Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ
Chuồn chuồn đạp nước

Câu thành ngữ ý nói về việc làm ăn lớt phớt, chiếu lệ qua loa cho xong chuyện, không sâu sắc, kỹ càng.

Chuyện kể:

Có cô chuồn chuồn nước sinh ra trên mặt nước, sống ở đó hai năm rồi mà vẫn chẳng hơn gì loài bọ gậy gọng vó. Chuồn chuồn buồn lắm. Đến năm thứ ba, đôi cánh mỏng trong suốt của nó mới bắt đầu mọc ra. Chuồn chuồn lấy làm sung sướng lắm, mới nói với con gọng vó:

- Ta có đuôi dài, lại có đôi cánh đẹp. Ta chẳng thèm sống ở dưới ao tù này nữa. Ngày mai ta tạm biệt gọng vó, ta dành cả cho anh cái ao.

Gọng vó nói:

- Chị sống ở ao lâu ngày, chớ có quên nơi mình sinh ra. Mai chị bay đi, chắc cuộc đời làm chuồn chuồn của chị cũng chỉ vài ba tháng nữa. Đời ngắn ngủi, vậy chị cố mà về thăm chúng tôi.

Vào một buổi sáng đẹp trời, cô chuồn chuồn từ dưới ao bắt đầu cất cánh bay lên. Nó cứ bay lượn mãi trên cao, rồi sà vào vườn cây. Đôi cánh mỏng và nhẹ của nó lướt đi, đem theo thân hình nó với hai con mắt to và cái đuôi dài cũng nhẹ làm sao. Nó cứ bay, bay mãi, du lịch khắp đó đây. Nó vừa bay, vừa ăn thịt con mồi, hễ thấy con muỗi, con ruồi nào lảng vảng là nó há cái hàm ra mà đớp lấy.

Rồi cô chuồn chuồn cũng đến kỳ sinh nở. Trong cuộc hành trình vô định đó, chỉ có đến lúc này nó mới nhớ đến xứ sở của mình, nơi nó đã sinh ra. Nghĩ vậy, nó bèn chao mình xuống mặt nước, trong chốc lát lẹo cái đuôi xuống, đẻ ra bao nhiêu là trứng.

Có một con bọ nước thấy chuồn chuồn cứ chớp nhoáng như vậy, mới bảo:

- Chị đúng là người chẳng có tổ có tông. Đập nước như vậy thì có tích sự gì. Bằng không chị xuống đây, ao rộng, chị tha hồ mà tắm có thoải mái hơn không?

Chuồn chuồn mới nói:

- Tôi nhớ nước nhưng sà xuống đấy thì ướt hết cánh, làm sao bay được. Mặt nước vốn là nơi tôi sinh ra, bây giờ đến kỳ, tôi đẻ nhờ trên mặt nước vài quả trứng. chị trông giùm tôi với.

Nói rồi, nó lại chao xuống, chớp nhoáng, nhúng phần đít xuống mặt nước đẻ đến khi hết trứng.

Chuồn chuồn là loài sâu bọ cánh mỏng. Vòng đời không dài, chia làm hai giai đoạn, nhộng ở dưới nước ba năm, giai đoạn hóa chuồn chuồn hai đến ba tháng. Khi đẻ, nó lại đẻ xuống nước. Từ đặc tính của chuồn chuồn mà người ta vận vào đời sống. Ý nói rằng: Chẳng thiếu gì người được giao nhiệm vụ nhưng làm ăn cẩu thả tắc trách. Cái sự làm ăn được chăng hay chớ đó có khác gì con chuồn chuồn đạp nước mà dân gian đã chớp lấy ngắn cho con người.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ Chuồn chuồn đạp nước

Có thể bạn thích