Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ
Gương vỡ lại lành

Hàm ý chỉ sự chia lìa, tan vỡ, sau đó lại được hàn gắn, đoàn tụ. Câu này thường vận để nói đến tình duyên vợ chồng.

Chuyện kể:

Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương, em gái Trần Hậu Chủ. Gặp buổi nước Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với công chúa nên có vật gì làm tin để sau này tìm được nhau, rồi lấy gương đập vỡ làm hai mảnh, mỗi người giữ một nửa, hẹn sang năm vào ngày rằm tháng giêng đem bán ở Kinh Đô. Nước Trần bị diệt, công chúa phải vào hầu hạ nhà Dương Tố. Đúng hẹn, Từ Đức Ngôn tìm vào chợ Kinh Đô, thấy một người hầu gái đem bán mảnh gương vỡ. Từ Đức Ngôn lấy nửa gương của mình ra khớp lại thì thấy vừa vặn, mới đề bài thơ gửi lại. Công chúa nhận được thơ khóc lóc thảm thiết. Dương Tố biết chuyện mới lấy làm mủi lòng, độ lượng, bèn mời Trần Đức Ngôn đến và giao trả công chúa, cho hai người đoàn tụ. Người đời từ đó có câu rằng “Gương vỡ lại lành” là chuyện của Từ Đức Ngôn và Nhạc Xương mà ra. (1)

Gương vỡ lại lành như chuyện trên thì không mấy khó, vì có người động lòng trắc ẩn mà đem nối lại tình duyên cho họ. Còn gương vỡ mà không lành thì nhiều. Điều đó khiến mọi người đáng suy nghĩ lắm:

Bây giờ gương vỡ lại lành

Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi (2)

Còn như kẻ mê tín thấy gương vỡ thì cho là điềm không lành. Điều đó nói lên không ai muốn cảnh gia đình ly tán, đổ vỡ, lục đục.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Theo truyện “Gương vỡ lại lành” - “Điển hay tích lạ”, Nguyễn Tử Quang, NXB Trẻ, 2001.

(2): Theo Truyện Kiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ Gương vỡ lại lành

Có thể bạn thích