Người ta ăn mừng sinh nhật lần thứ 77 của dì Gal, tuổi 82 của bà nếu sự thật được phơi bày, nhưng chỉ có bà, bà Lưu Linh và Ruth biết điều đó.

Họ Young tụ tập trong một ngôi nhà kiểu trang trại của ông bà Cao Linh và Eđmun ở Saratoga. Dì Gal đeo một vòng hoa kết bằng lụa ở cổ và mặc một chiếc áo rộng thùng thình có những hoạ tiết sặc sỡ để giữ được ý nghĩa cho bữa tiệc sinh nhật. Dượng Eđmun bận áo sơ mi hello and goodbye có in những cây đàn ghi ta bốn dây. Họ vừa trở về sau chuyến du lịch lần thứ 12 đến các đảo ở Hawaii. Bà Lưu Linh, Art, Ruth và vài người bà con ngồi cạnh hồ bơi ở sân sau hoặc là lunai như là dì Gal gọi – nơi dượng Eđmun nhóm lên ngọn lửa có thể nướng đủ số thịt trong khả năng tiêu hoá của mọi người. Ngoài trời những ngọn đuốc dùng chất khí toả hơi ấm và làm cho cả không gian thoang thoảng mùi thơm. Bọn trẻ không dễ bị đánh lừa. Chúngcho rằng hồ bơi quá lạnh nên mải mê chơi đá bóng trên sân cỏ. Cứ vài phút một lần chúng lại dùng cái vợt tay để vớt bóng lên khỏi hồ. "Nước bắn tung toé cả lên người" bà Lưu Linh cằn nhằn.

Khi bà Cao Linh vào trong bếp để chuẩn bị món ăn cuối cùng, Ruth vào theo bà. Cô đã đợi một cơ hội để nói chuyện riêng với người dì "Này con biết làm trà trứng thế nào không?" Dì Gal hỏi khi Ruth bóc một quả trứng luộc già lửa. "Dùng hai  cuống lá trà đen thật bự. Nó phải đen chứ không xanh như trà Nhật và không phải có mùi thơm như bọn trẻ các con khoái uống vì lý do sức khoẻ. Cho lá trà vào trong một miếng vải bông mềm, cột chặt lại".

"Bây giờ thì coh những quả trứng đã luộc rồi vào trong nồi cùng với lá trà, một nửa ly nước tương cho 20 quả trứng và sáu lá cây anit", bà Cao Linh tiếp tục. Bà rắc vào hỗn hợp trên một lượng muối. Tuổi thọ của bà rõ ràng là tặng phẩm của gien di truyền chứ không phải do chế độ ăn kiêng. "Đun trong vòng một tiếng đồng hồ", bà nói, đặt cái nồi lên bếp ga nhỏ lửa. "Khi con còn bé, con đã thích ăn món này lắm. Chúng ta gọi nó là Trứng may mắn. Đó là lý do tại sao mẹ con và dì làm món này. Tất cả bọn trẻ con đều thích ăn hơn bất cứ món nào khác. Dù vậy có một lần con ắn tới năm trứng và bị mệt, làm ồn ào cả phòng khách nhà dì. Sau đó con nói xin kiếu món trứng. Con không ăn trứng trong vòng một năm. Rồi sau đó món trứng lại vẫn ngon như thường".

Ruth không nhớ chút nào về chuyện này và tự hỏi không biết bà Cao Linh có lẫn cô với con gái bà không. Không biết bà dì của cô cũng có dấu hiệu của bệnh mất trí không.

Bà Cao Linh đi đến bên tủ lạnh lấy ra một tô cần tây cắt ra thành từng lát. Không cần đo lường bà trộn cần tây với dầu mè và nước tương, trò chuyện với Ruth như bà đang ở một buổi hướng dẫn nấu ăn.

"Dì nghĩ một ngày nào đó dì sẽ viết một cuốn sách có tựa đề là Ẩm thực Trung quốc – con nghĩ sao, có được không? viết về những món ăn thông thường thôi. Có thể, nếu con không quá bận, con sẽ giúp dì viết nhé. Dì không muốn nói là không có tiền thù lao đâu. Tất nhiên, hầu hết chữ nghĩa đã có sẵn trong đầu dì rồi. Dì chỉ cần một ai đó viết ra thôi. Dù vậy, dì vẫn trả công cho con, điều này không ảnh hưởng đến việc ta là dì của con".

Ruth không muốn khuyến khích chuyện này. "Dì có làm món trứng này khi dì sống ở trại mồ côi với mẹ con không?" bà Cao Linh ngừng tay trộn đồ. Bà ngước nhìn lên "À, mẹ con đã kể cho con nghe về chỗ ấy à?" Bà nếm một miếng cần tây và cho thêm một chút nước tương. "Trước đây mẹ con không muốn nói cho bất cứ ai biết tại sao mẹ con lại đến trại mồ côi đâu". Bà dừng laị, cắn môi như thể bà chưa sẵn sàng dốc bầu tâm sự.

"Dì muốn nói dì Báu là mẹ của mẹ con".

Cao Linh tắc lưỡi "À, thế là chị ấy đã cho con biết. Dì rất vui. Tốt lắm. Tốt nhất là cứ nói rõ sự thật". "Con cũng biết rằng cả dì và mẹ con đều lớn hơn năm tuổi so với cái tuổi mà mọi người biết. Và rằng ngày sinh thực sự của dì thì còn sớm hơn bốn tháng".

Bà Cao Linh cố cười gượng, nhưng trông bà cũng có vẻ bẽ bàng. "Dì bao giờ cũng muốn sống thật. Nhưng mẹ con lại sợ hãi quá nhiều thứ - ồ, bà nói nhà chức trách sẽ đuổi bà về Trung Quốc nếu họ biết chúng ta không phải là chị em ruột. Có thể Edwin không cưới mẹ con vì mẹ con quá già. Rồi sau đó con sẽ lấy làm nhục nhã nếu con biết ai là bà ngoại thực sự của con, không chồng mà chửa, khuôn mặt bị huỷ hoại, bị đối xử như một kẻ đầy tớ. Còn dì ư? Bao năm qua dì đã có cách nghĩ mới. Những  bí mật ngày xưa ư? Ở đây ai thèm quan tâm đến! Không chồng mà vẫn có con? Ồ thì cũng giống Madonna thôi.  Nhưng mẹ con vẫn khăng khăng "Không được nói với ai, hứa đấy".

"Có ai khác  biết không ạ? Dượng Edmund, hay Sally  hay Billy?"

"Không, không, chẳng có ai biết cả. Dì đã hứa với mẹ con…Tất nhiên dượng Edmund có biết. Hai người không giữ bí mật với nhau. Dì nói với dượng tất cả..Tuy vậy việc tuổi tác thì ông không biết. Nhưng dì không nói dối. Dì quên. Thật thế! Thậm chí dì còn không cảm thấy mình đã 77 tuổi. Trong suy nghĩ của mình, dì cho mình cao nhất là 60 tuổi. Nhưng bây giờ con nhắc dì nhớ lại. Dì thci còn già hơn nữa – bao nhiêu nhỉ?"

"82 ạ".

"Trời!" vai bà rũ xuống khi bà suy ngẫm về điều đó. "82! Chậc, cũng giống như dì có ít tiền gửi nhà băng hơn là dì tưởng".

"Trông dì vẫn trẻ hơn tuổi đến 20 tuổi. Mẹ con cũng thế. Và dì đừng lo, con không nói cho ai biết đâu, kể cả dượng Edmund. Buồn cười là vào năm ngoái khi mẹ con nói với bác sĩ là bà 82 tuổi, con lại nghĩ đó là dấu hiệu bà bị lẫn. Rồi hóa ra bà  bị bệnh Alzheimer. Nhưng bà vẫn nói đúng về tuổi tác của mình. Bà chỉ quên nói dối…"

"Không phải nói dối" bà Cao Linh chữa lại "Đo là một bí mật".

"Ý con muốn nói thế. Mà con cũng sẽ không biết tuổi của mẹ cho đến khi con đọc những gì mẹ con viết". "Chị ấy viết ra – về tuổi của mình?"

"Về rất nhiều chuyện. Cả một tập giấy dày. Đó là câu chuyện về cuộc đời bà, những gì bà không muốn quên. Những điều mẹ con không thể nói ra. Mẹ của bà, trại mồ côi, người chồng thứ nhất của bà, của dì". Trông dì Gal có vẻ ngày càng bứt rứt. "Chị ấy viết điều đó vào lúc nào?"

"Ồ, chắc là vào bảy tám năm về trước, chắc chắn là khi mẹ con bắt đầu lo lắng rằng có một điều  gì không ổn với trí nhớ của bà. Hồi đó mẹ con có đưa cho con mấy tờ để con đọc. Những toàn là tiếng Hoa, con làm sao mà đọc được. Mấy tháng trước con tìm được một người dịch ra tiếng Anh".

"Tại sao không nhờ dì?" Bà Cao Linh giả vờ bị mếch lòng. "Ta là dì con, mẹ con là chị ta. Chúng ta vẫn là máu mủ ruột rà, dẫu rằng mẹ con và ta không có cùng người mẹ".

sự thật là Ruth đã sợ mẹ cô có thể viết những điều không dễ nghe về dì Cao Linh. Và bây giờ có vẻ như là bà Cao Linh cũng có thể cắt bớt những đoạn nói về bí mật của bà, cuộc hôn nhân với một tên nghiện ma tuý chẳng hạn. "Con không muốn phiền đến dì".

Dì cô khịt mũi. "Còn họ hàng nỗi gì nếu con không muốn phiền đến bà con ruột thịt?"

"Đúng thế ạ".

"Con có thể gọi dì bất cứ lúc nào, con biết rõ thế mà. Con muốn ăn món ăn Trung Quốc, ta nấu cho con ăn. Con cần dịch tiếng Hoa ra tiếng Anh, ta cũng có thể làm cho con. Con cần ta trông coi mẹ con, không cần hỏi trước chỉ cần đưa mẹ con đến đây".

"Nói đến chuyện ấy, dì có nhớ chúng ta đã nói gì về những nhu cầu cần thiết của mẹ con trong tương lai không? Art và con đã tìm ra một chỗ, Mira Mar Manor, một nhà sống tương trợ, rất tốt. Đội ngũ phục vụ túc trực 24 trên 24, có nhiều hoạt động khác, có y tá chăm sóc sức khoẻ".

Bà Cao Linh cau mày "Sao con có thể cho mẹ con vào viện dưỡng lão. Không, điêu đó không ổn". Bà đưa tay bịt miệng, lắc đầu.

"Không phải như dì tưởng đâu".

"Không được làm thế. Nếu con không chăm được bà ấy, để mẹ con đến đây sống với dì".

Ruth biết rằng bà Cao Linh khó có thể đảm nhiệm được việc này vài ngày. "Suýt nữa thì làm cho dì lên cơn đau tim" bà đã miêu tả về chuyến đến chơi mới nhất của bà Lưu Linh ở nhà bà. Tuy vậy cô vẫn lấy làm xấu hổ là dì Cao Linh nghĩ cô là một đứa con gái vô tình,thiếu quan tâm đến mẹ. Cô vẫn không nguôi lo lắng về Mira Mar và vẫn không cảm thấy chắc chắn trong dự định của mình. Đó có phải là giải pháp tốt nhất cho sức khoẻ  và sự an nguy của mẹ cô không? Hay là cô đã bỏ rơi mẹ ruột của mình cho sự yên ổn của bản thân? Cô tự hỏi không biết có phải cô chỉ đơn giản làm theo ý muốn của Art như là cô đã làm về nhiều mặt trong mối quan hệ của họ. Có vẻ như cô bao giờ cũng sống bằng cuộc đời của người khác, vì người khác.

"Con chỉ không biết làm điều gì khác" Ruth nói, giọng cô tràn ngập một nỗi thất vọng mà cô đã giữ kín lâu nay. "Căn bệnh này thật kinh khủng, nó phát triển nhanh hơn con nghĩ. Bà không thể ở một mình. Bà đi lang thang. Bà không biết là mình vừa ăn mười phút trước hay mười tiếng đồng hồ trước. Bà không thể tự tắm rửa. Bà sợ vòi nước…"

"Dì biết, dì biết. Rất khó khăn, Rất đáng buồn. Đó là lý do tại sao dì bảo con nếu con không chăm mẹ được nữa thì con hãy đưa bà đến đây. Lúc ở chỗ dì, lúc ở chỗ con. Như vậy sẽ dễ hơn".

Ruth cúi đầu xuống "Mẹ con đã đi tham quan Mira Mar một vòng. Bà nghĩ chỗ này khá dễ chịu, giống như một chuyến đi chơi biển".

Bà Cao Linh khụt khịt vẻ nghi ngờ.

Ruth muốn dì cô ủng hộ quyết định này. Cô cũng cảm thấy bà Cao Linh muốn cô hỏi điêu đó. Bà và mẹ cô sẽ thay phiên nhau bảo vệ nhau. Ruth bắt gặp ánh mắt của bà Cao Linh. "Con sẽ không quyết định cho đến khi dì cũng nghĩ là điều đó nên làm. Nhưng con muốn dì xem qua chỗ này một chút. Khi ấy con sẽ đưa cho dì một bản sao bản thảo của mẹ con".

Đó là điều mà bà Cao Linh quan tâm.

"Nói về chuyện này" Ruth tiếp tục "con tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với những người mà dì và mẹ con quen biết ở Trung Hoa. Mẹ con không bao giờ thêm điêu gì sau khi bà rời khỏi Hồng Kông. Điều gì xảy ra với Phú Nam, chồng của dì, và bố của ông ta? Họ có còn làm chủ hiệu mực không?"

Bà Cao Linh nhìn quanh, chắc chắn không có ai ở gần họ để có thể nghe được câu chuyện giữa hai người. "Những người này thật xấu xa" bà nhăn mặt. "Xấu xa đến nỗi con không thể hình dung là họ xấu cỡ nào. Người con trai có nhiều vấn đề lắm. Mẹ con có viết về y không?" Ruth gật đầu. "Ông ta nghiện thuốc phiện."

Trông bà Cao Linh lúc ấy có vẻ bối rối khi nhân ra là bà Lưu Linh rất chu đáo trong hồi ký của mình. "Điều đó đúng" bà thừa nhận. "Sau đó ông ta chết, có thể vào năm 1960 dù không ai dám chắc về điều đó. Nhưng đó là lúc hắn ta thôi không viết thư và gọi điện cho nhiều người khác nhau, doạ dẫm này kia để đòi tiền họ".

"Dượng Edmund có biết ông ta không?"

Bà Cao Linh nổi nóng "Sao dì có thể nói với dượng ấy là dì là gái có chồng được? Dượng con sẽ hỏi những câu như là chúng ta có làm đám cưới không, dì có phải người phạm luật hôn nhân và gia đình không, dì có con riêng không – tất cả mọi chuyện. Sau đó dì cũng quên nói với dượng và khi dì nghe tin người chồng đầu tiên của mình đã chết thì cũng là lúc quá trễ để quay lại giải thích những thứ đã bị lãng quên rồi. Con hiểu chứ".

"Cũng giống như tuổi của dì".

"Chính thế. Còn về ông bố, phải, vào năm 1960, những người cách mạng có chính sách cải tạo bọn địa chủ. Họ tống ông Trương bố vào tù đánh cho lòi lời khai về nhiều việc làm bẩn thỉu của ông ta, lừa lọc người vô tội và buôn thuốc phiện. Có tội, họ nói và bắn ông ta, hành hình ngoài quảng trường ".

Ruth tưởng tượng ra cảnh đó. Cô là người chống lại án tử hình về mặt nguyên tắc nhưng cô cảm thấy một sự thoả mãn thầm kín rằng cái người đàn ông đã gây ra bao thống khổ cho bà ngoại và mẹ cô rốt chẳng cũng phải nhận một cái chết thích đáng.

"Người ta cũng tịch thu nhà cửa, đuổi bà vợ ra quét rác ngoài đường, tất cả các con trai của ông ta bị đưa đi cải tạo lao động ở Vũ Hán, nóng đến nỗi người ta thà tắm trong vạc dầu sôi còn hơn là dẫn xác đến đấy. Cha mẹ của dì cũng may là đã trắng tay chẳng còn gì để phải chịu đựng một hình phạt như vậy".

"Còn bà Dư, thầy Phan, dì có nghe gì về họ?"

"Anh của dì, con biết đấy, tên là Tú Tú sống ở Bắc Kinh. Ông ấy nói chị Dư được thăng chức nhiều lần cho đến lúc chị ấy có một chức vụ cao trong Đảng. Dì không biết cấp bậc của bà ấy, một cái gì đó có liên quan đến thái độ tốt và cải cách. Nhưng trong cách mạng văn hoá, mọi thứ đều xoay ngược lại, bà  trở thành điển hình cho một thái độ xấu bởi vì có thời gian sống với những người truyền giáo. Người ta cho bà vào tù một thời gian dài và bị tra tấn ghê lắm. Nhưng khi bà được ra tù bà vẫn hạnh phúc làm một người có lý tưởng cộng sản. Sau đó, dì nghĩ bà mất vì bệnh già. Tú Tú nói có một năm cả nước tưng bừng kỷ niệm những người Trung Quốc đã góp phần khám phá ra người vượn Bắc Kinh. Bài báo mà anh dì gửi đến nói về Phan Khải Tĩnh – người mà mẹ con đã lấy – chết như một vị anh hùng một người tử vì đạo để bảo vệ bí mật của Đảng, và cha anh, thầy giáo Phan đã vinh dự được nhận bảng vàng danh dự. Sau này dì không biết chuyện gì đã xảy ra với thầy Phan. Bây giờ chắc ông ta đã quy tiên. Thật đáng buồn. Chúng ta đã một thời như người trong một nhà. Chúng ta đã hy sinh cho nhau. Lẽ ra chị Dư là người đến đây nhưng chị đã nhường cho mẹ con và dì cái cơ hội này. Đó là tại sao mẹ con đặt tên cho con theo chị Dư."

"Con nghĩ chuyện được đặt tên theo bà Ruth Grutoff chứ?" "Đó là tên tiếng Anh, còn tên tiếng Hoa của con là đặt theo chị Dư, Dư Lạc Ý, có nghĩa là "hơn tất cả những cái mà con mong ước".

Ruth ngạc nhiên và sung sướng  khi thấy mẹ cô đặt quá nhiều tình cảm vào cái tên của cô. Hồi còn bé cô đã ghét cả hai cái tên này, cái tên xưa nần "Ruth" mà mẹ cô thậm chí không thể phát âm được, còn cái tên Luyi thì nghe như tên con trai, một tên đấm bốc hoặc là một kẻ hung đồ.

"Con có biết là mẹ con cũng nhường cái cơ hội sang Mỹ cho dì vì thế dì là người đầu tiên sang đây?"

"Có nói đến chuyện đó ạ" cô sợ đến cái ngày bà Cao Linh đọc đến những trang miêu tả bà đã dùng thủ đoạn để được đi sang Mỹ.

"Nhiều lần dì cảm ơn mẹ con nhưng bao giờ mẹ con cũng nói "Thôi đừng nói về chuyện ấy nữa. không thì chị lại bực mình với em đấy". Dì đã nhiều lần cố trả ơn mẹ con nhưng bà ấy bao giờ cũng từ chối. Hàng năm vợ chồng dì mời mẹ con đi Hawaii. Lúc nào mẹ con cũng đáp lại là mẹ con không có tiền." 

Ruth gật đầu. Bao nhiêu lần cô phải khổ sở vì nghe mẹ cô than vãn về chuyện này.

"Lần nào dì cũng nói, em mời chị mà, mắc mớ gì đến chuyện chị có tiền hay không? Lúc ấy thì mẹ con bảo sẽ không để cho dì trả tiền. Quên chuyện đó đi! Thế rồi dì mới nói với mẹ con "Chị xài tiền trong tài khoản mang tên Charles Schwab đi". Không, mẹ con không muốn xài đồng tiền đó. Mẹ còn vẫn không rớ tới nó".

"Tài khoản Charles Schwab nào ạ?"

"Mẹ con không nói về chuyện này sao? Một nửa số tiền ông bà nội con để lại khi các cụ mất đi".

"Con nghĩ là ông bà để lại cho mẹ con rất ít".

"Phải, đó là sai lầm của các cụ. Cách nghĩ ngày xưa, làm cho mẹ con uất ức lắm. Đó là lý do tại sao mẹ con không lấy số tiền này dù cả dượng Edmund và dì đều quyết định rằng dù sao thì dì  và dượng cũng chia số tiền thừa kế ra làm đôi. Từ lâu rồi, dì và dượng đã cho một nửa số tiền phần mẹ con vào gửi tiết kiệm. Mẹ con bao giờ cũng giả vờ là bà không biết gì về số tiền này. Nhưng rồi mẹ con đã nói đại loại như là "Tôi nghe nói dì có thể đầu tư cổ phiếu". Thế là dì dượng lại mở tài khoản ở thị trường chứng khoán. Rồi bà ấy lại nói "Tôi nghe nói cổ phiếu ở đây có lời ở chỗ kia thì không", Nhờ vậy dì dượng mới biết cách hướng dẫn nhân viên chứng khoán bán cái này mua cái kia. Rồi có lúc bà lại nói "Tôi nghe nói rằng tốt hơn là tự mình đầu tư, tiền phí thấp hơn", cuối cùng dì dượng mở tài khoản Charles Schwab".

Gai ốc nổi lên dọc cánh tay Ruth "Có phải một số cổ phiếu mà bà nhắc đến bao gồm của IBM, U.S. Steel, AT&thẳng và Intel?"

Bà Cao Linh gật đầu "Thật tệ hại là dượng Edmund không nghe theo lời khuyên của mẹ con. Dượng ấy bao giờ cũng chạy theo IPO này IPO[1] khác".

Bây giờ Ruth nhớ lại bao lần mẹ cô hỏi dì Báu về việc mua bán cổ phiếu qua cái khay cát. Cô không mảy may nghĩ là câu trả lời có gía trị gì bởi vì mẹ cô không có tiền để chơi cái trò này. Cô đã nghĩ mẹ cô quan tâm đến thị trường chứng khoán cũng như nhiều người khoái coi chương trình trong nhà ngoài phố. Thế là khi mẹ cô nêu ra những cái tên thì Ruth chọn bất cứ cái tên nào ngắn nhất để viết ra. Đó là điều mà cô quyết định. Mà có phải không? Hay cô đã nhận được sự thúc đẩy và gợi ý của một người nào khác? "Vậy việc kinh doanh có kết quả không ạ?" Ruth hỏi, tim đập thình thịch.

"Tốt hơn là S&P [2], tốt hơn là sự làm ăn của dượng Edmund – mẹ con quả là,t thiên tài của phố Wall! Số tiền đầu tư của mẹ con cứ lớn lên mà mẹ con thì không tiêu vào đấy một xu. Mẹ con có thể đi chơi Hawaii rất nhiều rất nhiều chuyến, mua biệt thự với những trang thiết bị hiện đại, một cái xe hơi xịn. Nhưng không. Dì nghĩ là mẹ con để dành tất cả cho con…Con không muốn biết số tiền là bao nhiêu ư?"

Ruth lắc đầu. Thế này là đã quá nhiều. "Bảo cho con biết sau". Thay vì có cảm giác bị kích động về chuyện tiền bạc, Ruth lại cảm thấy đau lòng là mẹ cô đã từ chối bao thú vui và hạnh phúc. Ngoài chuyện tình cảm, bà đã ở lại Hồng Kông để Cao Linh có cơ hội được tự do trước.

Tuy vậy bà cũng không chịu nhận tình yêu đáp trả của người khác. Sao bà lại trở nên như vậy? Đó có phải là vì việc tự sát của dì Báu?

"Còn chuyện nữa" bây giờ thì Ruth nghĩ ra chuyện để hỏi "dì Báu tên thật là gì ạ?"

"Dì Báu ư?"

"Ồ, ồ, bảo mẫu! Con biết đấy, chỉ có mẹ con gọi bà như thế. Những người khác gọi bà là Bảo mẫu".

"Có gì khác giữa Bảo bảo mẫu và Bảo mẫu?"

"Bảo có nghĩa là quý giá, mà cũng có nghĩa là " che chở". Cả hai đêu ở thanh ba. Mẫu có nghĩa là mẹ, nhưng khi nó được viết kèm với chữ bảo thì có thêm nghĩa của chữ bảo, thành ra có nghĩa độc lập là một người đầy tớ gái. Còn bảo mẫu cũng giống như vú em, người trông trẻ. Còn Bảo mẫu thì có nghĩa là dì. Và Bảo bảo mẫu thành ra dì Báu. Dì nghĩ là dì Báu đã dạy mẹ con nói và viết theo nghĩa này. Đặc biệt hơn".

"Vậy tên thật của bà là gì? Mẹ con không thể nhớ ra được và điều này làm bà buồn ghê  gớm".

"Dì cũng không nhớ…Thực ra thì dì không biết".

Tim Ruth thót lại. bây giờ thì cô biết là cô sẽ không bao giờ biết. không có ai trên đời này biết tên thật của bà ngoại cô. Bà đã tồn tại, nhưng lại không có một cái tên, cái chính yếu trong sự tồn tại của bà đã biến mất, không thể liên hệ tới một khuôn mặt, neo vào một gia đình nào hết.

"Tất cả mọi người trong nhà gọi bà là Bảo mẫu" bà Cao Linh tiếp tục "cũng có nhiều biệt danh vì khuôn mặt xấu xí của bà. Gỗ Cháy, Miệng Xoắn, đại loại như vậy. Mọi người không có ý xấu, chỉ là một trò đùa thôi..Nhưng bây giờ nghĩ lại dì thấy mọi người ác, rất ác. Thật là tồi tệ!"

Thật đau lòng cho Ruth khi nghe điều này. Cô cảm thấy nghẹn ngào nơi cổ. Cô muốn có thể nói về người phụ nữ này – bà ngoại của cô – ở thì quá khứ, về cái điều mà bà ngoại cô quan tâm, rằng cô cũng như mẹ cô – bà Lưu Linh đều muốn biết xương của bà nằm lại ở đâu. "Nhà ở làng Hằng Tâm vẫn còn chứ ạ?" Ruth hỏi.

"Hằng Tâm ư? Ồ, con muốn nói làng của chúng ta – dì chỉ nhớ cái tên cũ." Bà Cao Linh đánh vần. "Tiên Tâm", phải, dì đoán là nó được gọi như thế. Trái tim bất tử, một cái gì như thế đấy. Dù sao thì nhà cũng không còn nữa. Anh trai dì, Tú Tú đã nói thế. Sau một mùa hạn hán, một mùa mưa lũ dữ dội kéo đến. Đất cát từ trên núi trôi xuống dâng ngập kẽm núi làm sạt lở hết. Nhà của chúng ta từ từ nứt ra rồi sập xuống. Đất sạt ngốn đi nhà sau trước rồi đến cái giếng chi đến khi chỉ còn lại một nửa khu nhà. Nó vẫn còn đứng được thêm vài năm nữa rồi vào năm 1972, ùm một cái đổ sập xuống và đất cát phủ lên chôn vùi tất cả. Anh dì nói rằng vụ đó đã giết chết mẹ dì dẫu rằng bà đã không sống ở đó một thời gian dài".

"Vậy ra ngôi nhà đó bây giờ nằm ở nơi Tận cùng thế giới".

"Cái gì…tận cùng của cái gì?"

"Kẽm núi".

Bà Cao Linh lập lại bằng tiếng Hoa với chính mình, rồi cười "Đúng rồi, bọn dì đã gọi kẽm núi ấy như thế khi mọi người còn bé. Đó là bởi vì người lớn nói rằng, bờ vực càng đến gần nhà bao nhiêu thì mọi người càng đến nơi tận cùng thế giới nhanh bấy nhiêu. Có nghĩa là vận may của chúng ta sẽ hết, thế đấy. Và họ đã đúng! Dù sao chúng ta cũng có nhiều tên để đặt cho cái nơi này. Có người gọi dó là "Cuối đất" cũng giống như nơi mẹ con đang sống ở San Francisco, Land's End. Thỉnh thoảng các ông chú dì đùa cợt gọi cái bờ vực đó là mạc mạc mai du, có nghĩa là "đầm rác". Nhưng hầu hết mọi người trong làng chỉ gọi nó là đống rác. Hồi ấy không có ai đến đấy hai lần một tuần để mang rác đi đổ cho con, để tái sinh rác, không có những chuyện như vậy. Tất nhiên ngày ấy người ta cũng không vứt đi nhiều. Xương và thức ăn hư thối thì có chó hoặc heo ăn. Áo cũ chúng ta vá lại đem cho trẻ con mặc. Thậm chí khi áo rách đến nỗi không vá được nữa thì người ta lại xé nhỏ ra độn vào trong áo bông. Giày cũng thế. Con phải vá lại những chỗ há mồm, dậm lại đế giày. Vì thế con thấy đấy, chỉ có những gì tệ hại nhất mới mang  vứt đi, những thứ không còn dùng được vào việc gì. Khi chúng ta còn bé và quậy phá các bậc cha mẹ sẽ dạy chúng ta bằng cách doạ rằng sẽ ném chúng ta xuống vực – như thể chúng ta cũng là những món đồ vô dụng nhất! Khi lớn hơn một chút và muốn xuống đấy chơi thì lại là chuyện khác. Ở dưới vực, họ nói, toàn những thứ đáng sợ".

"Xác người ư?"

"Xác người, ma quỷ, hồ ly tinh, lính Nhật, bất cứ cái gì khiến chúng ta sợ hãi".

"Cũng có xác người ném xuống đấy ạ?"

Bà Cao Linh dừng lại trước khi trả lời. Ruth chắc rằng bà đang điều chỉnh lại cái ký ức tồi tệ. "Mọi thứ đều thay đổi…Con biết đấy không phải ai cũng lo nổi một chỗ trong nghĩa địa hoặc một đám ma…Một đám ma tốn kém mười lần so với một đám cưới. Nhưng không chỉ là  vấn đề tiền bạc. Đôi khi con không thể chôn cất một người vì những lý do khác nhưng cũng không đến nỗi kinh khủng như con nghĩ, không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến người chểt".

"Chuyện gì xảy ra với thi thể dì Báu?"

"Trời đất. Ra mẹ con viết ra tất cả mọi chuyện sao? Phải, mẹ của ta đã làm một điều xấu xa. Bà thật điên khùng khi làm thế, vì sợ rằng Bảo mẫu  sẽ ám cả họ. Sau khi bà cho ném cái xác xuống vực, một đám mây những con chim đen kéo đến. Cánh chúng xoè to như những chiếc ô. Chúng gần như che khuất cả mặt trời. Nhiều cơ man là chim. Chúng đập cánh trên không trung chờ những con chó hoang ăn thịt xác chết. Và một trong những người đầy tớ…"

"Ông bếp già".

"Phải, bác đầu bếp già, người đã ném cái xác chết xuống vực, bác nghĩ là những con chim ấy là linh hồn của Bảo Mẫu và là đội quân ma của bà, bà sẽ rỉa thịt bác bằng móng vuốt của mình và sẽ chộp lấy bác nếu bác không chôn cất bà tử tế.

Thế là bác bếp dùng một cây gậy dài đuổi lũ cho hoang đi, bầy chim vần vũ lại trên đầu bác, quan sát bác lấp đá lên cái xác. Nhưng dù vậy, sau khi bác đã làm tất cả chuyện đó thì cả nhà vẫn bị tai ương liên miên".

"Dì tin vào những chuyện đó à?"

Bà Cao Linh dừng lại ngẫm nghĩ "Dì phải tin thôi. Hồi ấy dì tin vào những gì cả nhà tin. Dì cũng chẳng thắc mắc gì hết. Với lại bác bếp già chết hai năm sau cái chết của dì Báu".

"Còn bây giờ?"

Bà Cao Linh im lặng một hồi lâu. "Bây giờ dì nghĩ Bảo mẫu đã để lại những buồn đau  ở phía sau. Cái chết của bà giống như cái vực sâu sau nhà. Những gì chúng ta không muốn, những gì chúng ta sợ, cứ việc trút hết tội cho nó".

Dory chạy ào vào bếp "Ruth! Ruth! Đến mau! Waipo té xuống hồ bà suýt bị chết đuối!"

Vào lúc Ruth chạy đến được sân sau thì Art đã bế mẹ cô đi lên những bậc thang ở chỗ nước cạn. Bà Lưu Linh ho sặc sụa và run rẩy. Sally chạy từ trong nhà ra với một đống khăn tắm. "Không có ai trông nom bà ư?" Ruth kêu lên, hoảng hồn đến nỗi quên mất cả phép lịch sự.

Bà Lưu Linh nhìn Ruth như thể cô là người duy nhất đáng bị trừng phạt. "Úi trời! Thật là ngu hết chỗ nói".

"Chúng ta đều ổn cả" Art bảo bà Lưu Linh bằng một giọng bình tĩnh 'Whoopie-daisy, whoopie daisy[3] không có hại gì đâu".

"Bà chỉ cách chúng em có vài bước" Billy nói. "Rồi cứ thản nhiên bước tới trước và chìm nghỉm trước khi bọn em biết. Art vội vàng nhảy ngay xuống hồ mặc dù có hơi bia".

Ruth lau người mẹ bằng khăn tắm, xoa  bóp cho bà để kích thích tuần hoàn máu.

"Mẹ nhìn thấy bà ở dưới đó" bà Lưu Linh rên rỉ bằng tiếng Hoa giữa các tiếng ho. "Bà yêu cầu mẹ đưa bà ra khỏi những tảng đá. Rồi mặt đất bỗng biến thành bầu trời và mẹ trôi qua một đám mây mang hơi nước xuống, xuống, xuống".

Bà Lưu Linh quay lại chỉ vào nơi bà nhìn thấy ảo ảnh.

Khi Ruth liếc về nơi mẹ cô đưa tay chỉ, cô nhìn thấy dì Gal, khuôn mặt day dứt của bà bỉêu lộ một nhận thức mới mẻ.

Ruth để mẹ cô ở lại nhà dì Gal và dành ra cả ngày hôm sau ở nhà mẹ để soạn ra những món cần mang đến Mira Mar Manor. Trong danh sách cô kê ra có hầu hết đồ đạc trong phòng ngủ của bà, đồ len và khăn tắm mà bà Lưu Linh chưa bao giờ dùng đến. Nhưng còn những bức tranh cuộn của bà, mực và bút lông? Mẹ cổ có thể cảm thấy thất vọng khi không nhìn thấy những vật biểu trưng cho sự lành mạnh của bà? Có một điều chắc chắn là Ruth sẽ không mang cái ghế bành bọc nhung của bà. Nó sắp sụm xuống đến nơi rồi. Cô sẽ mua cho mẹ cô một cái ghế dựa mới đẹp hơn, lót da màu đỏ. Chỉ nghĩ thế thôi cũng khiến cô sung sướng. Cô có thể nhìn thấy trước cảnh mắt mẹ cô ngời lên rực rỡ vì ngạc nhiên và vui thích, trong khi thử độ nảy của nệm và lẩm bẩm "Ồ mềm mại quá, tốt quá!" Buổi tối cô đánh xe đến câu lạc bộ cao cấp Bruno để gặp Art. Mấy năm trước họ thường đến đây tạo một khúc nhạc dạo đầu cho một đêm lãng mạn. Nhà hàng có những lô riêng cho phép họ ngồi thật gần nhau, âu yếm nhau. Cô đậu xe ở một góc cách nhà hàng một khối nhà và khi nhìn đồng hồ cô thấy mình đã đến sớm 15 phút. Cô không muốn tỏ ra quá nhiệt tình. Trước mặt cô là hiệu sách Modern Times. Cô bước vào. Như vẫn thường làm trong một hiệu sách, cô bước lại chỗ cái bàn để sách bán rẻ, giá hạ xuống đồng loạt còn 3 đô 98 cent với cái nhãn màu vàng chanh được coi như cái bảng số hiệu móc vào ngón chân người chết. Ở đây có những cuốn sách có tựa "Niết bàn của mang rộng: Nối kết với một ý thức cao hơn" Ted, tác giả của cuốn "Tinh thần Internet" đã đúng. Đề tài của ông có tính nhạy cảm về mặt thời gian. Vậy là nó đã tiêu rồi. Cô cảm thấy sự cám dỗ của cảm giác hả hê tội lỗi. Trên bàn dành cho tiểu thuyết là một tập hợp những cuốn truyện mà phần lớn là tỉêu thuyết đương thời của các tác giả không được quần chúng biết đến. Cô nhặt lên một cuốn sách mỏng. Quyển sách  nằm trên tay cô với vẻ biết ơn, mời gọi cô mang nó vào trong giường dưới ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn ngủ. Cô nhặt thêm một cuốn nữa, cầm trên tay, lật xem lướt vài trang, đôi mắt và  trí tưởng tượng của cô nhặt lấy vài dòng ở chỗ này chỗ kia. Cô bị thu hút l.ai gần những cuốn sách này, các lăng kính của  những thời đại khác nhau và các cuộc đời khác nhau, trong cô một môi đồng cảm, như thể đó là những con chó trong một trại dành cho súc vật vô thừa nhận, bị bỏ rơi chẳng vì lý do gì,  hy vọng chúng lai được đoái hoài một lần nữa. Cô rời hiệu sách mang theo trong túi năm cuốn sách.

Art đang ngồi ở quầy bar của Bruno đã được làm lại một cách khoa trương tốn kém. "Trông em có vẻ rất vui" anh nói.

"Em á?" Cô hỏi lại và cảm thấy xấu hổ. Lúc sau này, Wendy, Gideon và vài người khác thường nói là trông cô có vẻ rất dễ xúc động, rằng cô hình như đang buồn chán hoặc mất tinh thần, hoặc bối rối hoặc sửng sốt. Mỗi lần nghe một nhận xét như vậy, Ruth không còn khả năng nhận ra bất cứ một xúc cảm cụ thể nào nữa. Rõ ràng cô đã bỉêu lộ một điều gì trên khuôn mặt. Tuy vậy làm sao cô có thể biết những cảm xúc ấy thể hiện như thế nào trên mặt cô?

Người phục vụ đưa họ vào một cái lô vừa được làm lại bằng da mềm. Người ta đã nỗ lực để tất cả mọi thứ trong nhà hàng này vẫn y nguyên như thế, cứ như thể chẳng có gì thay đổi trong năm mươi năm qua, trừ giá cả và món khai vị thịt bạch tuộc. Trong lúc họ xem thực đơn, người bồi rượu mang đến một chai champagne.

"Anh đã gọi" Art thì thầm, "cho ngày kỷ niệm của chúng ta…Em không nhớ à? Câu lạc bộ yoga khoả thân? Cái gã trai đồng tính? Mới dưới mà đã 10 năm rồi".

Ruth cười. Cô không nhớ. Trong lúc người bồi rót rượu, cô thì thầm với anh "Em đã nghĩ anh có đôi chân dài để đẹp đối với một kẻ truỵ lạc".

Khi họ còn lại với nhau, Art kéo ống quần lên "Mười năm qua rồi, điều đáng ngạc nhiên nhất là vẫn còn vài điều đáng bận tâm và cái hy vọng là chúng ta sẽ trở lại nơi chúng ta bên nhau". Anh vuốt tay lên chân cô và nói "Chúng ta sẽ thử một lần nữa".

"Cái gì?"

"Yoga khoả thân".

Một làn sóng xúc cảm ấm áp tràn ngập trong lòng cô. Mấy tháng sống với mẹ làm cho cô lại có cảm giác của một trinh nữ.

"Này cưng, sau bữa ăn muốn quay lại chỗ anh không?" Cô cảm thấy lòng mình rộn ràng vì viễn cảnh ấy.

Người  bồi lại đứng trước mặt họ lần nữa, sẵn sàng nghe những món khách gọi. Quý bà đây và tôi muốn bắt đầu bằng món sò" Art nói. "Đây là cuộc hẹn hò đầu tiên của chúng tôi, vì thế chúng tôi cần những món ăn kích thích nhiều hơn. Anh có gợi ý gì không?"

"Đó có thể là mo;nó Kumamotos" Người bồi nói không hề thay đổi nét mặt.

Đêm ấy họ không làm tình ngay. Họ nằm trên giường, Art âu yếm cô, cửa sổ phòng ngủ mở vì thế họ có thể nghe thấy tiếng còi báo sương. "Trong tất cả những năm đôi ta bên nhau" anh nói "anh đã không nghĩ là anh biết phần quan trọng trong em. Em cứ giữ bí mật mãi thôi. Em giấu mình. Cứ như thể anh chưa bao giờ nhìn thấy em trần truồng và anh phải tưởng tượng trông em như thế nào dưới tấm áo".

"Em không có ý thức giấu diếm bất cứ điều gì" Sau khi Ruth nói thế, cô tự hỏi liệu điều đó có đúng không. Còn nữa, ai lại bỉêu lộ tất cả - sự bực bội khó chịu, nỗi sợ hãi? Mệt mỏi làm sao. Anh ngụ ý gì khi nói đến những bí mật?

"Anh muốn chúng ta gần gũi với nhau hơn. Anh muốn biết em muốn gì. Không chỉ giữa hai ta mà với cuộc đời. Cái gì làm em hạnh phúc nhất? Em có đang làm cái điều em muốn không?"

Cô cười với vẻ bồn chồn "Đó là điều em hướng dẫn người khác, sự gần gũi về mặt tâm hồn. Em có thể miêu tả các cách thức tìm kiếm hạnh phúc trong 10 chương, nhưng em vẫn không biết hạnh phúc là gì".

"Tại sao em lại cứ đẩy anh ra xa?"

Cô cứng người lại. Cô không thích cái kiểu Art làm như anh hiểu cô hơn chính bản thân cô. Cô cảm thấy anh đang lay cánh tay cô.

 "Anh xin lỗi. Anh không muốn nói thế. Anh không thích làm em căng thẳng. Anh chỉ đang cố hiểu em mà thôi. Khi anh nói với người phục vụ rằng đây là buổi hò hẹn đầu tiên của chúng ta là anh có cái ý ấy. Anh muốn giả vờ là anh mới vừa gặp em lần đầu, anh muốn biết em là ai. Anh yêu em, Ruth, nhưng anh còn chưa biết về em và anh rất muốn biết cái người này là ai. Cái người mà anh yêu ấy. Thế thôi".

Ruth dụi đầu vào ngực anh. "Em không biết. Em không biết" cô nói với giọng mượt như nhung. "Đôi khi em có cảm tưởng em chỉ là một cặp mắt và đôi tai, em chỉ muốn hai tiếng bình an và hiểu được điều gì đang diễn ra xung quanh. Em biết cái gì phải tránh, cái gì phải lo. Em giống như những đứa trẻ sống ở một nơi đầy những hòn tên mũi đạn. Em không muốn bị đau, không muốn bị chết và không muốn nhìn những người quanh mình chết. Em không có bất cứ thứ gì bên trong giúp em hình dung ra em thích hợp với nơi nào và em muốn gì. Nếu em muốn bất cứ điều gì thì đó là biết cái gì có thể mong muốn".

Chú thích:

[1] viết tắt của Initia Purchase Offering

[2] viết tắt của Standard and Poor, một cơ sở đánh giá tình hình cổ phiếu ở Mỹ, tương tự như dow Jones

[3] một cách nói dỗ dành một đứa bé khi nó ngã để nó không chú ý đến chỗ đau nữa

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích