Lại nói Ý phi bị Tây thái hậu mắng chửi, trong lòng đã thấy sợ lắm. Nàng tin rằng đại hoạ sẽ tới với mình. Đêm đó nàng không sao ngủ được, bối rối lo âu suốt cả năm canh. Sáng sớm tinh sương, nàng đã vội dậy, lo đi trang điểm.

Nàng không thấy báo tin tức gì lạ, bèn thẳng bước tới cung Nhân Thọ để hầu hạ Tây thái hậu khi bà dậy. Tây thái hậu thấy nàng bước tới, chẳng nói lời nào. Ý phi đã thấy yên tâm.

Nàng đợi cho thái hậu toạ triều, lúc đó mới trở về phòng mình nghỉ ngơi. Trước khi về, nàng đã cẩn thận để lại một con cung nữ ở cung thái hậu để nghe ngóng tình hình.

Mãi đến khi Tây thái hậu bãi triều về cung, xem tập sớ của ông Đồng Hoà, cho gọi Vinh Lộc vào cung mắng chửi một phen thậm tệ, con cung nữ của Ý phi nghe rõ mọi chuyện, vội chạy về kể lại cho nàng biết. Ý phi tự nhủ tội này khó thoát nếu để bị lôi tới Tôn nhân phủ thẩm vấn thì còn mặt mũi nào, chi bằng chết trước đi là hơn. Nghĩ vậy, nàng bèn cho mấy con cung nữ ra khỏi phòng hết rồi đóng cửa lại. Nàng quỳ xuống đất, nhìn thẳng lên không lạy mấy lạy, cởi chiếc dây lưng, treo cổ lên bạo cửa tự tử chết.

Từ Hy thái hậu bị Từ An giận trách, lòng đầy tức giận.

Bà nghe tin Ý phi đã chết, liền bảo:

- Tụi chúng tự thân tác nghiệt, ta cũng chẳng làm gì được hơn…

Miệng vừa nói vừa chỉ mặt Vinh Lộc, bà quay sang nói với Tử An thái hậu:

- Hắn tuy là cháu ruột tôi, nhưng hắn bị ông sư phó tham tấu, tôi cũng chẳng che chở được cho hắn. Xin tỷ tỷ đem hắn đi, thẩm vấn nghiêm ngặt, tội đáng giết thì cứ giết, tôi quyết chẳng dám nói chi nửa lời! Tôi làm đến thái hậu, chỉ tại tên súc sinh này mà đến nỗi mang tiếng với bọn thần tử. Chúng cho rằng tôi che chở tư thân, mặt mũi tôi coi như không còn gì nữa!

Nói tới đây, Tây thái hậu cầm không nổi nước mắt. Từ An thái hậu bèn truyền gọi Tổng quản tới, đem tập sớ ông sư phó và cả Vinh Lộc sang bên hình bộ để thẩm vấn cho rõ ràng. Viên Hình bộ đại thần biết Lộc là cháu ruột của Tây thái hậu, bố bảo cũng không dám phết trọng tội. Y chi viết có bốn chữ "Vĩnh bất tự dụng" (không dùng vĩnh viễn) vào tập sớ rồi gửi lên cho Lưỡng cung thái hậu. Tây thái hậu muốn tránh hiềm nghi, để mặc Đông thái hậu phê hai chữ "Y nguyên" (chuẩn y lời đề nghị). Thế là Vinh Lộc bị cách tuột hết chức tước, quanh quẩn ở nhà xua gà cho vợ, không được phép lui tới nơi cung cấm để thăm hỏi Tây thái hậu nữa.

Từ ngày đó, Tây thái hậu mất hẳn hai tên thủ túc thân tín hầu hạ. Càng cảm thấy cô đơn hiu quạnh, bà càng rầu rĩ. Tâm sự lại không biết nói cùng ai, bà đâm thù Đông thái hậu đến xương tuỷ. Đêm ngày, bà mưu tính với Lý Liên Anh để mong trả hết oán thù.

Một hôm, Tây thái hậu bảo Lý Liên Anh:

- Lâu nay, Đông thái hậu cố ý moi móc những khuyết tật của ta để làm hại ta. Nếu ta không tìm được kế nào giết bà ta để trả hận, thử hỏi ta làm gì còn tự do nữa chứ?

Ý nghĩ của Tây thái hậu thì thế, nhưng ý nghĩ của Đông thái hậu lại khác.

Đông thái hậu cho rằng lâu nay Tây thái hậu bị nhiều vố mất mặt ắt thế nào cũng sửa đổi, đồng thời sẽ cảm ơn ân đức của mình. Bà biết Tây thái hậu mất Ý phi và Vinh Lộc, hoàn cảnh thực cô đơn hiu quạnh. Bởi thế, bà ngày ngày qua chơi nói chuyện, mua vui cho Tây thái hậu. Từ Hy bề ngoài vẫn ngọt ngào tiếp đãi, nhưng thâm tâm chỉ chờ có cơ hội thuận lợi là hạ độc thủ để báo thù.

Ngày thường, Đông thái hậu rất thích ăn quà vặt. Bất cứ đi qua chỗ nào, nếu thấy con cung nữ bưng mâm bánh đi bên cạnh, thế nào bà cũng miệng thì nói chuyện tay thì nhót bánh ăn.

Tây thái hậu biết được thói này, liền nảy sinh độc kế. Ít hôm sau, đúng vào ngày triệu kiến các vị quân cơ đại thần, Từ An thái hậu dậy rất sớm, trái lại Từ Hy lại dậy muộn.

Từ An thái hậu bèn tới Tây cung đợi để cùng đi. Từ Hy vừa trang điểm, vừa trò chuyện với Từ An thái hậu. Bỗng Tây thái hậu nhớ ra là Đông thái hậu chưa ăn sáng, vội gọi bọn cung nữ đem mâm bánh ra cho bà.

Đông thái hậu nhìn mâm bánh, thấy chiếc nào làm cũng sạch sẽ ngon thơm. Có cái mang hình bát tiên, có cái lại làm theo hình con hạc, con hươu, Đông thái hậu vừa khen đẹp, vừa ăn đến mấy cái. Tây thái hậu bảo bà:

- Trong cung mới có một tên bếp khá thạo nghề. Hắn làm luôn một lúc hơn trăm chiếc bánh dâng lên ăn ngon hết sức. Tỷ tỷ thích thì để bảo cung nữ đưa về bên đó ít chiếc ăn chơi.

Nói đoạn, Tây thái hậu liền gọi cung nữ bưng từ trong phòng ra một mâm bánh lớn, rồi bảo nó đưa trước về cung cho Đông thái hậu.

Buổi chầu có Cung thân vương Dịch Hân, Đại học sĩ Tả Tôn Đường, thượng thư Vương Văn Thiều, Hiệp biện đại học sĩ Lý Tảo Hồng. Hôm đó đúng vào ngày mồng mười tháng ba năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Tự.

Chiếu theo luật lệ nơi cung đình, khi Thái hậu lâm triều, phải rủ bức rèm che khuất, bọn đại thần quỳ phía ngoài để tâu bày mọi việc. Nhưng hôm đó, Tây thái hậu có vẻ bực mình vì phải nói chuyện qua rèm, nên bà ra lệnh cuốn rèm lên. Nhờ đó, bọn thần tử vào chầu mới được nhìn gương mặt hai bà thái hậu.

Trong khi bọn đại thần tâu bày mọi việc, Cung Thân Vương nhờ có cặp mắt tinh sáng, nhìn thấy sắc mặt Đông Thái hậu hết sức tươi vui, đặc biệt là nói rất nhiều. Một điểm nữa khiến Vương phải để ý là hai má bà đỏ ửng, y như người say rượu.

Cuộc họp hôm đó bàn tới việc Pháp xâm lăng Việt Nam, thành thử kéo dài mãi tới quá chiều mới được tạm nghỉ ăn trưa để rồi lại tiếp tục họp cho tới suốt buổi chầu. Mãi tới bốn giờ mới có được một quyết định. Quyết định đó là Lưỡng cung thái hậu hạ dụ xuống cho Bắc dương đại thần Lý Hồng Chương tìm biện pháp đối phó, đồng thời hạ lệnh cho các viên tuần phủ, tổng đốc các tỉnh miền Duyên Hải, Duyên Giang, Duyên Biên phải phòng bị hết sức cẩn thận.

Chỉ ý đó vừa thảo xong, thì Từ An thái hậu bỗng thấy đầu choáng mắt hoa, ngồi không vững nữa. Thế là bà phải vội vã về cung và lên giường ngủ ngay.

Bên ngoài bọn đại thần kéo nhau ra triều phòng còn ngồi lại bàn tán thêm một lúc nữa rồi mới tử từ rút khỏi cửa ngọ môn. Giữa lúc đang tà tà trên đường về, bỗng một tin dữ làm cho bọn đại thần đành phải quay lại. Đó là tin nội đình cấp báo Đông thái hậu băng hà, truyền cho bọn đại thần không được giải tán, tức tốc vào cung bàn tính đại sự. Bọn họ nghe tin, mặt mặt nhìn nhau, mắt trợn ngược, miệng há hốc.

Trong số, Cung thân vương là người có nhiều liên hệ với Đông thái hậu nhất, bất giác oà lên khóc. Cả bọn lo khuyên giải Cung thân vương, rồi rủ nhau chạy vội vào tẩm cung của Đông thái hậu.

Bước chân vào phòng, bọn đại thần thấy Đông thái hậu ngồi trên một chiếc ghế thấp có bọn cung nữ đang xúm nhau lại tiểu liệm cho bà. Nhìn thấy tình cảnh đó, không một ai không nhỏ lệ. Căn phòng lạnh lẽo. Người ta chỉ nghe Tây thái hậu cất tiếng than thở một mình:

- Đông thái hậu từ lâu vẫn mạnh, gần đây cũng chẳng thấy đau yếu, ấy thế mà sao lại bỏ tôi ra đi kìa?

Miệng bà vừa nói xong, người bà đã ném mạnh xuống cạnh thây ma, rồi bỗng oà lên khóc, khóc nức, khóc nở, khóc thảm thiết nước mắt giàn giụa, y như khóc một người chị, người em ruột mình thiệt!

Bọn đại thần thấy Tây thái hậu khóc lóc thương tâm bèn hè nhau quỳ xuống đất một loạt, lựa lời khuyên giải bà và xin bà cho chỉ dụ để lo việc tang ma.

Chiếu theo luật lệ nơi cung đình, khi hoàng đế, hoàng hậu mất, thường phải giao đơn thuốc cho quân cơ đại thần xem nghiệm lại. Nhưng trường hợp này, Đông thái hậu chết mau lẹ chưa kịp gọi ngự y bắt mạch cho đơn thì làm gì có đơn nào mà xem. Đó là việc đầu tiên phải cho qua. Đến việc thứ hai. Cũng chiếu thể lệ trong cung cấm, khi có một bà hậu, bà phi chết phải đi gọi ngay thân nhân vào cung để lo việc tiểu liệm. Nhưng đối với lần này, Tây thái hậu đã có chủ ý nào đó, thì việc cho người đi gọi thân nhân của Đông thái hậu trong dòng họ Nữu Cô Lộc làm gì có. Bọn đại thần tuy rành luật lệ đấy, nhưng không thấy Tây thái hậu nêu ra, bố bảo anh nào dám đề cập tới. Thế là việc khâm liệm Đông thái hậu, duy chỉ có mấy con cung nữ đảm nhận mà thôi.

Thấy việc khâm liệm đã xong, Tây thái hậu cho gọi tất cả bọn quận cơ đại thần vào thư phòng của mình, bàn định nguỵ tạo tờ di chiếu của Đông thái hậu theo ý định của bà.

Việc thảo di chiếu được giao cho Lý Hồng Chương cấp tốc thực hiện để bịt mắt bưng tai thiên hạ. Tờ di chiếu nội dung như sau: "Ta tuy đức mỏng nhưng vâng sách mệnh cửa Văn Tông Hiển hoàng đế nên nhậm vị nơi cung hồ, đến khi Mục Tông Nghi hoàng đế kế nghiệp giữ ngôi báu, thì ngài đối với ta một lòng hiếu tử thuần đốc, thừa hoan phụng dưỡng, lúc nào cũng thành. Hiện nay hoàng đế nắm giơ đại thông, đích thân tới vấn an, một niềm thành hiếu. Hơn nữa, từ khi ngài lên ngôi đến nay, điển học siêng năng, đức độ trau dồi, tâm ta rất lấy làm an ủi vui mừng. Nhờ vậy, ngài đêm ngày chăm lo việc nước, tuy rằng thời sự khó khăn nhưng thân thể may được luôn luôn kháng kiện, sự di dưỡng lại được đầy đủ nên quyết hưởng hà linh muôn tuổi. Chẳng may, ngày mồng chín tháng này ta bỗng nhuốm bệnh nhẹ, có hoàng đế hầu hạ thuốc thang đêm ngày vấn an, lo sao cho ta mau lành bệnh. Không ngờ qua ngày mồng mười, bệnh thế chuyển nặng, rồi đến giờ tuất tinh thần dần dần tán loạn, khó thể ở đời. Ta năm nay đã bốn mươi lăm; mẫu nghi thiên hạ cũng có cả ba chục năm. Ta cũng đâu có nhiều lần được ơn thánh điển, quyền vị cao sang, chẳng còn phải ham muốn gì nữa. Tiếp sau đó, lúc hoàng đế gặp cơn biển lớn, lòng ta vô cùng thương cảm. Song ta vốn là người nhân chúa, một mình mà quan bệ tới cả toàn dân thiên hạ, cho nên ta đành phải cố nén bớt nỗi đau thương nghĩ ngợi, lấy việc nước làm trọng. May thay, nhờ được sự trông nom dạy bảo của Từ Hi đoan hữu khang di chiếu dự trong thành hoàng thái hậu nên văn vô bá quan trong ngoài ai cũng làm tròn chức vụ, cùng lo việc cai trị. Thấy vậy, ta thực lấy làm khen lắm. Còn tang phục thì phải tuân theo cựu lễ Hoàng đế chỉ phải giữ phục hai mươi bảy ngày là có thể trừ bỏ. Lễ lớn đã thông thể sơ sót thì các lễ nhỏ ắt cũng không coi thường. Tuy nhiên ta vốn người dám kiệm ước phác thực, cho nên bất cứ việc gì có liên quan tới điển lễ, câm không được phung phí khiến tổn hại công quỹ, đến như việc xây cất trang hoàng hậu sự di vật, cũng phải nên kiệm ước, phải biết tiệc vật lực mới được. Đó chính là cái sở nguyện của ta. Bởi thế, nay ta hạ chiếu dụ, cho toàn thể các cấp tuân hành".

Thế là chỉ một đạo di chiếu ấy bịt hết tết cả một nghi án động trời.

Gia đình của Hiếu Trinh hoàng thái hậu dù có nghi cũng chẳng dám làm gì. Và cũng từ đó, Từ Hi thái hậu ở trong cung độc đoán độc hành, chẳng còn chút e ngại điều gì.

Đông thái hậu chết rồi, việc thứ hai phải làm của Tây thái hậu là trừ khử cho bằng được Cung thân vương Dịch Hân.

Vương vốn là một vị tướng già nhất trong số các vương gia đại thần. Vương lại còn là một cố mệnh đại thần, thường hợp lực với Đông thái hậu để chống Tây thái hậu. Cho nên con người ấy nếu còn ở trong triều thì Tây thái hậu làm sao có thề tự ý tư vi được. Bởi thế, Tây thái hậu ngày đêm bàn tính với Lý Liên Anh tìm kế cách chức vương. Phải cái Cung thân vương vào địa vị quân cơ đã lâu, các đại thần ai cũng đều một lòng giúp đỡ Vương giải quyết mọi việc hết sức công chính, từ lâu chưa xảy ra một điều gì sơ sót. Cho nên việc cách chức để tống vương về vườn, đâu có phải chuyện dễ.

Mừng thay cho Tây thái hậu đã có dịp vô cùng thuận lợi! Số là qua năm sau, Pháp và Tàu đánh nhau. Tây thái hậu liền đổ liệt cho Cung thân vương nghị hoà thất sách, trùm hết cả tội lỗi lên đầu thân vương. Rồi chụp lẹ lấy cơ hội, bà hạ một đạo dụ cách tuột hết chức tước của bọn đồng đảng với Đông thái hậu, chỉ tung có một mẻ lưới là hết sạch! Đạo dụ đó nội dung như sau: "Hiện nay sức nước yếu kém, mà thời thế càng khó khăn, chính sự nhiều đổ vỡ, khiến dân chưa được cứu nguy. Bởi thế mọi việc trong ngoài cần phải có người tài hiền điều khiến. Chốn quân cơ là nơi chủ chốt, dùng người trông coi hành chính trong ngoài. Lúc đầu, bọn Cung thân vương còn cẩn thận giúp rập, nhưng về sau chỉ quanh quẩn để bảo vệ vinh hoa cho mình. Mấy năm gần đây tước lộc ngày càng cao, lòng tư kỷ càng ngày càng tệ. Mỗi lần trong triều có việc cần hỏi ý kiên thì lại cố chấp thành kiến, chẳng chịu đem hết khả năng phụng thành. Đã thế nhiều lần lại còn nói ngang, hoặc có khi lấp liếm che đậy, hoặc có khi ươn hèn làm biếng, hoặc có khi bảo khó không làm, hoặc có khi bảo chẳng biết ai. Gia pháp của bản triều ta là nghiêm ngặt. Nếu cứ ăn cắp quyền để làm loạn chính trị như đời trước thì chẳng những trong lòng chẳng dám mà pháp luật chẳng dung tha.

Chỉ cần nêu ra mấy điểm như trên, cũng đủ biết lỗi lầm chẳng phải là ít và nhẹ. Nếu cứ để vậy, không sửa đổi, mặc kệ buông trôi, thì sao gọi được là vâng lời thực hiện di mưu của liệt thánh. Nay mai, hoàng đế đích thân coi việc chính trị, biết lấy gì để sáng soi mọi lẽ. Rút cục nếu lấy việc xét đoán nhất nhất phê phán thì lúc đó quyệt không thể nói tới chuyện thân quý cũng không thể ỷ y vào điều kỳ cựu. Triều đình dù có khoan hồng đại lượng đến đâu đi nữa cũng chẳng chấp nhận được. Nói tới điều đó, kẻ có lương tâm ai lại không chạnh lòng trắc ẩn. Cung thân vương Dịch Hân, Đại học sĩ Bảo Quân vào triều tuy đã lâu, nhưng trách bị vẫn phải nghiêm khắc.

Có nghĩ tới cảnh hai người một là đau yếu nhiều bệnh, hai là tuổi đã quá già cho nên vẫn nhớ đến công lao thuở trước mà cho được toàn đoạn đường chót của đời mình. Dịch Hân được gia ân giơ quyền thế tập thân ương, thưởng lộc toàn bổng thân vương, nhưng chấm dứt hết mọi công tác, đồng thời trừ bỏ cái ơn cho thêm hai bổng, cho ở nhà dưỡng bệnh. Bảo Quân thì cho giữ nguyên phẩm hàm, được về hưu trí. Hiệp biện đại học sĩ, Lại bộ thượng thư Lý Hồng Tảo làm việc trong nội đình đã nhiều năm, vốn có nhiều kinh nghiệm lại lắm kiên thức nên để cho tiếp tục làm việc. Binh bộ thượng thư Cảnh Liêm chỉ có thể tuỳ việc giao phó, vấn đề kinh tế y không có sở trường, cho nên truất bỏ hết mọi công tác, giáng xuống hai cấp, sẽ điều dụng sau. Công bộ thượng thư Ông Đồng Hoà phục vụ nơi cung đình, thích đáng ở nhiều việc, nhưng đã lâu không làm được việc gì cũng coi như có lỗi, được gia ân cách chức nhưng lưu nhiệm làm hành tẩu trong cung Dục Khánh, để chứng tỏ sự nâng biệt, đối với bọn vương công đại thần này như vậy, triều đình đã có sự nhận xét và ý định từ lâu.

Biết rằng không còn cách gì khác khuyến cáo, lại sợ rằng lỗi lầm của họ càng nặng, cho nên triều đình mới khiển trách. Nếu ngay từ lúc đầu khi còn nhưng việc nhỏ nhặt tầm thường mà không đàn hặc xét lỗi định tội, giáng cấp những viên đại thần thân phiên, thì rồi đây nội ngoại thần dân không còn biết lấy ai để răn dạy để đem hết lòng trung phụng sự, kiên công lập nghiệp một cách viễn đại nữa. Triều đình sẽ xét cái tâm của ngươi, theo dõi hành động của từng kẻ, nếu thấy lợi ích cho quốc sự thì không có lý do gì mà không dung nạp. Trái lại, nếu thấy gia đình suy tệ, gia phong không có, lấy công làm tư, khuynh loát mọi chuyện, thậm chí phẩm hạnh càng ngày càng ty tiện, làm tay sai cho người để kỳ trung hối lộ tham nhũng, triều đình sẽ lập tức lột trần mọi gian dối giấu nhẹm, xét theo pháp luật để trừng trị chứ nhất định không tha. Nay ban bố thông dụ cho mọi người được biết".

Đạo dụ, lời lẽ úp úp mở mở, căn chẳng đúng đề. Bọn đại thần bị cách chức, ai cũng đều biết đây chỉ là một dịp diệt trừ đối thủ của Từ Hi thái hậu. Anh nào anh nấy tức lắm, nhưng phải cái đây là lời nói rõ ràng của thiên tử trên giấy trắng mực đen, công bố cho bàn dân thiên hạ, biết làm sao được. Thế là cả bọn đành nuốt giận, rút lui ra khỏi chốn quân cơ.

Bọn này vừa bước ra khỏi, thì Tây thái hậu đã chọn một số tay chân thân tín đưa vào quân cơ điền ngay chỗ trống.

Kẻ được chiếu chỉ của Tâm thái hậu chọn đưa vào là Thuần thân vương Dịch Tôn.

Tôn vốn đồng đảng với Tây thái hậu. Thái hậu ngầm bảo Tôn Dục Văn dâng sớ tiến cử Tôn để bổ sung vào quân cơ làm tai mắt cho bà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích