Việc Lưu Bang thoát thân ra khỏi Huỳnh Dương, có thể nói là từ trong cái chết tìm thấy cái sống, khiến ông vô cùng cảm kích Kỷ Tín.  Một tướng lãnh không tiếc mạng sống, sẵn sàng hy sinh cho chúa như vậy thử hỏi có mấy người?  Chính vì thế Lưu Bang không khỏi nhớ lại những ngày qua mình đã mắng chửi bộ hạ của mình như thế nào, khiến trong lòng ông cảm thấy vô cùng áy náy.  Đối với tính tình nóng nảy như thế, trong lòng ông cũng biết rất rõ, nhưng dù biết cũng không thể sửa đổi được.  Nhưng lần này, Lưu Bang cần phải sửa  đổi cho được cái tính xấu đó, bằng không thì ông làm sao xứng đáng với cái chết của Kỷ Tín?

Hơn mười người của Lưu Bang sau khi chạy thoát khỏi Huỳnh Dương, liền nhắm hướng tây chạy thẳng đến Thành Cao.  Thành Cao và Huỳnh Dương nguyên là một tuyến phòng thủ liên kết nhau.  Lưu Bang chuẩn bị dựa vào Thành Cao để nghỉ ngơi giây lát, nhưng chẳng mấy chốc sau thì thị vệ và binh sĩ đã hối hả vào báo:

- Bẩm Đại Vương, quân Sở đã kéo tới phía ngoài thành rồi!

Lưu Bang nghe báo, không khỏi toát mồ hôi lạnh.  Ông vội vàng lên đầu thành nhìn xem, thấy quân Sở đang kéo tới đông nghẹt.  Lưu Bang luýnh quýnh cả tay chân, không biết làm thế nào để đối phó.

Cách tác chiến của Hạng Võ từ trước tới nay là xuất binh nhanh nhẹn, truy kích cho tới cùng.  Sau khi bị gạt ở thành Huỳnh Dương, ông ta hết sức giận dữ, quyết tâm bắt cho được Lưu Bang dù phải trả giác như thế nào.  Ông ta bỏ rơi Huỳnh Dương mà kéo thẳng tới Thành Cao chính là ý đó.  Hạng Võ cho rằng Thành Cao là điểm triệt thoái cuối cùng của Lưu Bang.  Nếu Lưu Bang còn triệt thoái nữa thì phải rút về Quan Trung, nhưng nơi đso binh lực rất ít không thể cố thủ được.  Ông phán đoán Lưu Bang rất có khả năng sẽ dựa vào Thành Cao để quyết chiến với mình.  Hạng Võ rất thích lối đánh xả thân đó.  Ông phái một đội binh sĩ gồm mười mấy người, khiếng mấy cái trống trận đặt dưới thành vừa đánh inh ỏi, vừa mắng chửi Lưu Bang, muốn chọc tức Lưu Bang, để ông ta mở cửa thành ra đánh nhau một trận chết sống.

Tiếng mắng chửi của quân Sở từ đợt này đến đợt khác đều lọt vào tai Lưu Bang, khiến ông ta tức giận đến xanh mặt, của người run rẩy.  Nhưng Lưu Bang vẫn biết tự kềm chế.  Vì ông hiểu một khi để mất lý trí, mở cửa thành ra đánh nhau với Hạng Võ thì hậu quả sẽ khôn lường.  Ông bình tĩnh phân tích tình hình Thành Cao, cảm thấy muốn cố thủ tại đây cũng e rằng sẽ bị quân Sở tấn công nữa.  Vết xe đổ tại Huỳnh Dương không phải là một tấm gương đó sao?  Suy đi nghĩ lại, Lưu Bang cho rằng dựa vào Thành Cao để chống lại quân Sở là một hành động không sáng suốt, mà phải trở về Quan Trung thu gom binh lực rồi mới kéo trở ra phía đông một lần nữa.  Người đại trượng phu có thể tiến mà cũng có thể thoái, gặp chuyện gì phải biết lượng sức mà làm, chứ không thể ỷ sức mạnh của kẻ thất phu mà hành động một cách liều lĩnh được.  Suy nghĩ tới đây, Lưu Bang quyết định bỏ Thành Cao.  Thế là, nhân lúc trời tối ông bí mật mở cửa thành phía bắc bỏ chạy.

Lẽ tất nhiên là Hạng Võ đã chiếm Thành Cao một cách dễ dàng.  Sau khi Hạng Võ biết Lưu Bang định xuất binh từ Quan Trung để tiến về phía đông cùng đánh nhau một lần nữa, thì ông ta chỉ cười nhạt mà không có hành động gì.  Hạng Võ biết Lưu Bang không còn bao nhiêu lực lượng, Huỳnh Dương và Thành Cao là hai cứ điểm phòng thủ vững chắc, thế mà vẫn bị quân Sở đánh chiếm, vậy chả lẽ Lưu Bang còn có gì để chặn đứng thế tiến như chẻ tre của quân Sở nữa hay sao?  Hạng Võ quyết định không kéo quân vào Quan Trung để truy kích Lưu Bang, mà tiến hành phá hoại triệt để tuyến phòng thủ Huỳnh Dương của Lưu Bang, rồi đóng quân tại đó để chờ Lưu Bang quay trở lại cùng nhau quyết chiến.

Tháng 5, năm 204 Tr. CN, Lưu Bang từ Thành Cao rút trở về Quan Trung.  Dự định của ông là: thu gom binh lực tại Quan Trung, rồi sẽ quay lại Thành Cao ở phía đông.  Trong khi chờ đợi thực hiện kế hoạch đó thì có một người tê gọi Viên Sanh đến xin ra mắt, bảo là muốn hiến kế hay.  Lưu Bang đang nôn nóng muốn được mọi người giúp ý kiến cho mình, tức khắc ông cho mời Viên Sanh vào, đồng thời, thay đổi hẳn thái độ ngạo mạn trước kia, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của Viên Sanh.

Trước hét Viên Sanh hỏi:

- Nghe Đại Vương về Quan Trung lần này là để thu gom binh mã, rồi trở lại Thành Cao phải  không/

Lưu Bang gật đầu, đáp:

- Đúng là tôi có ý đó.

Viên Sanh lại hỏi:

- Đại Vương cho rằng Thành Cao và Huỳnh Dương là nơi có thể cố thủ phải không/

Lưu Bang đáp:

- Nơi đó có núi non hiểm trở, việc tiếp tế lương thảo rất thuận tiện, hơn nữa, lại là nơi tôi đã dốc hết công sức ra để xây dựng, cho nên rất khó buông bỏ.

Viên Sanh nói:

- Đại Vương nghĩ như thế là sai rồi!  Mặc dù Thành Cao và Huỳnh Dương là nơi có thành trì kiên cố, nhưng ở đó chỉ có thể cố thủ và chịu cho người ta đánh mình, đó là hạ sách.  Hai năm qua, Hán và Sở đã kình chống nhau tại Huỳnh Dương và Hán thường bị nguy khốn, vậy chả lẽ vẫn chưa rút được kinh nghiệm hay sao?  Nếu lại tiép tục cùng quân Sở tranh đoạt Thành Cao thì với lực lượng của Đại Vương sẽ rất khó thắng.  Theo ý tôi, Đại Vương nên tạm thời không trở lại phía đông, mà nến xuất binh từ Võ Quan.  Như vậy, Hạng Vương tất nhiên sẽ xua quân xuống phía nam để nghênh chiến, nhờ đó mà Huỳnh Dương, Thành Cao sẽ được giảm nhẹ áp lực.  Cùng một lúc đó, Đại Vương sẽ ra lệnh cho Hàn Tín dẹp yên đất Triệu ở Hà Bắc, rồi liên kết với Yên, Tề, còn Đại Vương có thể nhân cơ hội Hạng Vương mệt mỏi vì phải liên tục ứng hó, kéo quân trở về Huỳnh Dương.  Như vậy là quân Sở phải tác chiến hai mặt, lực lượng bị phân tán.  Trong khi quana Hán lại được nghỉ ngơi rồi mới giao tranh, tất nhiên sẽ thắng được  kẻ địch.

Lưu Bang cho rằng cách đánh hai mặt để phân tán lực lượng quân Sở là một biện pháp rất hay, liền thay đổi phương án tác chiến kéo quân đánh trực tiếp vào Thành Cao như trước.  Lưu Bang xuất quân từ Võ Quan rồi lưu động tại vùng nằm giữa Uyển Thành và huyện Diệp, đồng thời, lại ra lệnh cho Anh Bố thu gom binh sĩ tại vùng Cửu Giang, tạo thành một động thái chuẩn bị tiến công quân Sở từ cánh phía nam.

Hạng Võ đang chiếm cứ Thành Cao hay được tin đó, cảm thấy rất bất ngờ.  Theo sự phá đoán của Hạng Võ, thì Lưu Bang sẽ từ Quan Trung kéo binh về hướng đông và nhắm đánh thẳng vào Thành Cao, cho nên Hạng Võ đã có sự chuẩn bị đầy đủ tại Thành Cao, với ý định sẽ đánh bại triệt để quân Hán dưới chân Thành Cao, chứ không bao giờ để cho quân Hán lại chiếm được thành này.  Hạng Võ chắc chắn là mình sẽ đánh thắng được quân Hán, chặn đứng được kế hoạch tiến về phía đông của họ, nhưng nay quân Hán lại thay đổi phương hướng xuất kích, vậy ý định của họ là gì?

Trong khi nghi vấn đó vừa thoáng hiện trong đầu óc của Hạng Võ, thì ông ta liền có sự phán đoán như sau: quân Hán không trực tiếp đánh thẳng vào Thành Cao là vì sợ lực lượng không đu, cảm thấy khó giành được thắng lợi, cho nên mới dùng cách đi vòng theo hướng tây nam để tấn công.  Ông ta không quả quyết sự phán đoán đó là đúng hay sai, nên cũng không đào sâu suy nghĩ, mà chỉ đơn giản đưa ra một quyết định: bất kỳ quân Hán đến từ phương hướng nào, đều phải đánh trả một cách kiên quyết và không do dự.  Ông không cho phép quân Hán mở bất kỳ một cuộc tấn công nào.  Ông có lòng tin và có năng lực đánh bại quân Hán.

Hạng Võ liền cho gọi tướng lĩnh của mình là Chung Công đến, nói với tướng này là quân Hán đã tiến vào Uyển Thành và huyện Diệp.  Ông ta cần dẫn quân đi đón đánh quân Hán, nhưng cũng không bỏ rơi việc đóng giữ thành Thành Cao, cho nên để lại một bộ phận binh lực cho Chung Công lo việc giữ ngôi thành này.  Chung Công mặc dù cũng là một tướng tương đối dũng cảm, nhưng đầu óc giản đơn.  Ông ta không hề đặt nghi vấn gì với Hạng Võ, mà tiếp nhận ngay mệnh lệnh của Hạng Võ, đồng thời, ngỏ ý là ông ta có đủ sức đóng giữ Thành Cao, vậy đại quân tiến xuống phía nam để chặn đánh quân Hán không cần phải lo ngại đến Thành Cao.  Hạng Võ tỏ ý hài lòng, lại dặn dò thêm mấy câu, rồi điểm tướng, chỉnh quân, dẫn chủ lực rời khỏi Thành Cao kéo về phía nam.

Uyển Thành là quận lỵ Nam Dương đời Tần, còn huyện Diệp cũng thuộc quận Nam Dương, giáp ranh với quận Vĩnh Xuyên ở phía bắc.  Hai ngôi thành này cách nhau ngoài hai trăm dặm, và nằm ở chính giữa là Dương Thành.  Đội ngũ của Lưu Bang từ Võ Quan sau khi kéo tới đây thì chưa vội chuyển lên phía bắc, mà từ thế tấn công chuyển sang thế phòng ngự, nhưng bề ngoài thì loan tin họ đã tiến lên phía bắc, vợi mục đích hấp dẫn quân Sở tại Thành Cao, để giảm nhẹ áp lực tại ngôi thành này.  Một điều làm cho Lưu Bang mừng thầm, đó là Hạng Võ quả nhiên đã lọt vào tròng của ông, từ Thành Cao chuyển quân xuống phía nam.  Nhằm kềm chế Hạng Võ ở vùng này, để tiện thực thi kế hoạch sắp tới, Lưu Bang khi thấy quân Sở kéo đến gần huyện Diệp, thì liền ra lệnh cho binh sĩ đóng kín cửa thành không ra ngoài, và kiên quyết đẩy lui quân Sở khi họ mở cuộc tấn công, để dựa vào đó tiêu hao và làm mệt mỏi quân Sở.

Hạng Võ trước tiên kéo quân tới chân thành huyện Diệp.  Do ông ta nôn nóng muốn giành được thắng lợi, nên không để cho quân Sở nghỉ ngơi, mà tức khắc tổ chức tấn công vào thành.  Thành huyện Diệp không lớn, nhưng được Lưu Bang trước đó đã cho gia cố và đắp cao hơn, nên kế hoạch tấn công của Hạng Võ vẫn chưa thu được kết quả gì.  Hạng Võ liền kéo binh xuống phía nam để mở cuộc tấn công vào Uyển Thành.  Uyển Thành nguyên là quận lỵ, cho nên tường thành được xây dựng chắc chắn hơn so với huyện Diệp.  Quân Hán đóng giữ trong thành cũng nhiều hơn ở huyện Diệp.  Hạng Võ gặp sự phòng ngự vững chắc ở tại đây, nên mấy lần mở cuộc tấn công mà vẫn không chiếm được thành.  Hơn nữa, khi Hạng Võ ngưng tấn công thì họ lại bị quân Hán ở huyện Diệp kéo tới khuấy rối.  Do vậy, quân Sở từ chủ động dần dần trở thành bị động, buộc phải đối phó với quân Hán ở huyện Diệp và ở Uyển Thành.  Trong khi Lưu Bang một mặt kềm chân quân Sở, một mặt khác lại phái người đi liên lạc với Bành Việt, để tướng này mở cuộc đột kích vào sông Tuy Thủy và Hạ Phi ở gần Bành Thành, nhằm đâm một lưỡi dao vào sau lưng của quân Sở.

Bành Việt vào tháng  6 năm 206 Tr. CN, đã nhận ấn tướng quân của  Lưu Bang ban cho.  Qua năm sau, khi Lưu Bang dẫn năm mươi sáu vạn chư hầu đi đánh Sở thì Bành Việt đã dẫn ba vạn người từ Ngoại Huỳnh đến quy phục Lưu Bang.  Lưu Bang phong Bành Việt làm Ngụy tướng quốc, cho phép ông được tự do điều động quân đội đánh chiếm đất Lương.  Sau hi Lưu Bang bị thất bại tại Bành Thành phải rút về phía tây, thì mấy ngôi thành cho Bành Việt đánh chiếm cũng bị mất, nên đành phải dẫn quân đội của ông ta tiến lên phía bắc, đóng giữ Há Thượng thuộc Hoạt Châu.  Năm 204 Tr. CN, Bành Việt thường dẫn quân hoạt động tại vùng đó để cắt đứt tuyến lương thực của quân Sở.  Ông ta dùng phương thức đánh du kích để khuấy rối và tấn công quân Sở, phối hợp với quân Hán đang tác chiến tại phía tây.  Sau khi Bành Việt nhận được mệnh lệnh của Lưu Bang, vào tháng 4 liền vượt qua sông Tuy Thủy, tiến lên phía bắc tập kích quân Sở.

Quân Sở trú đóng tại Hạ Phi do hai tướng lãnh của nước Sở là Hạng Thanh và Tiết Công chỉ huy.  Vì đóng quân ở hậu phương của nước Sở, cho nên họ chỉ chú trọng đến cuộc tác chiến của chủ lực quân Sở với quân Hán ở mặt trận phía tây, còn đối với việc phòng thủ tại khu vực của họ thì họ lại xem thường.  Họ không ngờ được rằng, Bành Việt từ sau lưng họ mở cuộc tấn công, nên đã hối hả ứng chiến, bị hỗn loạn trong cuộc chỉ huy, nhờ đó Bành Việt đã giành được chủ động liên thục đánh thẳng vào họ.  Sau một trận kịch chiến, Hạng Thanh, Tiết Công đều bị đánh bại, Tiết Công bị tử trận.

Tin tức này truyền đến Uyển Thành, Hạng Võ không khỏi kinh hoàng. Lúc bấy giờ ông mới ý thưc được Lưu Bang đã liên hệ với Bành Việt, mở những trận đánh phối hợpp giữa đông và phía tây, dựa vào đó để chi viện cho nhau, nhát đâm sau lưng quân Sở của Bành Việt đã làm cho Hạng Võ hết sức bối rối.  Vì vùng thượng du của sông Tuy Thủy chính là sông Hoài và sông Tứ, tức trạm cuối cùng trên tuyến chuyển vận lương thực của quân Sở.  Riêng Hạ Phi là một địa phương nằm ở phía sau lưng Bành Thành, cũng là tuyến vận tải lương thực chủ yếu từ đất Lỗ về Bành Thành.  Mục tiêu tấn công của Bành Việt chính là con đường cung ứng hậu cần then chốt của quân Sở.  Cho nên sự thắng lợi của Bành Việt đối với quân Sở, không khác nào bị cháy nhà ở sân sau, trực tiếp uy hiếp đến sự an toàn của kinh đô Bành Thành.  Tình trạng đó làm cho Hạng Võ hết sức quan tâm, cho nên ông ta không muốn ở nán lại Uyển Thành một ngày nào nữa.  Ông ta phải đánh một đòn mạnh vào Bành Việt là người đã tiếp tay đắc lực cho quân Hán, và cũng để trả thù cho Tiết Công, chiếm lại những thành áp mà Bành Việt đã chiếm được.  Thế là, Hạng Võ liền buông bỏ quân Hán ở giữa khu vực Uyển Thành và huyện Diệp, dẫn quân đi về phía đông.

Sự thay đổi phương hướng tác chiến của Hạng Võ hoàn toàn phù hợp với sự mong muốn của Lưu Bang.  Thừa dịp Hạng Võ chuyển quân đi đánh Bành Việt, Lưu Bang liền nhanh chóng rời bỏ Uyển Thành tiến lên phía bắc, rồi hợp cùng binh lực Cửu Giang của Anh Bố, cấp tốc mở cuộc tấn công vào Thành Cao.  Lực lượng của quân Sở ở Thành Cao không nhiều, tướng giữ thành là Chung Công có dũng như thiếu mưu, nên đứng trước sự tấn công mạnh mẽ của quân Hán ông ta đã bị đánh bại, Thành Cao do đó bị Lưu Bang tái chiếm.  Lúc bấy giờ, Lưu Bang dùng kế của Viên Sanh, khôn ngoan điều động binh lực của Hạng Võ, để cuối cùng đạt được mục đích trở lại Thành Cao.

Lưỡi dao đâm sau lưng của Bành Việt, tuy không có mục đích chiếm đóng lâu dài vùng thượng du sông Tuy Thủy, mà ông ta chỉ nhằm vào mục đích kềm chế và khuấy rối, cho nên khi quân của Hạng Võ kéo tới và mở cuộc tấn công, thì ông ta gần như không hề giao tranh với Hạng Võ, mà bỏ luôn những vùng đất đã đánh chiếm rút trở về Hà Thượng.

Hạng Võ tự cho mình đã giành được thắng lợi, vì ông không tốn hao nhiều sức lực là đã giành đánh đuổi được Bành Việt đang phá hoại hậu phương của mình.  Trong khi đó thì Bành Việt cũng tự cho mình là người không phải bị thất bại, vì nhiệm vụ tác chiến của ông đã được hoàn thành, ông đã khuấy rối để tạo cho Lưu Bang một cơ hội quý giá.

 

 

Đau đớn vì mất Thành Cao

 

Hạng Võ ở Hạ Phi nghe được tin Lưu Bang đánh chiếm Thành Cao.  Ông ta liền to tiếng mắng Chung Công bất tài, cũng như tức giận Lưu Bang quá xảo quyệt.  Ông phải trả thù, phải triệt để san bằng căn cứ Huỳnh Dương là nơi làm điểm tựa tiến về phía đông của Lưu Bang, rồi sau đó sẽ chiếm lại Thành Cao.  Sau khi quyết định, Hạng Võ lại từ Hạ Phi rút quân chuyển về phía tây đế tấn công Huỳnh Dương.

Tháng 6, quân Sở trở về tới chân thành Huỳnh Dương.  Tướng giữ thành của quân Hán là Châu Hà.  Tướng này đã chiến đấu một cách ngoan cường với quân Sở.  Nhưng, họ vẫn không thể nào chống trả nổi với sức tấn công quá mãnh liệt của quân Sở.  Thành Huỳnh Dương bị đánh chiếm, còn Châu Hà thì bị quân Sở bắt làm tù binh.

Hạng Võ rất khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng của Châu Hà, nên có ý chiêu dụ cho tướng này đầu hàng.  Vì thế, Hạng Võ đã tiếp kiến Châu Hà tại thành Huỳnh Dương.  Ông ta ra lệnh mở trói cho Châu Hà và mời Châu Hà ngồi.  Nhưng, Châu Hà không ngồi, mà chỉ mỉm một nụ cười khinh bỉ.  Hạng Võ cố giằng cơn giận, dùng giọng ôn hòa nói với ông ta, nếu chịu đầu hàng thì sẽ được phong chức thượng tướng quân và phong tước tam vạn hộ.  Nghe qua lời dụ hàng của Hạng Võ, Châu Hà như bị làm nhục, to tiếng mắng rằng:

- Bớ Hạng Võ!  Nhà ngươi đừng mong dụ ta đầu hàng!  Ta sống là tướng Hán, chết là quỷ Hán, ai thèm chi cái tước phong của nhà ngươi!  Ta khuyên ngươi nên tỏ ra sáng suốt hơn, sớm quy phục Hán Vương, bằng không thì nhà ngươi sẽ trở thành tù binh của Hán Vương đó.  Nhà ngươi không phải là đối thủ của Hán Vương đâu!

Cảnh tượng đó làm cho Hạng Võ hết sức kinh ngạc.  Ông ta liên tưởng tới cảnh liều mình cứu Lưu Bang của Kỷ Tín.  Hạng Võ nghĩ bụng: Hán Vương là người có chính sách gì mà lại khiến cho thần hạ của ông ta đều bị hấp dẫn đến với ông ta, và luôn trung thành với ông ta như vậy?  Tài năng của ta hơn hẳn Hán Vương, cớ sao ta không thể làm được như thế/  Hạng Võ băn khoăn suy nghĩ mãi, nhưng vẫn không tìm được câu trả lời.

Đúng là ông ta vĩnh viễn không tìm được câu trả lời.  Vì ông ta chỉ tin rằng mình là một bậc anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, có thể nhổ được cả một quả núi.  Nhưng, ông ta lại không thể thấy nhược điểm của mình, và không tin bản thân mình có một nhược điểm gì lớn lao cả!

Sau khi Hạng Võ đánh chiếm được Huỳnh Dương, lại kéo binh đi bao vây Thành Cao, đứng trước một binh lực mạnh lớn của Hạng Võ, Lưu Bang không khỏi sợ hãi, tự biết mình khó cố thủ, nên quyết định bỏ rơi Thành Cao. Ngay đêm hôm đó, ông và Hạ Hầu Anh cùng ngồi trên một chiếc xe lén thoát ra khỏi Ngọc môn là cửa thành nằm về phía bắc, rồi vượt qua sông Hoàng Hà, tới Tiểu Tu Võ nằm về hướng đông bắc của Thành Cao.  Việc Lưu Bang bỏ trốn, làm cho Hạng Võ đánh chiếm Thành Cao một cách dễ dàng, đồng thời, chuẩn bị tiếp tục đốt phá về phía tây.

Tiểu Tu Võ mà Lưu Bang tới chính là nơi đóng quân của Hàn Tín và Trương Nhĩ.  Chín tháng trước đây, Hàn Tín đã đánh bại quân Triệu tại tỉnh Hình, bình định được cả đất Triệu.  Trương Nhĩ lúc bấy giờ cũng được Lưu Bang phong làm Triệu vương. Giữa Trương Nhĩ và Hàn Tín thường tới lui nơi đất Triệu, và đã chiếm lĩnh toàn bộ thành ấp của nước Việt.  Trong tay họ đã có một số binh lực tương đối lớn, vùng đất của họ chiếm được cũng rất rộng, địa vị của họ không phải tầm thường.  Trong khi đó thì Lưu Bang vừa chạy thoát khỏi Thành Cao, bên mình chỉ có một tướng Hạ Hầu Anh.  Cho nên Lưu Bang nghĩ bụng: quả ấn tướng quân của Hàn Tín mặc dù ta ban cho, cũng như chức Triệu Vương của Trương Nhĩ là do ta phong cho, nhưng nay trong tay họ có binh quyền, còn ta chỉ là một vị chúa đang lưu vong, vạn nhất họ nắm lấy thời cơ đó để làm phản thì chẳng phải dễ dàng như trở bàn tay hay sao?  Không phải ông không tin ở lòng trung thành của hai người đó, nhưng trong tình hình này cần phải cẩn thận, vạn nhất xảy ra điều gì bất trắc, thì hối hận cũng đã muộn.  Chính vì vậy nên Lưu Bang một người có lòng cảnh giác cao, sau khi tới Tiểu Tu Võ thì không đi gặp Hàn Tín, Trương Nhĩ nay, mà lặng lẽ đến trú ngụ tại một quán trọ.  Sáng sớm ngày hôm sau, ông tự xưng là sứ giả của Hán Vương phái tới, cưỡi ngựa đi vào doanh trại của Triệu Vương Trương Nhĩ.

Trương Nhĩ và Hàn Tín vẫn chưa thức dậy, Lưu Bang liền âm thầm đi vào phòng ngủ của họ, thu lấy tất cả ấn soái và binh phù, rồi sau đó mới ra lệnh triệu tập tướng lãnh, đồng thời, điều chỉnh chức vụ của họ.  Sau khi Hàn Tín, Trương Nhĩ thức dậy, mới biết người tới đây không phải là sứ giả của Hán Vương mà chính là bản thân Hán Vương nên cả hai đều không khỏi kinh hoàng.

Từ xưa tới nay, ấn soái luôn luôn là biểu trưng của quyền lực về quân sự, còn binh phù là bằng chứng để điều động binh sĩ.  Lưu Bang đã dùng phương pháp đột kích để thu gom hết ấn soái và binh phù của Hàn Tín và Trương Nhĩ, thể hiện ông là người có một sự cảnh giác cao độ, điều đó cũng có nghĩa là ông đã thu hồi quyền chỉ huy quân đội của hai người, và ông có thể hành sự theo ý muốn của mình.  Trong khi đó, thì Hàn Tín, Trương Nhĩ cũng không dám có ý nghĩ sai trái, mà ngoan ngoãn nghe theo sự điều động của Lưu Bang.  Lưu Bang cử Hàn Tín làm Triệu tướng quốc, triệu tập lại tất cả binh sĩ nào chưa đi Huỳnh Dương, và ra lệnh cho Hàn Tín chỉ huy toán binh sĩ này đi đánh nước Tề, đồng thời, phái Trương Nhĩ tiến quân lên phía bắc để thu phục vùng đất của nước Triệu, và từ đó cứu vãn tình hình nguy ngập tại phòng tuyến Huỳnh Dương và Thành Cao.

Tháng 7, sau khi Lưu Bang nắm được đội ngũ của Hàn Tín và Trương Nhĩ, thì quân lực trong tay ông lại được tăng cường.  Tháng 8, Lưu Bang dự định dẫn quân đội của Hàn Tín từ Tiểu Tu Thành vượt qua sông Hoàng Hà để đánh vào hông của quân Sở.  Nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ, trước khi mở cuộc hành quân ông đã thết tiệc cho toàn bộ binh sĩ tại Tiểu Tu Võ, hiệu triệu mọi người phải liều chết để đánh một trận với quân Sở, và nhất định phải giành cho được thắng lợi.  Ngày hôm đó Lưu Bang cũng vui vẻ uống thật nhiều rượu, và lấy làm đắc chí.  Khi rượu đã ngà ngà say, thì Lang trung Trịnh Trung bước vào quân trường hỏi:

- Đại Vương tái chiến cùng quân Sở, tự thấy sự thắng bại ra sao?

Lưu Bang đáp:

- Quân đội của Hàn Tín có danh hiệu là "Thường Thắng Quân", đi tới đâu vô địch tới đó, vậy trận đánh này chắc chắn sẽ được toại nguyện!

Trịnh Trung nói:

- Theo tiểu thần thì chưa chắc có thể giành được thắng lợi.  Vậy tiểu thần có một kế xin hiến cho Đại Vương.

Lưu Bang để ly rượu xuống, nói:

- Xin mời cứ nói!

Trịnh Trung đáp:

- Hạng Vương có sở trường chong mặt đánh nhau, hơn nữa, lại là người dũng cảm phi thường, rất khó thắng được, vậy để cho việc đắc thắng thuộc về mình, theo tôi là phải đắp lũy đào hào để cố thủ, tránh giao tranh trực tiếp với ông ta, sau đó sẽ tìm cách kiềm chế ông ta, điều động ông ta, chờ khi tướng sĩ của ông ta mệt mỏi, việc phòng thủ ở Thành Cao bị lơ là, mở cuộc tấn công chiếm lấy.

Lưu Bang cao hứng nói:

- Kế này rất hay.

Sau đó, ông liền bỏ mệnh lệnh tấn công, mà ra lệnh cho binh sĩ tiến hành công việc phòng thủ tại Tiểu Tu Võ càng thêm kiên cố, đồng thời, phái hai tướng Lưu Giả và Lư Quán dẫn hai vạn binh mã cùng với mấy trăm kỵ binh của Quán Anh, từ Bạch Mã Tân vượt qua sông Hoàng Hà, tiến xuống phía nam, thọc sâu vào nội địa của Sở để hiệp trợ với Bành Việt, đốt phá kho dự trữ lương thực của quân Sở, phá hoại đường tiếp tế hậu cần của quân Sở, mở những cuộc tập kích theo phương pháp cơ động ở hậu phương của nước Sở.

Vào tháng 8, Bành Việt phụng mệnh tiến xuống phía nam mở những cuộc đánh phá, chiếm lại được vùng đất cũ của nước Ngụy, rồi lại đánh chiếm Tuy Dương, Ngoại Huỳnh gồm tất cả 17 thành ấp.  Quân Sở khi mở cuộc tiến công thì Lưu Giả chỉ cố thủ trong doanh lũy, không ra ứng chiến, đồng thời, cùng phố hợp với những hoạt động của Bành Việt.  Họ đánh thành chiếm đất ở hậu phương của quân Sở, phá hoại kho tồn trữ lương thảo và trạm tiếp tế của quân Sở, một lần nữa tạo thành mối uy hiếp cực lớn đối với quân Sở.

Hạng Võ đang chiếm giữ Thành Cao hay tin đó lấy làm tức giận.  Trong vòng tháng 9, Hạng Võ quyết định để cho Đại tư mã Tào Cửu và Tái Vương Tư Mã Hân cùng ở lại giữ Thành Cao, còn ông thì dẫn quân trở về đánh Bành Việt.  Trước khi rời đi, Hạng Võ tỏ ra rất không an tâm với hai vị tướng lãnh này, nên đã dặn dò Tào Cửu:

- Ông nhất định phải giữ vững Thành Cao, dù Hán Vương có khiêu chiến ông cũng không ra giao tranh với họ, mà chỉ ngăn chặn họ không cho tiến về phía đông là được rồi.  Trong vòng 15 hôm là tôi có thể bình định được những cuộc biến loạn tại đất Ngụy, và sẽ trở về cùng tác chiến với các người, vậy các ngươi phải biết tự lo lấy!

Sở dĩ Hạng Võ không cho mở cửa thành ra đánh nhau với quân Hán, là vì ông cảm thấy sau khi mình rút quân về phía đông để đánh Bành Việt, thì quân thủ thành tại Thành Cao đã bớt đi rất nhiều nếu so với lực lượng của quân Hán thì sẽ yếu thế hơn.  Hơn nữa, ông cũng biết Tào Cửu là người thiếu mưu lược, cho nên rất dễ bị Lưu Bang đánh lừa.  Tào Cửu thấy Hạng Võ có ý lo lắng đối với mình, nên đã mạnh mẽ hứa hẹn thực hiện đúng lời dặn dò để cho Hạng Võ an tâm, đồng thời, bảo đảm là Thành Cao không bao giờ có sự sơ thất, giữ yên mọi việc để chờ Hạng Võ dẹp xong Bành Việt ở phía đông trở về.  Thấy thế Hạng Võ mới an tâm ra đi.

Việc tiến quân về phía đông của Hạng  Võ rất thuận lợi.  Ông ta đã mau chóng thu hồi được các thành ấp như Trần Lưu, Ngoại Huỳnh, Tuy Dương, khiến Bành Việt bị thua phải bỏ chạy.

Lúc bấy giờ Lưu Bang dự định bỏ kế hoạch tấn công Thành Cao, mà chỉ xua quân tiến về phía đông để đóng giữ tại huyện củng, Lạc Dương để chống lại với quân Sở.  Lệ Thực Kỳ biết được tình hình đó, bèn hiến kế với Lưu Bang:

- Thần nghe nói ai biết được sự lớn rộng của bầu trời, thì người đó sẽ hoàn thành được vương nghiệp.  Phàm các bậc vương giả đều xem dân là trọng, còn dân thì lấy việc ăn no là trọng.  Lương thảo tại Ngao Thương mặc dù đã chở đi rất nhiều, nhưng trong kho này vẫn còn một số lượng bắp rất lớn.  Hạng Vương sau khi đánh chiếm được Huỳnh Dương thì đã dẫn quân tiến về phía đông chỉ phái một bộ phận  binh sĩ đóng giữ Thành Cao, mà không biết bảo vệ Ngao Thương.  Đó  là trời đã giúp cho chúng ta. Hiện giờ quân Sở đang ở trong tình thế rất dễ dàng đánh chiếm, thế mà Đại Vương lại định triệt thoái, bỏ lỡ điều kiện thuận lợi đó thì thật là đáng tiếc!

Ông ta lại cho rằng giữa Sở và Hán phải một mất một còn, chứ không thể sống chung, vậy giờ đây nên mở ngay cuộc tấn công để chiếm lấy Huỳnh Dương, đồng thời, cũng chiếm luôn Ngao Thương, trong khi đó thì một mặt giữ chặt Thành Cao là một cứ điểm quan trọng, mặt khác phái quân đến Phi Hồ Khẩu, Bạch Mã Tân để cho chư hầu trong thiên hạ thấy rõ tình thế, buộc họ phải uy phục Hán quân.  Lưu Bang cho rằng kế hoạch của Lệ Thực Kỳ rất hay, nên một lần nữa tiến hành bố trí lực lượng để đánh chiếm Ngao Thương, và khiêu chiến với quân Sở đang trấn giữ Thành Cao.

Từng đợt mắng chửi cứ xoáy vào tai, làm cho ông ta hết sức bực tức, hai mắt như nảy lửa.  Ông ta định rời khỏi cửa thành để tránh tiếng mắng chửi liên tực đó, nhưng không hiểu tại sao cứ rời đi một lúc thì ông ta lại quay ra, và lại tiếp tục nghe những lời mắng chửi của quân Hán.  Từ trước tới nay ông chưa bao giờ gặp tình cảnh như thế bao giờ.  Qua những cuộc chinh chiến, ông thường giành được thắng lợi, thế mà ngày nay quân địch to tiếng mắng chửi mà ông ta đành phải ngồi yên để nghe, ngồi yên chịu nhục.  Bản thân ông ta thì không nói gì, chả lẽ Hạng Vương cũng để cho người ta tuỳ tiện mắng chửi hay sao?  Ông là tướng lĩnh của Hạng Vương, thế mà nay Hạng Vương bị người ta mắng chửi thậm tệ như vậy, nếu ông không ra tay trừng trị họ thì đâu còn xứng đáng là một tướng của quân Sở?

Cơn giận dữ tích luỹ dần, làm cho Tào Cửu mất hết lý trí, quên đi lời dặn dò của Hạng Võ.  Ông ta mở cửa thành kéo quân xông ra.  Bọn quân Hán có nhiệm vụ mắng chửi thấy Tào Cửu mở cửa thành, biết nhiệm vụ của mình đã làm xong, bèn cùng nhau hối hả chạy trở về doanh trại.  Tào Cửu liền tiếp tục mở cuộc tấn công, chuẩn bị vượt qua sông Phiếm Thủy để đánh nhau một trận thư hùng với quân Hán mới hả cơn tức giận ở trong lòng.  Nhưng không ngờ khi quân Sở vừa qua được nửa sông, thì quân Hán bỗng phát động một cuộc phản công mãnh liệt.  Quân Sở hoàn toàn bị rối loạn, đầu và đuôi không thể tiếp ứng lẫn nhau, nên bị đại bại.  Tào Cửu và Tư Mã Hân mặc dù cố hết sức chiến đấu, chém giết rất nhiều quân Hán, nhưng cuối cùng do quân số ít hơn, nên đã bị đánh bại từng đợt.  Họ trông thấy quân Hán càng chiến đấu càng dũng cảm, trong khi quân Sở thì lớp chết lớp bị thương không biết bao nhiêu làm kể, hàng ngũ rối loạn không còn nghe theo sự chỉ huy, Tào Cửu hết sức tuyệt vọng, ông ta hối hận vì không nghe theo lời dặn dò của Hạng Võ, kéo quân ra khỏi thành để chiến đấu với quân Hán, nên mới bị thảm bại như thế này.  Ông quay mặt nhìn về phía đông, vừa xấu hổ vừa hối hận, thở dài than rằng:

- Hạng Vương ơi!  mạt tướng đã phụ lòng ngài rồi, tội không thể tha!

Dứt lời, ông ta dùng gươm tự sát.  Tư Mã Hân thấy đại cuộc đã hỏng, nên cũng tự sát theo.  Máu đỏ của hai người hòa lãn với nước sông Phiếm Thủy, làm cho nước sông đỏ hồng...

Sau trận Phiếm Thủy, Lưu Bang một lần nữa lại chiếm được Thành Cao, thu hết bảo vật, của cải, lương thảo của quân Sở về cho mình, đồng thời, ông cũng phái quân tiến tới Quảng Võ nằm sát Ngao Thương, và sau đó đã chiếm cứ được kho lương thảo Ngao Thương.  Lưu Bang còn xua quân bao vây quân Sở do Chung Ly Muội đang đóng giữ tại ngoại ô phía đông của thành Huỳnh Dương, dự định sẽ chiếm trở lại tuyến phòng thủ lấy Huỳnh Dương và Thành Cao làm trọng điểm.

Việc thấy thủ Thành Cao cũng giống như một tiếng sấm, làm cho Hạng Võ không khỏi kinh hoàng.  Ông ta tức giận về việc Tào Cửu không nghe theo lời dặn dò của mình, tình hình này làm sao cứu vãn được?  Lúc bấy giờ, mặc dù ông ta đã liên tiếp đánh chiếm lại hơn mười thành ấp trên đất cũ của nước Ngụy, nhưng ông ta hoàn toàn không cảm thấy vui mừng trước sự chiến thắng đó.  Kể từ ngày ông ta chong mặt với quân Hán tại tuyến Huỳnh Dương và Thành Cao, đã liên tiếp thắng mấy chục trận vừa lớn vừa nhỏ, có khi một ngày thắng luôn mấy trận, nhưng ông ta chỉ là một kẻ chiến thắng mệt mỏi.  Ông ta hoàn toàn phải đánh nhau dưới sự điều động của Lưu Bang, khi thì đánh nhau ở phía đông, khi thì đánh nhau ở phía tây, hoàn toàn bị động, giờ đây lại nghe tin Thành Cao thất thủ, quân Hán đã khôi phục được sinh lực, trong khi bản thân ông ta thì ở xa tận chiến trường phía đông, không làm gì được.  Ông ta quyết định tức khắc rút quân trở về phía Tây, cùng tranh đoạt với Lưu Bang một lần nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích