Gần hai tuần trôi qua mà tôi không biết thêm điều gì mới về vụ án. Tôi cũng mất liên lạc với Seldom, mặc dù tôi phát hiện qua một nhận xét vô tình của Emily là ông đang ở Cambridge, góp sức chuẩn bị một buổi thuyết giảng về Lý thuyết số. “Andrew Wiles nghĩ anh ta có thể chứng minh ức thuyết sau cùng của Fermat,” Emily nói, thích thú, như thể đang nói về một đứa trẻ không uốn nắn được, “và Arthur là một trong những người ít ỏi còn coi đó là chuyện nghiêm túc.” Đây là lần đầu tôi nghe đến tên của Wiles. Tôi không nghĩ giờ lại có nhà toán học chuyên nghiệp nào còn đang nghiên cứu định lý cuối của Fermat. Sau ba trăm năm gian lao vật lộn, đặc biệt là sau thời Kummer, định lý này giờ được coi như không thể đụng đến được. Hay thế nào đi nữa, nó cũng nằm ngoài phạm vi mọi phương thức toán học, và khó khăn đến nỗi nó sẽ lấy mất cả cuộc đời của người nào nhận lời thách thức. Khi tôi nói điều này với Emily, bà đồng ý ngay, như thể chính mình cũng bị chuyện này làm cho bối rối. “Tuy nhiên cũng phải nói,” bà thêm vào, “Andrew là sinh viên cũ của tôi, và nếu có người trên thế giới này giải được nó, tôi sẽ đặt cược vào anh ta.”

Trong mấy tuần ấy, tôi nhận lời mời đi dự một hội thảo về Lý thuyết Mô hình ở Leeds, nhưng thay vì chú tâm vào các bài giảng, tôi lại thấy mình đang vẽ những hình cá và vòng tròn lên bìa cuốn vở trong suốt mỗi phiên họp, như một lời hiệu triệu từ cõi hư vô. Tôi cố suy diễn từ những bài báo xuất hiện sau ngày Ernest Clarck chết, nhưng, có lẽ vì thanh tra Petersen đã can thiệp, một sự liên hệ có thể có giữa hai vụ án chỉ được nhắc đến thoáng qua. Ký hiệu thứ nhất được miêu tả, nhưng nhà báo có vẻ không biết gì đến ý nghĩa của nó mà chỉ thiên về ý coi đó như một thứ chữ ký. Tôi đã dặn Lorna viết thật chi tiết nếu có tiến triển gì mới, nhưng, thay vì một báo cáo tôi lại nhận được một lá thư thuộc loại tôi nghĩ không còn ai viết nữa, và nhất định là không bao giờ chờ đợi từ Lorna. Dài và êm ái, đó là một lá thư tình.

Tại buổi thuyết giảng có người đang thảo luận về thí nghiệm căn phòng Trung Hoa - tôi đọc lại những lời của Lorna, mà nàng có vẻ như đã viết trong một cơn cuồng nhiệt, phản ánh rằng vấn đề nung nấu trong chuyển ngữ chính là biết rõ - thực sự biết rõ - điều người kia muốn nói khi họ luồn trang giấy mang từ ngữ đáng sợ kia dưới cửa nhà ta. Trong hồi âm của mình, tôi chép lại lời khẩn nguyện của Qais ben-al Mulawah trong một bài thơ ông viết cho Layla:

Hỡi Thượng Đế, hãy làm tình yêu giữa chúng con ngang bằng để không người nào sẽ vượt ra khỏi người nào

Làm cho tình yêu của chúng con hoàn toàn giống hệt như hai vế của một phương trình.

Tôi trở lại Oxford đúng ngày có buổi hòa nhạc. Seldom đã để lại một lời nhắn trong hộp thư của tôi ở Viện, gồm có một bản đồ nhỏ với hướng dẫn, những cách khác nhau để đến lâu đài Blenheim, và thời gian chúng tôi hẹn gặp nhau. Vào buổi chiều, khi tôi đang thay quần áo, có tiếng gõ cửa. Đó chính là Beth. Trong một giây phút tôi không nói nên lời - chỉ còn biết sững sờ nhìn. Cô mặc một chiếc áo dạ hội đen xẻ xuống rất sâu, và găng tay cùng màu. Tóc cô cột lại phía sau, để lộ ra đường nét quai hàm thanh tú, cần cổ dài, mảnh, và đôi vai trần. Đây là lần đầu tôi thấy cô có trang điểm, và sự biến chuyển thật là kỳ diệu. Cô mỉm cười bối rối trước cái nhìn của tôi.

“Michael và tôi không biết anh có muốn đi cùng với chúng tôi chăng, nếu anh không ngại đến nơi hơi sớm một chút. Chúng tôi sắp đi đây.”

Tôi vớ chiếc áo len mỏng và đi theo cô ra ngoài vườn. Tôi mới thấy Michael có một lần trước đây, từ xa, từ cửa sổ buồng tôi. Anh ta đang đặt cây cello của Beth vào thùng xe. Khi anh ta ngước lên và cất tiếng chào, tôi nhìn thấy một khuôn mặt vui tươi, thông minh, với đôi má ửng đỏ khiến anh ta nhìn giống như một người dân quê hay một tay tửu đồ vui tính. Anh ta có khổ người cao và nặng nề, nhưng ngoại hình lại có nét gì đó mềm yếu làm tôi nhớ lại nhận xét đầy trách cứ của Beth về anh ta. Áo đuôi tôm của anh ta hơi bị nhàu, và anh ta không thể cài chặt nó lại ở chỗ ngang bụng. Mái tóc vàng rũ rượi của anh ta phất phơ trên trán, và tôi nhận thấy anh ta phải hất nó lên thường xuyên. Tôi nhận định một cách đầy ác ý là chẳng bao lâu nữa anh ta sẽ hói.

Michael nổ máy và điều khiển chiếc xe từ từ rời khỏi ngõ. Khi chúng tôi đến chỗ giao lộ với con đường chính, ánh đèn mũi xe chiếu sáng con vật bị cán bẹp vẫn nằm trên mặt đường. Michael vòng qua tránh nó, và hạ kính xuống để nhìn những phần còn lại đẫm máu. Nó đã bị cán dẹp nhưng, thật trêu tức, vẫn giữ được hình dạng của mình trên mặt phẳng hai chiều.

“Ra là một con lửng,” anh ta nói với Beth. “Nhất định nó đã đi lạc ra đây từ trong rừng.”

“Nó nằm đây mấy hôm rồi,” tôi nói. “Tôi đi ngang qua nó ngay lúc nó vừa bị cán chết. Tôi nghĩ nó đang mang thai. Trước đây tôi chưa thấy con này bao giờ.”

Beth nhoài sang phía Michael và nhìn thoáng qua ra ngoài cửa sổ, không quan tâm gì lắm.

“Phải có ai đi dọn mớ tàn tích này chứ?” tôi hỏi.

“Không đâu. Đám nhặt rác rất mê tín. Không ai dám động vào một con lửng, họ nghĩ nó đem lại vận xấu. Rồi nó sẽ bị bánh xe chạy qua tha dần đi hết thôi.”

Michael tăng tốc để vượt qua đèn giao thông, và trong khi chúng tôi nhập vào dòng xe trên đường, anh ta hỏi thăm tôi những câu lịch sự thường lệ. Tôi nhớ lại lời của một nhà văn Anh - Virginia Woolf, tôi nghĩ vậy - người đã một lần thứ lỗi cho sự khuôn phép của đồng bào bà với lời giải thích là cuộc đối thoại ban đầu, bề ngoài có vẻ vặt vãnh về thời tiết có công dụng thiết lập vị thế chung và một không khí thoải mái để tiến đến những đề tài quan trọng hơn. Nhưng tôi đã bắt đầu nghi ngờ không biết giai đoạn hai có tồn tại thật, và tôi có khi nào được nghe đến những đề tài quan trọng kia không. Có một lúc tôi hỏi bằng cách nào họ quen nhau. Beth đáp rằng họ ngồi ngay cạnh nhau trong dàn nhạc, làm như câu ấy giải thích mọi chuyện, và đúng ra tôi càng quan sát họ thì câu ấy càng có vẻ thực sự là lời giải thích duy nhất. Sự gần gũi, thông lệ, sự lặp đi lặp lại - một kết hợp có hiệu quả nhất. Anh ta thậm chí còn không phải, như nhiều người đàn bà nói, “người đã đến đầu tiên”; đây là một cái gì đó mật thiết hơn, “người ngồi gần nhất”. Nhưng tôi lại biết được gì? Tôi chẳng biết gì cả, dĩ nhiên, nhưng tôi ngờ rằng chỗ hấp dẫn chính của Michael là ở chỗ một người đàn bà khác đã chọn anh ta trước.

Chúng tôi nhập vào con đường vành đai, và trong vài phút, khi Michael tăng tốc trên đường hai chiều và những tấm biển quảng cáo loang loáng chạy lùi về phía sau, tôi cảm thấy mình trở lại với thế giới hiện đại. Chúng tôi tách ra, hướng về phía Woodstock, xuôi xuống một con đường hẹp nằm dưới hàng cây. Cành cây đan vào nhau trên đầu, tạo thành một đường hầm dài trong đó ta chỉ nhìn xa được đến chỗ khúc uốn kế tiếp của con đường. Chúng tôi đi băng qua một ngôi làng nhỏ, lái khoảng hai trăm mét theo một con đường phụ, rồi vượt qua một vòm đá, chúng tôi nhìn thấy dưới ánh nắng gần về chiều - những khu vườn rộng lớn, mặt hồ và những đường nét vương giả của tòa lâu đài, với những hình cầu vàng ánh trên mái và những điêu khắc cẩm thạch nhìn xuống từ bao lơn như đang canh phòng. Chúng tôi đậu xe gần cửa chính. Beth và Michael đi qua hết khu vườn, mang theo nhạc cụ của họ lên sân khấu, nơi mà ghế và giá để nhạc đã sắp sẵn cho dàn hòa tấu. Ghế ngồi của khán giả, vẫn còn đang bỏ trống, được sắp xếp công phu thành những hình bán nguyệt đồng tâm hoàn hảo. Tôi tự hỏi không biết kỳ công nho nhỏ này của khoa hình học sẽ còn tồn tại được bao lâu sau khi mọi người bắt đầu đến, và không biết còn có ai được chiêm ngưỡng nỗ lực này nữa không. Tôi quyết định đi dạo qua rừng và vòng quanh hồ, trong khoảng nửa tiếng trước khi buổi diễn bắt đầu.

Ánh sáng tàn dần. Một ông già mặc đồng phục đang đi lùa bầy công về trước khi đêm xuống. Qua những thân cây, tôi nhìn thấy những chú ngựa được thả ra trên một cánh đồng. Tôi đi ngang qua một người gác với hai con chó, và anh ta đưa tay lên mũ để chào. Lúc tôi đến được bờ hồ thì trời đã tối. Khi tôi nhìn lại về phía lâu đài, như thể một công tắc khổng lồ đã bật lên: toàn bộ mặt tiền đã bừng sáng, rõ ràng và bình thản như một món châu báu cổ xưa. Nhờ cái bóng lâu đài, mặt hồ vươn dài ra hơn nhiều so với tôi đã tưởng, nên tôi đành bỏ ý định đi giáp một vòng và quay trở lại đường cũ.

Rất nhiều ghế giờ đã có người ngồi, và tôi kinh ngạc vì số người vẫn đang đổ tới từng toán, nước hoa và áo dạ hội nối tiếp nhau. Seldom đang vẫy vẫy bản chương trình của ông về phía tôi từ một dãy ghế gần với sân khấu. Ông nhìn cũng thanh lịch hơn hẳn bình thường, với bộ lễ phục và nơ đen. Chúng tôi chuyện trò qua lại một lúc về buổi thuyết giảng ông đang tổ chức ở Cambridge, sự bí mật bao trùm phần trình bày của Wiles, và rất ngắn gọn, chuyến đi của tôi đến Leeds. Tôi nhìn quanh và thấy hai người chỉ chỗ ngồi đang vội vã mở bung những chiếc ghế để sắp thêm một hàng nữa.

“Tôi không nghĩ có nhiều người đến thế đấy,” tôi nói.

“Phải,” Seldom đáp, “gần như cả Oxford đều có ở đây, nhìn bên kia kìa.” Và ông hướng mắt về phía chỗ ngồi cách đó một vài dãy về bên phải.

Tôi quay lại hết sức kín đáo và thấy thanh tra Petersen với một cô gái trẻ, có lẽ chính là cô bé tóc nhạt màu trong tấm hình hai mươi năm về trước. Viên thanh tra gật đầu với chúng tôi.

“Còn kia là một người khác giờ đi đâu tôi cũng gặp,” Seldom nói. Hai hàng phía sau, người mặc bộ đồ xám đang giả bộ đọc tờ chương trình. “Anh có nhận ra anh ta không mặc đồng phục không? Chính là Thượng sĩ thám tử Sacks. Có vẻ Petersen nghĩ anh chàng của chúng ta lần tới sẽ ra tay gần với tôi hơn.”

“Vậy là ông đã nói chuyện lần nữa với thanh tra Petersen?”

“Qua điện thoại thôi. Ông ta yêu cầu tôi viết ra, càng đơn giản càng tốt, một dẫn giải cho ký hiệu thứ ba, quy tắc thành lập liên chuỗi, theo cách tôi nhìn thấy. Tôi gửi ông ta lời giải thích của tôi từ Cambridge. Nó chỉ dài trên dưới nửa trang giấy, không giống như cái báo cáo... ờ... giàu trí tưởng tượng ông ta đã đọc cho chúng ta nghe. Tôi nghĩ ông ta đã có kế hoạch, nhưng lại vẫn còn có nghi ngờ gì đấy. Thật thú vị, việc những ức thuyết của một nhà tâm lý có thể quyến rũ đến mức nào. Kể cả khi không chính xác hay khôi hài, nó nghe vẫn hấp dẫn hơn là lý luận thuần logic. Con người có một sự phản kháng tự nhiên, và một nghi kỵ từ bản năng, đối với tư duy logic. Và dù cho nó hoàn toàn sai lầm, sự phản kháng ấy - như ta thấy khi tìm hiểu sự phát triển lịch sử của logic trong đầu óc con người - hẳn là cũng có cơ sở.”

Seldom đã hạ giọng xuống một chút. Tiếng trò chuyện xì xầm quanh chúng tôi tắt hẳn, và ánh đèn mờ đi. Một luồng sáng trắng mạnh mẽ chiếu thẳng lên dàn nhạc đầy kịch tính. Nhạc trưởng gõ nhẹ lên giá để nhạc, chỉ cây gậy vào người chơi violin chính, và dòng đầu tiên của bản nhạc mở màn ngập ngừng cất lên trong im lặng, như một làn khói nhẹ uốn éo bay lên.

Rất êm ái, như đang gom lại những sợi tơ mong manh phảng phất trong không khí, nhạc trưởng dẫn dắt cho Beth và Michael, dàn nhạc hơi, dương cầm, và cuối cùng là nhạc công dàn gõ vào hòa âm. Tôi nhìn mãi vào Beth, mặc dù sự thật là tôi đã nhìn cô suốt nãy giờ, kể cả khi đang nghe Seldom nói. Tôi tự hỏi có phải chính từ trên sân khấu mà cô nhận thấy sự nối kết với Michael. Cả hai đều có vẻ hoàn toàn say đắm và tập trung, theo dõi sát bản nhạc, lật phắt từng trang giấy. Chốc chốc tiếng trống lại đột ngột vang lên làm tôi phải ngước nhìn người nhạc công gõ. Khổ người rất cao, thân mình còng xuống vì tuổi tác, với bộ ria mép bạc trắng, hơi vàng ở hai đầu, có lẽ đã từng là niềm vui và hãnh diện của ông, giờ đây ông là người cao tuổi nhất trong dàn hòa tấu. Khi không chơi nhìn ông có vẻ lẩy bẩy và thiếu vững vàng, trái ngược hẳn với sức lực mạnh mẽ đột ngột mà ông ta dùng để gõ trống, gần giống như đang cố che giấu giai đoạn chớm bệnh Parkinson. Tôi nhận thấy ông ta đưa tay ra sau lưng sau mỗi lần đánh trống, và người nhạc trưởng đang cố gắng, đến mức gần như hoạt kê, buộc ông giảm nhẹ nỗ lực của mình. Âm nhạc dâng lên đến một cao điểm hùng tráng, rồi nhạc trưởng ra dấu kết thúc bản nhạc bằng một nhịp vung rất hăng hái cây gậy của mình, trước khi quay lại, đầu nghiêng xuống, đón nhận những tràng pháo tay.

Tôi hỏi mượn tờ chương trình của Seldom. Bản kế tiếp là Mùa xuân Cheyenne của Aaron Copland, bản số ba trong loạt bài về các mùa, soạn cho kẻng tam giác và dàn nhạc hòa tấu. Tôi đưa lại tờ chương trình cho Seldom, và ông lướt mắt qua rất nhanh.

“Có lẽ mình sắp được coi pháo hoa đây,” ông thì thầm.

Tôi dõi theo cái nhìn của ông lên mái lâu đài. Giữa những pho tượng, ta có thể nhìn thấy bóng dáng những người chuẩn bị pháo bông đang di chuyển. Mọi vật ngưng tiếng động, đèn đuốc phía trên dàn nhạc vụt tắt, rồi một bóng đèn pha rọi thẳng vào một hình thể già nua, âm u như một bóng ma, tay cầm kẻng tam giác. Chúng tôi nghe tiếng leng keng văng vẳng xa xôi, trang trọng, nghe như tiếng băng tan nhỏ giọt. Dàn hòa tấu xuất hiện, chìm trong ánh sáng chiếu qua lớp bọc giấy màu cam, có lẽ chủ đích tượng trưng ánh bình minh. Tiếng kẻng tam giác vang lên trong một đối âm với tiếng sáo, rồi tắt dần khỏi tiết điệu chính. Đến lượt các nhạc cụ khác nhập vào, tạo ra trong lòng người nghe sự mường tượng hình ảnh một đóa hoa từ từ hé nở. Cây gậy của nhạc trưởng bỗng ra hiệu một nhịp điệu dồn dập cho tiếng kèn đồng, nghe như vó đàn ngựa hoang đang tung hoành giữa thảo nguyên. Tuần tự mọi bộ phận của dàn nhạc hòa vào tiết tấu cuồng loạn, cho đến lúc nhạc trưởng vẫy chiếc gậy về phía nhạc công gõ. Ánh đèn pha lại rọi thẳng vào ông, như thể khúc mạnh dần dẫn lên cao điểm sẽ bắt đầu từ đấy. Nhưng, dưới ánh sáng trắng chói lọi, ta có thể thấy có chuyện không hay đã xảy ra.

Vẫn cầm chiếc kẻng trên tay, ông già đang há hốc miệng cố hớp không khí. Ông buông rơi nhạc cụ, tạo thành một tiếng động chói tai khi chạm đất, rồi loạng choạng bước xuống từ trên cái bục của mình. Ánh đèn pha vẫn rọi theo ông, hệt như những kỹ thuật viên ánh sáng không rời mắt nổi khỏi quang cảnh rùng rợn. Người nhạc công chìa tay về phía nhạc trưởng trong một lời cầu cứu không ra tiếng, rồi đưa hai bàn tay lên cổ, như đang chống lại một kẻ tấn công muốn siết cổ ông. Ông ta quỵ xuống, và những tiếng kêu thét bị tắc nghẹn đồng thanh phát ra, trong lúc gần hết mọi người ngồi hàng đầu đều đang chồm dậy từ trên ghế. Các thành viên dàn hòa tấu vây quanh người nhạc công gõ và cuống cuồng gọi bác sĩ. Một người đàn ông rẽ lối đi dọc theo hàng ghế của chúng tôi rồi tiến lên sân khấu. Tôi đứng lên để chỗ cho ông ta qua rồi không kìm được cũng lên theo.

Thanh tra Petersen đã có mặt với các nhạc công và tôi thấy thám tử Sacks cũng đã nhảy lên sân khấu, súng trong tay. Người nhạc công nằm úp mặt trong một tư thế kỳ quái, bàn tay vẫn nắm lấy cổ họng, khuôn mặt bầm xanh như một con vật thủy sinh đã ngừng thở. Người đàn ông len qua mặt tôi lúc nãy chính là bác sĩ. Ông ta lật ngửa thi thể lên, ấn hai ngón tay vào cổ để nghe mạch rồi vuốt mắt nhắm lại. Quỳ bên cạnh ông ta, Petersen kín đáo chìa ra thẻ cảnh sát của mình, và nói chuyện với ông một vài giây. Sau đó ông ta tiến về phía dàn nhạc, đến chỗ cái bục của người nhạc công gõ và bắt đầu lùng kiếm trên mặt sàn. Chiếc kẻng vẫn nằm cạnh những bậc cấp và ông ta dùng khăn tay nhặt nó lên. Tôi quay lại nhìn thấy Seldom trong đám người ngay sau lưng mình.

Petersen đang ra hiệu cho Seldom đi theo ông ta đến một dãy ghế trống. Tôi len qua đám đông đến khi gặp được Seldom và đi theo ông, nhưng ông không có vẻ nhận thấy tôi. Ông không nói gì và biểu hiện của ông hoàn toàn không sao đoán định được. Chúng tôi nhích từng bước chậm chạp đến lúc về được chỗ ngồi. Petersen đã trèo xuống từ trên sân khấu, và đang tiến lại chỗ chúng tôi từ đầu kia dãy ghế. Seldom đột ngột dừng phắt lại, chết sững vì cái vừa mục kích trên ghế mình. Ai đó đã xé một vài mẩu chữ từ tờ chương trình và ghép thành một lời nhắn ngắn. Tôi đã kịp nhìn thấy nó trước khi bị viên thanh tra đẩy qua một bên. Mẩu đầu tiên là “thứ ba trong loạt (hay liên chuỗi)”. Mẩu thứ hai là “tam giác”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích