Thâm ý của Túc Thuận lúc này là đưa linh cữu nhà vua về kinh trước đã rồi mới đòi quốc tỷ ở Cung thân vương và lập Di thân vương Tải Viên làm hoàng đế. Nhưng Thuận không ngờ rằng Hiếu Trinh hoàng hậu đã đoán biết kế sách của y nên quyết không để cho y một mình về kinh trước. Hậu còn buộc phải cho Ý quý phi cùng đưa linh cữu về kinh, Thuận chỉ còn cách là nghe theo.

Thuận bèn mưu ngầm với Đoan Hoa sai đoàn thị vệ của Di thân vương phao tin hộ tống Hậu, Phi hai cung nhưng kỳ thực định tới nửa đường đột nhiên hạ thủ giết chết cả hai mẹ con Ý quý phi rồi chỉ đưa mình Hiếu Trinh hoàng hậu về cung mà thôi.

Không ngờ Ý quý phi cũng đã liệu được mưu này của Thuận, nên khi Hỉ Lưu đưa chiếu thư về kinh thì bà đã có dụ sai Vinh Lộc đem bốn ngàn cấm binh tới Nhiệt Hà để bảo hộ ấu chúa.

Linh cữu vừa ra khỏi thành thì từ xa người ngựa của Lộc đã ùn ùn kéo tới. Thấy cả một chi cấm binh đến bảo vệ mẹ con Ý quý phi, Thuận bực mình và băn khoăn lắm. Vinh Lộc lại luôn kèm sát Ý quý phi, nửa bước chẳng rời, không cho Thuận một cơ hội nào để hạ thủ. Song Thuận vẫn còn hy vọng rằng nếu tự mình đem vệ binh về sớm hơn một ngày thì vẫn có thể giả thác di chiếu của tiên đế, phế bỏ danh hiệu Ý quý phi, không cho ấu chúa vào thành rồi cứ đưa Tải Viên lên ngôi hoàng đế. Đến lúc đó gạo đã thành cơm lo gì Ý quý phi phụng chiếu hay không phụng chiếu nữa Đoàn người đưa linh cữu ra khỏi hành cung. Túc Thuận dẫn đoàn vệ binh đi sau linh cữu. Hiếu Trinh hoàng hậu và Ý quý phi ngồi xe đi sau đoàn quân của Thuận. Còn Vinh Lộc chỉ huy cấm quân bảo vệ lưỡng cung đi sau cùng.

Thấy bóng kinh thành với ngọn cờ bay phất phới xa xa, Ý quý phi vốn đã liệu trước âm mưu của Túc Thuận nên khi tới quán dịch liền bàn tính với Hiếu Trinh hoàng hậu kế hoạch đối phó. Thế là một hậu một phi liền được thay thế bằng hai tên cung nữ cải trang giống hệt ngồi thế vào xe còn hai bà thuê vài cỗ xe nhẹ, đi nhanh, có một chi quân của Lộc ngầm theo bảo vệ, vượt đường nhỏ lên trước linh cữu rồi phóng nhanh về kinh trước.

Về tới cung, Ý quý phi lúc này cờ đã đến tay liền cho gọi ngay Cung vương, Thuần vương, đại học sĩ Châu Tổ, Bồi Quế Lương, Hộ bộ tả thị lang Văn Tương, hữu thị lang Bảo Quân, hồng lô tự thiếu Khanh Tào Dục Anh, tất cả một bọn đại thần tâm phúc vào cung để mật nghị.

Ý quý phi cũng đưa chiếc truyền quốc tỷ cho bọn đại thần thấy rõ nghị định đưa ấu chúa Đái Thuần lên ngôi hoàng đế cải niên hiệu là Đồng Trị nguyên niên. Tất cả mọi việc đều xếp đặt đâu đấy trước cả!

Qua ngày hôm sau Cung thân vương phái một đại đội người ngựa tới đóng dọc suốt một giải của Đại thạch môn để chuẩn bị đón linh cữu, mặt khác sửa soạn đèn đuốc màn trương đàng hoàng tại điện Thái Hoà-làm như nơi để phụng an linh cữu cho bá quan vào hành lễ.

Sang ngày thứ ba, Di thân vương Tải Viên cùng Đoan Hoa vào thành trước. Hiếu Trinh hoàng hậu sai người tuyên đọc chiếu thư cho Viên và Hoa nghe. Hoa lớn tiếng nói:

- Bọn tôi chưa từng vào thành. Vậy chiếu thư từ đâu mà có.

Cung vương nói:

- Hiện có truyền quốc tỷ tại nơi đây!

Di thân vương cũng nói:

- Tiểu vương vâng di chỉ của tiên đế giám quốc nhiếp chánh. Hiện nay hoàng tử còn nhỏ nếu không có ta chấp thuận thì dù có thái hậu, quý phi thảy đều không có quyền triệu kiến thần công…

Giữa lúc Di thân vương đang còn muốn nói nữa thì Vinh Lộc xuất hiện lớn tiếng quát:

- Thái hậu có chỉ bắt trói ngay hai tên kia lại cho ta?

Lệnh quát vừa dứt thì đá có một đám vệ binh nhảy lên bắt lấy. Mấy tên khác cũng xông lại lột ngay áo mão của Viên và Hoa keo thốc ra ngoài cửa Long Tôn môn, tống ngay vào nhà lao của Tôn nhân phủ giam kỹ lại.

Trong lúc tại Kinh đã xảy ra việc bất ngờ này thì Túc Thuận vẫn còn trên đường hộ tống linh cữu vua tuyệt nhiên không biết gì! Tới Mật Vân, Thuận cho tạm nghỉ lại.

Thuần vương mật triệu Đại tướng tử và Đại văn tử của dinh thần cơ ngày đêm đi gấp tới Mật Vân để bắt Thuận.

Thuận lúc đó đang nằm trong phòng ngủ, hai tay ôm hai bà như ý phu nhân, ngáy tựa bò rống.

Khi quân binh của Thuần vương vây kín phòng ngủ, Thuận mới choàng tinh dậy, quát tháo, buông lời chửi bới om sòm…

Đám binh sĩ đập phá cửa phòng nhất tề xông vào trói gô Thuận lại rồi xích chân xiểng tay đưa về giam tại nhà lao Tôn nhân phủ.

Thanh toán xong bọn địch thủ, lúc đó lưỡng cung hoàng thái hậu mới cùng Đồng Trị hoàng đế mặc đồ tang phục ngồi trên tố xa có bạch mã kéo, xuất Hoàng thành do cửa lớn để đưa linh cữu vào thành và phụng an tại điện Thái Hoà.

Hành lễ xong, lưỡng cung hoàng thái hậu đưa Đồng Trị hoàng đế lên điện chịu trăm quan triều hạ. Sau đó, hoàng đế hạ chỉ dụ định tội bọn Túc Thuận, Đoan Hoa và Tải Viên, lời lẽ như sau:

"Tải Viên, Đoan Hoa, Túc Thuận kết đảng làm điều gian, chuyên quyền ngang ngược, tự ý giáng nhiều chỉ dụ tuyên thị trong ngoài. Kíp đến ngày mười bảy tháng bảy hoàng khảo (vua cha) băng hà, chúng lại cũng dám tự xưng mình là Tán tương vương, Tán tương đại thần. Thực ra thì lúc kịch bệnh sắp lâm chung, hoàng khảo xuống dụ thẳng cho bọn Tải Viên lập trẫm làm hoàng thái tử chứ tuyệt nhiên không có cái dụ gọi là dụ Tán tương chính sự bao giờ. Lạm dụng danh hiệu Tán tương ấy, Tải Viên tự chuyện mọi việc chẳng thèm thỉnh chỉ. Thậm chí lưỡng cung hoàng thái hậu diên dụ cho hắn nhiều việc mà hắn cũng cả gan trái lệnh, chẳng thi hành. Ngự sử Đổng Nguyên Thuần tâu xin hoàng thái hậu rủ rèm nghe chính đấy là việc nên làm. Thế mà bọn Tải Viên chẳng những tự chuyên sửa đổi chi dụ lại còn dám không nghe lệnh của hoàng thái hậu khi triệu chúng tới trước mặt có Doãn Đằng lúc đó đang tương tán trẫm cung. Doãn Đằng thỉnh hoàng thái hậu xem các sớ tấu, thế mà chúng cũng dám gầm thét om sòm, quả thực là không còn vua chúa nào nữa. Những tình trạng như vậy không thể một lúc mà nói hết được, nhiều lần chúng lại còn bảo thân vương không thể triệu kiến được, đấy là cái ý ly gián của chúng. Bao điều vừa kế chính là những tội trạng của bọn Tải Viên, Túc Thuận, Đoan Hoa đó.

Riêng tên Túc Thuận còn dám ngồi vào ngai vàng của trẫm. Mỗi khi vào nội đình (trong cung vua) để làm việc hắn ra vào tự do trước mặt, quả là không còn pháp kỷ gì nữa. Hắn chuyên dùng những đồ đạc ngự dụng trong hành cung. Rồi những khi truyền lấy đồ đạc để dùng thì hắn lại chống đối, không tuân chỉ. Hắn còn tự ý chia tách lưỡng cung hoàng thái hậu. Lúc triệu tới đối chất, lời lẽ của hắn tỏ ra dìm bên này má nâng bên kia, chủ đích chỉ để gây chuyện oán thù lẫn nhau.

Phàm bất cứ tội trạng nào cũng đều phải kính qua mẫu hậu hoàng thái hậu và thánh mẫu hoàng thái hậu rồi các vị nghị chính vương, quân cơ đại thần cứ theo từng điều khoản mà liệt kê xong mới truyền xuống cho hội đồng các vương công đại thần biết. Nay căn cứ vào sự án luật nghị tội của hội đồng Vương Công đại thần, thì bọn Tải Viên phải đem ra lăng trì xứ lý. Bởi thế phải tức khắc triệu kiến Nghị chính vương Dịch Hân, quân cơ đại thần Hộ bả tả thị lang Văn Tường, Hữu thị lang Bảo Quân, hồng lô tự thiếu khanh Tào Dục Anh, Huệ thân vương, Chuẩn thân vương Dịch Tung, Thuần thân vương Dịch Hoàn.

Chung quân vương Dịch Hợp, Phu quân vương Dịch Huệ, Duệ thân vương Nhân Thọ, đại học sĩ Cổ Trình, Châu Tổ Bồi, Hình bộ thượng thư Miêu Lâm, tất cả đều phải tới để được rõ về tội của Tải Viên, không ai được kiếm một cớ lý nào để thoái thác. Nay cứ theo sự xác nhận của toàn ban đại thần rằng bọn Tản Viên, Đoan Hoa, Túc Thuận ngang ngược, không chịu thán phục, đều thuộc tội đại ác đến cùng cực, đối với quốc pháp không thế khoan hồng, đồng thời cũng không thế có ý gì khác được.

Tuy nhiên trẫm nghĩ tới bọn Tải Viên đều thuộc dòng tôn thất riêng Tải Viên lại là cố mệnh đại thần, nhất định được điều khoan hồng. Song cái điều mà y tự nhận mình là Tán tương chính vụ thì hoàng khảo (vua cha) đâu có cái dụ ấy.

Bởi thế, nếu không trị tội y nặng nề, thi biết lấy chi đáp lại lòng phó thác của hoàng khảo, hơn nữa biết lấy gì tô điểm thêm cho pháp kỷ để chỉ rõ cho muôn đời về sau. Do đó, phải chiếu theo ngay lời nghị tội toàn ban đại thần mà lập tức lăng trì xứ tử. Có thề, mới xứng với cái tội đã gây ra. Song pháp luật của quốc gia còn có nhưng điều khoản nghị thân và nghị quý để đến phút chót còn có thể giám khinh. Trong trường họp hoàn toàn không thể khoan thứ, trẫm chỉ còn có thể miễn cho tội đem ném ra ngoài chợ. Mà Tải Viên, Đoan Hoa chỉ phải theo lệnh tự tận mà thôi. Vậy phải sai ngay Túc thân vương Hoa Phong, Hình bộ thượng thư Miếu Lâm tới căn nhà không trong Tôn nhận phủ lập tức truyền chỉ bảo chúng tự vận. Việc quyết định này bất quá chỉ là vì quốc thể mà làm chớ chẳng phải trẫm có tư ý gì với bọn Tải Viên, Đoan Hoa.

Còn đến Túc Thuận, thì cái âm mưu bội nghịch còn ghê gớm hơn cả bọn Tải Viên. Tội đó chính là tội phải đem lăng trì xử tử chỉ để làm sáng tỏ phép nước và khoái nhân tâm.

Song lòng trẫm có chỗ bất nhẫn, vậy trẫm gia sớ cho được sửa lại làm tội trảm lập quyết (tội chém ngay).

Vậy phải sai ngay Duệ thân vương Nhân Thọ, Hình bộ lư thị lang Tải Linh, tới pháp trường, giám thị cuộc hành trình đế làm điều răn cho những tên đại nghịch bất đạo.

Lại đến Cảnh Thọ, hắn là một vị quốc thích, ấy thế mà mồm câm như hến, không nói một lời. Sau đó, bọn Mục Âm, Khuông Nguyên, Đỗ Hàn, Tiêu Hựu Doanh, đứng trước sự cướp đoạt quyền chính của Tải Viên mà không thể lực tranh, thì đó đều thuộc bọn người có ân nịch chức. Mực Âm vốn là một quân cơ đại thần chức việc đã lâu, ngôi vị ở trước mọi người, tội tình lại càng nặng hơn. Toàn thể ban vương công đại thần nghị tội, xin đem Cảnh Thọ, Mực Âm, Khuông Nguyên, Đỗ Hàn, Tiêu Hựu Doanh, cách hết chức tước, đày đi Tân Cương khổ sai. Lý do nào có thể căn cứ để thể tình cho chúng chỉ là ở chỗ: bọn Tải Viên hung hãn bức bách quá khiến chúng bị kìm chế, bó buộc phải theo.

Bởi thế, trẫm gia ân cho như sau: ngự tiền đại thần Cảnh Thọ bị cách chức tức khắc, nhưng còn được để lại cho tước công và phẩm cấp của ngạch trật phò mã, miễn phải nghiêm khiến; Bộ binh thượng thư Mục Âm bị cách chức tức khắc, cho làm phát vãng quân đài (làm lính) đem công chuộc tội, Lại bộ tả thị lang Khuông Nguyên, thự lễ bộ hữu thị lang Đỗ Hàn, thái bộc tự thiên khanh Tiêu Hựu Doanh, cả ba tên đều bị cách chức tức khắc, nhưng gia ân cho miễn phải đi đày. Khâm thử".

Cả một tờ thượng dụ dài dòng và rõ ràng từng mục, đều là chủ ý của Ý quý phi.

Thế là cậu bé Đái Thuần ngất ngưởng ngồi lên ngai hoàng đế và Ý quý phi ngang nhiên thăng lên ngôi hoàng thái hậu.

Hiếu Trinh hoàng hậu ở phía đông, người trong cung đều gọi Đông thái hậu. Ý quý phi ở về phía tây, người trong cung gọi là Tây thái hậu.

Lúc đó, Túc Thuận đang nằm trong nhà lao của Tôn nhân phủ. Thuận nhận được thánh chỉ, vô cùng phẫn nộ, quay mặt về phía Tải Viên và Đoan Hoa lớn tiếng nói:

- Tụi bay chẳng nghe lời tao, mới ra cơ sự này!

Sự thể như sau: Lúc Hàm Phong hoàng đế lâm nguy, Túc Thuận có khuyên Di thân vương đánh cắp chiếc quốc tỷ trước rồi sau hãy điều khiển binh tướng, cầm chân hai thái hậu và ấu chúa lại không cho quay về kinh, mặt khác hạ dụ cách hết chức tước của bọn Cung vương, Vinh Lộc, cướp lấy binh quyền, nhiên hậu mới về kinh làm việc. Nhưng Di thân vương vốn nhát gan, không dám hạ thủ, để quốc tỷ rơi vào tay Tây thái hậu. Đã thế, bọn Thuận lại để cho lưỡng cung thái hậu về kinh trước, để họ được cùng phe đảng bàn bạc. Cơ hội tưởng không còn gì tốt hơn nữa. Thế mà rồi ra đều hỏng bét chỉ tại Di thân vương vừa nhát vừa ngu mà thôi.

Khi tù xa Túc Thuận đi dọc trên đường tới pháp trường, đám người hiếu kỳ đi xem đông như trẩy hội. Thấy Thuận thân hình béo mập, trắng trẻo, lại vì lúc quốc tang phải mặc áo bào trắng, chân đi giày vải, bị trói ngồi trên xe bò, họ xì xào chỉ trỏ, lộ vẻ vui mừng như là đã trả thù được cho chính mình. Lúc tù xa đi qua con đường chợ bò chợ ngựa, lũ trẻ con đứng hai bên đường, khoái chí vừa vỗ tay hoan hô vừa quát tháo:

- Bớ Túc Thuận! Tên gian tặc! Không ngờ mi lại có cái ngày hôm nay!

Hơn thế, đám đông còn lấy bùn đất ném vào Thuận khiến chỉ trong nháy mắt, bộ mặt trắng trẻo, cặp má phinh phính của Thuận bỗng đen ngòm. Pháp trường đông nghẹt người, khung cảnh vô cùng náo nhiệt.

Đầu Thuận vừa văng xuống thì bỗng trong đám người có một chàng thiếu niên chạy tới quỳ trước ngựa của Duệ thân vương, mặt mày đầy lệ. Vương hỏi xem ai thì chàng thiếu niên nọ tự nhận mình là con trai của cố đại học sĩ Bá Tuấn. Chàng ta xin xuất một ngàn lạng bạc mua cái đầu của Thuận để tế vong hồn của cha. Duệ thân vương vốn đã biết Bá Tuấn chết một cách oan uổng, hơn nữa lại thấy chàng thiếu niên khóc lóc thê thảm, liền bằng lòng. Tức thì chàng niên thiếu ấy lấy ngay một ngàn lạng bạc thưởng cho bọn đao phủ, tay xách lủng lẳng cái đấu của Thuận về nhà mời thân bằng cố hữu tới làm lễ dâng đầu lâu tế cha!

Tại sao lại có chuyện chết oan uổng này? Số là năm thứ tám đời vua Hàm Phong, Bá Tuấn làm đại học sĩ. Tuấn tuy là người Mãn nhưng thường cũng được cử ra làm chủ khảo.

Có một năm Tuấn được chỉ định làm chủ khảo Bắc Vi. Chẳng biết cớ sự ra sao bỗng có kẻ tế cáo Tuấn thông đồng hối lộ chấm đậu cho một tên làm nghề kép hát tên gọi Bình Linh.

Bọn công tử con nhà Kỳ hạ (người Mãn) vốn khoái ca hát cho nên nhiều lúc cao hứng cũng nhảy lên sân khấu, không ngờ đến trò vui đó lại dẫn tới chuyện nguy hiểm này. Song nếu người ta chịu xét lại văn bài thì đâu đến nỗi, bởi vì khi vào thi ai lại có thể xét kỹ được lai lịch nguồn gốc. Nhưng hồi đó Túc Thuận đang chuyên quyền, có ý muốn tạo ra một đại án, cho nên mới xảy ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Được đơn tố cáo Thuận vào ngay điện tấu với Văn Tông hoàng đế bắt trọn ổ toàn ban giám khảo Bắc Vi, từ quan chủ khảo tới ông cử nhân, chém luôn một lúc tới năm, sáu chục người. Riêng vị phó chủ khảo Chu Phượng Tiêu thoát chết chỉ là nhờ bị đau mắt, xin nghỉ, không vào trường thi, Tiêu giữ được mạng nhưng chức tước bị cách tuột.

Hình bộ thẩm vấn và định tội Bá Tuấn trảm lập quyết. Tất cả bọn đại thần người Mãn nghe án vội chạy tới quỳ trước ngai vàng khẩn cầu tha tội Tuấn. Nhưng Văn Tông hoàng đế lúc đó chỉ nghe lời Túc Thuận, chẳng những thế, còn bảo cả bọn đại thần này:

- Trẫm đâu có giết một vị tể tướng. Trẫm chỉ giết một bọn khảo quan mà thôi.

Hôm bị đưa ra pháp trường hành hình, Bá Tuấn phải chiếu theo luật lệ chỉ được mặc một chiếc áo đen phủ ngoài đi bộ tới cửa chợ rau, tạ ơn xong, rồi lẳng lặng đợi thánh chỉ. Tuấn quay lại dặn người con trai hãy đứng đợi tại chùa Tích Chiếu. Người con trai nghe lời cha vừa sắp bước đi thì bỗng thấy Hình bộ thượng thư Triều Quang kêu khóc ầm ĩ từ xa chạy lại.

Trời đã sang giờ thìn giờ tị, bọn đao phủ không cho Tuấn nói chuyện nhiều nữa liền chạy lại quỳ xuống xin Bá đại nhân thăng thiên (tức là chết). Lúc lâm tử, Bá Tuấn dặn con không cược quên cái thù giết cha này.

Một tiếng phập vang lên chắc nịch, đầu lâu văng ra xa đến mấy thước nằm xám ngoạch trên mặt đất loang lồ những dòng máu tươi. Có những người thời đó phúng Bá Tuấn câu đối như sau:

"Kỳ sinh dã sinh kỳ tứ dã ai, vu lộ lôi đình gi ai thánh đức"

"Thần môn như thị thần tâm như thuỷ, hoàng thiên hậu thổ giám cô trung"

(Lượt dịch: ông sống đã vinh mà chết lại càng thương, mưa móc sâm chớp đều là thành đức.

Cửa người bày tôi như chợ, lòng người bày tôi như nước trời cao đất dày hãy thấu cho nỗi cô trung).

Người con trai của Bá Tuấn chờ đợi lúc báo thù. Y đã thấy được cái ngày Túc Thuận cụt đầu trên pháp trường.

Thực ra không phải chỉ riêng con trai Bá Tuấn sung sướng được thấy kẻ thù bất cộng đới thiên đã chết một cách khốn khổ mà cả bọn đọc sách kinh thành ai cũng đều hả dạ.

Từ hôm đó cả thiên hạ đều đã nằm trong tay của Đồng Trị hoàng đế. Đồng Trị tôn xưng Thượng mẫu hậu hoàng thái hậu là Từ An hoàng thái hậu còn Thượng thánh mẫu hoàng thái hậu là Từ Hi hoàng thái hậu. Cung vương lại tâu xin hai bà thuỳ liêm thính chính ngồi trong rèm để nghe việc triều chính. Từ An hoàng thái hậu ngồi ở mé tây cùng nhận bá quan triều bái công việc triều chính.

Từ An thái hậu vốn người trung hậu lại không giỏi ăn nói, cho nên bất cử tấu sớ nào của bọn vương công đại thần đều do Từ Hi thái hậu hỏi han và trả lời để giải quyết.

Tiếng nói của Từ Hi đã lớn lại trôi chảy, giọng điệu cương quyết khiến bọn đại thần nghe mà phát sợ. Tuy vậy, cứ mỗi khi tới những điểm quan trọng hậu vẫn không muốn quyết định một mình, luôn luôn cùng bàn với Từ An xong rồi mới chịu truyền dụ.

Từ An thấy Từ Hi đầy đủ trí thông minh, tất cả đều hơn mình một bực nên mọi việc nhường cả cho Từ Hi giải quyết.

Song lúc thấy Từ Hi lầm lẫn, bà không hề chịu bỏ qua. Chủ ý của Từ Hi là làm sao nắm được quyền bính trong tay nhưng gặp phải Từ An giải quyết mọi việc hết sức nghiêm chỉnh nên không có cơ hội nào mà thao túng cả. Bởi thế Từ Hi bèn xếp đặt theo kế hoạch: ngoài thì liên lạc với Vinh Lộc là cháu mình, trong thì mua hết cả hai tên tổng quản An, Thôi cũng như tên thái giám tài hoa Lý Liên Anh để ngầm bảo chúng luôn luôn theo dõi đều mọi hành động của Từ An Thái hậu, chuẩn bị biện pháp chế ngự đối với bà này.

Trong khi Từ Hi mưu mô vậy thì Từ An vẫn như ngồi trong trống không hay biết tí gì. Bà biện lý mọi việc triều chính hết sức công bình chính trực. Mỗi khi có việc cần phó thác cho Cung thân vương chủ trì bà đều nói:

- Bọn tôi là đàn bà không biết nhiều điều, chỉ xin Lục gia lấy lòng trung làm việc nước giúp hoàng đế giải quyết mọi việc cho khỏi sai lầm, khi có việc chỉ cần Lục gia tâu rõ cho nghe một tiếng là đủ.

Cung thân vương vâng chỉ dụ của Từ An thái hậu nên thường vào cung tâu bày và bàn bạc việc triều chính.

Lại nói Từ An thái hậu vốn biết Tăng Quốc Phiên là một viên quan khá bèn thăng cho Phiên từ chức Lưỡng Giang tổng đốc lên chức đại học sĩ. Một chuyện đột ngột xảy ra khiến hậu quả thêm rắc rối giữa hai cung thái hậu. Số là Hà Quế Thanh để mất thành trì đại bại trước quân tóc dài ở phương Nam cho nên Hình bộ nghị án trảm quyết. Thanh vội vàng ngầm nhờ đến mười bảy ngươi đồng hương đồng quán và đổng tuổi ở kinh dâng sớ nói Thanh vô tội để cứu mình. Thanh lại còn phải xuất ra một vạn lạng bạc để mãi thông với Vinh Lộc khẩn cầu Lộc nói tốt cho mình trước Từ Hi thái hậu. Bọn này vốn thường cho Từ An thái hậu nhu nhược nên chẳng thèm để ý tới.

Chúng không ngờ câu chuyện này gây hậu quả khác hẳn. Từ An thái hậu theo tờ sớ của thường thị khanh Lý Đường Giai bèn hạ dụ chém Hà Quế Thanh. Trên tờ dụ có nói rõ Hà Quế Thanh lâm trận bỏ trốn, tội không thể tha.

Vụ án này khiến từ quan tướng tới sĩ tất thảy đều xanh mặt, gân giật lên thon thót, tứ chi cửu khiếu teo rúm lại hết.

Từ An thái hậu lại còn điều động Lý Đường Giai vào quân cơ và chỉ trong vòng một năm, đã thăng lên tới chức thượng thư.

Ít lâu sau ngoài tiền tuyến tướng Bảo Thắng thắng trận được mấy keo liền tỏ bộ kiêu căng hoành hành chẳng coi ai ra gì hết, đã thế Thắng lại còn tham lam dâm đãng làm hại dân lành không biết bao nhiêu mà kể. Lý Đường Giai biết vậy liền dâng sớ dàn hặc bằng một bản tấu chương hết sức chi tiết rõ ràng.

Từ An thái hậu xem xong nổi cơn đại nộ liền truyền dụ bắt ngay Bảo Thắng đưa về kinh tống vào nhà lao lớn của Hình bộ thẩm vấn minh bạch rồi hạ lệnh đem chém.

Vào hồi này bọn đại thần người Hán, trong số đó có Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tôn Đường chiến thắng bọn tóc dài, bọn thổ phỉ, bọn Hồi phỉ lập được khá nhiều công.

Bởi thế Từ An thái hậu bèn hạ chỉ phong cho bọn này tước hầu hoặc tước bá. Đã từ lâu Từ Hi thái hậu cho rằng Từ An là người nhu nhược nay thấy bà giải quyết mấy việc cứng rắn ghê khiếp bết giác cũng e ngại lo sợ ngày đêm trong lỏng và để hết tâm trí vào việc đối phó với bà, mong thực hiện mưu tính thao túng quyền hành sau này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích