Vua Quang Trung Và Chiếc Hoàng Bào Bí Ẩn
VUA QUANG TRUNG VÀ CHIẾC HOÀNG BÀO BÍ ẨN

Hơn hai thế kỷ qua, nhiều sử gia, nhiều học giả đã từng tốn nhiều công sức trong việc nghiên cứu của mình, nhằm tìm hiểu đâu chính là sự thật về lần vĩnh biệt của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ vua Quang Trung, vị Ðại Ðế đã làm rạng rỡ cho cơ đồ Việt Nam! Chuyện tức tưởi bước vào cõi vĩnh hằng không phải chỉ dành riêng với cá nhân ông ta mà còn là sự uất ức chung cho cả dân tộc Việt Nam ta. Do đó, vấn đề bàn cãi đâu là nguyên do chính đáng nhất của nó vẫn còn bao trùm bởi chiếc màn dày đặc của sự bí mật. Nếu ai đó đưa ra cân trả lời để kết luận "Nhà vua chết vì bệnh." thì chúng ta khỏi nói thêm nữa... Hiện tại, người viết bài này chỉ biết kiểm nghiệm lại những gì có trong tài liệu sưu tầm được, để gọi là phần nào đó, ghi góp thêm cho cách giải đáp "thắc mắc" thôi.

Chuyện "Chiếc áo ấm" mà Càn Long (vua Thanh) cẩn tặng vua Quang Trung để mặc lúc ngự hàn, là một nghi vấn nằm trong những nghi vấn khác mang tính: "khó tin nhưng có thật", vì chỉ có nó mới có thể nói lên cả một kế hoạch lâu dài của các nhà "lý số" Tàu dưới triều Càn Long quyết hại chết vua ta, để trừ mọi hậu hoạn nơi bờ cõi phương Nam của họ.

Sách "Ngụy Tây Liệt Truyện" của bộ sử ký "Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện", quyển 30 trang 42, các sử quan triều Nguyễn ghi như sau:

"...Một hôm về chiều, Quang Trung đang ngồi, bỗng xây xẩm tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt mắng rằng: Ông cha ngươi sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân của Chúa, Ngươi sao dám phạm đến lăng tẩm?

Rồi lấy gậy đánh vào trán, Quang Trung mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự, lâu lắm. Lúc tỉnh dậy nhà vua đem việc ấy nói với quan trung thư Trần Văn Kỷ. Từ đó bịnh chuyển nặng mới triệu quan trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu về bàn bạc để dời đô ra đó. Thương nghị chưa xong thì Thế Tổ ta đã lấy lại được Gia Ðịnh, chiếm Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, thanh thế chấn động.

Quang Trung nghe được lo buồn, bịnh ngày càng kịch liệt..."

Ðọc những trang sử này, chúng ta có thể hiểu được ý chính của các sử quan triều Nguyễn, họ muốn dựng lên một huyền thoại, nhằm thóa mạ vua Quang Trung. Dụng ý chính ở đây là để ghép tội, và chứng minh rằng vua Tây Sơn là người:

Vô đạo và tàn bạo 

Tiếm đoạt thành Phú Xuân, xâm phạm lăng tẩm các Chúa Nguyễn nên bị tổ tiên các Chúa Nguyễn trừng phạt

Vì đang bệnh mà vua Quang Trung còn phải lo lắng thêm việc con cháu Chúa Nguyễn phục thù, đang chiến thắng tại nhiều nơi, lấn chiếm dần các phần đất phía Nam... và lãnh thổ Tây Sơn ngày một thu hẹp lại. Do đó, nhất định bệnh tình nhà vua ngày một nặng thêm, và rồi nhất định phải chết.

Dầu có nói gì chăng nữa, họ cũng không thể che giấu hành vi trả thù, một sự trả thù dã man, tàn bạo đối với một triều đại từng làm cho họ xích bích xang bang, sống trong tan tác, cơ hồ như bị hủy diệt luôn. Cho nên khi chiến thắng rồi, họ quên bẵng thời điểm lịch sử 1792 (năm vua Quang Trung mất), tình thế chiến trường đem ra so sánh, binh đội phe Nguyễn Ánh chỉ là một nhóm người nhỏ lẻ tẻ, ô hợp, chưa đủ khả năng chống chọi với đại binh Tây Sơn.

Sách "Ðại Nam Thực Lục Chính Biên", là bộ sách sử tuy được cả triều Nguyễn ca tụng, nhưng phần "Ðệ Nhất Kỷ" cũng phải ghi:

"Tháng 3 năm Nhâm Tý (1792) nhân khi gió Nồm thổi, Nguyễn vương sai tướng là Nguyễn Văn Trương cùng Nguyễn Văn Thành đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ ra đốt phá thủy trại Tây Sơn ở của Thị Nại (Quy Nhơn) rồi rút lui về. Khi lui về Nam, Nguyễn Ánh có ý định chiếm Phan Rang, Phan Rí... nhưng cuối cùng Nguyễn Ánh thấy chống không nổi, phải cho rút quân về lại Gia Ðịnh".

Như vậy, giai đoạn từ mùa hè 1792 trở về trước, Nguyễn Ánh đã không thể có mặt trên đất miền Trung, mà phải lo cố thủ Gia Ðịnh, có nghĩa là triều đại Tây Sơn vẫn còn cai quản phần đất từ Gia Ðịnh trở ra Bắc và chính lúc bình yên trên phần đất cai quản của mình như thế này, vua Quang Trung bị bệnh, rồi sau đó băng hà. Không giống như nội dung đoạn sử trên mô tả:

Về tính huyền thoại huyễn hoặc: bị ông tiên nào đó đánh cho một gậy để phải lâm bệnh 

Về mặt thực tế cụ thể: như lo âu mất đất và bị thua trên chiến trường...

Chính hai lý do này đã khiến vua Quang Trung buồn phiền, rồi bệnh nặng mà băng hà?

Thực ra, từ năm 1787 trở đi, vua Quang Trung bận rộn rất nhiều về chuyện nội trị, phần khác cần đối phó loạn lạc tại Bắc Hà! Riêng phía Nam, cũng có chuyện cần cấp giải quyết, vì sự cai quản non kém của Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ, tạo điều kiện thuận lợi để Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Ðịnh. Và cũng nhờ vào sự bận rộn này mà bắt đầu từ năm 1787 cho đến năm 1792, Nguyễn Ánh mới có cơ hội chiếm lại rồi củng cố thành Gia Ðịnh. Mãi tới tháng 5 năm 1790, Nguyễn Ánh cho Lê Văn Câu (có sách ghi là Lê Văn Quân, một đại công thần, có thứ bậc trên cả Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành) đem quân ra đánh chiếm Bình Thuận. Chưa đầy một tháng sau đó, Tây Sơn phản công, quân lính Câu tan tác, phải cấp báo về Gia Ðịnh xin Nguyễn Ánh cho viện binh. Ánh không chấp thuận trong tình thế nguy cấp này, Nguyễn Văn Câu đành rút chạy về Phan Rí, quân binh Tây Sơn tiếp tục truy kích, Câu phải chạy thẳng về Gia Ðịnh... 

Trước một bại tướng từng sống chết với mình, Nguyễn Ánh không những không tìm cách che chở, bảo bọc, mà còn tỏ ra không thương tiếc, nhất định nghị tội, bãi chức... Quá uất ức, Câu đành uống thuốc độc, kết liễu đời mình. Thương thay cho một vị đại tướng tìm lầm chúa thờ!

Trở lại cái chết của vua Quang Trung, chúng ta không nhìn nội dung trên ở khía cạnh mạ lỵ cá nhân, mà trên sự kiện nguyên do cái chết. Từ đó chúng ta cũng có thể kết luận họ đã xác nhận vua Quang Trung chết vì bệnh.

Ðọc sử Việt Nam, có rất nhiều cách giải thích khác về cái chết của vị anh hùng dân tộc của chúng ta, nhưng không mấy hấp dẫn. Do đó, người viết phải tìm thấy thêm trong "Ðại Thanh Thực Lục" và "Ðông Hoa Toàn Lục" (Sử Trung Quốc) ghi rằng:"Năm Càn Long thứ 58 (vào tháng 1 năm 1793), Quách Thế Huân khấu báo lên Càn Long là An Nam quốc vương Quang Trung đã chết vì bệnh".Càn Long, hơi giật mình rồi như đang suy nghiệm một điều gì có thể đúng với dự tính trước đó của ông ta... Phải chăng, vua Thanh đã biết trước được một chuyện gì chăng về cái phải xảy ra với vua Quang Trung? Theo hắn ta phải sớm hơn... (vì khoảng sáu tháng sau ngày vua Quang Trung băng hà, Càn Long mới biết tin). Tại Bắc kinh, trước lúc đó, Vũ Văn Dũng được tin mật, vị trưởng đoàn sứ thần này xỉu đi... Khi tỉnh lại, liền gấp rút từ tạ vua Thanh mà trở về Phú Xuân ngay. Chính sự đau đớn này, Vũ Văn Dũng đã làm bài thơ (Tập san sử địa số 9, Sai Gòn 1968, trang 154):

"Bố y phấn tích ngũ niên phong

Mai cổ thi vi tự bất đồng

Thiên vị Ngô Hoàng tăng nhất kỷ

Bất ư Ðường, Tống thuyết anh hùng".

Tạm dịch:

Năm năm dựng nghiệp tự thân nông

Thời trước thời sau có mấy ông?

Có thương, trời cho mươi năm nữa,

Anh hùng Ðường, Tống khó so công!

Vua Quang Trung mất vào mùa Thu 1792, nửa năm sau Mãn Thanh mới biết, và cho người sang báo tang. Sự chậm trễ này không phải do Quách Thế Trung, mà chính do sự sắp đặt của hoàng triều Phú Xuân muốn làm vậy. Trong "Ðông Hoa Toàn Lục", quyển 117, trang 5s, đã ghi lại ý trách móc của Càn Long:

"Quốc Vương Nguyễn Quang Bình đã mất ở Nghệ An vào tháng 9 năm ngoái. Vua Càn Long liền quở trách người đưa tin như thế là quá chậm, chắc bây giờ đã tống táng rồi".

Sự việc rõ ràng bên trong có dụng ý riêng, vì không phải báo về cái chết của Nguyễn Quang Bình chậm, mà còn sai chỗ nữa (Phú Xuân chứ không phải Nghệ An). Mặt khác, Phú Xuân còn cho làm mộ giả của vua bên Hồ Tây để đón sứ thần Mãn Thanh sang phúng điếu. Sứ Thanh đến, muốn vào thăm Phú Xuân, triều thần Tây Sơn nhất định không cho, còn tìm mọi cách đánh lạc hướng như dẫn họ lên tận Sơn Tây, khi sứ Thanh phát hiện, triều thần Tây Sơn mới chịu dẫn họ trở lại, nhưng chỉ dừng ở Thăng Long mà thôi. 

Những việc nhà Thanh làm rất mâu thuẫn và bí mật, nhất là việc đòi phải vào đến tận Phú Xuân xem xét... Năm 1789, chính Thành Lâm không chịu vào Phú Xuân để phong vương cho vua Quang Trung (lần đầu sau khi Phạm Công Trị đóng vua Quang Trung giả), mà chỉ tại Thăng Long, viện lý do không được trái lệ thường (Các triều đại trước mỗi khi Trung Hoa cho sứ sang nước ta làm lễ phong vương, đều thực hiện tại Thăng Long theo qui lệ của các vua Trung Hoa), nhưng lần này lại đòi vào tận Phú Xuân để điếu tang. Tại sao triều thần Tây Sơn không cho Thành lâm vào Phú Xuân? Cũng như vua Quang Trung luôn cho người giả mình để tiếp xúc với nhà Thanh? Tất cả mọi nghi vấn như thế này chỉ có vua Quang Trung và các cận thần của ông ta mới biết! Ngày nay, chúng ta sao có thể suy đoán rằng: triều thần Tây sơn sợ các thầy địa lý Tàu ếm bùa ếm ngãi nơi mộ vua Quang Trung!(?). Giai đoạn xã hội lúc đó, chuyện xảy ra như thế này không phải là không có. Triều thần Tây Sơn làm sao lường trước chuyện rửa nhục "thất trận Xuân Kỷ Dậu"? (Vào cuối năm 1788, Tôn Sĩ Nghị ngày nào cũng cấp báo tin thắng trận, vua Càn Long vô cùng mừng rỡ, tiệc mừng được liên tiếp tổ chức, ba quân luôn được cất nhắc thăng thưởng (tăng thêm một tháng lương cho đội quân viễn chinh dùng để ăn tết trên xứ Nam). Chính Càn Long đã chọn ngày mồng 5 Tết làm ngày "Hội mừng công, bình định đương An Nam", các Ðại thần, các Ðại học sĩ, các Văn nhân, quan chức phải tề tựu về kinh đô (Bắc Kinh) cùng nhau xướng họa, bình phẩm, gọi là chúc mừng thọ nhân buổi đầu năm lên vua. Thực ra, đây là việc mừng chiến thắng bình định phương Nam. Nhưng, ngày mồng 5 đã làm họ ê chề đau đớn, vì họ không có thắng lợi, mà ngược lại đã bị vua Quang Trung xóa sổ 29 vạn quân xâm lược tinh nhuệ ngay trên đất Thăng Long! Tàn quân Thanh khi chạy về lại nước mình, chỉ còn vỏn vẹn 5.500 người mà đa số đều bị sứt tay gãy gọng! Thật đột ngột, thật bất ngờ, và cũng thật đau đớn nữa... Trước tin này, Càn Long vẫn bình tĩnh, ra lệnh chiêu an Tôn Sĩ Nghị, ghép tội cho Lê Chiêu Thống... Sự thật thế nào cũng phải phơi bày, nên về sau, Càn Long biết được lỗi lầm do Tôn Sĩ Nghị gây nên, mới xuống chiếu nghiêm trị, bãi chức họ Tôn, cho Phúc Khang An thay thế làm lưỡng Quảng Tổng Ðốc, cầm giữ 50 vạn quân để bảo vệ biên giới tiếp giáp với An Nam. Trước tình hình như thế này, vua Quang Trung nhất định không thể khinh xuất, đã phải cùng triều thần nghị bàn quyết định dùng ngoại giao để giải quyết cuộc chiến đầy thầm lặng này. 

Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển 30, trang 36s, ghi lại bức thư của Thang Hùng Nghiệp (quan đạo Tả Giang) viết cho vua Quang Trung như sau:

"Lê Duy Kỳ đã trốn ra khỏi nước, thiên triều không ủng hộ cho y làm vua nước Nam nữa. Vậy trong khi chưa có người đến gõ cửa quan xin thụ phong, thì "Người" nên đến sớm để được đặc ân...".

Cơ hội hòa hoãn với Thanh triều coi như đã nắm chắc trong tay, vua Quang Trung liền cho đòi Ngô Thời Nhiệm vào chầu, giao cho nhiệm vụ thảo thư trả lời vua Thanh.

Cũng trong sách này, quyển 30, trang 136b, 37a, có viết lại lời Phúc An Khang nói về tình hình sau vụ Xuân Kỷ Dậu:

"...đã chính thấy mắt Nghị trơ trọi một mình chạy về. Sau đó, tai hại được nghe thanh thế của vua Quang Trung nên trong bụng không khỏi rụt rè, lo sợ... bèn nói nhỏ với viên thuộc quan rằng: Nam - Bắc thôi việc binh đao đó là phúc của sinh dân, mà là điều may mắn cho quân ở ngoài bờ cõi. Ta nghe nói viên quan coi việc giấy tờ của nước Nam tên là Ngô Thì Nhậm, bao nhiêu thư từ, từ trước đến nay đều do tay y mà ra. Vậy ngươi nên viết thư trả lời, bảo y chuyên tâm chủ trương việc giảng hòa, gấp rút viết tờ biểu tạ tội đưa sang, ta sẽ ở trong giúp đỡ cho, việc ấy thế nào cũng xong..."

Vua Quang Trung xuống chỉ bảo Hồ Hổ hầu làm chính sứ sang Trung Hoa, trực tiếp gặp Thang Hùng Nghiệp. Nội dung tờ biểu đã nói lên được tính nhún nhường, kèm theo sự giải thích rõ ràng lý do phế bỏ Lê Chiêu Thống. Riêng việc va chạm với binh đội thiên triều, thì đây chẳng qua là cách đối xử quá vụng về của Tôn Sĩ Nghị mà thôi. Trong đoạn chót, nội dung thư, tỏ ra cứng rắn, không chịu lép vế, có đoạn rất đanh thép, mỉa mai, hăm dọa (Sách vừa dẫn cùng trang):

"...Tôn Sĩ Nghị lấy địa vị đại thần ở biên cương, lại vì tiền hay vì gái mà đem tờ biểu chương của thần xé ném xuống đất, làm nhục sứ giả, ý muốn động binh dấy quân, không biết việc đó quả do Ðại Hoàng Ðế sai khiến hay do Tôn Sĩ Nghị? Thử hỏi vì một người đàn bà sai khiến mong lập công ở biên cương mà cầu lợi lớn có đáng mặt quân tử không?..."

Trong phần cuối thư Ngô Thời Nhiệm còn nhấn mạnh:

"...nay đường đường là triều đình thiên tử, lại đi so hơn thua với một nước rợ nhỏ, ắt là muốn cùng khốn binh sĩ, lạm dụng vũ lực hầu sướng khoái cái lòng tham lam tàn bạo, thì chắc lòng dạ của Thánh Thượng cũng không nhẫn. Còn nếu như cứ chiến tranh kéo dài, tính thế đến nỗi nào thì thật không phải do thần muốn, mà thần cũng không dám nói trước rồi tình thế sẽ đi đến đâu..."

Ðọc xong thơ, Thang Hùng Nghiệp run sợ, nhưng vẫn cố giữ thái độ thật ôn hòa, bình tĩnh nói với Hồ Hổ hầu rằng:

"...nay không phải là lúc hai nước đánh nhau, sao lại hành sự toàn một giọng giận dữ? Nói như thế là để cần phong vương hay muốn gây rối can qua chăng?..."

Ðối với chuyện này, Thang Hùng Nghiệp thật dở khóc dở cười, không biết phải làm thế nào, thủ tiêu ngay lá thơ thì không dám mà trình lên Càn Long thì lại càng không dám hơn. Sự việc mà đổ bể, Thang Hùng Nghiệp sẽ mất hết lòng tin của Càn Long đối với Y. Do vậy, từ đó về sau, mọi giao thiệp với Ðại Nam đều về một tay Phúc Khang An bưng bít lo liệu.

Chuyện ngoai giao giữa hai nước kể từ đó mỗi ngày một mật thiết hơn. Tháng 11 năm 1789, khi đọc tờ biểu của Tôn Vĩnh Thanh, nói về kết quả công việc Thành Lâm sang Thăng Long phong vương cho Nguyễn Quang Bình, Càn Long chỉ thị ngay cho Tôn Vĩnh Thanh (Ðại Thanh Thực Lục, quyển 1342, trang 17a):

"Trẫm xét Thành Lâm sang Thăng Long tuyên phong, tất chắc mục kích được quốc vương và phong thổ nước ấy, Trẫm muốn đích thân xét hỏi viên quan ấy sẽ được rõ ràng hơn là lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh, phải cho ngay Thành Lâm tiến kinh, để Trẫm hỏi..."

Sứ Thanh - Thành Lâm, trong chuyến sang nước Nam phong vương, vua Càn Long có gởi tặng vua Quang Trung một chiếc áo choàng màu, trên đó thêu 7 chữ:

"Xa Tâm Chiết Trục Ða Ðiền Thử"

Và kèm theo một bài thơ trong đó có câu:

"Phát Dị Nam Bang Y Dữ Quan" (Mũ áo không khác gì người nước Nam).

Lúc đó không ai có thể hiểu được nội dung "7 đại tự" thêu trong chiếc áo, mang ý gì... Năm 1792, sau khi vua Quang Trung băng hà, Càn Long lại làm thêm một bài thơ khác nhắc lại, ở câu thứ 7 với 7 chữ:

"Thất Tự Bất Năng Bãi Ai Thuật"

(ý nói: 7 chữ không dứt được niềm xót xa của Trẫm)

Và câu:"Trung Thu Thượng Ức Y Quan Túc"

(Trong mùa Thu trước Trẫm nhớ Quốc vương đã có áo mão đoan trang), và thêm câu:

"Hoài Nghi Kham Tiếu Ðại Kim Nhân"

(Hoài nghi và đáng cười việc triều trước bắt phải làm việc cống người vàng để thay thế).

Cái ái ngại và lo lắng nhất khi vua Quang Trung còn tại vị, là Càn Long vẫn cứ đòi gặp cho bằng được con người bằng xương bằng thịt của Nguyễn Quang Bình? Chuyện bí mật vẫn chưa ai có thể khám phá ra vua Thanh có hàm ý gì trong "chiếc áo tặng"? Nội dung lời thơ? Tại sao "7 chữ" đó lại không nói hết được nỗi xót xa?... Tặng "chiếc áo" chắc có lý do "đặc biệt" bên trong, nên Càn Long mới nhắc đi nhắc lại mãi?... Phải chăng triều Minh đòi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cống "người vàng", thì triều Thanh đòi vua Quang Trung cống "người thật"? Vua Càn Long cho vẽ truyền thần Quang Trung (Phạm Công Trị 1790) có mưu mô gì? Có thể Càn Long đã biết người được vẽ hình không phải là Quang Trung thật? Ngược lại, Quang Trung giả xin một bức chân dung của Càn Long thì lại không được?... (bài biểu của sứ đoàn nước Nam nộp cho Phúc Khang An để trình lên Càn Long: "Nay hạ thần muốn xin một bức chân dung của Hoàng Ðế để mang về nước, kính cẩn cung phụng ở điện Kính Thiên").

Trên thực tế, Mãn Thanh, không hề đặt điều kiện tiền bạc cho sự bang giao giữa 2 nước. Không những bãi bỏ lệ cống người vàng mà còn chịu chi phí rộng rãi, nồng hậu mọi khoản tiếp đón cho cả đoàn sứ thần nước Nam cả chuyến đi lẫn chuyến về. Nhất định không thể sai lầm khi có nhận định rằng ở đằng sau bộ mặt dễ thương đầy vẻ hiếu hòa kia, sẽ có một âm mưu gì thật đáng sợ? Trả thù? Càn Long đang ráo riết thi hành một kế hoạch, và chưa có cơ hội bộc lộ ra bên ngoài?...

Mùa Thu 1792, vua Quang Trung băng hà, triều thần Tây Sơn mới có thể khám phá ra được ý nghĩa của "7 đại tự" kim tuyến thêu trong "chiếc áo" tai ác kia!Theo cách chiết tự và diễn nghĩa từ 7 chữ "Xa Tâm Chiết Trục Ða Ðiền Thử" đã có ý nói rõ: Nguyễn Huệ chết vào năm Tý. Vì chữ "Xa" và chữ "Tâm" đem ghép lại là chữ "Huệ"; "Chiết Trục" là gẫy trục; "Thử" là chuột mà chuột là "Tý", hay năm Tý... Như thế, phải chăng từ năm 1790 trở về trước, Càn Long đã đoán được số mạng của vua Quang Trung sẽ mất vào năm Tý? Chúng ta có thể đưa ra hai cách suy nghĩ để lý giải lập luận này:

1).- Càn Long là một vị vua giỏi nhất, thông minh nhất của Thanh Triều, như thế về thuật số, bấm độn, tính quẻ, ông ta không thể không tinh thông.

2).- Chính Càn Long là người có âm mưu và dự mưu giết cá nhân vua Quang Trung từ lâu, và đã dùng thuật số ếm vào chiếc áo bào, hay gài độc vào 7 đại tự kim tuyến để vua Quang Trung khi mặc vào sẽ bị chất độc khuếch tán từ từ.

Cho đến hôm nay, đối với việc ra đi của vua Quang Trung vẫn còn là chuyện bí mật, chưa một ai có thể giải đáp được những câu hỏi: "Tại sao nhà vua lại chết vào lúc tuổi đời đang sung mãn (đang đi vào độ tuổi 40), công danh, thắng lợi cứ dồn dập ập đến? Nhà vua đã chết vì bệnh? Hay chết vì bị đầu độc, bị ếm bùa ngãi của Càn Long? Và cũng có thể chết vì bức chân dung của Phạm Công Trị vẽ bằng một loại mực có pha hóa chất cực độc cộng thêm việc dùng bùa chú ếm vào chân dung đó? Hay chết vì những hoạt động tình báo của đối phương? (kẻ thù gài điệp viên vào cạnh bệ rồng? Cũng có thể là sự trả thù của con cháu nhà Lê? Của Nguyễn Ánh? Và cũng có thể là do đoàn sứ bộ của Thành Lâm (Thành Lâm là một người rất giỏi thuật số hồi ấy)? Sau cùng cũng có thể là sự ám hại từ phía Nguyễn Nhạc?..." Tất cả những câu hỏi trên đều phát xuất từ các giả thuyết của một vấn đề: "Cái chết của vua Quang Trung". Rốt cuộc, những nhà nghiên cứu chỉ có thể kết luận:

"Ông ta chết vì bệnh"!

Thật đơn giản, bị bệnh mà không chữa trị đúng cách, dĩ nhiên chỉ có chết! Không thể có một ai bài bác nổi lập luận này!

Tình hình chính trị xã hội ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 của nước ta thật quá nhiều biến động. Sự xôn xao không những xảy ra ngay trong cung đình mà ngay cả trong dân gian... Bởi vậy theo sau một vấn đề chính thường được gài thêm những chuyện phụ, nhằm tô vẽ cho sự phát triển giáo phái "Thần quyền" của những kẻ lãnh đạo phong kiến...

Làm sao ngày nay chúng ta không thể không hoài nghi về các tài liệu để lại? Cũng cùng trong một thời gian lịch sử, lại mang nội dung trái ngược nhau?

Chúng ta có thể tin tưởng ngày chết của một người phải đúng vào ngày giỗ hàng năm do con cháu dựng ra để tưởng niệm. Nhưng, cũng có thể vì một lý do an nguy nào đó, mà con cháu nhất định chọn ngày khác, trùng với ngày qui tiên của người trưởng tộc của họ? Ðây cũng là cách giải quyết mang tính tục lệ của người Việt Nam chúng ta. Ngày vĩnh biệt của vua Quang Trung có thể rơi vào tình trạng này lắm...

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Vua Quang Trung Và Chiếc Hoàng Bào Bí Ẩn VUA QUANG TRUNG VÀ CHIẾC HOÀNG BÀO BÍ ẨN

Có thể bạn thích