Giống dòng Trăm Việt còn mãi nối tiếp: thật vậy, đó là một điều xác quyết nổi bật trong lịch sử Đông Nam Á và sẽ còn là niềm tin tỏa sáng chiếu rọi mãi vào vùng sâu thẳm tương lai.

Ngoài nỗ lực khôi phục tổ quốc vào thế kỷ 10 của tộc Việt, điều xác quyết cũng còn được thể hiện qua công cuộc tạo dựng Kampuchea của tộc Khmer, Ayuthia rồi Xiêm, Lan Xang rồi Lào của tộc Thái, Miến Điện của tộc Miến và Pyu, Sravijaya, Singhasari, Majapahit… của tộc Malay vùng Hải đảo.

Dân Tộc Khmer Và Vương Quốc Kampuchea

Trong khi Phù Nam suy dần thì Chân Lạp (Chen La), một vương quốc nhỏ ở vùng nam Lào và bắc Kampuchea ngày nay bắt đầu bành trướng xuống vùng trung tâm Phù Nam. Chân Lạp là quốc gia đầu tiên của nhóm Khmer miền đông, đã tồn tại từ năm 550 đến 802 với gần như không có biến cố quan trọng nào được ghi lại. Tới năm 802, một vương triều mới xuất hiện do Jayavarman II lập nên, vừa thừa hưởng văn hóa Phù Nam vừa triệt để tiếp nhận và khai triển thêm văn minh Ấn, đã bành trướng đến độ cực thịnh vào thế kỷ 12. Đó là đế quốc Angkor hay Khmer, danh hiệu rất quen thuộc với những người đọc sử, tuy nhiên quốc hiệu chính thức mà người Khmer tự gọi là Kambuja, cái tên sau này đã được phục hồi lại và được phiên ra là Kampuchia (Kampuchea).

Đế quốc Khmer đã có thời choán khắp vùng trung tâm Đông Nam Á lục địa. Văn hóa Khmer được thế giới biết đến nhiều nhất qua kiến trúc Angkor Thom – Angkor Wat (Đế Thiên Đế Thích). Vua Suryavarman II, trị vì từ 1113 đến 1150 đã dựng Angkor Wat, ngôi đền cho tới nay vẫn được coi là vĩ đại nhất hoàn cầu trong các kiến trúc tôn giáo cổ. Vài chục năm sau, vua Jayavarman VII (1181-1218) lại khởi công dựng Angkor Thom, khu hoàng cung kỳ dị với những tháp đá có tượng đầu người bốn mặt.

Sau thời kỳ cực thịnh này, đế quốc Angkor bắt đầu suy. Những cuộc chiến tranh với các nước láng giềng đã làm Angkor mất dần mòn cả dân lẫn đất, nhất là trước sự hình thành và bành trướng của Ayuthia (Xiêm) và Lan Xang (Lào). Năm 1431 trong một cuộc tấn công của Ayuthia, Angkor Thom thất thủ, triều đình Kampuchea phải thiên về vùng Phnom Penh (1434). Lui về vùng Phnom Penh, người Khmer đã bỏ quên Angkor Thom – Angkor Wat không những trên thực tế, mặc cho rừng cây che phủ cố đô, mà còn cả trên tinh thần, đánh mất hẳn cái khả năng tạo tác của thời đại huy hoàng xưa.

Kể từ cuối thế kỷ 17, sau khi sáp nhập hoàn toàn Chiêm Thành vào đất Việt, chúa Nguyễn liền tính đến vùng Đồng Nai, Cửu Long, làm cho Kampuchea bắt đầu phải chịu thêm một áp lực nặng nề từ phương bắc, không kém gì áp lực từ phương tây do người Thái tạo nên. Năm 1688, nhân xuống dẹp giặc Hoàng Tiến [1] giúp vua Chettha IV (Nặc Ông Thu), quân Việt đã chiếm luôn đất Prey Nokor (Sài gòn), Kâpéâp Srêkatrey (Biên Hòa). Năm 1698, vùng đất này được chúa Nguyễn Phúc Chu phân thành dinh, huyện và đặt quan cai trị. Rồi với kế tàm thực cho di dân định cư trước, di quân bình định sau, chỉ trong vòng năm, sáu chục năm người Việt đã lấy trọn vùng Nam Việt ngày nay một cách êm thắm.

Bị kẹt giữa hai gọng kìm Việt và Xiêm, phần đất Kampuchea còn lại cũng luôn luôn nằm trong tình trạng lệ thuộc một trong hai nước. Cũng đã nhiều lần Kampuchea cầu bên nọ rồi lại viện bên kia làm cho đôi bên đụng chạm binh đao, nhưng tới năm 1846, Huế và Bangkok cùng thỏa thuận tấn phong cho Ang Duong làm vua thì nước này bị chia hẳn thành hai vùng ảnh hưởng: tây và bắc với Xiêm, đông và nam với Việt. Tình trạng này tồn tại cho đến khi người Pháp đặt nền đô hộ.

Người Thái Lập Quốc

Trở lại mạt kỳ vương quốc Phù Nam, tại Đông Nam Á lục địa, miền đông vẫn còn tồn tại xứ Lâm Ấp cũ, trong khi sát cạnh Lâm Ấp có Chân Lạp mới dấy lên như vừa đề cập ở trên, vùng trung tâm thì có một quốc gia nhỏ được khai sinh, vương quốc Dvaravati, còn miền tây bắc thì có một quốc gia Pyu thường được gọi theo tên kinh đô là Srikshetra.

Dvaravati do bộ tộc Môn lập thành, trung tâm tại Lopburi, bắc Bangkok ngày nay. Sang thế kỷ 8, một nhóm Khmer đã tiêm nhiễm văn minh Ấn độ từ Dvaravati thiên di lên miền bắc lập nên vương quốc Haripunjaya gần Chiêng Mai. Sang thế kỷ 11, Dvaravati bị Angkor sáp nhập, nhưng Haripunjaya thì còn tồn tại cho tới khi có sự xáo trộn toàn thể vùng thượng Chao Phraya (1238). Chính Sukhotai đã bành trướng và thanh toán Haripunjaya. Sukhotai tồn tại chừng hơn một thế kỷ thì bị một quốc gia Thái thứ nhì là Ayuthia xuất hiện ở vùng hạ Chao Phraya qui phục. Tân vương quốc Ayuthia thành lập năm 1351 do sự chuyển quyền từ người Khmer sang người Thái ở Dvaravati cũ. Năm 1767, Ayuthia bị Miến Điện đánh chiếm, nhưng chỉ ít năm sau (1782) một vị tướng Thái lại khôi phục được quốc gia, đặt tân đô ở Bangkok và lập nên vương triều Chakri, vương triều còn tồn tại đến ngày nay, trải qua quốc hiệu Xiêm và Thái Lan.

Đồng thời với Ayuthia, những người Thái ở tả ngạn sông Cửu long cũng thành lập một vương quốc khác nữa tên là Lan Xang (có nghĩa là vạn tượng) vào năm 1353. Lan Xang là tiền thân của xứ Lào ngày nay, và đối với người Lào, vương quốc này là thời đại hoàng kim của quốc sử.

Người Lào vẫn thường lấy làm hãnh diện về sự tiếp nối liên tục một dòng họ hoàng gia duy nhất suốt sáu trăm năm (không kể 200 năm theo truyền thuyết trước khi Lan Xang lập quốc). Fa Ngoum [2], vị vua lập quốc, là một chiến sĩ lẫy lừng một thời. Suốt 20 năm trị vì (1353-1373), Fa Ngoum không lúc nào ngơi nghỉ trong công cuộc mở rộng bờ cõi và bình định xứ sở. Vì vậy, phải đợi đến người kế vị ông là Sam Sên Thai (1373-1416) Lan Xang mới thực sự sống trong hòa bình, được tổ chức chỉnh đốn lại và có thể chế rõ ràng. Áp dụng một chính thể quân chủ chuyên chế, Sam Saen Thai tự tuyển chọn các viên chức cao cấp ở triều đình trong đám hoàng tộc, còn những chức vụ thấp hơn có thể là người trong hoàng tộc hoặc thứ dân. Năm 1376, nhà vua ra lệnh kiểm tra dân số và kết quả cho thấy trong nước có 300.000 đàn ông Thái và 400.000 đàn ông các bộ tộc khác. Nếu cộng thêm đàn bà, trẻ con, sư sãi thì tổng số chừng 2 triệu. Dựa vào con số đàn ông Thái, nhà vua lấy vương hiệu là Phya Sam See Thai, vị chúa 30 vạn Thái. Theo người Lào kể lại (có lẽ được phóng đại) thì quân đội Lan Xang thời đó gồm có 150.000 quân sĩ thuộc bộ binh, kỵ binh và tượng binh, và 200.000 phụ lực quân thuộc thành phần cơ hữu của các địa phương.

Từ đầu thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 17, Lan Xang đã nhiều lần xung đột với các lân bang, đặc biệt là cuộc tranh chấp Chiêng Mai với Xiêm và Miến. Trong vụ này, tuy Lan Xang không đạt được mục tiêu quân sự, đành để xứ Chiêng Mai lọt vào tay Miến (sau này Xiêm chiếm lại của Miến), nhưng Setthathirath, vị hoàng tử Lào, trên đường rút lui đã mang theo được về nước Phật ngọc Pra Keo, một báu vật của Chiêng Mai thời đó (1547). Lan Xang cũng đã có nhiều lần đụng chạm với Đại Việt qua những cuộc quấy phá ở biên thùy trong khi Việt đang có chiến tranh với Trung hoa. Để trả thù triều đình Việt đã có lần xua quân chiếm đóng kinh đô Mương Swa, tức Luang Prabang (Prabang: Phật vàng) sau này.

Đầu thế kỷ 18, trong cuộc tranh chấp giữa các ông hoàng Lan Xang, người Việt đã giúp Sai Ong Hué trở lại ngôi báu ở Vientiane. Nhưng đồng thời cháu đích tôn vua Lan Xang cuối cùng (Souligna Vongsa) là Kitsarath chạy lên Luang Prabang lập triều đình ở đó (1707). Và 6 năm sau, một ông hoàng khác trong hoàng tộc lập một triều đình thứ ba ở Champassak, một mình riêng cõi Hạ Lào. Nước Lan Xang thống nhất chấm dứt từ đó và xứ Lào trở thành ba tiểu quốc luôn luôn ở trong tình trạng bán lệ thuộc dưới sự kiềm chế của cả Việt và Xiêm. Tình trạng này kéo dài cho đến khi bị Pháp đô hộ.

Tổ Hợp Miến Điện

Ngược lên vùng tây bắc Đông Nam Á, quốc gia Srikshetra của người Pyu về sau bị bộ tộc Miến từ phương bắc tràn xuống lấn lướt mất. Quốc gia đầu tiên do người Miến lập ra cũng ở lưu vực Irrawaddy vào năm 949, kinh đô là Pagan. Dưới thời Anawrahta (1044-1077), đất Miến được bành trướng rất rộng nhờ những cuộc chinh phục đất đai chung quanh của người Pyu, Môn và Shan. Từ sau thời Anawrahta, người Miến được sống yên ổn đã phát triển văn hóa Phật giáo tới mức cao độ và đã xây ngôi chùa đầu tiên và lớn nhất Ananda vào năm 1090. Triều đại Pagan là thời hoàng kim của Miến, trong đó có dấu vết văn minh xưa còn tìm thấy rất rõ rệt qua những kiến trúc đổ nát nơi cố đô. Triều đại này chấm dứt vào năm 1287 vì sự tàn phá của quân Mông cổ dưới thời Hốt Tất Liệt (Kublai Khan).

Đất Miến là nơi đã diễn ra những cuộc tranh chấp liên tiếp; tranh chấp không những giữa Miến với các lân bang mà đồng thời còn giữa các sắc dân trong vùng với nhau. Những nỗ lực nhằm kết hợp hoàn toàn vùng vào một mối đã tạo thành những cái mốc nổi bật trong diễn trình lập quốc. Sau thời kỳ đế quốc Pagan (1044-1287), lịch sử Miến còn ghi nhận hai thời kỳ kết hợp khác khởi đầu vào thế kỷ 16 và thế kỷ 18.

Vào thế kỷ 16, dòng vua Toungoo đã đánh bại các tiểu quốc Shan, Môn và buộc các bộ tộc này phải chấp nhận quyền hành của triều đình Miến. Miến Điện tuy thống nhất nhưng gần như suốt thế kỷ vẫn luôn luôn nằm trong tình trạng chiến tranh giữa chính quyền trung ương với các thành phần ly khai và với vương quốc láng giềng Ayuthia. Vào thế kỷ 18, dòng vua Miến Konbaung hưng khởi lên và đánh bại người Môn. Các vua trong triều đại này đã chinh đông phạt tây nhiều phen, nhất là với các lực lượng Assam, Manipur và Xiêm. Từ 1766 tới 1770 quân Trung hoa cũng đã bốn lần tràn sang Miến nhưng lần nào cũng bị thất bại. Vương triều này tồn tại tới cuối thế kỷ 19 thì bị đế quốc Anh tiêu diệt cùng với sự chiếm đóng toàn thể lãnh thổ Miến.

Các Vương Quốc Hải Đảo

Qua vùng hải đảo, nhiều nhóm dân ở đây đã tiếp xúc với văn minh Ấn độ rất sớm qua các thương gia Ấn, do đó ngay từ thời kỳ đầu Công nguyên người ta đã ghi nhận được một số tổ hợp rải rác từ nam bán đảo Mã Lai tới Java. Sử sách Trung hoa còn ghi chép về một sứ đoàn do vua Devawarman ở Java gửi tới kinh đô Trung quốc vào năm 132.

Trong giai đoạn đầu, vương quốc tiếng tăm nhất lịch sử ở vùng này là Srivijaya, phát xuất từ Palambang đảo Sumatra. Một vài quốc hiệu khác cũng thường được đề cập tới như Malayu cũng ở Sumatra, Taruma, Kalinga ở Java, nhưng dường như không mấy quan trọng.

Tới thế kỷ 7 và 8, Srivijaya tiến đến mức cực thịnh. Ảnh hưởng của vương quốc này không những bao trùm hết Sumatra, tây và trung bộ Java, mà còn hầu khắp bán đảo Mã Lai. Srivijaya kiểm soát hoàn toàn hai eo biển chiến lược Malacca và Sunda, nên đồng thời chế ngự đường hàng hải từ Trung hoa sang Ấn độ. Năm 767, Srivijaya đã đem chiến thuyền lên vịnh Bắc Việt và tiến sâu vào sông Hồng tấn công quân đô hộ nhà Đường làm cho kinh lược sứ Trương Bá Nghi nhân đấy phải đắp La Thành để phòng ngự. Năm 772, triều đại Sailendra đã xây đền Borobudur, một ngôi đền kỳ lạ bao phủ từ chân đến ngọn đồi với 400 tượng Phật và năm cây số hành lang chạy vòng lên đỉnh. Sang thế kỷ 8, Srivijaya lại can thiệp vào lục địa trong việc giúp Jayavarman II cầm quyền ở Chân Lạp, và nhờ đó Chân Lạp nhỏ bé đã chuyển mình để thành đế quốc Angkor hùng cường.

Tới thế kỷ 13, tên Srivijaya không còn được nhắc nhở tới nữa. Người ta cũng chưa biết rõ vương quốc này đã sụp đổ hay cải danh trong trường hợp nào. Trong khi đó thì cái tên Malayu, một thuộc quốc cũ của Srivijaya, lại nổi bật lên. Năm 1292 khi ghé Sumatra trên đường về Âu châu, Marco Polo đã ghi nhận Malayu là quốc gia duy nhất còn tồn tại ở đó.

Trở về Java, triều khi triều đại Phật giáo Sailendra di chuyển trung tâm chính trị sang nam Sumatra, Ấn giáo lại bắt đầu hưng khởi lên ở nhiều tiểu quốc vùng trung và đông đảo này. Tiểu quốc được biết đến nhiều nhất vào đầu thế kỷ 10 ở Java là Mataram. Năm 1006, Mataram phân ra làm hai nước mà một là Kediri nổi tiếng vì có hải lực hùng hậu. Năm 1222, vương quyền Kediri bị lật đổ bởi một tân quốc gia có tên là Singhasari. Singhasari là một quốc gia khá hùng cường nhưng chỉ tồn tại có 70 năm. Dưới triều vua cuối cùng là Kertanarara (1268-1292), Singhasari đã kiểm soát được toàn thể Java, Bali và một phần bán đảo Mã lai. Tuy nhiên, có đối thủ chính là tổ hợp Sumatra thì Singhasari lại không sao thắng được.

Kertanagara được mô tả như một vị anh hùng có mộng lớn thống nhất toàn vùng Indonesia nhằm tạo lập một đế quốc lớn mạnh và cũng để đương đầu với quân Mông Cổ lúc ấy đang dòm ngó các quần đảo Đông Nam Á Châu. Việc thống nhất Indonesia không thành, nhưng kế hoạch chống quân Mông Cổ, Kertanagara đã xếp đặt chu đáo, trong đó có việc bắt tay chặt chẽ với Chiêm Thành để tìm thế nương tựa. Lúc ấy Chiêm thành đã liên kết với Đại Việt, cho nên khi quân Mông cổ mượn đường bộ tiến qua Đại Việt để đánh Chiêm thì liền bị chặn lại. Quân Mông Cổ không chiếm được Việt thì cũng không thể nuốt trôi Chiêm; mà cũng không đoạt được đất Chiêm thì cũng không có thể có địa bàn yểm trợ cho cuộc chinh phục lâu dài các hải đảo miền nam. Nghe tin Việt và Chiêm đã cùng phá tan Mông Cổ trong năm 1285 và 1288, Kertanagara rất hứng khởi, nên khi sứ đoàn Mông Cổ vừa đặt chân tới Singhasari (1289) với yêu cầu qui phục liền bị ông đuổi về lập tức. Năm 1293, khi quân Mông Cổ đổ bộ vào lãnh thổ Singhasari thì Kertanagara đã bị sát hại vì tranh chấp nội bộ; tuy nhiên, những người kế vị ông cũng đã điều khiển cuộc kháng chiến đánh bại quân xâm lăng.

Từ khi triều đình bị khuấy đảo vì vụ mưu sát đẫm máu trong đó vua và một số đình thần bị giết, một vị hoàng tử đã chạy sang tiểu quốc láng giềng là Majapahit. Khi khôi phục được toàn thể Singhasari, ông hoàng này đã làm cho Majapahit trở thành tên của một đế quốc lớn bao gồm đông Java, Madura, Bali. Một nhà cai trị nổi tiếng dưới triều vua Hayam Wuruk là tể tướng Gaja Mada (tại quyền từ 1330 đến 1364) đã có công bành trướng ảnh hưởng Majapahit sang Sumatra và bán đảo Mã lai, do đó ông được coi như người tái lập tổ hợp thống nhất Indonesia sau thời kỳ Srivijaya.

Trong thế kỷ 14, Majapahit được coi là đế quốc lớn nhất Đông Nam Á. Nhờ có hải lực hùng hậu, Majapahit đã kiểm soát khắp vùng biển Indonesia đồng thời đã thống nhất thế giới Malay bằng Ấn giáo. Tuy nhiên, so sánh với Srivijaya trước thì Majapahit đã tồn tại trong một thời gian quá ngắn. Vững chân được qua thế kỷ 15, tới đầu thế kỷ 16 thì đế quốc bắt đầu tan rã, tan rã không phải vì ngoại xâm nhưng vì sự phát triển mạnh mẽ của Hồi Giáo. Nhiều tiểu quốc cải giáo, ảnh hưởng như vết dầu loang từ đảo này sang đảo khác, cho tới khoảng 1540 thì chính trung tâm đế quốc ở đông Java cũng bị Hồi hóa, và cái tên Majapahit cũng biến mất theo. Kể từ đó toàn vùng Indonesia chỉ còn những tiểu quốc nhỏ tồn tại được một hai thế kỷ sau thì thảy đều rơi vào vòng kiểm soát của bàn tay thực dân tây phương.

[còn tiếp]

Ghi Chú:

[1] Nguyên có đám quân nhà Minh không chịu khuất phục nhà Thanh, rút xuống vùng Cửu Long (khi ấy là đất bảo hộ của Việt Nam) xin chúa Nguyễn cho tá túc (1679). Sau đám người này dấy loạn đánh nhau với triều đình Kampuchea tính chuyện hùng cứ một phương. Chúa Nguyễn được tin bèn cho quân đi dẹp. Tướng giặc là Hoàng Tiến bị giết, đám giặc này tan.

[2] Theo truyền thuyết, Khoun Borom là chúa tể mặt đất đã chia đất cho các con trị vì. Người con trưởng là Khoun Lo được trao cho đất Mương Swa. Fa Ngoum là dòng dõi Khoun Lo đã từ Mương Swa đánh chiếm các vùng kế cận mà lập ra Lan Xang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích