Thế giới của Sophie
Chương 26: Kant

…bầu trời đầy sao trên đầu tôi và qui tắc đạo đức ở trong tôi…

Gần nửa đêm, thiếu tá Albert Knag gọi điện về chúc mừng sinh nhật Hilde. Mẹ Hilde nhấc máy.

“Điện thoại của con này, Hilde.”

“Allô?”

“Bố đây.”

“Bố điên à? Gần nửa đêm rồi!”

“Bố chỉ muốn nói Chúc mừng sinh nhật…”

“Bố đã chúc con cả ngày rồi.”

“…nhưng bố muốn đợi hết ngày rồi mới gọi điện.”

“Vì sao ạ?”

“Con nhận được quà của bố rồi đấy chứ?”

“Rồi ạ. Con rất cảm ơn bố.”

“Bố nhất định phải hỏi xem con thấy nó thế nào?”

“Tuyệt vời! Cả ngày hôm nay con gần như chưa ăn gì, quà của bố hay tuyệt!”

“Con đọc đến đâu rồi?”

“Hai người vừa mới vào trong căn nhà ông thiếu tá vì bố đem con rắn biển ra trêu họ.”

“À, thời kỳ Khai Sáng.”

“Và Olympe de Gouges.”

“Như vậy là bố đoán không sai mấy?”

“Sai gì cơ ạ?”

“Bố nghĩ là vẫn còn một lời chúc sinh nhật nữa, lần này sẽ có cả nhạc.”

“Con vẫn chưa thôi à?”

“Chưa bao giờ con đi học được nhiều bằng hôm nay. Khó mà tin được, từ lúc Sophie đi học về và tìm thấy chiếc phong bì đầu tiên đến giờ mới chưa đầy 24 tiếng.”

“Lạ phải không? Con chỉ cần có chừng ấy thời gian để đọc về một khoảng thời gian dài của Sophie.”

“Nhưng con cảm thấy hơi tội nghiệp…”

“Cho mẹ á?”

“Không, tội nghiệp cho Sophie.”

“Vì sao vậy?”

“Cô gái khốn khổ ấy hoàn toàn không còn biết chuyện gì đang xảy ra và mình nên làm gì nữa.”

“Nhưng đó chỉ là…”

“Bố định bảo cô ấy chỉ là tưởng tượng?”

“Ừ, đại loại là thế.”

“Con nghĩ là Sophie và Alberto thực sự tồn tại.”

“Bố con mình sẽ nói tiếp chuyện đó khi bố về nhé.”

“Vâng, thế cũng được.”

“Chúc con một ngày tốt lành!”

“Gì cơ ạ?”

“Ý bố là chúc con ngủ ngon.”

“Chúc bố ngủ ngon.”

Nửa tiếng sau, khi Hilde lên giường, trời vẫn còn đủ sáng để cô có thể nhìn thấy khu vườn và cái vịnh nhỏ. Vào thời gian này trong năm, trời không bao giờ tối hẳn.

Cô cảm thấy vui vui khi nghĩ về ý tưởng rằng cô đang ở trong một bức tranh treo trên tường trong căn nhà nhỏ trong rừng. Cô tự hỏi không biết người ta có thể từ trong một bức tranh nhìn ra những gì ở xung quanh đó hay không.

Trước khi ngủ, cô đọc thêm vài trang trong tập giấy.

Sophie đặt lại lá thư của bố Hilde lên bệ lò sưởi.

“Những điều ông ta nói về Liên hợp quốc không phải là không quan trọng,” Alberto nói, “nhưng tôi không thích ông ta can thiệp vào phần trình bày của tôi.”

“Em không nghĩ là thầy nên để ý quá nhiều về chuyện đó.”

Dù sao, từ bây giờ tôi sẽ cố ý lờ đi tất cả các hiện tượng kỳ quái như con rắn biển và những thứ tương tự. Ta hãy ra ngồi cạnh cửa sổ khi tôi nói với em về Kant.”

Sophie thấy một cặp kính nằm trên chiếc bàn nhỏ giữa hai cái ghế bành. Cô cũng nhìn thấy mắt kính màu đỏ.

Có thể đó là kính râm loại mạnh…

“Gần hai giờ rồi,” cô nói. “Em phải về nhà trước năm giờ. Chắc mẹ em có kế hoạch gì đó cho sinh nhật em.”

“Vậy là ta có ba tiếng.”

“Ta bắt đầu đi, thầy”

“Immanuel Kant sinh năm 1724 tại thành phố Konigsgerg ở miền Đông nước Phổ, ông là con trai của một người thợ làm yên ngựa. Ông đã sống ở đó gần trọn cuộc đời cho đến khi ông qua đời ở tuổi 80. Gia đình ông rất sùng đạo. Đức tin tôn giáo của ông đã tạo nên nền móng quan trọng cho triết học của ông. Cũng như Berkeley, ông thấy cần phải bảo tồn cơ sở cho đức tin Ki Tô giáo.”

“Em đã nghe quá đủ về Berkeley rồi thầy.”

“Trong những nhà triết học mà ta đã biết đến, Kant là người đầu tiên dạy triết trong trường đại học. Ông là một giáo sư triết học.”

“Giáo sư ạ?”

“Có hai loại triết gia. Loại thứ nhất là những người tìm kiếm câu trả lời của riêng mình cho các câu hỏi triết học. Loại kia gồm những người là chuyên gia về lịch sử triết học nhưng không nhất thiết xây dựng triết học của riêng mình.”

“Kant thuộc loại nào ạ?”

“Cả hai loại. Nếu ông chỉ là một giáo sư giỏi và là một chuyên gia về các tư tưởng của các nhà triết học khác, thì ông đã không bao giờ tạo được cho mình một vị trí trong lịch sử triết học. Nhưng cần lưu ý rằng Kant có kiến thức nền tảng vững chắc về các truyền thống triết học trong quá khứ. Ông quen thuộc với cả chủ nghĩ duy lý của Descartes và Spinoza lẫn chủ nghĩa kinh nghiệm của Locke, Berkeley và Hume.”

“Em đã đề nghị thầy không nhắc đến Berkeley nữa mà.”

Còn nhớ các nhà duy lý tin rằng nền tảng cho mọi tri thức của con người nằm trong tâm thức. Còn phía các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa tin rằng mọi tri thức về thế giới phát triển từ các giác quan. Xa hơn nữa, Hume còn chỉ ra rằng có những giới hạn rõ ràng của các kết luận mà ta có thể rút ra được từ các tri giác giác quan.”

“Kant đã đồng ý với ai ạ?”

“Ông cho rằng cả hai quan điểm đều có phần đúng và có phần sai. Câu hỏi mà ai cũng quan tâm là: ta có thể biết được gì về thế giới. Đề tài triết học này đã làm bận tâm tất cả các triết gia từ thời Descrartes.

“Có hai khả năng chính được rút ra: hoặc thế giới đúng hệt như ta tri giác được, hoặc đó chỉ là cách nó hiện ra trong lý tính của ta.”

“Và Kant đã nghĩ thế nào ạ?”

“Kant cho rằng cả ‘cảm giác’ và ‘lý tính’ đều giữ vai trò trong nhận thức của ta về thế giới. Nhưng ông cho rằng các nhà duy lý đã đi quá xa trong các khẳng định của họ về phần đóng góp của lý tính, còn các nhà kinh nghiệm chủ nghĩ thì đã quá nhấn mạnh vào trải nghiệm giác quan.”

“Nếu thầy không nhanh chóng cho em một ví dụ thì đó sẽ chỉ là một bó chữ thôi đấy.”

“Tại xuất phát điểm, Kant đồng ý với Hume và các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa rằng mọi tri thức của ta về thế giới bắt nguồn từ các cảm giác. Nhưng - và ở đây Kant vươn tay về phía các nhà duy lý - trong lý tính của ta cũng có những nhân tố có tính quyết định đối với cách ta cảm nhận thế giới xung quanh. Nói cách khác, có những điều kiện nhất định trong tâm thức con người có đóng góp vào nhận thức của ta về thế giới.”

“Thầy cho đấy là ví dụ à?”

“Ta đã làm một thí nghiệm nhỏ. Em có thể mang cặp kính trên bàn kia lại đây được không? Cảm ơn em. Bây giờ, em hãy đeo nó vào.”

Sophie làm theo. Mọi thứ xung quanh cô chuyển sang màu đỏ. Những màu nhạt thành màu hồng, còn màu đậm trở thành đỏ thẫm.

“Em thấy thế nào?”

“Em nhìn thấy mọi thứ y như trước, chỉ có điều cái gì cũng đỏ.”

“Đó là vì cái kính hạn chế em cảm nhận thế giới. Những gì em nhìn thấy chỉ là một phần của thế giới xung quanh, em nhìn như thế nào là do cặp kính em đang đeo quyết định. Như vậy, em không thể nói rằng thế giới màu đỏ cho dù em nhìn thấy nó như vậy.”

“Vâng, tất nhiên rồi.”

“Nếu bây giờ em đi dạo một vòng trong rừng, hoặc trở về nhà, em sẽ nhìn mọi thứ theo

như bình thường. Nhưng em nhìn cái gì cũng thấy nó màu đỏ.”

“Vâng, miễn là em không bỏ kính ra.”

“Và, Sophie à, đó chính là những gì Kant muốn nói khi ông bảo rằng có những điều kiện nhất định chi phối hoạt động của tâm thức, chúng ảnh hưởng đến cách ta trải nghiệm thế giới.”

“Những loại điều kiện nào ạ?”

Bất kỳ cái gì ta nhìn thấy đều được nhận thức trước tiên dưới dạng một hiện tượng trong không gian và thời gian. Kant gọi ‘thời gian’ và ‘không gian’ là hai ‘hình thức trực quan’ của ta. Và ông nhấn mạnh rằng, trong tâm thức của ta, hai hình thức này đi trước mọi trải nghiệm. Nói cách khác, trước khi trải nghiệm cái gì, ta có thể biết rằng ta sẽ nhận thức nó như là một hiện tượng trong không gian và thời gian. Bởi vì ta không thể tháo ‘cặp kính’ lý tính”.

“Vậy ông ta cho rằng việc nhận thức trong không gian và thời gian là cố hữu?”

“Đúng, theo một góc độ nào đó. Những gì ta nhìn thấy có thể phụ thuộc chuyện ta lớn lên ở Ấn Độ hay Greenland, nhưng cho dù ta ở đâu đi chăng nữa, ta trải nghiệm thế giới như là một chuỗi các quá trình trong không gian và thời gian. Đó là cái ta có thể nói trước được.”

“Nhưng không gian và thời gian tồn tại bên ngoài chúng ta, đúng không ạ?”

“Không. Kant cho rằng thời gian và không gian thuộc về điều kiện của con người. Thời gian và không gian là hai dạng thức tri giác đầu tiên và quan trọng nhất, chúng không phải các thuộc tính của thế giới vật chất.”

“Đấy là một cách nhìn hoàn toàn mới.”

Bởi vì tâm thức con người không chỉ là “sáp ong thụ động” khi tiếp nhận các cảm giác từ bên ngoài. Tâm thức để lại dấu ấn trong cách ta tri giác về thế giới. Em có thể so sánh điều đó với khi em rót nước vào bình thuỷ tinh. Nước tự thích nghi với hình dạng của cái bình. Cũng như vậy, các tri giác của ta tự thích nghi với các ‘hình thức trực quan’ của ta”.

“Chắc là em đã hiểu ý thầy.”

“Kant khẳng định rằng không chỉ có tâm thức thích ứng với sự vật, mà sự vật cũng thích

ứng với tâm thức. Ông gọi đây là cuộc cách mạng Copernic trong vấn đề tri thức con người.”

“Có nghĩa là điều này cũng mới mẻ và khác một cách căn bản với tư duy cũ y như khi Copernic khẳng định rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải ngược lại.”

“Giờ thì em hiểu vì sao ông ấy lại cho rằng cả nhà duy lý và các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đều chỉ đúng một phần. Các nhà duy lý hầu như quên mất tầm quan trọng của kinh nghiệm. Còn các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa thì đã nhắm mắt trước ảnh hưởng của tâm thức đối với cách ta nhìn thế giới.”

“Và theo Kant, ngay cả luật nhân quả - cái mà Hume tin rằng con người không thể trải

nghiệm được - cũng thuộc về tâm thức.”

“Thầy giải thích đi ạ.”

Em chắc còn nhớ Hume đã khẳng định rằng thói quen đã làm ta thấy mối quan hệ nhân quả sau các quá trình tự nhiên. Theo Hume, ta không thể nhận thức được rằng viên bi-a đen là nguyên nhân gây ra chuyển động của viên bi-a trắng. Do đó, ta không thể chứng minh rằng viên đen sẽ luôn luôn làm viên trắng chuyển động.”

“Vâng, em nhớ.”

Nhưng chính cái mà Hume cho rằng ta không thể chứng minh lại là cái mà Kant đưa vào thành một thuộc tính của lý tính con người. Luật nhân quả là vĩnh cửu và tuyệt đối đơn giản là vì lý tính con người tri giác về mọi sự xảy ra theo kiểu nguyên nhân và kết quả.”

“Nhưng em vẫn nghĩ là luật nhân quả nằm trong chính thế giới vật chất chứ không phải nằm trong tâm thức của ta.”

Triết học của Kant khẳng định rằng nó là cố hữu bên trong chúng ta. Ông đồng ý với Hume rằng ta không thể biết chắc thế giới ‘tự nó’ như thế nào. Ta chỉ có thể biết rằng thế giới như thế nào ‘đối với tôi’ - hay mọi người. Đóng góp vĩ đại nhất của Kant cho triết học chính là đường ranh mà ông đã vạch ra giữa vật tự thân - das Ding an sich - và sự vật như nó hiện ra đối với chúng ta.”

“Em không giỏi tiếng Đức đến thế đâu ạ.”

“Kant đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng giữa ‘vật tự thân’ và ‘sự vật đối với tôi’. Ta không bao giờ có thể có được tri thức chắc chắn về vật ‘tự thân’. Ta chỉ biết nó 'hiện ra' với ta như thế nào. Mặt khác, trước mỗi trải nghiệm cụ thể, ta đều có thể nói gì đó về cách mà sự vật sẽ được nhận thức bởi tâm thức con người."

"Thế ạ?"

"Buổi sáng, trước khi em ra khỏi nhà, em không thể biết em sẽ nhìn thấy và chứng kiến những gì trong ngày. Nhưng em có thể biết rằng những gì em nhìn thấy và chứng kiến sẽ được nhận thức như là đang xảy ra trong không gian và thời gian. Hơn nữa, em có thể tin tưởng rằng luật nhân quả sẽ áp dụng, đơn giản là vì em mang nó theo như là một phần của ý thức mình"

"Nhưng ý thầy là chúng ta cũng có thể được tạo ra theo cách khác?"

"Đúng vậy, chúng ta có thể có một thiết bị cảm nhận khác. Và ta có thể có cảm nhận khác về thời gian và cảm giác về không gian. Và thậm chí ta có thể có đặc tính bẩm sinh là không đi tìm nguyên nhân của những gì xảy ra xung quanh."

"Thế nghĩa là sao ạ?"

"Hình dung một con mèo đang nằm trên sàn nhà trong phòng khách. Một quả bóng lăn qua. Con mèo sẽ làm gì?"

"Em đã thử nhiều lần rồi. Nó sẽ chạy theo quả bóng."

"Được rồi. Bây giờ hãy tưởng tượng em đang ngồi trong chính căn phòng đó. Nếu bỗng dưng nhìn thấy một quả bóng lăn ngang qua, liệu em có định chạy theo nó không?"

"Đầu tiên, em sẽ quay lại để xem quả bóng lăn từ đâu đến."

"Đúng vậy, vì em là con người nên việc em sẽ đi tìm nguyên nhân của mọi sự kiện là chuyện tất yếu, bởi vì luật nhân quả là một phần của bản chất tự nhiên của em."

"Kant nói thế thì em biết thế."

"Hume đã chứng tỏ rằng ta không thể tri giác cũng chẳng thể chứng minh được các quy luật tự nhiên. Điều này làm Kant cảm thấy lo ngại. Nhưng ông tin rằng ông có thể chứng minh được tính hiệu lực tuyệt đối của các quy luật bằng cách chỉ ra rằng thực ra ta đang nói về các quy luật của tri giác con người."

"Liệu một đứa bé có quay lại để nhìn xem quả bóng lăn từ đâu tới không ạ?"

"Có thể không. Nhưng Kant chỉ ra rằng vì lý tính của một đứa bé chưa phát triển hoàn chỉnh cho đến khi nó có được vật liệu cảm giác để nghiên cứu nó. Nói về một tâm thức trống rỗng là hoàn toàn vô nghĩa."

"Ấy, tâm thức đó chắc phải kỳ lạ lắm chứ!"

"Nào, ta hãy tổng kết lại. Theo Kant, có hai yếu tố đóng góp cho tri thức con người về thế giới. Một là các yếu tố ngoại vi mà ta không thể biết được trước khi ta tri giác được về chúng qua các giác quan. Ta có thể gọi đây là vật liệu của tri thức. Yếu tố kia là các điều kiện nội tại trong chính con người - chẳng hạn sự nhận thức các sự kiện trong không gian và thời gian và trong mối tương quan với một luật nhân quả bền vững. Ta có thể gọi yếu tố này là hình thức của tri thức."

Alberto và Sophie ngồi yên lặng nhìn ra cửa sổ. Bỗng Sophie thoáng thấy bóng một cô bé giữa các thân cây bên kia hồ.

"Thầy nhìn kìa!" Sophie thốt lên. "Ai đấy ạ?"

"Chắc chắn tôi không biết."

Cô bé chỉ thấp thoáng một vài giây rồi khuất hẳn. Sophie nhận thấy hình như cô bé đội một cái mũ màu đỏ.

"Kiểu gì thì ta cũng không nên phân tán tư tưởng."

"Thầy nói tiếp đi vậy."

"Kant tin rằng có những giới hạn rõ ràng đối với những gì ta có thể biết.

Có lẽ em có thể nói rằng cặp kính của tâm thức đặt ra những giới hạn này."

"Như thế nào ạ?"

"Chắc em còn nhớ rằng các nhà triết học trước Kant đã bàn về những câu hỏi thật sự 'to lớn'. Thí dụ, con người có linh hồn bất tử hay không, có Chúa Trời hay không, có phải thiên nhiên cấu tạo từ những hạt nhỏ xíu không phân chia được, và vũ trụ hữu hạn hay vô hạn."

"Vâng."

"Kant tin rằng không thể tìm được tri thức chắc chắn cho những câu hỏi đó. Không phải ông phủ nhận kiểu tranh luận này. Ngược lại, nếu ông chỉ gạt những câu hỏi này sang một bên thì ông đã khó có thể được gọi là một nhà triết học."

"Thế ông ấy đã làm gì?"

"Kiên nhẫn nào! Đối với những câu hỏi triết học tầm cỡ đó, Kant tin rằng lý tính hoạt động ở ngoài giới hạn của những gì con người chúng ta có thể hiểu được. Trong khi đó, đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó là mong muốn bản năng của chúng ta. Nhưng chẳng hạn khi hỏi vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, ta đang hỏi về một cái toàn thể mà bản thân ta chỉ là một mẩu nhỏ xíu trong đó. Do đó, không bao giờ ta có thể hiểu biết được trọn vẹn cái toàn thể này."

"Tại sao ạ?"

"Khi em đeo cặp kính đỏ, chúng ta đã chứng minh quan niệm của Kant rằng có hai yếu tố cho tri thức của ta về thế giới."

"Cảm giác và lý tính."

"Đúng vậy, và vật liệu của tri thức đến với chúng ta qua các giác quan, nhưng vật liệu này phải tuân theo các thuộc tính của lý tính. Ví dụ, một trong các thuộc tính của lý tính là tìm kiếm nguyên nhân của sự kiện."

"Như quả bóng lăn qua phòng."

"Nếu em muốn. Nhưng khi ta tự hỏi thế giới từ đâu ra và bàn luận các lời giải thích có thể, thì theo một nghĩa nào đó lý tính chuyển sang trạng thái 'trì hoãn'. Bởi vì nó không có vật liệu giác quan để xử lý, không có kinh nghiệm để sử dụng, vì ta chưa bao giờ trải nghiệm toàn bộ thực tại vĩ đại mà ta chỉ là một phần nhỏ xíu trong đó."

"Theo một góc độ nào đó, ta chỉ là một mẩu nhỏ xíu của quả bóng lăn trên sàn. Nên ta không thể biết nó từ đâu lăn đến."

"Nhưng việc đặt câu hỏi quả bóng từ đâu đến sẽ mãi mãi là một thuộc tính của lý tính con người. Đó là lý do tại sao ta cứ hỏi và hỏi, gắng hết sức để tìm câu trả lời cho những câu hỏi sâu sắc nhất. Nhưng ta chẳng bao giờ có được cái gì vững chắc để bám vào; ta không bao giờ có một câu trả lời vừa ý bởi vì lý tính không có điểm tựa.”

“Em biết chính xác cảm giác đó như thế nào rồi.”

“Đối với những câu hỏi nặng ký chẳng hạn như câu hỏi về bản chất của thực tại, Kant chứng minh rằng sẽ luôn có hai quan điểm đối lập mà khả năng đúng hay sai đều như nhau, tùy vào những gì lý tính của ta mách bảo.”

“Ví dụ?”

“Nói rằng thế giới đã có một điểm bắt đầu trong thời gian, hay nói rằng thế giới không có điểm bắt đầu, cả hai đều ngang nhau. Lý tính không thể chọn một bên nào. Ta có thể cho rằng thế giới đã luôn luôn tồn tại, nhưng cái gì có thể luôn luôn tồn tại nếu không chưa bao giờ có một sự bắt đầu? Như vậy, ta buộc phải chấp nhận quan điểm đối lập.

“Ta nói rằng thế giới hẳn đã bắt đầu tại một thời điểm nào đó và nó chắc hẳn phải bắt đầu từ hư vô, trừ khi ta muốn nói đến một sự chuyển dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nhưng cái gì có thể bắt đầu từ không có gì, Sophie?”

“Không. Cả hai khả năng đều có vấn đề. Nhưng chắc phải có một trong hai khả năng là đúng và khả năng kia là sai.”

“Chắc em còn nhớ rằng Democritus và các nhà duy vật đã nói rằng thiên nhiên phải bao gồm những phần rất nhỏ mà mọi vật đều được cấu thành từ đó. Những người khác, chẳng hạn Descartes, tin rằng luôn luôn có thể chia thực tại mở rộng thành những phần nhỏ hơn. Bên nào nói đúng?”

“Cả hai đúng. Chẳng bên nào đúng.”

“Còn nữa, nhiều nhà triết học coi tự do là một trong những giá trị quan trọng nhất của con người. Trong khi đó, ta gặp các nhà triết học khác, chẳng hạn các triết gia Khắc kỷ và Spinoza, họ đã nói rằng mọi chuyện xảy ra đều do sự tất yếu của quy luật tự nhiên. Đây cũng là một trường hợp mà theo Kant lý tính của con người không có khả năng đưa ra một phán đoán chắc chắn.”

“Cả hai quan điểm đều có lý và vô lý như nhau.”

“Cuối cùng, ta chỉ có thể thất bại nếu cố gắng chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời với sự giúp đỡ của lý tính. Ở đây, các nhà duy lý, chẳng hạn Descartes, đã cố chứng minh rằng tồn tại một vị Chúa Trời đơn giản là vì ta có ý niệm về một “bản thể siêu phàm”. Những người khác như Aristotle và Thomas Aquinas khẳng định rằng phải có một vị Chúa vì mọi thứ đều phải có nguyên nhân đầu tiên.”

“Kan thì thế nào ạ?”

“Ông phủ nhận cả hai chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời. Cả lý tính lẫn kinh nghiệm đều không có cơ sợ vững chắc nào để khẳng định sự tồn tại của Chúa Trời. Xét về lý tính mà nói, khả năng có Chúa hay không có Chúa là như nhau.”

“Nhưng lúc đầu thầy đã nói rằng Kant muốn bảo vệ cơ sở của đức tin Ki Tô giáo cơ mà.”

“Đúng vậy, ông đã mở ra một chiều mới của tôn giáo. Ở đó, nơi cả lý tính và kinh nghiệm đều thiếu hụt, có một khoảng trống có thể được lấp đầy bởi đức tin.”

“Ông ta đã cứu Ki Tô giáo bằng cách đó ạ?”

“Em nói vậy cũng được. Có lẽ ta nên lưu ý rằng Kant là một tín đồ theo phái Kháng Cách. Kể từ phong trào cải cách tôn giáo, Kháng Cách đã có đặc điểm chính là sự nhấn mạnh vào đức tin. Trong khi đó, từ đầu thời kỳ Trung cổ, giáo hội Công giáo đã tin tưởng vào lý tính như là trụ cột của đức tin.

“Nhưng Kant không chỉ khẳng định rằng những câu hỏi nặng ký này nên được để lại cho đức tin của từng cá nhân. Ông còn tiến xa hơn khi tin rằng điều quan trọng về mặt đạo đức là cần phải giả định trước rằng con người có linh hồn bất tử, rằng Chúa Trời tồn tại, và rằng con người có ý chí tự do.”

“Vậy là ông ấy làm hệt như Descartes. Đầu tiên là phê phán mọi thứ mà người ta có thể hiểu biết. Rồi tiếp theo là lén đưa Chúa Trời vào qua đường cửa hậu.”

“Nhưng không như Descartes, ông đặc biệt nhấn mạnh rằng không phải lý tính mà chính là đức tin đã đưa ông đến đó. Chính ông đã gọi niềm tin vào linh hồn bất tử, sự tồn tại của Chúa và ý chí tự do của con người là những tiên đề thực tiễn.”

“Nghĩa là gì ạ?”

“ ‘Tiên đề’ là điều được thừa nhận mà không thể chứng minh. Theo Kant, ‘tiên đề thực tiễn’ là điều phải được thừa nhận vì mục đích thực tiễn; có nghĩa là: vì đạo đức của con người. Ông nói: ‘Thừa nhận sự tồn tại của Chúa Trời là một sự cần thiết về mặt đạo đức.’ “

Bỗng có tiếng gõ cửa. Sophie nhỏm dậy, nhưng khi thấy Alberto chẳng có vẻ gì là định đứng lên, cô hỏi: “Mình không nên xem đó là ai ạ?”

Alberto nhún vai và miễn cưỡng. Họ ra mở cửa, một cô bé mặc váy trắng và đội mũ đỏ đang đứng trước cửa. Đó chính là cô bé mà họ đã nhìn thấy ở bên kia hồ. Cô bé xách một chiếc giỏ đựng thức ăn.

“Xin chào,” Sophie nói. “Em là ai?”

“Chị không nhận ra em là Cô Bé Đội Mũ Đỏ à?”

Sophie nhìn Alberto, và ông gật đầu.

“Em đã nghe cô bé nói rồi đấy.”

“Em đang tìm nhà bà ngoại.” Cô bé nói. “Bà già rồi và đang bị ốm, em mang đồ ăn đến cho bà.”

“Không phải nhà bà cháu ở đây đâu.” Alberto nói, “cháu nên đi tiếp đi.”

Ông xua xua tay như thể người ta đang đuổi ruồi.

“Nhưng cháu phải đưa một lá thư,” cô bé đội chiếc mũ đỏ nói tiếp.

Nói đoạn, cô lấy ra một chiếc phong bì nhỏ và đưa cho Sophie. Rồi cô bé quay đi, vừa đi vừa nhảy chân sáo.

“Cẩn thận chó sói nhé!” Sophie gọi với theo.

Alberto đã quay bước về phòng khách.

“Thầy thử nghĩ mà xem! Đó là Cô Bé Đội Mũ Đỏ!” Sophie nói.

“Và dặn cô bé canh chừng chẳng ích gì đâu. Cô bé vẫn sẽ đến nhà bà và bị chó sói ăn thịt. Cô bé không bao giờ học được đâu. Chuyện đó sẽ quay đi quay lại mãi mãi.”

“Nhưng em chưa bao giờ nghe kể rằng cô ấy gõ cửa một ngôi nhà khác trước khi đến nhà bà.”

“Chuyện vặt mà, Sophie.”

Sophie nhìn chiếc phong bì vừa nhận được. Trên đó đề: “Gửi Hilde.” Cô bóc thư và đọc thành tiếng:

Hilde thân yêu. Nếu bộ não của con người đủ đơn giản để ta có thể hiểu được thì ta sẽ ngu ngốc đến mức vẫn không thể hiểu nó được. Yêu con, Bố.

Alberto gật đầu. “Đúng đấy. Tôi tin là Kant đã nói một câu tương tự. Ta không thể kỳ vọng hiểu được ta là cái gì. Có thể ta hiểu được một bông hoa hay một con bọ, nhưng ta không bao giờ có thể hiểu được chính ta. Ta lại càng ít có thể mong hiểu được vũ trụ.”

Sophie phải đọc đi đọc lại vài lần câu văn trúc trắc trong bức thư gửi Hilde trước khi Alberto nói tiếp: “Chúng ta sẽ không để bị quấy rầy bởi rắng biển hay những thứ tương tự nữa. Trước khi kết thúc bài ngày hôm nay, tôi sẽ kể cho em về luân lý học của Kant.”

“Nhanh lên thầy. Em sắp phải về nhà rồi.”

“Chủ nghĩa hoài nghi của Hume về những gì lý tính và các giác quan có thể cho ta biết đã buộc Kant suy nghĩ kỹ càng về nhiều câu hỏi quan trọng của cuộc sống. Nhất là trong lĩnh vực luân lý học.”

“Có phải Hume đã nói rằng ta không thể chứng minh cái gì là phải hay trái? Ta không thể rút ra các câu “nên” từ các câu trần thuật.”

“Theo Hume, cả lý tính lẫn kinh nghiệm của ta đều không quyết định sự khác biệt giữa đúng và sai. Chính cảm tính của ta làm điều đó. Đối với Kant, đây là một nền tảng quá yếu ớt.”

“Em có thể hình dung được điều đó.”

“Kant đã luôn cảm thấy rằng sự phân biệt đúng sai là một vấn đề thuộc về lý tính chứ không phải cảm tính. Ở đây, ông đồng ý với các nhà duy lý, những người đã nói rằng khả năng phân biệt đúng sai là cố hữu trong lý tính con người. Ai cũng biết cái gì đúng cái gì sai không phải bởi vì ta đã được học, mà là nó được sinh ra trong tâm thức. Theo Kant, ai cũng có ‘lý tính thực tiễn’, đó là trí tuệ cho ta khả năng phân biệt đúng sai trong mọi trường hợp.”

“Và nó là bẩm sinh?”

“Khả năng phân biệt đúng sai cũng có tính bẩm sinh như mọi thuộc tính khác của lý tính. Cũng giống như chúng ta đều là những bản thể thông minh nhận thức mọi sự trong mối quan hệ nhân quả, tất cả chúng ta đều tiếp cận được cùng một qui tắc đạo đức phổ quát.

“Qui tắc đạo đức này cũng có tính đúng đắn tuyệt đối như các định luật vật lý. Đối với đạo đức của ta, các qui tắc đó cũng mang tính căn bản y như khẳng định rằng cái gì cũng có nguyên nhân, hoặc như bảy cộng năm bằng mười hai là điều cơ bản đối với trí tuệ của chúng tá.”

“Thế qui tắc đạo đức đó nói gì ạ?”

“Do nó đứng trước mọi trải nghiệm, nó là ‘hình thức’. Có nghĩa là nó không bị giới hạn trong bất cứ tình húông cụ thể nào của lựa chọn đạo đức. Bởi vì nó áp dụng cho mọi người ở mọi xã hội và trong mọi thời đại. Do đó, nó không nói rằng ta nên làm điều này hay điều kia trong tình huống này tình huống khác. Nó qui định ta nên xử sự như thế nào trong mọi tình huống.”

“Thế thì có một qui tắc đạo đức được cấy sẵn trong mình để làm gì nếu nó không bảo ta phải làm gì trong những tình huống cụ thể?”

“Kant phát biểu qui tắc đạo đức này như là một lệnh thức tuyệt đối. Qua đó, ông muốn nói rằng qui tắc đạo đức là ‘tuyệt đối’, hay nói cách khác là nó áp dụng cho mọi tình huống. Hơn nữa, nó mang tính ‘mệnh lệnh’, có nghĩa là nó chỉ huy và do đó có quyền lực tuyệt đối.”

“À ra thế.”

“Kant phát biểu ‘lệnh thức tuyệt đối’ này theo nhiều cách. Đầu tiên, ông nói; Hãy hành động như thể qua ý nguyện của ta, phương châm hành động của ta sẽ trở thành một Quy Luật Tự nhiên Phổ quát.”

“Vậy, khi em làm gì đó, em phải đảm bảo là em muốn mọi người khác cũng hành động như thế nếu họ cũng ở trong hoàn cảnh đó.”

“Chính xác. Chỉ khi đó em sẽ hành động theo qui tắc đạo đức bên trong em. Kant còn phát biểu ‘lệnh thức tuyệt đối’ như thế này: Hành động sao cho ta luôn đối xử với nhân loại, dù đó là bản thân ta hay một người nào khác, không bao giờ chỉ như là một phương tiện mà luôn luôn như là một mục đích.”

“Như vậy là ta không được lợi dụng người khác để làm lợi cho bản thân.”

“Đúng vậy, vì mỗi người tự họ đều là một mục đích. Nhưng điều đó không chỉ áp dụng cho người khác mà còn áp dụng cho bản thân ta nữa. Ta cũng không được khai thác bản thân chỉ như một phương tiện để đạt được một điều gì khác.”

“Điều đò làm em nhớ đến quy tắc vàng: Muốn được người khác đối xử như thế nào thì hãy đối xử với người khác như vậy.”

“Đúng vậy, đó cũng là một qui tắc ‘hình thức’ về cách cư xử mà về cơ bản đã bao hàm mọi lựa chọn luân lý. Em có thể nói rằng qui tắc vàng có nội dung giống như qui tắc đạo đức phổ quát của Kant.”

“Nhưng chắc chắn đó chỉ là một khẳng định. Hume có lẽ đã đúng khi nói rằng ra không thể dùng lý tính để chứng minh cái gì đúng cái gì sai.”

“Theo Kant, qui tắc đạo đức cũng tuyệt đối và cũng phổ quát như luật nhân quả. Nó cũng không thể được chứng minh bằng lý tính. Nhưng dù sao, nó vẫn là tuyệt đối và bất biến. Không ai phủ nhận điều đó.”

“Em có cảm giác là thực ra cái mà chúng ta đang nói về là lương tâm. Vì ai cũng cần có một lương tâm, phải không ạ?”

“Đúng như vậy. Khi Kant miêu tả qui tắc đạo đức, ông miêu tả lương tâm con người. Ta không thể chứng minh những gì lương tâm ta mách bảo, tuy nhiên, ta biết điều đó là đúng.”

“Đôi khi có thể em tỏ ra tốt bụng giúp đỡ người khác chỉ vì em biết làm thế là có lợi. Đó có thể là một cách để được mọi người quý mến.”

“Nếu em chia sẻ với người khác chỉ để được quý mến thì em không hành động vì tôn trọng qui tắc đạo đức. Có thể em hành động hợp với qui tắc đó - cũng phải thôi - nhưng nếu đó là một hành động đạo đức, thì em đã phải đấu tranh chiến thắng bản thân. Chỉ khi em làm điều đó thuần tuý chỉ vì trách nhiệm thì đó mới được gọi là một hành động đạo đức. Chính vì vậy mà luân lý học của Kant đôi khi còn được gọi là luân lý học trách nhiệm.”

“Em có thể cảm thấy em có trách nhiệm quyên tiền cho nơi bán hàng phúc thiện của nhà thờ hay hội Chữ Thập Đỏ.”

“Đúng thế, và điều quan trọng là em làm việc đó vì em biết như thế là đúng. Em đã tuân theo qui tắc đạo đức, ngay cả nếu số tiền em quyên được bị mất trên phố hay không đủ để cứu đói được nhiều người như mong đợi. Em đã hành động vì thiện chí, và theo Kant, chính thiện chí chứ không phải kết quả hành động là cái quyết định xem hành động đó có đúng đắn về mặt đạo đức hay không. Do đó, luân lý học của Kant còn được gọi là luân lý học thiện chí.”

“Tại sao việc biết được chính xác khi nào người ta hành động vì tôn trọng qui tắc đạo đức lại quan trọng với ông ấy đến vậy? Chắc chắn điều quan trọng nhất là những gì ta làm thực sự giúp đỡ người khác.”

“Quả vậy, Kant chắc sẽ không phản đối. Nhưng chỉ khi bản thân ta tự biết rằng mình đang hành động vì tôn trọng qui tắc đạo đức thì khi đó ta mới hành động tự do.”

“Ta chỉ tự do khi ta tuân theo một qui tắc ? Chẳng phải như thế nghe kỳ quặc làm sao?”

“Theo Kant thì không. Chắc em còn nhớ ông đã phải ‘thừa nhận’ rằng con người có ý chí tự do. Đó là một điểm quan trọng, vì Kant còn nói rằng mọi thứ đều tuân theo luật nhân quả. Vậy thì làm sao mà ta có được ý chí tự do?”

“Làm sao em biết được.”

“Tại đây, Kant chia con người thành hai phần theo một kiểu không phải là không tương đồng với cách mà Descartes đã cho rằng con người là một ‘sinh vật kép’ gồm có một thể xác và một tâm thức. Kant nói rằng, là sinh vật vật chất, ta hoàn toàn nằm dưới quyền lực của luật nhân quả không thể phá vỡ. Ta không thể quyết định được những gì ta nhận thức - các tri giác đến với ta do tất yêu và gây ảnh hưởng lên chúng ta bất kể ta có muốn hay không. Nhưng ta không chỉ là những sinh vật vật chất, ta còn là những sinh vật lý tính.

“Là vật chất, ta hoàn toàn thuộc về thế giới tự nhiên. Do đó, ta là đối tượng của các quan hệ nhân quả. Khi đó, ta không có ý chí tự do. Nhưng là sinh vật có lý tính, ta có phần trong cái mà Kant gọi là das Ding an sich - nghĩa là thế giới như nó tự có và độc lập với các ấn tượng giác quan của ta. Chỉ khi ta làm theo lý tính thực tiễn - cái cho phép ta đưa ra các lựa chọn đạo đức - thì ta mới thực hiện ý chí tự do của mình. Vì khi tuân theo qui tắc đạo đức, chính ta là người định ra luật lệ mà ta đang tuân theo.”

“Vâng, điều đó là đúng theo một góc độ nào đó. Chính em, hoặc cái gì đó trong em, nói rằng không nên xấu tính với người khác.”

“Vậy, khi em quyết định không xấu tính - ngay cả nếu điều đó ngược lại với lợi ích của chính em - là khi em hành động tự do.”

“Ta không được tự do và độc lập cho lắm nếu lúc nào ta cũng chỉ làm những gì mình muốn.”

“Người ta có thể trở thành nô lệ cho đủ thứ. Thậm chí ta có thể trở thành nô lệ cho chính tính cố chấp của mình. Độc lập và tự do chính là những gì cần thiết để lên vượt lên trên ham muốn và những thói xấu của mình.”

“Thế còn động vật thì sao ạ? Em đoán là chúng chỉ làm theo nhu cầu và ham muốn. Chúng không có chút tự do nào để tuân theo qui tắc đạo đức, phải không ạ?”

“Đúng vậy, đó chính là sự khác biệt giữa con người và động vật.”

“Giờ thì em hiểu rồi.”

“Và cuối cùng, có lẽ ta có thể nói rằng Kant đã thành công trong việc chỉ ra lối thoát khỏi ngõ cụt mà triết học đã đâm vào trong cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Do vậy, một thời đại trong lịch sử triết học đã kết thúc tại Kant. Ông qua đời năm 1804, khi kỷ nguyên văn hóa mà ta gọi là chủ nghĩa Lãng mạn đang dần chiếm ưu thế. Một trong những câu nói thường được trích dẫn của ông đã được khắc trên bia mộ ông tại Konigsberg: “Hai điều tràn ngập tâm tư tôi với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ tới: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và qui tắc đạo đức ở trong tôi.”

Alberto ngả người dựa lưng vào thành ghế rồi nói: “Xong. Tôi đã kể cho em những gì quan trọng nhất về Kant.”

“Dù sao cũng đã 4 giờ 15 rồi.”

“Nhưng còn một chuyện. Cho tôi một phút nữa.”

“Em không bao giờ ra khỏi lớp trước khi giáo viên cho nghỉ.”

“Có phải tôi đã nói là Kant tin rằng chúng ta không có tự do nếu chỉ sống như các sinh vật của các giác quan?”

“Vâng, thầy đã nói đại khái như vậy.”

“Còn nếu tuân theo lý tính phổ quát thì ta sẽ tự do và độc lập. Tôi cũng đã nói vậy phải không?”

“Vâng, nhưng bây giờ thầy nhắc lại để làm gì?”

Alberto nghiêng người về Sophie, ông nhìn sâu vào trong mắt cô và thì thào: “Đừng tin vào tất cả mọi thứ em nhìn thấy, Sophie à.”

“Nghĩa là sao ạ?”

“Chỉ cần lật lại vấn đề thôi, bé ạ.”

“Giờ thì em chẳng hiểu tí gì hết.”

“Người ta thường nói rằng khi nào thấy thì tôi sẽ tin. Nhưng đừng tin ngay cả những gì em thấy.”

“Thầy đã có lần nói đại loại như vậy rồi.”

“Đúng vậy, về Parmenides.”

“Nhưng em vẫn không hiểu ý thầy.”

“Thôi được, khi ta ngồi nói chuyện ngoài bậc thềm, có một thứ gọi là rắn biển đã vỗ nước ở dưới hồ.”

“Chẳng phải chuyện đó kỳ quái lắm sao?”

“Không kỳ quái tí nào. Tiếp theo là Cô Bé Đội Mũ Đỏ đến gõ cửa. ‘Em đang đi tìm nhà bà ngoại.’ Thật là một vở diễn ngớ ngẩn! Đó chỉ là tiểu xảo của ông thiếu tá mà thôi, Sophie. Cũng như thông điệp trong vỏ chuối và cơn bão điên rồ đó.”

“Thầy cho là...?”

“Nhưng tôi đã nói rằng tôi có một kế hoạch. Chỉ cần chúng ta bám vào lý tính của mình, ông thiếu ta sẽ không thể lừa ta được. Bởi vì theo một nghĩa nào đó chúng ta có tự do. Ông ta có thể làm chúng ta ‘tri giác’ đủ thứ, nhưng chẳng có gì sẽ làm tôi ngạc nhiên. Nếu ông ta làm cho trời tối hay voi bay thì tôi cũng chỉ cười thôi. Nhưng bảy cộng năm bằng mười hai. Sự thật đó vượt qua mọi hiệu ứng tranh truyện của ông ta. Triết học là đối nghịch của các câu chuyện cổ tích.”

Sophie ngạc nhiên ngồi lặng nhìn ông.

“Em về đi,” cuối cùng ông nói. “Tôi sẽ gọi em đến để nói về chủ nghĩa Lãng mạn sau. Em còn cần nghe về Hegel và Kierkegaard nữa. Nhưng chỉ còn có một tuần trước khi ông thiếu tá xuống sân bay Kjevik. Trước đó, ta sẽ phải tự giải phóng ra được khỏi trí tưởng tượng dính như keo của ông ta. Tôi dừng ở đây, Sophie. Trừ việc tôi muốn em biết là tôi đang lập một kế hoạch tuyệt vời cho cả hai chúng ta.”

“Vậy thì em về đây.”

“Khoan đã - ta đã quên mất việc quan trọng nhất.”

“Việc gì ạ?”

“Bài hát mừng sinh nhật, Sophie à. Hôm nay Hilde tròn 15 tuổi.”

“Em cũng thế.”

“Đúng vậy, cả em nữa. Ta cùng hát nào.”

Cả hai đứng dậy và cùng hát:

“Happy birthday to you.”

Đã gần bốn rưỡi. Sophie chạy xuống mép nước và chèo thuyền về bờ bên kia. Cô kéo thuyền vào đám lau sậy rồi vội vã đi xuyên rừng. Khi lên đến đường mòn, cô chợt nhật thấy cái gì đó đang chuyển động giữa các thân cây. Cô tự hỏi không biết đó có phải Cô Bé Đội Mũ Đỏ đang lang thang một mình trong rừng để đến nhà bà ngoại hay không, nhưng cái bóng này nhỏ hơn nhiều. Cô đến gần hơn. Nó không lớn hơn một con búp bê. Nó màu nâu và mặc áo len đỏ.

Sophie đứng sững lại khi nhận ra đó là một con gấu bông. Nếu có ai đó để quên một con gấu bông trong rừng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng chú gấu bông này sống động, và nó có vẻ đang rất bận bịu chuyện gì.

“Xin chào,” Sophie nói.

“Em là Gấu Pooh,” gấu bông nói, “và em chẳng may bị lạc đường trong rừng, trong một ngày đáng ra rất đẹp trời như hôm nay. Chắc chắn là em chưa gặp chị bao giờ.”

“Có lẽ chị mới là người chưa đến đây bao giờ,” Sophie nói. “Bởi vì chắc em vẫn còn đang ở nhà trong khu rừng Trăm Mẫu.”

“Ồ không, con số đó quá khó! Chị đừng quên em chỉ là một chú gấu nhỏ và em không thông minh lắm.”

“Chị cũng đã nghe kể về em.”

“Em đoán chị là Alice. Có một lần Christopher Robin đã kể cho bọn em nghe về chị. Chắc mình đã gặp nhau như thế. Chị uống từ một cái chai nhiều đến mức chị bị thu nhỏ lại. Nhưng rồi chị uống từ một cái chai khác và lại lớn lên như cũ. Cho cái gì vào miệng là chị phải rất cẩn thận đấy! Có lần em ăn nhiều đến mức em bị tắc trong một cái hang thỏ.”

“Chị không phải là Alice đâu.”

“Mình là ai thì cũng thế thôi. Quan trọng là mình tồn tại. Cứ nói vậy, và bác ấy rất thông thái. Một hôm nắng đẹp, bác ấy đã bảo là bảy cộng bốn bằng mười hai. Cả em lẫn Lừa đều thấy mình rất ngu ngốc vì làm tính cộng khó quá. Xem thời tiết xấu hay đẹp dễ hơn nhiều.”

“Tên chị là Sophie.”

“Rất vui được gặp chị, Sophie à. Như em đã nói rồi đấy, chắc chị mới đến đây lần đầu. Nhưng bây giờ gấu con phải đi đây, em phải đi tìm Ỉn. Chúng em sắp đi dự một bữa tiệc lớn ngoài vườn của Thỏ và các bạn của cậu ấy.”

Chú gấu giơ tay vẫy vẫy. Sophie nhìn thấy bàn tay kia của chú đang cầm một mảnh giấy nhỏ gấp lại.

“Em đang cầm cái gì thế?” Sophie hỏi.

Gấu Pooh giơ ra mẩu giấy và nói: “Chính cái này đã làm em lạc đường đây.”

“Nhưng nó chỉ là một mẩu giấy thôi mà.”

“Không, nó không chỉ là một mẩu giấy. Nó là thư gửi Hilde-ở-trong-Gương.”

“Ồ, chị có thể nhận hộ.”

Chị có phải là cô gái trong gương không?”

“Không, nhưng...”

“Thư phải được đưa đến tận tay. Hôm qua Christopher vừa dạy em thế.”

“Nhưng chị biết Hilde.”

“Cũng thế thôi. Kể cả thân thì cũng không nên đọc thư của người khác.”

“Chị định nói là chị có thể chuyển thư cho Hilde được.”

“Thế này là chuyện khác. Đây, chị cầm lấy. Nếu em thoát được lá thư này thì chắc em cũng sẽ tìm được Ỉn. Để tìm được Hilde-ở-trong-Gương thì phải tìm một cái gương. Nhưng chuyện đó ở quanh đây thì chẳng dễ dàng gì.”

Nói đọan, chú gấu con đưa mảnh giấy cho Sophie và lũn cũn chạy vào rừng. Khi chú đi khuất, Sophie mở mảnh giấy và đọc:

Hilde yêu quí, tiếc là Alberto đã không nói với Sophie rằng Kant đã ủng hộ việc thành lập một “hiệp hội các quốc gia”. Trong bài luận Hòa bình bất diệt, ông đã viết rằng các tất cả các nước nên đoàn kết trong một hiệp hội các quốc gia, nó sẽ đảm bảo sự cùng tồn tại trong hòa bình giữa các quốc gia. Bài luận này được công bố năm 1725. Khoảng 125 năm sau, sau Thế chiến lần thứ nhất, Hiệp hội các Quốc gia đã được thành lập. Sau Thế chiến lần thứ hai, nó được thay thế bằng Liên hợp quốc. Do đó con có thể nói rằng Kant là cha đẻ của ý tưởng Liên hợp quốc. Quan điểm của Kant là “lý tính thực tiễn” của con người đòi hỏi các quốc gia vượt ra khỏi trạng thái tự nhiên hoang dại - cái gây ra chiến tranh - và ký kết hiệp ước giữ gìn hòa bình. Mặc dù con đường đi tới việc thiết lập hiệp hội các quốc gia đầy gian khó, nghĩa vụ của ta là cống hiến cho “công cuộc giữ gìn hóa bình mãi mãi trong toàn vũ trụ”. Việc thiết lập một hiệp hội như vậy là cái đích xa đối với Kant. Con hầu như có thể nói rằng đó là mục đích tối cao của triết học. Lúc này, bố đang ở Lebanon.

Yêu con, Bố.

Sophie cất lá thư vào túi và tiếp tục đi về nhà. Đây chính là kiểu gặp gỡ trong rừng mà Alberto đã cảnh báo cô. Nhưng cô không thể để chú gấu bé nhỏ lang thang mãi trong rừng để đi tìm Hilde-ở-trong-Gương, phải không nhỉ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới của Sophie Chương 26: Kant

Có thể bạn thích