DocSachHay.net
êm ấy …

Huệ Lan ngồi như tượng đá trong căn nhà nhỏ của nàng gần cầu Thị Nghè.

Ngoại ô Sài Gòn đã bắt đầu đi ngủ. Quán phở đầu đường đã tắt ngọn đèn ống màu hồng, hai vợ chồng sửa soạn đẩy xe về. Tiếng máy may rào rào như mưa rơi trên máng kẽm ở nhà bên cũng vừa tắt.

Trong cảnh thanh vắng. Huệ Lan cảm thấy cô đơn và buồn bã lạ lùng. Lệ thường, mỗi khi ngồi một mình, nàng mang hoa ni lông ra cắm, mỗi ngày nàng thay một kiểu. Nàng cắm hoa rất giỏi, một phần vì nàng tốt nghiệp lớp cắm hoa trung cấp ở Đông kinh, phần khác vì nàng khéo tay.

Nàng yêu hoa say mê, còn say mê hơn cụ đồ già kính cẩn gọt củ thủy tiên để nở kịp đêm giao thừa, và dâng lên bàn thờ khói hương nghi ngút. Song đêm nay, nàng chẳng buồn nghĩ đến hoa. Nàng cũng chẳng buồn thay áo để mặc cái áo ngủ may chẽn bằng hàng ni lông trắng, hoa tím phơn phớt, vắt trên ghế.

Vì cái áo khả ái này, bắt nàng phải nhớ đến chàng. Nhớ đến Lê Tùng. Đêm nay, tâm trí nàng hoàn toàn dành cho Lê Tùng.

Huệ Lan thở dài chua sót...

Những việc xảy ra hồi chiều tại văn phòng rồn rạp trở lại trí nàng, nàng muốn quên, cần quên mà không được.

Lần thứ hai, nàng bị gọi lên lầu, ban tổng thanh tra. Thời hạn 24 giờ mà tổng thanh tra Văn Bình cho nàng suy nghĩ về Lê Tùng đã hết. Nàng phải đối diện Văn Bình...

Lần trước, nàng không để ý đến bức tranh thiếu phụ khỏa thân treo chễm chệ trên tường. Nhưng lần này, nàng lại đỏ mặt. Nàng có cảm tưởng rằng người đàn bà lõa lồ ấy là nàng. Thật vậy Văn Bình sắp bắt nàng phải lộ bỏ bề ngoài của tâm tư, và trình bày sự thật trần truồng, sự thật giữa nàng và Lê Tùng.

Văn Bình ra lệnh cho Quỳnh Bích sửa soạn máy tốc ký:

- Cô ghi cẩn thận, để rồi đêm nay còn trình lên ông Hoàng.

Rồi nghiêm giọng:

- Chào cô Huệ Lan. Cô nghĩ chín chưa?

Huệ Lan khép tà áo trên đùi:

- Thưa rồi.

- Công cuộc tìm kiếm Lê Tùng vẫn tiếp tục, nhưng theo chỗ tôi biết, Lê Tùng không còn ở Nam Việt nữa. Tuy chưa nắm được bằng chứng cụ thể, tôi có thể nói là hắn đã trốn ra Bắc.

Huệ Lan lặng người.

Nàng lặng người, không phải vì nghe tin Lê Tùng ra Bắc, vì trước khi đi, chàng đã thổ lộ với nàng. Nàng lặng người vì thấy Văn Bình đang đóng vai trò bịp bợm, ghê tởm nhất. Hơn ai hết,  Văn Bình đã biết người yêu kiếm chồng chưa cưới của nàng ra Bắc để mưu sát Phan Thiện, sau gần một năm trường khổ nhục kế.

Gần một năm trường, Lê Tùng bị bạn bè, gia đình và dư luận khinh rẻ. Chàng đã đi rồi - đi với rất ít hy vọng trở về - Văn Bình còn muốn vị hôn thê của chàng phải khinh rẻ chàng. Không... Huệ Lan không thể sống trong cảnh giả dối này nữa...

Nàng muốn mắng át Văn Bình, song lại lo sợ. Văn Bình được coi là hung thần của Sở. Phản đối ông tổng thanh tra sẽ vào tù sớm. Sau khi Lê Tùng đi, người ta lại muốn bỏ tù nàng. Bỏ tù nàng để ở bên kia giới tuyến Lê Tùng dễ tiếp tục vai tuồng khổ nhục kế.

Giọng nói của tổng thanh tra Văn Bình mạnh mẽ như nhát búa tạ:

- Cô Huệ Lan... dầu sao cô cũng là nhân viên thâm niên của Sở. Hồ sơ của cô là hồ sơ của một nhân viên gương mẫu. Ông tổng giám đốc đã cứu xét việc thăng thưởng cho cô. Trong tương lai, cô sẽ trở thành một yếu nhân của Sở...

Nhưng từ khi... từ khi cô nặng lòng vì hắn... hy vọng của chúng tôi bắt đầu suy giảm.

Huệ Lan rùng mình như bị cảm hàn. Một hơi lạnh buôn buốt từ xương sống tỏa ra ngoài, đâm vào tạng phủ, khiến nàng choáng váng trong giây phút.

Văn Bình đã chạm vào đời tư của nàng một cách quá đáng. Văn Bình lại gọi Lê Tùng bằng hắn, một điều không thể chấp nhận được... Mỉa may thay, tàn nhẫn thay... Lê Tùng đang hoạt động tại Hà nội theo lệnh của Văn Bình, trung thành tuyệt đối với Sở. Ít ra Văn Bình cũng phải mời nàng đến, nói nhỏ vào tai nàng rằng Lê Tùng là anh hùng...

Văn Bình nói tiếp:

- Phải, hy vọng của chúng tôi bắt đầu suy giảm.

Riêng tôi, tôi cứu vớt hẳn ra khỏi vũng bùn sa đọa, nhưng con ngựa trụy lạc vẫn nằng nặc chạy theo đường cũ. Nếu Lê Tùng ra Bắc, hợp tác với địch. Sở sẽ bị thiệt hại nặng nề. Vì, như cô đã biết, hắn từng chỉ huy hệ thống điệp báo tại phía bắc vĩ tuyến 17 một thời gian khá lâu. Sau khi bị hạ tầng công tác, hắn lại phụ trách tài chính, trả lương cho điệp viên bí mật của Sở ở ngoại quốc...

Giờ đây, Sở đối phó vẫn còn kịp. Nếu cô cung cấp cho tôi đầy đủ tin tức. Tôi sẽ tìm cách ly gián Lê Tùng với địch. Tôi sẽ mượn tay địch loại trừ Lê Tùng.

Huệ Lan lí nhí:

- Không... Không thể thế được.

Văn Bình dằn giọng:

- Cô đừng nghe lời hắn. Nếu trước khi bỏ đi, hắn nói gì với cô, chẳng qua chỉ là láo khoét. Huệ Lan... cô ráng bình tĩnh để thuật lại với tôi những lời nói khả nghi của Lê Tùng... cô Huệ Lan...

Nàng nghiến răng, nước mắt trào xuống má. Nhất định, nàng không nói.

Văn Bình nổi nóng đập bàn:

- Cô Huệ Lan... té ra cô toa rập với Lê Tùng... Cô không chịu giúp Sở lột mặt nạ kẻ phản phé...

Cô không chịu giúp Sở phá hỏng kế hoạch lợi dụng Lê Tùng của địch... Theo nội quy, cô có thể bị đưa ra tòa. Tôi nói có thể vì thật ra, Sở chưa muốn nặng tay đối với một nữ nhân viên hẩm hiu về hạnh phúc lừa dối như cô... Tôi biết rằng đàn bà như bông hoa, không thể chờ mãi. Cô không yêu hẳn lắm, nhưng cô đã gần ba mươi, bắt buộc cô phải lập gia đình...

Huệ Lan thét lên:

- Im đi!

Nàng không biết sợ nữa. Tính nhút nhát cố hữu của nàng đã biến đâu mất. Nàng trở thành con gà mái, công đuôi, xoè cánh, bảo về bầy con, chống lại diều hâu bách chiến, bách thắng.

Huệ Lan xô ghế, đứng dậy, mắt đỏ ngầu:

- Tôi không thể ngồi nghe ông hạ nhục chồng tôi, chà đạp danh dự tôi. Một lần cuối cùng, tôi báo ông biết ông không được quyền khinh Lê Tùng vì Lê Tùng còn cao cả hơn ông nữa.

Như người điên, nàng thét lên:

- Tôi rất ghét những người xảo quyệt... Trời, ông đã xô Lê Tùng...

Văn Bình quát lớn:

- Cấm cô không được làm ồn trong văn phòng tôi. Vệ sĩ...

Hai vệ sĩ to lớn lù lù tiến ra. Văn Bình ra lệnh:

- Các anh đưa cô Huệ Lan ra khỏi phòng.

Rồi ngoảnh về phía Huệ Lan:

- Tôi dành cho cô một cơ hội nữa, cơ hội cuối cùng. Có lẽ Lê Tùng đã tâm sự với cô trước giờ từ biệt. Cô đừng tin hắn mà mang tội.  Sáng mai, cô sẽ gặp tôi lần nữa, lần cuối cùng. Nếu cô tiếp tục che chở cho Lê Tùng, miễn cưỡng tôi phải bắt cô. Dĩ nhiên, cô sẽ không được cái vinh dự ra tòa, vì ra tòa, bí mật sẽ bại lộ, địch sẽ phăng ra. Tôi sẽ đưa cô tới một nơi xa Sài gòn, 3 năm 5 năm, tình hình lắng động mới tha về...

Huệ Lan gieo mình lên đệm xe, thân thể rã rượi.

Về nhà, nàng lầm lì để nguyên quần áo, ngồi một mình trong phòng khách, để nghĩ tới Lê Tùng.

Mẹ nàng và lũ em nhỏ nghịch ngợm xuống phố chưa về. Một mình trong phòng khách... Huệ Lan thường ở nhà một mình, bọn trẻ đi chơi luôn luôn, mẹ nàng lại hay về tỉnh thăm con cháu. Tuy nhiên, đêm nay, nàng cảm thấy căn nhà rộng gấp trăm, gấp ngàn lần, rộng mênh mông như tòa lâu đài cổ, đúng hơn, như trại giam. Trong khoảng rộng mênh mông này, nàng lại nghe rõ mọi âm thanh, từ tiếng muỗi đói vo ve bên ngọn đèn vàng ệch đến tiếng chắt lưỡi tiếc nuối của con thạch sùng trên trần nhà.

Lời nói trắng trợn – quá trắng trợn đến nỗi thành thô bỉ – của tổng thanh tra Văn Bình đã vượt qua mức nhẫn nhục của nàng. Nàng không thể chịu đựng thêm nữa. Nàng phải tìm mọi cách bảo vệ thanh danh của Lê Tùng. Người ta đã dùng chàng làm con cờ. Một con cờ vô tri giác. Bây giờ, người ta lại dùng nàng làm con cờ. Dầu kết quả ra sao, nàng cũng không lùi. Nàng phải cứu chàng. Nàng phải giữ vững hạnh phúc của hai người.

Mắt rực sáng, Huệ Lan đứng dậy.

Thì tiếng gõ cửa lốc cốc nổi lên.

Nàng cất tiếng hỏi:

- Ai?

Bên ngoài, tiếng trả lời vọng vào:

- Tôi. Tôi cần gặp cô Huệ Lan.

- Ông là ai?

- Bạn thân nhất đời của Lê Tùng.

  Như người bị thôi miên, nàng vội vã mở cửa. Khách khoan thai bước vào, ném điếu thuốc lá cháy dở ra hiên. Tuy trời không mưa, khách vẫn kè kè trong nách cái dù đen sì.

Nàng đưa tay:

- Mời ông ngồi chơi. Tôi là Huệ Lan.

Khách nghiêng đầu:

- Vâng, tôi biết rồi. Còn tôi là Nguyễn Biên.

- Nguyễn Biên... Xin lỗi ông, tôi chưa đuoc hân hạnh quen ông.

- Vâng. Vì tôi chỉ quen ông Lê Tùng mà thôi. Ông Lê Tùng đã nói nhiều với tôi về cô.

Huệ Lan nín lặng.

Nguyễn Biên rút thuốc lá:

- Xin lỗi, tôi hút được không?

Nàng gật đầu:

- Mời ông tự nhiên.

Nguyễn Biên đằng hắng một tiếng rồi nói:

- Chuyện tôi sắp trình bày với cô rất quan hệ. Nó liên quan đến cuộc đời của cô và Lê Tùng. Nhưng trước khi vào đề, tôi muốn cô cho biết một chi tiết: chiều nay, cô cãi lộn với tổng thanh tra Văn Bình phải không?

Huệ Lan hơi tái mặt. Nàng bắt đầu đoán ra người lạ là ai. Song nàng vẫn ngồi yên.

Nguyễn Biên mỉm cười:

- Trước khi đến đây, tôi biết cô sẽ im lặng. Nhưng cô chỉ có thể im lặng nếu người ta kính trong sự im lặng của cô, đằng này...

Huệ Lan cau mặt:

- Ông không được quyền can thiệp vào chuyện riêng của tôi.

 Nguyễn Biên cười to hơn:

- Cô đã nói câu ấy với tổng thanh tra Văn Bình, và hắn đã bắt cô nghe theo.

Huệ Lan giật mình:

- Té ra ông...

- Vâng, tôi đã biết rõ nội dung cuộc nói chuyện giữa Văn Bình và cô tại văn phòng tống thanh tra. Vì vậy, tôi muốn giúp cô. Dầu sao cô cũng là người chân thành và đáng thương. Vả lại, tôi là bạn thân của anh Lê Tùng. Tôi chỉ muốn giúp Lê Tùng.

- Anh Lê Tùng hiện ở đâu?

- Ở một nơi an toàn.

- Ông nói dối.

- Cô không tin thì thôi. Song ở vào địa vị cô, tôi sẽ tin. Vì cô đang bị dồn vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nang. Người ta rình rập cô đêm ngày, người ta sẽ bắt cô...

- Tôi vô tôi, hoàn toàn vô tội.

- Không, cô có tội. Vì cô đã yêu Lê Tùng. Ngày mai, hoặc chậm lắm ngày mốt, nhân viên mật vụ sẽ tới đây, xích tay cô, đưa tới trại tập trung. Cô sẽ không tài nào thoát khỏi màng lưới của ông Hoàng. Nếu cô nghe tôi, cô sẽ được gặp Lê Tùng.

- Gặp Lê Tùng?

- Vâng, gặp lại, và tính chuyện hôn nhân như hai người đã hứa với nhau.

- Thú thật với ông, tôi đang bối rối. Tôi đã đau khổ nhiều về Lê Tùng. Tôi đã đau khổ nhiều về cuộc sống trói buộc trong sở Mật vụ. Song, thưa ông, tôi không thể phản bội.

- Chúng tôi không yêu cầu cô phản bội. Lê Tùng cũng không phản bội.

  - Anh Lê Tùng hiện đang ở đâu?

- Cô vừa hỏi tôi xông, và tôi đã trả lời là Lê Tùng đang sống tại một nơi an toàn.

- Ở Hà nội?

- Không phải.

- Trong khu?

- Cũng không phải.

- Vậy thì ở đâu?

- Nam vang.

Huệ Lan buột miệng:

- Lạ nhỉ, anh ấy...

Song nàng ngừng lại kịp thời. Dầu sao nàng không thể tiết lộ cho Nguyễn Biên biết. Nàng biết hắn là nhân viên của địch. Nàng không thể theo địch. Nàng cũng không thể ở lại vì Văn Bình sẽ tống nàng vào khám.

Trong một phần trăm tích tắc đồng hồ, Huệ Lan nhớ lại những điều chàng tâm sự với nàng.

...em ơi, giá chúng mình đừng quen nhau, đừng yêu nhau. Em lấy chồng, anh cũng không giận, trái lại anh còn mừng cho em nữa...

Và nàng đáp:

...Nếu anh là tráng sĩ Kinh Kha, một đi không quay lại, thì em sẽ đợi anh suốt đời trên bờ sông Dịch thủy...

Có lẽ nàng phải đợi chàng suốt đời... không phải trên bờ sông Dịch thủy mà là trong nhà giam. Như Lê Tùng đã thổ lộ trong đêm từ biệt, nghề này là nghề chuyên môn giấu giếm và lường gạt, tổng thanh tra Văn Bình sẽ hy sinh Lê Tùng, hy sinh nàng, hy sinh hạnh phúc của hai người để đạt mục đích tối hậu: hạ bệ Phan Thiện.

Huệ Lan không thể khoanh tay làm thinh. Vì hạ bệ xong Phan Thiện, người ta sẽ loại trừ luôn Lê Tùng. Hồi chiều, Văn Bình vừa dụ dỗ nàng dọn đường loại trừ chàng...

Nàng ngẩng phắt, giọng chắc nịch:

- Ông có bằng cớ gì về việc chồng tôi ở Nam Vang?

Nguyễn Biên chìa một mảnh giấy viết tay nguệch ngoạc:

...Em thân mến,

Em nên nghe lời anh Nguyễn Biên. Anh đang ở Nam vang. Tuần sau, sẽ lên đường qua Âu châu. Anh chờ em... Anh chờ em từng giây, từng phút.

Anh của em,

L.T.

Huệ Lan vò nát miếng giấy trong tay, vẻ mặt băng khuân. Đúng là tuồng chữ quen thuộc của chàng. Nàng không thể biết được đây là một công trình của Nguyễn Biên.

Nàng nhìn bình hoa lê-dơn trên bàn:

- Ông muốn tôi đi Nam vang ư?

Nguyễn Biên gật đầu:

- Muốn.

- Đi bằng cách nào?

- Xe hơi.

-  Tôi không có thông hành. Lại còn chiếu khán nữa. Trong hoàn cảnh này, người ta sẽ không cho tôi xuất ngoại. Dầu tôi được phép của công an, tôi cũng không có hy vọng xin được dấu nhập nội của chính phủ Cao miên. Vì ông còn lạ gì, tôi là nhân viên chính thức của ông Hoàng.

- Cô yên tâm. Tôi đã lo xong đủ giấy tờ.

- Bao giờ đi?

- Ngay bây giờ.

- Trời, tôi chưa sửa soạn gì cả.

- Cô sửa soạn, người ta sẽ nghi ngờ.

- Tôi phải báo cho mẹ và em tôi biết.

- Lại càng nguy hơn. Ở trong nghề, cô phải biết rằng, tình cảm gia đình thường tai hai. Tôi biết cô nhớ cụ và các em. Ở vào hoàn cảnh cô, tôi cũng nhớ quay quắt, vì đầu sao chúng ta cũng là con người, mà đối với con người thì tình yêu là trên hết. Cô nên đặt tình yêu với Lê Tùng lên trên hết... Trong tương lai, cô giải thích cho gia đình hiểu cũng chưa muộn.

- Sợ ra đi lần này tôi không về nữa.

- Ở lại, cô sẽ bị bắt. Bị bắt một cách xuẩn động và phi lý. Ra đi, cô sẽ ở gần Lê Tùng, như cô hằng mong ước.

Nguyễn Biên coi đồng hồ:

- Muộn rồi. Yêu cầu cô quyết định.

Huệ Lan thở dài:

- Thưa ông, ruột gan tôi rối như tơ vò... tôi không thể nào quyết định được.

Giọng Nguyễn Biên đanh lại:

- Vậy, nhân danh Lê Tùng, nhân danh tình yêu thiêng liêng giữa hai người, tôi quyết định giùm cô. Yêu cầu cô theo tôi...

- Xin phép ông để tôi viết lại mấy chữ?

- Cho ai?

- Cho mẹ tôi.

- Không nên. Việc xuất ngoại của cô cần được giữ kín.

- Tôi chỉ viết mày giống từ biệt.

- Cũng không nên. Tôi không muốn người thân của cô biết cô tự ý ra đi.

- Vâng, tôi xin lãnh ý ông. Nhưng ít ra ông cũng cho tôi 5, 7 phút để sửa soạn quần áo.

Mục đích của Huệ Lan là kéo dài thời giờ. Nàng cảm thấy mọi giây đồng hồ được ở lại trong căn nhà chật hẹp này là một giờ hạnh phúc. Nàng cảm thấy nhớ tất cả: nhớ khuôn mặt hiền từ của mẹ nàng, nhớ tiếng cười trong trẻo của bầy em ngây thơ, nhớ những đóa hoa ni-lông nàng sắp xếp trong bình, nhớ cả con chó Nhật lùn, lông trắng như bông, mắt đen láy, nằm ngoan ngoãn dưới gầm giường, không bao giờ sủa lớn. Thậm chí Huệ Lan còn nhớ cả rặng hoa dâm bụt ở xế cửa nhà, những chiếc lá xanh biết nô rỡn với tia nắng mặt trời buổi sáng, trước giờ nàng ăn điểm tâm, sửa soạn đi làm.

Gần như thói quen, trước giờ ăn điểm tâm, Huệ Lan thường mở cửa cho gió sáng ùa vào, và để ngắm rặng dâm bụt thân thuộc. Nàng còn thấy rõ trong trí những cái lỗ tròn, được dùng làm lối ra vào cho đàn bẹt-giê nghịch ngợm. Đôi khi mấy đứa trẻ hàng xóm cũng mượn lối đi này của chó để chơi trò ú tim với nhau.

Những kỷ niệm ấy đang lùi dần về quá khứ... Huệ Lan muốn nán lại để chào mẹ, chào các em. Song nàng cũng muốn đi để gặp Lê Tùng. Nàng biến thành người máy, mặc cho ngoại cảnh quyết định.

Hiểu rõ nội tâm của nàng, Nguyễn Biên lắc đầu, giọng nghiêm nghị:

- Càng không nên nữa. Cô mang quần áo theo, người ta sẽ biết là cô dụng ý bỏ đi. Tốt hơn là đi người không. Người ta sẽ mù tịt.

- Khổ quá, tôi lấy gì thay đổi?

- Cô đừng ngại. Nam vang nhỏ hơn Sài gòn thật đấy,  nhưng về đồ ngoại hóa, không thua, có lẽ còn vượt Sài gòn. Cô có thể mua sắm đủ thứ, miễn hồ có tiền.

- Tiền dành dụm của tôi đang ở trong quỹ Tiết kiệm.

- Tôi đã bảo cô đừng ngại mà... Lê Tùng đã có đủ tiền.

Huệ Lan đặt tay vào nắm cửa:

- Vâng.

Con đường trước nhà vắng ngắt. Tiếng chìa khóa quay trong ổ reo lên một âm thanh não nùng.

Như người mất hồn, Huệ Lan trèo lên xe hơi. Cửa xe vừa đóng, nàng nhận ra bóng dáng quen thuộc của đàn em trên xích lô máy đậu xịch trước nhà. Nàng rú lên:

- Ông ơi!

Nguyễn Biên lạnh lùng:

- Các em cô về rồi. Cô muốn quay lại gặp chúng, phải không?

Nàng lắp bắp:

- Vâng... ông cho phép tôi về một lát.

- Một lát là bao lâu?

- 5 phút.

- Hừ, cô xin 5 phút, chứ 5 sao tôi cũng không cho phép. An ninh của cô và của Lê Tùng nằm trong tay tôi, và tùy thuộc phần nào vào thái độ của cô đêm nay.

- Tôi chỉ giã từ các em rồi đi ngay.

- Cô đừng bắt tôi phải to tiếng.

- Ông cũng đừng bắt tôi phải la lên.

- À, cô không muốn đi thì thôi, tôi không cưỡng ép. Tôi đến đây với tư cách bè bạn. Với tư cách ân nhân cứu cô ra khỏi màng lưới tàn nhẫn của ông Hoàng, đưa cô tới gặp người yêu. Tôi đến đây không phải để quyến rũ cô làm điều phi nghĩa, hoặc bức bách cô theo tôi qua Nam vang. Vâng, tôi đã hết lời rồi, xin mời cô xuống. Và từ nay, xin cô đừng nghĩ tới việc tái ngộ Lê Tùng nữa...

Trong khoảnh khắc, tình ruột thịt mạnh hơn tình xác thịt. Huệ Lan nhổm dậy trên băng, sửa soạn mở cửa. Nàng vừa có cảm giác như vừa được phóng thích khỏi nhà giam sau nhiều ngày mất tự do. Mẹ nàng, đàn em của nàng là một phần cần yếu của đời nàng. Nàng sẽ quên tất cả, bỏ tất cả... Nàng sẽ gánh chịu sự trừng phạt bất công của ông Hoàng...

Nhưng Huệ Lan lại thấy Lê Tùng... Hình bóng Lê Tùng lửng lơ trong không gian mù mịt... Giọng nói Lê Tùng phảng phất trong đêm khuya thầm lặng...

Hơn một lần, chàng đã ôm nàng. Hơn một lần, hai người nằm bên nhau trong bóng tối của gian phòng kín đáo, da thịt cọ sát, hơi thở quyện nhau. Mỗi khi nhớ lại, Huệ Lan bần thần hàng giờ. Tạo hóa không phú cho nàng những đường công diễm ảo để lôi cuốn đàn ông nên nàng dễ rung động hơn mọi phụ nữ khác trước sự mơn trớn của nam giới.

Nàng phải gặp Lê Tùng. Nàng cần sống lại những thời khắc thần tiên trong phòng riêng với chàng. Tình xác thịt vùng dậy mạnh mẽ, ắt hẳn tình ruột thịt.

Huệ Lan lắc đầu, giọng ngao ngán:

- Xin lỗi ông, tôi lỡ lời. Tôi bằng lòng theo ông. Ông mang tôi đến chân trời, tôi cũng đi. Lê Tùng là tất cả đời tôi. Vì Lê Tùng, tôi sẵn sàng bỏ hết.

Nguyễn Biên nhếch mép cười bí mật. Trong bóng tối, Huệ Lan không thể nhìn thấy nụ cười lạ lùng của hắn.

Xe hơi phóng qua cầu Thị Nghè về Sài gòn.

Tuy trời giữa trưa, bên ngoài nắng như thiêu đốt, phòng của Văn Bình lại chìm trong bóng tối.

Các cửa sổ đều che riềm kín mít. Riềm bằng nhung xanh ngăn không cho ánh nắng lọt vào. Đồ đạc giản dị, nhưng đắc tiền và tối tân. Ngoài bộ xa lông lùn bằng gỗ bạch đàn – loại gỗ dắt tiền nhất nhì thế giới – gồm hai cái ghế lót da báo, và cái bàn gắn thủy tinh trong suốt, chế tạo bên Pháp, căn phòng chỉ gồm một cái giường lớn, kê sát tường, bấm nút điện thì biến thành ghế số-pha hoặc bàn viết.

Đặc điểm của cái giường là nằm ở góc, giữa hai tấm gương lớn, loại giường thường thấy trong các lâu dài yên hoa ở Âu châu. Ở đầu giường, người ta thấy một cái hộp chữ nhật, bên trên có nhiều đồng hồ tròn và nút bấm khác nhau.

Nằm trên giường, người ta có thể bấm nút để mở cửa, đóng cửa, mở máy thu thanh, vô tuyến truyền hình và máy ghi âm, máy hát âm thanh nổi. Cái nút màu trắng ở giữa hộp được dùng để mở tủ lạnh, gắn ngầm vào giường: tủ lạnh từ từ hé mờ, chủ nhân có thể tự tay lấy rượu uống, khỏi phải cất công xuống đất.

Loại giường này do Văn Bình đích thân vẽ kiểu và đôn đốc cho một công ty đồ gỗ trứ danh ở đường Hồng thập tự thực hiện. Nó có thể nhấc đầu lên, hoặc hạ đầu xuống 60 độ, nó lại có thể rung chuyển nhè nhẹ như ngồi trên lò so.

Tấm nệm là kỳ công của kỹ nghệ đồ gỗ phụng sự cho tình yêu: nó dầy đúng 30 phân, vô cùng êm ái, chứa một hệ thống điện riêng, trời nóng nó toát ra hơi lạnh, trời lạnh nó toát ra hơi nóng, giống như máy điều hòa khí hậu nóng lạnh, chủ nhân lại có thể ấn định mức nóng lạnh theo ý thích.

Một ngọn đèn cực mạnh treo trên trần chiếu giữa giường, khi mọi ánh sáng trong phòng tắt hết. Ngọn đèn này được bật lên, người ta có cảm tưởng đang ở trên sân khấu thoát y vũ. Lạ lùng hơn nữa là đèn rất sáng mà không nóng, cũng không làm người nằm trên giường nhức đầu. Nếu không dùng đèn trên trần, chủ nhân có thể mở một loạt đèn riêng chung quanh giường, gồm hàng chục bóng đèn nhỏ xíu, nhiều mầu khác nhau, tạo ra một khung cảnh thiên thai...

Văn Bình sửa soạn căn phòng khác thường này để đón Quỳnh Bích. Vừa bước vào, nàng giật mình.

Nàng nghe nói nhiều về nghệ thuật hưởng lạc của Văn Bình, nhưng không thể ngờ óc sáng kiến của chàng lại phong phú đến thế. Với sự thỏa thuận của ông tổng giám đốc, Văn Bình thiết lập một khu thiên đường trên nóc một bin-đinh đồ sộ trên đại lộ Hồng thập tự. Chàng chiếm trọn tầng cao nhất, gồm 10 phòng, một sân lộ thiên trồng cỏ non nhập cảng từ Anh quốc để chơi gôn, một bể bơi tường bằng thủy tinh trong suốt cho người đẹp biểu diễn đường công nguyên tử và hai thang máy riêng, một để chàng lên xuống, một để đưa xe hơi lên ga-ra hoặc mang xuống đường.

10 phút trước, xe hơi do Văn Bình lái từ từ vào sân sau bin-đinh. Cửa sân sau được điều khiển bằng điện. Cửa vào thang máy cũng được điều khiển bằng điện. Quỳnh Bich chờ cho chiếc xe đua xinh xẻo chui gọn vào thang máy mới hỏi:

- Trời ơi, anh thuê căn nhà này bao giờ?

Văn Bình quàng vai nàng, giọng âu yếm:

- Không, đây là phòng riêng của anh, anh bỏ tiền ra xây cất. Bin-đinh phía trước là của một công ty địa ốc.

Cửa vào phòng cũng được điều khiển bằng điện. Văn Bình mở đèn trong phòng rồi kéo ghế cho nàng ngồi:

- Bên ngoài nóng lắm, em cởi áo cho mát.

Không biết chàng vô tình hay cố ý vì nàng chỉ mặc cái áo sơ-mi hở tay. Nàng nhìn chàng trân trân, chàng ôm ghì lấy, hôn môi thật lâu.

Đột nhiên, nàng xô chàng ra, bưng mặt khóc rưng rức. Chàng vỗ về:

- Tại sao đang vui em lại khóc?

Nàng đáp trong nước mắt:

- Hễ gần anh, em lại khóc. Những lần trước, em chỉ dám khóc mà không dám thổ lộ tâm tình, lần này...

- Anh biết em yêu anh, em yêu anh tha thiết... Như vậy đủ rồi, anh không đòi hỏi gì thêm nữa.

- Không, anh ạ... Em chưa yêu anh thành thật.

- Hừ, em đừng nói nhảm.

- Thật đấy, em đã lợi dụng tình yêu và lòng tin cậy của anh.

Văn Bình nheo mắt:

- Lợi dụng như thế nào?

Quỳnh Bích đáp nhanh, sợ rụt rè có thể thay đổi ý kiến:

- Lợi dụng những phút ôm ấp anh để đánh cắp tin tức, tài liệu, trao cho địch. Anh ơi, em đã làm điệp viên cho địch, em không xứng đáng với tình yêu của anh nữa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo, em quyết thú tội với anh. Em không dám xin sự khoan hồng, vả lại, tội của em cũng không đáng được hưởng khoan hồng...

Đang hồng hào, mặt Văn Bình trở nên tái nhợt. Chàng thừ người, ném điếu Salem mới đốt vào đĩa đựng tàn. Tuy nhiên, chàng không nói gì hết.

Quỳnh Bích quỳ xuống, gục đầu vào đùi chàng, giọng đau đớn:

- Anh giết em đi! Anh gọi điện thoại cho ông Hoàng đưa em vào khám đi! Sự yên lặng của anh còn làm cho em chua xót gấp trăm lần. Thà em bị ra tòa, em bị hành quyết... thà anh chửi mắng, đánh đập em...

Văn Bình thở dài:

- Những điều anh không ngờ đã xảy ra. Nhân viên của Sở bị dịch đe dọa mua chuộc là việc thường, song anh không ngờ kẻ bị lôi cuốn vào vòng phản bội lại là em, em là người anh tin nhất. Sở dĩ anh yên lặng vị đang nghĩ tới những tin tức quan trọng mà với tư cách thư ký riêng của anh em đã nộp cho địch. Em nhớ lại xem: em đã nộp cho địch những gì?

- Mọi tin tức, tài liệu liên quan đến Lê Tùng.

- Thảo nào! Bao giờ em gặp lại họ?

- Nội ngày nay. Sau khi hò hẹn với anh để lấy thêm tin tức về vụ Lê Tùng. Em xin đặt tính mạng em dưới quyền xử dụng của anh. Em sẵn sàng giết hẳn rồi trở về cho anh đưa ra tòa án quân sự.

- Em có quan niệm khá hời hợt về nghề nghiệp. Giết nhân viên của địch không phải là nhiệm vụ thông thường của ta. Dầu em đã phản bội, Sở cũng không muốn truy tố hoặc hạ sát em. Vì như vậy vô ích, hoàn toàn vô ích.

Em đừng quên rằng theo nội quy anh là người chịu trách nhiệm. Vì anh đã mềm lòng trước sắc đẹp của em. Anh đã thiếu thận trọng để tài liệu mật lọt vào tay em, cũng như đã thiếu thận trọng để địch tổ chức được em là nhị trùng.

- Trời ơi, bây giờ biết làm sao?

-  Dầu em là Trời cũng không thay đổi được tình thế. Cả em và anh đang ở vào tình thế nguy nan nhất. Nếu em tận tình giúp anh, chúng ta sẽ có thể dành lại quyền chủ động.

- Anh bảo em tự sát ngay em cũng tuân theo không từ chối.

- Hừ, em là người cực đoan và nóng nẩy, không hiểu sao lại lạc lõng vào nghề tình báo. Kẻ thường gặp em là ai?

- Nguyễn Biên. Đó là tên giả. Em không biết hắn ở đâu. Khi nào muốn tiếp xúc, em phải dùng hệ thống hộp thư chết, hoặc đăng báo...

Thiếu trang 158 & 159

Lê Tùng phát ngố trước cái bàn bầu dục đầy ắp thức ăn và rượu đắt tiền. Tôm, cá, thịt, bào ngư, vây yến,  tất cả những món hiếm có ở Hà nội đều góp mặt, bên cạnh hai giỏ trái cây nhập cảng, và hơn 10 chai rượu.

Từ sáng đến tối, chàng ăn đúng 6 bữa. Nghĩa là ăn như người Hoa Lan. Đại tá Bùi Vinh muốn chàng khỏe mạnh nên chàng không từ chối. Chàng uống trong nửa ngày một chai rom bacadi, loại đặc biệt. Cũng trong nửa ngày, chàng gọi Huyền Nhung ba lần. Huyền Nhung mệt nhoài, dựa lưng vào tường để thở còn Lê Tùng vẫn thản nhiên ngồi uống bacadi.

Đúng 9 giờ tối, xe hơi của Bùi Vinh bóp kèn ngoài sân. Đó là một khu vườn rộng bát ngát ở xa đường cái quan, có sân quần vợt, sân gôn tí hon, sân bóng chuyền, bóng rổ và hồ bơi.

Bùi Vinh xuống xe, đi qua sân bóng rổ vào nhà, vẻ mặt hân hoan. Hắn nheo mắt với Lê Tùng. Khác thường lệ, Bùi Vinh mặc âu phục bằng hàng xám nhạt, giầy mũi nhọn, sơ mi lụa trắng toát, cà-vạt đen sọc kim tuyến. Hắn ngồi xuống ghế, đánh diêm châm xì-gà. Cái nhẫn hạt xoàn gần 15 cara ống ánh trên ngón tay thô tháp và cụt lủn của hắn. 

Hắn nhìn Lê Tùng, gật gù:

- Huyền Nhung làm anh vừa ý không?

Lê Tùng đáp:

- Cám ơn anh, nàng rất chu đáo.

Bùi Vinh nhăn răng cười:

- Tôi biết anh có nhã ý bào chữa cho Huyền Nhưng. Anh yên tâm, một vài ngày nữa anh sẽ được lên Hà nội, ở đó tha hồ... Tuy nhiên, công việc của tôi phải thành công mỹ mãn.

- Công việc với Phan Thiện?

- Phải. Trong rừng, không thể có hai cọp chúa. Hoặc tôi, hoặc Phan Thiện là chúa sơn lâm. Nếu hắn làm, tôi phải đi nơi khác. Tôi không muốn đi, nên người đi phải là hắn.

- Anh làm cách nào để loại trừ Phan Thiện?

- Tôi đã gửi báo cáo lên Trung ương Đảng. Phan Thiện sẽ bị mất chức, bị bắt, bị giam về tội gián điệp hai mang.

- Và anh dùng tôi làm tay sai.

- Ồ, danh từ tay sai không đúng. Anh là đồng minh của tôi. Tôi sẽ không quen thưởng công cho anh.

Lê Tùng định nói «cám ơn» thì cửa phòng xịch mở. Người bước vào là Huyền Nhung. Mặt nàng không đượm vẻ nhí nhảnh và tươi tắn như thường lệ.

Nàng cúi xuống, nói thầm vào tai Bùi Vinh. Lê Tùng nhận thấy bàn tay Bùi Vinh hơi run.

Bùi Vinh nhún vai nói:

- Tôi có việc gấp, phải đi ngay. Đêm nay, Huyền Nhung sẽ ở lại với anh.

Thường lệ Bùi Vinh mỉm cười khi bước ra khỏi phòng, cái cười đắc chí của kẻ luôn luôn thành công trong đời. Song lần này miệng hắn mím chặt. Lê Tùng thoáng thấy một giọt bồ hôi trên trán hắn.

Huyền Nhung thoăn thoắt theo sau Bùi Vinh. Còn lại một mình trong phòng, Lê Tùng mở cửa sổ nhìn ra sân. Tuy trời tối, chàng vẫn thấy một cái xe hòm đen nằm giữa hai cái xe díp đầy nhóc người, có lẽ là nhân viên An ninh mặc thường phục.

Một người cao lớn đưa cho Bùi Vinh coi giấy, chắc là sự vụ lệnh. Đọc xong, Bùi Vinh hoa chân múa tay, ra vẻ phản đối kịch liệt. Song của sau cửa xe hòm đen được mở ra, Bùi Vinh lặng lẽ trèo lên.

Rồi toàn khu trại chìm vào bầu không khí rùng rợn.

Lê Tùng nghe tiếng quạ kêu ngoài vườn. Chàng bâng khuâng đứng bên cửa sổ, da mặt xanh tái, tưởng như đàn quạ đen tới báo hiệu cho chàng.

Như người máy, chàng bước ra hành lang.

Khu trại được canh phòng nghiêm mật, tuy nhiên người gác chỉ ở vòng ngoài và núp kín đáo. Lê Tùng được tự do hoàn toàn ở vòng trong. Nghĩa là chàng bị giam lỏng. Chàng được ăn uống, giải trí sang trọng song không được rời trung tâm chiêu đãi.

Bất giác, chàng nhớ đến Huệ Lan.

Trước khi lên phi cơ ở Tân sơn nhất, chàng đã dặn Lê Diệp là đặt Huệ Lan ra ngoài nội vụ. Nhưng chàng linh tính là Huệ Lan đã bị kéo vào vòng. Nàng cũng bị giam lỏng ở Sài gòn. Giam lỏng cho tới khi Lê Tùng trở về. Nhưng liệu chàng có hy vọng trở về không?

Kế hoạch của ông Hoàng đã được thực hiện không sai một li. Đại tá Bùi Vinh đã khờ khạo đút đầu vào thòng lọng. Sớm muộn, Phan Thiện sẽ bị sa bẫy.

Khi ấy...

  Lê Tùng nhún vai cười một mình. Với hai bàn tay không, và ba tấc lưỡi, chàng sắp hoàn thành một việc mà nhiều nhân viên ưu tú của Sở không hoàn thành nổi: loại trừ Phan Thiện ra khỏi guồng máy Phản gián Bắc Việt.

Bỗng Lê Tùng khựng người.

Một hồi chuông báo nguy vô hình reo vang trong óc chàng. Chàng thấy phía trước người đứng lố nhố.

Vội vàng, chàng quay vào phòng. Có tiếng người kêu phía sau:

- Lê Tùng.

Chàng nghe tiếng thét thất thanh của Huyền Nhung ở cuối hành lang. Vụt hiểu, chàng chạy vào phòng tắm, mở cửa sổ, nhảy ra sân sau. Cũng may, khoảng đất này tối om. Suốt ngày, ngồi trên ghế xích đu quan sát địa thế, Lê Tùng đã thuộc lòng lối đi độc đáo từ sân sau ra vọng gác. Nếu phản ứng thật nhanh, chàng có thể ra tới vọng gác trong vòng một phút, dùng võ lực quật ngã hai tên cảnh vệ, rồi nhảy qua tường, đoạt xe đạp, lên Hà nội. Ông Hoàng đã bố trí cho chàng một địa điểm ẩn náu trong trường hợp kế hoạch bại lộ.

Đèn hành lang ra sân sau bật sáng.

Lê Tùng biết là nhân viên mật vụ ập vào bắt chàng. Tại sao bắt chàng? Tại sao Huyền Nhung kêu cứu? Tại sao đại tá Bùi Vinh tất tả lên xe?

Chàng không tin đây là lớp lang do Bùi Vinh đặt ra. Dầu sao chăng nữa, chàng cũng phải tìm cách thoát thân trước khi phăng ra sự thật.

Một dãy đèn nữa lại bật sáng.

Rồi tiếng gọi chát chúa:

- Lê Tùng. Lê Tùng đâu rồi.

Chàng nằm sát đất, bò bằng cánh tay. Với lối bò khôn ngoan này, nhiều lần chàng đã chui qua hàng rào kẽm gai truyền điện, thoát khỏi đèn pha lùng kiếm của vọng gác ở vùng duyên hải và giáp tuyến.

Trong nháy mắt, chàng đã biến vào bóng tối lờ mờ của khu trại rộng mênh mông.

Chàng rẽ sang bên trái, chạy nhanh đến ngôi nhà lớn lợp tôn. Huyền Nhung cho biết đó là nhà bếp và nhà kho dụng cụ. Một tiếng hô nổi lên:

- Ai đó, đứng lại?

Giật mình, chàng ngồi thụp xuống. Qua màn tối, chàng thấy thấp thoáng một khẩu súng cắm lưỡi lê sáng ngời.

Nhanh như cắt, chàng vụt dậy, hạ atémi vao cườm tay cầm súng. Khẩu súng trường rơi xuống nền đất, không gây ra tiếng động. Một khối thịt nặng nề lao vào người chàng. Chàng ôm lấy, vật nhào xuống cỏ.

Tên cảnh vệ chưa phải là đối thủ của chàng nên trong vòng một giây đồng hồ ngắn ngủi chàng đã chẹn được cuống họng và giáng đòn chí tử.

Nạn nhân rú ằng ặc rồi câm lịm.

Lê Tùng xoa tay đứng lên.

Thì một ngọn đèn sáng quắc chìa vào mặt chàng. Kèm theo tiếng quát:

- Lê Tùng, đầu hàng đi!

Chàng co chân định chạy nhưng một tràng tiểu liên đã nổ tacata, tacata... chặn hết lối thoát.

- Lê Tùng, đầu hàng kẻo chết!

Chàng thở dài, đưa hai tay lên đầu. Ba quân nhân võ trang tiểu liên Trung cộng từ trong bóng tối ùa ra. Tên thứ nhất quật báng súng vào đầu chàng. Chàng né tránh. Báng súng thứ hai vèo tới, chàng ngã vật vào tường.

Lê Tùng nghe tiếng cách quen thuộc.

Chàng đã nghe tiếng «cách»  này nhiều lần trong thời gian đóng vai khổ nhục kế ở Sài gòn. Đó là tiếng «cách» của còng sắt. Vòng thép lạnh buốt khép chặt cườm tay chàng. Một trái đấm rơi giữa mắt làm chàng nổ đom đóm mắt. Rồi nhiều trái đấm khác tiếp theo.

Mặt mày sưng húp, Lê Tùng nằm thiếp trên nền cỏ ướt.

*

Lê Tùng tỉnh dậy trong một gian phòng rộng, trần thiệt sang trọng, gắn máy điều hòa khí hậu.

Tuy nhiên, trong những giây đồng hồ đầu tiên, chàng không nhìn thấy cái máy lạnh 3 ngựa hiệu Fedders của Mỹ, những cái tủ sắt kiên cố sơn xanh kê sát tường, cái bàn làm việc to lớn đầy ắp điện thoại và dụng cụ vô tuyến. Chàng cũng không nhìn thấy chai rom bacadi, món uống tri kỷ của chàng, cũng như điếu xì-gà Havan chính hiệu đang nhả khói trên cái đĩa đựng tàn bằng vàng khói 18 cara, chạm trổ hình luỡng long triệu nguyệt.

Chàng chỉ nhìn thấy một khuôn mặt quen thuộc đang cúi xuống. Khuôn mặt quen thuộc mà xa lạ. Khuôn mặt hiền lành mà gớm ghiếc.

Khuôn mặt của Phan Thiện.

Giám đốc Phản gián Bắc Việt. Một trong những kẻ thù đáng sợ của nhân viên điệp báo Miền Nam.

Cũng như đối với Bùi Vinh, Lê Tùng mới gặp Phan Thiện bằng xương bằng thịt lần đầu trong đời. Song chàng đã quen hắn trong ảnh. Giống hệt trong ảnh, hắn có khuôn mặt vương vấn của người giàu nghị lực, cái miệng hay cười, hàm răng đều và trắng, và giống nhất là đôi mắt.

Mắt hắn sáng quắc như truyền điện. Khi nhìn ai, mắt Phan Thiện có thể đào sâu vào tâm tư, nếu cần có thể biến thành lưỡi dao sắc bén cắt đứt da thịt người lạ.

Cặp mắt kinh khủng ấy đang hướng vào Lê Tùng. Thấy chàng tỉnh dậy, Phan Thiện ra lệnh cho thuộc viên đỡ chàng ngồi lên ghế. Toàn thân Lê Tùng đau nhừ, cổ chàng dường như bị trật khớp, khiến chàng không thể quay đi, quay lại như thường lệ.

Chàng cảm thấy nôn nôn ở cuống họng. Điều này chứng tỏ chàng đã bị đánh mạnh vào gáy. Chàng giương mắt thản nhiên nhìn Phan Thiện.

Hắn đút điếu xì-gà cháy dở vào miệng, giọng ôn tồn:

- Anh khát không?

Sau khi tỉnh dậy, kẻ bị ngất thường đòi uống. Phan Thiện phải biết rõ nhu cầu đặc biệt ấy. Thế mà hắn vẫn hỏi. Trong một tích tắc đồng hồ ngắn ngủi. Lê Tùng biết Phan Thiện đang lôi chàng vào tấn trò mèo vờn chuột. Đã được huấn luyện chu đáo, chàng hy vọng có đủ nghị lực chống trả lại kỹ thuật thẩm cung điêu luyện của con cáo già Phản gián.

Chàng bèn gật đầu:

 - Khát.

Phan Thiện nhếch mép.

- Anh uống gì?

Lê Tùng nhìn chung quanh, vẻ ngơ ngác:

- Nếu có thể, xin anh một ly rom. Rom bacadi pha với côca-côla.

- Tôi đã ra lệnh mang bacadi tới cho anh. Đúng ra, anh không được hưởng sự đối xử tử tế. May mà người anh rắp tâm hãm hại lại là tôi – Phan Thiện. Vô phúc cho anh, nếu nạn nhân không phải là tôi. Anh đã bị băm vằm ra hàng trăm mảnh trước khi ra tòa, ra pháp trường đền tội.

- Tội gì?

- Đóng kịch làm gì nữa. Vô ích. Bùi Vinh đã bị bắt rồi.

- Anh nói đùa. Hồi nãy, Bùi Vinh vừa gặp tôi. Chúng tôi trò chuyện rất lâu. Vì có chuyện quan trọng nên Bùi Vinh phải lên xe về Hà nội. Lợi dụng lúc hắn vắng mặt, anh sai người bắt tôi và hành hạ tôi. Tôi sẽ khiếu nại với Bùi Vinh.

- Ha, ha... anh nói sai một vài điểm, tôi cần giải thích cho anh hiểu. Thứ nhất, anh không gặp Bùi Vinh hồi nãy mà là đêm qua. Anh ngất đúng 16 giờ đồng hồ. Thứ hai, Bùi Vinh là phụ tá của tôi, anh khiếu nại vô ích. Vả lại, tôi ra lệnh bắt hắn, giờ này hắn đang nằm trong khám. Đây này, anh coi...

Phan Thiện ném trước mặt Lê Tùng một tấm hình lớn. Trong hình, Bùi Vinh đứng giữa hai nhân viên an ninh, tay bị còng tréo, vẻ mặt thảm hại.

Phan Thiện vẫn nói bằng giọng ngọt ngào:

- Anh đã tin chưa?

Lê Tùng làm thinh. Phan Thiện tiếp:

- Hắn bị bắt về tội toa rập với mật vụ đế quốc để hãm hại một thủ lãnh Phản gián được tin cậy của nước Việt nam dân chủ cộng hòa.

Lê Tùng đáp:

- Nói dễ hiểu hơn. Anh bắt Bùi Vinh về tội đồng lõa với tôi.

- Đúng. Ông Hoàng, Văn Bình và anh là nòng cốt của một kế hoạch đại quy mô nhằm loại tôi ra khỏi guồng máy phản gián. Tôi bị triệt tiêu, các anh sẽ tha hồ hoạt động, tha hồ tác hại. Các anh lầm rồi. Tôi là một chuyên viên già dặn, có tai mắt khắp nơi. Tôi lại có bạn bè có thế lực trong Trung ương đảng bộ, tôi còn có bằng chứng cụ thể.  Bùi Vinh lợi dụng anh, lợi dụng lời khai hoàn toàn xuyên tạc của anh để tạo một bản cáo trạng láo khoét nộp lên Trung ương Đảng, yêu cầu bắt tôi.

- Hắn không hề bàn bạc với tôi.

- Dĩ nhiên, vì anh chỉ là tay sai rẻ tiền không hơn không kém. Giết tôi trước mặt không nổi, hắn bèn bố trí đâm sau lưng. Bằng cách mượn tay ông Hoàng, đổ vấy cho tôi là nhị trùng của miền Nam.

- Anh là người giàu óc tưởng tượng. Tôi bị ông Hoàng trù ếm nên tự đặt dưới quyền xử dụng của các anh. Tôi chẳng yêu thương các anh. Chẳng qua tôi cần tiền.

- Đóng kịch tài lắm. Tôi còn bận nhiều việc, không có thời giờ ở đây coi anh thủ vở. Vụ này sẽ được đưa ra tòa án. Tòa án đặc biệt của Trung ương Đảng, anh sẽ ra tòa làm chứng.

- Tôi chẳng biết gì hết.

- Không sao. Tòa chỉ hỏi những điều anh biết. Tòa ủy thác cho tôi thẩm cung anh. Anh nên khai thành thật, đừng bắt tôi phải dùng sức mạnh Phản gián trên khắp thế giới đều tàn nhẫn trong khi thẩm cung, chắc anh đã biết. Bây giờ, tôi bắt đầu. Anh nghe cho kỹ. Anh ra Hà nội lần này với sự đồng ý của ông Hoàng phải không?

- Đặt ra câu hỏi này, anh đã cố tình xô tôi vào thế kẹt. Hơn ai hết, anh thừa hiểu tôi phải trả lời không. Không, vì lẽ ông Hoàng đã tống khứ tôi ra khỏi Sở, tôi sống lang thang một thời gian dài, đến nỗi phải tống tiền giữa sòng bạc và hành hung nhân viên công lực.

- Nghĩa là anh tự ý ra Hà nội, ông Hoàng không hay biết.

- Đúng. Trên thực tế, tôi không tự ý đi đâu hết. Ra khỏi khám Chí Hòa, tôi đang thất nghiệp thì nhân viên của anh đến tìm. Tự ý họ đến tìm, không phải tự ý tôi. Nhân viên của anh ngã giá và tôi ưng thuận. Theo sự dàn xếp từ trước, tôi đi Hồng kông, ở đó một thời gian cho các anh khai thác, rồi lên đường qua Âu châu. Tình thế biến chuyển đột ngột ở Sài gòn bắt tôi phải thay đổi chương trình. Vả lại, chính các anh ép buộc tôi đi Hà nội. Nếu vụ này có bàn tay của ông Hoàng, tôi phải năn nỉ xin đi cho bằng được. Đằng này thì không.

- Ồ, họa là trẻ con anh mới dại dột lậy ông tôi ở bụi này. Anh không năn nỉ xin đi, song đã gián tiếp xin đi. Hơn thế nữa, anh còn có đồng lõa. Đại tá Bùi Vinh là đồng lõa của anh. Từ nhiều năm nay, Bùi Vinh là nhân viên bí mật của ông Hoàng. Anh được phái ra Bắc, giả vờ đầu hàng, để giúp Bùi Vinh cũng cố ngôi vị, loại bỏ tôi ra hàng ngũ lãnh đạo... Anh khôn ngoan lắm, nhưng anh ơi, tôi còn khôn ngoan hơn anh nhiều...

- Đó chỉ là giả thuyết. Giả thuyết đó anh tưởng tượng ra. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các anh bố trí đưa tôi ra Hà nội. Chẳng qua các anh muốn hạ nhau nên muợn tay tôi. Các anh muốn giết nhau, tuỳ ý, nhưng xin đừng kéo tôi vào.

Phan Thiện quắc mắt:

- Anh là can phạm, không có quyền bướng bỉnh và láo xược.

Lê Tùng bĩu môi:

- Thủ đoạn của anh quá tầm thường... Trước kia, hoạt động tại miền Bắc, tôi đinh ninh anh là tinh hoa Phản gián, giờ đây mới thấy rõ sự thật... Anh còn thua đại tá Bùi Vinh một vực, một trời...

Vẻ mặt giận dữ, Phan Thiện đứng dậy, tay vói lấy cái roi da để trên bàn.

Song cửa phòng đã mở toang.

Người bước vào đầu tiên là Bùi Vinh. Đại tá Bùi Vinh. Bùi Vinh không hề bị bắt, bị còng. Bùi Vinh với nụ cười đắc thắng trên môi. Cùng đi với Bùi Vinh là một quân nhân đeo lon đại tướng.

Lê Tùng quay lại, lẩm bẩm:

- Nguyễn chí Thanh.

Phải, người cùng đi với Bùi Vinh là đại tướng Tổng cục Chính trị Nguyễn chí Thanh.

Mặt Phan Thiện tái mét như gà cắt tiết. Nguyễn chí Thanh đứng trên ngưỡng cửa, nói giọng khô khan, và hách dịch:

- Nhân danh Hội đồng An ninh trong Trung ương Đảng bộ, tôi đến đây báo cho đồng chí một tin quan trọng. Sáng nay, hồi 8 giờ, Trung ương đã họp phiên thu hẹp bất thường, với sự hiện diện của toàn thể uỷ viên trong Hội đồng An ninh.

Phan Thiện kéo ghế, cử chỉ cung kính:

- Xin mời đại tướng ngồi.

Nguyễn chí Thanh rút trong túi ra một tờ giấy gập tư rồi nói:

- Cám ơn, tôi không cần ngồi. Yêu cầu đồng chí nghe quyết nghị của Trung ương Đảng bộ:

«Trong phiên họp thu hẹp từ 8 giờ đến 12 giờ sáng, Trung ương Đảng đã cứu xét báo cáo của đồng chí Phan Thiện, phó Vụ trưởng Vụ Lễ Tân, và là ủy viên dự khuyết Trung ương, về việc bắt giữ đồng chí đại tá Bùi Vinh về tội tư thông với gián điệp địch.

« Đồng thời, Trung ương Đảng cũng cứu xét báo cáo của đồng chí Bùi Vinh, được đệ trình 24 giờ trước.

«Sau khi thảo luận kỹ càng, và cân nhấc các chứng cớ được nêu ra trong báo cáo của đồng chí Bùi Vinh, Trung ương Đảng quyết định:

1- hạ lệnh phóng thích ngay đồng chí Bùi Vinh vì xét ra vô tội.

2- hạ lệnh bắt giữ ngay đồng chí Phan Thiện vì xét ra có tội.

3- hạ lệnh thành lập ngay một phiên tòa đặc biệt, với đại tướng Nguyễn chí Thanh, chủ tịch Hội đồng An ninh, làm chánh thẩm, đồng chí Lê Giản và đồng chí Nguyễn hữu Khiếu, uỷ viên Hội đồng An ninh, đồng thời là uỷ viên Trung ương Đảng làm bối thẳm để xét xử đồng chí Phan Thiện, căn cứ vào chứng cớ cụ thể do đồng chí Bùi Vinh đệ nạp. Bản án của tòa sẽ được thi hành ngay.

Bàn tay Phan Thiện run bần bật. Nguyễn chí Thanh nghiêm giọng gọi:

- Cảnh vệ.

Nhiều tiếng dạ ran. Nguyễn chí Thanh khoát tay.

- Bắt bị can Phan Thiện giải về khám.

Phan Thiện đứng yên, bồ hôi lấm tấm trên vừng trán rộng. Trong phút sa cơ, hắn vẫn giữ được bình tĩnh.

Bùi Vinh tiến lại gần Lê Tùng:

- Chào anh. Phiên tòa sẽ họp ngay. Theo đề nghị của tôi, anh sẽ được mời làm nhân chứng.

Lê Tùng nhổ bẹt nước bọt xuống tấm thảm Ba tư đắt tiền:

- Các anh làm tôi ghê tởm.

Phan Thiện lạnh lùng bước ra cửa, hai tay bị còng. Nguyễn chí Thanh dặn Bùi Vinh:

- Giao tên Lê Tùng cho đại tá.

Bùi Vinh đứng nghiêm chào. Căn phòng rộng mênh mông trở nên vắng tanh và nóng rực như bãi sa mạc Phi châu. Lê Tùng nhìn Bùi Vinh. Bùi Vinh nhìn Lê Tùng. Rồi hắn phá lên cười ha ha, ha ha...

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích