Xơ Carrie
Chương XL: Bất đồng công khai

Tuy nhiên, Carrie không quan tâm đến cuộc vui sau buổi diễn. Trên đường về nhà, cô mải nghĩ đến sự vắng mặt của mình. Hurstwood đã đi nằm, nhưng nhổm phắt dậy lúc nhìn thấy cô đi ngang qua về giường mình.

- Em đấy à? - Ông hỏi.

- Vâng, - cô trả lời.

Sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm, cô cảm thấy muốn tạ lỗi.

- Tối qua em không thể về nhà được, - cô nói.

- Chà, Carrie, - ông trả lời, - nói thế còn có ích gì? Anh không quan tâm. Tuy vậy, em không cần nói thế với anh.

- Em không thể, - cô nói, mặt đỏ bừng. - Rồi nhìn thấy vẻ mặt của ông như nói: “Tôi hiểu”, cô kêu lên. - Được thôi. Em không cần.

Từ đó trở đi, cô ngày càng hờ hững với căn nhà. Hình như họ chẳng còn lý do chung để trò chuyện với nhau. Cô cứ để bị hỏi đến chi tiêu.

Còn ông ghét phải làm thế. Thà ông phải mua chịu người bán thịt và bán bánh còn hơn. Ông tích hóa đơn mua tạp phẩm với Oeslogge đến mười sáu đôla, dự trữ các mặt hàng chính, để họ không phải mua bất kỳ thứ gì trong một thời gian. Rồi ông đổi cửa hàng tạp phẩm.

Ông cũng làm thế với hàng thịt và vài hàng khác. Carrie không hề nghe biết việc gì trực tiếp từ ông. Ông đòi hỏi những thứ có thể mong muốn, để trượt dài, trượt mãi vào một tình trạng không có hồi kết.

Tháng chín đã trôi qua theo kiểu này.

- Ông Drake không mở khách sạn à? - Carrie đã hỏi vài lần.

- Có. Song ông ấy sẽ không khai trương trước tháng Mười.

Carrie trở nên phẫn nộ. “Đàn ông như vậy đó”, cô thường tự nhủ.

Cô đi chơi ngày càng nhiều hơn. Cô dùng phần lớn số tiền để dành mua quần áo, vả lại, cũng chẳng ghê gớm gì. Cuối cùng, nhà hát cô đang làm công bố sẽ lưu diễn trong bốn tuần. Các bảng thông cáo và báo chí đăng “Hai tuần cuối thành công của Nhà hát Great Comic Opera...” vân vân, trước khi cô hành động.

- Tôi sẽ không đi lưu diễn, - cô Osborne nói.

Carrie đi cùng cô ta đến gặp ông bầu khác xin việc.

- Cô đã có kinh nghiệm chưa? - là một trong nhiều câu hỏi của ông ta.

- Hiện nay tôi và bạn tôi đang làm ở nhà hát Casino.

- Thế ư? - ông ta nói.

Cuối cuộc trò chuyện này là được tuyển dụng với mức lương hai mươi đôla một tuần.

Carrie hài lòng. Cô bắt đầu cảm thấy mình có chỗ đứng trên đời. Người ta đã nhận ra khả năng của cô.

Tình hình của cô biến đổi đến mức không khí trong nhà trở nên không chịu đựng nổi. Ở nhà là mọi thứ nghèo khổ và phiền não, hoặc có vẻ như thế, vì nó là gánh nặng phải mang. Nó trở thành một chỗ muốn tránh cho xa. Cô vẫn ngủ ở nhà, vẫn làm một số việc nhà, giữ cho căn nhà ngăn nắp. Đây là nơi để Hurstwood ngồi. Ông ngồi, đu đưa, đu đưa và đọc báo, bị số phận ảm đạm bao quanh. Tháng Mười, rồi tháng Mười một trôi qua. Đến giữa mùa đông ông mới hay biết, và ông vẫn ngồi đó.

Ông biết Carrie làm việc tốt hơn nhiều. Quần áo của cô ngày càng đẹp, thậm chí tinh tế. Ông thấy cô đến rồi đi, thỉnh thoảng ông hình dung sự thăng tiến của cô. Ăn ít làm ông có phần gầy đi. Ông ăn không ngon miệng. Quần áo ông mặc là loại của người nghèo. Nói đến việc mua thứ gì đó trở nên quá nhàm và lố bịch với ông. Vì thế ông đành khoanh tay và đợi, đợi gì chính ông không lường trước được.

Tuy nhiên, rốt cuộc, những điều phiền muộn trở nên thái quá. Các chủ nợ săn lùng, Carrie thì hờ hững, nhà cửa im lim, mùa đông đang hiện diện, tất cả ghép lại dồn đến cực điểm. Nó là hiệu quả của việc đích thân Oeslogge đến, lúc Carrie có mặt ở đó.

- Tôi đến vì các hóa đơn của tôi, - ông Oeslogge nói.

Carrie chỉ hơi ngạc nhiên.

- Bao nhiêu tất cả? - Cô hỏi.

- Mười sáu đôla, - ông ta đáp.

- Nhiều thế sao? - Carrie nói. Cô quay sang Hurstwood và hỏi. - Có đúng vậy không?

- Phải, - ông đáp.

- Em chưa bao giờ nghe thấy bất cứ điều gì về việc này.

Cô nhìn như thể đang nghĩ ông đã chi tiêu những thứ không cần thiết.

- Chúng ta đã mua tất cả những thứ đó, - ông trả lời. Rồi ông đi ra cửa. - Hôm nay tôi không thể trả ông bất cứ đồng nào.

- Vậy khi nào ông mới trả? - Người bán tạp phẩm hỏi.

- Không trước thứ Bảy, - Hurstwood nói.

- Hừ! - Ông ta đáp lại. - Đây là tiền bán chịu. Tôi phải có khoản đó. Tôi cần tiền.

Carrie đứng ở xa hơn trong phòng, nghe thấy tất cả câu chuyện. Cô rất đau đớn. Đây là việc tệ hại và cũ rích. Hurstwood cũng thấy khó chịu.

- Bây giờ nói chuyện này cũng vô ích. Nếu ông đến vào ngày thứ Bảy, tôi sẽ trả ông một số trong đó.

Người bán tạp phẩm bỏ đi.

- Chúng ta sẽ thanh toán như thế nào đây? - Carrie hỏi, sửng sổt vì hóa đơn này. - Em không thể trả được.

- Em không phải trả, - ông nói. - Ông ta sẽ không thể có thứ không thể. Ông ta phải đợi thôi.

- Em không biết làm thế nào chúng ta tích lại một hóa đơn như thế này, - Carrie nói.

- Ờ, chúng ta đã ăn hết rồi, - Hurstwood nói.

- Buồn cười thật, - cô đáp lại, vẫn ngờ vực.

- Bây giờ em đứng đó mà nói thì có ích gì? - Ông hỏi. - Em tưởng mình anh ăn sao? Em nói như thể anh lấy đi ấy.

- Dù sao cũng quá nhiều, - Carrie nói. - Em không chắc trả nổi. Bây giờ em không có nhiều hơn để trả đâu.

- Được thôi, - Hurstwood nói và lẳng lặng ngồi xuống. Ông đã chán ngấy công việc này.

Carrie đi ra, còn ông ngồi đó, xác định xem nên làm gì.

Trên báo chí vừa đăng tin đồn và yết thị về cuộc đình công đang đến gần trên các tuyến xe ở Brooklyn[48]. Sự bất mãn chung nổ ra trong việc mong muốn có việc làm việc và tiền lương thích hợp. Như thường lệ - và vì lý do nào đó không giải thích nổi - những người công nhân chọn mùa đông để bắt các ông chủ chấp nhận yêu sách và giải quyết các khó khăn của họ.

Hurstwood đã đọc tin này và băn khoăn sắp tới sẽ xảy ra chuyện gì. Một hoặc hai ngày trước khi xảy ra chuyện rắc rối với Carrie, cuộc đình công nổ ra. Trong buổi chiều lạnh giá, khi mọi vật đều xám xịt và đe dọa có tuyết rơi, báo chí công bố công nhân đã đình công trên tất cả các tuyến đường.

Đang hoàn toàn nhàn rỗi, đầu óc lại đầy rẫy vô số dự báo liên quan đến khan hiếm nhân công trong mùa đông và tình trạng hoang mang của thị trường tài chính, Hurstwood thích thú đọc tin này. Ông chú ý đến yêu sách của những người lái xe điện và người bán vé, nói rằng trong thời gian qua, họ đã quen nhận được hai đôla một ngày, nhưng trong một năm hoặc có nhiều “người chen ngang” hơn mà họ bị cắt giảm một nửa cơ hội sinh kế, tương đương với mười bốn đôla. Những “người chen ngang” này là những người trong các giờ bận rộn và cao điểm, nhận xe để chạy một chuyến. Bồi thường cho một chuyến đi như vậy chi phải trả hai mươi nhăm xu. Khi hết giờ cao điểm, họ bị giãn việc, tệ hơn cả là không ai có thể biết khi nào mình được nhận một xe. Buổi sáng, người đó phải đến nơi để xe và đợi dù thời tiết tốt, xấu, cho đến lúc cần đến. Hai chuyến là phần thưởng trung bình cho số người đợi nhiều đến thế, hơn ba giờ đồng hồ làm việc được năm mươi xu. Giờ chờ đợi không được tính.

Công nhân than phiền rằng phương thức này đang mở rộng, và cái thời khi một số ít trong bảy ngàn công nhân có khoản lương đều đặn hai đôla một ngày làm việc chưa xa là mấy. Họ yêu cầu hủy bỏ chính sách này và tính mười giờ làm việc là một ngày, loại trừ những trở ngại tất yếu và được trả 2,25 đôla. Họ yêu cầu chấp nhận ngay lập tức những điều khoản này, song các công ty tàu điện đều từ chối.

Lúc đầu Hurstwood thông cảm với đòi hỏi của những người này - thực ra, liệu ông có thông cảm đến cùng không là cả một vấn đề, vì có thể ngược với hành động của ông. Đọc gần hết các tin tức, điều thu hút ông trước hết là các đầu đề giật gân về tình trạng bất an đáng chú ý trên tờ World. Ông đọc đầy đủ tên bảy công ty liên quan và số lượng công nhân.

“Họ thật xuẩn ngốc mới đình công trong thời tiết này, - ông thầm nghĩ.

- Tuy vậy, mong cho họ thắng nếu có thể”.

Ngày hôm sau, cuộc đình công còn được quan tâm rộng rãi hơn. Tờ World viết “Dân Brooklyn đi bộ”. “Các hiệp sĩ công nhân chặn các tuyến tàu điện qua cầu”. “Tin về bảy ngàn người bãi công”.

Hurstwood đọc và tự giải thích chuyện này sẽ có hậu quả ra sao. Ông là một tín đồ trung thành với sức mạnh của các công ty kinh doanh.

- Họ không thể thắng, - ông nói, ám chỉ những người lao động. - Họ không một xu dính túi. Cảnh sát sẽ bảo vệ các công ty. Họ sẽ chẳng được gì. Dân chúng phải có xe đi”.

Ông không đồng cảm với các công ty, ngoài sức mạnh của họ. Sở hữu và phục vụ công cộng là thế.

“Những người này không thể thắng”, ông nghĩ.

Trong nhiều tin khác, ông chú ý đến một thông tin do một trong các công ty ban hành:

ATLANTIC AVENUE RAILROAD

Thông cáo đặc biệt

Các lái xe, nhân viên bán vé và các công nhân khác của công ty đột ngột bỏ việc, hiện có cơ hội dành cho toàn thể các công nhân trung thành, đình công trái ý muốn sẽ được phục hồi vị trí cũ, họ có thể nộp đơn lúc mười hai giờ trưa thứ Tư ngày 16 tháng Giêng. Những người được bố trí việc (được bảo đàm an toàn) sẽ theo trình tự: nhận đơn, xếp loại và phân công công việc phù hợp. Nếu không, họ sẽ bị coi là thải hồi, mỗi chỗ khuyết sẽ thay người mới ngay, chỗ làm của người đó sẽ được bảo đàm.

BENJAMIN NORTON

Chủ tịch đã ký

Ông cũng nhận thấy trong số quảng cáo có một cái viết:

Cần - 50 lái xe điện lành nghề, quen với hệ thống Westinghouse, chỉ điều khiển xe chở thư của Mỹ trong thành phố Brooklyn, bảo đảm an toàn.”

Ông đặc biệt chú ý đến chữ “bảo đảm an toàn”. Với ông, nó có ý nghĩa là sức mạnh không thể bác bỏ của các công ty.

“Họ có quân đội đứng cùng phe, - ông nghĩ. - Những người đình công sẽ không thể làm gì được”.

Trong khi sự việc này vẫn đang lởn vởn trong đầu ông, lại xảy ra việc rắc rối với Oeslogge và Carrie. Việc kia kích thích ông, song chuyện này dường như còn tệ hơn nhiều. Trước kia, chưa bao giờ Carrie buộc tội ông lấy cắp hoặc gần như thế. Cô nghi ngờ tính tự nhiên của một hóa đơn có nhiều tiền như thế. Ông đã làm việc khó nhọc để giảm nhẹ chi tiêu. Ông đang “làm việc” với người hàng thịt và hàng bánh để họ không tạt đến cô. Ông ăn rất ít, gần như chẳng ăn gì mấy.

- Khốn kiếp! - Ông nói. - Mình có thể kiếm được việc gì đó. Mình vẫn chưa gục ngã.

Lúc này ông nghĩ thực sự phải làm gì đó. Sau lời bóng gió như thế này, ngồi ì thật đáng khinh. Sau một thời gian, ông sẽ có mọi giá trị.

Ông đứng dậy và nhìn đường phố lạnh lẽo qua cửa sổ. Lúc ông đứng đó, ý nghĩ đến Brooklyn len dần vào đầu ông.

- Sao lại không? - Ý nghĩ ấy nói. - Ai cũng có thể tìm được việc ở đó. Bạn sẽ được lĩnh hai đôla một ngày.

- Còn rủi ro thì sao? - Tiếng ấy nói. - Bạn có thể bị thương.

- Ồ, sẽ không rủi ro lắm đâu, - ông trả lời. - Họ sẽ gọi cảnh sát. Bất cứ ai muốn điều khiển tàu điện đều được bảo đảm an toàn.

- Ông không biết vận hành tàu điện, - giọng nói ấy cãi.

- Tôi không xin làm lái xe, - ông trả lời. - Tôi có thể gọi dây nói cho khách rất thạo.

- Họ muốn tuyển lái xe nhất.

- Tôi biết họ sẽ nhận bất cứ ai.

Suốt vài giờ liền, ông tranh cãi mọi lẽ thuận và chống với vị cố vấn tinh thần của mình, cảm thấy không cần hành động ngay lập tức tuy việc này chắc chắn có lợi.

Buổi sáng, ông mặc bộ tươm tất nhất song cũng đủ tồi tàn, bắt đầu khuấy cháo, gói ít bánh mì và thịt vào tờ báo. Carrie quan sát ông, thích thú động tác mới mẻ này.

- Anh đi đâu đấy? - Cô hỏi.

- Đến Brooklyn, - ông trả lời. Rồi thấy cô vẫn tò mò, ông nói thêm. - Anh nghĩ anh có thể tìm được việc ở đó.

- Trên các tuyến tàu điện ư? - Carrie hỏi, sửng sốt.

- Phải, - ông trả lời.

- Anh không sợ à? - Cô hỏi.

- Sợ gì? - Ông trả lời. - Cảnh sát đang bảo vệ họ.

- Báo đăng hôm qua có bốn người bị thương.

- Ừ, - ông đáp lại, - nhưng em đừng tin những thứ báo đăng. Họ sẽ cho xe chạy ổn thỏa.

Lúc này trông ông khá quyết tâm, theo kiểu hơi phiền muộn làm Carrie cảm thấy rất thương. Trong ông già Hurstwood có một cái gì đó, chí ít là bóng dáng của một thời sắc sảo và dễ chịu. Bên ngoài, trời đầy mây và gió thổi vài bông tuyết.

“Một ngày như thế này mà đến tận đấy”, - Carrie nghĩ.

Hôm nay thật khác thường, ông ra đi trước cô, cuốc bộ về hướng Đông đến phố Mười bốn và đại lộ Sáu, rồi mới lên xe.

Ông đã đọc rất nhiều tin về những người đến các văn phòng thuộc Công ty xe điện Brooklyn nộp đơn và đã được nhận. Ông đi xe ngựa và phà - ông, một người đàn ông da ngăm ngăm và ít nói - đến các văn phòng nói trên. Một quãng đường dài, vì không có tàu điện chạy và ngày lạnh giá, nhưng ông lê bước rất dứt khoát. Ở Brooklyn, ông có thể thấy rõ và cảm thấy cuộc đình công đang tiếp diễn. Dân chúng thể hiện bằng thái độ. Trên các tuyến đường mọi khi nườm nượp xe cộ, nay không còn bóng dáng một chiếc xe chạy. Ở các góc phố và gần các quán rượu, nhiều tốp nhỏ đàn ông đang thơ thẩn. Vài xe ngựa có nhíp chạy qua ông, trang bị những chiếc ghế gỗ đơn giản, để “Toa trần” hoặc “Công viên toàn cảnh. Giá vé mười xu”. Ông nhận thấy những bộ mặt lạnh lùng, thậm chí ảm đạm. Công việc nặng nhọc cũng có cuộc chiến của nó.

Lúc ông đến gần văn phòng nói trên, ông nhìn thấy vài người đàn ông đứng quanh quẩn và một số cảnh sát. Ở các góc phố xa xa có nhiều người khác - ông hiểu là những người đình công - đang theo dõi. Tất cả các ngôi nhà đều nhỏ và bằng gỗ, đường phố lát sơ sài. Sau New York, Brooklyn trông thật nghèo khổ và khắc nghiệt.

Ông tiến thẳng vào giữa một nhóm nhỏ, bị cả cảnh sát lẫn những người ở đằng kia để mắt. Một trong các cảnh sát hỏi thẳng ông:

- Ông tìm gì?

- Tôi muốn xem liệu có thể kiếm được chỗ làm không.

- Các văn phòng ở trên các bậc kia kìa, - viên cảnh sát nói. Mặt ông không để lộ một suy tính rõ rệt. Trong thâm tâm, ông đồng cảm với những người đình công và căm ghét “những kẻ phá hoại”. Ông cũng cảm nhận được vẻ nghiêm trang và mục đích của lực lượng cảnh sát, được lệnh giữ trật tự. Ông chưa bao giờ mơ tưởng về ý nghĩa xã hội đích thực của nó. Ông chẳng để tâm gì đến thứ đó. Hai tình cảm ấy trộn lẫn với nhau trong ông, trung hòa lẫn nhau và ông. Ông sẽ phải đấu tranh vì người đàn ông này cũng như cho bản thân, trong chừng mực được ra lệnh. Lột bỏ bộ đồng phục khỏi người, chẳng mấy chốc anh ta sẽ chọn đứng về phe nào.

Hurstwood trèo lên những bậc cầu thang bụi bặm và vào một văn phòng nhỏ màu nâu nhạt xỉn, bên trong rào chắn là một cái bàn dài và vài nhân viên.

- Chào ông, - một người đàn ông trung niên ngồi sau bàn ngước nhìn ông.

- Các ông muốn thuê người phải không? - Hurstwood hỏi.

- Ông là người lái tàu điện?

- Không, tôi chẳng là gì hết, - Hurstwood nói.

Ông không bối rối chút nào vì vị thế của ông. Ông biết họ đang cần người. Nếu người này không nhận ông, người khác sẽ nhận. Người này có thể tiếp nhận hay loại bỏ ông là tùy ý ông ta chọn.

- Lẽ tất nhiên là chúng tôi thích người có kinh nghiệm hơn, - người đó nói. Ông ta ngừng lại trong lúc Hurstwood mỉm cười thờ ơ. Lúc đó ông ta nói thêm. - Song tôi cho rằng ông có thể học được. Tên ông là gì?

- Wheeler, - Hurstwood nói.

Người đó viết tên ông lên một tấm thẻ nhỏ.

- Cầm cái này đến nơi để tàu điện của công ty, - ông ta nói, - và đưa cho người đốc công. Ông ta sẽ bày cho ông phải làm gì.

Hurstwood đi xuống và ra ngoài. Ông đến thẳng nơi được chỉ, trong lúc đám cảnh sát nhìn theo.

- Lại một kẻ nữa muốn thử, - cảnh sát Kiely nói với cảnh sát Macey.

- Tôi cho là ông ta sẽ bị ăn đòn thôi, - Macey khẽ đáp.

Trước kia họ đã từng có mặt trong nhiều cuộc bãi công.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Xơ Carrie Chương XL: Bất đồng công khai

Có thể bạn thích