DocSachHay.net

im đồng hồ chỉ chín rưỡi, cô gái dạy thu áo quần vương vãi trên nền nhà và chậm rãi mặc vào. Tôi nằm chống một tay lên giường và ngắm cô qua khóe mắt. Không một động tác thừa và uyển chuyển như con mèo, cô mặc từng thứ một, nhẹ nhàng, im lặng. Cô kéo khóa váy lên, từ từ cài khuy áo từ trên xuống, sau đó ngồi xuống mép giường và đi tất. Rồi cô hôn lên má tôi. Nhiều phụ nữ có cách cởi quần áo vô cùng quyến rũ, nhưng phụ nữ có cách mặc quần áo cũng quyến rũ như thế thì hiếm hơn. Khi cô mặc xong và lấy tay vuốt mái tóc dài ra phía sau, không khí trong phòng như thay đổi/  

“Cảm ơn anh mời ăn”, cô nói.  

“Anh cảm ơn em mới phải”, tôi nói.  

“Bao giờ anh cũng nấu nhiều như thế à?”, cô hỏi.  

“Nếu không quá bận”, tôi nói. “Khi nào bận việc thì anh không nấu. Anh ăn những gì còn trong bếp hoặc ra nhà hàng.”  

Cô ngồi xuống ghế, lấy thuốc lá trong túi ra, châm một điếu. “Em hầu như không bao giờ tự nấu cho mình. Em không thích làm bếp. Với lại chỉ nghĩ đến lúc về nhà sau bảy giờ tối và phải nấu một đống đồ rồi ăn sạch chỗ ấy là em đã ngán tận cổ. Lúc ấy có cảm giác là người ta chỉ sống để ăn thôi, anh có thấy thế không?”  

Tôi nói, nghe cũng có lý.  

Trong khi tôi mặc quần áo, cô lấy một cuốn sổ tay trong túi ra và viết gì đó bằng bút bi, xé trang sổ ra đưa tôi. “Số điện thoại của em”, cô nói. “Nếu anh muốn gặp em hay có nhiều đồ ăn hay bất cứ chuyện gì thì gọi em. Em sẽ đến.”  

Khi cô đi khỏi nhà với ba quyển sách thư viện về động vật có vú, căn phòng đột nhiên im ắng lạ thường, im ắng đến khó chịu. Tôi đi ra trước ti vi, lấy T-Shirt xuống và ngắm nghía chiếc đầu lâu thú một sừng lần nữa. Và tôi có cảm tưởng rằng nó chính là chiếc đầu lâu bí ẩn mà viên đại úy bộ binh xấu số ở mặt trận Ucraina nhặt được, cho dù không hề có một minh chứng nhỏ nhoi nào. Tôi càng ngắm lâu thì càng tin chắc vào một dạng nghiệp chướng bao phủ quanh nó. Có thể do tôi vừa nghe xong câu chuyện nên tưởng tượng ra quá nhiều chăng. Không có chủ ý rõ rệt, tôi nhấc chiếc kẹp bằng thép lên và gõ nhẹ vào cái đầu lâu.  

Sau đó tôi rửa cốc chén và lau bàn bếp. Đã đến lúc lập dãy số ngẫu nhiên. Để không bị quấy rầy, tôi bật máy trả lời điện thoại, cắt chuông cửa và tắt hết ánh sáng trong nhà, chỉ bật mỗi đèn cây trong bếp. Công việc này đòi hỏi phải tập trung cao độ ít nhất hai tiếng liền.  

Mã số cho danh mục ngẫu nhiên của tôi là “Tận cùng thế giới”. “Tận cùng thế giới là tiên đề của một kịch bản mang tính cá nhân sâu sắc, trên cơ sở kịch bản này, tôi tiến hành chuyển hoán các số đã được sửa sang ngôn ngữ máy tính. Tất nhiên, “kịch bản” này không giống chút nào những thứ ta vẫn thấy trên ti vi hay ở nhà hát. Mọi chuyện xảy ra hỗn độn, không theo một mạch truyện nào. Cái tên “kịch bản” chẳng có gì khác một danh hiệu đặt tạm vì lý do tiện lợi. Nội dung vở này là gì thì tôi không rõ, người ta không báo cho tôi biết. Tôi chỉ biết đầu đề là “Tận cùng thế giới”. Không biết gì hơn.  

Các nhà khoa học của Hệ thống đã ấn định kịch bản này. Sau một năm học khóa dự bị và đỗ kỳ sát hạch toán sư cuối cùng, người ta đã cho tôi vào máy đông lạnh hai tuần. Trong thời gian này, họ khám nghiệm các sóng não của tôi, tách ra một thứ có thể gọi là “lõi ý thức hệ” và biến nó thành vở kịch mã số để tạo ra các dữ liệu tình cờ, sau đó cấy lại vào não. Qua đó ý thức hệ của tôi hoàn toàn biến thành một cơ cấu kép. Một mặt thì tổng ý thức hệ tồn tại như một sự hỗn độn, mặt khác thì lõi ý thức hệ cấy vào đó – như hạt trong quả mơ muối – tồn tại trong dạng hỗn độn tích nén.  

Nhưng người ta không cho tôi biết hạt nhân ý thức hệ mang nội dung gì.  

“Anh không việc gì phải biết”, họ nói. “Khi có nhu cầu, anh có thể kích hoạt lõi đó. Vì kịch bản mã hóa ‘Tận cùng thế giới’ là chính anh. Song anh không được phép biết nội dung vở kịch. Tất cả diễn ra ngay trong một đại dương đầy hỗn độn, và anh ngoi ra khỏi đó với hai bàn tay trắng. Chính sự thiếu vắng đó của ý thức hệ là cái chúng tôi cần. Anh hiểu chứ?”  

“Tôi hiểu”, tôi nói.  

Sau đó họ dạy tôi cách xáo trộn dữ liệu. Việc này phải làm một mình, trong đêm, bụng không no và không đói. Nghe ba lần liền một âm tiết đã định trước. Bằng cách đó tôi có thể kích hoạt kịch bản “Tận cùng thế giới”. Khi đã kích hoạt rồi, ý thức hệ của tôi sẽ chìm vào hỗn độn. Chìm trong sự hỗn độn ấy, tôi ngồi xáo trộn dữ kiện, làm xong thì “Tận cùng thế giới” bị giải trừ và tôi lại thoát khỏi sự hỗn độn. Việc xáo dữ kiện cũng hoàn thành, và tôi cũng không nhớ gì nữa. Khi sắp xếp dữ liệu đã xáo trộn lại cho đúng tình trạng ban đầu thì đơn giản là làm mọi thứ theo chiều đảo ngược. Âm tiết cũng được đảo ngược.  

Đó là chương trình người ta đã cấy vào tôi. Tôi chỉ hoạt động như một đường hầm dẫn đến cõi vô thức. Tất cả diễn biến thông qua một mình tôi. Vì vậy khi xáo dữ liệu tôi luôn có cảm giác yếm thế và phải phơi mình cho mọi công kích. Khác với lúc rửa số. Rửa số thì mất thì giờ và mệt, nhưng trong khi làm việc tôi có thể tự hào về mình vì việc này đòi hỏi sự tập trung sử dụng toàn bộ khả năng của tôi.  

Ngược lại, công tác xáo dữ liệu hoàn toàn không dính dáng gì đến khả năng hay có gì đáng tự hào cả. Tôi bị sử dụng. Ai đó sử dụng ý thức hệ của tôi – cái ý thức hệ mà tôi không nhận biết – để xử lý một cái gì đó mà tôi cũng không nhìn thấy. Có cảm giác là khi xáo dữ liệu kỳ thực tôi không được gọi mình là toán sư nữa.  

Tất nhiên tôi không có quyền ấn định phương pháp tính toán như mình muốn. Người ta cấp cho tôi hai giấy phép, một cho rửa số và một cho xáo số. Và họ ấn định cách tiến hành công việc. Nếu tôi không thích thì phải đổi nghề. Tôi đâu muốn thế. Trừ phi có vấn đề gì xích mích với Hệ thống và phải ra đi, hầu như không có nghề nào khác cho phép ta phát triển khả năng một cách tự do và độc lập như nghề này, và thu nhập cũng xứng đáng. Sau mười lăm năm có một khoản tiết kiệm đủ để sống phần đời còn lại một cách vô ưu. Vì mục đích ấy, tôi luôn đăng ký tham gia các kỳ sát hạch mà nghe tỷ lệ trượt đã thấy choáng, và đỗ hết. Vì mục đích ấy, tôi đã cắn răng qua các khóa đào tạo nghiệt ngã.  

Trong khi xáo số, chất cồn không hại gì, thậm chí người ta còn khuyên dùng một lượng vừa phải để giảm căng thẳng. Riêng tôi thì luôn chú ý không uống một giọt nào trước khi bắt đầu. Thêm nữa là từ sau khi phương pháp này bị “đóng băng” tôi đã nghỉ hơn hai tháng không sử dụng rồi, nên cẩn thận thì hơn. Tôi tắm nước lạnh, tập mười lăm phút bài thể dục nặng, sau đó uống hai tách cà phê đen. Nói chung thế là đủ để tiêu hết lượng cồn dư trong cơ thể.  

Tôi mở két lấy ra danh sách số đánh máy và một máy ghi âm cỡ nhỏ, đặt tất cả lên bàn bếp. Sau đó tôi xếp ngay ngắn năm bút chì vót nhọn và vở ghi chép, trước khi ngồi xuống ghế.  

Trước tiên tôi bật máy ghi âm. Tôi đeo ống nghe lên, để bộ đếm chạy lên số 16, rồi ngược về số 9, lại xuối tiếp lên số 26. Sau mười giây tự chỉnh, bộ đếm tắt đi và tín hiệu được phát ra. Hễ làm khác tiến trình đó thì âm tiết thu trên băng sẽ tự động bị xóa.  

Xong chu trình quy định, tôi đặt vở ghi chép qua bên phải, các số đã rửa qua bên trái. Công tác chuẩn bị thế là hoàn tất. Chấm đèn đỏ sáng lên ở những nơi có thể thâm nhập là cửa đi và cửa sổ, báo hiệu hệ thống báo động đã bật. Mọi việc đều ổn. Không có lỗi nào. Tôi vươn tay ấn nút PLAY trên máy ghi âm, tín hiệu vang lên, sự hỗn độn xuất hiện nhẹ nhàng ấm áp và hút tôi vào.  

<Tôi>  

Hỗn độn -------->  

DocSachHay.netDocSachHay.net

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích