DocSachHay.net
hân danh bà thái hậu Từ An (Đông cung thái hậu) đã quá vãng, Cung thân vương cho phổ biến tờ di ngôn đó. Bà Từ Hy không bình phẩm một lời vì trong tờ di ngôn đó. Bà Từ Hy không bình phẩm một lời vì trong tờ di ngôn thấy có chỗ gián tiếp chỉ trích bà về sự xa hoa quá mức. Tính bà thâm trầm, những ai trong lòng hiềm khích, bà biết hết, bà không nói nhưng chôn sâu trong tâm khảm. Một năm sau, trong nước đột khởi tai họa, nhân đó bà quy trách nhiệm hoàn toàn vào Cung thân vương. Quân Pháp chiếm 6 tỉnh ở Bắc Kỳ cho như một chiến lợi phẩm và phá tan những chiếc thuyền buồm của bà sai đi để đánh đuổi quân Pháp. Bà nhận được hung tin, lên cơn lôi đình, thịnh nộ. Tự tay bà thảo một sắc lệnh buộc cho Cung thân vương không đủ khả năng lực nếu không là bội phản. Bà dùng lời lẽ ôn hòa có vẻ khoan hồng, độ lượng song vô cùng nghiêm khắc:

- Sắc lệnh.

Trẫm thừa nhận những công huân Cung thân vương.

Để tỏ lượng khoan hồng, trẫm đã phục hồi tất cả phẩm tước thế tộc và bổng lộc tương xứng.

Chiếu theo sắc lệnh này, Cung thân vương bị truất hết quyền tước và lương bổng.

Khâm thử.

Cùng với Cung thân vương, bà thái hậu sa thải một số bạn đồng liêu với thân vương. Bà bổ nhiệm Chuân thân vương thay thế Cung thân vương. Bà lựa trong hàng thân vương lấy một số để thay thế số bị sa thải. Những người trong tộc đảng thân vương Chuân rất bất mãn, họ sợ Chuân thân vương được bà thái hậu phong cho một chức vị cao, sẽ thừa cơ soán nghịch dòng dõi vua Đồng Trị, lập một triều đại mới. Bà thái hậu không sợ một ai hết. Bà đã trừ khử những người có óc đối nghịch. Bà trở nên kiêu hãnh, vô hiệu hóa tất cả những mầm móng chống đối, mưu đồ khuynh đảo. Tuy vậy bà không muốn người ta cho bà có óc độc tài. Khi viên ngự sử Hàn Sâm gởi tờ trần thuật, nói những quyền hành giao phó cho Chuân thân vương làm lu mờ hội đồng ngự sử, hội đồng này trở nên vô ích, không còn lý do tồn tại. Bà đề cao những khả năng của thân vương, nguyên là phó khâm sai đại thần ở Mãn Châu, hiện giờ tổng đốc Tứ Xuyên. Trong một sắc chỉ, bà cho phổ biến đi khắp nước, bà nói một thân vương cùng huyết thống không nên nắm một quyền lực như Chuân thân vương. Bà biết như vậy nhưng vẫn phải làm. Bà kêu gọi thần dân trong nước phải nổ lực giúp đỡ triều đình để nước được phú cường. Bà còn nói nhiệm vụ, chức vị của Chuân thân vương chỉ có tính cách tạm thời. Trong tờ sắc chỉ, bà kết luận.

... Hỡi các thân vương và văn võ bá quan phải hiểu nhiều vấn đề trọng đại, trẫm phải liệu lý, giải quyết một mình. Những người trong hội đồng ngự sử đừng có lấy cớ địa vị của Chuân thân vương để trốn nhiệm vụ. Trẫm muốn từ nay, các quan phải tuân theo triệt để những mệnh lệnh của trẫm và không được kêu ca. Với sắc chỉ này, những đơn kêu ca không được cứu xét.

...

Như thường lệ, các sắc chỉ, sắc luật, lời lẽ gọn gàng, giản dị, minh bạch, không có lời văn phù phiếm, rườm rà. Các quan trong triều và các hàng thân vương đọc xong, không ai dám hé răng bình phẩm, người nào cũng có vẻ lo sợ. Suốt trong 7 năm được sự phục tòng tuyệt đối, bà trở thành một nhà cai trị độc tài chuyên chế và cũng là một nữ chúa hào hoa, diễm lệ.

Trong nước thái bình, thịnh trị. Đình thần cũng như hoàng thân cúi đầu tuân theo mệnh lệnh, nên bà ít khi cho thiết triều. Tuy vậy những lễ nghi về tôn giáo bà rất cẩn thận, không bỏ qua một lễ nào và bà biết chiều theo ý dân, nguyện vọng của dân.

Trời cũng chiều lòng, những năm bà cầm quyền, trong nước không có nạn hồng thủy, tiêu khô hạn hán, gió thuận mưa hòa,phòng đăng hoa cốc. Dân được yên ổn làm ăn, không có chiến tranh, giặc giã, những người ngoại quốc sống yên trong các tô giới. Bà dùng chính sách cứng rắn, dân chúng khiếp sợ, không ai dám ho he, xì xào, các quan ngự sử cũng giấu bà những mối lo ngại, không dám tâu lên.

Trong bầu không khí phẳng lặng, yên vui, tứ phương vô sự, bà để thời giờ nhàn hạ để thực hiện mộng tưởng hoàn thành Di Hòa cung. Bà đã bày tỏ cùng quốc dân ý định của bà, nên dân chúng đem cống hiến vàng, bạc; các tỉnh gởi đồ cống hiến gấp bội. Bà xuống chiếu cám ơn thần dân đã gởi phẩm vật cung tiến và giải thích ấu đế vừa là hoàng điệt và nghĩa tử của bà sẽ làm lễ đăng quang khi 17 tuổi. Bà sẽ cáo lui, đi dưỡng tuổi già ở Di Hòa cung.

Bà đã không khéo che mắt tất cả thần dân trong nước, mộng tưởng xa hoa, lãng phí bao nhiêu tài nguyên, vật lực trong nước. Bà chuyên chú, để tâm thực hiện mộng tưởng, xây cất những cung điện cực kỳ tráng lệ trong một khung cảnh thần tiên.

Bà đã chọn được địa điểm xây dựng cung điện, bà cho thế là nối chí được các tiên vương. Trong bản họa đồ, có ngôi cổ tự Vạn Phật xây từ đời vua Càn Long. Trong trận tàn phá, quân thù đã để lại không thiêu rụi và những chiếc cao đỉnh bằng đồng không bị làm mồi cho ngọn lửa và còn sót lại chiếc hồ lớn, nước chảy trong xanh. Các cung điện, đền, đài bị tàn phá, bà cho để nguyên đống tro tàn làm kỷ niệm. Những vật kỷ niệm đó nhắc nhở cho người đời biết vạn vật trên thế gian này đều vô thường. Bà cho xây cung của bà và cung của hoàng đế ở phía đông nam chiếc hồ lớn. Hai cung đó ở cách khá xa để cho hai người sống riêng biệt. Bà cũng cho xây một đại hí trường để tiêu khiển lúc tuổi già. Gần cổng vào hí trường bằng đá hoa, có một phòng rộng tiếp tân, vì theo quan niệm của bà, dù vào những ngày nghỉ, có lẽ tiết vị quốc trưởng phải tiếp các quan và hoàng thân. Gian phòng này rất rộng, tráng lệ, uy nghi, được trang trí bằng những bức chạm trổ, những đồ cổ, sơn son thiếp vàng. Các khuôn cửa kính treo những bức họa màu sắc tươi tượng trưng cho chữ "THỌ", trước mặt một chiếc sân rộng lát đá hoa, có mấy bực thềm trông ra hồ nước. Những bức tượng lớn bằng đồng bày ở sân. Về mùa hạ, những bức rèm lụa buông xuống ngoài hành lang, gian phòng về mùa nào cũng mát lạnh.

Cung bà thái hậu có những gian phòng rất rộng, tráng lệ, uy nghi, xung quanh có hành lang. Bà thích đi bách bộ ở các hành lang để suy tưởng. Khi bào trời mưa, bà ngắm nhìn mặt hồ có sương mù bao phủ, những cành cây, giọt sương long lánh. Mùa hạ, bà cho trồng cỏ thơm ở vỉa đường đi trong vườn. Vườn có nhiều giả sơn, kỳ hao dị thảo. Thứ hoa bà thích nhất là hoa lan (lan là nhũ danh của bà). Xung quanh hồ, bà cho xây một hành lang dài một cây số rưỡi, có những cột đá hoa. Đứng ở trong hành lang đó có thể ngắm nhìn đồi trồng hoa mẫu đơn, tao dại, trúc đào, lựụ.. Càng về già, bà càng thiên về thẩm mỹ, dưới mắt bà chỉ có thẩm mỹ là đáng kể.

Trong nước không ai ta thán, bà thái hậu mỗi ngày mỗi xa hoa. Những tấm rèm ở giường bà bằng vóc vàng thêu rất cầu kỳ một đàn chim phượng bay. Bà mua ở nước Tây phương rất nhiều đồng hồ đủ các kiểu.

Những đồ vật đó dùng làm đồ tiêu khiển, tuy vậy bà vẫn không quên thú chơi sách. Bà cho lập một thư viện, có đủ các loại sách, một thư viện của những nhà đại văn hào uyên thâm.

Ở trong cung, bà ngồi ở góc nào, ở phòng nào cũng nhìn thấy mặt hồ nước xanh ngắt. Giữa hồ có một cù lao, ở đó có xây một ngôi chùa nhỏ; cù lao nối liền với bờ bằng một chiếc cầu cẩm thạch, có 17 nhịp. Trên cù lao có một bãi cát nhỏ, vua Càn Long khi xưa trí một con bò bằng đồng, cát phủ lấp một nửa, để tránh cho cung, điện đời đời không bị nạn hồng thủy. Tất cả những chiếc cầu bà cho xây, có một chiếc bà ưng ý nhất, chiếc cầu này uốn cong rất đẹp, cao trên mặt nước 10 thước. Bà thường ra ngự trên cầu đó, ngắm nhìn bao quát nước non miếu mạo, đình chùa và những khoảng đất rộng.

Sống trong cảnh huy hoàng diễm lệ, ngày tháng thấm thoát trôi qua. Một hôm viên thái giám vào tâu ấu đế đã được 17 tuổi tròn, bây giờ xin bà cho lập hoàng hậu. Bà nhận thấy lời tâu của tên thái giám là đúng, bà để tâm vào việc lập hoàng hậu cho nghĩa tử. Ngày trước, bà rất thận trọng chọn vợ cho con trai bà, bây giờ bà đã có kinh nghiệm, bà cần chọn người con gái nào biết phục tòng bà, không yêu say mê chồng như con Ái Lan. Bà bảo Lý Liên Anh:

- Ta muốn được an nhàn, chỉ cho ta mấy người con gái tính nết dễ thương không như hạng con Ái Lan, lấy chồng chỉ biết có chồng. Ta không chịu được cảnh đối địch. Ta không muốn bị về vấn đề ái tình hay thù oán.

Lý Liên Anh, độ này quá mập, quì xuống rất khó khăn, bà cho phép ngồi hầu chuyện. Người thái giám mập mạp, đứng d6ỵ, ngồi trên ghế, lấy ống tay áo phe phẩy quạt. Mới sang đầu xuân, trời đã nóng bức. Hắn ngồi suy nghĩ một lúc lâu, tâu:

- Muôn tâu thái hậu, lệnh bà không chọn người con gái của tôn huynh, quận công vệ hoàng, người con gái đó tuy tính nết rất ngoan song xấu không được đẹp.

Bà thái hậu chấp thuận liền, liếc mắt nhìn có vẻ âu yếm chiếc mặt phị của tên thái giám mập.

- Ồ! Sao ta không nghĩ ra nhỉ? Tất cả các thể nữ, người đó ít nói lắm, nhũn nhặn và tận tâm với ta lắm... Ta có thể yên chí hắn không quấy nhiễu ta.

Tâu lệnh bà, thế còn các thứ phi?

- Mi biết những ai, nói ta nghe, nhưng phải đần độn mới được.

Tên thái giám vội vàng thưa:

- Tâu lệnh bà tên tổng đốc Quảng Đông đáng được ân thưởng, ông đã đánh bại toán giặc ở miền Nam. Ông có hai người con gái, một người đẹp, một người mập lắm, cà hai rất đần độn.

- Được rồi, ta chọn hai người đó. Thảo tờ sắc chỉ.

Lý Liên Anh, người nặng nề, thở dai và như rên rỉ. Thấy dáng điệu hắn phục phịch, thở hổn hểnh, đi đứng có vẻ khó nhọc, bà thái hậu có vẻ như chế ngạo hắn, hắn có ý không bằng lòng. Hắn lẩm bẩm trong mồm: "Lão Phật lhông phải lo lắng gì hết, con xin đảm nhệm hết thảy mọi việc, hôm nào làm lễ cưới, lão Phật đến chứng kiến.

Bà thái hậu làm ra vẻ không bằng lòng, lấy ngón tay đeo nhẫn chỉ vào mặt hắn, nói:

- Mi dám kêu ta là Lão Phật hả?

Muôn tâu thái hậu. Mùa hè năm ngoái có hạn hán, thái hậu cầu khẩn xin được đảo vu, dân gian bấy giờ kêu thái hậu là Lão Phật.

Suốt mùa đông năm ngoái, không có mưa tuyết, da trời lúc nào cũng trong xanh, suốt cả xuân sang hạ không có một trận mưa nào. Bà thái hậu xuống chỉ bắt dân chúng ăn chay, tụng kinh, lễ bái trời Phật, bà và toàn thể triều đình tuân theo chỉ thị đó để làm gương cho mọi người Tụng kinh được ba hôm có cảm ứng nên trên trời trút xuống một trận mưa lớn. Dân ở thành phố chạy ra đường để uống hụm nước mưa, tắm táp cám ơn bà thái hậu đã sai khiến được cả quỷ thần, họ reo hò. Đó là lão Phật của dân ta.

Từ ngày đó, viên tổng quản thái giám luôn gọi bà thái hậu là Lão Phật. Đó là một cách xu nịnh, bà cũng biết thế, trong lòng thích thú. Lão Phật là một danh xưng lớn nhất, ca tụng công đức, ví bà như Trời, Phật. Chính bà thái hậu nhiều lúc cũng quên mình là một phụ nữ, năm bà 55 tuổi, bà cho bà khác hẳn người phàm, người ta có thể cho bà là một thiên thần, ở trên cõi trời xuống trần gian để cai trị muôn dân.

Bà vừa cười, vừa nói:

- Thôi cút đi, ta còn định hỏi han mi nữa. Thôi cút đi, đồ quỷ.

Người thái giám lui ra, bà lại tiếp tục đi chơi trong vườn hoa, ánh nắng soi chiếu khuôn mặt bà đã trở về già và chiếc áo màu sắc lộng lẫy. Theo lệnh bà, các thể nữ tháp tùng phải đi ở xa, quần áo sặc sỡ như một đàn bướm.

Đã đến ngày làm lễ thành hôn cho ấu đế, một ngày xấu vì trời ảm đảm, có những triệu chứng không được tốt, hôm lễ cưới một cơn cuồng phong ở mạn bắc thổi làm bay những chiếc trải làm làm mái rạp ở sân ngoài. Buổi sáng nền trời tối om theo sau một trận mưa lớn. Những ngọn nến thắp lên, gió thổi bạt, thắp không cháy. Tiệc cưới, bánh làm mềm xìu vì trời ẩm ướt. Cô dâu vào trong sân rộng đứng cạnh chú rể, chú rể ngoảnh đầu đi để tỏ vẻ ác cảm với người chính tay bà lựa chọn. Bà đã cố hết sức nhịn, nếu không đã nổi lên một trận lôi đình. Bà cố nuốt giận, lòng căm thù đối với đứa cháu, dám coi thường bà. Bà đã chọn hắn lên kế vị, một thằng nhỏ gầy còm, ốm yếu, xanh xao, hai bàn tay nhỏ bé, run lẩy bẩy, tính lại ương ngạnh. Thấy hình thù hắn ốm yếu, bà tự trách đã chọn hắn, còn cái tính ương ngạnh của hắn. Bà lo cho mối hậu họa sau này. Trong khi bà nuốt giận, cô dâu khóc, hai hàng lệ chảy hai bên má, nước da tái mét.

Suốt cả buổi lễ, bà thái hậu ngồi đó làm vờ không để ý vào một việc gì. Đến chiều, bà về Di Hòa cung, từ nay bà ở luôn đó.

Ở Di Hòa cung, vào đầu tuần trăng, năm bà 56 tuổi, bà xuống một chiếu chỉ tuyên cáo cùng toàn thể quốc dân, ý bà rút lui vào hậu trường để an dưỡng tuổi già. Hoàng đế đã làm lễ đăng quang lên ngôi, trị vì. Bà có ý nói bà không trở về hoàng thành, bà cho di chuyển các kho liễm về Di Hòa cung. Các thân vương và đình thần khẩn cầu bà ở lại cương vị tối cao để chế ngự một ông vua vừa nhu nhược vừa ương ngạnh.

Trong bản thỉnh nguyện, có viết:

" Hoàng thượng bị ảnh hưởng của hai phụ đạo là Khang Hữu Vệ và Lương Chí Thiện.

Hoàng thượng thích những đồ chơi ngoại lai. Ấu đế đã thành nhân, đã có vợ con còn thích chơi những đồ chơi của trẻ nít: Những chiếc xe cho chạy, vặn bằng dây cót hay đốt lửa. Chúng hạ thần nghĩ không phải hoàng thượng chỉ thích thú đồ chơi đó, ngài còn ý đặt trên lãnh thổ nước ta những đường độ thiết ngoại lai."

Bà thái hậu đọc tờ thỉnh nguyện, nghĩ mặc kệ chúng bay, ta không phải lo lắng trách nhiệm gì hết.

- Chư khanh, việc này trong phạm vi trách nhiệm của chư khanh. Chư khanh khuyên can ấu đế để cho ta được an dưỡng.

Mấy lời bà thái hậu phán ra làm các quan hết sức bối rối, nhất là Cung thân vương và Nhung Lữ, hai người này đã bị truất phế, họ cố năn nỉ:

- Tâu thái hậu, nếu hoàng thượng không nghe lời khuyên can của chúng hạ thần, xin thái hậu, vì vận mệnh quốc gia can thiệp với hoàng thượng. Hoàng thượng chỉ sợ uy của thái hậu.

- Ta không ở xứ nào xa xôi, ta ở cách kinh thành có 12 cây số. Ta vẫn giữ bọn thái giám làm thám tử. Nếu các khanh trung thành với ta, ta không để hoàng thượng chặt đầu mà sợ.

Hai mắt bà sáng lên, hai môi đỏ chót như hồi còn trẻ. Bà cười có vẻ châm biếm. Thấy bà vui vẻ, cả bọn vững tâm.

Bà lại sống êm đềm, tháng ngày trôi qua, tuy vậy bà vẫn để mắt vào mọi việc, trong thành nội vẫn có thám tử của bà hoạt động. Nhờ có mật tin báo cáo, bà biết những chuyện xích mích giữa hai vợ chồng ông vua. Ông vua say mê hai thứ phi không hỏi han đến hoàng hậu.

Trong tờ báo cáo hàng ngày, Lý Liên Anh có nói:

- Cả hai thứ phi này đần độn lắm, không có gì đáng quan tâm.

Bà thản nhiên nói:

- Con thứ phi làm cho nó sa ngã. Ta không có chút hi vọng nào vào hắn hay bất cứ người nào.

Hai mắt bà buồn buồn, bà thở dài ngoảnh đầu đi chỗ khác.

Tuy bà không thật sự cầm quyền, song mọi công việc, mọi nghị quyết trong triều, lời bà phê phán là một quyết nghị.

Khi các thân vương trong tộc đẳng Yehonala đến xin bà thăng chức cho thân vương Chuân để vua biểu dương được lòng hiếu đối với cha, tước vị cha phải ở trên con, và cũng theo tục lệ của các thế hệ. Bà từ chối không chịu chấp thuận. Dòng dõi hậu duệ hoàng triều phải do bà xếp đặt, chỉ có bà mới đủ thẩm quyền. Quang Tự là nghĩa cử của bà, bà là tổ mẫu hoàng gia. Tuy vậy bà cũng lựa lời không làm mất lòng thân vương Chuân. Cách đấy mấy năm, bà đã tự chọn người chồng cho em gái bà. Nhân dịp đó, bà ban nhiều ân điển cho Chuân thân vương, đề cao lòng trung kiên của thân vương và nói ông đã nhiều lần từ khước những ân điển bà tặng. Bà nói: Mỗi lần tôi xuống một sắc chỉ ân thưởng công huân cho thân vương, ông đều từ chối, nước mắt chảy ròng ròng. Ông được đặc ân treo trên xe song loan những rèm vóc vàng, phù hiệu của hoàng gia, song ông cũng từ khước, không làm. Ông đã nêu lên tính khiêm nhường và tinh thần trung kiên tuyệt đối với hoàng gia và dân tộc.

Thời giờ thấm thoát trôi qua, đã đến một ngày trọng đại, ngày khánh hỷ tượng thọ lục tuần đại khánh của bà hoàng thái hậu.

Di Hòa cung, một cung điện nguy nga, cực kỳ tráng lệ, nơi bà thái hậu đi dưỡng tuổi già nay đã hoàn thành. Việc xây cất, bà lấy tiền ở công khố quốc gia, hoàng đế cũng không dám can ngăn, từ chối. Cung điện đã hoàn thành, bà còn muốn làm một chiếc tàu lớn bằng đá cẩm thạch đặt ở giữa hồ. Chiếc tàu được nối liền vào bờ bằng một chiếc cầu đá cẩm thạch. Ông vua chỉ âm thầm thở ngắn, thở dài, không biết lấy tiền đâu ra để cung phụng.

Lần này, ông định nói ra mối lo ngại của ông về nền tài chính trong nước, dùng lời lẽ hết sức kính cẩn và hiếu thảo.

Đọc tờ trình của ông, bà thái hậu lên cơn lôi đình. Bà xé nhỏ tờ trình ném xuống đất, tên thái giám lượm cho vào bếp. Bà thét lên:

- Cái thằng cháu lười, nó phải biết tìm đâu ra có tiền chứ.

Bà không muốn ai làm trái ý bà, bà phải phật lòng, lên cơn bực tức như hồi còn nhỏ. Chỉ có Lý Liên Anh có thể làm bà nguôi cơn giận.

- Tâu thái hậu, xin thái hậu chỉ giáo nơi nào có tiền, thái hậu sẽ được như ý.

- Đồ ngu, mi không biết, hiện nay ngân khố đang thu thập tài nguyên trong nước để lập hải quân à?

Đúng vậy, hiện trong các kho các hàng triệu nén bạc dự trữ sắp được đem sử dụng về lập hạm đội, hải quân. Bọn giặc lùn (người Trung Hoa nhạo báng gọi người Nhật Bản) đang đe dọa duyên hải Trung Hoa.

Nhật Bản là một dân tộc rất thiện về hải chiến, họ có một hạm đội hùng mạnh, đóng những chiếc thuyền bọc sắt rập theo kiểu mẫu người Tây phương. Trong khi đó, dân tộc Trung Hoa sống trên đất liền, có những chiếc thuyền buồm cổ lỗ từ ngàn xưa với đám dân ngư phủ. Hạng thượng lưu, trung lưu Trung Hoa lo ngại về những tham vọng của người Nhật, họ bèn tự động đóng một thứ thuế riêng để lập một hạm đội hùng mạnh, cũng bắt chước người Nhật rập theo khuôn mẫu của người da trắng.

Bà thái hậu phản đối:

- Làm sao mình lại sợ quân lùn Nhật Bản? Bọn chúng chỉ có thể lảng vảng ở bờ biển trong hải phận nước ta, dân mình khi nào để cho bọn chúng đổ bộ, xâm nhập vào nội địa nước mình. Thật là cả một sự điên rồ đem tiền lãng phí, đóng tàu theo kiểu ngoại nhân. Chẳng có ích lợi gì chỉ thêm cho thằng cháu ta (vua Quang Tự) một món đồ chơi. Ta nghe người ta xầm xì hắn vẫn thích như hồi còn nhỏ những đồ chơi ngoại quốc làm. Vì thế hắn lãng phí ngân quỹ quốc gia.

Dù có can ngăn cũng không được, ông vua đành nhượng bộ, chiều theo sở thích của bà thái hậu, cho xây chiếc tàu bằng đá hoa đặt giữa hồ Tĩnh Tâm. Ở nơi đó bà cho tổ chức lễ thọ lục tuần đại khánh. Tất cả mọi chi tiết lễ nghi phải được hoàn tất vào tháng mười âm lịch, toàn dân mở hội suốt một tháng, mọi công việc đình chỉ, thăng thưởng phẩm tước cho tất cả những người nào trung thành với bà. Để cho cuộc lễ thọ cực kỳ long trọng bà khuyến dụ tất cả quan lại, lớn, nhỏ trong nước, bà cho khấu trừ một phần tư lương bổng hàng năm và bà tuyên bố bà không từ chối những phẩm vật mừng lễ thọ bà, trong đó có vàng, bạc, châu báu.

Trong thâm tâm, bà muốn nhận một phần quà thật đích đáng, vĩ đại. Nhung Lữ, trước kia phạm tội dan díu với một cung phi bị lãng quên, ông bị loại trừ trong các tiết lễ, đã lâu bà không gặp. Bây giờ, người cung phi đã chết, nỗi căm hờn của bà lâu ngày đã phai nhòa, bà nghĩ có lý do gì bà trừng phạt người bà yêu nhất trên đời. Bà đã già, không còn trong tuổi hoa niên, ham mê vì tình ái, bà đối với Nhung Lữ như một người bạn già. Mối tình của bà như đám tro tàn lại được khơi động lên. Bà muốn nhìn lại khuôn mặt người yêu, quên hết dĩ vãng, nghĩ đến hiện tại. Bà mừng thượng thọ lục tuần còn hắn đã quá cái tuổi đó. Bà gửi cho Nhung Lữ một lá thơ. Bà viết rất đẹp, nét chữ già dặn, cứng cáp, ngay ngắn:

" Mấy chữ này không phải một sắc luật, đây là một lời chào, một lời mời, hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau với tâm hồn cởi mở, quên hết chuyện xưa. Mời anh đến chiều hôm trước ngày lễ Thượng Thọ Lục Tuần của tôi, chúng ta sẽ hàn huyên trước khi ra mắt quần thần."

Bà chỉ rõ nơi hai người gặp nhau ở thư viện. Bà biết tính Nhung Lữ ghét bọn thái giám, bà đuổi ra ngoài tất cả bọn thái giám, cả Lý Liên Anh, lấy cớ cho ra ngoài phố xem xét những miếng ngọc Thổ Nhĩ Kỳ đem đến. Đã sắp hết thu, một ngày nóng bức không có gió. Ánh nắng rây vàng các sân trong hoàng thành, có hàng ngàn cây cúc đầy hoa. Tuy đã sang tháng mười, nhưng các người làm vườn hãm hoa không cho nở, để hoa nở đúng ngày đại lễ thượng thọ. Bà thái hậu mặc áo vóc vàng thêu phượng màu lam, ngồi chờ trong thư viện, hai bàn tay đặt trên hai đầu gối.

Vào lúc 3 giờ, bà nghe có tiếng chân người. Các thể nữ mở rộng các khuôn cửa, ở trong hành lang bà thấy tiến về gian phòng, bóng dáng to lớn Nhung Lữ. Đột nhiên bà cảm thấy tâm hồn bối rối, trái tim đập mạnh. Bà cố lấy vẻ bình tĩnh, không để cảm xúc hiện trên nét mặt. Nhung Lữ tiến lại gần phía bà, vẫn thế dáng dấp vẫn như xưa, mạnh bạo, hiên ngang. Mặc quần áo sẫm màu, một chiếc áo dài lụa màu lam sẫm, đầu đội mũ vóc đen, trên ngực gài một đồ trang sức bằng hồng ngọc, một tước vị của các thân vương, chiếc bài ngà này là một bức tường ngăn cách giữa hai người. Bà ngồi yên cho đến khi hắn đến gần. Bốn mắt nhìn nhau, Nhung Lữ định sụp xuống làm lễ chào như ngày trước nhưng bà vội vàng can ngăn giơ tay không để hắn lễ và chỉ hai chiếc ghế. Bà bước xuống ngai, nắm tay áo Nhung Lữ dắt ra ngồi ở ghế. Hai người ngồi hai ghế song hàng, nói chuyện.

Với một giọng âu yếm song có vẻ kiêu hãnh, bà bảo:

- Đặt chiếc hốt xuống.

Nhung Lữ đặt chiếc hốt xuống bàn, chờ xem bà nói.

Đột nhiên nét mặt bà rất tươi tỉnh, liếc mắt nhìn Nhung Lữ đầy vẻ âu yếm, tình tứ.

- Thế nào, độ này có khỏe không?

- Tâu thái hậụ..

- Miễn đừng kêu thái hậu.

Nhung Lữ cúi đầu xuống nói:

- Đáng lẽ tôi phải hỏi thăm sức khỏe bà trước, nhưng tôi đã nom thấy sức khỏe bà dồi dào. Tôi xem bà không có gì thay đổi. Khuôn mặt này vẫn đúng khuôn mặt đã in sâu trong tâm khảm tôi suốt bao nhiêu năm nay.

Cả hai người, không ai muốn khêu lại dĩ vãng. Cả hai không muốn nhắc đến chuyện cũ đã qua. Không có một người nào có thể lọt vào tâm hồn hai người. Khi hai người ngồi cạnh nhau chuyện trò, thế giới bên ngoài hầu như không có. Bà nghĩ, tuy chàng đã cao niên, ánh mắt vẫn thấy trẻ như xưa. Xác thịt cũng như tâm hồn, tuy hai mà là một, tuy một hóa hai. Bà cảm thấy lạ, khi gần chàng, bà thấy tâm hồn rạo rực, lòng yêu mến dạt dào. Bà thở dài cảm thấy sung sướng. Nhung Lữ hỏi:

- Sao bà thở dài?

- Tôi nghĩ tưởng chừng tôi có nhiều chuyện nói với anh, bây giờ ngồi trước mặt anh, tôi có cảm tưởng như anh đã hiểu hết về tôi.

- Bà cũng biết hết về tôi. Tôi không có gì thay đổi, vẫn như trước, từ ngày hai chúng ta đã hiểu nhau.

Bà không nói gì. Hai người đã hiểu rõ tâm sự của nhau. Những năm qua, sống trong mấy bức tường thành, sợ tai vách mạch rừng, hai người không ai dám thổ lộ một lời tuy cùng chung một quan niệm, một ý nghĩ. Khi bà hỏi han câu gì, lời nói nhẹ nhàng, âu yếm:

- Anh có điều gì muốn bàn luận, khuyên bảo tôi không? Đã bao nhiêu năm nay, không nhận được ý kiến gì của anh. Tôi tự ý định đoạt không hỏi ý kiến một thân vương nào.

Nhung Lữ lắc đầu nói:

- Tôi không có gì đáng chê trách.

Bà nhận thấy trong giọng nói của hắn có gì không tiện nói ra. Bà nói:

- Anh và tôi thường có gì nói thẳng cho nhau biết không cần úp mở, có phải thế không? Anh nói cho tôi biết anh có buồn gì về tôi không?

- Không... Không có gì. Tôi không muốn đến làm mất vui ngày đại lễ thượng thọ của bà. Người thứ dân trong nước cũng ăn khao thọ huống hồ là bà.

Bà có vẻ thúc giục, vội vã nói:

- Thôi anh, nói thật đi anh, có gì anh cứ nói thật đi.

Nhung Lữ bất đắc dĩ, dù không muốn nói cũng phải nói:

- Tôi rất tin tưởng vào sự lịch duyệt, khôn ngoan của bà. Nếu quân đội ta bị quân Nhật đánh đại bại ở đảo Đài Loan, họ đổ bộ vào đất liền, lãnh thổ của ta, là một đại họa cho quốc gia dân tộc, bà không thể tổ chức lễ khánh thọ tưng bừng như thế này.

Bà nghe xong, nét mặt trầm ngâm, suy nghĩ, bất giác thở dài. Thủng thẳng bà đứng dậy, thủng thẳng đi ngang qua căn phòng, lên ngồi trên ngai. Nhung Lữ cũng đứng dậy, chờ cho bà tại vị yên trên ngai, hắn ra lễ trước bà, lần này bà để yên cho hắn lễ. Mắt bà nhìn xuống chiếc lưng Nhung Lữ cúi xuống. Bà nói:

- Bây giờ tôi đã nhận rõ mối nguy cơ, không biết cầu viện ở đâu? Nhiều đêm tôi đang ngủ, bừng thức giấc nghĩ thấy rùng mình, lo ngại cho ngày mai, không biết thế nào. Tôi nhìn thấy những đám mây đen đang cuồn cuộn ở trên bầu trời bay tới. Quốc gia này, dân tộc này sẽ ra sao? Tôi nghĩ không biết có nên không, sau lễ thượng thọ này, tôi có nên cho gọi bốc sư gieo quẻ xem vận nước thế nào?

Nhung Lữ trả lời, giọng trầm ngâm, nghiêm nghị:

- Tâu thái hậu nên tiên liệu trước hơn nghe lời mấy kẻ bốc sư, đừng chờ nước đến chân mới nhảy.

- Như thế anh cầm quyền tư lệnh đạo quân bảo vệ hoàng thành, anh ở gần tôi và bảo vệ tôi như ngày trước. Tôi không quên đêm hôm nào anh vào trong lều tôi ở giữa rừng sâu núi thẳm, gần Nhiệt Hà. Chiếc kiếm của anh đã cứu mạng tôi và con tôi.

Bà muốn nói lớn ý nghĩ thầm kín, đứa con của chúng ta, anh đã cứu mạng. Dù sao đứa con đó đã chết rồi và được mai táng theo lễ nghi một vị hoàng đế và được an nghỉ trong lăng tẩm của hoàng gia.

Nhung Lữ đứng dậy nói:

- Tôi xin chấp nhận trách nhiệm đó.

Hắn lấy chiếc hốt, nắm chặt trong hai tay rồi đi ra. Chao ôi! Cuộc khánh lễ đã không được cử hành theo như dự định. Dân phải đóng góp rất nhiều, xây Khải Hoàn môn suốt dọc đường từ Di Hòa cung đến hoàng thành. Những ban thờ bái vọng được thiếp lập, các vị sư luân phiên tụng niệm. Toàn dân, ở các tỉnh và những lãnh thổ phụ thuộc sửa soạn một tháng yến ẩm, hội hè để ăn mừng một ngày trọng đại của vị nữ hoàng. Nhưn, hội hè sắp sửa khởi diễn, đột nhiên quân Nhật tấn công, phá tan hạm đội chiến thuyền Trung Hoa. Dân ở Cao Ly gửi cấp báo lên ngai rồng, dân chúng ở bán đảo đó bị quân giặc áp bức, đè nén, tình thế vô cùng khẩn trương, nếu không có quân tiếp viện ngay, đảo đó sẽ bị quân Nhật thôn tính. Công văn thượng khẩn ở Đài Loan bay đến kinh thành, như bươm buớm, giờ nào cũng có. Bà thái hậu nhận những tin thất trận liên tiếp, cuộc lễ thọ mới khởi sự, bà rất phẫn nộ. Bà vô cùng hối hận đã làm một việc hết sức sai lầm, nguy hại. Nếu bà lấy số tiền dự trữ để tạo lập một hạm đội hùng mạnh khả dĩ đương đầu với quân địch, thì đâu nên nỗi. Trước mặt mọi người, bà không nhận lỗi đó, sợ như thể sẽ mất uy tín. Ngai rồng, theo đúng nguyên tắc, không bao giờ có thể sai lầm được. Bà lo liệu để phản công, phá tan quân thù. Hôm đầu, bà không ăn, không ngủ, không nghỉ ngơi, những ngày hôm sau, bà ăn rất ít, đi đi, lại lại mấy gian phòng trong cung. Bà không còn bụng dạ nào ngắm hoa, nghe chim hót líu lo. Bà ngoảnh mặt khi người ta dâng lên bà một cuốn sách hay sớ, điệp. Nhanh như cơn lốc, một tin đồn lan truyền trong cấm thành, bà thái hậu phẫn nộ đến cực điểm, không biết bà sẽ trút cơn giận của bà lên đầu người nào? Để khởi đầu, bà lôi Lý Hồng Chương ra hạch tội, viên tướng này được bà tin cậy. Bà sai tổng quản thái giám đi gọi Lý Hồng Chương, bà tiếp ở cung đường riêng. Lúc tiếp bà cho mở rộng các cửa phòng để cho mọi người biết, bà tức giận đến mức nào, tin đó sẽ truyền đi cho tất cả cấm thành, tất cả nước ai cũng biết.

Lý Hồng Chương vừa bước vào, bà đã hét lên:

- Khanh!

Bà không thèm lấy ngón tay chỉ, mà lấy hai ngón tay út chỉ vào mặt. Nét mặt hầm hầm, bà thét lên:

- Anh dám để quân giặc đánh dấu tất cả hạm đội chiến thuyền và chiếc tàu Cửu Hưng chở quân lính. Bây giờ chiếc tàu nằm sâu dưới đáy biển. Lấy tiền đâu, đóng chiếc tàu khác? Sự bất lực của anh đã làm hại quốc gia như thế nào?

Viên tướng này không dám hé răng nói một lời. Ông quỳ mọp xuống nền gạch, hôm ấy ông mặc bộ triều phục rất đẹp. Biết ông không dám cãi lại, bà thái hậu càng tấn công mạnh:

Bà lại hét to, ngón tay út vẫn chĩa vào ông tướng.

- Suốt mấy năm nay, anh lo liệu những cái gì? Anh quên vận mạng, quyền lợi quốc gia? Tôi biết anh chỉ chăm chú mấy chiếc thuyền buôn đi các dòng sông và anh cho đặt mấy đường thiết lộ. Anh cũng biết tôi ghét mấy thứ đồ ngoại lai. Hình như anh có lập ở Thượng Hải một nhà máy dệt ngoại quốc để anh thủ lợi. Anh cũng biết phục vụ ngai rồng phải mất thời giờ và trí não. Anh dám coi việc tư của anh trọng hơn việc công.

Ông tướng chỉ nghe bà khiển trách, không dám cãi lại một lời. Bà lại tiếp tục sỉ vả, nhục mạ, hai ngón tay út xỉa thẳng vào mặt ông tướng như mũi dao găm.

- Suốt trong mười năm nay, quốc gia này đã thiệt hại biết bao nhiêu vì lòng tham và ích kỷ của anh. Quân Pháp chiếm trọn An Nam, tấn công Đài Loan, chúng ta giải phóng được hai nơi đó cũng khó vì đồng thời quân Nhật tấn công ở Cao Ly. Làm sao quân ngoại quốc tấn công, hăm dọa nước mình? Rất dễ hiểu, vì quân đội, hải quân mình yếu kém, lỗi tại ai? Nếu không phải anh thì còn ai? Anh vẫn ở nhiệm sở, anh phải làm cái gì trước kia anh không chịu làm. Anh bị tước hết chức phẩm, quyền thế, bị phạt như một tên nô lệ, một tên nô lệ không được nghỉ ngơi.

Bà bỏ tay xuống, thở thật mạnh mấy cái, rồi ra hiệu đuổi viên tướng đi ra.

- Thôi, đứng lên, làm tròn nhiệm vụ, đoái tội lập công. Khôi phục lại uy thế cho nữ hoàng của anh.

Viên tướng đứng dậy, phủi hai đầu gối, cúi đầu, lom khom, đi giật lùi, ra ngoài. Đột nhiên, bà để ý nhận thấy sắc diện của ông đượm vẻ kiên nhẫn, nghị lực làm bà để tâm. Người này đã giúp bà bao nhiêu công việc to tát. Ông có óc phục tòng và rất trung thành. Bà thái hậu phải có lượng khoan hồng đối với ông, nhưng bà hãy thong thả để sau này, không nên làm ngay.

Bà chưa hả cơn giận, lòng còn phẫn nộ. Bà cho gọi ông vua đến. Bà tự tay viết giấy mời ông vua đến, trên giấy mời bà có đóng ấn tín.

Hôm nay bà định cho tống đạt giấy triệu thỉnh ông vua đến, đột nhiên xảy ra một chuyện lạ lùng, làm náo loạn cả Di Hòa cung. Về buổi chiều, bà đang nằm ở Lan Đình, một thể nữ tất tưởi chạy đến, quần áo lốc thốc, tóc rối bù. Lúc đó con a hoàn đang quỳ cạnh bà để hầu quạt. Con a hoàn vội giơ tay bảo người kia đừng làm náo động, thái hậu đang ngủ. Người thể nữ sợ quá, không để ý, kêu lên the thé:

Thái hậụ..thái hậụ.. Con nom thấy, con nom thấỵ..

Bà thái hậu tỉnh giấc liền. Bà ra ngồi trên ghế, hai mắt nhìn thẳng vào người kia, bà hỏi:

- Mi nom thấy gì?

Người thể nữ mồm lắp bắp, nói không ra lời, hai tay co quắp ôm ngực, sợ quá, khóc.

- Một người, đầu trọc lóc như sư.

- Ồ thế thì sư chứ cái gì?

- Tâu thái hậu đầu trọc lóc như sự.. Có lẽ một nhà sư Tây Tạng, mà không phải. Hắn không mặc áo vàng. Người hắn đen sì từ đầu tới chân, cao lớn, con chưa thấy người nào cao lớn như thế. Hai bàn tay hắn to lắm.Tâu thái hậu, cửa phòng đóng kín mít, không một người nào có thể lọt vào được.

Bà thái hậu ngửng đầu nhìn lên nền trời, mặt trời đã lặn ở sân, ánh sáng đã nhạt nhòa. Không có một người nào, có thể đến đây được. Bà bảo người thể nữ, vẻ mặt lo sợ, hốt hoảng.

- Mi mê rồi. Các thái giám canh gác, không một người nào có thể vào được.

Người thể nữ cố cãi:

- Tâu thái hậu, chính mắt con nom thấy, con nom thấy rõ ràng.

- Nếu đúng thế, ta thân chinh đi kiếm xem sao.

Một đội quân đi hộ vệ khoảng hai mươi tên thái giám đi với bà, người cầm kiếm, cầm đèn lồng, đi tìm kiếm con người bí mật kia. Bà kêu lên:

- Chúng ta ngu quá. Chắc là nó ngủ mê hay nó say rượu.

Lý Liên Anh sai bọn thái giám tiếp tục tìm kiếm, cầm đèn lồng đi theo hắn.

Lý Liên Anh và một cây đèn lồng dẫn đầu, đưa bà thái hậu đi. Bà vừa bước lên ngưỡng cửa thư viện, ngửng đầu lên thấy trên mặt bàn một tờ giấy đỏ lớn có viết mấy đại tự: "Ta nắm mạng mi trong lòng bàn tay ta."

Bà chộp lấy miếng giấy, đọc hai lần, quẳng cho tên thái giám. Bà nói:

- Coi xem, nó chỉ trốn quanh đâu đây, một tên thích khách, tiếp tục kiếm nữa.

Tất cả thể nữ vây quanh bà. Lý Liên Anh tuân theo lời bà. Mọi người cố trấn tĩnh bà thái hậu. Các thể nữ đồng thanh nói các thái giám thế nào cũng tìm ra người đầu trọc, không còn là chuyện mộng mị mơ hồ, đó là sự thật, mà đã là sự thật thế nào cũng khám phá ra được.

Bọn thể nữ thắp rất nhiều nến, đưa bà thái hậu về phòng ngủ, bọn này đứng túc trực phòng bà suốt đêm để bà ngủ cho đỡ mệt. Nhưng khi các thể nữ bước chân vào phòng ngủ, họ thấy một tờ giấy đỏ ghim ở chiếc gối vóc vàng, cũng có mấy chữ, so tự dạng cùng một thứ chữ với tờ giấy trước.

"Khi nào đến giờ đã được ấn định, lưỡi kiếm sẽ đâm nát thây mi, bất luận ngày hay đêm, mi sẽ chết."

Các thể nữ nhìn thấy thế, sợ quá, kêu thất thanh, bà thái hậu càng thêm bực mình. Bà giật tờ giấy ngài ở gối, vo viên, ném xuống đất. Bà rũ lên cười, hai mắt long lanh, sáng quắc.

- Thôi im mồm đi các cô, một thằng nào trêu ghẹo bọn mình. Đi ngủ hết, ta cũng đi ngủ.

Tất cả bọn đồng thanh nói:

- Tâu lệnh bà, chúng con không rời lệnh bà đêm nay.

Bà mỉm cười, cũng chiều lòng để cả bọn thức, túc trực. Bà thay quần áo, lên giường nằm. Sáu người thể nữ trải đệm nằm dưới đất, cạnh giường bà, còn lại chia làm hai, một nửa thức đến nửa đêm, một nửa thức từ nữa đêm đến sáng để canh chừng. Lý Liên Anh gươm tuốt trần cùng với bọn thái giám canh ở ngoài cửa.

Đến tảng sáng, bà thái hậu thức dậy, ngáp, lấy bàn tay che miệng, mỉm cười nói, câu chuyện chiều hôm qua thế mà lại hay.

- Ta thấy trí óc tò mò bị kích thích; ở đây, lầu son, gác tía, êm đềm quá sinh ra lười nhác.

Bà ở trong phòng ngủ đi ra, vẻ mặt vui tươi đầy nghị lực, trên mái tóc gài hoa tươi. Bà ra ăn sáng, đưa mắt quan sát xung quanh. Đột nhiên, dưới những đĩa đựng món ăn, bà thấy một tờ giấy đỏ, vẫn một thứ chữ viết mực đen.

"Trong khi mi ngủ, ta chờ."

Các thể nữ không giấu được sự kinh ngạc, kêu thét lên có vài người khóc. Các a hoàn líu lưỡi không nói được.

- Chúng con vừa bưng các món ăn lên. Chúng con không nom thấy có người nào.

Với một giọng thản nhiên, không có gì lo sợ, bà nói:

- Người ta sẽ tìm ra.

Bà vo viên tờ giấy, liệng xuống đất.

Mặc dù các a hoàn lo sợ, các món ăn có chất độc, định đem đi, bà không cho. Cuộc truy tìm người bí mật được liên tục làm suốt ngày hôm đó. Không ai nom thấy, tìm thấy bóng dáng người bí mật, nhưng người ta thấy có bốn tờ giấy lời lẽ hăm dọa ở bốn nơi khác nhau trong cung.

Ròng rã suốt hai tháng, các thái giám lục soát trong cung, thỉnh thoảng một đôi khi, người ta có nom thấy một đầu trọc, quần áo đen sì, từ đầu đến chân, nhưng không sao bắt được. Một người a hoàn suýt mất trí, hóa điên vì sáng lúc ngủ dậy, nom thấy khuôn mặt người bí mật treo lơ lửng trên đầu nàng. Nàng kêu thét lên, chiếc đầu như bay đi mất.

Tuy vậy, bà thái hậu không sợ, bà cấm mọi người không được phao truyền tin đó ra ngoài, sợ gieo hoang mang cho dân chúng, bọn bất lương lợi dụng sự lộn xộn làm bậy. Bọn thái giám cắt phiên nhau, ngày đêm canh gác.

Một đêm, trong khi bà thái hậu ngủ, các thái giám nghe tiếng kẹt cửa. Dưới ánh trăng lờ mờ, bọn thái giám nom thấy một cẳng chân đen sì bước vào trong cửa. Tất cả thái giám kéo ùa đến để bắt. Người bí mật chạy trốn, bọn thái giám lục soát khắp mọi nơi, ở trong vườn sau một tảng đá lớn, họ đã bắt được người đó.

Tiếng hò reo, kêu la của bọn thái giám làm bà thức giấc. Bà ngồi dậy, truyền cho dẫn người đó đến, bất luận ngay trong tối. Các thể nữ vội vàng lấy áo long cổn đội mũ miện cho bà, bà lên ngự trên ngai ở cung đường. Người bí mật bị trói đem dẫn lên trình bà.

Người đó đứng trước mặt bà, không cúi đầu làm lễ, các thái giám đè hắn xuống, bắt phải quỳ. Bà thái hậu, giọng rất bình tĩnh, bảo:

- Để cho nó đứng.

Bà thái hậu để ý quan sát người đứng đó, một thanh niên dáng điệu hiên ngang, đầu cạo trọc, khuôn mặt lạ lắm hao hao như mặt cọp, trán hất về đằng sau, hai môi cắn chặt, mắt xếch. Một chiếc áo dài đen bó sát người, như một lần da nữa, thân hình mảnh khảnh, bà thẩm vấn:

- Mi là ai?

- Không là ai. Tôi không có tên. Cái đó không can hệ.

- Ai sai mày đến đây?

- Bà cứ việc giết chết, tôi không nói.

Thấy người đó ăn nói vô lễ, bọn thái giám rút kiếm toan chém, bà thái hậu giơ tay cản lại. Bà ra lệnh:

- Khám người hắn.

Bọn thái giám tuân lệnh, xúm lại khám. Người kia đứng yên không chống cự. Trong người hắn không có gì. Lý Liên Anh tâu:

- Tâu thái hậu, con xin thái hậu giao thằng đó cho con. Con sẽ có cách tra, nó sẽ khai ra, con cho đánh bằng những thanh nứa rất sắc, cột chặt nó lại, dang bốn chân, tay quất bằng roi nứa, gan bằng sắt cũng phải khai.

Tất cả mọi người đều biết Lý Liên Anh rất thành thạo về việc tra tấn tội nhân nên đồng thanh tán thưởng lời đề nghị của hắn. Bà thái hậu nói:

- Cho mày đem nó đi, mày muốn làm gì tùy ý.

Bà nhìn con mắt phạm nhân, bà thấy mắt nó không như mắt mọi người, mắt nó vàng vàng, gờm gờm như mắt thú dữ, không sợ người. Bà như bị thôi miên, mãi mới ngoảnh đi được chỗ khác. Bà ra lệnh cho bọn thái giám:

- Không phải nương tay, nếu không làm sao lấy được khẩu cung của nó.

Hai hôm sau, Lý Liên Anh vào để tường trình.

- Nó có khai gì không?

- Tâu thái hậu, không.

- Như thế, tra nữa, kỳ nào nó khai mới thôi.

Lý Liên Anh lắc đầu thưa:

- Tâu thái hậu, nó nhất định không nói. Nó chết rồi, người ta nói nó tự vẫn.

Lần thứ nhất trong đời bà thái hậu, bà cảm thấy sợ. Bà giơ tay gái một bông hoa nhài trồng ở chậu, đưa lên mũi ngửi. Bà hít hương thơm, bình tĩnh trở lại, nói:

- Thôi chuyện ấy bỏ qua, không nói đến làm gì nữa.

Tuy bà nói thế song không sao quên được người bí mật đầu trọc, cả một bí mật, một nghi vấn. Bà nghi nghi hoặc hoặc, không biết sự thật thế nào, trong lòng lúc nào cũng băn khoăn, lầu son, gác tía, bà cũng không thấy vui sướng. Tuy trong vườn có đủ hoa thơm, cỏ lạ, tuy vẫn thường đi ngự lãm những buổi trình diễn của gánh hát ở trong hoàng cung, đầu óc bà không được nhẹ nhõm, thảnh thơi, không phải bà sợ chết, nhưng bà không sao quên được câu chuyện bí ẩn đè nặng trong tâm hồn bà, có những người muốn hãm hại bà. Nếu biết rõ ai là thù nghịch với bà, bà thẳng tay loại trừ, nhưng không biết là ai, không tìm ra manh mối.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích