Lê Ngung còn gọi là Tú Ngung vì ông đỗ tú tài, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1908 các thủ lĩnh Duy tân hội phát động phong trào "chống thuế" "xin xâu" ở Quảng Nam, Quảng Ngãi thì hầu hết các yếu nhân của Duy tân hội người bị xử chém, người bị đày ải ở các nhà tù. Tuy nhiên ở Quảng Nam vẫn còn Thái Phiên, ở Quảng Ngãi vẫn còn Lê Ngung. Vì vậy từ năm 1909, Thái Phiên cùng Lê Ngung thường xuyên gặp gỡ nhau để phục hồi phong trào.

Việt Nam Quang Phục hội được thành lập thay thế Duy tân hội, và phát triển về nước một cách nhanh chóng. Lê Ngung có nhiều đóng góp vào sự trưởng thành của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội các tỉnh Nam Trung Bộ và cùng với Thái Phiên trở thành thủ lĩnh của tổ chức này.

Đầu năm 1914, Lê Ngung đã cùng Thái Phiên tổ chức một cuộc họp mặt các nhà yêu nước ở Trung Kỳ tại Đà Nẵng. Hội nghị nhất trí phải gấp rút khởi nghĩa, nên đã phân công người chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào. Trong số các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa thì Lê Ngung là người nôn nóng khởi nghĩa nhất. Ông cho rằng Thế chiến thứ nhất nổ ra, Đức đánh Pháp, Pháp phải rút lực lượng ở Đông Dương về phòng thủ là cơ hội tốt nhất để khởi nghĩa đánh Pháp. Tháng 8 năm 1914, khi Đức bắt đầu tiến quân đánh vào nước Pháp, ông đã viết thư gửi Thái Phiên nói rõ: "Ngày Đức - Pháp đánh nhau chính là thời cơ độc lập của nước Việt Nam". Nhưng đề nghị của Lê Ngung không được Thái Phiên và các nhà lãnh đạo khác chấp nhận, vì cho rằng lực lượng khởi nghĩa chưa mạnh, lực lượng quân sự của Pháp chưa thật suy yếu.

Trước tình hình chiến tranh xảy ra ngày càng ác liệt, tháng 01 năm 1915 Lê Ngung lại viết thư lần thứ hai đề nghị tiến hành khởi nghĩa. Tuy nhiên Thái Phiên và các nhân vật chủ chốt khác vẫn chưa đồng ý vì lực lượng quân Pháp còn mạnh, lực lượng vũ trang ở các tỉnh vẫn chưa phát triển đều.

Lần thứ ba, ngày 3 tháng 7 năm 1915 Lê Ngung biết được tin, quân Đức đang tiến đến gần Paris, Chính phủ Pháp phải rút một bộ phận quân đội viễn chinh ở Đông Dương về bảo vệ nước Pháp. Lê Ngung lại gửi thư cho Thái Phiên và gửi ra nước ngoài cho Phan Bội Châu thúc giục khẩn thiết: "Thời hồ, thời hồ, thời bất tái lai! Kim trì bất phấn cô đãi hà thời?" (Thời cơ! thời cơ! Thời cơ không trở lại. Ngày nay không phấn đấu đợi đến lúc nào?).

Lần này thì Thái Phiên và các đồng chí chấp nhận và quyết định triệu tập Hội nghị các nhà yêu nước các tỉnh miền Nam Trung Kỳ tại Huế để bàn định. Kế hoạch được lập ra, nhưng lại bị bại lộ từ hai ngày trước, mà ủy ban khởi nghĩa không hề biết. Kết quả là toàn bộ ủy ban khởi nghĩa và vua Duy Tân bị bắt.

Giặc Pháp bắt được hầu hết các ủy viên ủy ban khởi nghĩa và nhiều binh lính, dân binh ở Quảng Ngãi. Lê Ngung bị bao vây, chiến đấu tới cùng rồi uống thuốc độc để sẵn trong người tự tử. Tuy vậy giặc vẫn lập Tòa án kết án ông ""Lục thi trảm niên", nghĩa là dù chết rồi vẫn đem thi hài ra chém bêu đầu ở làng Cam Lê cùng 13 đồng chí của ông. Các thủ lĩnh khác như Nguyễn Thụy, Trần Thiểm (Thêm), Võ Cần, Mai Tuấn, Hứa Thọ bị bắt và bị chém đầu. Phạm Cao Chẩm cùng nhiều binh lính người Việt bị đày đi Côn Đảo, Châu Doãn Địch và 25 người khác bị đày ở nhà lao Thái Nguyên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích