Mọi người có nhớ cặp vợ chồng Asenla và Temsu tôi gặp trên máy bay đi từ Kuala Lumpur xuống Kolkata không? Ban đầu tôi không nghĩ rằng hai người là người Ấn Độ bởi họ nhìn không khác gì người Đông Nam Á. Asenla mới giải thích cho tôi rằng họ đến từ Nagaland – một bang ở phía Đông Bắc Ấn Độ. Vùng Đông Bắc Ấn Độ có bảy bang, được ví như bảy chị em gái và họ đều có văn hóa rất khác với phần còn lại của Ấn Độ. Đầu tháng mười hai hàng năm, bang Nagaland tổ chức lễ hội Chim Mỏ Sừng rất lớn, trong đó tất cả các bộ tộc địa phương sẽ trổ tài ca hát, nhảy múa, nấu nướng. Asenla nhiệt tình mời tôi lên thăm gia đình cô. Chúng tôi sau này giữ liên lạc trên Facebook và đến gần ngày lễ Asenla giục tôi về. Lúc bấy giờ, Nagaland còn là vùng hạn chế du lịch, ai muốn vào bang phải có giấy phép. Temsu có người quen làm trong chính quyền, anh nhờ họ làm giấy phép này cho tôi. Sau đó anh scan lại gửi cho tôi, tôi chỉ cần in ra mang theo người là được.

Tôi đi xe bus về lại biên giới Kakarvita phía Nepal, đi bộ qua phía Ấn Độ, bắt xe bus lên Siliguri. Đến đây tôi cần phải bắt tàu đi Nagaland, nhưng đến bến tàu hỏi tôi mới phát hiện ra mình không còn đủ tiền mua vé. Tôi quyết định sẽ đi nhờ xe lên Nagaland. Nhưng còn chưa ra đến được đường chính để đi thì tôi bị hai người đàn ông trên rickshaw chặn lại. Sau khi nghe tôi kể, họ mắng tôi bị khùng, muốn bị cướp bị hiếp chết hay sao mà đòi đi nhờ xe ở Ấn Độ.
“Chú làm bảo vệ ở ga tàu. Quay lại đây chú mua vé cho đi Nagaland”. Một người đàn ông bảo. Mặc cho tôi phản đối, chú kéo tôi lên rickshaw đi ngược về ga. Đến đây chú mua cho tôi
platform ticket chuyến tàu sớm nhất. Chú nói tiếng Anh không tốt lắm nên tôi cũng không hiểu chính xác platform ticket là gì. Vé tàu ở Ấn Độ bán hết rất nhanh, nếu không đặt trước thì sẽ không thể nào có vé mà đi được. Để giải quyết vấn đề này, công ty đường sắt Ấn Độ đặt ra platform ticket, có thể mua ngay tại ga, chỉ ghi từ ga này đến ga kia mà không ghi tên tàu, đừng nói tên khoang hay tên ghế. Mình lên kiếm được chỗ nào ngồi thì ngồi thôi.
Bác soát vé nhìn thấy vé này liền chỉ tôi vào một khoang nhỏ xíu nhưng ngập người và hành lý ở cuối tàuxí cho mình được một chỗ cạnh cửa sổ, ngồi co ro dựa đầu vào thành tàu ngủ. Trời lúc đấy đã vào đông, càng về khuya càng lạnh. Tôi vẫn chỉ có mỗi cái áo khoác mỏng dính mua ở Kashmir và một cái khăn cũng mỏng dính mua ở Mumbai, cuốn mấy vòng vào người mà vẫn lạnh. Tàu xóc nên cái đầu tôi nó cứ va vào thành tàu lộp cộp. Mùi nhà vệ sinh nồng nặc. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình sống sót được qua đêm trên tàu. Lờ mờ sáng, những người xung quanh lục đục xuống tàu và giục tôi xuống. Tôi hỏi “Nagaland?”, họ gật đầu. Nhưng xuống đến nơi rồi tôi mới phát hiện ra đây mới chỉ là Guwahati, cách Nagaland ba tiếng nữa cơ. Tàu nghỉ một tí rồi chạy tiếp, để lại tôi ngẩn tò te không biết đi tiếp thế nào.
Sau khi nghe tôi giải thích, ban quản lí tàu bảo tôi đợi đến sáng mai có thể lên được một chuyến tàu khác đến Dimapur mà không phải mua vé mới. SIM điện thoại mua ở các khu vực khác ở Ấn Độ đến khu Đông Bắc này đều bị mất sóng, tôi phải nhờ một chị ở ga đấy gọi điện báo cho Asenla là tôi sẽ đến trễ một hôm. Đời có lắm bất ngờ. Tuy chị này không quen biết Asenla, nhưng hai người cùng bộ tộc Ao nên bắt điện thoại một cái là nói chuyện liến thoắng gì đó với nhau bằng tiếng Ao. Tự nhiên chị miệng vẫn còn đang nói chuyện điện thoại, tay đã cầm tay tôi kéo đi, đẩy lên một con tàu khác.

“Là sao ạ?”. Tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, ngơ ngác hỏi.
“Không có thời gian giải thích đâu. Ngồi yên ở đấy, sẽ có người đến tìm em”.
Tàu bắt đầu chuyển bánh, chú soát vé đến rồi mà vẫn chưa có ai đến tìm tôi. Tôi lúng túng:
“Cháu xuống nhầm ga chuyến tàu trước, họ bảo cháu phải đợi đến sáng mai mới đi Dimapur được, trong khi cháu có việc gấp phải đến Dimapur ngày hôm nay. Lúc đấy vội quá cháu chưa kịp mua vé”.

Chú nhìn trước nhìn sau rồi nói nhỏ:

“Cháu biết tội trốn vé sẽ bị phạt thế nào không? Bây giờ chú có cách này giúp cháu. Chú có thể bán cho cháu một vé mới ngay trên tàu này với giá 1.500Rs”.
1500 Rs tức là hơn $30. Như thế thì có mà cắt cổ con người ta à? Tôi biết ngay mình đã trở thành món mồi béo bở cho các bác ở đây làm tiền. Tôi trưng bộ mặt hết sức khổ sở của mình ra:
“Cháu không có chừng đấy tiền đâu. Cháu đi lạc bố mẹ. Mọi người ở Dimapur hết rồi. Cháu là học sinh làm gì có tiền”.
“Điện thoại cháu nhìn cũng đẹp đó”.
“Cháu mà không có điện thoại thì đến Dimapur làm sao tìm được bố mẹ cháu. Cháu nói thật, cháu chỉ còn đúng 200Rs thôi”. Tôi giả bộ mở ví, lật túi ra cho chú xem rằng mình hết tiền thật. “Nếu chú không cho cháu mua vé thì chú phải đuổi cháu xuống ở ga tàu tiếp theo rồi”.
Chú đứng đấy nhăn mặt nhíu mày, cân đo đong đếm gì đó. Chắc nhìn tôi cũng có vẻ nghèo thật, nên chú cuối cùng cũng ậm ừ:
“Thôi được, chú sẽ chiếu cố cho”.
Đúng lúc tôi chuẩn bị đưa 200 Rs thì tự nhiên một chị từ đâu tất tả chạy tới.
“Em là Chip phải không?”.
“Dạ vâng ạ”.
Sau đó chị quay ra nói gì với chú soát vé, rồi móc ví đưa cho chú đấy 800 Rs mà chẳng hỏi han gì tôi. Mất công tôi nãy giờ mặc cả.
Chị dẫn tôi về ghế cạnh chị. Hóa ra sáng nay lúc Asenla nói chuyện điện thoại thì chị đang ở nhà một người bạn, mà bạn của chị lại biết một người đang ở trên tàu từ Guwahati về, nên mọi người sắp xếp cho tôi lên cùng chuyến tàu
“Sao trùng hợp thế hải chị?”.
“Ha ha ha, Dimapur nhỏ lắm em ơi, ai cũng biết nhau cả”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích