DocSachHay.net
ao đã che chở tôi, nhưng giờ đây it được gặp ông. Ông chẳng cần chăm sóc về y tế, tôi trở thành bác sĩ ở Nhà máy dệt Bắc Kinh, phục vụ y tế cho công nhân và gia đình họ. Cách vài ngày tôi phải báo cáo mọi việc cho Chủ tịch. Công nhân nhà máy thật may mắn, tôi cũng cảm thấy vui mừng. Nhà máy đã trở lại bình yên, tiếp tục sản xuất. Đây là một trong những nhà máy “dưới sự quản lý trực tiếp của Mao” và cũng từng là nơi các bè phái mâu thuẫn, đụng độ gay go nhất.

- Thế họ nói gì về Cách mạng văn hoá? - Mao hỏi, một hôm nghe tôi báo cáo. - Người ta vẫn lấy vợ và sinh con chứ? Anh không cảm thấy Cách mạng văn hoá còn rất xa xôi với lợi ích của nhân dân hay sao?

Cách mạng văn hoá cũng rất xa xôi đối với tôi nữa. Mao nhận xét đúng, biết bao người phớt lờ, họ hy vọng cuộc Cách mạng văn hoá biến đi. Nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, nhiều địa phương trong cả nước, cuộc cách mạng vẫn tiếp diễn, đụng độ vẫn xảy ra, đau thương, khổ ải vẫn tiếp diễn. Xung quanh vẫn xảy ra bạo lực họ không thể nào làm ngơ những gì đang diễn ra. Không có sự chỉ đạo của lãnh tụ tối cao, cuộc tàn sát vẫn không thể ngừng.

Tháng 10-1968, Mao gọi tôi trở lại Trung Nam Hải, ông bị đau răng mấy ngày nay rồi.

Khi trở về, tất cả mọi thứ đều lạ hoắc. Nhóm Một hoàn toàn thay đổi. Uông Đông Hưng chuyển dụng cụ, máy móc văn phòng của tôi lên tầng ba khu nhà của ông, vì Mao Viên Tân và Lí Nạp đã chiếm khu làm việc của tôi làm nơi ở. Chẳng còn lấy một người nào trong số đội ngũ trước đây. Cũng như tôi, mọi người đều tham gia Uỷ ban quân quản trong nhà máy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mao, làm nhiệm vụ “tai mắt” cho Chủ tịch. Vệ sĩ của Mao, Chu Phổ Minh, về nhà máy Xe lửa 7-2, nữ nhân viên Cơ mật, Tô Thành Nghị, về Đại học Thanh Hoa, ở đó, người phụ nữ ít học này chẳng bao lâu trở thành phó giám đốc Uỷ ban cách mạng, (ngang chức Hiệu phó), một trong những trường đại học đầu đàn của Trung Quốc.

Những người lính mặc thường phục sư đoàn 8341 của Uông Đông Hưng tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Mao. Điều khó khăn cho tôi, số phụ nữ trẻ quanh Mao lại quá nhiều. Tôi không quen ai trong nhóm trợ lý, phục vụ, vệ sĩ mới, nhưng rõ ràng tất cả những người hầu hạ kể cả đám vệ sĩ rất tôn sùng Chủ tịch hơn thời kỳ đầu tôi vào làm việc. Có lẽ những nhân viên cũ cũng bị đầy ải, gặp nhiều tai ương như tôi. Càng hiểu về ông ít bao nhiêu, họ càng sùng bái ông nhiều bấy nhiêu. Bằng cách thay thế những người quanh mình, Mao nhận sự tôn kính, được nghe những lời tâng bốc, nịnh hót nhiều hơn.

Tôi khám cho Chủ tịch. Một lớp cao răng xanh lè bọc kín răng, tôi không biết răng nào sâu vì không có dụng cụ nha khoa để khám. Tôi nói với ông, tôi không phải nha sĩ nên không chẩn đoán được bệnh, vì thế phải mời bác sĩ chuyên khoa.

- Anh có thể chữa cho tôi được - Mao nài nỉ - Chúng ta không cần nha sĩ.

Tôi từ chối, sợ mang hại cho ông.

- Chữa răng, thuộc một chuyên ngành riêng. - Tôi nhắc lại - Không phải nha sĩ, tôi chỉ làm hỏng răng của Chủ tịch.

Mao không nói gì cả. Nhưng tôi biết, im lặng là biểu hiện ông không hài lòng. Tuy nhiên tôi không thể làm gì hơn. Uông Đông Hưng muốn tôi cứ chữa thử.

- Đây là lần đầu tiên Chủ tịch gọi anh, sau vụ Giang Thanh kết tội - Uông nhắc tôi - Tất cả các nhân viên của Mao đã bị thay, trừ anh. Điều này rất quan trọng, hãy thử làm tất cả những gì có thể làm được để Chủ tịch khỏi cơn đau. Nên nhớ, Giang Thanh vẫn còn bí mật mai phục, anh biết điều đó chứ gì.

Đấy là sự thật. Giang vẫn còn tìm lý do để bắt tôi. Khi Diệp Quần và Chu Ân Lai từ chối ủng hộ lời buộc, bà ta quay sang Ngô Tự Tuấn. Biết tôi với Ngô Tự Tuấn làm việc với nhau một vài năm, Giang Thanh kéo cô ta về Đào Dư Thái, kiên trì thuyết phục cô y tá ký biên bản buộc tội tôi. Nếu có bằng chứng của Ngô Tự Tuấn, Giang Thanh hy vọng, lời buộc tội sẽ có trọng lượng.

Ngô Tự Tuấn từ chối, vợ Chủ tịch trút cơn giận dữ xuống đầu cô gái, buộc tội cô cùng bè đảng, bao che tôi. Khi Giang Thanh ra lệnh điều tra, sợ bị hỏi cung, Ngô Tự Tuấn chạy đến Uông Đông Hưng, Uông đã thu xếp cho cô một chỗ làm việc trong văn phòng của ông ở Trung Nam Hải.

Tôi cám ơn sâu sắc Ngô Tự Tuấn, tìm mọi cách giúp đỡ cô ấy. Lần này khi Mao gọi, tôi kéo cô ấy theo, hy vọng cô có thể kể cho Chủ tịch nghe về tai hoạ của mình. Mao ngạc nhiên nhìn cô gái. Ông nghĩ rằng Ngô Tự Tuấn vẫn còn làm việc ở nhà máy xe lửa. Ông chú ý lắng nghe câu chuyện của cô.

- Giờ đây người ta khó tuyên bố tôi không phải là phản cách mạng - Ngô Tự Tuấn kết thúc câu chuyện của mình. Mao cười phá lên.

- Rất tốt - ông nói - Tư dinh của tôi trở thành hầm trú ẩn đối với bọn phản cách mạng. Các đồng chí - cả hai người phản cách mạng cũng có thể ở lại đây với tôi.

Ông nói thêm rằng từ nay không ai trong hai chúng tôi có dính dáng tới Giang Thanh nữa. Bà ta có thể tìm cho mình bác sĩ và y tá riêng.

- Hãy lẩn đi khi nhìn thấy bà ta - Mao nói đùa.

Tôi khó có thể lẩn tránh được Giang Thanh. Các con đường bên trong Trung Nam Hải thường giao cắt nhau. Mỗi lần gặp, bà không bao giờ hỏi tôi, coi như không nhìn thấy,

Tôi tìm nha sĩ. Trong điều kiện bình thường điều này không khó, nhưng trong tình hình lộn xộn Cách mạng văn hoá lan ra trong các bệnh viện, việc kiếm nha sĩ quả rất khó. Chính Bệnh viện Bắc Kinh cũng chia làm hai phe đối địch. Người ta lật đổ giám đốc và bí thư đảng uỷ cũ, nhưng chưa bổ nhiệm lãnh đạo mới. Việc mời một bác sĩ răng ở phe nào đó được coi như một bằng chứng, tôi và cả Mao ủng hộ chính phe này chứ không phải phe kia. Tôi chẳng biết phái nào cần ủng hộ, phái nào không trong cuộc đấu đá chính trị để không mắc thêm sai lầm.

Cuối cùng tôi mời được nha sĩ đầu ngành của Bệnh viện Thượng Hải, bay về Bắc Kinh. Mao bắt ông này chờ vài hôm, dù rằng tôi từ tốn nhắc khéo, nha sĩ đã sẵn sàng điều trị răng cho ông.

Mao nổi xung.

- Tôi đã nói với anh, tôi không muốn nha sĩ - Mao thét lên - nhưng anh vẫn cứ bắt tôi phải làm cái mà tôi không muốn. Thật chẳng ngạc nhiên vì sao Giang Thanh ghét anh.

Đó là những lời cay độc, không công bằng. Tôi không phải nha sĩ, không thể làm công việc mình không biết. Mao không muốn tôi ép ông làm điều ông không muốn, ngược lại ông lại ép tôi làm công việc tôi không thể. Mao cương quyết, dứt khoát từ chối chấp nhận nha sĩ, tôi buộc phải đầu hàng.

Hàng ngày, tôi chữa răng cho ông theo hướng dẫn của nha sĩ, cách khám, cách điều trị và tham khảo sách nha khoa. Mao mắc bệnh nha chu viêm nặng. Tất cả vùng lợi hư hại, viêm nhiễm nặng. Mao chẳng cho bất kỳ ai làm sạch hàm răng của ông. Tôi chỉ còn cách yêu cầu ông súc miệng nước sát trùng, lấy hết thức ăn trong khe răng, bôi kháng sinh tại chỗ vùng viêm nhiễm. Sau một tháng, bệnh tình ông đỡ nhiều.

Bệnh tật của Mao không những chỉ đơn thuần tính chất bệnh lý, còn có quan hệ với chính trị. Những người lãnh đạo đảng đang bị phân hoá sâu sắc, trong khi chuẩn bị triệu tập đại hội lần thứ 9 vào tháng tư năm 1969. Nguyên tắc chỉ đạo của Đại hội VIII tháng 4-1956, cách đây 13 năm vẫn còn nguyên, chưa bị thay đổi. Nguyên tắc này ủng hộ tư tưởng lãnh đạo tập thể, hứa rằng Trung Quốc không bao giờ có tệ sùng bái cá nhân, từ bỏ tư tưởng đường lối Mao Trạch Đông, phê phán “chủ nghĩa phiêu lưu” của Mao - đã bị Mao loại bỏ. Những người chịu trách nhiệm thông qua nghị quyết này, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã bị bắt giữ.

Những năm Đại cách mạng văn hoá vô sản, Mao đã lái những nguyên tắc sang chiều hướng khác. Trong quá trình chuẩn bị đại hội IX thậm chí việc nhắc lại về lãnh đạo tập thể cũng coi mắc tội phản cách mạng, thế là thần tượng Mao đạt tới đỉnh cao nhất. Tất cả người Trung Quốc mặc áo “kiểu Mao”, mang “sổ tay bìa đỏ”, lặp lại những trích dẫn từ các bài phát biểu của ông. Thậm chí sự mua bán đơn giản nhất trong cửa hàng cũng phải theo lời trích dẫn của Mao. Chân dung Mao treo khắp mọi nơi. Hàng trăm triệu người trong cả nước, bắt đầu một ngày, họ tụ tập trước chân dung xin ông chỉ dẫn. Buổi chiều mọi người lại tụ tập, cúi đầu trước ảnh Mao, báo cáo mọi việc và xưng tội. Một ngày làm việc, bắt đầu và kết thúc, họ cùng nhau đọc tập thể những câu của Mao trích trong cuốn sổ tay bìa đỏ.

Những câu nói của Mao không những là tư tưởng chỉ đường của cả nước, còn là bản thần chú tập thể của nhân dân.

Chủ nghĩa phiêu lưu của Mao, biểu hiện ở Đại nhảy vọt, đưa đất nước đến nạn đói lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay chúng tôi biết rằng nạn đói làm chết ít nhất 25 đến 30 triệu người. (Một số người đưa ra con số cao hơn - 43 triệu). Cách mạng văn hoá đẩy đất nước vào hỗn loạn, huỷ diệt gia đình, huỷ diệt tình bạn, phá hoại tận gốc rễ đời sống xã hội Trung Quốc.

Người đứng đầu quốc gia, Lưu Thiếu Kỳ, bị Mao buộc tội gây ra tất cả những khiếm khuyết trong nghị quyết đại hội VIII, đã bị khai trừ ra khỏi đảng và bị trừng phạt. Thậm chí vào tháng Tư năm 1969 tôi không hiểu Lưu Thiếu Kỳ ở đâu, nhưng sợ không dám hỏi.

Khá lâu sau khi đại hội đảng bế mạc, tôi mới biết, tháng 10-1969 người ta giải Lưu Thiếu Kỳ vào trại Khải Phương, ông bị bệnh nặng. Tháng sau ông qua đời, vì không ai chạy chữa thuốc men.

Đặng Tiểu Bình, cũng vậy, người ta thanh trừng ông. Một phần mười số Uỷ viên Bộ chính trị bị loại. Phần đông lãnh đạo các tỉnh mất chức, điều hành tỉnh nằm trong tay “Uy ban cách mạng” dưới sự quản lý của quân đội. Phần lớn uỷ viên Trung ương đảng của Đại hội VIII bị bãi nhiệm.

Đại hội IX của đảng phải trở thành điểm tột bậc kết quả của Mao trong việc thâu tóm quyền lực vào tay cá nhân. Đại hội IX đã chính thức từ bỏ nguyên tắc của đại hội VIII, khôi phục Mao thành lãnh tụ tối cao, tư tưởng của ông là tư tưởng chỉ đạo, dẫn dắt toàn thể nhân dân. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương đảng mới, từ đó bầu ra uỷ viên bộ chính trị. Ý nguyện của Mao trở thành điều lệ chính thức của đảng, cả cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản của Mao cũng được công bố thành công rực rỡ một cách hợp thức hoá trong đại hội.

Quá trình tiến gần tới hội nghị mối quan hệ giữa những người còn sống sót sau các cuộc thanh trừng, với những người đã liên kết với nhau để đạp đổ Ban lãnh đạo cũ trở nên cực kỳ gay gắt. Mao ít xuất hiện, theo dõi từ xa những chuyện đụng độ, nhưng liên minh Lâm Bưu và Giang Thanh bắt đầu rạn nứt. Chu Ân Lai, người một lòng một dạ trung thành với Mao, cũng rất lo lắng bị buộc tội phản bội, ông bị mắc kẹt ở giữa. Hai nhóm cầm quyền cạnh tranh nhau, nhóm Lâm Bưu và nhóm Giang Thanh, đều cố sức cài người của mình vào Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị.

Chu Ân Lai lo buồn ra mặt, từ xưa ông không bao giờ bàn luận với tôi về các vấn đề chính trị, nhưng một buổi tối, khi thấy tôi đi vào nhà Uông Đông Hưng, ông kéo tôi ra một nơi tâm sự. Ông muốn biết Mao nói gì về thành phần tương lai của ban lãnh đạo đảng.

- Không thấy nói gì cả - Tôi trả lời thành thật - Mao chỉ kể muốn “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá Trung ương” và các nhóm chính trị đặc biệt thảo luận đề cương của ông.

Giang Thanh nắm quyền chỉ đạo tiểu tổ, hơn nữa các thành viên tiểu tổ cũng nằm trong nhóm chính trị đặc biệt, vì thế ảnh hưởng của Giang Thanh đến thành phần Ban chấp hành mới rất lớn. Chính Giang Thanh là người tìm cách buộc tội Chu Ấn Lai, tôi nhận thấy cần cảnh báo để ông biết mối thù không đội trời chung của Giang Thanh đối với ông.

- Ngay từ lúc Cách mạng văn hoá bắt đầu, Giang Thanh đã nhằm thẳng mục tiêu vào đồng chí - Tôi nói với ông, giải thích thêm. Khi Giang Thanh tuyên bố Cách mạng văn hoá là sự đụng độ giữa Tân cách mạng với “cựu chính phủ”, vậy chính phủ cũ là ai? Dĩ nhiên, trước hết là chính thủ tướng. Chính Chủ tịch rất không hài lòng, bất bình khi thấy Giang Thanh và phe cánh thành lập tổ chức “16 tháng 5” trong Bộ ngoại giao đối đầu với Chu Ấn Lai và Bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị. “Chủ tịch cho rằng đây là tổ chức phản động, ông nói với Tiểu tổ Cách mạng Văn hoá và trước hàng chục ngàn quần chúng, không ai chống đồng chí”. Tôi nói với ông. “Tôi nghe thấy Giang Thanh trao đổi với Khang Sinh và Trần Bá Đạt, bà không tán thành ý kiến ấy. Chả có ai trong nhóm họ ủng hộ, họ vẫn âm mưu lật đổ đồng chí”.

Chu Ấn Lai hoảng hốt, ông bảo: “Hàng thập niên nay, tôi đã hết sức giúp đỡ Giang Thanh”. Chu kể, trong chiến tranh thế giới thứ II, ông đang ở Trùng Khánh, Giang Thanh bị đau răng muốn chữa bệnh, ông phải bay đến Hồ Nam đưa Giang Thanh về Trùng Khánh. Cả hai lần sang Liên Xô chữa bệnh, năm 1949 và 1956, chính ông phải dàn xếp đưa Giang Thanh đi.

Đột nhiên, Chu sợ co rúm lại, hỏi: “Đồng chí đã nói với ai điều này chưa?” Chu hỏi như muốn biết thêm. Tôi bảo, Uông Đông Hưng biết hết mọi chuyện, chúng tôi thường trao đổi với nhau, nhưng từ lâu tôi không bao giờ nói chuyện chính trị với bất cứ ai. Nghe xong, Chu mới thở phào, nhẹ nhõm, yêu cầu dừng câu chuyện ở đây.

Chu Ân Lai, một trong số những nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, còn được Mao tin, đến mức Lâm Bưu có lần đánh giá tính cách Chu, bảo với Uông Đông Hưng, gọi ông là “viên hầu cận dễ bảo”. Chu quá trung thành, đến mức khúm núm, đôi khi đến xấu hổ. Ngày 10-11-1966 tôi có mặt trong cuộc hội đàm giữa Mao và Chu, kế hoạch gặp gỡ lần thứ bảy với Hồng vệ binh trên quảng trường Thiên An Môn. Mỗi lần, khi thấy Mao xuất hiện, số người tụ tập tăng lên rất nhiều. Lần này hy vọng 2,5 triệu sinh viên tới dự. Nhưng quảng trường chỉ chứa được nửa triệu người, làm sao bố trí hết được, không khéo sẽ gây lộn xộn, phức tạp. Chu Ân Lai đề nghị một phần sinh viên xếp hàng dọc theo đại lộ Trường Nhân, cũng như trên một số phố lớn phía bắc quảng trường. Mao sẽ đi theo các phố trên xe mui trần vẫy chào họ.

Cố gắng giải thích kế hoạch của mình ở phòng 118, Chu trải bản đồ ra nền nhà, quỳ trên thảm, chỉ cho Mao hướng ô tô của ông phải đi qua. Mao đứng hút thuốc, nhìn Chu đang bò trên sàn nhà.

Nhìn Chu quỳ trước Mao tôi cảm thấy thật xấu hổ, thật ngượng. Một người với cương vị như ông, thủ tướng nước Trung Hoa, sao lại làm như vậy. Mao xem ra thú vị nhìn cảnh tượng này. Không ở đâu có sự tương phản rõ ràng nhất về quan hệ độc tài, quân phiệt giữa Mao và Chu Ấn Lai trong quan hệ hai người. Mao đòi hỏi Chu lòng trung thành tuyệt đối, nhưng chính Mao đối với Chu lại không thế. Chu luôn luôn lo bị phế truất. Chu quá trung thành, khúm núm, sợ sệt, vì thế Mao cho Chu giữ chức thủ tướng.

Chu cũng khúm núm trước cả Giang Thanh. Tháng 12-1966, khi Giang Thanh đi đến cửa phòng Đại lễ đường, Chu Ấn Lai đang điều khiển cuộc họp quan trọng, trưởng ban bảo vệ của Chu, Trần Nguyên Trung lịch sự yêu cầu bà chờ trong khi thủ tướng đang bận họp.

Giang Thanh nổi điên, quát:

- Mày, thằng Trần Nguyên Trung kia, mày hành xử như một con chó vâng lời thủ tướng, nhưng đối với tao, mày hành động như một con chó sói.

Giang Thanh ra lệnh cho Uông Đông Hưng bắt giam vệ sĩ thủ tướng. Uông từ chối, chuyển Trần sang việc khác.

Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu, người tri kỷ nhất của ông, phụ hoạ theo:

- Đồng chí cần bắt giam Trần Nguyên Chung - Bà nói với Uông. Chúng tôi không muốn bao che anh ta.

Uông vẫn khước từ, bảo với tôi:

- Trần Nguyên Chung phục vụ thủ tướng và vợ ông ta suốt đời. Họ muốn tống cổ anh ta chỉ để làm dịu sự bực tức này!

Cuối cùng Uông cũng phải đưa Trần vào Trường Cán bộ 7-5 đi lao động nông thôn một thời gian ngắn.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc tranh dành quyền lực giữa Lâm Bưu và Giang Thanh lộ ra, Chu Ấn Lai ra sức bảo vệ và đứng về phe cánh của bà, dù mọi sự tấn công ông đều xuất phát từ Giang Thanh. Chu, một chính trị gia xảo quyệt, biết rõ hơn ai hết việc Mao chỉ trích phê phán Giang Thanh, sự ghẻ lạnh giữa hai người ngày một tăng, nhưng Chu hiểu, dù sao họ vẫn là vợ chồng, vẫn gần gũi nhau, trung thành và cần lẫn nhau.

Khi ủng hộ Giang Thanh, Chu đã vô tình phản bội Uông Đông Hưng.

Uông Đông Hưng, nhân vật then chốt trong cuộc đấu đá chính trị. Là người đứng đầu Sư đoàn 8341, bộ phận điều khiển 6 nhà máy và hai Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Đa, thay mặt Mao điều hành mọi vấn đề. Uông có quyền lực lớn, được xem một trong số những chiến hữu thân cận nhất của Chủ tịch. Nhưng trong cuộc xung đột giữa Giang Thanh và Lâm Bưu, ông lại đứng về phía nguyên soái. Không chỉ vì ghét Giang Thanh, Uông vẫn hận Mao, vì Mao vẫn còn để bụng chuyến đi của ông đến Indonesia với Lưu Thiếu Kỳ. Dù vậy Uông vẫn hy vọng, trong đại hội IX người ta sẽ đưa ông vào Bộ chính trị.

Thoạt đầu Chu Ân Lai ủng hộ Uông làm ứng cử viên, ghi tên ông đầu tiên trong danh sách đề cử đặc biệt.

Không ngờ đêm trước khi đại hội khai mạc, Uông Đông Hưng bị chảy máu dạ dày, vào bệnh viện cấp cứu. Chu Ân Lai gọi tôi và y tá Ngô Tự Tuấn đưa ông đến báo tin cho Mao, yêu cầu tôi giải thích bệnh tình của Uông. Khi tôi kể bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng nếu máu dạ dày chảy quá nhiều, Chu bật khóc, nói:

- Đồng chí Uông Đông Hưng tốt thế, sao lại nên nông nỗi này.

Y tá Ngô Tự Tuấn và tôi cũng rơi nước mắt, cả ba chúng tôi sụt sùi trước mặt Mao.

Mao vẫn giữ vẻ ngoài dửng dưng, nét mặt chẳng thay đổi, không nói một lời. Khi chúng tôi hết khóc, ngồi yên, im lặng, ngượng ngùng nhìn nhau, chẳng biết phải làm gì. Cuối cùng Mao bảo:

- Nếu Uông ốm, hãy tìm các bác sĩ giỏi nhất chữa cho ông ta. Chúng ta chẳng có thể làm được gì được hơn.

Sau khi chúng tôi ra về, Mao nói với y tá, chúng tôi khóc Uông như khóc người nhà chết. Nước mắt của chúng tôi làm ông nghi, Chu Ân Lai, Uông Đông Hưng, Ngô Tự Tuấn và tôi ngoài sự thân thiết, còn có cái gì ẩn náu na ná như cùng một phe cánh.

Sự nghi ngờ của Mao không mảy may tác động đến Uông Đông Hưng.

- Tất cả chúng ta làm việc cho Mao, chẳng làm việc vì ai! - Uông nói, khi tôi thăm ông trong bệnh viện.

Nhưng Chu Ân Lai lại sợ. Ông không dám làm gì thêm vì lo mối nghi ngờ của Mao tăng lên. Giang Thanh, Khang Sinh cương quyết chống việc đề cử Uông vào Bộ chính trị, đến gặp Chu, ép Chu vào phe họ. Chu đồng ý. Trong lúc Uông ốm nặng, cắt bỏ phần loét dạ dày, Chu đến vận động ông rút lui danh sách ứng cử.

Uông Đông Hưng giận điên người,

- Chu hành động theo ý muốn của Giang Thanh và Khang Sinh - Uông nói trong cơn giận dữ khi tôi ngồi bên giường bệnh với ông - Một con người vô liêm sỉ.

Tất cả hai phái buộc phải tìm cách thoả hiệp. Đại hội IX của đảng họp tháng 4, vẫn bầu Uông Đông Hưng là Uỷ viên trung ương đảng, kiêm Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị mặc dù Giang Thanh phủ quyết. Lâm Bưu ủng hộ Uông Đông Hưng, Lâm Bưu và phe cánh ông có ảnh hưởng lớn trong bầu cử. Lâm Bưu đọc báo cáo chính trị tổng kết Đại hội IX, được Mao chính thức tuyên bố “Đồng chí chiến đấu thân cận và người kế thừa”. Tư tưởng Mao Trạch Đông một lần nữa được xác nhận là tư tưởng chỉ đạo Trung Quốc.

Con trai Lâm Bưu - Lâm Lập Quả cũng nhận được chức vụ cao. Sau Đại hội IX không lâu, người ta bổ nhiệm anh làm phó Tư lệnh Không quân, “lãnh đạo trẻ thế hệ thứ ba”. Tướng lĩnh thuộc lực lượng Không quân sưu tập những lời phát biểu của Lâm Lập Quả, gửi cho Mao. Trong không quân, tên của Lâm Lập Quả thường làm người ta nhắc tới sau tên của bố. Người ta cũng kêu gọi trung thành với Lâm Lập Quả.

Sau tất cả các sự việc xảy ra, tinh thần thần tôi suy sụp hẳn. Mao đã đạt được sự thay đổi các nguyên tắc của Đại hội VIII. Trong 13 năm trong cao trào đấu tố, tranh dành quyền lực gay go quyết liệt, những người cộng sản tôi kính trọng đã bị thanh trừng, người ta đã loại bỏ hơn 80% uỷ viên Trung ương đảng khoá trước. Hầu hết những mới đều xa lại với tôi, họ thuộc phe cánh Giang Thanh hay Lâm Bưu

Phe cánh và đồng bọn chúng đã tiếm quyền lãnh đạo Trung Quốc. Tôi mất hết hy vọng. Đất nước tôi biết bao giờ mới có hạnh phúc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích