Tư Duy Nhanh Và Chậm
Phần 4 - Chương 30: Các biến cố hiếm

Tôi đã thăm lại Israel một vài lần trong suốt quãng thời gian các vụ đánh bom liều chết trên xe bus xảy ra khá phổ biến, dù trong các điều kiện thông thường rất ít có khả năng xảy ra. Có tổng cộng 23 vụ đánh bom trong khoảng giữa tháng 12 năm 2001 và tháng 9 năm 2004, đã gây ra tổng cộng 236 cái chết thảm khốc. Số lượng người đi xe bus hàng ngày tại Israel xấp xỉ 1.3 triệu người (tại thời điểm đó). Rất ít hành khách rơi vào tình huống rủi ro trên nhưng công chúng vẫn cảm thấy rất sợ hãi khi đi xe bus. Người dân đã tránh đi xe bus hết sức có thể, nhiều hành khách trên xe bus lo lắng nhìn lướt qua những người bên cạnh có những túi xách hoặc bọc quần áo mà sợ rằng có thể có bom trong các túi đó.

Tôi hiếm khi đi xe bus, vì tôi di chuyển bằng xe thuê riêng, nhưng tôi cảm thấy thất vọng khi phát hiện ra rằng cách hành xử của mình cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo sợ chung đó. Tôi phát hiện ra rằng mình không thích đậu xe cạnh xe bus khi đang chờ đèn đỏ và mỗi khi đèn chuyển màu xanh tôi đã lái xe đi nhanh nhất có thể. Tôi đã tự cảm thấy xấu hổ, bởi dĩ nhiên tôi là người hiểu biết hơn, tôi biết rằng rủi ro thực sự xảy ra không đáng kể và rằng bất kỳ hành động nào của tôi sẽ áp đặt một “trọng số quyết định” cao quá mức lên một xác suất rất nhỏ. Thực tế, tôi đã suýt bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi hơn là vì bị tai nạn khi đỗ cạnh một chiếc xe bus. Nhưng tôi đã không né tránh xe bus lâu vì thực sự không có lý do hợp lý để tôi phải làm điều đó. Thứ đã đưa đẩy tôi đến hành động tránh xa xe bus là trải nghiệm thời điểm khi tôi ở cạnh một chiếc xe bus, tôi thường nghĩ tới những quả bom và cảm thấy lo lắng. Tôi tránh xe bus bởi tôi muốn nghĩ về những điều khác hơn là nghĩ đến những quả bom.

Trải nghiệm của tôi giải thích cho việc khủng bố diễn ra như thế nào và tại sao nó lại gây ảnh hưởng lo sợ đến mọi người đến vậy, vì nó đã khơi ra một nỗi lo sợ đã thường trực sẵn trong tâm lý của chúng ta. Hình ảnh về cái chết và tổn hại được giới truyền thông đặc biệt chú ý đưa tin và nếu nó được gắn liền với một tình huống cụ thể giống như cảnh tượng đánh bom trên một chiếc xe bus thì càng nhận được sự chú ý quan tâm và tranh cãi của dư luận. Cảm xúc bị khuấy động, chúng có tính liên kết, tự động và không kiểm soát được và nó sinh ra hành động tự bảo vệ trong mỗi chúng ta. Hệ thống 2 có thể “biết được” rằng xác suất những rủi ro trên là thấp nhưng sự am hiểu này của Hệ thống 2 không loại trừ nỗi lo lắng tự nó tạo ra và mong muốn tránh xa các mối lo này. Hệ thống 1 không thể rẽ sang hướng khác. Nó cũng không cảm nhận được mức độ chính xác của xác suất có thể xảy ra. Giả định rằng hai thành phố đã được cảnh báo về những kẻ đánh bom liều chết. Các cư dân của một thành phố được thông báo rằng hai kẻ đánh bom đã sẵn sàng tấn công. Các cư dân của một thành phố khác được cảnh báo về việc một kẻ đánh bom. Rủi ro của họ đã thấp hơn một nửa nhưng họ có cảm thấy an toàn hơn.

Nhiều cửa hàng kinh doanh vé số rất phát đạt ở thành phố New York. Tâm lý của chúng ta khi nghĩ về những tờ vé số trúng giải cao tương tự với tâm lý khi chúng ta nghĩ về hoạt động khủng bố. Việc trúng giải thưởng lớn được diễn ra tại cộng đồng và được củng cố thêm bởi các cuộc buôn chuyện tại công sở và ở nhà. Vì thế việc mua vé số ngay lập tức khiến chúng ta liên tưởng ngay đến những cảm xúc dễ chịu, giống như việc tránh một chiếc xe bus đã ngay lập tức giúp chúng ta tưởng tưởng đến sự giảm nhẹ nỗi sợ về đánh bom. Trong cả hai trường hợp, xác suất thực tế xảy ra ít. Công thức ban đầu của lý thuyết viễn cảnh đã bao gồm đối số “các biến cố không chắc xảy ra cao hoặc thấp hoặc được đặt trọng số quá mức”, nhưng nó đã không chỉ rõ các điều kiện theo đó cái này hay cái khác sẽ xảy ra, cũng không đặt ra một sự diễn giải tâm lý cho nó. Quan điểm hiện tại của tôi về các trọng số quyết định đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nghiên cứu gần đây về vai trò của các cảm xúc và sự sống động của hoạt động ra quyết định. Việc đặt trọng số quá mức cho các kết quả không chắc chắn xảy ra được bắt rễ từ các đặc tính của Hệ thống 1 mà giờ đây chúng tương tự như nhau. Cảm xúc và tính sống động của hoạt động chi phối sự liên tưởng trôi chảy và những đánh giá về khả năng có thể xảy ra, do vậy chúng tôi đã không bỏ qua trong báo cáo những phản ứng quá mức của chúng tôi đối với một vài biến cố hiếm.

SỰ ĐÁNH GIÁ QUÁ CAO VÀ TRỌNG SỐ VƯỢT MỨC

Đánh giá của bạn về khả năng vị Tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ sẽ là một ứng viên của Đảng thứ ba là gì?

Bạn sẽ trả bao nhiêu cho một vụ cá cược mà trong đó bạn nhận về 1.000 đô-la nếu vị Tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ là một ứng viên Đảng thứ ba và không nhận được đồng nào cho những phương án khác?

Hai câu hỏi trên khác nhau nhưng rõ ràng có liên quan. Câu thứ nhất yêu cầu bạn ước định xác suất của một biến cố không chắc xảy ra. Câu thứ hai mời chào bạn đưa ra một trọng số quyết định lên cùng một biến cố, bằng cách đặt ra một trò cá cược dựa trên đó. Người ta đưa ra các đánh giá như thế nào và người ta áp đặt các trọng số như thế nào? Chúng tôi bắt đầu từ hai câu trả lời đơn giản, sau đó sửa đổi chúng. Đây là những câu trả lời đơn giản hóa quá mức:

  • Người ta đánh giá quá mức các xác suất của các biến cố không chắc xảy ra.
  • Người ta đặt trọng số quá mức các biến cố không chắc xảy ra trong các quyết định của mình.

Mặc dù sự đánh giá quá cao và việc đặt trọng số quá mức là các tình huống riêng biệt thì các cơ chế tâm lý cùng loại cũng tham gia vào cả quá trình này và dễ dàng để nhận thức.

Những mô tả cụ thể kích hoạt cơ chế liên kết của Hệ thống 1. Khi bạn nghĩ về chiến thắng không chắc chắn xảy ra của một ứng viên Đảng thứ ba, hệ thống liên kết của bạn vận hành trong chế độ xác nhận mặc định của nó, khôi phục lại một cách có chọn lọc những dấu hiệu, các ví dụ và những hình ảnh sẽ khiến cho lời tuyên bố của nó là đúng. Quá trình này được thiên vị nhưng nó không phải là một sự vận dụng vào trong tưởng tượng của chúng ta. Bạn tìm kiếm một kịch bản phù hợp với những khuôn khổ của thực tế, bạn đã không dễ dàng để hình dung ra bà tiên phương Tây làm lễ nhậm chức cho một vị Tổng thống Đảng thứ ba như thế nào. Đánh giá của bạn về xác suất cuối cùng được xác nhận bởi sự thoải mái về nhận thức hoặc sự trôi chảy, cùng với nó là một kịch bản hợp lý sẽ xuất hiện trong đầu.

Bạn luôn không tập trung vào biến cố mà bạn được yêu cầu đánh giá. Nếu biến cố mục tiêu rất có thể xảy ra, bạn sẽ tập trung vào một trong hai chọn lựa của nó. Xem xét ví dụ sau:

Xác suất để một đứa trẻ được sinh ra trong vòng 3 ngày tại bệnh viện địa phương ở nơi bạn sống sẽ được ra viện là bao nhiêu?

Bạn đã được yêu cầu ước tính xác suất của đứa trẻ được trở về nhà, nhưng bạn gần như chắc chắn đã tập trung vào những biến cố mà có thể dẫn tới việc đứa bé không được xuất viện trong khoảng thời gian thông thường. Trí não của chúng ta có khả năng tập trung một cách tự nhiên vào những gì dị thường, khác biệt hoặc khác thường. Bạn đã nhận ra ngay rằng những đứa bé ở Mỹ (không phải ở tất cả các nước có ngưỡng giống nhau) được ra viện trong vòng hai hoặc ba ngày là chuyện thông thường, do vậy sự chú ý của bạn đã chuyển sang lựa chọn khác thường. Biến cố không chắc chắn xảy ra trở thành tiêu điểm. Phỏng đoán sẵn có rất có khả năng được khơi dậy: Sự đánh giá của bạn hầu như chắc chắn đã có dựa trên kịch bản về những vấn đề y tế mà bạn đã đưa ra và chúng đã hiện lên trong đầu bạn một cách tự nhiên. Bởi bạn đã ở trong trạng thái xác nhận, đây là một cơ hội tốt mà sự đánh giá của bạn về tính thường xuyên của các vấn đề là quá cao.

Xác suất của một biến cố hiếm hầu như có khả năng bị đánh giá quá cao khi sự chọn lựa không được định rõ một cách đầy đủ. Ví dụ ưa thích của tôi xuất phát từ một nghiên cứu mà nhà tâm lý học Craig Fox đã tiến hành khi còn là sinh viên của Amos. Fox đã tập hợp các cổ động viên của môn bóng rổ chuyên nghiệp, suy ra một vài sự đánh giá và quyết định liên quan đến đội giành chiến thắng ở các trận đấu tại giải NBA. Nhìn chung, ông đã đề nghị họ đánh giá xác suất giành phần thắng vòng đấu loại của từng đội trong số tám đội tham gia; chiến thắng của từng đội đã trở thành biến cố trọng tâm.

Bạn có thể đoán chắc được điều gì đã xảy ra nhưng tầm quan trọng của hiệu ứng mà Fox đã quan sát được có thể khiến bạn ngạc nhiên. Hãy hình dung một người hâm mộ được đề nghị đánh giá các khả năng mà đội Chicago Bulls sẽ chiến thắng giải đấu. Các biến cố trọng tâm được xác định rõ ràng nhưng sự thay thế của nó – một trong bảy đội khác chiến thắng – khuếch tán và ít gợi lên. Trí nhớ của người hâm mộ và sự tưởng tượng, vận hành trong chế độ xác nhận, đang cố gắng để tạo lập một chiến thắng cho Bulls. Khi vẫn người đó được đề nghị ước lượng các cơ hội của đội Lakers, sự kích hoạt có chọn lựa sẽ vận hành theo hướng có lợi cho đội đó. Tám đội bóng rổ chuyên nghiệp hàng đầu ở Mỹ đều rất cừ và có thể hình dung ngay cả một đội tương đối yếu trong số đó cũng có thể nổi lên như một nhà vô địch. Kết quả là: Những đánh giá xác suất đã lần lượt tạo ra đối với tám đội có tổng là 240%! Dĩ nhiên, mô hình này thật hết sức vô lý bởi tổng cơ hội của cả tám biến cố bắt buộc phải là 100%. Sự vô lý đã biến mất khi vẫn những người thẩm định này được hỏi liệu rằng đội chiến thắng có thể đến từ miền Đông hay miền Tây. Biến cố tập trung và những chọn lựa của nó đã cân bằng rõ ràng với câu hỏi đó và những đánh giá về xác suất của chúng đã có tổng là 100%.

Để ước định các trọng số quyết định, Fox cũng đã đề nghị những người hâm mộ bóng rổ tham gia cá cược kết quả giải đấu. Họ đã quy định một khoản tương đương tiền cho mỗi lần đặt cược (một lượng tiền mặt vừa đủ hấp dẫn giống như việc chơi cá độ). Người thắng cược sẽ nhận được phần thưởng 160 đô-la. Tổng của các khoản tiền tương đương tiền cho tám đội riêng lẻ là 287 đô-la. Một người chơi trung bình đặt cả tám cửa sẽ được bảo đảm một mức thua là 127 đô-la! Những người chơi biết chắc rằng có cả thảy tám đội trong giải đấu và khoản tiền thưởng trung bình cho việc đặt cược vào tất cả các đội không thể vượt quá 160 đô-la, tuy nhiên họ đã đặt vào việc cá cược trọng số quá mức. Những người hâm mộ không chỉ tập trung vào đánh giá quá cao xác suất của các biến cố, mà họ còn quá trông đợi để đặt cược vào chúng.

Những phát hiện này đã “tỏa ra ánh hào quang” mới lên sự ảo tưởng dự kiến và những biểu hiện khác về sự lạc quan. Thường dễ dàng để mường tượng một kế hoạch thành công khi một ai đó cố gắng dự đoán kết quả của một dự án. Ngược lại, thất bại lại phổ biến hơn, bởi có vô số cách khiến cho mọi thứ dễ rơi vào sai lầm. Các doanh nhân và nhà đầu tư đánh giá các triển vọng của họ thiên hơn về những cơ may của họ lẫn đặt trọng số quá cao vào các đánh giá của họ.

CÁC KẾT QUẢ SINH ĐỘNG

Như chúng ta đã thấy, lý thuyết viễn cảnh khác với lý thuyết thỏa dụng trong mối quan hệ giữa xác suất và trọng số quyết định. Trong lý thuyết thỏa dụng, các trọng số quyết định và xác suất là như nhau. Trọng số quyết định của một điều chắc chắn là 100. Và trọng số tương ứng với 90% cơ may chính xác là 90, nhiều hơn 9 lần so với trọng số quyết định của 10% cơ may. Trong lý thuyết viễn cảnh, những dao động về xác suất có ít hiệu ứng lên các trọng số quyết định. Một thí nghiệm mà tôi đã từng đề cập trước đây đã phát hiện ra rằng trọng số quyết định đối với 90% cơ may là 71.2 và trọng số quyết định đối với 10% cơ may là 18.6. Tỷ lệ xác suất là 9.0 nhưng tỷ lệ trọng số quyết định chỉ là 1.83, biểu thị độ nhạy không đầy đủ đối với xác suất trong giới hạn đó. Trong cả hai lý thuyết, các trọng số quyết định phụ thuộc duy nhất vào xác suất, chứ không vào kết quả. Cả hai lý thuyết dự đoán rằng trọng số quyết định của 90% cơ hội là giống nhau cho việc chiến thắng 100 đô-la, nhận một bó hồng, hay bị điện giật. Sự dự đoán mang tính lý thuyết này biến thành sai lầm.

Các nhà tâm lý học ở trường Đại học Chicago đã công bố bản báo cáo với tựa đề hấp dẫn “Tiền tài, những nụ hôn và những vụ điện giật: Dựa trên tâm lý dễ xúc động trước rủi ro.” Phát hiện của họ là sự đánh giá về các trò may rủi ít nhạy bén với xác suất khi các kết quả (giả tưởng) dễ gây xúc động (“gặp gỡ và hôn ngôi sao truyền hình ưa thích của họ” hoặc “hứng chịu một cú sốc đau đớn, nhưng không gây hại, giật điện”) so với khi các kết quả là những lợi ích hoặc tổn thất về tiền. Đây không phải là một phát hiện duy nhất. Những nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra, sử dụng các thước đo sinh lý như là nhịp tim, rằng nỗi sợ về một vụ giật điện sắp xảy ra về cơ bản là không tương quan với xác suất của việc nhận cú điện giật đó. Xác suất nhỏ nhất của một cú điện giật đã gây ra sự bùng phát phản ứng sợ hãi. Nhóm Chicago đã dự tính rằng “hình ảnh có tác động nặng nề” đã lấn át sự phản ứng với xác suất. 10 năm sau, một nhóm các nhà tâm lý học tại Princeton đã không thừa nhận kết luận đó.

Nhóm Princeton đã lập luận rằng độ nhạy thấp trước xác suất đã từng quan sát được đối với những kết quả mang tính cảm xúc là bình thường. Các trò may rủi về tiền bạc là biệt lệ. Độ nhạy trước xác suất là tương đối cao đối với những trò may rủi, bởi chúng có một giá trị dự tính rõ ràng.

Số lượng tiền mặt nào hấp dẫn ngang với những trò may rủi sau?

A. 84% cơ may thắng 59 đô-la.

B. 84% cơ may nhận được 12 bông hồng đỏ trong một chiếc lọ thủy tinh.

Bạn chú ý vào điều gì? Khác biệt nổi bật đó chính là câu hỏi A dễ hơn câu hỏi B rất nhiều. Bạn đã không ngừng tính toán giá trị dự tính của trò cá cược, nhưng bạn hầu như chắc chắn bạn đã biết ngay rằng cơ may của bạn không vượt quá 50 đô-la (trong thực tế thì là 49.56 đô-la), và sự áng chừng không chính xác đủ để cung cấp một nguồn đáng tin cậy hữu ích khi bạn tìm kiếm một món quà bằng tiền mặt hấp dẫn không kém. Không hề có một nguồn đáng tin cậy nào như vậy hiện diện trong câu hỏi B, cũng bởi vậy mà khó trả lời hơn rất nhiều. Những người tham gia trả lời cũng đã ước định các trò may rủi tương đương tiền với 21% cơ may thu được hai kết quả. Như đã dự tính, sự khác biệt giữa xác suất cao với xác suất thấp ở những trò may rủi vì tiền là rõ rệt hơn rất nhiều so với những bông hồng.

Để củng cố lập luận vốn trên, nhóm nghiên cứu Princeton đã so sánh thiện ý chi trả để tránh những mạo hiểm:

21% khả năng (hoặc 84% khả năng) bỏ ra một kỳ nghỉ cuối tuần để sơn căn hộ ba phòng ngủ của một ai đó.

21% khả năng (hoặc 84% khả năng) dọn dẹp ba gian phòng trong một nhà tắm tập thể sau khi sử dụng trong suốt một kỳ nghỉ cuối tuần.

Kết quả thứ hai chắc chắn cảm tính hơn nhiều so với kết quả đầu tiên nhưng các trọng số quyết định đối với cả hai kết quả không hề khác. Hiển nhiên, cảm xúc nhạy bén không phải là câu trả lời.

Một thí nghiệm khác đã mang lại một kết quả đáng ngạc nhiên. Những người tham gia đã nhận được thông tin giá cả rõ ràng cùng với sự mô tả bằng lời về giá cả. Một ví dụ có thể là:

84% cơ may giành được: 12 bông hồng đỏ trong một bình thủy tinh. Trị giá 59 đô-la.

21% cơ may giành được: 12 bông hồng đỏ trong một bình thủy tinh. Trị giá 59 đô-la.

Thật dễ để ước định giá trị về tiền bạc dự tính của những trò may rủi này, nhưng việc thêm vào một giá trị tiền bạc cụ thể không làm thay đổi các kết quả: các đánh giá vẫn không nhạy với xác suất, ngay cả trong điều kiện đó. Những người nghĩ về món quà như là một cơ may để nhận được những bông hồng đã không sử dụng thông tin về giá như là một nguồn tin cậy trong việc đánh giá trò may rủi. Như các nhà khoa học đôi lúc vẫn nói, đó là một phát hiện gây ngạc nhiên đang cố gắng tiết lộ cho chúng ta biết đôi điều gì đó. Câu chuyện đang cố gắng tiết lộ cho chúng ta biết điều gì?

Tôi tin rằng, câu chuyện là một sự hình dung rất hay và sinh động về kết quả, dù cho nó có cảm xúc hay không, làm giảm vai trò của xác suất trong sự đánh giá một viễn cảnh không chắc chắn xảy ra. Giả thuyết này gợi ra một sự dự đoán, trong đó tôi có được sự tự tin kha khá: Việc thêm những chi tiết không liên quan nhưng sinh động vào kết quả về tiền bạc cũng phá vỡ sự tính toán. So sánh những vật tương đương tiền của bạn với những kết quả sau đây:

21% (hoặc 84%) khả năng nhận được 59 đô-la vào thứ Hai tới.

21% (hoặc 84%) khả năng nhận được một phong bì bìa cứng màu xanh lớn có 59 đô-la bên trong vào sáng thứ Hai tới.

Giả thuyết mới này sẽ ít nhạy cảm với xác suất hơn so với trường hợp thứ hai, do chiếc phong bì màu xanh gợi ra một sự hình dung phong phú và chính xác hơn so với khái niệm trừu tượng về một khoản tiền. Bạn đã lập ra biến cố trong đầu mình và hình ảnh sinh động về kết quả đó tồn tại ngay cả khi bạn biết rằng xác suất của nó là thấp. Sự nhận thức một cách dễ dàng góp phần vào hiệu ứng chắc chắn như là: Khi bạn kìm nén một hình ảnh sinh động về một biến cố, xác suất nó không xảy ra cũng được gợi lại một cách sống động và cũng được đặt trọng số quá mức. Sự kết hợp của một hiệu ứng xác suất nâng cao với một hiệu ứng chắc chắn nâng cao nhường chỗ cho các trọng số quyết định với sự thay đổi giữa các khả năng 21% với 84%.

CÁC XÁC SUẤT MẠNH MẼ

Ý nghĩ rằng sự phong phú, sống động và sự thoải mái trong việc liên tưởng góp phần để các trọng số quyết định đạt được sự ủng hộ từ nhiều người quan sát khác. Những người tham gia vào một thí nghiêm nổi tiếng đã được trao cho một lựa chọn về việc lấy một hòn bi từ một trong hai chiếc lọ, trong đó những viên bi đỏ thắng một phần thưởng:

Lọ A chứa 10 viên bi, trong đó có 1 viên màu đỏ.

Lọ B chứa 100 viên bi, trong đó có 8 viên đỏ.

Bạn sẽ chọn lọ nào? Cơ may chiến thắng là 10% ở lọ A và 8% ở lọ B, do vậy đưa ra lựa chọn đúng hẳn sẽ thật dễ dàng nhưng thực tế không phải vậy: Khoảng 30% - 40% nhà nghiên cứu đã chọn chiếc lọ có chứa số những viên bi chiến thắng lớn hơn, thay vì chiếc lọ đưa ra một cơ hội chiến thắng khả quan hơn. Seymour Epstein đã lập luận rằng các kết quả này minh họa cho đặc trưng xử lý bên ngoài của Hệ thống 1 (thứ mà ông gọi là phương thức dựa trên kinh nghiệm).

Như bạn có thể dự tính, những lựa chọn dại dột khác thường mà người ta đã đưa ra trong trường hợp này đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Khuynh hướng này đã được đặt cho một vài cái tên, theo như Paul Slovic tôi sẽ gọi nó là Mẫu thức bỏ quên. Nếu sự chú ý của bạn bị hút về những viên bi chiến thắng, bạn không ước định số lượng những viên bi không chiến thắng cùng với sự cẩn trọng tương tự. Hình ảnh sống động góp phần vào mẫu thức bỏ quên, chí ít thì như tôi đã trải nghiệm điều này. Khi tôi nghĩ tới chiếc lọ nhỏ, tôi thấy được một viên bi đỏ duy nhất trên một nền tảng được xác định một cách áng chừng của những viên bi trắng. Khi tôi nghĩ về chiếc lọ lớn hơn, tôi thấy được 8 viên bi đỏ chiến thắng trên một nền tảng không rõ ràng của những viên bi trắng, nó tạo ra một cảm giác hy vọng nhiều hơn. Tính sinh động đặc biệt của những viên bi chiến thắng gia tăng trọng số quyết định của biến cố đó, làm tăng hiệu ứng xác suất. Dĩ nhiên, điều tương tự cũng sẽ xảy ra chính xác với hiệu ứng chắc chắn. Nếu tôi có 90% cơ may thắng một phần thưởng, biến cố của việc không chiến thắng sẽ trở nên nổi bật nếu 10 trong số 100 viên bi là “những kẻ thua cuộc” hơn là nếu 1 trong số 10 viên bi đem lại kết quả tương tự.

Ý niệm về mẫu thức bỏ quên giúp lý giải tại sao các cách thức khác nhau của việc truyền đạt những rủi ro biến đổi rất nhiều trong các tác động của chúng. Bạn đã đọc được rằng “một liều vắc-xin có thể bảo vệ trẻ em khỏi một dịch bệnh chết người có 0.001% nguy cơ bị bại liệt mãi mãi.” Nguy cơ có vẻ như rất nhỏ. Giờ hãy cân nhắc một sự mô tả khác về cùng một nguy cơ: “Một trong số 100.000 trẻ em được tiêm vắc-xin sẽ bị bại liệt vĩnh viễn.” Cách diễn đạt thứ hai đề cập tới một vài điều trong đầu bạn mà cách thứ nhất không nói đến: Nó gợi ra hình ảnh của một đứa trẻ riêng lẻ nào đó bị bại liệt vĩnh viễn bởi một liều vắc-xin; 999.999 đứa trẻ được tiêm vắc-xin an toàn đã chìm dần vào hậu cảnh. Như đã dự đoán bởi mẫu thức bỏ quên, các biến cố có xác suất thấp thường được đặt trọng số cao khi được mô tả trong mối tương quan với các tần suất (bao nhiêu lần) hơn rất nhiều so với khi được phát biểu một cách trừu tượng trong mối quan hệ với “các cơ hội”, “rủi ro”, hoặc “xác suất” (có thể xảy ra như thế nào). Như chúng ta đã thấy, Hệ thống 1 có hiệu lực với việc áp dụng với các cá nhân hơn rất nhiều so với các nhóm.

Tác động của dạng thức tần suất là rất lớn. Trong một nghiên cứu, những người đã thấy được thông tin về “một dịch bệnh đã làm chết 1.286 người trong mỗi 10.000 người nhiễm bệnh” đã được đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều so với những người được thông báo rằng “một dịch bệnh đã làm chết 24.14% dân số”. Điều đầu tiên tỏ vẻ có sức đe dọa nhiều hơn điều thứ hai, mặc dù rủi ro của điều đầu tiên chỉ lớn bằng một nửa điều sau đó! Trong biểu hiện thậm chí còn trực tiếp hơn của mẫu thức bỏ quên“, một dịch bệnh đã làm chết 1.286 người trong mỗi 10.000 người nhiễm bệnh” được đánh giá là nguy hiểm hơn một dịch bệnh đã “làm chết 24.14 người trong số 100 người nhiễm bệnh.” Hiệu ứng này chắc chắn sẽ được làm giảm hoặc triệt tiêu nếu những người tham gia được đề nghị làm một phép so sánh trực tiếp hai phép tính theo công thức, một nhiệm vụ rõ ràng cần phải dùng tới Hệ thống 2. Tuy nhiên, cuộc sống thường là một sự trải nghiệm giữa các chủ thể, trong đó bạn chỉ thấy được một sự trình bày có hệ thống tại một thời điểm. Nó sẽ điều khiển Hệ thống 2 hoạt động một cách đặc biệt nhằm tạo ra các phép tính theo công thức khác về điều mà bạn thấy được và để khám phá ra rằng chúng gọi ra một câu trả lời khác.

Các nhà Tâm lý học và chuyên gia Tâm thần pháp y có kinh nghiệm không được miễn dịch với những tác động của dạng thức này trong đó các rủi ro được nói rõ ràng. Trong một thí nghiệm, các chuyên gia đã đánh giá xem liệu có an toàn không khi cho một bệnh nhân tâm thần, ông Jones, xuất viện với một tiền sử bạo lực. Thông tin mà họ nhận được là những đánh giá của chuyên gia về nguy cơ hàng động. Những số liệu thống kê giống nhau được miêu tả theo hai cách:

Các bệnh nhân tương tự như ông Jones được đánh giá là có 10% xác suất phạm phải hành động bạo lực với người khác trong những tháng đầu sau khi được ra viện.

Cứ 100 bệnh nhân tương tự như ông Jones có 10 người phạm phải một hành động bạo lực đối với những người khác trong những tháng đầu sau khi được ra viện.

Các chuyên gia đã thấy định dạng tần số gần như lớn gấp hai lần khả năng từ chối xuất viện (41%, so với 21% trong định dạng xác suất). Sự miêu tả càng sinh động bao nhiêu sản sinh ra một trọng số quyết định lớn hơn bấy nhiêu cho cùng một xác suất.

Sức mạnh của dạng thức tạo ra các cơ hội cho sự thao túng, mà con người cùng với một mục đích cá nhân phải đạt được biết phải tận dụng nó như thế nào. Slovic và đồng sự của mình trích dẫn một bài báo cáo tuyên bố rằng “khoảng chừng 1.000 vụ giết người hàng năm trên cả nước được gây ra bởi các cá nhân bị bệnh tâm thần nặng đã không được chữa trị.” Một cách diễn đạt khác về cùng một sự thực đó là “1.000 trong số 273 triệu người Mỹ sẽ chết theo kiểu này mỗi năm.” Một cách khác đó là “Khả năng bị giết bởi một cá nhân như vậy là khoảng 0,00036% mỗi năm.” Vẫn còn cách khác là: “1.000 người Mỹ sẽ chết theo cách này mỗi năm, hoặc ít hơn 1/30 số người chết do tự tử và khoảng ¼ số người chết vì ung thư thanh quản.” Slovic chỉ ra rằng “những người theo chủ trương này khá cởi mở với động cơ của họ: Họ muốn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho công chúng về hành động bạo lực gây ra bởi những người rối loạn tâm thần, với hy vọng rằng nỗi sợ này sẽ chuyển hóa thành số lượng kinh phí tăng thêm cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.”

Một luật sư giỏi mong muốn loại bỏ hoài nghi về chứng cứ DNA sẽ không nói với hội đồng xét xử rằng “khả năng xảy ra sự trùng khớp nhầm lẫn là 0.1%.” Cách diễn đạt “sự trùng khớp nhầm lẫn xảy ra với 1 trong số 1.000 trường hợp tai hại” có khả năng vượt qua ngưỡng hoài nghi hợp lý hơn rất nhiều. Các thành viên ban bồi thẩm nghe được những lời đó được đề nghị tạo ra một liên tưởng về người đàn ông đang ngồi trước mặt họ trong phòng xử án đang bị kết án sai bởi chứng cứ DNA có sơ hở. Dĩ nhiên, công tố viên sẽ thiên về khung hình trừu tượng nhiều hơn – hy vọng nhằm khỏa lấp tâm trí các thành viên ban bồi thẩm với những dấu phảy thập phân.

CÁC QUYẾT ĐỊNH ĐẾN TỪ NHỮNG ẤN TƯỢNG CHUNG

Những giả thuyết dựa trên các chứng cứ đưa ra rằng: Sự chú tâm và sự nổi trội góp phần vào cả sự đánh giá quá cao các biến cố không chắc xảy ra lẫn việc đặt trọng số quá mức các kết quả không chắc xảy ra. Sự nổi trội tăng lên bởi sự đề cập tới một biến cố, bằng tính chất sống động của nó và bởi dạng thức mà trong đó xác suất được mô tả. Dĩ nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, trong đó việc tập trung vào một biến cố không làm tăng xác suất của nó: Các trường hợp trong đó một lý thuyết không đúng khiến cho một biến cố có vẻ như là bất khả thi ngay cả khi bạn nghĩ tới nó, hoặc các trường hợp mà trong đó việc không có khả năng tưởng tượng ra một kết quả có thể xảy ra như thế nào khiến bạn bị thuyết phục rằng nó sẽ không xảy ra. Khuynh hướng thiên về sự đánh giá quá cao và đặt trọng số quá mức lên các biến cố nổi bật không phải là một quy tắc thuần túy nhưng nó bao quát và thiết thực.

Trong những năm gần đây, những nghiên cứu về Chọn lựa dựa trên trải nghiệm, được quan tâm nhiều tuân theo những quy tắc khác nhau từ Chọn lựa dựa theo sự mô tả được phân tích trong lý thuyết viễn cảnh. Những người tham gia trong một thí nghiệm điển hình đối mặt với hai nút bấm. Khi ấn, mỗi nút đưa ra hoặc một khoản tiền thưởng hoặc chẳng gì cả và kết quả được bốc thăm một cách ngẫu nhiên dựa theo những điều khoản của một viễn cảnh (ví dụ: “5% thắng 12 đô-la” hoặc “95% khả năng thắng 1 đô-la”). Quá trình này thực sự diễn ra ngẫu nhiên, do vậy không hề có sự đảm bảo rằng mẫu mà một người tham gia trông thấy miêu tả chính xác thiết lập thống kê. Những giá trị dự tính kết hợp với hai nút bấm xấp xỉ bằng nhau nhưng một cái rủi ro (biến thiên) nhiều hơn so với cái khác. (Ví dụ: Một nút có thể đưa ra 10 đô-la trên 5% của các thử nghiệm và cái khác là 1 đô-la trên 50% của các thử nghiệm). Lựa chọn dựa trên sự trải nghiệm được thực hiện qua việc đặt người tham gia vào nhiều tình huống thử nghiệm, trong đó cô ta có thể quan sát các kết quả của việc nhấn nút này hay nút khác. Ở thử nghiệm quyết định, anh ta chọn một trong hai nút bấm và có được kết quả với thử nghiệm đó. Lựa chọn dựa trên sự mô tả được thực hiện qua việc cho thấy chủ thể miêu tả bằng lời về viễn cảnh mạo hiểm liên hệ với mỗi nút (như là “5% thắng 12 đô-la”) và đề nghị cô ta chọn lấy một. Như đã được dự tính từ lý thuyết viễn cảnh, lựa chọn dựa trên sự miêu tả gợi ra một hiệu ứng về khả năng là các kết quả hiếm thấy được đặt trọng số quá mức cân xứng với xác suất của chúng. Ngược lại hoàn toàn, việc đặt trọng số quá cao chưa từng được ghi nhận trong sự chọn lựa dựa theo kinh nghiệm và việc đặt trọng số thấp lại phổ biến.

Những lựa chọn qua sự trải nghiệm nhằm mục đích đưa ra nhiều tình huống trong đó chúng ta được đặt vào các kết quả biến đổi có cùng nguồn gốc. Một nhà hàng có uy tín có thể thi thoảng phục vụ một bữa ăn khác thường hoặc tệ hại. Người bạn của bạn thường ngày là một cộng sự tốt nhưng anh ta đôi lúc lại ủ rũ và hung hãn. California hay xảy ra động đất nhưng hy hữu. Các kết quả từ nhiều trải nghiệm gợi ra rằng các biến cố hiếm xảy ra không được đặt trọng số quá mức khi chúng ta đưa ra các quyết định như lựa chọn một nhà hàng ăn uống hoặc việc vặn chặt nồi hơi nhằm giảm thiểu thiệt hại động đất.

Việc làm sáng tỏ về sự lựa chọn dựa trên trải nghiệm cho tới nay chưa được giải quyết nhưng có sự thỏa thuận chung về nguyên nhân chính của việc đặt trọng số thấp những biến cố hiếm xảy ra, cả trong những thí nghiệm lẫn đời thực: Nhiều người tham gia chưa từng trải nghiệm biến cố hiếm! Hầu hết người California chưa từng trải nghiệm một trận động đất, năm 2007, không chủ ngân hàng nào trải qua khủng hoảng tài chính thảm khốc. Ralph Hertwig và Ido Erev nhận thấy rằng “các khả năng xảy ra các biến cố hiếm (như là sự tan vỡ của bong bóng nhà ở) nhận được ít tác động hơn so với những gì chúng đáng được hưởng theo như các xác suất mục tiêu của chúng.” Họ chỉ rõ sự thờ ơ của công chúng phản ứng lại với những mối đe dọa về môi trường trong dài hạn như là một ví dụ.

Những ví dụ về sự không chú ý này đều quan trọng và được lý giải một cách dễ dàng, nhưng việc đặt trọng số thấp cũng xảy ra ngay cả khi người ta đã thực sự trải nghiệm biến cố hiếm. Giả sử, bạn có một câu hỏi phức tạp mà hai đồng sự cùng phòng với bạn hầu như chắc chắn có thể trả lời được. Bạn đã biết hai người này suốt nhiều năm qua và có nhiều cơ hội để quan sát và kiểm định tính cách của họ: Adele khá kiên định và là người biết giúp đỡ người khác mặc dù đây không phải là cá tính chủ đạo của anh ta; Brian không thân thiện cho lắm và giúp đỡ người khác giống như Adele, vào một vài dịp, anh ta đã cực kỳ tử tế giành thời gian và lời khuyên của mình cho những người khác. Bạn sẽ tiếp xúc với ai?

Xem xét hai quan điểm có thể thực thi được về quyết định sau:

  • Đây là một sự lựa chọn giữa hai trò may rủi. Adele là một người gần gũi và chắc chắn dễ hiểu, còn Brian có nhiều khả năng mang lại một kết quả thua kém hơn một chút, với một xác suất thấp cho một kết quả cực kỳ tốt. Biến cố hiếm sẽ được đặt trọng số quá cao bởi một hiệu ứng xác suất, thiên về Brian.
  • Đây là một sự lựa chọn giữa những ấn tượng chung của bạn về Adele và Brian. Những trải nghiệm tốt và xấu mà bạn từng có đã góp phần vào sự hình dung về cách hành xử thông thường của họ. Trừ khi biến cố hiếm xuất hiện trong đầu một cách tách biệt (Brian đã có lần thóa mạ một đồng nghiệp khi anh này hỏi xin sự giúp đỡ), định chuẩn sẽ được thiên về hướng các trường hợp điển hình và gần đây, thiên về Adele.

Trong một ý nghĩ hai hệ thống, sự giải thích thứ hai xem ra hợp lý hơn nhiều. Hệ thống 1 tạo ra những hình dung chung về Adele và Brian, bao gồm một thái độ cảm xúc và một xu hướng tiếp cận hoặc xa lánh, để sự so sánh về những xu hướng này là cần thiết nhằm xác định “cánh cửa mà bạn sẽ gõ” tìm ra câu trả lời. Trừ khi biến cố hiếm xảy ra trong đầu bạn một cách rõ ràng, nó sẽ không được đặt trọng số cao. Việc áp dụng cùng ý tưởng này vào các thí nghiệm về sự lựa chọn dựa trên sự trải nghiệm không mấy phức tạp. Khi họ là đối tượng quan sát việc tạo ra các kết quả qua thời gian, hai nút bấm phát triển “các tính cách” hòa nhập với những hưởng ứng cảm xúc đi kèm.

Các điều kiện theo đó các biến cố hiếm bị bỏ qua hoặc đặt trọng số quá lớn giờ đây được nhận thức tốt hơn so với trước đây khi lý thuyết triển vọng được lập thành công thức. Xác suất của một biến cố hiếm sẽ (thường là không đều đặn) được đánh giá quá cao, bởi khuynh hướng chứng thực của trí nhớ. Khi nghĩ về biến cố, bạn cố gắng biến nó thành sự thực trong đầu mình. Một biến cố hiếm sẽ bị đặt trọng số quá cao nếu nó lôi cuốn được sự chú ý một cách cụ thể. Sự chú ý riêng biệt được bảo đảm một cách thực sự khi các triển vọng được mô tả rõ ràng (“99% khả năng thắng 1.000 đô-la và 1% khả năng chẳng có gì”). Những mối lo thường trực (xe bus ở Jerusalem), những hình ảnh sinh động (những bông hồng), những hình dung cụ thể (1 trong số 1.000), và những lời nhắc nhở rõ ràng (như trong lựa chọn dựa trên sự miêu tả) tất cả góp phần vào việc đặt trọng số quá cao. Và khi không còn hoạt động đặt trọng số quá cao nữa, sự sao nhãng sẽ thay thế. Khi nó trở thành những xác suất hiếm, trí óc của chúng ta không được dự tính tiếp nhận những thứ khá có lý. Đối với các cư dân của một hành tinh có thể được tiếp xúc với những biến cố mà chưa ai từng trải qua, đây chẳng thể là tin tốt lành.

PHÁT NGÔN VỀ NHỮNG BIẾN CỐ HIẾM

 

“Các trận sóng thần hiếm xảy ra ngay cả ở Nhật Bản, nhưng hình ảnh đó quá mạnh mẽ và ám ảnh tới nỗi các du khách ắt sẽ đánh giá quá mức xác suất xảy ra của chúng.”

“Đó là một chu kỳ thảm họa quen thuộc. Bắt đầu bằng sự cường điệu và việc đặt trọng số quá mức, sau đó sự sao nhãng bắt đầu xảy ra.”

“Chúng ta không nên tập trung vào một tình huống riêng lẻ, hoặc chúng ta sẽ đánh giá quá mức xác suất của nó. Hãy thiết lập những lựa chọn loại trừ riêng biệt và đặt ra các xác suất có tổng bằng 100%.”

“Họ muốn người ta lo lắng bởi rủi ro. Đó là lý do tại sao họ miêu tả 1 ca tử vong trên 1000 ca mắc phải. Họ đang tính toán dựa trên sự sao nhãng mẫu thức.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Tư Duy Nhanh Và Chậm Phần 4 - Chương 30: Các biến cố hiếm

Có thể bạn thích