần dần hợp nhất thành một nền văn minh lớn hơn và phức tạp hơn, vì vậy thế giới ngày càng có ít hơn những nền văn hoá khổng lồ, mỗi cái trong số đó lại to lớn hơn và phức tạp hơn. Tất nhiên, đây chỉ là một sự khái quát hoá thô sơ, chỉ đúng ở cấp độ vĩ mô. Ở cấp độ vi mô, có vẻ như mỗi nhóm văn hoá lại hợp thành một nền văn hoá khổng lồ, và có những nền văn hoá khổng lồ lại vỡ ra thành nhiều mảnh. Đế chế Mông Cổ đã mở rộng sự thống trị trên một dải đất khổng lồ ở châu Á và thậm chí một phần châu Âu, rồi lại bị vỡ ra thành những mảnh nhỏ. Ki-tô giáo đã cải đạo hàng trăm triệu người, và cùng lúc nó lại bị vỡ ra thành vô số các giáo phái nhỏ. Ngôn ngữ Latin đã lan rộng khắp Tây Âu và Trung Âu, sau đó bị phân chia thành các hình thái ngôn ngữ địa phương mà bản thân chúng cuối cùng lại trở thành những ngôn ngữ quốc gia. Nhưng những sự tan vỡ này chỉ là một bước lùi tạm thời trong xu hướng thống nhất không thể thay đổi được.

Nhận thức được chiều hướng của lịch sử thực sự là một vấn đề có tính ưu thế. Khi chúng ta có cái nhìn bao quát toàn cảnh lịch sử, theo dõi sự phát triển trong khoảng thời gian hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ, thật khó để nói rằng lịch sử đang đi theo hướng hợp nhất hay đa dạng hoá. Tuy nhiên, để hiểu được các diễn trình dài hạn, việc nhìn bao quát toàn cảnh lại quá thiểu cận. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta dùng góc nhìn của một vệ tinh do thám vũ trụ, có thể quét qua hàng thiên niên kỷ chứ không chỉ là hàng thế kỷ. Từ điểm nhìn có lợi thế như vậy, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng lịch sử đang di chuyển không ngừng theo hướng thống nhất. Sự phân chia của Ki-tô giáo và sự sụp đổ của Đế chế Mông Cổ chỉ là những cái gờ giảm tốc trên con đường cao tốc của lịch sử.

Cách tốt nhất để đánh giá đúng xu hướng chung của lịch sử là đếm số lượng thế giới người riêng rẽ cùng tồn tại ở bất cứ thời điểm nào trên hành tinh. Ngày nay, chúng ta thường nghĩ tới cả Trái đất như một đơn vị đơn lẻ, nhưng trong hầu hết lịch sử, Trái đất thực tế là một thiên hà của những thế giới người sống cô lập.

Hãy thử xem xét Tasmania, một hòn đảo cỡ trung bình ở phía nam châu Úc. Nó bị tách ra từ lục địa châu Úc khoảng năm 10000 TCN, do vào cuối thời kỳ băng hà mực nước biển dâng cao. Khoảng vài ngàn người săn bắt hái lượm đã bị bỏ lại trên đảo, không có bất kỳ liến lạc nào với những người khác cho tới khi người châu Âu đặt chân đến vào thế kỷ 19. Trong vòng 12.000 năm, không ai biết người Tasmania đang ở đó, và họ cũng không biết là có những người khác trong thế giới này. Họ có những cuộc chiến tranh, xung đột chính trị, dao động xã hội và phát triển văn hoá của riêng mình. Song, cho đến tận khi được các hoàng đế Trung Hoa hoặc những người cai trị Lưỡng Hà quan tâm đến, thì Tasmania mới có thể được coi là đang ở trên một trong những mặt trăng của Sao Mộc. Người Tasmania sống trong thế giới của riêng họ.

Châu Mỹ và châu Âu cũng vậy, bị tách biệt khỏi thế giới trong hầu hết lịch sử của họ. Vào năm 378, Hoàng đế La mã Valence bại trận và bị giết bởi những người thuộc bộ tộc Goth trong trận Adrianople. Trong cùng năm đó, Vua Chak Tok Ich’aak của Tikal cũng bại trận và bị giết bởi quân đội của Teotihuacan. (Tikal là một thành bang quan trọng của nền văn minh Maya, trong khi Teotihuacan là thành phố lớn nhất ở châu Mỹ, với gần 250.000 dân – có độ lớn ngang thành phố cùng thời với nó là Rome). Hoàn toàn không có một mối liên kết nào giữa thất bại của Rome và sự nổi lên của Teotihuacan. Rome có thể coi là nằm trên Sao Hỏa và Teotihuacan trên Sao Kim.

Có bao nhiêu thế giới người khác nhau cùng tồn tại trên Trái đất? Khoảng năm 10000 TCN, hành tinh chúng ta chứa hàng ngàn thế giới đó. Khoảng năm 2000 TCN, con số này đã thu nhỏ lại còn khoảng vài trăm và nhiều nhất là vài ngàn. Vào năm 1450, con số này suy giảm nhiều hơn nữa. Vào thời điểm đó, chỉ trước kỷ nguyên khám phá của người châu Âu, Trái đất vẫn còn có một số lượng đáng kể những thế giới tí hon như Tasmania. Nhưng gần 90% loài người sống trong một thế giới khổng lồ đơn lẻ: thế giới Á-Phi. Hầu hết châu Á, châu Âu và châu Phi (bao gồm cả những bộ phận quan trọng là Hạ Sahara thuộc châu Phi) đều liên kết bởi các ràng buộc đáng kể về kinh tế, chính trị và văn hoá.

Hầu hết một phần mười còn lại của dân số loài người trên thế giới được chia ra làm bốn thế giới có quy mô và độ phức tạp đáng kể:

1. Thế giới Mesoamerica, bao gồm hầu hết vùng Trung Mỹ và một phần Bắc Mỹ.

2. Thế giới Andes, bao gồm hầu hết vùng phía tây của Nam Mỹ.

3. Thế giới Australia, bao gồm phần lục địa châu Úc.

4. Thế giới Đại dương, bao gồm hầu hết các đảo phía tây-nam Thái Bình Dương, từ Hawaii đến New Zealand.

Trong vòng hơn 300 năm tiếp theo, người khổng lồ Á-Phi đã nuốt chửng toàn bộ các thế giới khác. Nó đã nuốt chửng thế giới Mesoamerica vào năm 1521, khi người châu Âu xâm lược Đế chế Aztec. Nó đã dành miếng cắn đầu tiên của mình cho thế giới Đại dương cùng lúc, trong hành trình vòng quanh thế giới bằng đường biển của Ferdinand Magellan và ngay sau khi hoàn thành sự xâm lược của nó. Thế giới Andes bị sụp đổ vào năm 1532, khi những kẻ xâm lược Tây Ban Nha nghiền nát Đế chế Inca. Người châu Âu đầu tiên đặt chân lên lục địa châu Úc năm 1606, và thế giới nguyên thủy đó đã đi đến chỗ kết thúc khi người Anh sốt sắng thuộc địa hoá nó năm 1788. 15 năm sau khi những người Anh thành lập khu định cư đầu tiên của mình ở Tasmania, đã mang thế giới tự trị cuối cùng của con người vào phạm vi ảnh hưởng Á-Phi.

Người khổng lồ Á-Phi phải mất vài thế kỷ để tiêu hoá hết những gì mà nó đã nuốt gọn, nhưng quá trình này là không thể đảo ngược. Ngày nay, hầu hết loài người chia sẻ cùng một hệ thống địa chính trị (toàn thể hành tinh được chia thành những quốc gia được công nhận quốc tế), cùng một hệ thống kinh tế (ảnh hưởng của thị trường tư bản đã hình thành ở cả những góc xa xôi nhất của thế giới), cùng một hệ thống pháp luật (nhân quyền và luật pháp quốc tế có hiệu lực khắp nơi, ít nhất là theo lý thuyết), và cùng một hệ thống khoa học (các chuyên gia ở Iran, Israel, Úc và Argentina đều có cùng quan điểm về cấu trúc nguyên tử hoặc việc điều trị bệnh lao).

Nền văn hoá toàn cầu đơn lẻ này không đồng nhất. Giống như một cơ thể hữu cơ đơn lẻ chứa rất nhiều loại cơ quan và tế bào khác nhau, nền văn hoá toàn cầu đơn lẻ của chúng ta gồm có rất nhiều loại người với các lối sống khác nhau, từ những người buôn chứng khoán ở New York cho đến những người chăn cừu ở Afghanistan. Tuy thế, tất cả họ đều có mối liên kết gần gũi và gây ảnh hưởng đến nhau theo nhiều cách. Họ vẫn tranh luận và đánh nhau, nhưng họ tranh luận với cùng những khái niệm, và đánh nhau với cùng loại vũ khí. Một “sự va chạm giữa các nền văn minh” thực sự giống như đoạn hội thoại của người điếc mà ai cũng biết. Không ai có thể hiểu người kia đang nói gì. Ngày nay, khi Iran và Mỹ so gươm với nhau, họ đều nói ngôn ngữ của những quốc gia-dân tộc, của nền kinh tế tư bản, của các quyền quốc tế và vật lý lượng tử.

 

Bản đồ 3. Trái đất năm 1450. Những khu vực được đặt tên ở thế giới Á-Phi là những nơi mà lữ khách Hồi giáo thế kỷ 14 Ibn Battuta đã đến thăm. Là người gốc Tangier, ở Morocco, Ibn Battuta đã đến thăm Timbuktu, Zanzibar, phía nam của Nga, Trung Á, Ấn Độ, Trung Hoa và Indonesia. Những chuyến đi của ông đã làm sáng tỏ sự thống nhất của lục địa Á-Phi vào thời cận đại.

Chúng ta vẫn thường nói nhiều đến những nền văn hoá “đích thực”, nhưng nếu “đích thực” mà chúng ta hàm ý về cái gì đó phát triển một cách hoàn toàn độc lập, và bao gồm những truyền thống địa phương cổ đại không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài, thì theo đó không có những nền văn hoá đích thực còn lại trên Trái đất này. Trong vài thế kỷ gần đây, hầu hết các nền văn hoá đều thay đổi đến mức không thể nhận ra bởi dòng chảy cuồn cuộn của các ảnh hưởng toàn cầu.

Một trong những ví dụ thú vị nhất của sự toàn cầu hoá này là ẩm thực “dân tộc”. Trong một nhà hàng Ý, chúng ta muốn món mì Spaghetti với sốt cà chua; ở một nhà hàng Ba Lan và Ireland thì có nhiều khoai tây; ở một nhà hàng Argentina chúng ta có thể lựa chọn nhiều loại thịt bò; ở một nhà hàng Ấn Độ, ớt cay nóng được kết hợp với mọi thứ; và điểm nổi bật của bất cứ quán cà phê Thụy Sĩ nào là sô-cô-la nóng và đặc nằm dưới một lớp kem được đánh lên thành hình ngọn núi. Nhưng không có đồ ăn nào kể trên là đặc sản của những đất nước đó. Cà chua, ớt cay và ca cao, tất cả đều có nguồn gốc từ Mexico; chúng tới châu Âu và châu Á chỉ sau khi người Tây Ban Nha xâm lược Mexico. Julius Caesar và Dante Alighieri không bao giờ dùng nĩa cuốn những sợi mì spaghetti đẫm sốt cà chua (thậm chí những chiếc nĩa cũng chưa được phát minh ra), William Tell chưa bao giờ được nếm sô-cô-la, và Đức Phật chưa bao giờ dùng ớt làm gia vị cho thức ăn của mình. Khoai tây tới Ba Lan và Ireland mới cách đây 400 năm. Và miếng bít-tết duy nhất mà bạn có thể có được ở Argentina vào năm 1492 là thịt của một con lạc đà không bướu.

Những bộ phim Hollywood đã duy trì hình ảnh người thổ dân da đỏ ở Đại Bình nguyên là những người chăn ngựa can đảm, dũng cảm tấn công những chiếc xe ngựa của thực dân châu Âu để bảo vệ truyền thống của tổ tiên họ. Tuy nhiên, những người chăn ngựa Mỹ bản xứ này không phải là những người bảo vệ cho nền văn hoá cổ xưa và đích thực. Thay vào đó, họ là sản phẩm của cuộc cách mạng chính trị và quân sự trọng đại đã quét qua vùng đồng bằng lớn ở phía tây của Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 và 18, kết quả của việc những con ngựa châu Âu tới lục địa này. Cho đến năm 1492, không có con ngựa nào ở Mỹ. Nền văn hoá Sioux và Apache thế kỷ 19 có nhiều đặc điểm hấp dẫn, nhưng nó là một nền văn hoá hiện đại – kết quả của những sức mạnh toàn cầu – nhiều hơn là văn hoá “đích thực”.

Viễn cảnh toàn cầu

Từ một viễn cảnh thực tế, giai đoạn quan trọng nhất của quá trình thống nhất toàn cầu xuất hiện trong một vài thế kỷ gần đây, khi những đế chế phát triển và thương mại gia tăng. Những mối liên kết ngày càng được thắt chặt giữa những người thuộc Á-Phi, châu Mỹ, châu Úc và châu Đại Dương. Vì vậy, ớt cay Mexico có thể được dùng trong đồ ăn Ấn Độ, và gia súc Tây Ban Nha bắt đầu gặm cỏ ở Argentina. Song, từ quan điểm ý thức hệ, một sự phát triển quan trọng hơn xuất hiện trong thiên niên kỷ 1 TCN, khi ý tưởng về một trật tự chung bén rễ. Trong hàng ngàn năm trước đây, lịch sử cũng đã chuyển động rất chậm theo hướng thống nhất toàn cầu, nhưng ý tưởng về một trật tự phổ quát chi phối toàn thế giới vẫn rất xa lạ đối với hầu hết mọi người.

 

Hình 24. Những tù trưởng Sioux (năm 1905). Cho đến năm 1492, người Sioux cũng như mọi bộ lạc ở Đại Bình Nguyên đều không có ngựa.

Homo sapiens tiến hoá để nghĩ rằng con người được phân chia thành chúng ta và chúng nó. “Chúng ta” là nhóm trực tiếp ở quanh bạn dù bạn là ai, còn “chúng nó” là những người còn lại. Trong thực tế, chưa bao giờ có loài động vật xã hội nào bị dẫn dắt bởi những lợi ích của toàn thể loài mà nó thuộc về. Không có con tinh tinh nào quan tâm đến lợi ích của loài tinh tinh, không có con ốc sên nào giương cao một cái xúc tu cho cộng đồng ốc sên toàn cầu, không có con sư tử alpha nào nỗ lực để trở thành vua của mọi sư tử, và ở lối vào của tổ ong, không thể tìm thấy khẩu hiệu “Những ong thợ của thế giới – đoàn kết lại!”

Nhưng bắt đầu với Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens đã trở nên ngày càng khác thường ở khía cạnh này. Con người bắt đầu hợp tác thường xuyên với những người hoàn toàn xa lạ, những người mà họ tưởng tượng như là “anh em” hoặc “bạn bè”. Song, tình anh em này không mang tính phổ quát. Ở nơi nào đó trong thung lũng bên cạnh, hoặc vượt qua rặng núi, người ta vẫn có thể cảm nhận thấy “chúng nó”. Khi Pharaoh đầu tiên Menes thống nhất Ai Cập khoảng năm 3000 TCN, người Ai Cập hiểu rõ rằng Ai Cập có một đường biên giới, và bên ngoài đường biên giới này lần quất “những kẻ man rợ”. Những kẻ man rợ này xa lạ, đầy đe dọa, và chỉ đáng bận tâm vì chúng có đất đai hoặc tài nguyên thiên nhiên mà người Ai Cập thèm khát. Tất cả những trật tự tưởng tượng do con người tạo ra đều có khuynh hướng phớt lờ một phần trọng yếu của nhân loại.

Thiên niên kỷ 1 TCN chứng kiến sự xuất hiện của ba trật tự phổ quát tiềm ẩn mà những người hâm mộ chúng có thể lần đầu tiên tưởng tượng ra toàn thể thế giới và toàn thể loài người như một đơn vị độc lập được điều hành bởi một bộ luật duy nhất. Mỗi người chính là “chúng ta”, ít nhất là về mặt tiềm năng. Không còn “chúng nó” nữa. Trật tự phổ quát đầu tiên xuất hiện là kinh tế: trật tự tiền tệ. Trật tự thứ hai là chính trị: trật tự đế chế. Trật tự thứ ba là tôn giáo: trật tự của những tôn giáo phổ quát như Phật giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo.

Các nhà buôn, kẻ đi xâm chiếm và nhà tiên tri là những người đầu tiên có thể xoay xở để vượt qua được sự phân chia tiến hoá nhị phân, “chúng ta và chúng nó”, đoán trước được khả năng thống nhất của nhân loại. Đối với nhà buôn, toàn thế giới là một thị trường đơn lẻ và mọi người đều là những khách hàng tiềm năng. Họ cố gắng tạo ra một trật tự kinh tế có thể áp dụng được cho mọi người và mọi nơi. Đối với kẻ đi xâm chiếm, toàn thế giới là một đế chế duy nhất, và mọi người đều là những kẻ bị trị tiềm năng; đối với nhà tiên tri, toàn thế giới nắm giữ một sự thật duy nhất, mọi người đều là những tín đồ tiềm năng. Họ cũng cố gắng tạo ra một trật tự có thể áp dụng cho mọi người ở mọi nơi.

Trong ba thiên niên kỷ gần đây, con người càng ngày càng có nhiều nỗ lực đầy tham vọng để hiện thực hoá tầm nhìn toàn cầu. Ba chương tiếp theo sẽ thảo luận về việc làm thế nào tiền bạc, các đế chế và các tôn giáo phổ quát lại có thể lan rộng, và cách chúng đặt nền móng cho một thế giới thống nhất ngày nay. Chúng ta bắt đầu câu chuyện về kẻ xâm chiếm vĩ đại nhất trong lịch sử, một kẻ chinh phục có sức chịu đựng và khả năng thích nghi tột bậc, vì vậy đã biến con người trở thành những môn đồ hăng hái. Kẻ chinh phục này chính là tiền bạc. Những con người không tin vào cùng một Đấng tối cao, không tuân lệnh cùng một vua, nhưng lại sẵn sàng sử dụng cùng một loại tiền. Osama Bin Laden, cho dù có lòng căm thù đối với văn hoá Mỹ, tôn giáo Mỹ và chính trị Mỹ, nhưng lại rất thích những đồng đô-la Mỹ. Vậy làm cách nào mà tiền lại có thể thành công ở những nơi mà các vị thần và vua đã thất bại?

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Sapiens: Lược Sử Loài Người MŨI TÊN LỊCH SỬ

Có thể bạn thích