Thời vua Hàm Phong, Thanh cung còn có bà Hiếu Mục hoàng thái hậu, người rất hiền đức. Hiếu Mục hoàng thái hậu vốn là một sủng phi của Đạo Quang hoàng đế. Hồi đó, tuy Đạo Quang sủng ái nhất Tĩnh phi nhưng ngài cũng vẫn thường qua lại nơi này để trò chuyện bàn luận. Bà được cái vinh hạnh này chỉ vì bà hiền hậu nết na, trong khi đó Tĩnh phi cậy được hoàng đế yêu nên kiêu căng rất mực. Cứ mỗi lần Hoàng đế tới cung, Hiếu Mục hậu đem hết cách chiều chuộng làm cho ngài vừa lòng, Đạo Quang hoàng đế cũng thường khen bà và so sánh bà như một đoá hoa đẹp khiến người ngắm mãi mà chẳng chán. Bởi thế khi có việc gì được xem là trọng ngài chỉ tới bàn tính với bà, còn đối với Tĩnh phi bất quá chỉ qua chơi mua vui mà thôi.

Sau khi Đạo Quang hoàng hậu bị hoàng thái hậu và Tĩnh phi mưu sát, còn để lại một Tứ hoàng tử. Chàng không người nuôi dưỡng, lạnh lẽo cô đơn, khổ sở hết sức. Đạo Quang hoàng đế bèn đem Tứ hoàng tử phó thác cho Hiếu Mục hậu nuôi và dặn bà cố gắng giúp chàng nên người. Được sự uỷ thác đó Hiếu Mục hậu để ý cẩn thận nuôi dạy tứ hoàng tử bất cứ việc no đói, ấm lạnh, bà đều chăm sóc đến nơi đến chốn.

Hiếu Mục hoàng hậu có một người con trai, Lục hoàng tử Dịch Hân. Ấy thế mà bà săn sóc con mình lần không bằng Tứ hoàng tử. Bà nói:

- Tứ hoàng tử mồ côi mẹ, cần phải thương nó nhiều hơn.

Cũng vì thế, tứ hoàng tử càng yêu quý Hiếu Mục hậu, ngày thường vẫn kêu bà là mẹ, y như đối với mẹ mình.

Về sau, khi muốn lập hoàng tử, Đạo Quang hoàng đế lẻn tới hỏi ý kiến Hiền Mục hậu. Ngày thường, Đạo Quang hoàng đế vốn rất yêu quý Lục hoàng tử, chi vì Lục hoàng tử mạnh tợn và tính tình giống mình. Nhưng đến khi nghe tứ hoàng tử nói mấy câu tỏ vẻ hết sức nhân từ trong một cuộc đi săn thì ngài đâm ra do dự, không quyết tâm lập lục hoàng tử như trước nữa. Ngài trở về cung, tìm đến bàn với Hiền Mục hậu.

Hiền Mục hậu cũng hết lòng tiến cử tứ hoàng tử. Nhưng Đạo Quang hoàng đế lại cho biết ý ngài muốn lập Lục hoàng tử.

Hiền Mục hậu cản ngăn mấy bận. Bà nói:

- Không được đâu. Khỏi cần phải nói nhiều vì tứ hoàng tử chính là con trai của Chính cung hoàng hậu. Hơn nữa tứ hoàng tử khá hơn bọn anh em gấp bội!

Đạo Quang hoàng đế nghe lời Hiền Mục hậu, lập tứ hoàng tử là thái tử và từ đó, trong lòng càng kính trọng bà. Khi mất, ngài ba bốn lần uỷ thác Hàm Phong hoàng đế cho bà.

Hàm Phong hoàng đế lên ngôi, biết ngôi vua của mình là nhờ Hiền Mục hậu hết sức giúp đỡ mới có. Bởi thế, ngài lập tức phong Hiền Mục hậu làm hoàng thái hậu, mời bà về ở tại Tử Ninh cung, rồi ngày ngày đích thân tới vấn an, coi bà như mẹ đẻ của mình. Hàm Phong hoàng đế cũng phong cho lục hoàng tử làm Cung Trung thân vương. Theo luật lệ trong cung nhà Thanh thì khi vua cha chết rồi, chỉ có một mình thái tử mới được ở lại trong cung, ngoài ra phải ở ngoài hết không được vào cung. Tuy nhiên đối với lục hoàng tử, Hàm Phong hoàng đế đặc biệt khai ân, cho phép Cung Trung, thân vương được vào cung bái yết thái hậu lúc nào tuỳ ý. Do đó hai mẹ con thái hậu rất lấy làm cảm kích Hàm Phong hoàng đế.

Về sau, lúc tuổi đã già, Hiếu Mục hoàng thái hậu mới cảm thấy hối hận, một mình lủi thủi trong cung, bà nghĩ tới cái ngày đau yếu rủi lỡ nhắm mắt lìa đời mà con mình thì xa cách, biết lấy ai bên cạnh ma chay cho mình, nghĩ càng hối hận, đâm ra oán hận Hàm Phong hoàng đế. Rồi cứ mỗi lần thấy Hàm Phong hoàng đế tới thỉnh an, bà không vui mà còn có ý giận, hoặc buông lời mắng trách. Dù vậy Hàm Phong hoàng đế lúc nào cũng vui vẻ hoà nhã, một lòng hiếu kính thái hậu.

Về sau Thái hậu bệnh nặng. Cung Trung Thân Vương tuy thường lui tới trong cung, nhưng cũng không cách nào ở lại trong cung được cho nên chi có Hàm Phong hoàng đế sớm hôm chầu chực thuốc thang bên cạnh giường. Ngoài ra, còn có Hiếu Trinh hoàng hậu, cũng cùng ngài luân phiên hầu hạ.

Bệnh tình của Thái hậu tới ngày nguy kịch. Đôi ba lần bà đã mê đi. Hàm Phong hoàng đế ngày đêm hầu hạ bên cạnh giường không dám rời xa.

Một hôm thái hậu bàng hoàng tỉnh lại. Trời đã tối. Bà thấy một người ngồi ở trước giường. Bà nhận ra Dịch Hân, con bà, bà cầm lấy tay con:

- Con ơi! Mẹ chỉ còn có sớm chiều là qua đời thôi! Mẹ được đương kim hoàng đế tiến dưỡng mấy năm, mẹ có chết cũng yên lòng. Mẹ chỉ buồn một nỗi năm xưa, tiên hoàng đế có ý định lập con làm thái tử thì mẹ gạt đi. Mẹ ngăn cản đến ba bốn lần: Mẹ càng nghĩ càng thấy mẹ lầm. Mẹ đã làm hại con, cho con đành chịu cúi đầu khom lưng trước kẻ khác cho qua ngày đoạn tháng!

Nói tới đây Thái hậu ứa nước mắt, đôi dòng lệ rơi trên gò má xương xẩu. Bà có ngờ đâu người ngồi bên cạnh giường. bà đó không phải Cung Trung thân vương mà lại là Hàm Phong hoàng đế.

Hàm Phong hoàng đế nghe lời than thở hối hận của thái hậu, chẳng những không giận mà còn khuyên bà nên yên lòng dưỡng bệnh, chớ nên nghĩ ngợi lo phiền. Bỗng thái hậu tỉnh hằn lại. Bà biết bà đã lầm, lòng bà càng não nuột. Một cơn ho kéo tới, đờm trào lên nghẹt tắc lấy cổ. Bà thiếp đi luôn không còn nói thêm lời nào nữa.

Hàm Phong hoàng đế một lòng kính trọng thái hậu. Ngài hạ chiếu phát tang, tổ chức đám tang theo nghi lễ là hoàng thái hậu. Sau đó, ngài vẫn một lòng săn sóc Cung Trung Thân Vương. Thân Vương càng đem hết lòng để phục vụ quốc gia.

Hồi đó, ở miền Nam, Hồng Tú Toàn đang gây rối tại miền Vinh an. Toàn lập nên Thái Bình Thiên quốc xưng bá đồ vương, tiếng tăm dậy khắp bốn phương.

Hàm Phong hoàng đế bèn hạ chiếu phục chức lại cho Lâm Tắc Từ, sai đem quân tới Quảng tây. Không ngờ Từ vừa tới Triều Châu, bỗng nhuốm bệnh mất.

Hàm Phong hoàng đế lại hạ chiếu sai Hưởng Vinh, Trương Tất Lộc, hai người đem binh đi tắt chặn các nơi. Quân mã của Thái Bình Thiên quốc lúc đó tích cực hoạt động. Họ tránh không đụng độ với quân của Hưởng, Trương hai tướng, tiến đánh một giải châu huyện Từ Quế Bình, Quý Võ tới Tuyên Bình. Họ lại chiếm Tuyên Châu…

Triều đình thấy quan quân người ngựa ít ỏi, bèn uỷ cho Lưỡng Giang tổng đốc là Lý Tinh Nguyên hội cung đại học sĩ Lại Thương A phó đô thống Hồng A đem quân tinh nhuệ từ Kinh đô tới vây Tuyên Châu, đẩy lui được quân của Dương Tú Thanh. Không ngờ, đoàn quân tóc dài thấy bốn mặt bị vây bèn quay về phía đông đánh thốc vào địa phận tỉnh Hồ Nam, cướp được Toàn Châu, lại lấy được Đạo Châu, Quế Bân, Dương Châu, vượt sông qua đánh An Nhân, Lễ Tăng.

Tháng bảy năm thứ hai niên hiệu Hàm Phong, đoàn quân tóc dài đánh tới Tràng Sa, vây thành hơn bảy mươi ngày liền, nhưng không xông vào được. Toàn lượm được một cái ngọc tỷ ở ngoài cửa Nam Thành, từ đó, càng có cái ý thôn tính thiên hạ, xưng bá xưng vương.

Hồi đó Tây Vương Tiêu Triều Quý của Thái Bình Thiên quốc chết trận tại Tràng Sa. Quân tóc dài lại quay mũi dùi sang Thường Đức. Đánh được Thường Đức, lại được Ích Dương, cướp được vài ngàn chiến thuyền, vượt qua Động Đình hồ, tấn công thẳng thành Nhạc Châu đoạt được rất nhiều binh khí. Binh khí này vốn là những binh khí Thanh binh do đám Ngô Tam Quế thời vua Khang Hi còn để lại.

Hồng Tú Toàn thấy chiếm được nhiều binh khí càng hăng hái và quyết tam hơn, liền dọc theo Tràng Sa đi xuống, chiếm Hàm Dương, Võ Xương, tiếp sau đó, công hãm Cửa Giang, An Khánh, Vu Hồ, Thái Bình, chỉ trong vòng có một tháng.

Quan binh của triều đình đến lúc này cứ hễ thấy đoàn quân tóc dài đi tới đâu là sợ hãi hết hồn, theo gió mà chạy vắt giò lên cổ.

Tin chiến bại và thất thủ hết nơi này tới nơi khác, có ngày đến hàng chục lần. Nhưng tin kinh khủng này bay về kinh sư như bươm bướm, làm cho Hàm Phong hoàng đế bối rối, không biết tính toán ra sao. Ngày ngày, ngài hạ hết thánh chỉ này tới thánh chỉ kia, điều binh khiển tướng lung tung, nhưng chẳng ăn thua gì.

Tháng hai năm thứ ba niên hiệu Hàm Phong, đúng vào ngày mồng mười, Hồng Tú Toàn đánh vào thành Nam Kinh giết chết Mãn quân, trai gái đến hai vạn người, ném đầu và xác xuống sông Trường Giang đầy nghẹt cả một khúc sông.

Cướp được Nam Kinh rồi, Hồng Tú Toàn kiếm cây đào đất, xây cất cung điện lâu đài, tự xưng là Thái Bình Thiên hoàng. Toàn cũng lập tam cung lục viện, phi tần trong cung cấm đều có ngôi thứ và danh hiệu. Vợ cả của Thiên hoàng xưng là hoàng hậu, có tần nương một người, ái nương hai người, hi nương hai người, luôn luôn ở bên cạnh hoàng hậu để hầu hạ. Các nương này đều được kể là những quan cao bậc nhất.

Ngoài ra trong cung cấm còn có hai mươi bốn nàng phi, một nàng có bốn quan nữ, bốn trạch nữ, bốn khuê nữ, bốn đàm nữ, bốn hạp nữ ở bên cạnh hầu hạ. Đám nữ này đều được phẩm tước từ nhị phẩm đến nhất phẩm. Lại còn có mười nguyên nữ, mười yêu nữ, cũng để hầu hạ các hậu phi. Đám nữ này được phẩm tước từ nhất phẩm tới lục phẩm. Đám gái đẹp ở trong cung cấm tuy lấy tiếng là làm quan, nhưng cô nào cung bị Hồng Tú Toàn gian dâm hết thảy. Thiên hoàng khoái nhất là những xử nữ mười ba, mười bốn tuổi. Cho nên những nữ quan này đều được tuyển lựa trong hàng gái đẹp trẻ măng, hầu hết đều vào quãng mười tuổi. Bọn gái đẹp này không một cô nào là không bị Thái tử của Thiên hoàng ngày ngày đem ra làm trò chơi, chết không biết bao nhiêu mà kể.

Hồng Tú Toàn lại còn phong cho anh em, bà con thân thuộc mình làm Thân vương. Trong phủ Thân vương, ngoại trừ bà vương phi ra, còn có hảo nữ bốn người, diện nữ tám người, giao nữ mười sáu người, khoa nữ hai mươi người, nghiên nữ hai mươi người, đa nữ hai mươi tám người, miêu nữ ba mươi hai người, quyên nữ ba mươi sáu người, mỹ nữ bốn mươi người, chia ra từ cửu phẩm tới nhất phẩm, thảy đều làm nữ quan hết.

Thái tử của Thiên hoàng xưng là Ấu chúa, ngoài bà Vương phi ra còn có mỹ nữ, lệ nữ tám người, giai nữ mười hai người, diệm nữ mười sáu người, đều là những nữ quan từ tứ phẩm tới nhất phẩm. Cai quản mọi việc trong hoàng cung có nữ tỳ, là những nữ quan cấp bậc nhị phẩm. Cứ hai người nữ tỳ lại có một người nữ chưởng suất cầm đầu, với cấp bậc nhất phẩm.

Tóm lại trong cung điện của thiên hoàng, ngoài một mình Thiên hoàng ra, chẳng còn thấy một tên đàn ông nào khác, ngay đến bọn thái giám cũng không có nữa.

Cung điện của Toàn, không còn gì đẹp hơn, quý hơn nữa. Tất cả đều là lầu son gác tía, rèm châu, màn gấm, nào vàng nào ngọc, lung linh rực rỡ, vô cùng mỹ lệ. Mỗi khi Thiên hoàng giá tới, cung tần phi hậu thảy đều phải quỳ xuống đón rước.

Thiên hoàng mình mặc áo tràng bào bằng đoạn vàng có thêu rồng bằng kim tuyến óng ánh, giơ chân múa vuốt, đầu đội mũ Bình Thiên, bốn góc bốn dải ngọc châu, rổn rảng, tóc kết dài lòng thòng. Thân hình của thiên hoàng nhỏ thó, lông mày rậm, râu dài lê thê, ngồi trên một chiếc kiệu có mười sáu tên cáng kiệu khiêng đi, kiệu có tán đỏ lọng vàng.

Trong cung điện, có một toà lâu đài cao ngất, tên gọi Diên đài, chu vi rộng có chừng hai chục mẫu đất. Trên đài trồng cây, hoa, lại xây đắp hồ, ao, chẳng khác gì ngay ở trên đất liền. Toà đài này hình lục giác, có xây sáu lớp bậc thang bằng đá hoa, khảm thêm vào những viên đá hoa cương năm sắc, trông hết sức đẹp, do đó, người trong cung này thường gọi là Bạch Ngọc thiên thể (thang trời bằng ngọc trắng). Trên đài có một toà chính điện. Ở bốn góc điện lại xây tiếp ba toà viện tử, tổng cộng mười hai toà viện tử. Cai quản Chính điện này là một nàng Tứ phi, bốn toà biệt điện còn có bốn nàng Tứ phi khác trông coi. Còn mười hai viện giao cho một bọn trục gia, tài nhân đông đảo trông coi.

Thiên vương Hồng Tú Toàn đêm đêm thường ngủ trong Chính điện, chỉ có Tứ phi được ngài ân sủng suốt đêm.

Trên đầu long sàng của Thiên vương có treo đủ các tấm thẻ đồng trạm trổ đầu con phượng của các phi tần. Khi nào cao hứng, Thiên vương giơ tay lấy một tấm thẻ đồng ném ra phía ngoài cửa trước; tức thì bọn nữ tỳ ngồi ở giường ngoài lượm ngay lấy, và chiếu theo tên trên tấm thẻ mà đi gọi phi tử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích