Xơ Carrie
Chương XXXI: Con cưng của số phận

Với Carrie, ảnh hưởng của thành phố và tình hình riêng của Hurstwood diễn ra tương đương nhau, cô vui vẻ tiếp nhận mọi thứ mà số phận mang lại. Mặc dù ban đầu cô không ưa New York, chỉ ít lâu sau cô rất thích nó. Không khí thành phố trong trẻo, phố xá đông người hơn, và sự thờ ơ đặc biệt gây cho cô ấn tượng rất mạnh. Cô chưa bao giờ thấy một căn hộ nhỏ như của cô, và chẳng mấy chốc nó đã chiếm được tình cảm của cô. Nội thất mới tinh tạo ấn tượng nổi bật, tủ buýp phê do chính Hurstwood sắp xếp sáng lấp lánh. Đồ đạc trong từng phòng rất phù hợp, trong phòng khách cũng như phòng đằng trước đều đặt dương cầm, vì Carrie nói muốn học đàn. Cô có một người hầu và nhanh chóng phát triển các mưu kế và cách cung cấp thông tin trong nhà. Lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy ổn định, và dù sao cũng đàng hoàng trong cái nhìn của xã hội đúng như cô quan niệm. Ý nghĩ của cô đủ vui vẻ và ngây thơ. Trong một thời gian dài cô chỉ bận tâm đến việc sắp xếp căn hộ ở New York, và ngạc nhiên vì mười gia đình cùng sống trong một tòa nhà mà vẫn xa lạ và dửng dưng với nhau. Cô cũng kinh ngạc vì tiếng còi của hàng trăm con tàu trong cảng, những hồi còi dài và trầm của các tàu chạy bằng hơi nước và phà khi có sương mù. Những con tàu này dường như nói lên rằng biển cả khiến chúng trở nên đáng thán phục. Từ các cửa sổ phía tây, Carrie ngắm nhìn Hudson và thành phố phát triển nhanh chóng ở bờ bên kia. Nó có nhiều thứ để suy ngẫm và đủ giải trí cho cô hơn một năm mà chưa chán.

Thêm nữa, Hurstwood quá quan tâm đến tình yêu dành cho cô. Tuy rất lo lắng, song ông chưa bao giờ lộ ra những khó khăn với cô. Ông xử sự với vẻ tự cao tự đại, ung dung nhận cương vị mới vì đã quen việc và hãnh diện vì các xu hướng và thành công của Carrie. Tối tối ông về ăn cơm rất đúng giờ và thấy trong phòng ăn xinh xắn một cảnh tượng hấp dẫn. Về mặt nào đấy, sự nhỏ bé của căn phòng tăng thêm sự xa hoa cho nó. Trông nó trọn vẹn và đầy đủ. Bàn ăn trải khăn trắng muốt, bày các đĩa xinh xắn, cây đèn bốn ngọn nến chiếu sáng, mỗi ngọn có một cái chụp màu đỏ. Những miếng cá, thịt hoặc sườn nướng để giữa Carrie và cô hầu, còn đồ hộp tạm thời không đụng đến. Carrie học cách làm bánh quy, và sớm đạt đến trình độ có thể trưng ra một đĩa những miếng bánh nhẹ nhàng, ngon lành nhờ công sức của cô.

Tháng thứ hai, thứ ba và thứ tư qua đi như thế. Mùa đông đã đến, cùng với cảm giác ở nhà là hơn cả, vì thế việc đi xem hát không nhắc đến nhiều. Hurstwood rất cố gắng trang trải mọi chi tiêu mà không lộ ra vẻ này, khác. Ông giả vờ đang tái đầu tư tiền nong để củng cố công việc làm ăn cho những hồi kết huy hoàng hơn trong tương lai. Ông tạm bằng lòng khoản chi quần áo cho ông rất ít ỏi, và hiếm khi đề nghị mua bất cứ cái gì cho Carrie. Mùa đông đầu tiên đã trôi qua như thế.

Trong năm thứ hai, công việc Hurstwood điều hành có phần phát đạt hơn. Hàng tháng, ông thường xuyên được một trăm rưỡi đôla như ông lường trước. Thật không may, dạo này Carrie đã rút ra những kết luận chắc chắn, và ông đã cãi cọ với vài người quen.

Vốn là người thụ động, dễ tiếp thu hơn là năng động và tháo vát, Carrie chấp nhận hoàn cảnh. Tình trạng của cô dường như đủ hài lòng. Thỉnh thoảng họ đi xem hát cùng nhau, đôi khi trong mùa nghỉ, họ đến bãi biển và nhiều nơi khác nhau trong thành phố, nhưng họ chọn không gặp người quen. Lẽ tất nhiên Hurstwood đã không còn thể hiện các cung cách khéo léo với cô và giảm bớt một trong những thói quen. Không có những hiểu lầm, không có những khác biệt hiển nhiên về quan điểm. Trên thực tế, không hề có tiền hoặc bạn bè tới thăm, ông kéo dài một cuộc sống không thể khuấy động ghen tuông hoặc bình luận. Carrie khá cảm thông với những cố gắng của ông và không để tâm đến việc thiếu những trò giải trí như cô từng hưởng hồi ở Chicago. New York như một thực thể liên hợp và căn hộ của cô tạm thời đủ dùng.

Tuy nhiên, khi công việc làm ăn của Hurstwood phát đạt, ông bắt đầu lựa chọn những người quen biết, như một thông lệ. Ông cũng tự cho phép mình may mặc nhiều hơn. Ông tự thuyết phục rằng cuộc sống gia đình rất quý giá với ông, nhưng thỉnh thoảng phải được phép không ăn tối ở nhà. Lần đầu tiên làm thế, ông nhắn về là ông bị giữ chân. Carrie ăn một mình, và mong việc đó sẽ không xảy ra lần nữa. Lần thứ hai cũng thế, ông nhắn về, nhưng vào lúc cuối cùng. Lần thứ ba ông quên bẵng và sau đó mới giải thích. Những sự kiện này tách rời trong nhiều tháng.

- Anh đã ở đâu vậy, George? - Carrie hỏi, sau lần vắng mặt thứ nhất.

- Anh bị giữ lại nơi làm việc, - ông ân cần nói. - Có vài việc anh phải uốn nắn.

- Em tiếc vì anh không thể về nhà, - cô cởi mở nói. - Em đã làm một bữa ngon đến thế.

Lần thứ hai ông nại cớ tương tự, nhưng lần thứ ba khiến Carrie cảm thấy nó hơi không bình thường.

- Anh không thể về nhà, - tối hôm sau, ông nói. - Anh bận quá.

- Anh không thể nhắn cho em biết được ư? - Carrie hỏi.

- Anh cũng định thế, - ông nói. - nhưng anh quên khuấy, cho đến khi muộn quá chẳng làm gì được nữa.

- Còn em đã có một bữa tối ngon lành! - Carrie nói.

Lúc này, từ những quan sát của ông về Carrie, ông hình dung cô là loại chỉ thích quanh quẩn ở nhà. Sau một năm, ông thực lòng cho rằng những thể hiện tình cảm chủ yếu của cô trong cuộc sống là tìm thấy bản chất tự nhiên trong các công việc nội trợ. Tuy ông đã xem cô diễn kịch ở Chicago, nhưng suốt một năm qua, ông chỉ thấy cô giới hạn trong những mối quan hệ với căn hộ của cô và ông, do tình trạng ông tạo ra, cô không hề có bất cứ người bạn hoặc hội hè nào, ông đã rút ra kết luận khác thường này. Ông mãn nguyện có một người vợ hài lòng với tình trạng như thế, và sự mãn nguyện này đã tạo nên kết quả tự nhiên của nó. Vì ông tưởng cô toại nguyện, ông cảm thấy chỉ cần cho những thứ như thế là đủ góp phần vào sự thỏa mãn ấy. Ông đã cung cấp đồ đạc, đồ trang trí, đồ ăn thức uống và quần áo cần thiết. Ý nghĩ làm cô vui, đưa cô vào cuộc sống huyên náo và phô trương ngày càng ít dần. Ông cảm thấy thế giới bên ngoài đầy lôi cuốn, nhưng không còn nghĩ cô muốn đi cùng. Có lần ông đi xem hát một mình. Lần khác ông nhập bọn với vài người bạn mới trong một buổi tối chơi bài pôkơ. Từ khi tiền nong khấm khá trở lại, ông thấy thích ăn mặc chải chuốt. Tuy nhiên, tất cả không còn cung cách đường bệ như thói quen của ông ở Chicago nữa. Ông tránh những nơi vui vẻ vì dễ gặp những người biết ông.

Carrie bắt đầu cảm thấy chuyện này theo nhiều cách nhạy cảm khác nhau. Cô không thuộc loại phiền lòng lắm vì những hành động của ông. Không yêu ông thắm thiết, nên cô không ghen theo kiểu làm rối tung lên. Thực ra, cô không ghen tí nào. Hurstwood khiến cô hài lòng vì thái độ thích đáng, khi ông còn coi trọng việc đó. Lúc ông không về nhà, cô thấy cũng chẳng có gì khủng khiếp. Cô tán thành việc ông có những cám dỗ thông thường của đàn ông - những người ông trò chuyện, những nơi ông ghé đến, các bạn bè cùng trao đổi. Cô rất sẵn lòng để ông tiêu khiển theo cách của ông, nhưng cô không thích bị bỏ lơ. Tuy nhiên, tình hình của cô xem chừng vẫn khá hợp lý. Cô chỉ nhận thấy Hurstwood có phần khang khác.

Trong năm thứ hai ở phố Bảy mươi tám, một phụ nữ trẻ rất đẹp cùng chồng dọn đến căn hộ bỏ trống, đối diện với tiền sảnh của họ. Sau này, cả hai làm quen với Carrie. Việc này xảy ra chỉ vì sự bố trí của các căn hộ ở cùng một nơi, do cái giá đưa đồ ăn. Loại thang máy tiện lợi này dùng đưa chất đốt, các đồ tạp phẩm từ dưới tầng hầm lên và chở rác cùng các loại phế thải xuống, cho hai nhà cùng tầng dùng chung, mỗi căn hộ có một cửa nhỏ mở thông vào giá.

Nếu các cư dân của cả hai căn hộ đáp lại tiếng còi của người trông nom nhà cùng một lúc, họ sẽ đứng đối diện khi mở cửa giá. Một buổi sáng, khi Carrie đến lấy báo, người mới đến, một phụ nữ xinh đẹp da nâu trạc hai mươi ba tuổi cũng đến đó với mục đích tương tự.

Cô ta mặc áo ngủ và áo choàng, đầu tóc rối bù, nhưng trông xinh đẹp và niềm nở đến mức Carrie thấy mến ngay lập tức. Người đó chỉ mỉm cười bẽn lẽn, nhưng thế là đù. Carrie thấy muốn làm quen, và một cảm giác tương tự cũng khuấy động trong người kia, cô ta thán phục gương mặt thánh thiện của Carrie.

- Người phụ nữ mới dọn đến nhà bên cạnh rất xinh đẹp, - Carrie kể với Hurstwood bên bàn ăn.

- Họ là ai vậy? - Hurstwood hỏi.

- Em không biết, - Carrie nói. - Tên đề trên quả chuông là Vance. Có ai ở đằng ấy chơi đàn rất hay. Em đoán là cô ta.

- Ờ, trong thành phố này em đừng bao giờ kể lể này nọ về những người ở nhà bên cạnh, nhớ chưa? - Hurstwood nói, nhấn mạnh quan niệm thông thường của New York về hàng xóm.

- Anh nghĩ xem, - Carrie nói, - em ở đây với chín gia đình khác đã hơn một năm mà em chưa quen biết người nào. Những người này ở đây đã hơn một tháng mà đến sáng nay em mới nhìn thấy một người.

- Thế càng hay, - Hurstwood nói. - Em không bao giờ biết là sẽ giao du với ai đâu. Có khi những người này lại là bạn tốt.

- Em mong thế, - Carrie nói, tán thành.

Câu chuyện xoay sang chủ đề khác, và Carrie không nghĩ đến việc này nữa cho đến một, hai ngày sau, cô đi chợ thì chạm trán với cô Vance. Cô ta nhận ra Carrie và gật đầu chào, Carrie mỉm cười đáp lại. Việc này tạo khả năng làm quen. Nếu lần này không nhận ra nhau, chắc sẽ không có sự giao thiệp sau này.

Suốt vài tuần, Carrie chưa nhìn thấy cô Vance, nhưng đã nghe cô ta chơi đàn qua bức tường mỏng ngăn phòng đằng trước của các căn hộ, và thích sự lựa chọn thú vị các tác phẩm và sự tài hoa trong diễn xuất của họ. Bản thân Carrie chỉ có thể chơi ở mức độ rất xoàng, nên khi cô Vance thể hiện đa dạng, Carrie thấy gần như một tài năng lớn. Mọi thứ cô nhìn thấy và nghe thấy - tuy chỉ là những mảnh nhỏ và hình bóng - cho thấy trong một tiêu chuẩn nào đấy, những người này rất tao nhã và sống dư dật. Vì thế Carrie sẵn sàng mở rộng quan hệ bạn bè nếu được phép.

Một hôm chuông nhà Carrie reo và người hầu đang trong bếp, ấn nút ở lối vào chung tầng trệt để mở chốt bằng điện. Khi Carrie đợi bên cửa tầng ba xem ai gọi, thì cô Vance xuất hiện.

- Xin cô tha lỗi, - cô ta nói. - Tôi ra đi lúc nãy và quên mang theo chìa khóa ngoài, nên đành bấm nhờ chuông nhà cô vậy.

Đây là mánh chung của các cư dân trong tòa nhà mỗi khi quên chìa khóa ngoài. Song họ thường không xin lỗi.

- Không sao, - Carrie nói. - Tôi mừng vì chị đã làm thế. Thỉnh thoảng tôi cũng làm vậy.

- Thời tiết hôm nay không dễ chịu lắm, nhỉ? - Cô Vance nói và ngập ngừng giây lát.

Thế là, sau vài lời mở đầu, quan hệ thăm hỏi đã hình thành, cả cô Vance lẫn Carrie đều tìm thấy một tình bạn dễ chịu.

Thỉnh thoảng, Carrie sang thăm cô ta và được cô ta đáp lễ. Cả hai căn hộ đều đẹp, tuy nhà Vance có phần sang trọng hơn.

- Tối nay, tôi muốn cô đến chơi và gặp chồng tôi, - không lâu sau khi quen biết, cô Vance nói. - Anh ấy muốn gặp cô. Cô biết chơi bài chứ?

- Tôi chỉ biết một chút thôi, - Carrie nói.

- Vậy chúng ta sẽ chơi bài. Nếu chồng cô về, mời anh ấy đến chơi luôn thể.

- Tối nay anh ấy không về ăn cơm, - Carrie nói.

- Vậy khi nào anh ấy về, chúng tôi sẽ mời luôn.

Carrie ưng thuận và tối hôm đó cô gặp Vance, một người đẫy đà, trẻ hơn Hurstwood vài tuổi, nhìn bề ngoài anh ta có cuộc sống vợ chồng ấm cúng, tiền nong dư dật hơn là vẻ đẹp con người. Ngay từ cái liếc nhìn đầu tiên, anh đã có thiện cảm với Carrie và đối xử thân ái, dạy cô chơi bài kiểu mới và trò chuyện với cô về New York cùng những thú vui của nó. Cô Vance chơi vài bài dương cầm, và cuối cùng Hurstwood đến.

- Rất vui được gặp cô, - ông nói với cô Vance khi Carrie giới thiệu, ông thể hiện vẻ duyên dáng xưa đã quyến rũ được Carrie.

- Ông có nghĩ là vợ ông bỏ trốn không? - Vance nói và chìa tay ra giới thiệu.

- Tôi không biết liệu cô ấy có thể tìm được người chồng nào tốt hơn không, - Hurstwood nói.

Ông chú ý đến cô Vance, và trong giây lát Carrie lại nhìn thấy điều cô đã mất trong con người Hurstwood - sự khéo léo và tâng bốc mà ông rất thạo. Cô cũng thấy cô ăn vận không sang trọng như cô Vance, còn lâu mới bằng. Những ý nghĩ mơ hồ này kéo dài không lâu. Tình cảnh của cô đã rõ ràng. Cô thấy cuộc sống của cô đang trở nên buồn chán, và lần này cô cảm nhận được căn nguyên nỗi buồn. Nỗi u sầu cũ đầy thôi thúc, mong muốn là người có ích đã trỗi dậy. Carrie luôn khao khát được thì thầm nhỏ to liên quan đến những khả năng của cô.

Kết quả của nhận thức này không xảy ra ngay lập tức, vì Carrie ít chủ động. Nhưng dù sao cô cũng có khả năng hiểu bản thân trong xu thế thay đổi khiến cô dễ chịu đựng. Hurstwood không nhận thấy gì. Ông không ý thức được những điều tương phản mà Carrie đã quan sát thấy. Thậm chí ông chẳng hề nhận thấy bóng dáng u buồn đọng trong mắt cô. Tệ hơn cả, lúc này cô bắt đầu cảm thấy lẻ loi trong nhà và tìm kiếm, bầu bạn với cô Vance, người quá ưa thích cô.

Một buổi sáng, cô Vance vào nhà Carrie, vẫn khoác áo ngủ mềm màu hồng mặc từ lúc dậy. Hurstwood và Vance đã ai đi đường nấy từ một giờ trước đó.

- Chiều nay chúng ta đi xem hát đi, - cô Vance nói.

- Được thôi, - Carrie nói, nhận ra vẻ được cưng chiều và ăn vận đẹp đẽ trong diện mạo nói chung của cô Vance. Trông cô như thể rất được yêu quý và chiều chuộng từng mong muốn nho nhỏ. - Chúng ta sẽ xem gì đây?

- Ồ, tôi muốn xem Nat Goodwin, - cô Vance nói. - Tôi nghĩ anh ta là diễn viên thú vị nhất đấy. Báo chí nói đây là một vở hay.

- Chúng ta phải đi lúc mấy giờ? - Carrie hỏi.

- Khởi hành lúc một giờ và đi bộ xuống Broaway từ phố Ba mươi tư, - cô Vance nói. - Đây là một chuyến tản bộ thú vị. Anh ta ở Madison Square.

- Tôi rất sẵn lòng, - Carrie nói. - Chúng ta phải trả tiền vé bao nhiêu?

- Không quá một đôla, - cô Vance nói.

Cô ta đi ra, và lúc đồng hồ điểm một giờ lại xuất hiện, lộng lẫy trong trang phục dạo chơi màu xanh sẫm, với chiếc mũ sang trọng phù hợp. Carrie đã tô điểm đủ đẹp, nhưng người phụ nữ này làm cô đau đớn vì sự tương phản. Hình như cô ta có nhiều món đồ xinh đẹp, cầu kỳ mà Carrie không có. Những đồ nữ trang bằng vàng, cái ví da màu xanh lá cây thanh lịch khắc chữ đầu tên cô, cái mù soa đẹp, họa tiết phong phú, và đại loại thế. Carrie cảm thấy cần nhiều quần áo hơn và đẹp hơn so với người phụ nữ này, vì nếu có ai nhìn hai người sẽ chọn ngay cô Vance chỉ vì y phục. Đây là một ý nghĩ khó chịu tuy khá bất công, vì hiện giờ thân hình Carrie đã nảy nở đẹp đẽ và duyên dáng, cô thuộc tuýp phụ nữ vô cùng hấp dẫn vì sắc thái nhan sắc của mình. Trang phục của hai người rất khác biệt, cả chất liệu và thời đại, nhưng sự khác biệt này không dễ nhận thấy. Tuy nhiên, nó tăng thêm sự bất mãn của Carrie với tình trạng của mình.

Dạo chơi xuống Broadway là một trong những nét đặc biệt nổi bật của thành phố hồi đó. Tập hợp tại đó trước và sau buổi diễn không chỉ toàn bộ các phụ nữ đẹp thích dạo phố phô trương, mà cả đám mày râu thích nhìn ngắm và ngưỡng mộ họ. Đây là cuộc diễu hành rất ấn tượng của các gương mặt kiều diễm và áo quần rực rỡ. Phụ nữ diện mũ, giày, găng đẹp nhất, bước đi tay khoác tay đến những cửa hiệu sang trọng hoặc các nhà hát chạy dài từ phố Mười bốn đến phố Ba mươi tư. Đàn ông cũng đi diễu trong những bộ cánh mới nhất. Thợ may phải bảo đảm những dấu vết trên kích thước bộ complê, thợ giầy ở cốt giầy và màu sắc thích hợp, thợ làm mũ trên mũ. Thật vậy, nếu một người mê thích thời trang muốn bảo đảm cho một bộ đồ mới, chắc chắn là trước hết phải đi dạo ở Broadway. Hiểu rõ và chính xác thực tế này, vài năm sau có một bài hát rất phổ biến tên là Chàng có ở Broadway không[32] rất hợp thời tại các nhà hát trong thành phố, miêu tả tỉ mỉ những sự việc liên quan đến cuộc dạo chơi buổi chiều trong những ngày có suất diễn.

Suốt thời gian ở New York, Carrie chưa bao giờ nghe về cuộc diễu hành hào nhoáng này, chưa bao giờ có mặt ở Broadway khi việc đó diễn ra. Song, đây là một việc quen thuộc với cô Vance, cô ta chỉ không hiểu nó như một thực thể, nhưng thường xuyên có mặt, chủ tâm đi để nhìn ngắm và được ngắm nhìn, gây náo động vì nhan sắc của mình và xua tan mọi khuynh hướng trưng diện bằng cách bản thân cô tương phản với vẻ đẹp và thời trang của tỉnh lẻ.

Sau khi họ xuống xe trên phố Ba mươi tư, Carrie bước đi khá ung dung, nhưng chẳng mấy chốc cô đã dồn con mắt vào đám đông thú vị lúc họ dạo chơi. Cô bỗng nhận ra cung cách của cô Vance khá cứng nhắc dưới cái nhìn chăm chú của cánh mày râu và các quý bà quý cô ăn vận thanh lịch, những cái liếc nhìn của họ không thay đổi vì mọi phép tắc đúng mực nào. Nhìn chằm chằm hình như là một việc phù hợp và tự nhiên. Carrie nhìn chăm chú và cũng bị nhìn hau háu. Nam giới mặc áo bành tô hoàn mỹ, đội mũ cao, vừa bước đi vừa vung can đầu bịt bạc và nhìn bằng con mắt rất có ý thức. Phụ nữ sột soạt váy áo cứng nhắc, lan tỏa những nụ cười và hương thơm giả tạo. Carrie nhận thấy trong những thứ đó rất ít tinh túy và rất nhiều sự xấu xa. Má đỏ phấn và môi thắm son, mái tóc thơm phức, những cặp mắt to, mờ mịt và yếu đuối là phổ biến. Cô giật mình nhận ra rằng cô đang trong một đám đông thời trang, đang dạo chơi ở một nơi phô trương và hào nhoáng đến thế! Rất nhiều tủ kính bày nữ trang, châu báu sáng lấp lánh trong các cửa hiệu dọc phố. Những cửa hàng bán hoa, lông thú, đồ lót nam giới, bánh mứt kẹo... nối nhau liên tiếp. Đường phố đầy xe cộ. Những người gác cửa trịnh trọng mặc chế phục lộng lẫy, thắt lưng và khuy áo bằng đồng sáng chói, đợi ở đằng trước các phòng bán đấu giá xa hoa. Xà ích đi ủng màu vàng nâu, quần bó màu trắng và áo khoác xanh lơ, khúm núm đợi các nữ chủ nhân đang mua sắm. Toàn bộ con phố phảng phất hương vị giàu sang và phô trương, còn Carrie cảm thấy cô không có gì hết. Cuộc sống của cô không cho phép có thái độ và vẻ sang trọng của cô Vance, người được chu toàn mọi thứ cho nhan sắc của mình. Carrie hình dung rằng nhiều người sẽ nghĩ là rành rành trong hai người, cô ăn mặc kém đẹp hẳn. Nó làm cô tổn thương rất nhanh, và cô quyết định rằng sẽ không đến đây lần nữa, cho đến khi nào trông cô đẹp đẽ hơn. Đồng thời, cô ước mong được cảm thấy sung sướng dạo chơi ở đây như một người bình đẳng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Xơ Carrie Chương XXXI: Con cưng của số phận

Có thể bạn thích