Ơgiêni Grăngđê
Chương 3

Trong cuộc đời trong trắng và tẻ nhạt của các cô thiếu nữ, bỗng xảy đến cái giờ phút kỳ diệu mà cõi lòng bừng đón ánh sáng mặt trời và tiếp nhận nỗi niềm tỉ tê của hoa lá. Lúc ấy sự sống dạt dào và nóng hổi từ con tim phập phồng dâng lên trí óc và làm mọi ý nghĩ hòa tan thành một niềm khao khát mơ hồ. Cái giờ phút ấy là giờ phút bâng khuâng vô tội và thích thú thâm trầm: khi đứa trẻ bắt đầu nhìn thấy sự vật thì nó mỉm cười; khi cô thiếu nữ bắt đầu nhìn thấy yêu đương chớm nở trong lòng, thiếu nữ cũng mỉm cười như hồi còn thơ ấu. Nếu ánh sáng là tình yêu thứ nhất trong đời người, thì tình yêu không phải là ánh sáng trong lòng người sao? Ogieni đã đến lúc sáng tỏ việc đời vậy.

Ogieni có thói quen dậy sớm như tất cả các cô thiếu nữ tỉnh nhỏ. Nàng cầu nguyện xong thì lo trang điểm. Từ giờ trở đi, sự trang điểm đối với nàng mới có ý nghĩa. Nàng bắt đầu trải mái tóc nâu non cho óng, rồi mang hết công phu tết thành hai bím tóc lớn một cách hết sức cẩn thận, cố tránh không cho một sợi nào vương khỏi bím. Nàng rẽ tóc thành hai mái cân đối làm cho dung nhan càng tăng vẻ thơ ngây e ấp, vì cách trang sức đơn giản hòa hợp với nét mặt thật thà. Nàng rửa tay nhiều lần với nước lã; nước lạnh làm cho da thịt nàng se cứng và đỏ au lên; nàng nhìn đôi cánh tay tròn trĩnh rất đẹp của mình và tự hỏi không biết Saclo làm thế nào mà hai bàn tay trắng trẻo mềm mại, móng tay trơn bóng đến thế. Nàng đi đôi tất mới và đôi giày đẹp nhất. Nàng mặc coocxe bó chặt người. Lần đầu tiên trong đời, nàng ao ước ăn mặc cho vừa mắt nhất, cho nên nàng rất sung sướng khi chọn được chiếc áo màu sắc vừa tươi, vừa vặn, mặc vào trông đến dễ ưa. Trang điểm xong, nghe chuông đồng hồ nhà thờ, nàng ngạc nhiên nhận thấy mới bảy giờ. Vì muốn có đủ thì giờ trang điểm, nàng đã thức dậy quá sớm. Không hề biết cái thuật của những người làm đỏm, xổ đi vấn lại mười lần một bím tóc, không biết nghiên cứu cách tết bím thế nào cho ăn với khuôn mặt. Ogieni chỉ khoanh tay ngồi cửa sổ nhìn vơ vẩn ra sân, nhìn cái vườn chật chội và những sân thượng nhỏ trên vườn.

Cảnh trí ở đây buồn bã, gò bó tầm mắt, nhưng không phải không có những nét đẹp huyền bí riêng của những nơi cô quạnh hoang vu. Bên cạnh nhà bếp là cái giếng có thành bờ, có ròng rọc tra vào một cọc sắt uốn cong. Một dây nhỏ leo lên ôm lấy cọc sắt, thân héo khô và ố đỏ vì tiết trời; từ cọc, dây nho quằn quại leo qua bức tường bám vào đó mà chạy dọc theo chiều đều đặn của cái nhà, rồi đâm ngọn qua một giàn củi xếp đều đặn như sách vở trong ngăn tủ một người yêu sách. Nền sân đen sẫm một màu, rêu cỏ lâu ngày, mà thưa thớt người đi lại. Mấy bức tường dày phơi bộ mặt xanh rêu gợi những lằn sẫm. Ở cuối sân, cái thềm tám cấp đi lên cổng vườn đã nứt lở và bị cây cỏ che lấp um tùm như nấm mộ một tráng sĩ Thập tự quân được bàn tay người vợ góa đắp điếm, (Thời trung cổ, nhà thờ thiên chúa ở Tây Âu tổ chức những cuộc viễn chinh sang Trung Đông để đánh chiếm đất Jesusalem có mộ Chúa Jesu. Chiến sĩ gồm những tráng sĩ quý tộc, dấu hiệu tập hợp của họ là thánh giá chữ thập. Những cuộc viễn chinh ấy đã thất bại hoặc chỉ thành công tạm thời, phần lớn họ đều bỏ mạng nơi đất khách. Nguyên nhân sâu xa của các cuộc thập tự chinh là sự khao khát tìm đường sang Ấn Độ và Trung Á để buôn bán các thứ hàng quý ). Trên tầng đá móng loang lở, cái hàng rào song gỗ lâu năm đã hầu như mục nát, nhưng các dây leo vẫn tìm đến quấn quýt lấy nhau trên ấy tha hồ. Hai cây táo cằn cỗi thò cành cong queo qua hai bên cánh cửa chấn song. Ba con đường rải cát chạy song song trong vườn. Giữa ba con đường ấy có những vuông đất cao hơn chung quanh có cái khung bằng gỗ hoàng dương để cho đất khỏi tuôn xuống. Cuối vườn, ở sân bước xuống, có một lùm cây ti-on; bên này mấy cây phúc bồn, bên kia một cây bạch đào sum suê, cành lá tỏa đến tận phòng làm việc của Grangde. Trời trong sáng và ánh nắng mùa thu của miền sông Loa bắt đầu đánh tan những màn giá mỏng mà đêm thu đã phủ bọc tường nhà, cây cối và mọi vật trong vườn, trong sân.

Cảnh vật tuy tầm thường nhưng quen thuộc, nhưng hôm nay lại có những vẻ đẹp mới lạ dưới con mắt Ogieni. Trăm mớ tư tưởng mơ hồ hiện lên trong trí nàng và nẩy nở theo với ánh nắng. Tóm lại, nàng nhận thấy có một niềm khoái cảm lờ mờ, khó hiểu, bao trùm tâm hồn nàng tựa như một đám mây mù bao quanh cơ thể. Ý nghĩ miên man của nàng hòa hợp với các chi tiết trong khung cảnh riêng biệt, khúc nhạc lòng hòa điệu với bài ca nhịp nhàng của thiên nhiên. Khi ánh nắng rọi đến mảng tường có bóng cây phượng vĩ luôn luôn thay đổi màu sắc như ức chim bồ câu, thì trong trí nàng cái viễn cảnh tương lai cũng bừng sáng những tia hy vọng thần tiên; cũng từ đấy, Ogieni ưa nhìn lên mảng tường có những bông hoa xanh lơ, những chùm hoa lục lạc xanh biếc và những cây cỏ nhạt màu phảng phất một kỷ niệm êm đềm như ký ức những ngày thơ. Mỗi chiếc lá lìa cành rơi sột soạt trên sân nhậy âm vang là một tiếng đáp cho những câu hỏi thầm của cô thiếu nữ. Nàng có thể ngồi đó cả ngày mà vẫn không thấy thời gian trôi qua. Thế rồi tâm hồn nàng xao xuyến. Cứ giây lát nàng lại đứng lên, đến trước gương để soi mặt, giống như một tác giả có thiện chí soát lại tác phẩm của mình để tự chỉ trích phê bình.

Ogieni tự bảo: “Ta không đẹp, không xứng với chàng!”. Tư tưởng tự ti, mẹ đẻ của những giày vò! Tội nghiệp! Nàng không biết tự đánh giá mình, nhưng tính khiêm tốn, hơn nữa tính sợ sệt vẫn là một đức lớn trong tình yêu. Ogieni vốn thuộc loại thanh thiếu niên tầng lớp tiểu tư sản than hình khỏe mạnh nhưng nhan sắc trông như có vẻ dung tục. Tuy giống tượng thần vệ nữ Milo nàng lại có những đường nét thanh tao trong trắng của người phụ nữ theo đạo Gia tô, mà nhà điêu khắc cổ đại không hình dung được. Đầu lớn, trán như trán đàn ông nhưng mịn màng, thanh nhã không khác trán tượng thần Giuypite của Phidiat, đôi mắt màu tro long lanh ánh sáng vì đời sống thanh khiết của nàng hiện cả ở đấy. Mặt tròn, xưa tươi mát và hồng hồng, nay bị bệnh đậu mùa làm cho thôi đi một ít, làn da không còn nước tuyết nhung nữa, tuy vẫn mềm mại, mịn màng, vẫn ửng đỏ khi bà Grangde đặt lên một cái hôn trong sạch. Mũi hơi cao nhưng được cái rất phù hợp với cái miệng đỏ như hồng đan, đôi môi có nhiều nếp, chín mọng yêu thương và đôn hậu. Cổ tròn đầy đặn, ngực căng phồng phủ kín áo buộc người ta phải để mắt và mơ màng. Có lẽ trang phục không làm cho nàng thướt tha yểu điệu, nhưng với kẻ thạo đời, tấm thân cao lớn mà thiếu uyển chuyển ấy lại là một cái gì hấp dẫn nhất.

Người cao và nở nang như thế, đành rằng Ogieni không có cái vẻ đẹp mỹ miều mà số đông ưa thích. Nhưng nàng có một thứ sắc đẹp rất dễ nhận thấy, một thứ sắc đẹp chỉ người nghệ sĩ là say mê. Nhà họa sĩ đi tìm con người mẫu trên đời này để vẽ bà Maria trong trắng thiêng liêng, con người mẫu có đôi mắt vừa khiêm tốn vừa tự hào, mà Raphaen đã đoán thấy, với những đường nét trinh nữ do trời sinh và người duy trì nhờ nếp sống kính tin và trong sạch, nhà họa sĩ khát khao người mẫu hiếm có ấy giá gặp Ogieni sẽ nhận thấy ngay trên khuôn mặt nàng cái vẻ cao quý bẩm sinh mà tự nàng không biết; hạo sĩ sẽ nhìn thấy dưới vầng trán phẳng lặng cả một đại dương tình cảm, và trong đáy mắt qua hàng mi, ngùn ngụt một vẻ cao cả thần tiên. Vẻ mặt và đường nét chưa hề bị những cuộc truy hoan phá hủy, nổi bật lên êm đềm như chân trời xa trên mặt nước hồ yên tĩnh. Cái dung nhan điềm đạm, mặn mà, viềm sáng như đóa hoa xinh vừa nở ấy bắt buộc người ta phải ngắm nhìn, khiến người ta thư thái và truyền cho người ta cái duyên kín đáo của tâm hồn ánh lên trên đó. Ogieni hãy còn ở trên bờ cuộc đời, nơi những ảo tưởng tuổi xanh đâm chồi nảy lộc, nơi người ta ngắt cánh hoa Macgorit để bói chuyện tình duyên với một niềm khoái cảm không bao giờ tìm thấy về sau. Bởi vậy, chưa hiểu gì cả về tình yêu, nàng soi gương tự nhủ:

- Ta xấu xí quá, chàng sẽ không để ý đến ta đâu!

Rồi nằng mở cửa buồng trông ra thang gác, nghển cổ nghe ngóng mọi tiếng động trong nhà. Chỉ có tiếng mụ Nanong ho sớm và tiếng chân mụ đi lại quét dọn, nhóm nhen lửa, xích chó, nói chuyện với gia sức trong chuồng. Nàng nghĩ thầm: “Chàng chưa dậy”.

Thế là nàng chạy xuống thang, chạy đến bên mụ Nanong đang vắt sữa bò:

- Chị Nanong, chị Nanong ơi, chị làm kem cho cậu em tôi uống cà phê chứ.

Mụ Nanong cười phá lên:

- Ơ! muốn làm kem thì phải bắt đầu từ hôm qua kia chứ! Này, cậu em họ của cô xinh, ồ xinh quá, xinh đáo để. Cô chưa trông thấy cậu ấy mặc áo ngủ bằng lụa dệt hoa kim tuyến đấy nhỉ? Tôi thấy rồi. Còn áo mặc trong của chàng thì làm bằng thứ hàng mịn nhỏ như hàng may áo lễ của cụ xứ.

- Chị Nanong, thôi thì chị làm bánh bơ vậy.

Mụ Nanong là tể tướng của Grangde, bởi vậy mẹ con Ogieni nhiều khi phải coi trọng mụ ta. Mụ bảo:

- Bánh nướng ư? Đào đâu ra bơ, bột, củi đun bây giờ? Ăn cắp của ông cụ để đãi đằng cậu em họ à? Cô thưa với ông cụ xin bơ, bột , củi đun đi, ông cụ là bố cô mà, ông sẽ cho đấy. Nghe kìa, ông xuống để chi lương thực kia kìa...

Nghe tiếng thang gác rung chuyển dưới bước chân cha. Ogieni đâm hoảng bỏ chạy ra vườn: khi ta cả thẹn mà lại có điều sung sướng trong lòng thì ta tưởng như mọi tình ý thầm kín của ta đều hiện ra trên mặt, ai cũng đọc thấy ngay. Bây giờ Ogieni mới nhận thấy nhà mình trống trơn lạnh lẽo, và nàng thấy bực bội không biết làm thế nào cho nó hài hòa với sự phong nhã của cậu em. Nàng muốn làm một cái gì cho Saclo, muốn tha thiết, nhưng làm gì? Nàng không biết. Ngây thơ và trung thực, nàng nhắm mắt đi theo thiên tính trong trắng của mình, không mảy may đề phòng các thứ cảm giác và tình cảm tự phát. Vẻ người của Saclo đủ gợi dậy tình ý của người đàn bà trong người con gái; tình ý kia tất nhiên sẽ sôi nổi, vì Ogieni đã đến cái tuổi hai mươi ba là tuổi mà trí thông minh và sự khao khát đã phát triển đầy đủ.

Lần đầu nàng khiếp sợ cha nàng, nàng cảm thấy cha nàng cầm vận mệnh của nàng, có điều gì không nói với cha là có lỗi. Nàng bước đi nhanh, nàng ngạc nhiên nhận thấy không khí trong lành hơn, ánh nắng dạt dào sinh lực và chính nàng tìm thấy trong đó một sự ấm lòng, một sức sống mới. Trong lúc nàng suy nghĩ tìm một cái mẹo gì để có bánh bơ, thì giữa mụ Nanong và Grangde xảy ra một cuộc cãi vã, - những cuộc cãi vã giữa chủ tớ nhà này cũng hiếm như chim én mùa đông. Grangde xách chùm chìa khóa lủng lẳng xuống để cân lương thực chi trong ngày hôm ấy. Ông ta hỏi mụ Nanong:

- Bánh hôm qua còn thừa không?

- Thưa ông, không còn một mẩu nào.

Grangde lấy một cái bánh to, tròn, phủ nhiều bột, thứ bánh nhồi trong cái mẹt thường dùng để làm bánh ở miền Angiu. Ông ta toan cắt thì mụ Nanong bảo:

- Thưa ông, nhà ta hôm nay có năm người.

- Đúng đấy, nhưng cái bánh này những sáu cân (Cân xưa ở Pháp, bằng khoảng nửa kilogam ), thế nào cũng còn thừa. Vả lại, để rồi mụ xem, ngữ công tử Pari ấy họ không ăn bánh đâu!

- Thế họ ăn phơrip à?*(Trong từ vựng miền Angiu, phơrip là chỉ tất cả các thứ phết lên để ăn kèm với bánh mỳ ).

Grangde đáp:

- Không, ngữ ấy không ăn bánh, cũng chẳng ăn phơrip. Họ cũng như con gái đến tuổi lấy chồng, chả ăn uống gì mấy.

Sau khi ấn định thực đơn trong ngày một cách sít sao, Grangde khóa các tủ lương thực và sắp sang buồng hoa quả thì Nanong giữ ông ta lại, nói:

- Thưa ông, ông cho tôi một ít bột và bơ, để tôi làm một cái bánh bơ cho hai trẻ.

- Mụ định dỡ nhà tôi để đãi đằng cái ông cháu tôi đấy à?

- Tôi lo cho ông cháu của ông cũng bằng lo cho con chó của ông thôi, không hơn gì đâu. Và cũng chẳng hơn gì ông lo... Ấy, ông chỉ đưa tôi sáu miếng đường sao được? Tôi cần tám cơ.

- Ô hay! Cái mụ này! Tôi chưa bao giờ thấy mụ như hôm nay. Bỗng dưng sao mụ giở chứng thế? Mụ là chủ ở cái nhà này đấy à? Có nói gì thì mụ cũng chỉ được sáu miếng thôi.

- Thế thì cái người cháu của ông lấy gì mà cho vào cà phê?

- Hắn dùng hai miếng, tôi thì tôi nhịn.

- Tuổi tác như ông mà nhịn đường ư? Thà là tôi bỏ tiền túi ra mà mua cho ông dùng.

- Mụ hãy biết công việc của mụ, đừng có bạ gì cũng xen vào như thế!

Mặc dù giá đường hạ rất nhiều, đường vẫn là thứ sản vật thuộc địa quý nhất đối với ông grangde: nó vẫn giữ giá sáu phơrang một cân với ông. Thời Đế chế, Grangde bắt buộc phải dè xẻn đường, điều đó thành thói quen và đó là thói quen khó chữa nhất của ông ta.

Mọi người phụ nữ, kể cả người ngây ngô nhất, cũng biết dùng mánh khóe để đạt được mục đích của mình, mụ Nanong bỏ đường để đòi cho được bánh bơ. Mụ gọi với qua cửa sổ:

- Cô ơi, có phải cô ao ước bánh bơ không?

- Không, không, Ogieni đáp.

Grangde nghe thấy tiếng con bèn bảo:

- Thôi, mụ Nanong đây này.

Ông ta mở tủ bột, đong cho Nanong mấy thìa và thêm một ít bơ vào miếng đã cắt trước. Mụ Nanong vẫn chưa tha:

- Còn củi để đốt lò nữa ạ?

Grangde rầu rầu đáp:

- Ừ thì mụ lấy đủ dùng thôi. Nhưng đã thế thì mụ phải làm một cái bánh tạc nhân mứt, và sẵn lò, mụ nấy bữa tối trong lò luôn. Như vậy, mụ khỏi vừa đốt lò, vừa nhóm bếp.

- Đành rồi! Ông không cần phải bảo.

Grangde nhìn người bầy tôi trung nghĩa của mình với cặp mắt gần như âu yếm. Mụ Nanong gọi to:

- Cô ơi, cô. Có bánh bơ rồi đấy cô ạ.

Grangde đến buồng hoa quả về, tay ôm một ôm các thứ quả ; ông xếp đầy một đĩa thứ nhất đặt lên bàn nhà bếp. Mụ Nanong nói:

- Ông ơi, ông xem đôi giầy cuẩ người cháu ông đây có xinh không nào. Thứ da gì tốt quá mà thơm phức nữa! Đánh nó bằng thứ gì hở ông? Dùng thứ xi pha trứng của ông có được không?

- Mụ Nanong này, tôi ngại trứng làm hỏng thứ da ấy mất. Vả lại, mụ cứ bảo hắn là mụ không biết cách đánh da dê thuộc... Ừ đó là da dê thuộc. Hắn sẽ tự đi mua xi ở Xomuya đem về cho mụ đánh bóng giầy hắn. Tôi nghe nói người ta bỏ đường vào xi để đánh giầy cho bóng lộn đấy.

- Thế thì chắc là ngon lắm, mụ Nanong vừa nói vừa đưa giầy lên mũi ngửi. Ồ, ồ! Nó thơm mùi nước hoa Colonho của bà! Chao ôi! Ngộ quá!

- Ngộ! Con người mình chỉ đáng giá ít tiền lại bỏ ra nhiều để mua giầy mang diện mà mụ cho là ngộ à?

Lúc ông Grangde quay về lần thứ hai sau khi đóng cửa buồng hoa quả, mụ Nanong hỏi:

- Thưa ông, nhà ta mỗi tuần không ninh thịt một vài lần để thết ông gì...?

- Có chứ.

- Thế thì ta phải ra hàng thịt.

- Chả cần, mụ cứ ninh gà, vịt, bọn tá điền sẽ mang đến chứ không để mụ thất nghiệp đâu. Phải rồi! Để tôi bảo lão Coocnoie bắn quạ cho. Thứ chim ấy nước ninh ngọt nhất thiên hạ.

- Thưa ông, có phải nó ăn thây ma không?

- Mụ ngốc lắm, mụ Nanong ạ. Nó kiếm được gì thì ăn nấy, cũng như người thôi. Chúng ta không ăn thây ma là gì? Gia tài, thừa tự là gì đó nếu không phải là thịt người chết?

Không có gì sai bảo nữa, Grangde rut đồng hồ xem giờ; thấy còn nửa giờ nữa mới đến bữa ăn sáng, ông lấy mũ đến hôn con và bảo:

- Con có đi chơi trên bờ sông Loa không, chỗ đồng cỏ nhà ta ấy mà? Cha có chút việc cần ra đấy.

Ogieni đi lấy chiếc mũ rơm lót vải hồng, rồi hai cha con đi theo con đường quanh co xuống tới quảng trường. Đến đây thì gặp ông chưởng khế Cruyso, ông này hỏi:

- Ông cụ và cô đi đâu sớm thế?

- Đi xem cái này một chút. Ông Grrangde đáp thế và cũng không hiểu lầm ông bạn ra phố sớm thế là để đi dạo chơi.

Ông chưởng khế kinh nghiệm biết rằng khi ông Grangde đi thăm cái gì đó, mà đi theo ông ta thì thế nào cũng kiếm chác được ít nhiều, cho nên ông ta đi theo. Grangde bảo:

- Đi chơi với tôi, ông Cruyso. Ông là bạn, tôi sẽ chứng minh cho ông thấy rằng đất đồng mà đem trồng bạch dương là dại lắm.

- Thế thì cái số bạc sáu vạn phơrang mà ông hốt về từ mấy đám bạch dương bên bờ sông Loa ngày nọ, ông cho là rác ư? Ông Cruyso vừa nói vừa mở to mắt kinh hoàng. Vận ông đến là đỏ. Đốn bạch dương chính giữa lúc ở Nangto người ta thiếu gỗ trắng và bán những giá ba mươi phơrang, thật là may mắn quá sức!

Ogieni theo dõi câu chuyện mà không ngờ rằng giờ phút long trọng nhất đời mình đã đến, và ông chưởng khế sắp khiến cho cha nàng tuyên đọc một bản nghị quyết đối với nàng sẽ có hiệu lực tuyệt đối. Grangde đã tới mấy cánh đồng cỏ tuyệt đẹp của ông ta ở trên bờ sông Loa. Ba mươi người thợ đương đào gốc những cây bạch dương đã đẵn đi và lấp hố, san bằng mặt đất.

Grangde bảo:

- Ông Cruyso, ông hãy xem một cây bạch dương chiếm hết bao nhiêu đất? - Grangde gọi một người thợ – anh lấy cái thước đơ... đơ...đo thử xem ngang dọc mọ...mọ... mọi chiều bao nhiêu?

Người thợ đo xong bảo:

- Hai thước sáu nhân bốn.

- Thế là mất đứt đi mười thước vuông (Tác giả sơ ý, tính nhầm diện tích với chu vi. Tính đúng là 6,67m vuông ). Dọc theo đường này trước đây có ba trăm cây bạch dương phải không? Ba tra...tra.. trăm lần mừ...mừ...mười... mười thước vuông vị chi là na...ăm trăm cỏ khô; ở hai bên cũng chừng ấy nữa, thế là một nghìn năm trăm; mấy hàng giữa cũng ngần ấy nữa. Vậy hãy ti.. ti...tính một ngàn bó cỏ khô.

Cruyso tính giúp ông bạn:

- Một ngàn bó cỏ khô thế là sáu trăm phơrang.

- Phải nói nga.. ngàn hai, bởi vì còn vụ nhì, ba bán ba bốn mỗi năm ngàn hai thì...thì bốn mươi năm, vừa co... co...cộng lãi mẹ lãi con vào, ra... ra... thành bao nhiêu, ông bi... biết chứ?

- Ừ thì là sáu vạn!

- Đồng ý! Chơ...i... chỉ sáu vạn chứ bao nhiêu! Nếu bây giờ – lúc này Grangde không nói lắp nữa – cứ trồng hai ngàn bạch dương thì bốn mươi năm sau bán chưa đến năm vạn. Thế là lỗ. Tôi, vâng, chính tôi đã phát hiện ra điều đó.

Grangde vừa nói vừa ưỡn ngực kiêu hãnh. Ông bảo tiếp người thợ:

- Giăng, anh lấp hết các hố gốc, trừ ở phía sông Loa. Anh đem những cây con tôi mua ra trồng phía ấy.

Ông ngoảnh lại Cruyso, nhếch chóp mũi như có ý chế nhạo:

- Trồng chúng phía bờ sông, chúng ăn màu mỡ của nhà nước thôi.

Cruyso lấy làm kinh hoàng về những cách tính toán của ông Grangde:

- Thật là rõ như ban ngày. Bạch dương chỉ nên trồng ở đất xấu thôi.

- Thưa ông, chí... chính thế đấy , bác phó thùng mỉa mai đáp.

Ogieni mải ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ sông Loa không để ý đến các bài toán của ông bố, bỗng nhiên lắng tai khi nghe ông Cruyso nói:

- À, ông Grangde, ông đã gọi một chàng rể ở Pari về đấy nhỉ! Khắp Xomuya, ai người ta cũng chỉ nói đến anh cháu của ông. Tôi sắp được thảo bản hợp đồng hôn thú chăng, hở bác Grangde?

Grangde động đậy chóp mũi:

- Ra bác dậy sớm thế là để tìm tôi nói việc ấy đấy! Này ông bạn già của tôi ơi, ta sẽ thành thật và ta sẽ nói cái việc mà ông bạn mu...muốn biết. Tôi, thà là tôi ne...ne..ém đầu con nhỏ xuống sông Loa chứ không bao giờ ga...ga...gả cho thằng em họ của nó, ông nghe rõ chưa? Ông có thể loan báo như thế. À mà thôi, cứ để mặc thiên hạ ba..bà..bàn tán.

Câu trả lời ấy làm cho Ogieni tối tăm mặt mày. Những mơ ước xa xôi vừa nhú lên trong lòng nàng chợt mở cánh thành hình trong một phút, như một chùm hoa đẹp, lại chợt bị cắt ngang vung vãi xuống đất. Từ tối hôm qua, lòng nàng vương vấn với saclo bằng muôn nghìn sợi chỉ tơ rắp mong dệt thêu hạnh phúc; từ giờ trở đi nỗi đau buồn càng buộc chặt thêm mói tình kia. Phải chăng số kiếp cao quý của người đàn bà là xúc động về cái lớn lao của đau khổ hơn là cái lộng lẫy của giàu sang? Làm sao trong lòng cha nàng tình cha con lại tắt ngấm đi như thế? Saclo đã phạm tội ác gì? Toàn là những câu hỏi huyền bí. Chung quanh mối tình chớm nở của nàng, nóp đã là một sự huyền bí, lại có một sự huyền bí khác bao vây. Trên đường về, chân nàng run rẩy. Đường phố cũ tối tăm, trước đây nàng cho là vui, bây giờ nàng thấy ủ ê; nàng hít cái không khí u hoài mà thời gian và sự vật đã truyền cho quang cảnh. Những bài học của tình yêu, thế là nàng đã học đủ cả. Còn mấy bước đến nhà, nàng vượt lên trước, gõ cửa rồi đứng đợi cha. Nhưng cha nàng thấy ông chưởng khế cầm trong tay một tờ còn nguyên băng, dừng lại hỏi:

- Công trái thế nào rồi?

- Ông không chịu nghe tôi. Thôi ông hãy mua nhanh lên, mua bây giờ, hai năm nữa cũng còn được lợi hai mươi phần trăm, ngoài ra còn tiền lãi chính thức tính theo lãi xuất rất cao nữa. Bỏ ra tám vạn phơrang mà thực lợi những năm ngàn. - Phiếu công trái hôm nay giá tám mươi phơrang năm hào.

Ông Grangde xoa cằm nói:

- Để rồi xem.

Ông chưởng khế vừa giở tờ báo nhìn qua đã vội vã kêu lên:

- Trời ơi!

- Ô hay cái gì thế? Ông Grangde hỏi, trong khi Cruyso đặt tờ báo trước mắt ông ta và bảo:

- Ông đọc bài này.

“Ông Grangde, một nhà đại thương rất được kính mến ở Pari vừa tự tử bằng súng lục, sau khi ở sở Hối đoái về như thường lệ. Trước đấy, ông đã gửi đơn lên ông chủ tịch hạ viện xin từ chức nghị viện và cũng đã từ chức hội thẩm tòa án thương mại. Việc phá sản của các ông Roganh, trung gian giao dịch và Xuxe, chưởng khế của ông, đã làm cho ông suy sụp. Ông là người được trọng vọng và có uy tín lớn ở Pari, giá ông ấy còn sống, chắc là ông có thể được giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Tiếc thay, con người đáng kính ấy lại không đủ sức đấu tranh chống lại giây phút thất vọng ban đầu...”

Ông chủ nho bảo:

- Tôi đã được biết.

Nghe câu ấy, Cruyso rợn người. Tuy đã que nết trơ như đá của một người chưởng khế, ông cũng thấy lạnh xương sống, khi nghĩ rằng có lẽ ông em ở Pari đã kêu cứu vô hiệu quả với ông anh triệu phú này.

- Vậy còn cậu con ông ta, ngày hôm qua vui vẻ thế...?

Ông Grangde vẫn thản nhiên đáp:

- Nó vẫn chưa biết gì cả.

- Thôi, xin chào ông.

Ông Cruyso đã hiểu hết. Ông chạy về để nói cho ông chánh án Đo Bongphong yên lòng.

Grangde về đến nhà thì bữa sáng đã bày xong. Bà Grangde ngồi ở chiếc ghế cao và đương đan một cặp ống tay để dùng trong mùa đông. Ogieni chạy tới choàng lấy cổ mẹ hôn lấy hôn để, sôi nổi như một người vừa gặp chuyện đau lòng thầm kín. Mụ Nanong xuống thang gác ba bốn cấp làm một bảo:

Ông bà và cô cứ ăn đi. Cậu bé còn đương ngủ thiêm thiếp như một chú tiên đồng. Trông cậu nhắm mắt ngủ đến là dễ thương! Tôi vào gọi. Nhưng cứ là im thin thít như chẳng có ai cả.

- Cứ để cho hắn ngủ. Dậy mà nghe tin buồn thì lúc nào dậy cũng chả muộn.

Ogieni đang bỏ hai miếng đường vào cốc cà phê, đường này do ông Grangde vui tay chặt ra trong lúc rỗi, không biết cân được bao nhiêu gam. Nghe cha nói thế nàng hỏi:

- Có chuyện gì thế, hở cha?

Bà Grangde thì không dám hỏi, chỉ nhìn chồng.

- Cha nó đã tự sát bằng súng lục.

- Chú con ấy à?

Bà Grangde buột miệng:

- Khốn khổ cho thằng bé!

- Ừ, khốn thật đấy, hắn không có một đồng xu.

Mụ Nanong trìu mến nói:

- Thế mà cậu bé cứ ngủ khì, y như thiên hạ là của cậu ấy không bằng!

Ogieni không ăn được nữa. Tim nàng đau thắt lại. Tai biến của người yêu đã làm dậy trong lòng nàng một niềm thương xót mênh mang, nó tràn lên, nó thấm vào mạch máu thớ thịt. Nàng khóc, Grangde nhìn nàng, mắt long sòng sọc như mắt con cọp đói; có lẽ khi ông ta nhìn những thoi vàng mắt ông ta cũng thế.

- Mày chưa hề biết chú mày, tại sao mày khóc?

- Thưa ông, mụ Nanong nói, ai là không thương hại cậu bé khốn khổ ấy? Tai họa thế mà cậu ta cứ ngủ tít thò lò như một con quay, không biết số phận của mình ra sao cả.

- Tôi không nói với mụ mà. Câm cái mồm đi.

Bây giờ Ogieni mới biết là người đàn bà đã yêu thì phải luôn che dấu tình cảm của mình. Nàng không đáp lời cha. Grangde tiếp:

- Bà Grangde ạ, từ giờ cho tới lúc tôi về, tôi mong rằng bà sẽ không nói gì với nó cả. Tôi phải ra xem người ta gióng cái hào ở cạnh đồng cỏ dọc theo đường cái. Trưa tôi sẽ về ăn nói chuyện với thằng cháu về công việc đó. Còn cô, cô Ogieni ạ, nếu vì cái thằng công tử bột ấy mà cô khóc thì khóc chừng ấy cũng đã đủ lắm rồi, cô ạ. Hắn sắp đi Ấn Độ rồi. Cô sẽ không bao giờ gặp lại hắn nữa đâu...

Grangde lấy đôi găng trên vành mũ, dáng vẫn bình tĩnh như mọi ngày; ông ta cài mấy ngón tay vào nhau để tra găng rồi đi ra. Còn lại một mình với mẹ, bấy giờ Ogieni mới kêu lên:

- Ôi! mẹ ơi, con chết ngạt mất! Con chưa bao giờ thấy đau như hôm nay.

Thấy mặt mày con tái mét, bà Grangde mở toang cửa sổ để cho con thở cho thoáng. Một lát sau Ogieni bảo: “Con đã đỡ rồi".

Xưa nay trông nàng như lạnh lùng bình tĩnh, nay bỗng nhiên xúc động mạnh như thế khiến bà Grangde phải chú ý: bà nhìn người con gái yêu với linh cảm sẵn có của bà mẹ và đoán biết hết tình đầu. Thật ra đời sống của một đôi chị em liền ruột vì lỗi của bác thợ tạo cũng không quan hệ mật thiết cho bằng đời sống của hai mẹ con Ogieni lúc nào cũng ngồi với nhau ở cửa sổ, cũng đi với nhau đến nhà thờ, cũng thở với nhau chung một không khí trong giấc ngủ.

- “Tội nghiệp con tôi!”.

Nghe thế Ogieni ngẩng lên đưa mắt thầm hỏi mẹ, và đọc được những ý nghĩ thầm kín của bà; nàng nói:

- Sao lại đưa cậu ấy đi Ấn Độ? Nếu cậu ấy khổ sở thì để ở đây không hơn sao? Cậu ấy không phải người họ hàng gần nhất của gia đình ta sao?

- Đúng đấy con ạ! Nếu làm thế thì hợp nhân tình biết bao nhiêu. Nhưng cha con chắc cũng có lý do của ông ấy, mẹ con chúng ta phải phục tùng.

Hai mẹ con yên lặng ngồi xuống, mẹ ngồi trên ghế cao, con trên chiếc ghế bành kiểu nhỏ và cả hai lại tiếp tục vá may. Ogieni chan chứa niềm biết ơn đối với bà mẹ có lòng thông cảm vô bờ bến, nàng hôn tay mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ yêu quý của con ơi, mẹ tốt quá!

Mặt bà mẹ già tàn tạ vì đau khổ bỗng rạng rỡ lên khi nghe thấy câu ấy. Ogieni lại hỏi:

- Cậu ấy có vừa ý mẹ không?

Bà Grangde chỉ trả lời bằng một nụ cười; sau phút yên lặng, bà nói khẽ:

- Con yêu nó rồi ư? Thế thì không tốt đâu con ạ.

- Không tốt, vì sao không tốt, thưa mẹ? Cậu ấy vừa mắt mẹ, vừa mắt mụ Nanong, tại sao không vừa mắt con? A này mẹ ơi, ta đặt cái bàn để dọn quà sáng cho cậu ấy dùng, mẹ nhé!

Ogieni vứt cái áo đang may dở, bà mẹ cũng làm theo và nói:

- Con thật là điên.

Tuy nói vậy nhưng bà vẫn làm theo Ogieni những cái điên cuồng của nàng, đó là một cách đồng ý.

Ogieni gọi mụ Nanong. Mụ hỏi:

- Cô cần gì nữa đấy, cô?

- Chị Nanong ơi, chị làm kem ăn trưa đấy chứ?

- À, trưa thì được.

- Thế chị pha cà phê cho cậu ta đặc quánh ấy nhé. Tôi nghe ông Đe Gratxanh bảo ở Pari người ta pha đặc lắm. Bỏ nhiều cà phê vào.

- Cô bảo tôi đào đâu ra?

- Đi mua.

- Nhỡ ông nhà bắt gặp thì sao?

- Ông ở ngoài đồng cỏ rồi.

- Thế tôi chạy đi đây. Nhưng hôm qua, khi bán nến lạp cho tôi, lão Phetxa đã hỏi có phải Tam đế (Ba giáo sĩ theo sau dẫn đường đến Bathleem để hầu Chúa Jesu mới đẻ ) giáng lâm ở nhà ta không. Tôi e rằng cả thành phố sẽ biết những chuyện tiêu hoang của ta.

Bà Grangde nói:

- Nếu cha con mà thấy có điều lạ, ông có thể nhẫn tâm đánh đập chúng ta đấy con ạ.

- Đành vậy. Cha cứ đánh, con cứ quỳ xuống mà nhận đòn.

Không biết nói thế nào nữa, bà Grangde ngửa mặt nhìn trời.

Mụ Nanong vớ chiếc khăn trùm bước ra, Ogieni soạn khăn ăn trắng để dọn bàn. Nàng chạy đi lấy mấy chùm nho trong số những chùm mà nàng đã mắc để dành thử lên mấy sợi dây căng trong buồng vựa. Nàng bước rón rén qua hành lang để khỏi phải phá giấc ngủ của Saclo, và đến cửa buồng, nàng không thể không dừng lại lắng nghe hơi thở đều đều của chàng. Nàng nghĩ thầm: “chàng thì ngủ mà tai họa thì lại chả chịu ngủ cho!”.

Nàng ngắt mấy lá nho xanh nhất, xếp nho lên, khéo tay như một người bày cỗ lành nghề, rồi mang đặt lên bàn, dương dương đắc ý. Nàng xuống bếp lùng vét lê, mà cha nàng đếm từng quả một, và đem xếp thành hình tháp bày lên bàn ăn, xen với mấy chiếc lá xanh. Nàng đi đi lại lại, lăng xăng, chạy nhảy. Nàng chỉ muốn vơ vét ráo cái nhà này, nhưng buồng kho, hòm tủ gì ông Grangde cũng giữ chìa khóa cả. Mụ Nanong mang về hai quả trứng tươi. Thấy trứng, Ogieni những muốn nhảy tót lên cổ mụ mà hôn. Mụ nói:

- Lão tá điền đồng Lăng mang trứng trong giỏ, tôi bảo cho tôi, lão đưa để lấy lòng tôi, cái thằng cha dễ thương quá.

Trong khi sửa soạn bữa ăn, Ogieni bỏ chiếc áo đang may dễ đến hai mươi bận để chạy đi xem ấm cà phê sôi chưa, để lên nghe tiếng động của Saclo khi chàng thức giấc. Sau hai tiếng đồng hồ soạn sửa, nàng dọn xong một bữa trưa giản dị, rẻ tiền, nhưng vi pham tập quán gia đình một cách ghê gớm. Ở nhà này, bữa trưa người ta ăn đứng: Mỗi người nhấm nháp một rẻo bánh, một quả cây gì đó hay ít bơ và uống một cốc vang. Bây giờ nhìn cái bàn kê bên lò sưởi, cái ghế bành đặt đối diện bộ thìa nĩa dành cho khách, hai cái đĩa hoa quả, cái giá trứng, chai vang trắng, cái bánh mỳ nguyên, và những miếng đường xếp ngùn ngụt trong đĩa. Ogieni mới kịp nghĩ đến cặp mắt của cha nhìn nếu bất thần ông về; toàn thân nàng run lẩy bẩy. Chốc chốc nàng lại nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, nhẩm tính thử Saclo có thể ăn sáng kịp trước khi cha mình về hay không. Bà Grangde an ủi con:

- Con cứ bình tĩnh, Ogieni ạ. Nếu cha con về thì mẹ nhận là do mẹ tất.

Ogieni cảm động ứa nước mắt. Nàng kêu:

- Ôi, mẹ yêu quý của con! Con yêu mẹ chưa vừa với tình mẹ đâu.

Saclo đã hát nghêu ngao và đi bách bộ hàng nghìn vòng trong buồng; cuối cùng chàng cũng xuống nhà dưới. May mắn làm sao, chỉ mới mười một giờ, Saclo là Công tử Pari chính cống! Chàng mặc diện lắm, giá chàng về tòa lâu đài của bà nhân tình quý tộc, cái bà đang đi du ngoạn ở xứ Ecot ấy, chàng cũng ăn mặc đỏm dáng đến thế là cùng. Chàng bước vào phòng với cái dáng tươi cười lễ phép rất hợp với tuổi trẻ, nó làm cho Ogieni vừa sung sướng vừa rầu lòng. Chàng chẳng thèm bận tâm về những mơ ước hão huyền không thực hiện được ở Angiu. Chàng vui vẻ chào hỏi bà bác:

- Thưa bác, bác ngủ có ngon không ạ?

- Được, thế còn ông thì thế nào?

- Tôi thì ngủ ngon lắm.

Ogieni bảo:

- Chắc là cậu đói rồi, mời cậu ngồi xơi lót lòng.

- Tôi có tật không bao giờ dùng bữa trước canh trưa, lúc tôi ngủ dậy. Nhưng cũng được, đi đường ăn uống tệ quá nên bây giờ bảo gì tôi cũng xin vâng. Vả lại...

Chàng rút đồng hồ xem giờ, chiếc đồng hồ quả quýt mỏng nhất, xinh nhất mà Breghe (thợ đồng hồ danh tiếng, người Thụy Sỹ, lập nghiệp tại Pari ) đã sản xuất.

- Ơ kìa mới mười một giờ, tôi dậy sớm nhỉ.

- Sớm à? Bà Grangde hỏi.

- Vâng, vì tôi muốn sắp xếp hành lý. Đã vậy thì tôi cũng vui lòng ăn một chút gì đây, chút đỉnh thôi, loại gà vịt gì đó, một con gà gô tơ chẳng hạn.

- Đức mẹ ơi! Mụ Nanong buột miệng.

- Ogieni thì thầm “gà gô tơ!” và muốn đổ hết vốn liếng ra mua lấy một con gà gô tơ. Bà Grangde bảo Saclo:

- Ông ngồi ghế.

Chàng công tử ngồi xuống chiếc ghế với cái dáng điệu một người đàn bà đẹp đặt mình lên chiếc đi văng. Mẹ con Ogieni kéo ghế ngồi cạnh chàng, trước lò sưởi. Ban ngày Saclo càng thấy gian phòng xấu xí, xấu xí hơn ban đêm dưới ánh đèn. Cậu hỏi:

- Bác và chị sống ở cái nhà này quanh năm à?

- Quanh năm, Ogieni nhìn Saclo đáp. Chỉ trừ mùa trẩy nho, chúng tôi đi giúp chị Nanong, lúc ấy thì tất cả đều ở lại nhà tu Noaye.

- Bác và chị không bao giờ đi dạo chơi à?

- Có chứ, bà Grangde đáp. Một đôi khi chúng tôi đi chơi trên cầu hoặc là đến xem người ta cắt cỏ.

- Ở đây có rạp hát chứ?

Bà Grangde kêu lên:

- Đi xem hát? Đi xem cái bọn xướng ca à? Ô hay! Ông không biết đó là một tội lỗi làm mất linh hồn ư?

Mụ Nanong mang trứng lên, nói:

- Thưa ông, chúng tôi dọn trứng gà ông xơi đây, gà trong trứng.

Saclo reo:

- Ồ! trứng tươi!

Như thói thường của những người sang trọng, chàng đã quên phắt món gà gô tơ.

- Trứng tươi thì thú vị quá! Này chị Nanong yêu quý ơi, nếu chị có bơ nữa thì tuyệt!

- Ô hay! Bơ nữa? Thế thì không ăn bánh bơ à?

Ogieni kêu:

- Chị cứ mang bơ lên đi mà!

Cô thiếu nữ nhìn người em họ cắt bánh, say sưa như một chị thợ trẻ đa cảm xem một vở ca kịch thể hiện sự chiến thắng của ngây thơ. Vả lại cũng phải công nhận rằng Saclo đã được một bà mẹ phong nhã khéo nuôi dạy, lại được một thiếu phụ lõi đời bày vẽ thêm, nên cử động uyển chuyển, đỏm dáng, thanh tú như một thiếu nữ tân thời. Sự cảm thông và niềm trìu mến của người con gái tác động tới chàng như nam châm. Được bà bác và người chị họ săn sóc chu đáo, chàng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của muông ngàn tình cảm châu vào chàng, dâng ngập người chàng. Chàng đưa mắt nhìn Ogieni, đôi mắt dịu hiền, mơn trớn, như mỉm cười. Chàng nhận thấy những đường nét ấy hòa hợp tuyệt vời trên khuôn mặt đứng đắn, cái dáng điệu ngây thơ, cặp mắt trong sáng một cách huyền diệu, trong đó lấp lánh những tình ý yêu đương chớm nở và một niềm khát khao không lẫn dục tình.

- Chị ạ, thú thật với chị, nếu chị mặc diện, ngồi ở lô nhà hát thì tôi cam đoan rằng lời bà bác nói khi nãy là đúng: sẽ có lắm người đàn ông phạm tội thèm khát và lắm người đàn bà phạm tội ghét ghen.

Câu khen tặng ấy như ôm ấp quả tim Ogieni, làm cho nàng phập phồng sung sướng, mặc dù nàng không hiểu gì hết.

- Ồ cậu ạ, cậu chế nhạo một cô bé nhà quê làm gì tội nghiệp!

- Nếu chị biết rõ tôi thì chị sẽ thấy tôi rất ghê tởm cái việc chế nhạo: Tính chế nhạo làm cho lòng mình tàn cỗi, nó xung khắc với mọi tình cảm...

Chàng nuốt gọn gàng lát bánh chấm trứng và bơ.

- Vâng, có lẽ tôi không đủ thông minh để châm biếm kẻ khác. Cái khuyết điểm ấy làm cho tôi thiệt thòi nhiều lắm. Ở Pari họ có thể giết người bắng một câu khen - “Hắn ta tốt bụng”. Câu nói ấy có nghĩa là “hắn ngu như lợn ấy!”. Nhưng vì tôi giàu có và ai cũng biết tôi nắm khẩu súng lục kiểu nào cũng có thể bắn ngã con búp bê làm bia ở cách xa ba mươi bước. Ở giữa đồng trống, ngay phát đầu, cho nên bọn châm biếm phải kiêng tôi.

- Ông nói thế chứng tỏ ông có lòng tốt.

Ogieni bảo Saclo:

- Cậu có chiếc nhẫn xinh quá. Mượn cậu để xem một chút việc gì không ạ?

Saclo tháo chiếc nhẫn, chìa tay đưa, mấy đầu ngón tay chạm nhẹ các móng hồng hồng của Saclo, nàng xấu hổ, mặt mày đỏ ửng.

- Mẹ ơi. Mẹ xem chiếc nhẫn người ta làm khéo chưa!

Mụ Nanong vừa đem cà phê lên nói:

- Ồ, ồ! Khối vàng đấy nhé.

Saclo phì cười, hỏi:

- Cái gì thế này?

Và chàng chỉ cái bình bầu dục bằng đất nung đen với sơn bóng, phía trong ram nước sành, dưới đít viền một ngấn tro; nước sôi, pha cà phê cứ chìm xuống đáy bình lại trào lên mặt nước.

- Cà phê đun đấy mà, mụ Nanong nói.

- Ra thế! Thưa bác, về qua đây, ít ra tôi cũng phải để lại một dấu vết tốt lành gì mới được. Nhà ta chưa được văn minh. Tôi sẽ chỉ bảo cách pha cà phê ngon trong ấm kiểu Saptan cho.

Chàng cố giải thích cách pha cà phê trong ấm Saptan. Mụ Nanpng bảo:

- Ối chào, nếu lôi thôi đến thế thì e mãn kiếp học cũng chưa xong. Tôi thì không khi nào tôi pha cà phê kiểu ấy. Thật đấy mà. Tôi mà lo pha cà phê cách ấy thì ai lo cỏ cho con bò sữa nhà ta?

- Tôi lo cho, Ogiei nói.

Bà Grangde nhìn con, buột miệng:

- Con mấy cái!

Tiếng ấy làm cho cả ba người phụ nữ chợt nhớ đến điều phiền muộn sắp đến với Saclo nên cả ba đều lặng thinh; vẻ thương xót của họ khiến chàng thanh niên chú ý.

- Chị có chuyện gì thế, hở chị?

Thấy Ogieni sắp trả lời, bà Grangde ngăn lại:

- Suỵt! Con nhớ chứ con, cha mày bảo là cứ để ông ấy nói chuyện với ông...

- Bác gọi là Saclo.

- Ôi! cậu tên Saclo? Ogieni reo. Cái tên đẹp nhỉ!

Khi tính đa cảm báo trước mọi tai họa thì có phần chắc chắn là tai nạn sẽ xảy đến. Mụ Nanong, bà Grangde và Ogieni từ trước cứ nghĩ tới lúc Grangde về mà giật mình thon thót, thì ngay lúc ấy nghe một tiếng búa quen thuộc.

Ogieni kêu:

- “Cha về”.

Rồi nàng mang đĩa đường đi, chỉ để lại vài miếng trên bàn. Mụ Nanong cất cái đĩa để trứng. Bà Grangde nhổm người lên như con hươu kinh động. Cảnh kinh hoàng của mọi người khiến cho Saclo lấy làm lạ, nhưng không hiểu được nguyên nhân.

- Ơ kìa! Nhà có việc gì thế?

- Cha tôi về kia, Ogieni nói.

- Bác về thì sao?

Ông Grangde vào, đưa con mắt trong suốt nhìn trên bàn, nhìn Saclo và hiểu cả. Ông nói một mạch:

- A! A! Bà con thết tiệc ông cháu đây. Tốt, tốt lắm, tốt hết sức! Vắng chủ nhà, gà bới bếp đây.

Saclo không thể đoán ra cung cách ăn uống và tập quán trong gia đình thế nào, tự hỏi: “Thế này mà là tiệc ư?”.

Grangde bảo:

- Mụ Nanong, đưa cốc tao đây!

Ogieni bưng cốc đưa cha. Grangde móc túi lấy ra một con dao chuôi sừng to lưỡi, cắt một lát bánh, lấy một ít bơ trát đều đặn rồi cứ đứng mà ăn. Lúc thấy Saclo bỏ đường vào cà phê. Grangde trông thấy mấy miếng đường bèn quay lại nhìn bà vợ mặt đang tái đi. Ông bước lên ba bước, ghé mồm vào tai người vợ già đáng thương, hỏi:

- Bà lấy đâu ra tất cả chỗ đường ấy?

- Mụ Nanong đi mua ở cửa hàng lão Phetxa. Ở nhà không có.

Không thể tưởng tượng ba người đàn bà chú ý đến tấm kịch câm này đến mực nào: Mụ Nanong bỏ bếp lên dòm xem tình thế ra làm sao. Saclo nếm cà phê thấy đắng quá, đưa mắt tìm đĩa đường; nhưng Grangde đã cất rồi.

- Anh cần gì?

- Đường.

- Bỏ sữa vào. Có sữa, cà phê sẽ dịu đi.

Ogieni lấy đĩa đường Grangde cất trong tủ ra, đem đặt lên bàn ăn và nhìn cha một cách bình tĩnh. Người thiếu phụ Pari gắng hết sức bình sinh cầm cái dải lụa cho chàng tình nhân leo gác có lẽ cũng không can đảm bằng Ogieni khi nàng đem đĩa đường đặt lại lên bàn. Thiếu phụ Pari kia sẽ được người yêu đền bù xứng đáng: khi nàng kiêu hãnh đưa bàn tay sây xát ra thì mỗi vết thâm bầm sẽ được rịt trăm cái hôn, thấm nghìn giọt nước mắt, và sẽ hết đau đớn ngay trong cuộc truy hoan tiếp theo đó. Nhưng Saclo thì có lẽ không bao giờ biết được những cơn bão táp giày vò quả tim của người chị họ, khi cặp mắt của ông cha bổ xuống người nàng như sét giáng. Grangde hỏi vợ:

- Bà không ăn à?

Người thị tỳ đáng thương hại ấy bước lên, cắt một miếng bánh và cầm một quả lê, dáng điệu thảm hại. Ogieni gan góc đưa nho mời cha và nói:

- Cha ơi, cha nếm thử thứ nho con để dành đây xem sao! Cậu ạ, cậu ăn nhé! Tôi đi lấy những chùm nho xinh đẹp này cho cậu đấy.

- Ơ! anh ạ, nếu không cản họ lại, họ sẽ càn quét cả cái thành phố Xomuya này vì anh. Anh ăn xong, ta ra vườn, tôi có chuyện này muốn nói với anh, chuyện này thì lại chả có vị ngọt tí nào.

Ogieni và bà Grangde đưa mắt nhìn Saclo. Qua ý nghĩa những cái nhìn ấy, chàng biết là có chuyện chẳng lành.

- Thưa bác, bác nói thế là thế nào ạ? Từ khi mẹ tôi mất đi...(nói tiếng mẹ, giọng Saclo dịu xuống), thì đối với tôi không có cái gì đáng gọi là tai họa nữa.

- Cháu ơi, bà Grangde nói, ai biết trước được những nghịch cảnh Chúa dùng để thử thách lòng ta?

- Cha cha cha cha! Lại giở những chuyện dớ dẩn ra rồi. Anh cháu ạ, tôi thấy bàn tay xinh xắn trắng trẻo của anh mà tôi những phiền lòng.

Grangde chìa hai bàn tay rộng lớn, trông như hai chiếc vai cừu, mà tạo hóa đã tra vào cổ tay ông, và nói:

- Tay như thế này mới là tay hốt tiền! Người ta quá nâng niu anh, tập cho anh xỏ chân vào thứ da dùng để làm cái ví mà chúng tôi nhét giấy bạc. Không tôt! Không tốt.

- Thưa bác, bác định nói gì thế? Nếu cháu mà hiểu được một tiếng thì cũng đủ trời không dung.

- Anh đi ra đây với tôi.

Grangde gấp con dao đánh phập một tiếng, uống nốt cốc vang rồi mở cửa.

- Cậu ơi, phải can đảm lên!

Giọng Ogieni làm Saclo lạnh toát cả người. Chàng hãi hùng bước theo ông bác đáng khiếp sợ ấy. Ogieni, bà Grangde và mụ Nanong xuống nhà bếp. Không chống nổi tính tò mò, họ muốn rình xem lớp kịch diễn ra làm sao ở trong khu vườn ẩm ướt, giữa bác cháu ông Grangde. Thoạt đầu hai người đi với nhau, không trao đổi một tiếng. Grangde không thấy khó khăn lúng túng gì trong việc báo tin cha Saclo chết, nhưng ông cảm thấy như thương hại Saclo khi nghĩ rằng anh chàng không có một xu dính túi, ông tìm lời để nói cái sự thật độc ác ấy một cách êm ái. Nói: “Cha anh chết rồi!” thì có khó gì đâu. Cha chết trước con là sự thông thường. Nhưng cái câu: “Anh không có của cải tiền nong gì cả!”, ấy đấy, cái câu ấy chứa chất tất cả tai họa trong trời đất. Cho nên ông già phải đi lại đến vòng thứ ba con đường đất giữa vườn, cát reo xào xạo dưới chân. Những giờ phút nghiêm trọng trong đời sống, tâm hồn ta quyện chặt với những nơi đã xảy ra điều hân hoan hay việc phiền muộn. Bởi vậy, Saclo rất chú ý đến các cây ngâu trong mảnh vườn nhỏ, những lá cây nhạt úa đang rụng, các bức tường phai màu, và hình thù kỳ quái của mấy cây ăn quả; những nét nên tranh kia sau này sẽ khắc sâu vào ký ức của Saclo, gắn liền với giờ phút lâm ly này, theo phương pháp ghi nhớ riêng của tâm tình.

Grangde hít thở một hơi dài nói:

- Trời ấm quá, đẹp quá.

- Thưa bác, vâng... Nhưng vì sao?

- Thế này cháu ạ. Bác có những tin không hay phải báo với cháu. Cha cháu nguy lắm.

- Thế thì tại sao cháu hãy còn ở đây? Mụ Nanong, Saclo thét, đi dặn ngựa trạm cho tôi ngay đi!

Saclo quay lại ông Grangde vẫn ngồi im:

- Thế nào cháu chẳng tìm được một cái xe trong vùng.

- Ngựa, xe đều vô ích, Grangde vừa nói vừa nhìn Saclo; Saclo không nói được, hai mắt đăm đăm. Đúng đấy, cháu ạ, cháu đã đoán ra. Chú hai đã mất. Như thế cũng chưa gì, cái này còn nguy hại hơn nữa: chú hai đã tự tử bằng súng lục...

- Cha cháu tự tử?

- Phải, nhưng như thế cũng chưa gì. Báo chí chúng bình luận cái việc này y như là chúng có quyền bình luận. Đây, cháu đọc xem.

Grangde mở tờ báo mượn của Cruyso, đặt bài báo bi thảm dưới mắt Saclo, hãy còn ở cái tuổi mọi tình cảm bộc lộ ra một cách hồn nhiên. Chàng khóc òa lên.

“Ừ, thế là tốt, Grangde tự nhủ. Cặp con mắt nó làm cho mình lo quá, bây giờ nó khóc được, thế là nó thoát nạn”. Rồi ông ta nói to, không cần Saclo có nghe hay không:

- Như thế cũng chưa thấm vào đâu, cháu ạ, chưa thấm vào đâu. Rồi cháu sẽ khuây khỏa thôi, nhưng...

- Không, không bao giờ khuây khỏa! Cha, cha ơi!

- Chú ấy đã làm cho cháu khánh kiệt, cháu bây giờ hoàn toàn tay trắng!

- Cái ấy có làm gì? Cha ta đâu?... cha ơi!...

Tiếng than khóc của Saclo nổi lên giữa mấy bức tường, nghe rất thảm đạm và dội thành tiếng vang. Nước mắt vốn cũng hay lây như tiếng cười, ba người đàn bà quá thương cảm cũng sụt sùi giọt ngắn giọt dài, Saclo không nghe bác nói nữa, chạy trốn vào sân, tìm ra thang gác và leo lên buồng mình. Chàng vật mình nằm ngang trên giường, úp mặt xuống đệm, trốn con mắt bà con để khóc cho được tự do.

Grangde trở vào nhà, bảo: “Cứ để cho trận mưa đầu tuôn cho hết”. Trong nhà, mẹ con bà Grangde vừa vội vã trở về ngồi vào chỗ cũ, lau nước mắt làm việc, tay run lẩy bẩy. Ông Grangde lại nói:

- Thật cái thằng thanh niên này chẳng được tích sự gì, hắn chú ý người chết hơn tiền bạc.

Nghe cha nói phũ phàng về một niềm đau thương thiêng liêng nhất trên đời, Ogieni rùng mình. Từ giờ phút ấy, nàng bắt đầu xét đoán cha mình.

Tiếng nấc của Saclo dù trong buồng, dù được nén lại cũng vang dội lên trong cái nhà âm vang rất rõ ấy; tiếng rên rỉ như từ dưới mồ chui lên yếu dần đi, nhưng đến chiều tối mới im hẳn. Bà Grangde ngậm ngùi:

- Tội nghiệp anh ấy!

Lời than thở thật tai hại! Grangde quay nhìn vợ, nhìn con gái, nhìn lọ đường; ông sực nhớ tới cái bữa ăn khác thường mà vừa rồi người ta đã dọn cho người bà con khốn đốn; ông đứng ra giữa nhà, vẫn bình tĩnh như thường lệ:

- Này, này! Bà Grangde ạ, tôi mong rằng bà không tiếp tục tiêu hoang như thế nữa. Tôi mang tiền của tôi đưa cho bà không phải là để mua đường về nhồi cho cái thằng bé kỳ khôi ấy.

- Mẹ con chẳng dính dáng gì đến. Chính con đã...

Grangde ngắt lời con gái:

- Mày đã thành niên rồi nên mày muốn làm trái ý tao chứ gì? Ogieni, mày phải nghĩ rằng...

- Thưa cha, có thể nào để cho con của một ông em ruột cha về nhà ta mà thiếu...

- Cha cha cha cha! Bác phó thùng nói bốn tiếng ấy trên bốn cung bậc khác nhau. Khi thì con của ông em ruột, khi thì cháu ruột cha! Saclo không là gì với chúng ta hết, nghe chưa? Hắn không một xu dính túi, cha hắn vỡ nợ. Khi cái thằng đĩ trai ấy đã khóc chán chê rồi thì hắn cũng sẽ tếch khỏi nơi đây. Tao không muốn nó cách mạng cái nhà tao.

- Thưa cha, vỡ nợ là thế nào ạ?

- Vỡ nợ là làm cái việc mất danh giá nhất trong tất cả các việc làm mất danh giá con người ta.

- Như thế là một tội lớn trước Chúa, bà Grangde nói. E khi linh hồn chú hai đã bị đày đọa mất.

- Ờ ờ! Bà lại tụng cái kinh ấy rồi! Ông nói tiếp: Ogieni ạ, vỡ nợ là một việc trộm cắp mà khốn nạn thay, luật pháp lại che chở. Người ta giao sản vật cho chú Guyom Grangde vì người ta tin tưởng ở cái tiếng ngay thật, trọng danh dự của chú ấy. Đùng một cái chú Guyom cuỗm hết, chỉ để lại cho người ta cặp con mắt để khóc mà thôi. Tên cướp đường còn khá hơn anh vỡ nợ: tên cướp xông đến anh, anh còn có thể chống cự và nó cũng đem cái mạng nó mà đánh đổi miếng ăn, đến như thằng vỡ nợ thì... tóm lại, Saclo chẳng còn danh giá gì nữa.

Những tiếng ấy dội vào lòng Ogieni, đè nặng lên quả tim nàng. Chân thật như một đóa hoa thanh khiết trong rừng sâu, nàng không biết gì về những lề lối của xã hội và những lập luận man trá, những ngụy biện của nó. Vì thế khi cha nàng cố giải thích sự vỡ nợ một cách độc địa, tính toán, nàng một niềm tin theo. Nàng hỏi:

- Thưa cha, thế cha không ngăn ngừa được cái tai họa đó sao?

- Chú ấy không hề hỏi cha. Vả lại chú ấy nợ những bốn triệu.

Như đứa trẻ con ưng hỏi cái gì thì thường có thể tìm ra ngay cái ấy, Ogieni ngây thơ hỏi:

- Thưa cha, thế một triệu là bao nhiêu hở cha?

- Một triệu à? Một triệu là một triệu đồng hai mươi xu, mà phải năm đồng hai mươi xu mới được năm phơrang. Lạy chúa tôi! Ogieni kêu lên. Làm thế nào mà chú con lại từng có đến những bốn triệu! Ở nước mình có người nào có nhiều triệu như thế nữa không cha?

Grangde mân mê cái cằm, mỉm cười, chóp mũi của ông ta như nở ra.

- Thế thì Saclo rồi sẽ ra sao nhỉ?

- Nó sẽ sang Ấn Độ và sẽ cố gắng làm giàu ở bên ấy, theo nguyện vọng của cha nó.

- Nhưng cậu ấy có tiền để đi sang đấy không?

- Tao sẽ trả lộ phí cho nó... tới... ừ, tới Nangto (Hải cảng ở bờ tây nước Pháp, trên Đại Tây Dương, không cách Xomuya xa lắm ). Ogieni ôm choàng cổ cha.

- Ồ, cha ơi, cha tốt lắm, cha ạ!

Những cái hôn hít của Ogieni làm cho Grangde gần như xấu hổ bởi vì lương tâm của ông ta cũng có day dứt ít nhiều.

- Kiếm được một triệu có mất nhiều thì giờ không cha?

- Ôi chao! Mày biết một đồng Napoleon (bằng hai mươi phơrang ) là thế nào rồi chứ? Thế thì phải năm vạn đồng Napoleon mới làm nên một triệu con ạ.

- Mẹ ơi, mình sẽ nói cụ xứ đọc kinh cầu phúc cho chú con.

- Mẹ cũng đã nghĩ như thế, con ạ.

- Phải đấy! Grangde kêu lên: Cứ vẽ chuyện tiêu tiền đi. Này này, các người tưởng là cái nhà này có tiền trăm tiền nghìn đấy phỏng?

Lúc ấy, một tiếng rên trầm trầm, thê thảm hơn các tiếng khóc vang lên, làm cho mẹ con bà Grangde rợn người, Grangde bảo:

- Mụ Nanong, lên xem thử nó có tự tử không.

Hai mẹ con nghe tiếng tự tử thì xanh mặt. Grangde quay lại:

- Hai người đừng có làm bậy nữa, nghe chưa? Tôi đi đây. Tôi đi xoay quanh mấy thằng cha Hà Lan ấy xem, chúng nó rời Xomuya ngày hôm nay đây. Rồi tôi đến thăm Cruyso bàn với hắn ta về cái việc ấy.

Grangde đi ra. Cánh cổng vừa kéo lại, thì mẹ con bà Grangde thở cũng khoan khoái hơn. Trước đây, Ogieni không bao giờ thấy lúng túng trước mặt cha; nhưng trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua, nàng luôn luôn thay đổi ý kiến và tình cảm.

- Mẹ ơi, một thùng rượu nho bán được bao nhiêu đồng lu-i hở mẹ (một đồng lu-i bằng khoảng hai mươi phơrang )?

- Cha mày bán từ trăm đến trăm rưởi phơrang, cũng có khi hai trăm, mẹ nghe nói thế.

- Khi cha con thu hoạch một nghìn bốn trăm thùng thì vị chi là...?

- Ôi chao, mẹ cũng không biết đâu con ạ. Cha con có bao giờ nói chuyện làm ăn với mẹ đâu.

- Thế thì cha con tất phải giàu.

- Có lẽ. Nhưng ông Cruyso có nói với mẹ biết là cha mày vừa mới tậu sở Phoroaphong cách đây hai năm. Việc mua bán ấy hình như làm cho cha mày đâm túng.

Ogieni không hiểu gì hơn về tình hình gia sản của cha nên cũng tính toán đến chừng đó là cùng. Mụ Nanong lên gác xuống, bảo:

- Cái cậu bé dễ thương ấy! Cái cậu ấy cũng không trông thấy tôi lên nữa. Cậu ta nằm phủ phục trên giường như một con bé và cậu ta khóc như nàng Madolen (nữ nhân vật trong kinh thánh, đã phạm lỗi và sau đó ân hận, sau đó khóc rất nhiều )trông đến thương. Cái cậu thanh niên khôi ngô ấy có điều gì phiền muộn mà khóc dữ vậy?

- Mẹ ơi, mẹ con ta lên an ủi cậu ấy đi nhanh lên. Nếu cha về gõ cửa thì mình sẽ xuống.

Giọng nàng êm như ru, bà Grangde không còn cách nào cưỡng lại được. Nàng thật là tuyệt vời, nàng đúng là phụ nữ. Cả hai hồi hộp lên buồng Sacslo. Cửa buồng bỏ ngỏ. Chàng trai không nghe, không thấy gì cả. Nước mắt đầm đìa, chàng rên rỉ não nuột nghe không nên câu nên tiếng. Ogieni khẽ nói:

- Cậu ấy yêu bố làm sao!

Giọng nàng chất chứa niềm thầm ước của một trái tim si tình mà chính nàng không biết, nhưng người ngoài thì không thể nhận lầm. Bà Grangde nhìn con trìu mến rồi rỉ tai nàng:

- Hãy coi chừng đấy con ơi, không khéo mày yêu nó mất.

- Yêu nó! Ồ! Nếu mẹ mà biết những điều cha con vừa nói nhỉ!

Saclo ngoảnh lại, trông thấy bà bác và người chị họ.

- Bác ơi, chị ơi! Tôi không có cha nữa, người cha đáng thương của tôi không còn. Giá cha tôi nói cho tôi biết sự thua lỗ thì tôi cùng ông chung lưng góp sức xoay xở cho tai qua nạn khỏi rồi! Trời ơi! Cha yêu quý của con ơi! Thế mà tôi tính chắc là bề nào cũng còn gặp cha tôi nên hình như lúc chia tay tôi hôn cha tôi cũng lạnh nhạt...

Saclo lại nấc lên, không nói được nữa. Bà Grangde bảo:

- Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho chú ấy. Mệnh Chúa đã định vậy, anh cũng nên nhẫn nại phục tùng!

- Cậu ơi! Cậu hãy can đảm lên. Chú đã chết rồi, không cách gì cứu vãn được. Bây giờ hãy nên lo cứu vớt danh dự của cậu thì hơn.

Với linh tính, với trí phán đoán tinh tường của người đàn bà, họ làm việc gì cũng có ý tứ, kể cả việc an ủi người ta. Ogieni định làm cho Saclo bận lo chuyện mình mà xao lãng đau thương.

- Danh dự tôi? Saclo kêu lên và vung đầu hất ngược mái tóc.

Rồi chàng ngồi dậy, khoanh tay trước ngực.

- Ồ! đúng rồi. Bác nói cha tôi bị vỡ nợ.

Chàng thét lên một tiếng xé lòng và úp hai bàn tay lên trên mặt.

- Chị để mặc tôi, chị ơi, hãy để mặc tôi.! Lạy Chúa! Chúa xá tội cho cha tôi, cha tôi hẳn đã đau khổ lắm rồi.

Niềm đau thương bộc lộ thành thật, sôi nổi, không tính toán, không dụng ý, làm cho người ta vừa thương tâm vừa trìu mến. Khi Saclo ra hiệu yêu cầu hai mẹ con Ogieni để mặc chàng, thì tấm lòng chất phác của họ thông cảm ngay, biết đây là một niềm đau xót lẫn thẹn thùng không nên có người chứng kiến. Họ đi xuống, lặng lẽ ngồi lại chỗ cũ và làm việc có đến một giờ đồng hồ, không ai nói với ai một lời. Những người thiếu nữ thoáng nhìn đã trông thấy tất cả, thoạt trông hành lý của Saclo, Ogieni đã nhận thấy những dụng cụ trang sức của chàng, những kéo, những dao cạo khảm vàng xinh xắn. Cái cảnh xa hoa thoáng hiện qua màn đau khổ như vậy càng làm cho nàng lưu ý đến Saclo, lưu ý có lẽ vì sự tương phản. Mẹ con nàng luôn luôn sống trong yên tĩnh, quạnh hiu, chưa bao giờ gặp một biến cố quan trọng, một cảnh tượng bi thương dội mạnh vào cân não mình như thế.

- Mẹ ơi! Ta phải để tang chú con.

- Việc ấy sẽ do cha mày định liệu.

Họ lại im lặng. Ogieni tay đan đều đều, người nào chú ý sẽ đoán ra là trí nàng đang suy nghĩ dào dạt lắm.

Điều ao ước đầu tiên của thiếu nữ đáng yêu ấy là được chia sẻ cảnh tang tóc của cậu em họ.

Khoảng bốn giờ chiều, một tiếng búa đột ngột vang lên, dội thẳng vào lòng bà Grangde. Bà ta bảo con:

- Cha mày có việc gì thế nhỉ?

Grangde bước vào nhà vui vẻ. Ông cởi găng xoa hai bàn tay vào nhau thiếu điều tróc da, được cái da tay ông ta giống như da thuộc xứ Nga, chỉ thiếu mùi trầm, mùi vỏ bần. Ông đi bách bộ, ông nhìn thời tiết. Cuối cùng cái bí mật của ông vọt ra.

- Mẹ hắn này, ông nói một hơi không lắp, chúng bị tôi lỡm tuốt. Rượu nhà ta đã bán xong. Sớm nay khi mấy thằng cha Hà Lan và Bỉ sắp sửa lên đường thì tôi ra dạo chơi ngoài chợ, vờ vịt làm những chuyện không đâu. Cái thằng gì, mà bà cũng quen ấy mà, chạy đến tôi. Tất cả bọn chủ nho lớn đều cất rượu lại đợi giá, tôi cũng chả cản họ. Cho nên cái anh Bỉ ta thất vọng. Tôi thấy rõ điều đó. Thương lượng xong rồi, nó chịu mua rượu ta hai trăm phơrang mỗi thùng, trả tiền mặt một nửa. Trả bằng vàng. Giấy tờ đã làm xong, đây biếu bà sáu lu-i. Ba tháng nữa, giá rượu vang sẽ hạ.

Grangde nói câu cuối cùng một cách điềm tĩnh, nhưng hết sức mỉa mai; những người dân Xomuya lúc bấy giờ xúm xít ngoài chợ, đương thảng thốt vì cái tin Grangde bán rượu, nếu nghe được câu ấy tất họ phải rùng mình ghê sợ. Và sự hoảng hốt của họ chắc sẽ làm giá rượu xuống đến năm mươi phần trăm. Ogieni hỏi:

- Cha ơi, có phải năm nay cha thu hoạch một nghìn thùng không?

- Phải đấy, con gái ạ.

Tiếng ấy biểu hiện niềm hân hoan cao độ của ông ta.

- Thế vị chi là hai trăm nghìn đồng hai mươi xu.

- Đúng rồi, thưa cô Grangde.

- Cha ơi, thế thì cha có thể cứu giúp Saclo dễ dàng.

Sự ngạc nhiên, sự cuồng nộ của Bantada (vua Babilon, theo truyền thuyết vì xúc phạm đến Thánh Jerugialem nên có một bàn tay huyền bí viết lên tường mấy chữ lửa: Mané-Thécel-Pharès báo trước sự bại vong của ông ta ) khi trông thấy mấy chữ Mané-Thécel-Pharès thấm gì đối với nỗi căm giận lạnh lùng của Grangde khi ông ta không nghĩ gì đến đứa cháu nữa, mà đột nhiên lại thấy hình ảnh nó nằm trong quả tim và trong những bài tính của con.

- Ái chà chà! Từ khi cái thằng đĩ trai này đặt chân vào nhà tôi cho đến nay thì cái gì cũng xuệch xoạc cả. Các người cứ muốn mua đường mua kẹo, cứ muốn tổ chức yến tiệc. Tôi, tôi không muốn thế. Chừng này tuổi đầu, có lẽ tôi cũng biết nên xử sự như thế nào chứ! Tôi không muốn con gái tôi hay bất kỳ ai phải dậy bảo tôi cái gì. Cái gì cần làm đối với cháu tôi, tôi sẽ làm, các người không việc gì phải dí mũi vào. Ông ta quay lại phía con gái: còn mày, Ogieni, mày không được nói gì về thằng ấy với tao nữa, nếu không tao bắt mày với mụ Nanong lên ở nhà tu Noaye cho biết tay tao, ngay ngày mai đây chứ không đợi đến bao giờ! Nếu mày ngo ngoe. Vậy chứ cái thằng ấy đâu rồi? Nó đã mò xuống chưa?

- Chưa, ông ạ.

- Thế nó làm gì trên ấy?

- Cậu ấy khóc bố, Ogieni đáp.

Grangde nhìn con, chẳng biết nói thế nào. Dẫu sao ông ta cũng ít nhiều có tấm lòng của một người cha. Ông ta lại đi vài vòng rồi vội vã lên gác để tính việc mua phiếu thực lợi. Với hai ngàn mẫu rừng đốn tiệt, ông ta đã thu sáu mươi vạn phơrang cộng số tiền bán bạch dương, số hoa lợi năm ngoái và năm nay, không kể số hai mươi vạn phơrang rượu nho vừa bán, ông đã đạt con số tròn là chín mươi vạn phơrang. Phiếu thực lợi hiện nay giá bảy mươi phơrang, không lâu nữa, nó sẽ lên giá sẽ lợi hai mươi phần trăm, đó là một điều cám dỗ Grangde. Ông ta viết con tính lên tờ báo đăng tin người em chết; bên tai, tiếng than vãn của người cháu nghe rất rõ ràng, tuy ông không chú ý. Mụ Nanong lên gác nện thình thình vào tường để mời ông xuống, vì bữa tối đã dọn xong. Xuống đến bậc thang cuối cùng dưới vòm cuốn, Grangde tự nhủ:

- Đã lợi đến tám phân thì ta làm vụ này vậy. Trong hai năm, ta sẽ được một trăm năm mươi vạn phơrang mà ta sẽ lĩnh bằng vàng ròng, tại Pari. Ơ kìa, cháu tôi đâu?

- Cậu ấy nói cậu ấy không thiết cơm nước gì cả, mụ Nanong đáp. Như thế là có hại.

- Không ăn một bữa thì đỡ một bữa.

- Đành thế.

- Ôi! nó không thể khóc mãi đâu. Đói thì chó sói lìa rừng thôi.

Bữa cơm tối im lặng một cách lạnh lùng. Ăn xong bà Grangde nói:

- Mình ơi, chúng ta phải để tang cho chú nó mới được.

- Bà Grangde ạ, quả thật bà muốn đặt chuyện ra để tiêu tiền. Để tang thì để trong lòng chứ để gì trên quần áo?

- Nhưng tang anh em là cần thiết, đạo Chúa dạy chúng ta...

- Bà có sáu đồng lu-i đó, mua vải lấy mà để tang. Còn tôi, bà cho tôi một dẻo nhiễu, thế là đủ rồi.

Ogieni không nói gì cả, ngẩng đầu lên trời. Lần đầu tiên trong đời nàng, những thiên hướng cao quý trong tâm hồn lâu nay tiềm tàng và nén ép, nay trỗi dậy, nhưng mỗi phút nó mỗi bị chà đạp. Buổi tối hôm nay bề ngoài cũng giống như trăm nghìn buổi tối khác trong cuộc sống đơn điệu của gia đình nhà Grangde, nhưng nó là buổi tối ghê gớm nhất, Ogieni cúi đầu làm việc; nàng không dùng tới bộ đồ khâu mà tối qua Saclo đã tỏ vẻ coi thường. Bà Grangde đan đôi tay áo. Grangde ngồi hí hoáy bốn giờ liền với những con tính sáng hôm sau sẽ làm cho toàn thành Xomuya kinh ngạc. Tối hôm ấy, không ai đến chơi cả, bởi vì khắp thành phố xôn xao về cái vụ mua bán kỳ ảo của Grangde, và cái tin em ông ta vỡ nợ, cháu ông ta đến Xomuya. Thấy cần bàn về quyền lợi chung, tất cả các nghiệp chủ giới thượng lưu và trung lưu Xomuya tụ tập tại nhà ông Đe Gratxanh để văng ra những câu nguyền rủa ghê gớm đối với ông cựu thị trưởng.

Mụ Nanong đánh chỉ gai, trong phòng chỉ nghe độc có tiếng xa quay của mụ. Mụ nhe những chiếc răng trắng và to như hạt hạnh nhân đã bóc vỏ, nói:

- Hôm nay sao mà ai cũng sợ mòn lưỡi nhỉ?

Grangde sực tỉnh đáp:

- Không nên để mòn cái gì cả.

Ông ta nhìn thấy cái viễn cảnh tám triệu ba năm về sau và mơ mình đang lướt trên cái biển vàng ấy.

- Chúng ta đi ngủ thôi. Tôi lên thăm thằng cháu thay cho tất cả mọi người và xem thử nó có muốn ăn uống gì không.

Bà Grangde đứng lại ở bệ thang tầng gác thứ nhất để nghe lỏm câu chuyện giữa Saclo và ông ta. Ogieni bạo dạn hơn, bước lên hai bậc.

- Này, cháu ạ, cháu buồn lắm phải không? Ừ, khóc thì cứ khóc, cái ấy tự nhiên thôi. Mất một người cha mà lị. Tuy vậy cũng phải kiên nhẫn chịu đựng đau thương. Trong lúc anh khóc thì tôi chạy ngược chạy xuôi vì anh. Tôi là một người bà con tốt, anh thấy chưa. Thôi hãy can đảm lên. Anh có muốn nhấp một tí rượu vang không? Ở Xomuya đây, uống rượu vang chẳng tốn gì đâu, người ta mời rượu vang cũng như bên Ấn Độ người ta mời nước chè ấy. Ờ anh không thắp đèn nhỉ. Không được! Không được! Làm cái gì cũng cần nhìn cho rõ chứ.

Grangde đi lại bệ sưởi. Ông ta kêu lên:

- Ô hay! Nến lạp đây mà! Thiên hạ moi nến lạp ra ở cái xó quái nào thể nhỉ? Lũ nữ tặc này rồi sẽ bổ ván gác nhà ta ra để đun trứng cho anh chàng này chứ chẳng chơi.

Hai mẹ con Ogieni nghe thấy thế, vội chuồn về phòng riêng và tót lên giường nhanh nhẹn như những con chuột hoảng sợ vội rúc vào hang. Grangde vào buồng vợ:

- Bà Grangde, bà có một kho vàng ư?

- Ông ơi, tôi đương cầu kinh, ông hãy đợi một tị.

Grangde càu nhàu:

- Ma quỷ bắt cái ông Đức Chúa của bà đi cho rảnh!

Những người keo kiệt không tin rằng có một đời sống bên kia thế giới sau khi con người đã chết; đối với họ, hiện tại là tất cả. Điều này làm cho ta sáng tỏ vì sao ở thời đại ta hơn ở thời đại nào hết, tiền tài ngự trị trên pháp luật, chính trị và phong tục. Ngày nay, con người, sách vở, pháp lệnh, học thuyết, tất cả đều rủ nhau làm cho tan rã cái đức tin vào sự tồn tại của linh hồn, cái đức tin ấy đã từng là nền tảng cho xã hội qua mười tám thế kỷ. Ngày nay, cái quan tài là một bước quá độ không ai gờm lắm. Cái tương lai đang chờ đợi ta sau câu kinh Sám hối , cái tương lai ấy đã được mang về hiện tại. Bằng con đường chính đáng hay không chính đáng , miễn sao đạt tới cảnh xa hoa hoan lạc phù phiếm được coi như thiên đường ở trần thế, luyện quả tim thành gỗ đá, giày vò xác thịt để chắt lót những của cải trong chốc lát, tựa như ngày xưa người ta sống đọa đầy khổ hạnh để mưu cầu cảnh cực lạc thiên thu. Đó là tư tưởng chung của mọi người! Cái tư tưởng ấy là tư tưởng phổ biến, được chép tràn mọi nơi, ngay đến trong luật pháp nhà nước nó cũng hiện ra. Người ta không hỏi người nghị sĩ viện lập pháp: “Chính kiến của ông thế nào?”, người ta hỏi: “Ông đóng thuế bao nhiêu ?”(Balzac ám chỉ điều luật quy định người công dân phải nộp đến một số thuế nhất định mới được ứng cử nghị sĩ ). Khi cái chủ nghĩa ấy từ giới tư sản lan tràn đến nhân dân, thì đất nước sẽ trở nên thế nào nhỉ?

Bác phó thùng già lại hỏi:

- Bà Grangde, bà cầu kinh xong chưa?

- Ông ơi, tôi cầu cho ông đây.

- Được rồi! Bà ngủ ngon giấc. Sáng mai sẽ nói chuyện.

Người đàn bà tội nghiệp ấy nằm trằn trọc như em học sinh không học bài lo lắng sáng hôm sau phải nhìn thấy vẻ mặt dữ tợn của thầy giáo. Bà sợ quá quấn kín chăn để đừng nghe thấy gì cả. Lúc ấy, Ogieni mặc áo sơ mi, đi chân không lẻn vào bên mẹ, và hôn lên trán mẹ thỏ thẻ:

- Mẹ yêu ơi! Đến mai con sẽ bảo là do con tất cả.

- Không được, ông ấy tống con đi Noaye mất. Để mặc mẹ, ông ấy không ăn thịt mẹ đâu mà lo.

- Mẹ có nghe thấy gì không hả mẹ?

- Nghe gì?

- Này, người ta vẫn khóc đấy.

- Thôi con đi ngủ đi, con. Nền gạch ẩm ướt, con đi chân không sẽ bị cảm lạnh bây giờ.

Một này đã trôi qua, một ngày trọng đại, nó sẽ tác động sâu sắc đến cuộc đời của cô tiểu thư thừa tự giàu sụ mà nghèo xơ ấy. Giấc ngủ của cô từ nay sẽ không say mê cũng không trong sáng như xưa nữa.

Có lắm lúc một vài hành động của con người ta nói một cách văn chương thì là phi lý, ấy thế mà đã xảy ra thực sự. Cho rằng không thể có, phải chăng vì chúng ta quên dùng ánh sáng của khoa học tâm lý để soi rọi những hành động bột phát ấy và không chịu giải thích những lý do huyền bí đã quyết định các hành động kia? Có lẽ phải phân tích mối tình sâu sắc ấy của Ogieni từ trong những thớ tinh vi nhất của nó, bởi vì mối tình ấy sẽ trở thành một thứ bệnh hoạn, như những gã ưa chế giễu có thể nói, và ảnh hưởng suốt cuộc đời nàng. Có nhiều người chỉ muốn thừa nhận kết cục, chứ không chịu khó tìm hiểu những sợi dây ràng, những nút buộc cột trói sự việc này với sự việc khác mạnh mẽ chắc chắn nhường nào, trong trình tự diễn biến của tâm lý. Cho nên ở đây, đối với những người nghiên cứu nhân tính, cái quá khứ của Ogieni giải thích vì sao nàng lại bồng bột một cách ngây dại đến thế, vì sao tâm hồn nàng bùng cháy đột ngột đến thế. Đời sống của nàng trước đây càng yên tĩnh bao nhiêu thì bây giờ cái tính thương người của nữ giới càng bừng dậy bấy nhiêu trong lòng nàng, mà lòng thương người thì thường có sức sáng tạo ghê lắm. Nàng bị xúc động về những biến cố xảy ra từ sáng, nên thức dậy nhiều lần để nghe ngóng, và ngỡ là nghe thấy những tiếng thở dài đã dội tận lòng nàng từ hôm qua: khi thì nàng tưởng thấy Saclo chết sầu chết muộn, khi thì nàng mơ thấy Saclo chết đói chết khô. Tang tảng sáng, nàng có nghe một tiếng kêu kinh khủng. Tức khắc nàng mặc quần áo và nhẹ gót chạy đến bên Saclo, vì chàng để cửa buồng trống. Cây nến lụn trên chân đèn, Saclo không cưỡng được mệt mỏi, đã để nguyên quần áo ngủ thiếp đi ngay trên ghế bành, đầu ngả lên giường; giấc ngủ của chàng đầy mộng mị như thói thường của người ngủ đói. Bây giờ Ogieni được khóc thoải mái, nàng được ngắm nhìn cái gương mặt trẻ đẹp, hằn vết đau thương, cặp mắt mọng lên vì khóc nhiều quá và hình như đang còn tuôn nước mắt mặc dù đương nhắm ngủ. Như có truyền cảm, Saclo đoán biết có Ogieni, mở mắt ra và trông thấy nàng đương sụt sùi.

- Xin lỗi chị, Saclo nói. Chắc hẳn chàng không biết mình đang ở đâu và lúc ấy là mấy giờ.

- Ở đây có những tấm lòng thông cảm với cậu, cậu ạ, và chúng tôi đoán cậu đang cần được giúp đỡ. Cậu phải nằm xuống, cậu ngồi như thế thì mỏi chết đi.

- Chị nói đúng đấy.

- Thôi thế thì chào cậu nhé.

Nàng vừa chạy đi, vừa xấu hổ vừa sung sướng vì đã đến. Chỉ những người ngây thơ mới dám bạo dạn như vậy. Người đức hạnh mà am hiểu việc đời thì cũng đắn đo, tính toán như kẻ gian tà. Bên Saclo, Ogieni không nao núng, thế mà khi về phòng riêng, cơ hồ nàng đứng không vững nữa. Cuộc sống thơ ngây của nàng bỗng nhiên chấm dứt, nàng lý luận, nàng tự trách mình lung tung. “Chàng sẽ cho ta là con người như thế nào nhỉ? Chàng sẽ tưởng rằng ta yêu chàng”. Nhưng chính điều ấy lại là điều nàng mong muốn cho Saclo tin nhất. Tình yêu chân thành là tình yêu thông minh, nó biết rằng yêu đương khêu gợi yêu đương. Với người thiếu nữ cô đơn ấy, lén lút đi vào buồng trai như thế này là một sự kiện trọng đại. Có những người khi yêu họ có những hành động, những tư tưởng mà họ coi như những lời đính ước thiêng liêng.

Một giờ sau Ogieni vào buồng mẹ, giúp mẹ mặc áo như thường lệ. Rồi hai mẹ con lại ngồi xuống gần cửa sổ lo ngại chờ Grangde. Nhưng cũng thì lo ngại, cũng thì sợ la lối, khiển trách, mà tùy người tùy tính, sự phản ứng khác nhau: ở người này thì quả tim hầu như buốt giá, quặn thắt lại, ở người kia thì nó lại bừng nóng, nở nang ra. Những cảm giác này xảy ra một cách tự nhiên, cũng như con chó con mèo khi bị đánh đập thì mới chạm một tí đã kêu, còn khi vô ý bị thương tích thì lại im thin thít. Grangde trên gác xuống, nói chuyện với bà vợ một cách lơ đãng, ôm hôn con gái và ngồi vào bàn ăn thản nhiên, có vẻ như đã quên hẳn những lời dọa dẫm của mình tối hôm qua.

- Thằng cháu thế nào đấy? Nó cũng chẳng làm rầy gì lắm nhỉ!

Mụ Nanong đáp:

- Thưa ông, cậu ấy ngủ.

- Thế càng hay, đỡ nến. Grangde nói, nửa đùa nửa thật.

Lòng độ lượng bất ngờ và sự vui vẻ chua chát của Grangde làm cho bà vợ thấy lạ. Bà chăm chú nhìn ông chồng. Ông lão cầm mũ và găng lên nói:

- Tôi ra chợ dạo chơi, để tìm bọn Cruyso.

Bà Grangde bảo con gái:

- Ogieni này, cha con có cái gì khác thường đấy!

Quả thật thế! Vốn ít ngủ, Grangde thường thức đến nửa đêm để làm những con tính sơ bộ nó bảo đảm cho những dự kiến, những nhận xét và các kế hoạch của ông ta đúng đắn một cách lạ kỳ, luôn đưa tới kết quả chắc chắn, khiến nhân dân Xomuya bái phục. Quyền lực của con người ta làm bằng thời gian và sự kiên trì. Những người có quyền lực đều muốn và biết thức đêm. Người biển lận luôn luôn đem quyền lực của con người phục vụ bản ngã. Hắn chỉ dựa vào hai tính nết: tính tự kỷ và tính vụ lợi. Nhưng vì tính vụ lợi cũng chẳng qua là tính tự kỷ chắc thực và hiểu một cách đúng đắn, là sự xác nhận liên tục một ưu thế thực sự, cho nên tính tự kỷ và tính vụ lợi là hai mặt của một cái gì thống nhất, đó là lòng ích kỷ. Có lẽ vì vậy nên những nhân vật biển lận được thể hiện khéo léo trên sân khấu bao giờ cũng làm cho công chúng chú ý không biết ngần nào. Bởi vì có một sợi dây vô hình nối liền người xem với những nhân vật đã có đủ tất cả các tính vì thu gọn những nhân tính ấy. Ai là người không có dục vọng, mà có dục vọng gì trong xã hội không giải quyết bằng tiền?

Grangde quả có cái gì khác thường thật, đúng nhưlời bà Grangde nói. Cũng như tất cả những người biển lận, ông ta luôn luôn thấy thèm muốn đánh một nước bài gì với lũ người, để lùa tiền của chúng một cách hợp pháp. Buộc được người ta đem của cải nộp cho mình, như thế không phải chỉ biểu thị quyền lực của mình hay sao? Không phải là giành vĩnh viễn cái quyền khinh thị những kẻ cam chịu xé xác vì quá yếu hèn trên quả đất này hay sao? Ôi ai hiểu được ý nghĩa cái hình tượng con cừu non nằm bình yên dưới chân Chúa? Đó là biểu tượng cảm động nhất về những kẻ thiệt thòi trên cõi đời, đồng thời là biểu tượng của tương lai họ, tóm lại đó là sự đau khổ, sự yếu hèn được biểu dương. Con cừu non ấy người biển lận để yên cho nó béo mập lên, rồi hắn ta nhốt nó lại, giết nó, nấu thịt nó, ăn thịt nó và khinh rẻ nó. Thức ăn của bọn biển lận là tiền bạc và sự khinh người.

Trong đêm, tư tưởng Grangde xoay sang chiều hướng khác, vì vậy ông ta trở nên độ lượng. Ồng đã bố trí một trận đồ để giễu cợt bọn Pari chơi, để vặn chúng, lăn chúng, nhồi chúng, làm cho chúng chạy đi chạy lại, đổ mồ hôi sôi nước mắt, khi thì rạng rỡ hy vọng, khi thì tái mét mặt mày. Và như thế là để cho các bác nguyên phó thùng ngồi trong phòng xám xịt hoặc lên xuống cái cầu thang gác mọt ruỗng trong nhà mình ở Xomuya, mà đem chúng ra làm trò. Người cháu ông đã làm cho ông suy nghĩ. Ông muốn cứu vớt danh dự cho người em quá cố mà không tốn một đồng xu nào của mình hoặc của người cháu. Vốn liếng nổi của ông, ông sắp đem gửi trong thời hạn ba năm, như thế ông chỉ còn có mỗi việc quản lý thu chi bình thường. Phải có một công việc gì xứng đáng với tính hiếu động quá ác của ông ta. Ông tìm thấy công việc ấy trong vụ phá sản của người em. Không thấy có cái gì trong móng vuốt để bốp vắt, ông muốn vì Saclo mà ghè vụn bọn Pari, đồng thời tỏ ra là người anh tốt mà không mất tiền. Danh giá gia đình chẳng có tác dụng gì trong dự định của Grangde cả; cái quyết tâm của ông ta chỉ có thể ví với cái tính thích chí của những gã máu mê, ngồi ngoài sòng mà vẫn muốn cho người ta đánh những nước bài cao nhất. Cho nên ông cần bọn nhà họ Cruyso mà ông không muốn đến tìm họ; ông đã quyết định làm họ tự đến nhà ông, rồi ngay tối hôm ấy phải kéo màn cái vở kịch mới bố cục, để đến ngày mai thì được toàn Xomuya trố mắt khâm phục, mà riêng mình không phải bỏ ra đồng xu nhỏ nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Ơgiêni Grăngđê Chương 3

Có thể bạn thích