Trí Thông Minh Thực Dụng
Chương 4: Thành Đạt Suốt Đời

“Chu đáo là lợi thế kinh doanh đầy sức mạnh.”

– SCOTT JOHNSON, HỌA SỸ KIÊM NHÀ THIẾT KẾ –

Steward D. Friedman, Giáo sư Thực hành Quản trị tại trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania tại Philadelphia, là người chỉ đạo Chương trình Lãnh đạo của Wharton và Dự án Hòa nhập Công việc/Cuộc sống. Mục tiêu của chương trình là giúp mọi người cải thiện thành tích trong tất cả các lĩnh vực đời sống bao gồm công việc, gia đình, cộng đồng và bản thân. Cách tiếp cận tổng thể này thừa nhận thực tế là chúng ta không thể tách rời lĩnh vực đời sống này khỏi lĩnh vực đời sống khác. Nếu thành công trong công việc phải trả giá bằng môi trường gia đình thì rốt cuộc, cuộc sống gia đình của chúng ta vẫn sẽ phải gánh hậu quả và lại ảnh hưởng tới công việc của chúng ta.

Lối tư duy truyền thống luôn tách rời công việc khỏi những lĩnh vực khác của cuộc sống và thường khiến các lĩnh vực này đối chọi với nhau. Dù làm tốt hơn hay xấu đi thì tất cả các lĩnh vực đời sống đều có mối liên hệ khăng khít với nhau. Tin tốt là, cho dù chúng ta đặt năng lượng và nỗ lực tăng cường chức năng EI vào đâu, dù ở nơi làm việc, ở nhà, hay trong cộng đồng thì tất cả các lĩnh vực đời sống chúng ta sẽ được cải thiện. Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ thấy những câu chuyện và ví dụ về EI tại nơi làm việc, ở nhà và trong cộng đồng. Đôi khi những câu chuyện sẽ kết nối cả ba lĩnh vực để minh họa ảnh hưởng của EI đối với tất cả lĩnh vực của đời sống. Không hề tồn tại việc đánh đổi hay trì hoãn lĩnh vực này để làm lợi cho một lĩnh vực khác. Bằng cách xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn trong một lĩnh vực đời sống, ta sẽ có thể tăng cường năng lực và khả năng xây dựng trong những lĩnh vực khác, do đó sẽ có một cuộc sống viên mãn hơn.

Bằng chứng cho thấy, chúng ta càng thực hành hành vi mới ở nhiều lĩnh vực đời sống thì chúng ta sẽ càng đạt hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực đời sống của mình. Và nếu chúng ta có thể gắn kết vai trò lãnh đạo của càng nhiều lĩnh vực thì chúng ta sẽ tiến bộ ngày càng nhanh. Theo Giáo sư Jane Wheeler của trường Quản lý Weatherhead thuộc Đại học Case Western Reserve, chúng ta càng thực hành những kỹ năng mới tại càng nhiều địa điểm, như gia đình, trung tâm công cộng và nhà thờ thì tỷ lệ thành công sẽ càng lớn. Không chỉ có vậy, những tiến bộ này dường như gắn kết với chúng ta trong một thời gian dài, thực tế cho thấy một số còn có thể tồn tại sau khoảng thời gian hai năm hoặc thậm chí còn lâu hơn nữa.

EI CHO THẾ KỶ XX

Mặc dù nghiên cứu về EI mới chỉ đang ở trong giai đoạn sơ khai, nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, nghiên cứu xúc cảm và ảnh hưởng của nó đối với thế giới của chúng ta sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực trong vài năm tới.

Mới đây Ban Trẻ em, Nhà trường và Gia đình của Vương quốc Anh có thực hiện một chương trình có tên là SEAL[1] trong hệ thống các trường công tại nước này. SEAL là từ viết tắt của Các Khía Cạnh Xã Hội, Xúc cảm của Việc Học. Bắt nạt bạn học vốn là vấn đề nhức nhối trong hệ thống các trường học ở Anh, ở Bắc Mỹ. Người ta thấy rõ là, trường học không dạy cho bọn trẻ một trong những kỹ năng quan trọng để trở thành những người trưởng thành có khả năng thích nghi tốt, đó là hòa hợp với người khác. Hệ thống trường học ở Anh thành lập nhóm Kỹ năng xã hội, xúc cảm và hành vi để phối hợp với chương trình dạy cho trẻ em trong độ tuổi đi học những kỹ năng xã hội và xúc cảm cần thiết để hòa đồng với bạn bè và thầy cô giáo. Hy vọng khi trẻ đã học được những kỹ năng này, chúng sẽ phát triển và có khả năng thích nghi tốt. Hệ thống trường học tại các quốc gia khác cũng sẽ quan sát và nếu kết quả khả quan cũng sẽ xem xét việc áp dụng những mô hình tương tự.

Mối quan tâm về giá trị của EI không chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống các trường công. Các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học cũng đã nghiên cứu để đưa EI vào giảng đường của giáo dục bậc cao. Năm 2008, Đại học Georgetown tại Washington, đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về vai trò của trí tuệ xúc cảm trong giáo dục bậc cao. Tại sự kiện này, các giảng viên, các nhà quản lý và sinh viên đã chia sẻ những cách làm tốt nhất, những câu chuyện thành công và những cách sử dụng EI để tác động sâu rộng tới thành công và sự phát triển của sinh viên. Vượt qua biên giới nước Mỹ, ở Canada, mới đây Đại học Wilfred Laurier đã tổ chức hội thảo về tác động của EI đối với hoạt động dạy và học.

Các nghiên cứu và điều tra liên quan tới EI đang diễn ra không chỉ giới hạn ở Bắc Mỹ mà đang diễn ra trên toàn thế giới. Mới đây, người ta tiến hành một nghiên cứu tại khoa sản của một bệnh viện lớn ở Bologna, Ý. Nghiên cứu cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về thành tích làm việc và cuộc sống thành đạt giữa những chuyên gia có EI cao và EI thấp hơn. EI cũng có mặt trong thế giới thể thao chuyên nghiệp với tính cạnh tranh cao. Câu lạc bộ bóng đá Southampton thi đấu trong giải Ngoại hạng Anh đã sử dụng EI để phát triển tài năng trẻ. Một nghiên cứu được tiến hành tại trường Đại học Quốc gia Chung Cheng, Đài Loan cho thấy mối quan hệ giữa EI, hoạt động thể chất và sự cân đối thể chất liên quan tới sức khỏe. Họ thấy rằng những sinh viên có mức EI cao hơn cũng có thể chất tốt hơn.

Nói tóm lại, trí tuệ xúc cảm đã trở thành mặt hàng được định giá cao trong giới thương mại, trong đời sống và giải trí. Những kỹ năng được trình bày trong cuốn sách này có thể được áp dụng trong suốt cuộc đời bạn, cho dù ngành nghề của bạn là gì, hoàn cảnh gia đình của bạn ra sao, vị trí địa lý hay tính cách của bạn như thế nào.

[1] SEAL: Viết tắt của Social, Emotional Aspect of Learning.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Trí Thông Minh Thực Dụng Chương 4: Thành Đạt Suốt Đời

Có thể bạn thích