Dấu vân tay và phân tích DNA đã cho thấy bàn tay bị chặt đó là của Amina al-Fouad, người phụ nữ sở hữu chiếc xắc tay tìm được ở hiện trường. Họ cũng xác định bàn tay đó bị chặt khi bà còn sống.

Amina không phù hợp với các đặc điểm của những nạn nhân đã tìm được. Bà là một người nội trợ người Ả Rập Xê-út, ba mươi chín tuổi, sống ở quận Corniche với chồng và sáu đứa con. Bà chưa từng làm công việc gì bên ngoài gia đình, và mặc dù gia đình bà đủ giàu để có thể thuê hai người giúp việc nhưng Amina không hẳn là một người thích mua sắm, một thú vui mà hầu hết các phụ nữ kiểu như bà ưa thích. Bà chỉ rời nhà khi được sự cho phép rõ ràng của chồng mình.

“Bà ấy đáng ra không được phép tới trung tâm Jamjoom một mình.” Chồng bà giận giữ nhắc lại đến lần thứ năm.

Ibrahim ngồi đối diện với ông al-Fouad trong phòng khách của gia đình ông ta. Chiếc ghế sô pha trông như thể chưa được ai ngồi lên bao giờ. Mọi thứ mà ông thấy trong căn nhà này cho đến giờ khiến ông có cảm giác nó là gian triển lãm của Pottery Barn. Ông nghĩ về nhà mình, với những đồ đạc cũ rích và lối trang trí đã tồn tại cả thập kỉ nay, rồi tự thấy rằng ông thích như vậy hơn.

Al-Fouad dĩ nhiên là rất buồn. Ông ta đã thông báo vợ mình mất tích từ bảy ngày trước, vào đúng ngày bà vợ biến mất. Hiện tại ông ta đang phải day dứt với cú sốc và sự sửng sốt đến mức khó có thể giả tạo được. Ibrahim không đề cập gì tới vụ giết người hàng loạt. Bọn họ vẫn chưa tìm được mối liên hệ chắc chắn nào cả, nên cớ gì lại khiến ông chồng phải thêm lo lắng chứ? Điều khiến Ibrahim bận tâm là ý thức kiên tâm về danh dự của al-Fouad đang mỗi lúc một thêm khoa trương. Cậu con trai có tên Jamal kể với Daher rằng mẹ cậu ta đã tự bắt một chiếc tắc xi đến Jamjoon. Cậu ta nói đã nhận được thư thoại của mẹ, nhưng đã xóa nó. Jamal phải đến đón mẹ ở Jamjoon, nhưng không đến đúng giờ. Cậu ta ngờ là mẹ mình cũng đã rời Jamjoon bằng xe tắc xi.


“Ông al-Fouad.” Ibrahim nói. “Nhằm giúp chúng tôi hết khả năng có thể để tìm vợ ông, ông cần cho chúng tôi biết chính xác bà ấy đã ở đâu và làm gì. Trong những trường hợp tương tự thế này, cái chính là phải gạt bỏ vấn đề danh dự của ai đó sang bên, bởi số phận người thân yêu của ông đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Ông phải tin tưởng rằng chúng tôi sẽ hết sức kín đáo, và chúng tôi cũng sẽ phải tin tưởng là ông sẽ hoàn toàn nói sự thật.”

Al-Fouad vẫn không hiểu được vấn đề. Ông ta lắc đầu một cách ngoan cố và nhắc lại một lần nữa, “Đáng lẽ bà ấy không được đi…”

Để đảm bảo mình không phát điên lên, Ibrahim đành vờ ghi chép vào tập giấy của mình. Ông viết: Ông chồng là một con lừa khoa trương đần độn.

“Thôi được.” Ibrahim nói. Ông tức giận hơn mức đáng có và ông hiểu là mình đang mất dần đi tác phong chuyên nghiệp, nhưng ông không quan tâm. “Chúng tôi cần một bức ảnh của vợ ông.”

“Tôi sẽ nói với các ông những gì đã nói với cảnh sát: tôi không muốn mặt bà ấy chi chít trên các bản tin buổi tối.” al-Fouad lớn tiềng bằng giọng ngày càng chói tai.

Người đàn ông này là kiểu người gì vậy, một thứ lai giống của tộc người man dợ hay sao vậy? Làm sao ông ta có thể không làm bất cứ điều gì trong khả năng để đảm bảo người vợ đang mất tích được trở về nhà an toàn? Ibrahim thấy giận sôi người. Một kẻ xấu xa dơ dáy sẵn sàng để danh dự của mình lên trên mạng sống của vợ mình hay sao chứ?

“Đáng tiếc thay,” Ibrahim ngắt lời, “khả năng lớn nhất chúng tôi có thể tìm được vợ ông lúc này đòi hỏi việc công khai khuôn mặt của bà ấy đến càng nhiều người càng tốt. Sẽ có ai đó đã thấy bà ấy. Và người đó sẽ gọi cho chúng tôi. Và nhờ vào lòng tốt của những người dân Hồi giáo của chúng ta, có khả năng đưa bà ấy sống sót về nhà. Nhưng chỉ với điều kiện chúng tôi có được ảnh của bà ấy.”

Al-Fouad trông như thể ông ta sắp nhảy chồm qua chiếc ghế sô pha.

Những lời tiếp theo của Ibrahim còn được nói bằng sự giận giữ còn điên cuồng hơn cả sự tức giận của al-Fouad. “Chúng tôi cũng cần một bức ảnh chụp toàn thân của vợ ông nữa.”

“Sao kia?”

“Chúng tôi cần thấy toàn bộ dáng người của bà ấy, tốt nhất là trong chiếc áo trùm, bởi đôi khi phụ nữ ở những nơi công cộng, không để lộ mặt, chính vì vậy người ta thường để ý dáng người của họ. Tôi sẽ cho ông năm phút để quyết định về việc những bức ảnh đó hoặc chính tôi sẽ bắt giữ ông.”

Al-Fouad tái mặt và run lẩy bẩy. Ông ta nhổm dậy khỏi ghế sô pha và bước ra khỏi phòng.

Năm phút sau, Ibrahim đứng bên ngoài cửa nhà ai-Fouad đưa lại bức ảnh cho Daher.

“Chuyển chúng tới các cơ quan truyền thông.” Ông nói. “Không nhắc gì tới vụ giết người hàng loạt hết, chỉ nói rằng người phụ nữ này đang mất tích.”

“Ông không định làm rõ việc này với Riyadh sao?” Daher hỏi.

“Cứ làm đi.”

Daher trông có vẻ sợ sệt khi bước đi. Ibrahim cảm thấy run rẩy. Ông ngồi xuống bậc thềm cao nhất và cố gằng một cách tuyệt vọng để không nghĩ về Sabria và tất cả những gì đáng lý ra phải làm lúc này để tìm được cô, nhưng vô ích khi né tránh sự thật rằng sự giận dữ của ông không hoàn toàn vì al-Fouad.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích