Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống
Chương 26: Cách xua tan nỗi buồn chán

Một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng mệt mỏi là sự buồn chán. Tôi xin dẫn ra đây trường hợp của một người quen sống trong khu phố nhà tôi làm ví dụ: Cô Alice là một nhân viên hành chính. Một hôm, Alice về nhà trong tình trạng hoàn toàn kiệt sức. Cô làm việc gì cũng uể oải. Cô thấy mệt mỏi, nhức đầu và đau lưng. Cô mệt đến mức không thiết tha gì đến bữa tối mà chỉ muốn lên giường ngủ ngay. Mẹ cô phải dỗ dành mãi cô mới chịu ngồi vào bàn ăn. Bỗng, chuông điện thoại reo lên. Cậu bạn trai gọi đến! Một lời mời đi khiêu vũ! Mắt cô sáng long lanh. Tinh thần cô phấn chấn hẳn lên. Cô vội vã chạy lên gác, diện bộ cánh màu xanh yêu thích nhất để đến dự buổi khiêu vũ. Ba giờ sáng, cô trở về nhà, không mảy may mệt mỏi hay kiệt sức mà thậm chí còn thấy tâm trạng lâng lâng tới mức không ngủ được.

Vậy điệu bộ mệt mỏi và uể oải trước đó 8 tiếng của Alice là thật hay giả? Chắc chắn là thật. Cô bị kiệt sức bởi quá chán ngán công việc của mình, cũng có lẽ là chán ngán cuộc sống đều đặn hàng ngày nữa. Có hàng triệu người giống Alice, và có thể bạn cũng nằm trong số đó.

Ai cũng biết rằng trạng thái cảm xúc tiêu cực có thể gây ra nhiều mệt mỏi hơn so với các hoạt động thể chất. Vài năm trước, trong quyển Archives of Psychology (Các thành tựu của Tâm lý học), Tiến sĩ Joseph E. Barmack đã công bố kết quả các thí nghiệm của mình, trong đó nêu rõ vì sao sự nhàm chán có thể sinh ra mệt mỏi. Tiến sĩ Barmack đã yêu cầu một nhóm sinh viên làm hàng loạt những bài kiểm tra mà ông biết họ chẳng mất thích thú. Kết quả những sinh viên này cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, mỏi mắt và cáu bẳn. Thậm chí có người còn cảm thấy khó chịu trong dạ dày. Các triệu chứng trên có phải chỉ là do “tưởng tượng”? Không hề. Kết quả kiểm tra quá trình trao đổi chất của những sinh viên này đã xác nhận rằng khi một người thấy chán nản, huyết áp của cơ thể và hàm lượng oxy trong máu người đó thực sự giảm xuống; và ngược lại, khi chúng ta bắt đầu cảm thấy hứng khởi và vui vẻ trong công việc, toàn bộ quá trình trao đổi chất sẽ phục hồi ngay tức thì!

Hiếm khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi làm một việc gì đó lý thú và khiến mình say mê. Chẳng hạn, gần đây tôi có đi nghỉ ở bang Canadian Rocky bao quanh Hồ Louise. Suốt mấy ngày rong ruổi câu cá hồi dọc nhánh sống Corral, hôm nào tôi cũng phải mất 8 tiếng xoay xở giữa rừng cây bụi cao quá đầu, vấp vào những khúc gỗ xẻ và phải chật vật tìm cách vượt qua các thân cây đổ chắn ngang mà vẫn không thấy mệt. Tại  sao ư? Bởi tôi thấy háo hức và hồ hởi. Tôi thấy mình như lập được kỳ công với sáu con cá hồi to nặng câu được. Nhưng giả sử tôi chán ghét việc câu cá thì bạn thử đoán xem tôi sẽ cảm thấy thế nào? Hẳn tôi sẽ mệt lử khi làm những việc đòi hỏi sức lực như thế ở độ cao hơn 2.000 mét.

Sự chán nản gây nhiều mệt mỏi hơn cả việc phải thực hiện các công việc đòi hỏi cao về sức lực. Tôi xin dẫn chứng một ví dụ mà theo tôi là điển hình nhất: câu chuyện của ông S. H. Kingman, chủ tịch Ngân hàng tiết kiệm Công – Nông Minneapolis. Tháng 7 năm 1953, Chính phủ Canada đề nghị Câu lạc bộ leo núi Alpine chọn ra một số người để huấn luyện leo núi cho đội kỵ binh Hoàng gia  xứ Wales, và ông Kingman là một trong số người được chọn. Ông kể cho tôi nghe về quá trình rèn luyện mà ông và những giáo viên hướng dẫn khác – tất cả đều trong độ tuổi từ 42 đến 59 – đảm nhiệm. Họ dẫn những người lính trẻ đi bộ qua những dòng sông lên những dốc đã trơn trượt, thẳng đứng cao hơn 12 mét chỉ với dây thừng và tay không. Họ đã trèo lên đỉnh Machael, đỉnh Vice-President và nhiều đỉnh không tên khác trong thung lũng Little Yoho ở rặng Canadian Rocky. Sau 15 giờ leo núi, những người lính trẻ đã hoàn toàn kiệt sức, mặc dù trước đó họ đang trong trạng thái rất sung sức khi vừa hoàn tất một khóa đặc công kéo dài sáu tuần.

Phải chăng khóa đặc công ấy vẫn chưa thể làm các cơ bắp của họ đủ sức chiến đấu với sự mệt mỏi? Không! Nguyên nhân thực sự khiến những người lính trẻ bị kiệt sức là do họ chán ngán việc leo núi. Lúc về trại, nhiều người còn mệt đến mức ngủ gật trong khi vẫn chưa ăn uống gì. Nhưng những giáo viên hướng dẫn – những người già gấp đôi, gấp ba những người lính ấy – có bị mệt không? Có, nhưng họ không bị kiệt sức. Họ vẫn ăn tối và ngồi thức hàng giờ trò chuyện về các sự kiện diễn ra trong ngày. Họ không kiệt sức bởi họ cảm thấy thích thú với việc leo núi.

Trong các thí nghiệm về sự mệt mỏi, Tiến sĩ Edward Thorndike của Đại học Columbia đã khiến những thành niên trẻ thức liên tục gần một tuần bằng cách giữ cho họ luôn luôn trong trạng thái phấn chấn. Sau rất nhiều nghiên cứu, Bác sĩ Thorndike đi đến kết luận: “Nhàm chán là nguyên nhân duy nhất thực sự gây ra sự mệt mỏi trong công việc”.

Nếu là người làm việc trí óc, bạn sẽ hiếm khi thấy mệt mỏi vì lượng công việc mình đã làm mà thường bị mệt mỏi vì lượng công việc mình chưa làm được. Chẳng hạn, thử nhớ lại về một ngày nào đó trong tuần trước, khi mọi công việc của bạn đều bị gián đoạn. Không một lá thư được trả lời. Các cuộc hẹn đều bị hủy bỏ. Rắc rối ở khắp mọi nơi. Việc nào cũng gặp trục trặc. Bạn chẳng hoàn thành được gì, ấy vậy mà về nhà vẫn thấy cả người mệt lử đi – và đầu như muốn nổ tung ra.

Hôm sau, mọi việc ở văn phòng lại đâu vào đấy. Bạn hoàn thành được khối lượng công việc nhiều gấp 40 lần so với lượng công việc mình làm hôm trước vậy mà trông vẫn tươi tỉnh khi về đến nhà. Chắc hẳn bạn đã từng trải qua những chuyện tương tự. Và tôi cũng thế.

ôhôhHChúng ta thấy gì qua hiện tượng này? Đơn giản là: Sự mệt mỏi của chúng ta thường không bắt nguồn từ công việc mà từ sự lo lắng, nỗi chán nản và bực dọc.

Trong thời gian viết chương sách này, tôi có đi xem một buổi diễn lại vở hài kịch vui nhộn của Jerome Kern, vở Show Boat. Trong một màn chuyển tiếp giữa hai cảnh, thuyền trưởng Andy, chỉ huy con tàu Cotton Blossom, đã đưa ra một câu nói đầy tính triết lý rằng: “Những người may mắn là những người được làm những việc mình yêu thích”. Những người ấy may mắn bởi vì họ có nhiều năng lượng hơn, hạnh phúc hơn, ít lo lắng hơn và ít mệt mỏi hơn những người khác. Ở đâu có sự hứng thú, ở đó có sự sung túc. Dạo qua dãy 10 khu nhà với một bà vợ hoặc một ông chồng hay cằn nhằn sẽ mệt hơn so với đi bộ cả 15 cây số với một người tình đáng yêu.

Vậy thì chúng ta có thể làm gì? Sau đây là những gì mà một nhân viên tốc ký đã làm. Đó là nhân viên tốc ký của một công ty kinh doanh dầu hỏa ở Tulsa, Oklahoma. Tháng nào cô cũng mất vài ngày để làm một trong những công việc tẻ ngắt: Điền dữ liệu vào các hợp đồng bán dầu đã được in sẵn. Công việc nhàm chán vô cùng nhưng rốt cuộc, cô đã tìm cách tự cứu mình khỏi tình trạng chán nán bằng cách hạ quyết tâm sẽ làm cho công việc đó trở nên thú vị. Bằng cách nào ư? Hàng ngày cô tự thi với chính mình. Cuối mỗi buổi sáng, cô đếm số lượng mẫu hợp đồng mình ghi được và cố gắng làm hơn thế trong buổi chiều. Cuối ngày, cô tổng cộng số mẫu mình hoàn thành và đến hôm sau lại cố gắng làm được nhiều hơn thế. Kết quả ra sao? Chẳng bao lâu cô đã điền được nhiều đơn in sẵn hơn bất cứ nhân viên tốc ký nào khác trong phòng mình. Và toàn bộ việc này mang lại cho cô những gì? Lời cảm ơn, khen ngợi, tăng lương hay thăng chức? Không có gì cả. Nhưng nó thực sự đã giúp cô tránh được cảm giác mệt mỏi do nhàm chán. Nó đã mang đến cho cô sự động viên tinh thần rất lớn. Khi dốc sức biến một công việc vốn tẻ nhạc trở nên thú vị, cô có nhiều sức lực hơn, trở nên say mê hơn và thấy hạnh phúc hơn rất nhiều so với trước kia.

Tôi chắc chắn câu chuyện này là có thật, bởi cô nhân viên tốc lý đó chính là … vợ tôi!

Còn đây lại là câu chuyện của một nhân viên tốc ký khác, người nhận ra rằng khi hành động như thế công việc của mình rất thú vị, bạn sẽ nhận được một kết quả xứng đáng. Tên cô là Vallie G. Golden, người vùng Almhurst thuộc bang Illinois. Trước đây cô thường rất khổ sở với công việc của mình. Và đây là câu chuyện cô đã kể cho tôi trong thư:

“Công ty chúng tôi có 4 nhân viên văn thư và mỗi nhân viên được phân công giúp việc giấy tờ cho một vài sếp. Chúng tôi hầu như bận ngập đầu vì công việc. Một ngày, trợ lý của một Trưởng bộ phận cứ nhất định muốn tôi phải viết lại một bức thư dài, tôi phản đối và cố chỉ ra rằng lá thư đó chỉ cần sửa chữa chứ không cần viết lại. Anh ta lập tức đáp trả rằng, nếu tôi không làm thì sẽ có người khác làm thay! Tôi tức điên lên! Nhưng khi ngồi xuống để bắt đầu viết lại lá thư, tôi chợt nhận ra có rất nhiều người khác đang muốn được làm cái công việc mà tôi đang ghét đắng ấy. Hơn nữa, tôi được trả lương để làm công việc này. Nhận thức đó làm tôi thấy khá hơn. Rồi tôi hạ quyết tâm là mình sẽ làm việc như thể là tôi thực sự thích nó – dù trong thâm tâm tôi chẳng thích tí nào. Thế rồi, tôi phát hiện ra một điều cực kỳ quan trọng: cách nghĩ đó làm cho tôi thấy thích công việc của mình. Và khi thấy thích công việc, tôi thấy mình làm việc nhanh hơn trước. Bởi vậy, bây giờ, chẳng mấy khi tôi phải làm việc quá sức. Thái độ làm việc mới này đã giúp tôi được tiếng là một nhân viên giỏi. Và khi một trong những người quản lý công ty cần một thư ký riêng, ông đã đề nghị tôi vào vị trí ấy bởi theo lời ông nói, tôi là người luôn sẵn sàng làm việc ngoài giờ mà không kêu ca nửa lời! Quả thật, phát hiện ra sức mạnh trong việc thay đổi thái độ tinh thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tôi. Nó đã làm nên những điều kỳ diệu!”

Cô Golden đã làm theo triết lý sống “như thể” kỳ diệu của Giáo sư Hans Vaihinger. Ông khuyên chúng ta phải biết làm việc “như thể” chúng ta hạnh phúc – và hãy giữ thái độ đó trong nhiều việc khác nữa. Bởi khi làm việc “như thể” bạn rất yêu thích công việc của mình, dần dần bạn sẽ thấy nó trở nên thú vị thật. Hơn nữa việc đó còn giúp bạn giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng và lo âu.

Vài năm trước, Harlan A. Howard đã đưa ra một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Anh đã quyết tâm biến một công việc vốn nhàm chán trở nên thú vị. Mà công việc của cậu thiếu niên Harlan lúc đó đáng chán thật: rửa bát đĩa, lau dọn quầy hàng, múc kem ra đĩa cho những học sinh cùng trang lứa tại phòng ăn trưa của trường trung học, trong khi các cậu bạn khác thì mãi mê chơi bóng và chọc ghẹo các cô gái. Harlan Howard vô cùng chán ghét công việc của mình, nhưng vì không thể bỏ được nên cậu quyết định tìm hiểu về kem – chúng được làm như thế nào, gồm những thành phần gì, tại sao lại có những loại kem ngon hơn những loại khác. Thế rồi cậu trở thành học sinh xuất sắc về môn hóa, và niềm đam mê với ngành hóa học thực phẩm đã đưa cậu đến trường cao đẳng Massachusetts để học chuyên sâu về công nghệ chế biến thực phẩm. Khi công ty New York Cocoa Exchange tổ chức một cuộc thi mở cho tất cả các sinh viên đại học với giải thưởng trị giá 100 đô-la cho bài viết xuất sắc nhất về cách sử dụng cô-ca và sô-cô-la, bạn thử đoán xem ai là người giành giải thưởng đó?... Đúng thế, Đó chính là Harlan Howard.

Tốt nghiệp xong, nhận thấy xin việc thật khó nên anh đã mở một phòng thí nghiệm tư nhân tại tầng trệt nhà riêng ở Amherst, Massachusetts. Một thời gian ngắn sau đó, Chính phủ ban hành luật mới quy định sữa tươi cần phải được kiểm trùng trước khi bán ra thị trường. Chẳng bao lâu, Harlan A. Howard đã được mời đến kiểm trùng sữa cho 14 công ty sữa ở Amherst và anh phải thuê thêm hai trợ lý để phụ giúp mình.

Bạn thử đoán xem 25 năm nữa Howard sẽ như thế nào? Ồ, những người hiện nay đang điều hành kinh doanh trong lĩnh vực hóa thực phẩm rồi sẽ nghỉ hưu, nhường chỗ cho thế hệ trẻ, nhiệt tình và đầy sáng tạo. 25 năm nữa, Harlan A. Howard có thể trở thành một nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực của mình, trong khi các bạn học trước đây từng được anh phục vụ kem có thể sẽ chỉ là những kẻ kém cỏi, thất nghiệp, luôn miệng trách móc chính phủ và than vãn rằng cuộc đời chẳng cho họ lấy một cơ hội. Hẳn Harlan A. Howard cũng đã chẳng có một cơ hội nếu không quyết tâm biến công việc vốn nhàm chán trở nên thú vị.

Nhiều năm trước, có một thanh niên khác cũng từng chán ghét việc đứng máy tiện bu-lông tại nhà máy của mình. Tên anh là Sam. Sam muốn bỏ việc, nhưng lại sợ sẽ không tìm được việc khác. Vì dù sao vẫn phải làm công việc chán ngắt này, nên anh quyết sẽ khiến cho nó trở thành thú vị bằng cách thi đua với người thợ đứng máy đằng sau mình. Một người phải dũa mặt ngoài bu-lông cho nhẵn, còn người kia thì tiện bu-lông sao cho đường kính đúng kích thước. Thỉnh thoảng họ lại đổi máy cho nhau để xem ai tiện được nhiều bu-lông hơn. Người quản đốc rất ấn tượng trước khả năng làm việc nhanh và chính xác của Sam nên chẳng bao lâu đã giao cho anh một công việc khá hơn. Đó là sự khởi đầu trong chuỗi các thăng tiến sau này của Sam. Ba mươi năm sau, Sam – Samuel Vauclain – trở thành chủ tịch của Công ty dầu máy xe lửa Baldwin. Hẳn ông vẫn chỉ là một thợ cơ khí quèn nếu ngày xưa không quyết tâm tìm sự thú vị trong công việc buồn chán của mình.

H.V Kaltenborn – nhà bình luận tin tức nổi tiếng trên sóng phát thanh – có lần kể cho tôi nghe chuyện ông đã biến một công việc tẻ nhạt trở thành thú vị như thế nào. Hồi 22 tuổi, để vượt Đại Tây Dương, ông đã nhận làm công việc cho bò ăn và uống nước trên một chiếc tàu chở gia súc trên cùng tuyến đường. Khi đến Châu Âu, ông đạp xe một vòng xuyên nước Anh đến Pháp trong tình trạng mệt lả và đói khát. Ông đành đem cầm cố chiếc máy chụp hình của mình lấy 5 đô-la rồi dùng số tiền này đăng quảng cáo tìm việc trên tờ The New York Herald xuất bản tại Pháp. Sau đó, ông nhận được công việc bán kính nhìn nổi. Tôi vẫn còn nhớ những chiếc kính nhìn nổi cổ lỗ hồi ấy. Chúng tôi vẫn thường đưa hai bức tranh giống hệt nhau ra trước kính rồi nhìn vào trong đó để thấy điều kỳ diệu xảy ra. Hệ thấu kính sẽ tạo ra hiệu ứng không gian ba chiều và hai hình ảnh sẽ biến thành một, ta có cảm giác như nhìn thấy chiều sâu của khối hình ảnh đó.

Kaltenborn bắt đầu đi đến từng nhà ở Paris để bán kính, dù ông không nói được tiếng Pháp. Tuy vậy, ngay trong năm đầu tiên ông vẫn kiếm được 5.000 đô-la tiền hoa hồng và trở thành một trong những nhân viên bán hàng được trả thù lao cao nhất tại Pháp năm đó. H. V. Kaltenborn nói với tôi rằng kinh nghiệm từ việc bán hàng đã cho ông nhiều phẩm chất để tiến đến thành công, không thua gì việc học ở Đại học Harvard. Quan trọng nhất là sự tự tin. Ông khẳng định rằng công việc bán kính đã cho ông kinh nghiệm và sự tự tin đến mức ông có cảm tưởng mình có thể bán được cả tờ Biên bản Quốc hội cho những bà nội trợ Pháp!

Việc gõ cửa từng gia đình để bán hàng đã cho ông những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người Pháp, và chính vốn kiến thức vô giá ấy sau này đã hỗ trợ ông rất nhiều trong việc phân tích và bình luận các sự kiện của Châu Âu trên sóng phát thanh. Kaltenborn làm cách nào để trở thành một chuyên gia bán hàng trong khi bản thân ông không hề nói được tiếng Pháp? Ông đã nghĩ ra cách nhờ sếp của mình viết hộ ra giấy một bài chào hàng bằng tiếng Pháp chuẩn, rồi cố học thuộc lòng. Khi một bà nội trợ bước ra mở cửa, Kaltenborn liền tuôn ra bài chào hàng đã học thuộc với một kiểu phát âm tệ hại đến mức ai cũng phì cười. Rồi vừa nói, Kaltenborn vừa cho các bà nội trợ xem những hình ảnh trong kính nhìn nổi, và khi họ hỏi lại một câu gì đó, ông sẽ chỉ nhún vai và nói: “Người Mỹ …. Người Mỹ ….”. Sau đó, ông ngả mũ xuống và chỉ vào tờ giấy chào hàng đã viết sẵn bằng tiếng Pháp mà ông đã dán ở bên trong. Những bà nội trợ sẽ bật cười, và ông cũng vừa cười vừa cho họ xem thêm nhiều hình ảnh nữa. Khi kể với tôi chuyện này, H.V. Kaltenborn thú thực rằng công việc ấy chẳng dễ dàng chút nào và chỉ có một động lực duy nhất khiến ông theo đuổi đến cùng đó là: quyết tâm làm cho công việc trở nên thú vị. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông lại nhìn vào gương và tự lên dây cót tinh thần cho mình: “Này Kaltenborn, nếu muốn có cái ăn, mình phải làm công việc này. Đằng nào cũng phải làm, vậy sao không làm thật vui vẻ? Sao không tưởng tượng mình là một diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu mỗi lần gõ cửa nhà khách hàng? Suy cho cùng, những gì mình đang làm cũng ngộ nghĩnh hệt như một màn biểu diễn trên sân khấu. Vậy sao mình không làm việc bằng tất cả sự phấn khởi và nhiệt tình?”

Ông Kaltenborn tâm sự rằng việc ngày nào cũng tự lên dây cót tinh thần đã biến công việc mà ông từng khiếp sợ và ghét cay ghét đắng trở thành một cuộc thử sức đầy lý thú và còn mang lại cho ông một khoản thù lao lớn.

Khi tôi hỏi ông liệu có muốn đưa ra lời khuyên nào cho những bạn trẻ vốn đang háo hức được thành công, ông trả lời: “Lời khuyên của tôi chỉ là mỗi sáng hãy tự đấu tranh tư tưởng với chính mình. Ai cũng nói rằng những bài tập thể dục có tác dụng rất lớn trong công việc giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng ngái ngủ. Những cái chúng ta cần làm nhiều hơn nữa chính là những bài tập tinh thần vào mỗi buổi sáng để được tỉnh táo hoàn toàn và bắt tay vào công việc. Hãy tự nói chuyện để lên dây cót tinh thần cho mình vào mỗi buổi sáng”.

Liệu đó có phải là một việc làm ngốc nghếch, vớ vẩn và trẻ con không? Trái lại, nó là một việc làm cần thiết xét dưới góc độ tâm lý. Ta nghĩ thế nào thì cuộc sống của ta sẽ như thế ấy”, câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị suốt 18 thế kỷ qua, kể từ lần đầu tiên được Marelius viết ra trong tác phẩm Meditations (Những suy tưởng).

Qua việc tự nói chuyện với mình mỗi ngày, bản thân bạn sẽ được định hướng bằng những suy nghĩ tích cực, hạnh phúc, mạnh mẽ và thanh thản. Khi nhắc nhở mình phải biết ơn những thứ đã có, bạn có thể khiến tâm hồn mình luôn tràn ngập trong những xúc cảm bay bổng và vui tươi.

Với những suy nghĩ đúng đắn, hợp lý, bạn có thể làm cho mọi việc trở nên dễ chịu hơn. Ông chủ nào chẳng muốn bạn say mê với công việc để làm giàu thêm cho ông ta. Nhưng đừng bận tâm đến việc sếp của bạn muốn gì, hãy chỉ nghĩ đến sự hứng thú mà công việc đem lại cho bạn. Hãy tự nhắc bản thân rằng niềm say mê công việc sẽ giúp nhân đôi hạnh phúc trong cuộc đời bạn, bởi bạn dành gần như một nửa cuộc đời để làm việc. Hãy luôn nhắc nhở mình rằng hứng thú với công việc sẽ khiến đầu óc bạn được thảnh thơi và về lâu dài, nó còn giúp bạn thăng tiến và được tăng lương. Ngay cả khi không làm được như thế, thì nó cũng làm giảm tối đa sự mệt mỏi của bạn và giúp bạn có được những giờ phút thư giãn.

Cách tốt nhất để xua tan nỗi buồn chán, tìm thấy niềm vui và sự thú vị trong công việc là áp dụng Nguyên tắc 5:

NHIỆT TÌNH VỚI CÔNG VIỆC

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống Chương 26: Cách xua tan nỗi buồn chán

Có thể bạn thích