Mẫn và tôi
Chương 13

 Một luồng nắng pha hơi nước trắng mù đang soi chéo ở cuối vườn mít, bổng chạm cái gì đó loé sáng. Một vật tròn bóng lấp ló. Cái mũ sắt luồn thấp dưới bụi chè, kéo theo một bóng áo anh Tây đi lom khom: thằng ăn trộm đút quả dưa qua rào trước khi chui. Giày rừng đạp cành gãy rắc. Địch lần theo dấu nhổ chông đã tới ven xóm Đình. Nhiều mũ dưa hấu nữa. Bây giờ chúng dẫm lá mít khô rào rào như tằm ăn rỗi, dò tới. Chúng bị mù mắt sau khi Ba Thấn chết, xã Chinh vỡ vai nặng, thằng Chinh con đem cha về thị xã ngay đêm qua. Bọn dân vệ kiếm cớ nằm lì bên Nhơn Thọ, không chịu về dẫn quân chính quy đi càn, lương thấp hơn dại gì hứng đạn trước!

- Báo cáo hạ sĩ..

- Hạ sĩ nào?

- Báo cáo trung sĩ, rào...chắc có mìn...

Mất khúc sau. Tên lính có giọng eo éo, hơi run chắc mới mười sáu mười bảy tuổi. Thằng trung sĩ đằng sau quát lời, rất gượng:

- Dỡ rào coi! Tụi nó chạy tới xứ Lào, bây còn sản hồn hả? Đi trong ấp mà quá thằn lằn đứt đuôi!

Tôi xoay nhẹ đường ngắm qua tiếng quát ồm ồm. Đám mũ sắt hết thò lại thụt trên khối đen vuông góc của đầu ruồi, như ú tim sau một mảng tường cháy. Rào gai bên kia rẻo ruộng Mang-cá hơi cựa. Một tiếng ré lạc giọng

- Chông! Xóc chông rồi, úi!

- Câm họng!

Thằng bị chông khóc sụt sịt.Tiếng chân khua chậm hơn, im hẳn. Nhiều giọng khác nhau thì thào, thì thào mãi. Có lẽ chúng sẽ tản ra nằm đơm súng, phục kích ở một chỗ chúng biết chắc Việt Cộng không đi ban ngày, ngủ ngon giấc, bắn một hồi túi bụi trước khi về kiếm cơm, miễn sao thằng dưới có thể báo cáo lên thằng trên là đã đem quân đi tìm cộng sản, đụng độ nhau, "giết mười chín tên tại trận, xác được đồng bọn mang đi". Thằng trên nhận đôi con số trước khi bịp thằng trên nữa, tới khi đài Sài Gòn đưa tin tổng địa cuối cùng của trung đoàn chủ lực Việt cộng đã tan tành. Cười giặc, khoái thật đấy, nhưng...chúng tôi phải nằm đợi đến bao giờ?

Tôi nhìn tụi lính qua mép hào cắm lá rậm. Hơn chục cặp mắt long lanh của du kích đều nhìn. Sốt ruột lắm chứ. Địch khoanh tròn trước mắt kia như rắn ấp trứng trong vườn hoang, quân ta phục bên này ruộng nhìn thèm...

Út Hoà ép má vào vai tôi, nhón chân rướn cổ mãi. Cô bé học xong lớp y tá bốn tháng, về tối hôm qua ấm ức đưa lá thư của các thầy cô khen học khá, nhưng chưa chứng nhận cho Hoà làm y tá vì nhỏ quá và hay mất bình tĩnh. "Cho nó ngửi thuốc súng mới mau lớn, cứng gân ", Mẫn nói vậy khi giao em gái nhờ tôi giữ dùm. Một cô Mẫn thu nhỏ lại còn chừng một nửa, lắp thêm nhiều lò xo ở tay, chân, miệng, tim. Hoà đeo túi cứu thương mới sắm kèm hai lựu đạn, bám tôi không rời một bước, khiến tôi đâm nghi là Mẫn cho em gái theo giữ tôi đúng hơn

A, tốt rồi. Mảng rào gai bên kia lại động

Ba đứa bò lên. Thằng đầu nằm rướn người, đưa cây cần dò mìn tới trước rà rà. Dưới cái mũ quá to úp tận tinh mũi, nhô ra nửa bộ mặt lấm tấm mụn cá, hai má bị quai mũ ép vào như hõm sâu hơn. Tôi không thấy mắt nhưng biết thằng nhãi con đang lấm lét nhìn quanh. Thảm hại cái thân mày!

Tụi quân địch vốn nhát như thỏ, số bị bắt lính năm nay càng nhát hơn. Đóng trong xóm Đình, chúng vào nhà dân chỉ xin ăn, kể lể, trộm cắp vặt, có bốn tên ác nhất thì một chết một què.

Trước một tên ác ôn như xã Chinh, cái căm giận của tôi cứng, nhọn, đơn giản như mũi lê tôi xóc với tất cả sức nặng của toàn thân lao tới. Đây không phải vậy. Mỗi lần sắp bắn vào tụi ngụy rạc rài này, tôi cứ cảm thấy cáu kỉnh, muốn nổi khùng, muốn chửi thật to, mà lại nóng lòng đợi một cử chỉ đầu hàng. Tôi thèm được quát vào mặt chúng: "né ra, đồ ngu!". Sao chúng cứ láng cháng phơi những cục thịt thừa ra hứng đạn, không để tôi xả trúng tụi đáng giết nhất? Sao chúng cứ chịu làm chòm gai vây quanh bụi tre, buộc tôi phải phát dọn chúng trước khi vào đốn gốc? Có đứa còn chống cự nữa chứ, cắn vào bàn tay đang kéo chúng ra khỏi hố bùn. Để được lên trời như cưỡi pháo thăng thiên. Để lãnh mỗi tháng trên dưới sáu trăm bạc, một phân năm giá chơi đĩ một đêm hạng xoàng của Mỹ ở Đà Nẵng. Để được yên thân ngày nào hay ngày nấy...

Ba tên lính trước mặt tôi đang dỡ rào. Chúng nằm nghiêng với tay, vặn tháo những mối dây thép buộc gai. Có thể mất nửa giờ. Chúng làm cái việc bán nước ấy chỉ để sống thêm nửa giờ. Nếu tôi gọi loa báo chúng biết vậy, chưa chắc chúng đã tin, khi chịu tin thì đạn đã xuyên ngực. Tôi liếc xem cây tom-xơn kiểu mới cầm tay: nhẹ hơn, gọn, dễ tháo, móc ngón tay kéo khối cơ bẩm cũng tiện. Tổ Mẫn lấy được nó tối qua. Cái họng to gần bằng mười hai ly này sẽ thuyết phục bọn còn sống quay về với ta, ít nhất cũng buông cây súng Mỹ.

Đã một thời nhiều kẻ trong quân đội ngụy than thở với anh cán bộ sắp bị giết: "Buộc lòng tôi phải bắn anh...". Thời ấy qua rồi. Cái đốm sáng lương tâm ấy, dù rất thành thật, rất đáng quý, đến nay không đủ cứu một mạng người nữa rồi. Tụi lính đóng làng Cá đã nhiều lần nhắn bà con nói dùm các ông Giải phóng đừng bắn tỉa: "Tụi tôi không đi lính thì họ bỏ tù, vô lính không hành quân họ phạt, hành quân không bắn họ cũng trị...". Còn khá hơn tụi ác ôn, đúng vậy, nhưng mẹ Sáu một hôm đã tiếp lời chúng, nửa giỡn nửa thật: "Chưa hết, để nói thêm. Xin với ông Giải phóng đừng đánh, để tôi bắn ông bể đầu, tôi đốt nhà ông, tôi bắt vợ ông cho cấp trên xài, không làm vậy thì tôi bị rày rà, mất lương, mất chức... Nói vậy chắc mấy ổng rớt nước mắt!". Đám lính im xo ngó nhau. Một thằng cũng kỳ lý hăm: "Tưởng sao chớ họ làm dữ thì tụi này cũng chẳng hiền!" Mẹ Sáu đủng đỉnh: "Hễ sợ các anh, họ đã sợ mười năm trước rồi, có đâu đến bây giờ đánh thấu Đà Nẵng, Tam Kỳ họ mới sợ! Nói sự phải cùng không mà chơi thôi, chứ họ giựt mìn kêu loa sát bên hông các anh, xa lạ gì..."

Thôi nhé, đủ rồi!

Mảnh rào gai cựa quậy, lắc lư, đổ rạp xuống. Ba tên lính đợi nửa phút mới bò tới lỗ hổng, dòm lấc láo. Tôi bóp cò, quật nghiến cả ba. Một tên nữa nấp phía sau, chồm dậy chạy. Tôi ngắm lại, lảy nhanh, cái lưng xanh vẹo nghiêng, vật xuống cỏ. Bên phải tôi con hào nổ lốp đốp, phụt khói. Út Hoà tay bịt kín tai, reo nhỏ: "Kìa anh, chỗ gốc mít, gốc mít... " Tôi cũng vừa thấy hai tên bò lổm ngổm nhô ra, bắc trung liên. Một loạt, hai loạt. Một thằng đứ đừ. Thằng nữa nằm ngửa, đạp chân xoay như vần thớt cối xay, hồi lâu sau vẫn đạp.

Hàng rào bên kia rung bần bật, rú, mũ sắt đập vào hang đá. Khóc ré: "Gỡ giùm cái chân, trời ơi!". Một cây trung liên sổ hết băng Ga-ran M.1 lảy hết kẹp tám phát. Địch dồn đông lắm trong vườn mít. "Tản ra, tản ra!". Hay lắm. Đang đợi chúng mày tản đây. Một bựng khói vượt lên, đất nảy. Mìn rồi! Tiếp hai tiếng nhỏ liền liền của mìn muỗi. Ặc, è è, ối. Tiếng gào từ xa vẫn dồn tới: "Tiến! Bắn đi!"

Địch không chạy như tối qua, cố nằm lì giữ trận địa. Khó lấy súng đây.

Tôi nhảy khỏi hào nép sau gốc dừa to, tì bắp tay trái lên thân cây, rỉa ba viên một vào những luồng khói phụt rải rác. Năm Ri chồm người ra trước như muốn bay theo trái lựu đạn. Ba trái, bốn trái, nữa đi, nữa.. Xé đội hình chúng ra, buộc chúng nhào xấp trên chông, nhảy vào mìn! Không kịp nói tôi kéo ào túi lựu đạn bên hông Út Hoà, moi lấy hai trái M.26, tìm địch ném hết đà qua rào, qua một quãng vườn mít nữa, lọt vào bụi chè lao xao gần cuối vườn. Khá, trái sau ném mạnh hơn, tôi ngã sấp vào gốc dừa, ngóc lên kịp thấy khói bùng giữa chè sẫm. Địch vẫn không vỡ, tức ghê. Phải cho anh em rút thôi, giằng co mãi hết đạn, con hào mới đào vội chưa đủ che những trái cối rớt như vãi sạn...

Cái gì vậy?

Một bàn tay khổng lồ từ trên trời thò xuống nắm gáy địch, bóp mạnh. Đó chính là tiếng trống mõ bật lên lao xao trong xóm Đình, nổi to, tràn khắp làng Cá, ngập hết trời đất, chen tiếng hét xung phong, tiếng gọi hàng, tiếng kêu trả thù đứt giọng. Tôi sướng rùng mình. Hãy hình dung một con thú dữ bị kiến bu kín từ chót mũi đến chót đuôi, dù là thứ kiến riện không đốt, để thấy thằng địch lúc này. Chúng phải chạy thôi. Cuộc thanh viện này do ta sắp xếp mà tôi nghe còn muốn rởn gáy, huống chi...

Súng máy địch nối nhau câm họng. Loáng những bóng lưng xanh xám chạy thuốn vào cuối vườn. Thằng chỉ huy vẫn gào: " Đ.mẹ, tiến! ". Nhưng tôi nghe rõ tiếng nó xa dần. Vừa quát vừa lùi. Năm Ri xăm luôn mấy loạt nhịp ba rất đanh vào chỗ núp, ước chừng thôi. Nhào lên lấy súng được rồi. Tôi bấm nút thay băng đạn đầy. Ai đó túm vai tôi. Mặt Mẫn nhô ra, đỏ gắt, mồ hôi vằn vèo trên trán dính đất. Mẫn đưa cái còi sừng trâu lên miệng, giương mắt hất hàm. Tôi gật. Mẫn phồng má thổi, chỉ huy bằng còi cho khỏi lộ giọng con gái:

Tù ù ù... Tú ú..út...Tu u u...

Tiếng tù và nhỏ quá. Tôi thét xung phong đứt hơi, cũng nhỏ quá giữa cơn lốc dữ dội cuộn tròn trên làng Cá, giờ thêm tiếng thanh la, thùng thiếc, soong, mâm, nồi đồng, cùng rất nhiều tiếng tù và dội trả lại. Tiểu đội du kích vọt lên khỏi hào. Mười ba người. Mười ba mũi thép của một ngàn người đánh từ bốn phía. Tôi khoát tay, lao tới, chân không chạm đất mà nảy trên tấm thảm âm thanh. Những tiếng voi rống gươm khua của xưa và nay... Tôi quét mươi viên qua chỗ rào trổ, nhảy qua mấy cái xác, đâm thẳng tới gốc mít hồi nãy có trung liên, quì nép vào cây, ngó quanh. Mấy vũng máu. Một tên bị thương nằm nghiêng, lắp bắp cái gì, chắc xin hàng. Chỗ gốc vườn hai cái xác chồm dậy chạy. Mẫn đang kẹp súng đi gần, quay ngoắt lại, rẹt các-bin. Một ngã, một chạy thoát. Ai đó trong xóm nổi la lớn: "Đầu hàng bớ đầu hàng!". Tôi bỗng thấy khu vườn mít đông nghịt người. Đồng bào đang túa qua lỗ hổng. Tiếng la đầu hàng mé trước tới gần. Tên lính vừa chạy biến trong vạt chè khập khiễng quay lại, hai ông già lăm lăm đòn xóc đi sau, cứ gọi hàng như say. Hai ông đã quật đòn vào chân thằng sẩy khi nó lọt khỏi vườn.

Mẫn kêu hối hả:

- Tổ Xuân gác ngõ chị Diên, còn bao nhiêu đi kiếm súng hết! Bà con đừng vô, chông mìn lu bù, đứng đó vác dùm súng...Đạn, nhớ lấy hết đạn! Mau lên! Ri, Ri, lục chỗ giáp vườn thím Bảy kia, biểu thím né ra..

Út Hoà băng cho một cậu bị trung liên rạch đùi nhẹ, lại chạy vội tới một chị bị xóc chông. Tôi nhận ra chị du kích bí mật hôm nọ họp ngoài gò đã đập anh tám Liệp khá nặng. Mẫn gọi chị là thím Bảy. Chị sục bừa tìm súng, bị chông đâm vào bắp chân. Chị giật chông ra, ngoắc quai súng vào vai, còn vần ngửa cái xác lính tháo lấy nịt đạn, cười ngỏn ngoẻn: "Ham quá mà...”. Đồng bào đón mỗi người một thứ gì đó mang dùm, kéo qua dãy ruộng về xóm Giữa, cười rân từng hồi. Cối địch giã ngoài đồng lớn đang nhích dần vào xóm, có lẽ chúng chưa tin rằng du kích dám trụ lại ban ngày trong ấp.

Tôi đi xem thế đất trong vườn mít trước khi rút. Một dấu hỏi hiện trong đầu tôi, đậm thêm mãi, như cái dấu mà tôi lơ đãng tô bằng bút chì trên bìa sổ tay trong một buổi họp gay cấn.

Anh Luân cười không dứt tiếng, kéo chúng tôi xuống căn hầm rộng, sạch, có bày sẵn bình trà bên nải chuối. Đạn 81 bắt đầu rít réo đâm xuống xóm Giữa. Bà con núp kín cả nhưng tiếng cười cứ bay ra từ cửa hầm này sang cửa hầm khác, dệt lưới vui dưới pháo. Trận này thắng nhờ cả làng đánh chung, quá rõ rồi, nhưng...có thể thắng to hơn không? Địch một đại mà chịu bỏ lại đến chín thằng chết và bị thương - bà con xóm Đình sẽ đếm những tên được khiêng về trước, cộng thêm vào, chia ra loại thẳng cẳng và loại còn rên- ta đem về bảy súng, một tù binh, vậy là đánh khá. Tại sao tôi chưa muốn hỉ hả ngay như mọi người? Ai bắt tôi cứ phải so đo giữa cái khá với cái giỏi, cái rất giỏi, cái tột đỉnh tuyệt vời?

Đang ăn trái chuối, Mẫn ngừng nhai tủm tỉm:

- Coi bộ thầy Thiêm muốn phê cái gì...

Cô này tinh lắm. Tôi nói tuột cho nhẹ bụng:

- Các đồng chí coi thử…tôi nổ súng có quá sớm không? Để tụi nó tràn qua ruộng hãy bắn, chắc diệt được nhiều hơn...

Anh Luân gạt phắt: "Lão cứ được voi đòi tiên!". Năm Ri mở to cặp mắt có một con bị vảy cá, cười hết nửa cái mặt:

- Xưa nay đánh miết, có lấy được súng đâu anh! Người một nhúm mà xung phong bắt cả tù binh thiệt đã đời rồi còn!

-  Cô Mẫn lấy súng hai keo đó!

- Á, à...là đánh úp, chụp bậy ít cây rồi chạy, đây mình dàn trận, rượt nó hộc cơm mới sướng chớ, in thể chủ lực!

Năm Ri nhắc mãi "in thể chủ lực", rất khoái, trong khi Hai Mẫn vạch que xuống đất, cau mày nghĩ lâu, tay kia vẫn đưa hờ trái chuối gần miệng. Có lẽ Mẫn hiểu cái bâng khuâng của tôi, một người lính đánh giặc nhiều năm, vốn xem đánh gần là vinh dự, nổ súng từ xa là điều đáng xấu hổ. Thế nhưng Mẫn khó biết rằng tôi đợi một câu của Mẫn như lời phán xét cuối cùng.

Súng nhỏ chợt rộ lên như tiếng đậu trút vào thùng. Đạn cối thưa đi một lát, giờ lại vãi hối hã xuống rẻo ruộng Mang Cá. Hai tổ gác ban nãy đang hăng, không chịu lui, cứ bám khúc hào trước ngõ chị Diên bắn cù cưa, chặn cánh quân địch tính vào vườn mít lấy xác. Ham thì đánh chơi vậy thôi, Mẫn ngửng lên, nói với Ri:

- Cậu đi rút tụi con Xuân con Rốt về, xài đạn vậy lấy gì đánh nữa.

Ri bước lên. Anh Luân cũng quờ cây gậy: "Ngớt bắn tao cho quân áo trắng khiêng xác đi trả liền. Nhớ dặn sắp trẻ đừng cắc bụp lung tung nghen!" Mẫn gật, vẫn nghĩ, vẽ, môi lẩm nhẩm như nhằn hột trong chuối, riết rồi mới chịu đẻ cái trứng vàng:

- Không sớm đâu anh. Chậm nữa, nó kịp dàn đại liên với một dãy trung liên dọc rào, quét lụi mình nát đất. Hồi nãy cối nó mắc kẹt trong vườn rậm, chịu nín, để nó ra tới chỗ quang chắc nó vằm phải biết. Dễ gì chịu bỏ xác bỏ súng cho mình!

Tôi buột miệng: "Đúng!". Tôi chỉ nói với tôi, nhưng Mẫn nhoẻn cười nheo mắt:

- Thầy cho mấy điểm chiến thuật?

- Mười trên mười, rốp liền!

Tôi trút cái mũ một vốc đạn tom-xơn mới lấy, lắp đầy mấy băng rỗng. Mẫn cũng lắp thêm đạn vào các-bin. Kể cũng tội, Mẫn chỉ dám đeo mấy băng ngắn chứa mười lăm viên ở thắt lưng, để buộc mình bắn hà tiện. Được ba cái băng dài, chỉ được lắp một vào súng, còn hai bỏ bao lưng cho khó lấy hơn, kiểu trẻ con bỏ ống tiền. Giữ súng kỹ như Mẫn hoạ chăng chỉ có anh Ba Tơ, chứ tôi chưa cưng khẩu P.38 cỡ ấy.

Đang thông nòng, tôi chợt nhớ tôi đã lập công bằng cây súng Mẫn cướp được. gặp lúc Mẫn ngước lên, tôi vuốt nhẹ cây tom-xơn, nhủ bằng mắt: "Nhờ có em đấy, nhờ em...". Mẫn hơi ửng má, lắc đầu. Thông minh lắm. Băng các-bin gần đầy, lắp đạn nặng tay hơn. Mẫn gặp ngay cái nhìn sẵn sàng giúp đỡ của tôi. Đang chống băng trên ván, Mẫn nhấc nó lên, cầm nó bằng tay trái, giữ ba viên trong lòng bàn tay phải, ấn lách tách vào băng rất gọn, trao nó cho tôi mỉm cười với cái vẻ vâng chịu dễ thương lạ, trong khi đôi mắt đen bảo tôi: "Tay em mạnh và quen vậy đó, mà em cứ nhờ..vì anh thích". Tôi suýt kêu lên, phá vỡ câu chuyện thầm. Tại sao hai chúng tôi, ừ, sao hai con người gần nhau chưa nhiều lại có thể thấu hiểu nhau đến thế?

Tiếng nổ đầu xóm đã ngớt. Cây báng đỏ của cô Xuân bồi thêm vài phát pình pình như đê-pa cối 60 nữa. Địch nín luôn. Nghe súng cũng biết chúng chưa lọt được vào vườn mít, càng hay, các tổ binh vận sẽ khiêng xác đi trả tận đình và nhắc lại những lời khuyên răn

 

°

 

Căng thật

Trụ bám gần đồn là một chuyện. Rạch đôi sơn hà với địch, lấy nghiến đi hai phần ba cái ấp chiến lược, giành đi giật lại từng mảnh vườn, từng vạt khoai, đường đường mặt đối mặt chọi nhau, lại là chuyện khó hơn nhiều. Căng không thể tả.

Địch rút bỏ hai ấp Nhơn Phước và Nhơn Lộc nhỏ hơn, giao ấp Nhơn Thọ cho đám dân vệ thập thò, kéo hết tiểu đoàn về đóng dồn cục trên xóm Đình, cố cướp lại hòn đảo hình con cá. Súng lớn giã gạo không ngớt tiếng, riêng thứ 105 bắn hơn bốn trăm trái vào hai xóm ta. Xóm Giữa cháy quá nửa, xóm Đuồi cháy một phần ba. Nhìn mặt đất chỉ còn thấy hố pháo, nền xém, cây đổ, không thấy người, nhưng đây đó những xẻng đất rổ đất hắt lên như nước toé báo chỗ căn hầm đang được moi thêm. Vài người sợ quá bỏ đi Nhị Lộc, mươi gia đình nữa lên Tam Trân, còn bao nhiêu, "cứ đất mà xuống" thuốn vào lòng đất chứ chẳng chạy đâu. Giữa trận mưa cối 81, vọt từ hầm này sang hầm khác, tôi chỉ nghe tới tấp những câu khỏe người.

- Làm tới đi nghen, đừng có đem con bỏ chợ.

- Tụi nó đứ rồi, ngắc ngư rồi, muốn nhả rồi Thiêm à

- Thằng Chinh con bắt sáu trăm dân vùng cát sửa soạn lên cắt lúa đồng ta, xe em-mờ chở hẳn hoi.

- Nói anh đừng giận mấy ông cán bộ miệng kêu dân nổi dậy mà cái cẳng cứ bỏ lái đằng sau chực chạy lên núi, là tụi tui xin miễn...

- Dặn sắp nhỏ đánh đấm mãn cuộc rồi ghé tao. Con nghé gãy chân đó, lương khô lương tươi mặc sức

Và láy mãi như điệp khúc là cái tin "Mỹ sắp vô Chu Lai" Lính Ngụy nói, dân biển dân chợ đều nói. Làng Cá hiện lên ngày càng rõ là lô-cốt đầu cầu, hèn gì địch không buông.

Có lúc đội du kích bị bầy M.113 dồn đến chót đuôi con cá, đang truyền miệng cho nhau "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" thì quân áo trắng ùa ra cản được xe, trên đường lui một chiếc còn ăn mìn đứt xích. Các mẹ các chị đi chống pháo, nón lá ngập trắng xóm Đình như cò về vườn quen. Thằng Hai Chinh khịt mũi, gầm gừ mãi cũng chỉ biết lặp: "Cộng xui". Các bà đâm cáu: "Cộng xui phải dân mới nghe. Ông có cái gì ích nước lợi dân, xui một câu nghe thử!". Cái hôm hắn bắn chết chị Ích, cả quan lẫn lính đều sợ mất máu: đồng bào vây quanh đình suốt buổi, gào thét đòi chồng nhơn mạng(1), số ở nhà nổi trống mõ một hồi, du kích hốt luôn một vọng gác lẻ cuối xóm. Cũng hôm ấy, nước mắt tôi chảy tràn trên mặt. Có cái gì thiết tha đến đau buốt, kiên quyết đến hung dữ trong mỗi bà con ở đây khi lao lên trả thù cho người chết và giật lấy tự do cho người sống, không cần tính giá của mỗi tấc đất giải phóng, không cần biết sau ngày độc lập mình sẽ còn gì mất gì, từng phút sẵn sàng ném thân làm đá lát đường cho con em đi tới.

Vắng đi cái sức mạnh cuốn người ấy, hẳn đội du kích đã liệt chân tay, quỵ xuống bật ra ngoài. Cuộc chạy đua giành bàn đạp này quá găng. Chúng tôi đánh ngụy mà biết đang chạy đua nước rút với Mỹ.

Đánh ngày đánh đêm, đánh mặt trước mặt sau, đánh chông bẫy kèm vài phát súng, đánh bằng khúc cây chuối giả súng cối và hai đèn pin bó lại làm ống nhòm. Mỗi hố mặt đựng được nửa chén gạo. Áo quần dày mo với mồ hôi quện đất, rách lòi thịt như thêu hoa da. Chiếu vừa dính lưng đã bật dậy, chụp súng chồm tới chỗ địch thọc cuối xóm đang bắn vào lưng tổ gác. Vừa cắn nắm cơm vừa thò tay gãi đùi, bỗng đau muốn nhảy dựng: Mấy mảnh cối vụn găm vào da thịt bao giờ không hay, máu ngấm vải đã khô và đắp kín bụi. Anh Tư Luân chỉ còn da bọc xương, tất cả sức trong thân tụ vào cặp mắt. Mẫn đi dọc hào không ngớt, cười tươi, một lần sập hầm lịm mãi không dậy. Út Hoà run quá phải nhờ tôi tiêm hộ dầu long não. Còn tôi đã cùng mọi người quên béng đi cái vai trò phái viên, tôi cứ đánh và chỉ huy ào ào, điều cả quân chính trị, ra lệnh luôn cho du kích bí mật, và chưa có ai thử hỏi tôi làm cái chức gì trong xã. Ông thần rừng chịu thua ông thầy vườn, tôi dứt sốt, chỉ vài ngày lên một cơn ngây ngấy mươi phút đến nửa giờ, cứ đánh ngon.

Các xã giải phóng lại túa về giúp Tam Sa. Chị Bỉnh chưa được lệnh, cứ đem mười du kích xuống lãnh một mũi, còn nói vờ rằng xin cho số trẻ thực tập. Bị Mẫn ôm trước mặt đàn ông, chị mắc cỡ giãy ra: "con nhỏ này bị pháo hoá điên!". Bà con Tam Trân suốt mấy năm nay cứ chép miệng khi nghe nổ mé đường Một: "Độc lập phải cho Tam Sa hưởng trước nghen. Cũng thì Cách mạng miền Nam cả, mà cái Tam Sa cực sao cực tới chữ vậy chớ!". Tiếp huyện về. Anh huyện đội phó, cậu thư ký, cô y tá theo chú Tâm xuống làng Cá với bốn cõng nặng những thứ nổ được, súng du kích đang đói lại no

Anh Bảy quai nón gửi thư khen Tam Sa tiến công rất mạnh, chê riêng hai thôn vùng cát nằm im quá. Đúng y. Năm Tuất đợi lệnh một cách máy móc, đến nay kéo dân đi phá ấp cũng kỹ và lì như máy, sạch bong từng mảng một. Rồi Tam Lộc gửi tới một tiểu, Tam Lý mười sáu người mang gạo và đạn đủ xài bảnh nửa tháng. Ta khỏe hẳn lên.

Địch núng dần.

Tên đại úy mắt lồi kêu trời: "Một nước hai miền, tỉnh quận hai miền, tới một làng cũng hai miền, hai chế độ sống sao nổi!" Hắn chết hụt vì một trái mìn 105 bấm điện gần giếng tắm, về chửi trong máy bộ đàm: "Chốt đâu không cho, bắt người ta chốt ngay trên miệng núi lửa!". Lính khiêng về một thằng trung úy bị rựa chặt, lưỡi rựa sượt trên xương trán đã hớt sạch lớp thịt trên mặt. Mũi, môi, gò má, mớ răng dưới, tất cả bay gọn, để lại một đĩa tiết canh bầy nhầy. Ông già chém bụt bị bắn chết, nhà bị đốt, nhưng cả tiểu đoàn đều rúng xướng hết. Quân hắn rệu sẵn, nay rã nhanh. Lính chạy xuống đường Một nhảy liều lên xe hàng, về thị xã ở tù. Lính trốn ra gò, mang súng lên Tam Trân qua Tam-lộc. Lính bám các dì đi kiện pháo, sang xóm Giữa. Chị Biền cà rà chỗ vọng gác một hồi dắt ba lính với một hạ sĩ băng dải ruộng Mang-cá. "Phong trào vượt tuyến" từ đó bốc lên như diều. Du kích gác bìa xóm thường thấy bên kia ruộng thò ra một nòng súng buộc khăn trắng, vẫy vẫy. Bên này cũng vẫy khăn, chỉ chỗ bến để hở. Ào một cái, vài bóng xanh đeo súng chạy ào qua lúa chín chưa gặt, nhảy xuống hào ta, có khi trung liên địch quét theo không kịp.

Đến ngày thứ chín, giặc cuốn gói. Buổi sáng ấy súng lớn nổ điếc tai long óc, xe đủ kiểu kéo lên xóm Đình, trực thăng xúm chùm cái bắn cái đỗ. Chúng tôi sửa soạn chống một trận càn cỡ trung đoàn là ít. Tới mười một giờ, các thứ tiếng lần lượt tắt, rồi bà con xóm Đình chạy ào qua giới tuyến báo sạch địch. Chúng tôi ngẩn ra ngó nhau, chỉ dám tin rằng địch kéo đi càn đâu đó, vài hôm sẽ quay lại.

Tôi vào khu "điểm tựa" của ấp chiến lược. Đường chi chít những mìn ba râu chôn dối, dễ tìm. Một thùng mìn kíp mở nắp, mới có mươi trái được nhét ẩu dưới lá khô. Đến gò Đình, tôi sửng sốt: Địch đã xây hẳn một cái đồn to có đủ cả lô-cốt mẹ và con, bốn lớp rào kẽm gai đầy mìn, hai lớp chông, hào nổi hầm chìm dăng như mạng nhện. Đồ đạc vứt lại khá nhiều. Trong đống vỏ bìa đen dựng đạn cối còn cả mớ đạn chưa bắn!. Nhiều thùng đạn nguyên trong các lô-cốt. Càng sục càng ra lắm thứ. Anh em reo ầm khi khui được một hầm chất nổ còn nguyên: hơn trăm lựu đạn, sáu chục trái mìn loại năm cân vỏ khía, thêm tám cây M.1, có lẽ của những đứa chết. Thêm một hầm xăng dầu nữa...Tiểu đoàn giặc đã sứt mẻ trên Việt-an, về đây mất thêm chín chục khiêng với ngót năm chục lính trốn, nát hẳn. Tôi gặp nhiều trận vậy đó: thằng địch căng gân đánh vật với ta, căng nữa, căng mãi, tưởng như không bao giờ cạn sức, làm ta ghì bám nó muốn dứt hơi: rồi sựt một cái, nó đứt gân sụp xuống, hoá ra đống thịt nhão, rữa nhanh.

Bà con xóm Đình dập được các đám cháy, chỉ mất hai nhà không cứu kịp vì chủ chạy xa. Chính mắt Út Liềm thấy thằng Chinh con đốt. Trên chiếc M.113 cuối cùng có một Mỹ lái, một Mỹ quét trọng liên, tụi ngụy kê súng chơm chởm chung quanh thành xe, thằng Hai Chinh đứng mé sau với cái mặt ngựa đỏ tía, vừa khịt mũi vừa ném lựu đạn lửa vào những căn nhà dân hai bên đường. Hằn thù cái làng quê cha đất tổ của hắn đến hoá dại

 

Chú thích

(1) Đền mạng

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Mẫn và tôi Chương 13

Có thể bạn thích