Z.28 Vượt Tuyến
Chương II

DocSachHay.net
guyễn Đoàn đi đi lại lại trong phòng, vẻ mặt suy tư. Theo tin của ông Hoàng ở Sàigòn, một nhân viên có toàn quyền định đoạt tại chỗ sẽ nhảy dù xuống gần Hà Nội và sẽ đến tiếp xúc với chàng hôm nay.

5 giờ chiều. Nhìn qua cửa sổ trên gác xuống đường, Đoàn đột nhiên thấy tim thắt lại. Vẫn những bóng dáng quen thuộc thỉnh thoảng bước qua tiệm sách Tiến Bộ của chàng. Thư quán Tiến Bộ là một trong những an thất (nơi các điệp viên cò thể gặp nhau trong sự an ninh) của Phong trào Yêu nước do ông Hoàng lập ra tại Hà Nội.

Từ lâu nay Đoàn đánh hơi thấy co sự khác thường. Quen cuộc sống nguy hiểm, Đoàn đã luyện được giác quan thứ sáu vô cùng tinh tế. Chàng có cảm giác địch xiết chặt vòng vây quanh chàng. Trong những ngày qua, Đoàn đã tăng cường công tác đề phòng bỏ những cuộc tiếp xúc vô ích, chàng không đích thân giáp mặt nhân viên hành động nữa và chuyển cho các ‘’hộp thư‘’ ở rải rác trong thủ đô Hà Nội ; bên mình chàng luôn luôn có sẵn khẩu súng lên đạn và ống thuốc độc xi a nuya chàng sẽ nuốt vào ruột một khi bị bại lộ. Thận trọng như vậy không có nghĩa là Nguyễn Đoàn sợ chết. Không, chàng chỉ sợ bị địch bắt, chưa kịp tẩu tán tin tức và tài liệu quan trọng và cắn vỡ ăm pun độc dược để tự sát. Nếu sợ chết, Đoàn đã không chọn cái nghề nguy hiểm này.

Sau khi Phong trào được thành lập và hoạt động mạnh, Đoàn xung phong nhận công tác tổ chức nằm lì trong hậu tuyến địch. Chàng đã chai lì với những vụ bắt bớ, tra tấn thường xuyên. Sự bành trướng quá mạnh của Phong trào Yêu nước làm cho nhà cầm quyền kinh hoàng. Từ lượm tin tức chuyển về miền Nam đến tổ chức các vụ phá hoại, Phong trào đã tạo được hậu thuẫn trong dân chúng. Cũng vì thế vòng vây Công an và Phản gián địch ngày một xiết lại. Thư quán Tiến Bộ bị bí mật canh gác ngày đêm : người mua kẻ bán vào, ra đều bị nhân viên địch theo dõi. Tuy nhiên đến nay chưa đồng chí nào của Phong trào bị bắt. Đoàn biết là địch chờ đợi để hốt một mẻ cá lớn.

Trời dần dần tối. Ngoài phố, đèn điện đã cháy sáng.

Buổi chiều mùa đông ở Hà Nội buông xuống vội vàng, hơi lạnh tích lũy từ ngoài biển khơi như được gom lại và thổi vào tám cửa ô vắng teo và buồn bã.

Chuyến xe điện lên chợ Đồng Xuân vừa chạy qua. Theo hẹn Z.28 phải đến gặp chàng ở thư quán đúng sáu rưỡi tối. Đoàn cẩn thận đóng chặt cửa sổ vặn đèn trong phòng trước khi xuống cầu thang. Chàng vẫn sợ khi chàng xuống nhà công an truyền mái đổ vào ban công khiến chàng trở tay không kịp.

Sát cầu thang xi măng, một cận vệ đứng ẩn trong một chỗ lõm, ngón tay luôn luôn đè lên khẩu tiểu liên nạp đạn sẵn. Nếu công an ập vào bất thần, băng đạn thứ nhất đủ quật ngã cả bọn, trước khi họ có thời giờ chống trả. Bên ngoài quầy hàng chỉ có một người bán sách, vả lại cũng chả có ai mua mà bán. Cửa hàng chỉ mở một bên, bên kia đóng im ỉm, từ ngày Đoàn đánh hơi thấy an thất của Phong trào bị lộ.

Nguyễn Đoàn thò đầu ra phòng ngoài, nheo mắt nhìn Đỗ Hội ngồi nghiêm chỉnh trên cái ghế đẩu sau quầy. Thư quán Tiến Bộ bị lộ chàng có thể ra lệnh rút nhưng cơ sự đã muộn, rút không phải dễ, hơn nữa các cơ sở khác chưa được báo tin kịp thời. Đành ở lại và ở lại với tinh thần quyết tử.

Đoàn tự trách sao mình lại chọn thư quán này làm chỗ hẹn với Z.28. Nhưng nếu không gặp ở thư quán thì biết đến đâu ? Từ mấy tuần nay, Nguyễn Đoàn không thể ra khỏi cửa mà không bị địch đeo dính như hình với bóng.

6 giờ đúng. Sau khi dặn Tính canh gác chu đáo, Đoàn trở lên gác. Còn 30 phút nữa Z.28 mới tới.

6 giờ 5 phút. Một người dong dỏng cao bước qua thư quán đột nhiên dừng lại buộc dây giầy. Buộc xong, người này rút thuốc lá ra đánh diêm hút. Sau cùng người này mạnh dạn bước vào trong hiệu. Chắc chắn không phải là khách mua hàng. Hay là …

Đỗ Hội mỉm miệng cười xã giao :

-Thưa, ông mua sách ?

Người lạ lắc đầu :

-Không, tôi muốn mua giấy than. Thứ của Tiệp Khắc.

Đỗ Hội đáp nhanh:

-Không có. Chỉ còn cạc bon Hung ga ri thôi, ông có dùng không?

Rồi đổi giọng thân mật:

-Chào anh Z.28. Z.61 đang chờ anh trên gác.

Người lạ vừa được gọi là Z.28 chào Đỗ Hội rồi tiến thẳng vào bên trong. Đỗ Hội bỏ quầy hàng, ra phía trước xập cửa. Nội vụ xảy ra trong vòng một tích tắc đồng hồ. Nhanh đến nỗi Đỗ Hội không biết tai nạn từ đâu đến nữa. Chàng vừa ra tới cửa thì có cảm giác bị mũi dùi nhọn đâm suốt ngực. Dùi nhọn này là một viên đạn từ một khẩu súng lớn lắp ống hãm thanh từ ngoài vỉa hè đông đúc bắn vào. Thân hình vạm vỡ của người lạ mặt tự nhận là Z.28 che khuất Đỗ Hội nên Tính giữ súng máy không nhìn thấy. Như giây cót đồng hồ vặn đúng lúc người lạ tiến đến gần Tính, phóng lưỡi dao nhỏ như lá liễu và sắc như nước vào yếu hầu chàng. Tính ngã ngồi không kêu được một tiếng, khẩu Sten rơi gọn vào tay địch thủ. Người lạ không vội vàng lên gác. Hắn quay mặt ra phía ngoài phất tay ra hiệu cho đồng lõa vô hình, đoạn trèo bước một lên cầu thang.

Nét mặt vui tươi Nguyễn Đoàn mở khóa cửa cầu thang. Chàng tươi vui vì con người cứu chàng đã đến, dẫu sớm hơn giờ hẹn gần 20 phút. Chàng nhô đầu qua khe cửa. Theo chỉ thị Z.28 phải nói mật khẩu trước. Nhưng người lạ cứ lùi lũi đi vào và đến khi Đoàn biết không phải là đồng chí thì chàng đã không phản ứng được nữa. Người lạ xông lại, chẹn mạch máu ở trên cổ chàng. Trong khoảnh khắc mặt Đoàn sưng vù và tím bầm vì máu không lên được óc. Nguyễn Đoàn mềm nhũn như sợi bánh phở từ từ giao mình xuống đất. Nhưng Đoàn chưa chết. Chàng chỉ bị ngất xỉu. Người lạ vừa hạ Đoàn bằng thế võ Nhật nguy hiểm này đã biết tính toán sức bóp để chàng không thiệt mạng.

Người lạ mặt là Phạm Linh, truởng phòng Phản gián Hà Nội, đệ tam đẳng huyền đai. Võ nghệ của Nguyễn Đoàn nào có nghĩa gì trước một địch thủ dày công luyện tập như Phạm Linh.

Trong khi ấy Z.28 thực thụ tức Văn Bình, chàng thanh niên yêu đời, đẹp trai, tài ba, nhảy dù đêm qua xuống gần nhà ga Văn Điển, đang bách bộ từ Hồ Hoàn Kiếm lên thư quán Tiến Bộ ở Hàng Đường.

Với thân hình cao 1m70, nặng trên 70 kílô toàn thịt không có mỡ thừa, Văn Bình thuộc vào lớp thanh niên lực sĩ mà khi mặc áo cũng như khi ở trần biểu diễn đều thu hút được thiện cảm mọi người và nhất là phụ nữ. Sự hấp dẫn của chàng đối với phụ nữ được tăng thêm nhờ khuôn mặt bướng bỉnh nhưng khả ái, hàm răng đều đặn trắng muốt, cặp mắt sáng quắc khi dữ dội, lúc dịu dàng, mớ tóc hơi quăn trước thả lòa xòa trên vầng trán rộng.

Gió đông từ dưới Hồ Gươm dồn vào phố Hàng Đào. Hàng Đào ngày nay không còn là Hàng Đào tơ lụa ngày xưa với những thiếu nữ hơ hớ, cười tình với con trai qua đường, sau chồng vải trăm mầu, với những cậu công tử nếp quần sắc như dao cạo và thơm mùi nước hoa đắt tiền. Hàng Đào ngày nay không còn là Hàng Đào lịch sự, nhã nhặn, thanh cảnh và thi vị nữa. Ngay đầu đường, trông ra Hồ Gươm là một cửa hàng bán lẻ của Mậu Dịch, bên trong tuy có đàn bà, nhưng là thứ đàn bà mà Văn Bình không thích bởi họ mặc quần áo thẳng tuột không có đường cong và rộng đến nỗi mới trông thấy ai cũng tưởng họ sản phụ mặc áo che bụng.

Phố Hàng Ngang đóng im ỉm Một tiệm cơm với những niêu thịt, cá bầy ngổn ngang trước cửa. Qua phố Hàng Đường. Văn Bình nâng tay trái lên xem giờ. Trong 5 phút nữa chàng phải có mặt tại thư quán Tiến Bộ ở đầu phố Hàng Gạo, gần chợ chợ Đồng Xuân. Chàng rảo qua tiệm sách, liếc mắt vào trong. Đúng như Thúy Liễu nói hồi sáng, chàng thấy một người ngồi yên sau quầy sách, đeo kính cận thị. Một bên cửa đóng.

Trước cửa, cây đèn nê ông xanh biếc, chiếu một lùm sáng lung linh trên tấm biển đề hai chữ Tiến Bộ bằng sơn đỏ. Chàng toan vượt qua đường bỗng đứng khựng. Tối qua,vào giờ này, chàng đang ở trong văn phòng ông Hoàng ở Sàigòn.

Lời dặn dò của ông tổng giám đốc dội vang bên tai chàng như hồi chuông báo thức một đêm vắng lặng. Ông Hoàng gạt tàn điếu xì gà Ha van quen thuộc giọng nghiêm nghị:

-Anh cần biết sự thật để đề phòng. Lẽ ra anh trực tiếp gặp Z.30, người chỉ huy phân Sở ở Hà Nội, song để thử lại bài toán tôi muốn anh tiếp xúc với Nguyễn Đoàn. Nếu tôi không lầm, Đoàn đã bị lộ.

-Nghĩa là địch đang chờ tôi trong thư quán Tiến Bộ.

-Đúng hơn, địch đang bao vây nhà sách. Bao vây nhưng chưa bắt. Họ chỉ bắt anh nếu biết đích xác anh là yếu nhân từ Sàigòn ra. Và họ chỉ biết được điều ấy nếu trong hàng ngũ của ta có nội phản.

Ông Hoàng đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt chàng:

-Anh nên thận trọng trước khi vào thư quán gặp Đoàn.

Văn Bình giả vờ đứng lại, ngắm những con búp bê bằng vải nhồi bông bày trong tủ kính. Tấm gương trong vắt không phản chiếu hình bóng nào khả nghi.

Còn một phút đúng 6g30. Văn Bình trở sang hè bên kia, ung dung đến trước tiệm sách. Nhân viên sau quầy hỏi chàng:

-Thưa, ông mua sách?

Văn Bình khoát tay:

-Không, tôi muốn mua giấy than. Thứ của Tiệp Khắc.

Người kia đáp giọng đều đều:

-Không có. Chỉ còn cạc bon Hung ga ri thôi, ông có dùng không?

Văn Bình gật đầu. Người kia chỉ vào cửa trong:

-Mời anh lên gác. Z.61 đợi anh từ nãy.

Văn Bình mỉm cười, rẽ tấm màn cửa, nện gót lên cầu thang xi măng. Trong đời, chàng nhảy xuống đất địch nhiều lần và đã chạm trán nhân viên do thám hoạt động trong đất địch nhiều lần khác nhau. Lần nào chàng cũng vui vẻ như đến chỗ hẹn với một người bạn thiết. Nhưng lần này chàng lại cảm thấy cổ họng khô queo và ruột nóng như lửa đốt. Chàng khép tay trái sát nách vô tình đụng khẩu súng Mannlicher 9 ly của Áo quốc, một trong cái loại võ khí thông dụng ở Hà Nội.

Cánh cửa lên lầu hé mở. Chàng từ từ tiến vào. Đối diện chàng là một thanh niên, trên ba mươi tuổi, dong dỏng cao, mặt như sinh viên đại học, giọng nho nhã:

-Mời anh ngồi.

Một tia chớp lóe trong óc Văn Bình. Hôm qua, chàng đã xem kỹ tấm hình Z.61. Tuy trong lòng xốn xang, ngoài mặt chàng vẫn bình tĩnh như không xảy ra chuyện gì. Chàng bắt tay người tự nhận là Z.61, và trong khi nắm tay chàng biết đối phương là kẻ võ nghệ siêu quần. Văn Bình không nói mật khẩu thứ hai như thường lệ. Chàng mỉm cười tỏ thái độ tự nhiên và nói với người lạ:

-Lâu lắm mới gặp anh. Dạo này anh mạnh không?

Phạm Linh, vâng, người lạ mặt là Phạm Linh vô tình đáp:

-Cũng lâu rồi nhỉ? Cám ơn anh, tôi cũng thường.

Rồi đổi giọng:

-Ta vào việc đi thôi. Gớm, tôi cứ tưởng anh không đến được, lo quá Anh đến Hà Nội hồi mấy giờ và bằng cách nào?

Văn Bình đáp lững lờ:

-Bằng xe hơi quốc doanh.

-Ông Hoàng gửi những chỉ thị nào cho Tổ chức, yêu cầu anh trao cho tôi.

Văn Bình gật đầu. Chàng lặng lẽ bỏ tay vào túi áo trong, miệng nói:

-Vâng, có một bản mật lệnh, viết bằng mực hóa học.

Bản mật lệnh chàng rút ra là khẩu Mannlicher. Văn Bình bước xéo sang bên :

-Phiền anh giơ tay lên?

Phạm Linh cố tạo bộ mặt ngạc nhiên thành thật:

-Ơ kìa, tại sao anh rút súng?

-Đó là thói quen nghề nghiệp. Giơ tay lên khỏi đầu, nghe chưa ?

Thái độ bình tĩnh đến ngạo mạn của Phạm Linh làm chàng hoài nghi ; Nhanh như cắt chàng hoành thân một nửa về phía sau vừa vặn nhìn thấy họng súng tiểu liên đen ngòm. Bàn tay người cầm súng chưa kịp lảy cò thì khẩu Mannlicher đã nhả một viên đạn trúng mục tiêu. Phạm Linh định nhúc nhích nhưng mũi súng của Văn Bình đã trở ngược :

-Đừng dại dột. Giơ tay lên.

Văn Bình lượm khẩu tiểu liên cặp ngang nách. Khẩu súng này tạo cho chàng một cảm giác an ninh và ấm áp. Biết bị sa bẫy chàng vẫn giữ thái độ vô cùng bình tĩnh.

Một bóng nữa vụt lên gác. Một phát trúng tim. Một xác nữa vật xuống. Mắt Văn Bình không rời Phạm Linh trong khi chàng lùi sát tường. Một loạt tiểu liên bắn qua cửa kính khiến chàng phải cúi đầu để tranh mảnh vỡ. Một loạt đạn khác bắn tréo tới.

Khẩu súng của chàng chưa kịp nhả lửa thì đèn điện trong nhà đã tắt phụt. Chàng bắn hai phát hú họa rồi nhảy vào góc. Ngay khi ấy một loạt súng bắn như tưới nước vào chỗ chàng đứng trước đó 5 giây đồng hồ.

Văn Bình cảm thấy nong nóng ở gáy, Chàng rút bật lửa ném lên sàn gác. Tiếng kêu vừa dội lên, khẩu súng lục của người lạ đã khạc đạn. Văn Bình quay đầu súng lại và trong nháy mắt chàng biết là bắn trúng. Chàng nghe người lạ kêu rú rồi im lặng. Im lặng hoàn toàn. Im lặng như chưa bao giờ súng nổ.

Đột nhiên, tiếng máy xe hơi gầm vang rồi một vừng sáng đèn pha công an từ bao lơn phía trước chiếu sang thư quán, kèm theo khẩu lệnh gay gắt :

-Buông súng ngay, đầu hàng đi thì khỏi chết.

Văn Bình nhắm ngọn đèn pha xả đạn. Một tiếng hét dữ dội, tiếng hét của nhân viên chiếu đèn. Tiếng hét của người chết. Chiếc đèn pha hết sáng. Chàng lại nghe một khẩu lệnh khác, truyền qua loa phóng thanh ;

-Bắn ! Bắn !

Súng nổ tứ phía. Trước mặt, sau lưng, bên tả, bên hữu. Chàng bị giam giữa biển lửa thép. Chàng dùng đầu súng tiểu liên xô cánh cửa ra sau gác rồi nhả vu vơ một loạt đạn. Qua lằn đạn của công an đáp lại, chàng thoáng thấy nhiều bóng đen trên mái nhà gần bên. Tacata, tacata … Địch ngã như sung rụng. Chướng ngại được dẹp bằng. Văn Bình co chân nhảy lên mái ngói, chạy vụt sang đầu bên kia. Vừa khi ấy toán công an cảm tử đã bắc thang trèo lên ban công trước nhà, phá cửa, rọi đèn pha sáng ngập căn phòng mà Văn Bình gặp Phạm Linh hồi nãy.

Văn Bình vượt sang một mái nhà khác. Đã quen với lối thoát thân trên mái nhà nên trong nháy mắt Văn Bình đã đến phố Hàng Chiếu. Chàng tụt xuống ngõ hẻm gần rạp chiếu bóng Long Biên. Ngoài ngõ, hàng rào công an vây đặc. Văn Bình rũ áo, đeo lại xà cột ngay ngắn, cất khẩu Mannlicher vào túi vải trên nách, ném tiểu liên xuống rãnh rồi thản nhiên ra đường Hàng Chiếu.

Ánh điện nê ông xanh đỏ của rạp Long Biên hắt vào mặt chàng. Dân chúng hầu như không để ý đến sự hiện diện của nhân viên công an đông đảo. Văn Bình quẹo sang tay phải, bách bộ về phía bờ sông.

Một phen thoát chết. Thoát chết trong đường tơ kẽ tóc sau khi đặt chân lên đất Thăng Long yêu quí. Đến bờ sông Văn Bình vẫy xích lô, dặn đạp về ga Hàng Cỏ. Người xích lô già thủ thỉ :

-Đồng chí không bắt Việt gian à ?

- Việt gian nào ?

- Việt gian mà các đồng chí công an bao vây ở Hàng Gạo ấy ! 

-Thế à ? Sao gọi là Việt gian ?

Bác xích lô ngạc nhiên :

-Ông không biết ư ? Một tên do thám của đế quốc vừa mang bom đến giật nổ thành phố Hà Nội! Đồng lõa của hắn đã bị công an tóm cổ trong nhà sách Tiến Bộ.

Văn Bình ừ hữ :

-Thế à ?

Từ sông đến ga Hàng Cỏ người xích lô già phải đạp nửa tiếng đồng hồ và trèo giốc đường Hai Bà Trưng thì ì-à ì-ạch một cách thương hại. Văn Bình định nói cho bác xích lô biết chàng là tên do thám để cùng cười một hồi cho vui, nhưng lại nín lặng. Nín lặng vì thấy trò đùa này không hợp với tình hình hiện tại. Trong những công tác ở Âu Châu, chàng có thể đùa như vậy vì màng lưới công an không chặt chẽ, còn ở đây, bất cứ ai cũng có thể là tai mắt nhà cầm quyền, nên thận trọng là hơn hết. Chàng ra lệnh cho xích lô hạ xuống trước cửa ga rồi chàng trèo bực cấp. Chàng mua một tờ Nhân dân mới phát hành, ngồi xuống ghế đợi giả vờ đọc. Đợi một lát khi người xích lô đạp khuất về phía Hàng Lọng, chàng mới bách bộ trở về khách sạn Hòa Bình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Z.28 Vượt Tuyến Chương II

Có thể bạn thích