Ván Bài Lật Ngửa
P 2- Chương 7

Chiếc máy bay vận tải bốn cánh quạt nặng nề đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Hàng trăm người rời máy bay.

Đây là một trong những chuyến bay đặc biệt chở dân di cư miền Bắc vào Nam. So với những người đi đường thủy, họ tươi tỉnh hơn, ăn mặc sạch sẽ hơn. Họ vởi vội áo choàng trước ánh nắng chói chang của Sài Gòn – Khi họ lên máy bay, hàn thử biểu chỉ 15 độ và sau 5 giờ bay, con số đó là 36 độ trong mát.

Thân nhân đón họ đứng chật phòng đợi.

Một cô gái, sách chiếc vali con, áo len vắt tay, nổi bật trong đám hành khách: cô rất đẹp, tuổi chắc không thể hơn 25, là người phụ nữ duy nhất mặc quần tây, áo sơ mi, đi săng đan.

- Cô! – Cô gái gọi to và ôm ghì một bà áo lụa, vấn khăn, dáng đài các, đang tìm kiếm ai đó.

- Dung đây sao con? – Bà ngắm nghía cô gái rồi vụt khóc òa, - Nó lớn nhanh quá... Năm kia, nó vào thăm tôi, còn bé lắm... Sao bố không vào? Cô sẵn chỗ cho bố con, hễ vào là nhận chức chủ sự Bộ tài chính ngay... Còn con nữa, con phải học tiếp để lấy bằng cử nhân chứ?

Bà bô lô ba la, vẫn giữ cô gái – tên Dung – trong vòng tay.

- Ối chà! Cháu tôi đẹp như tiên... Con gái Hà Nội có khác... Nào, cái vết sẹo ở cánh tay to không?

Dung đỏ mặt, rúc đầu vào vai bà:

- Cô... cô...

Bà phân trần với số người đứng gần – họ chú ý cô gái có nước da trắng, vẻ mặt thanh tú, thân hình cân đối:

- Nó tồng ngồng nhưng nghịch ngợm lắm... Đâu như là lúc nó bắt đầu năm thứ nhất trường Luật, nó vào thăm tôi.. Tôi là cô ruột nó... Nó lên đồn điền chè của tôi, chạy nhảy thế nào mà ngã kềnh ra, bị cây nhọn đâm vào tay...

- Chú đâu không ra đón con? – Dung đánh trống lảng.

- Chú con hôm nay hẹn ăn cơm với trung tá Trần Vĩnh Đắt, có gửi lời xin lỗi con

- Ta về thôi, cô!

Một người lễ phép chào Dung:

- Xin cô đưa vali cho em...

- Ừ, anh xách hộ... Con không nhớ anh Khai, lái xe của cô chú sao?

- Ồ.. chào anh Khai! – Dung reo lên – chị Khai sinh thêm cháu nào nữa không? Cháu Tiến đi học chưa?

Ba người ra sân, chiếc Peugeot 203 nước sơn còn ánh.

- Con nhà giàu, sướng thế! Bà cô chắc không có con, cô ta tha hồ được nuông chiều...

Một người nhận xét về Dung với bạn – nhóm ba người mặc thường phục nhưng lưng cồm cộm súng ngắn.

Còn Dung ngồi sát vào cô trên xe và biết là cô muốn hỏi một người nhưng không tiện – Cả cái khóc của cô nữa: cô khóc không vì lâu ngày gặp lại cháu gái mình.

°

Tháng 8-1945, Dung nghỉ hè để sửa sọan vào năm thứ 2 trung học thì Cách mạng bùng nổ. Với tuổi 18, Dung say sưa dự các sinh hoạt văn hóa, thiếu niên như mọi bạn bè của Dung. Cũng từ sau ngày Cách mạng, Dung mới có dịp gần gũi người chú ruột – ông là chính trị phạm bị đày lên Sơn La, vượt ngục năm 1943, chỉ huy một đội du kích vùng Bắc Sơn. Cha Dung, công chức hạng trung Sở Tài chính Hà Nội, ở vậy nuôi con – mẹ Dung mất khi Dung lên 6 tuổi – tính hiền lành, ít nói. Chính người chú đã dạy cho cô bé hiểu nhiều điều mới lạ. Chú Dung sống độc thân – thực ra, ông chẳng có thời giờ đâu mà nghĩ đến vợ con, bởi ông hoạt động cách mạng lúc còn đi học và thoát ly luôn, rồi bị tù – chiều nào rỗi thì về nhà Dung. Người cùng phố chỉ biết chú Dung là Vệ quốc đoàn, còn Dung mãi sau này, do tình cờ, biết chú làm việc ở Nha Công an. Điều đó không có gì quan trọng đối với Dung mặc dù chú dặn Dung giữ kín và Dung đã giữ kín, ngay với cha.

Năm học 1945–1946 không bình thường – học sinh bận rộn với nhiều thứ bên ngoài trường lớp. Chú Dung không bằng lòng. Ông buộc Dung phải học và chính ông kèm Dung thêm những môn học mà Dung không thích mấy, như Toán, tiếng Pháp. Không thích thì không thích, Dung vẫn cố học - cô rất thương chú.

Bấy giờ, Hà Nội vừa đói vừa lộn xộn. Tàu Tưởng kéo sang, đóng chật các công viên. Thỉnh thoảng, Dung nghe vài vụ giết người, chú Dung bảo là do bọn Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần gây rối. Chú Dung gầy rạc.

Rồi Dung cũng bước vào năm học thứ ba sau kỳ nghỉ hè. Tàu Tưởng rút hết lên biên giới, nhưng quân Pháp đã có mặt ở Hà Nội. Những trận xung đột giữa quân Pháp và tự vệ ta, tuy lẻ tẻ, song không ngày nào là không xảy ra. Bạn trai của Dung bỏ học, theo các lớp quân chính. Bạn gái cũng có đứa vào các lớp cứu thương. Dung ngỏ ý xin đi học y tá. Cha cô, từ khi chú cô về nhà, ít quyết định những vấn đề như thế. Chú cô lắc đầu. Thực tế, trường gần như đóng cửa. Tin tức trong Nam kích động dữ dội lớp trẻ, cộng với tình thế đánh nhau ngay tại Hà Nội chắc chắn là khó tránh khỏi.

Đêm 19-12, súng nổ rộ. Cha Dung chẳng biết phải xoay xở làm sao. Chú Dung về nhà và hối thúc cả nhà tản cư. Một ô tô bộ đội chở cha con Dung ra Hà Đông. Sở Tài chính của cha Dung cũng di chuyển về đó. Truờng của Dung nghe đâu vượt sông Hồng, lên vùng Bắc Ninh.

Dung dứt khoát ghi tên vào lớp đào tạo y tá cấp tốc mở ở xã Dương Hội. Học được hơn tuần lễ - Dung rất phấn khởi theo học và nóng lòng chờ lớp kết thúc sớm để cô còn trở lại phục vụ các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô mà sự đồn đãi về thành tích đánh Tây của họ giữa lòng Hà Nội đã làm cô say mê – thì chú cô đến. Ông thầm thì với cha cô trong ngôi nhà ở tạm bên ngoài thị xã Hà Đông... Sáng hôm sau, chính chú Dung đến trường y tá xin rút tên cô và ông đưa Dung cùng đi với ông lên Ba Vì. Ban đầu, Dung ngơ ngác. Nhưng, vài hôm, cô hiểu. Lưng chừng núi Ba Vì, Dung miệt mài học một lớp học đặc biệt – rất ít học sinh và người giảng không ai khác hơn là chú cô. Ngoài chính trị và nghề nghiệp, Dung còn được học bắn súng – cái mà cô khoái nhất. Giữa năm 1947, cha cô và Dung hồi cư về Hà Nội. Thật là bẽ mặt với người cùng phố. Cha Dung lầm lì đến Nha Tài chính trình diện. Cũng không có điều gì phiền phức lắm: tên chủ Tây bảo ông làm tờ khai. Ông khai đúng sự thật: Ông tản cư với Sở Tài chính, vẫn làm công việc chuyên môn của ông, nay quân Pháp kiểm soát rộng, ông chịu cực không nổi nên thay vì rút lên căn cứ, ông về thành. Ông được nhanh chóng thu nhận trở lại và ngày ngày vác ô đến chỗ làm. Năm 1948, Dung đỗ bằng thành chung. Cha cô tậu ngôi nhà khác – tiền ở đâu thì cô không rõ. Ngôi nhà mới nằm ở khu sang trọng phố Gambetta. Một hôm, khách đến nhà. Đó là chú cô. Chú cô chỉ đến mỗi tuần ba lần và ngày giờ luôn thay đổi. Hễ đến, hai chú cháu lại bàn bạc. Cứ thế, Dung tốt nghiệp tú tài toàn phần năm 1951 và học ngành luật. Hè năm 1952, Dung vào Sài Gòn bằng máy bay. Theo bố trí của chú, Dung đến nhà “bà cô ruột” - một người Bắc lập nghiệp trong Nam từ lâu, có đồn điền trà nhỏ ở gần Blao. Dung làm quen với Sài Gòn và Nam Bộ trong dịp đó. Lần hôi, Dung biết sự thật. “Bà cô ruột” ngày xưa là người yêu của chú, nhưng chú thoát ly sớm, vả lại gia đình bà giàu có - ở Hà Nội, ai mà không biết gia đình Cự Doanh – duyên nợ bất thành. Bà lấy chồng, một bác sĩ. Hai vợ chồng dời nhà vào Sài Gòn, chồng mở phòng mạch, vợ mua đất trồng trà... Hai vợ chồng không con. Tại sao và bằng cách nào đó, Dung không rõ, mà chú Dung liên hệ được với bà. Dung chỉ biết là chính chú Dung đã vào Sài Gòn – cũng đi máy bay – và đã ở nhà hai vợ chồng ông bác sĩ. Bà nói tường tận với ông bác sĩ chuyện thời con gái của bà, ông bác sĩ vốn khoáng đạt, lại có phần kính phục chú Dung, nên đã tiếp chú Dung thật đầm ấm, thân tình.

Sau Điện Biên Phủ, Dung đang học dở chứng chỉ 3 khoa luật. Trường đại học Hà Nội dời vào Sài Gòn. Bấy giờ chú Dung không có mặt ở Hà Nội, Dung tự quyết định không theo trường – điều mà sau đó Dung bị chú “sạc” một trận dữ dội chưa từng có. Nhưng rồi chú thu xếp cho Dung đâu vào đấy. Dung bí mật lên Thái nguyên dự một lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ ba tháng. Trở về Hà Nội, Dung sửa soạn vào Nam như một người di cư, trước khi quân ta tiếp quản thủ đô. Lúc đầu, chú Dung định cả cha Dung cùng vào Nam, song cha Dung không ưng, dù thương con, ông không thích sống mãi trong cái không khí ngột ngạt. Vả lại, ông hiểu con ông – nó thông minh hơn ông nhiều, chưa chắc ông đã có thể giúp nêu không nói là gây bận bịu cho nó. Theo hướng dẫn của chú Dung, ông vẫn đăng ký vào Nam, đến thời hạn, ông lại khai là bệnh bất ngờ, không đi được. Chuyện rất bình thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Ván Bài Lật Ngửa P 2- Chương 7

Có thể bạn thích