Trong rừng nho
Chương 10

Phố phường Hà Nội đã hết vẻ nhộn nhịp của năm mới, xác pháo ngoài đường đều bị vùi dập dưới tầng đất lấm, câu đối xanh đỏ ở các đường ngõ đều phải hoen ố vì những giọt mưa xuân.

Những nhà buôn bán lần lượt mở cửa bán hàng.

Những bà, những cô phong lưu thi nhau thắng áo mới, sắm vàng hương, để đem đầu vào các đền các miếu.

Xuân Hương vò vọ ngồi trong thư phòng, nàng tự thấy mình như không chống nổi sự buồn bã của cảnh hiu quạnh. Rồi lòng xuân phơi phới giục nàng phải nhớ đến Đàm Thận Trung. Từ ngày hẹn nhau vào nhà cụ Nghè Hoàng, chàng thường lui tới nhà nàng luôn luôn. Trong lúc cùng nhau trò chuyện nàng vẫn để ý xem xét, và đã nhận chàng là kẻ khoáng đạt, hoà nhã không câu nệ, giả dối như các ông nho sĩ khác. Vì thế, tình ý hai bên mỗi ngày mỗi thêm thân mật, chàng coi nàng là bạn tâm đầu ý hợp, nàng cũng coi chàng là tri kỷ của mình.

Hồi cuối năm ngoái, không ngày nào chàng không đến chơi nhà nàng. Tuy giữa hai người chưa hề có chút bờm xờm lả lơi, nhưng sự ăn ở, đối đãi đã gần giống như người một nhà, có khi nàng đã lưu chàng ăn ngủ luôn ở nhà mình, mà không lấy làm e lệ. Vì năm hết, tết đến, theo tục, chàng phải về quê, trước khi từ biệt phường Khán Xuân, chàng đã hẹn nàng đoạn tết lại sang rồi cùng đi chơi các nơi hang động, núi rừng, để ngắm cảnh đẹp của trời đất. Vậy mà qua tết đã hơn mười ngày, vẫn chưa thấy chàng tới nơi, cho nên nàng nóng ruột. Phải, nàng không phải là loại gỗ đá, tất nhiên cũng có dục tình, trong bấy nhiêu ngày, lửa đã gần rơm, dù hai bên vẫn cố giữ cho nó không thể bùng lên, nhưng sự thực, ở trong lòng nàng, cũng như ở trong lòng chàng, lửa ấy vẫn cứ cháy ngấm cháy ngầm, vắng chàng lúc nào, ấy là nàng phải buồn tẻ lúc ấy.

Mấy cành bích đào trên lọ đã bắt đầu nẩy những lá non, cánh hoa tươi thắm lả tả rơi rụng khắp nhà, đầu cành trơ những quả non nhu nhú. Sự thay đổi của hoa cảnh nhắc lại cho nàng bài thơ "Tiếc xuân" của chàng Đỗ Mục ngày xưa.

Trong những thi nhân đời Đường, Đỗ Mục là người rất đa tình. Khi chàng ra chơi Hồ Châu, viên thứ sử ở đó là Ưng Quân Tố muốn chìu ý bạn, gọi hết con hát trong quận đến cho chàng coi, chàng không vừa ý một ả nào hết. Rồi chàng xin cho viên thứ sử mở hội, bày các trò vui dưới nước cho người trong quận đến coi, để chàng kén xem có người con gái nào đẹp hay không! Viên thứ sử cũng xin vâng lời. Đúng ngày mở hội, người ta đến coi chật cả hai bên bờ sông. Đỗ Mục đi ngắm khắp lượt, vẫn không có ai vừa ý. Thình lình có một mụ già dắt đứa con gái còn để hồng mao đi vào. Mục coi hồi lâu liền bảo với viên thứ sử, con bé ấy thực là một bậc quốc sắc, viên thứ sử tức thì cho đón vào thuyền. Mục ngỏ ý muốn hỏi làm vợ. Cả mụ già lẫn cô bé con nghe nói đều sợ không dám nhận lời. Mục nói ta không cưới ngay bây giờ, chỉ đính hẹn với mẹ con nàng mà thôi. Sau mười năm nữa, tất nhiên ta ra làm quan hạt này. Nếu mười năm nữa mà ta không ra, thì cho tùy nàng muốn đi lấy ai thì lấy. Khi ấy Mục đưa rất nhiều tiền cho mẹ con nàng để làm tiền cưới. Khi về triều, Mục vì quan thấp, chức nhỏ không dám xin ra Hồ Châu. Tới lúc được ra Hồ Châu, tính ra đã mười bốn năm. Lập tức cho đòi người con gái ấy thì nàng không đến, chỉ có mẹ nàng vào ra mắt Mục, nói rằng: Khi trước ông hẹn mười năm nhưng hết mười năm, không thấy ông ra, tôi gả chồng cho cháu đã ba năm nay, cháu đã sinh được ba đứa con rồi. Mục cúi đầu ngẫm nghĩ rồi bảo các bạn, lý của họ thắng, mình không nên cưỡng. Luôn đó, Mục tiễn bà lão ra cổng một cách kính trọng, nhưng Mục vẫn ngậm ngùi tiếc người con gái, mới ngâm một bài "Tiếc xuân".

Xuân Hương giở tập Đường Thi ra coi, nàng thấy ý tứ trong thơ rất hợp với tình cảnh mình, tức thì nàng lấy giấy bút dịch ra một bài quốc âm như sau:

Bởi tại tìm hoa quá chậm chân,

Há nên ngao ngán oán ngày xuân,

Gió đông bay hết màu tươi thắm,

Quả trái đầy cành, bóng rợp sân

Nàng ngó những cành hoa đào tan tác dưới sàn gác, nằm những quả đào non và lả đào xanh mơn mởn trên độc bình, rồi nàng lại ngâm đi ngâm lại hai câu:

Gió đông bay hết màu tươi thắm

Quả trái đầy cành, bóng rợp sân

Lúc ấy trong lòng càng thấy buồn bực, nàng liền nhớ lại những ngày còn để hồng mao mỗi khi gặp tiết đầu xuân, thường được theo mẹ đi chơi nhà các người họ hàng ở nhà quê, rồi những chị em bạn gái rủ nàng chui vào bờ bụi, tìm các thứ lá để đánh đố lá với nhau. Nàng vì ở đất thị thành, không thuộc được nhiều tên bằng họ, lần nào đố lá nàng cũng thua họ, bị họ dần rát cả lưng và vẹo cả sườn.

Thế mà ngoảnh đì, ngoảnh lại, bây giờ nàng đã ngoài hai chục tuổi, những bạn đố lá ngày trước, ai nấy đều đã con bồng con mang. Chỉ riêng nàng hãy còn lắng đắng: "Tuổi xuân chẳng qua cũng như những cám hoa đào, nó chỉ tươi thắm được trong một thì, hết thì tươi thắm ấy thì hết xuân, nghìn vàng không mua lại được". Nghĩ vậy, nàng liền đọc luôn đến câu phương dao:

Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già xồng xộc, nó thì theo sau.

Ngâm chưa dứt tiếng, dưới gác bỗng thấy có người gõ cửa. Nàng đẩy cửa sổ ngó ra, thì ra Đàm Thận Trung đã đến. Mừng quá, nàng không rụt rè e lệ gì cả. Tự mình chạy xuống mở cửa mời chàng lên gác.

Con Nụ biết ý, xách chiếc ấm siêu xuống bếp đun nước, để gian phòng gác mặc chủ và ông khách tự do.

Chàng vừa ngồi đoạn, nàng liền đem chuyện cụ Nghè Hoàng ra nói:

- Con gà hôm ấy đích là của mụ láng giềng không phải của cụ Nghè Hoàng.

- Thì chính thế, nếu là gà của cụ Nghè Hoàng sao khi thả ra, nó lại chạy tót về nhà mụ kia.

- Chắc cụ muốn ăn xuýt con gà của họ để cúng.

- Có lẽ thế.

Nàng cười sằng sặc:

- Gớm chửa, văn hay, học rộng, mở miệng nói toàn giọng đạo đức thánh hiền, thế mà dám ăn cắp gà của người ta đấy. Đáng chán chưa? Có lẽ những ông thâm nho toàn là hạng người đi ăn cắp gà tất cả.

Thận Trung sầm mặt:

- Mình không được phép nói hỗn thế. Nho cũng tùy người, không phải ai cũng như ai. Nếu mình muốn nhân việc ăn cắp gà của cụ Nghè Hoàng mà kết án chung mấy ông lên mặt đạo đức, thì phải nói thử thế này...

- Nói như thế nào?

- Nói rằng bao nhiêu cụ Nghè ngày nay toàn là người ăn cắp gà tất cả, thế mới đúng.

Hai người cùng cười rầm nhà.

Ngọn gió hiu hiu qua cửa sổ thổi vào án sách, một mảnh hoa tiêu trong đống sách phấp phới bay ra giữa nhà, Xuân Hương toan tính nhặt lấy dấu đi, nhưng chưa kịp nhặt, tờ giấy đã bị vào tay Thận Trung.

Chàng đưa lên nhìn, chính là bài thơ vô đề của nàng mới làm trong mấy bữa nay. Gật gù, chàng vừa cười vừa đọc:

- Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế, khuyết hay tròn

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Đọc đi đọc lại đến ba bốn lần, thấy trong thơ chứa chan tình hứng, làm cho chàng không thể nén được ngọn lửa trong buồng gan. Bỏ tờ hoa tiên xuống án, chàng đứng dậy, ôm nàng vào lòng và đặt trên đôi má hồng của nàng bốn, năm cái hôn nồng nàn. Nàng không cự nhưng hình như cũng sượng sùng, hai má đỏ bừng, vừa cười nàng vừa nói bằng giọng ỡm ờ:

- Ô hay! Làm gì thế? Làm cái gì thế?

Thang gác có tiếng thình thịch, hai người vội buông nhau ra, con Nụ vừa xách ấm nước sôi lên. Lấy đủ ấm chén pha nước đặt lên trên yên, nó lại lùi xuống dưới gác. Thận Trung không đợi Xuân Hương mời chào, chàng lại cầm ấm rót lấy mà uống. Một nụ cười nở trên cặp môi son, nàng nhìn Thận Trung và hỏi:

- Hôm nay ăn cơm chiều ở đây chứ?

- Chẳng ăn ở đây thì ăn ở đâu?

Nàng liền xuống gác đưa tiền cho con Nụ đi chợ mua đồ làm cơm.

Gần tối, đồ ăn làm xong, con Nụ bưng mâm lên, hai người cùng ngồi một mâm, vừa uống rượu, vừa xướng họa, đêm ấy Thận Trung cùng nàng ngủ chung một giường.

Sáng hôm sau, mặt trời lên khỏi ngọn cây, ánh nắng chiếu xuống Hồ Tây lóng lánh, hai người mới cùng trở dậy, ai nấy còn uổn vai, ngáp vặt nhìn nhau bằng cặp mắt sượng sùng.

Tan cuộc nước chè, Thận Trung vui vẻ bảo nàng:

- Trước kia nghe bài tự tình của mình đưa vào trong trường cụ Nghè, tôi vẫn không tin, ý tôi cho rằng trong lúc mình ở nhà lão Quyền Chưởng Vệ, cũng như mỡ để miệng mèo, tất nhiên lão ấy không để cho mình vân lành. Bây giờ mới biết là tôi đoán sai...

Xuân Hương không trả lời, nàng chỉ mỉm cười một cách chua chát. Hồi lâu, nàng bảo con Nụ mua đồ ăn sáng, để nàng sắp đi chơi xa. Muốn tránh sự bàn tán lôi thôi của những người ngứa miệng, nàng lại ăn mặc giả trai như hôm vào thăm cụ Nghè Hoàng.

Lần ấy là lần đầu nàng cùng người bạn trai đi chơi sơn thủy, chàng muốn vào thẳng Thanh Hóa ngoại trấn viếng chùa Non Nước, rồi xuống luôn huyện Gia Viễn thăm động Hoa Lư. Nhưng nàng không thích đi về hướng ấy, và nàng khuyên hãy lên coi qua rừng trên vùng Thái Nguyện. Ý chàng vốn không nhất định đi đâu vì đi đâu cũng là ải chơi, không có sự gì quan hệ, cho nên nàng định thế nào, chàng cũng theo thế ấy.

Hai người thuê hai chiếc cáng theo huyện Kim Anh đi lên, khi tới phố Mã thì trời vừa tối, phải vào ngủ trong nhà trọ.

Sáng mai mờ đất đã toan trở dậy lên đường, nhưng vì ở đó là nơi đồng rừng, hết giờ mão chưa tan sương mù, nên chàng khuyên nàng hãy nên thong thả.

Bỗng thấy ở nhà bên cạnh có tiếng trẻ học, nàng cười và bảo với chàng:

- Ai ngờ ở trong hang sâu cũng có tiếng chân ngưu mục đi . Ta thử vào chơi xem sao.

Rồi nàng gọi hỏi nhà trọ xem rằng thầy đồ dạy học bên ấy tên họ là gì, tính hạnh ra sao, người chủ trọ đáp:

- Chúng tôi chỉ thấy gọi là ông Cống Tuyên Quang, về đây bảo trẻ đã hai năm nay, tính hạnh rất thuần thục, và rất nghiêm nghị. Trong hai năm nay, ngoài nhà chú nuôi cơm, ông ấy chưa hề chơi bời với ai.

- Chúng tôi muốn sang thăm ông có tiện không nhỉ?

- Cái đó chúng tôi không biết. Nhưng ông cứ sang, nghe đâu bên ấy cũng có ông Nghè Hưng Hóa về chơi với ông Cống đã mấy bữa nay.

Nghe nói, nàng liền bảo chàng :

- Quái lạ! Hưng Hóa Tuyên Quang cũng có ông Nghè, ông Cống, văn học đường rừng cũng thịnh đấy chứ.

Rồi chàng và nàng cùng dắt nhau sang nhà láng giềng, nói là bọn lái buôn đi đường, nghe tin ở đây có ông Cống bảo trẻ, nên muốn vào thăm ông và xem cách thức học hành thế nào.

Thì ra cách nói đôi ấy rất trúng với ý ông Cống.

Từ trước đến giờ, ông Cống không thèm tiếp một người nào là khách hết, trừ ra ông Nghè Hưng Hóa là bạn chí thân của ngài. Nhưng nếu nói là lái buôn hoặc lý dịch chi đó, thì ngài rất vui lòng khoản đãi, có khi chè chén đến năm, bảy bữa, ngài cũng không hề phàn nàn.

Hai người tiến vào trong nhà, cung kính lạy chào ông Nghè, ông Cống, rồi theo lời mời của ông Cống hai người cùng ngồi vào dãy ghế của học trò ngồi.

Ông Cống giới thiệu cho hai người biết ông khách của ngài là một ông tiên sĩ ở đạo Hưng Hóa, rồi ngài lại tự giới thiệu cho ngài. Đúng như lời mụ chủ trọ đã nói, ngài tự xưng mình là ông Hương Cống ở đạo Tuyên Quang.

Hai người chỉ vâng vâng, dạ dạ, tỏ ý kính trọng.

Ngoài ngõ có tiếng chó sủa, một lớp ăn mày tiến vào với cái niêu đất và một tấm áo tơi xù.

Trong nhà, ông ra lệnh cho cậu học trò học rối học rít để che lấp tiếng lạy ông lạy bà của kẻ khốn khó.

Một cậu học trò chìa sách đến hỏi ông Cống:

- Thưa thầy chữ gì!

Vụt cây roi mây xuống phản, ông Cống thét thật lớn:

- Cảm dung là đất Cẩm Dương.

Cậu bé liền nghêu ngao học:

- Bái công binh chí Cẩm Dương, ông Bái Công quân đến đất Cẩm Dương.

Ông Nghê Hưng Hóa vội ngắt câu nói:

- Không phải Cẩm Dương, sao ông dạy càn con cái người ta thế?

Ông Cống trừng mắt:

- Chằng phải Cẩm Dương thì là chữ gì?

Ông Nghê dõng dạc:

- Ông dốt lắm, không trách ông đồ đại khoa. . . Ấy là Hàm Thang là đất Hàm Thang chứ gì.

Ông Cống gân cổ cãi lại:

- Tôi nhất định không chịu.

Rồi hai ông cãi nhau lộn bậy, một ông quyết là Cẩm Dương, một ông quyết là Hàm Thang. Ông nọ mắng ông kia ngu, ông kia lại bảo ông nọ dốt. Xuân Hương và Thận Trung bấm bụng ngồi im không dám cười. Ông lão ăn mày ngoài sân ngứa miệng nói vào:

- Thưa lạy hai ngài, cho tôi xin nói.

Ông Nghè, ông Cống cùng chạy xô ra thét hỏi:

- Lão ăn xin cũng biết chữ à!

- Dạ bẩm hai ngài, thuở nhỏ chúng tôi cũng có theo đòi nghiên bút, bây giờ còn nhớ ít nhiều, cái câu cậu bé đang học đó là câu ở sách Hán Cao Tổ phải không, thưa hai ngài !

Hai ông cùng nói:

- Phải đấy? Thế lão bảo trong hai chúng ta ai dốt, ai không dốt?

- Bẩm cả hai ngài cùng dốt. Không phải Hàm Thang, cũng không phải Cẩm Dương.

Hai ông cùng sấn sổ:

- Thế thì mày bảo nó là chữ gì?

- Bẩm hai ngài, nó là chữ Hàm Dương, hai ngài mỗi ngài trúng một chữ, nhưng mỗi ngài lầm một chữ.

Tức thì hai ông cùng nổi trận lôi đình, chạy lại túm lão ăn mày toan đánh, Xuân Hương, Thận Trung thương hại vội vàng chạy ra cố can. Hai ông chừng cũng nể mặt khách lạ, bèn tha tội cho lão ăn mày, không đánh nhưng họ bắt mất cái niêu đem đập vỡ tan. Lão ăn mày cám cảnh, ngồi ở trước cổng khóc ru khóc rưởi. Một lúc sau lão mới xù xì khoác chiếc áo tơi đi ra, để lại tường cổng mấy chữ thảo.

Xuân Hương và Thận Trung chán chuyện ông Nghè ông Cống đứng dậy cáo từ trở ra. Tới cổng thấy có mấy dòng chữ nét mực chưa ráo, lối chữ rất già và rất tươi. Hai người cùng đứng lại nhìn, té ra một bài tứ tuyệt.

Xuân Hương liền lầm rầm đọc:

- Ông Nghè Hưng Hóa, Cống Tuyên Quang

Chết dẫm, xưng chân cũng một tuồng.

Ma thiêng chẳng đánh hai thằng chết

Đập vỡ niêu tao đất Cẩm Thang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Trong rừng nho Chương 10

Có thể bạn thích