Tôi là Ê-ri
Chương 38

Tôi kể lại toàn bộ sự việc cho cảnh sát nghe nhưng họ không tin tôi, đã thế còn đem chuyện của tôi cho cánh nhà báo đưa tin trên trang nhất của nhiều tờ báo nói tôi đánh thuốc mê người khác để cướp tiền. Tôi bị giam ba ngày mà không được phép liên lạc với người nhà vì hồi đó vẫn chưa có điện thoại di động như bây giờ. Chị gái đến thăm tôi ở trại giam vì thấy hình của tôi trên báo. Sau đó, người khách kia đến tìm tôi trong trại giam. Tôi rất giận và nói với hắn:

“Đáng lẽ anh không nên đối xử với tôi như thế này. Giờ tôi đã không thể được sang Nhật với chồng”.

Người khách đó xin lỗi tôi, nói anh ta thấy hối hận về việc mình đã làm và hứa sẽ làm chứng là tôi không ăn cắp tiền bạc của anh ta. Sau đó cảnh sát cũng trả lại tiền cho tôi nhưng họ nói tôi chưa được thả vì vụ của tôi đã bị đưa ra khởi tố hình sự. Nguyên nhân là bởi họ phát hiện thấy trong người tôi có dấu vết của chất gây nghiện, tạo ảo giác, ảnh hưởng đến trí não. Thế mà tôi chưa từng biết trước đó loại thuốc mà tôi uống trong suốt mười năm qua nằm trong danh mục thuốc gây nghiện loại hai.

Ngày tuyên án tôi, người đàn ông đó cũng đến nghe phán quyết. Tòa án quyết định phạt tôi bảy năm tù giam, nhưng vì khai báo thành khẩn nên tôi được giảm án xuống một nửa, còn ba năm sáu tháng.

Tôi gần như ngất lịm trước tòa và khóc như mưa. Tên lái xe cũng thương tôi đến chảy nước mắt, anh ta xoa đầu và nói xin lỗi tôi. Anh ta hứa sẽ tìm cách giúp tôi được giảm án để không phải ngồi tù quá lâu. Việc ngồi tù của tôi lần này do nhiều nguyên nhân. Một là sự xấu xa của tên nhân viên khách sạn. Trông thấy tôi nằm mê man trên xe, vậy mà hắn vẫn mở cửa phòng cho khách vào. Tại sao hắn không chờ tôi tỉnh lại, hỏi tôi có đồng ý vào trong phòng hay không. Hai là, cảnh sát không chịu tin lời tôi mặc nhiên xếp tôi vào loại cướp bóc lừa đảo, không chịu tìm hiểu xem mọi việc đã diễn ra như thế nào. Họ không hiểu rằng, những gì tôi làm là vì bảo vệ bản thân khỏi bị xâm hại, chỉ có điều cách làm không được hay và đúng đắn cho lắm. Nhưng đáng ra họ cũng phải điều tra rõ ràng trước khi đưa ra phán quyết. Có lẽ tên lái xe kia là kẻ có tiền nên mới có thể thay đổi kết quả vụ án, biến tôi từ chỗ là nạn nhân thành kẻ gây án. Bởi nếu không, anh ta đã bị kết tội lừa đảo và có ý định cưỡng hiếp. Ba là, bệnh viện nơi tôi mua thuốc cũng không chịu hợp tác. Họ không chịu chứng minh tôi là bệnh nhân của họ và thường xuyên phải sử dụng loại thuốc này ngay cả khi tôi có bằng chứng là đã đến nhận thuốc theo đơn của bác sĩ hàng tuần. Bệnh viện đã che giấu chuyện này, nói rằng tôi không đến đó mua thuốc và cũng không phải là bệnh nhân của họ. Họ sợ bác sĩ bị khởi tố vì để loại thuốc thần kinh vốn là biệt dược bị hạn chế sử dụng lưu hành tràn lan. Đây được coi là sai phạm rất nghiêm trọng. Chính bệnh viện đã bất chấp quy định để bán loại thuốc cấm này ra bên ngoài thu lời nhưng đến khi sự việc vỡ lở thì họ lại phủi hết trách nhiệm. Tóm lại bao nhiêu đen đủi đổ hết vào đầu tôi. Trăm dâu đổ đầu tằm. Trong khi chỉ còn ba, bốn ngày nữa tôi sẽ lên đường sang Nhật.

Sau khi tuyên án, tôi không tiến hành kháng cáo vì gia đình tôi không có tiền thuê luật sư. Tôi đành cúi đầu chấp nhận thi hành bản án không công bằng đó.

Chị gái tôi liên lạc nói rằng đã thông báo cho Chin-ya biết tình hình của tôi. Bản thân anh cũng không thể giúp được gì nên đành để tôi phải ngồi tù cho đến khi được tha rồi sẽ tính tiếp.

Tôi được đưa đến một trại giam ở Bangkok. Cuộc sống của tôi như bị rơi vào địa ngục. Và bây giờ thì tôi đã biết "địa ngục trần gian" là như thế nào.

Vào trại giam, tôi cố gắng làm thật nhiều điều tốt, giúp đỡ các phạm nhân khác. Nhưng thời gian đầu mới vào, điều khiến cho tôi cảm thấy cuộc sống trong trại giam chẳng khác gì địa ngục đó là cứ năm giờ chiều tôi phải đi tắm, ăn cơm rồi vào phòng giam ngủ trước khi trời tối. Vì thế, sẽ không bao giờ được nhìn thấy mặt trăng. Đến sáu giờ sáng thì phải thức dậy và mới được ra khỏi phòng giam. Vì thế, sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy sao. Sau đó phải ăn cơm thật nhanh để vào nhà máy làm việc. Chúng tôi chỉ được ăn loại gạo tồn kho, đã ngả màu vàng đỏ và rất cứng. Thỉnh thoảng còn lẫn cả sâu trong đó. Tôi ghét sâu nhất trên đời, vậy mà vẫn phải ăn. Thức ăn phần lớn là canh cà pháo lõng bõng toàn nước với một ít thịt băm viên rất tanh. Thỉnh thoảng họ cho ăn canh gà nhưng cũng dai vô cùng. Tôi phải ăn như thế trong suốt quãng thời gian ngồi tù. Ngoài ra, phạm nhân còn phải vào làm việc trong nhà máy. Tùy thuộc vào khá năng của từng người mà chọn công việc phù hợp cho mình như may quần áo, làm hoa giả, thêu thùa, làm đồ thủ công mĩ nghệ… Bản thân tôi thích được thêu tay nên đăng ký vào làm việc trong nhóm thêu thùa.

Thỉnh thoảng muốn hút thuốc, chúng tôi phải hút trộm và cũng chỉ được hút loại thuốc sợi cuộn trong một tờ giấy. Mỗi túi có giá năm trăm bạt, trong khi bên ngoài chỉ bán với giá từ hai đến năm hạt. Nếu bị cán bộ phát hiện, chúng tôi sẽ bị phạt đánh bằng gậy tre. Ví dụ, hôm nay có bốn cán bộ trại giam làm việc thì chúng tôi sẽ bị lần lượt cả bốn người đó thay phiên nhau đánh, mỗi người sáu gậy, bốn người mười hai gậy. Có thể nói, chúng tôi sẽ bị đánh đến rách da, toạc máu. Chưa hết, sau khi đánh xong chúng tôi sẽ bị phạt đi múc đủ một trăm cốc phân thì thôi. Tất cả những hình phạt trên, tôi đều đã trải qua. Mỗi khi gặp phải vấn đề gì với bọn đầu gấu mà vẫn thường hay họi là các “đại ca”, dù là lớn hay nhỏ, cũng bị chúng nện cho một trận nhừ tử… Đến cả cán bộ trại giam cũng không thể can thiệp vì phạm nhân trong này có đến hàng trăm người, được sinh ra từ hàng trăm ông bố, bà mẹ khác nhau, mỗi người một tâm một tính. Thế nên, cán bộ để cho các phạm nhân thi hành chế độ “tự quản lý”.

Người bên ngoài không ai có thể biết bên trong nhà tù xảy ra những chuyện gì. Mà dù có biết cũng không thể giúp gì cho chúng tôi. Phạm nhân nào mách người nhà sẽ bị phạt không cho người nhà vào thăm nom. Vì thế, không có ai dám nhiều chuyện mà cắn răng chấp nhận mọi thứ. Trong tù có bất kỳ hình phạt nào tôi đều đã trải qua hết. Điều mà tôi thấy đau lòng nhất trong đời mình là bố tôi đã mất trong thời gian tôi đang ngồi tù mà tôi không thể ra ngoài chịu tang bố. Bố ốm vì đau buồn về nhiều chuyện, đặc biệt là chuyện của tôi. Tôi là đứa con bất hiếu đã không thể nhìn mặt bố lần cuối.

Cho đến một hôm, có một cán bộ trại giam tên là Siriwan gọi tôi vào phòng hỏi về vụ án để làm hồ sơ cho các phạm nhân. Tôi đã kể lại toàn bộ diễn biến sự việc khiến mình phải vào tù cho cán bộ này nghe. Bác gần như không thể tin chuyện của tôi lại có thể xảy ra. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu trở nên thân thiết với người cán bộ này. Bác là người miền bắc, ở tỉnh Chang Mai, nhưng lại đến Bangkok công tác. Bác hay nói chuyện với tôi và cả hai rất hợp nhau. Bác luôn khen tôi là người nhân hậu, không phải là kẻ xấu. Bác biết tôi đã bị xử oan, chỉ vì không may mắn nên mới phải vào tù vì không có ai chịu tin tôi.

Sáng hôm đó, bác hỏi tôi có biết viết không. Tôi trả lời cũng biết một chút. Bác liền nhờ tôi hỏi và viết lại những câu chuyện của các phạm nhân khác xem họ đã bị bắt như thế nào; đã phạm tội gì; vì sao phạm tội; phải ngồi tù bao lâu; có muốn viết thư xin ân xá hoặc có ước nguyện gì muốn tấu trình nhà vua không? Tôi chỉ làm giúp các phạm nhân chứ không lấy tiền công của họ. Về phía nhà tù, tôi cũng giúp họ làm mọi việc mà không hề đòi hỏi bất cứ chi phí nào.

Trong nhà tù này, tôi là người viết thư xin ân xá cho các phạm nhân mắc tội nghiêm trọng và thường không có tiền thuê luật sư. Tôi đã giúp đỡ hàng trăm phạm nhân trong vòng hơn ba năm bị giam ở đây. Nhiều người đã được giảm án và cũng có người được tha trở về với gia đình.

Tôi trở nên nổi tiếng vì viết giúp thư xin ân xá cho các phạm nhân. Tất cả các phạm nhân mới vào bị kết án tù nhiều năm đều được khuyên đến tìm tôi. Tôi chưa từng đòi bất kỳ thứ gì từ các phạm nhân vì tôi thấy họ đều đã quá bất hạnh. Họ không có tiền và quan trọng là bác Siriwan cũng không muốn tôi lấy tiền của họ, coi như một hình thức làm từ thiện và giúp đỡ công việc cho bác. Bù lại, nếu tôi gặp bất cứ khó khăn hoặc có nhu cầu gì bác sẽ giúp tôi mà không bao giờ từ chối. Có thể nói, tôi không cần có người nhà đến thăm mà vẫn có thể sống thoải mái trong trại giam, hằng ngày có cơm ngon để ăn và tất nhiên cũng không phải ăn cơm tù. Bác Siriwan còn chuyển tiền vào tài khoản cho tôi chi tiêu. Từ đó trở đi, tôi thành người của bác, đầu gấu trong tù cũng không có kẻ nào dám động đến tôi và tôi cũng chưa từng gây chuyện với ai để bác phải bận lòng.

Tôi từng viết thư xin ân xá gửi đức vua cho một phạm nhân phải ngồi tù mười lăm năm. Tôi không biết sự việc tiếp theo thế nào, phạm nhân đó rồi có được giảm án hay không. Mà để biết được kết quả cũng phải mất đến cả năm. Thời gian ngồi tù khiến tôi vô cùng bất mãn và đánh mất nhiều cơ hội trong đời. Nhưng điều mà tôi thấy tự hào và sẽ không bao giờ quên đó là việc giúp đỡ các phạm nhân khác thoát khỏi sự đau khổ, được giảm án từ nặng xuống nhẹ, hoặc một số người may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình. Mặc dù không phải người nào tôi cũng giúp thành công nhưng tôi vẫn thấy vui vì đã làm hết sức của mình.

Còn rất nhiều thứ trong nhà tù, địa ngục trần gian này nữa mà tôi chưa kể ra hết. Đôi khi, tôi không muốn nhớ đến những năm tháng đau khổ đó bởi nó tàn khốc đến mức tôi không thể diễn đạt thành lời và cũng không muốn ghi nhớ. Tôi thậm chí còn muốn quên đi chuyện tôi đã từng bị rơi vào địa ngục đó. Tôi được giảm án vì đạt danh hiệu phạm nhân cải tạo tốt và được thả tự do nhờ sự ân xá của hoàng thái hậu. Hôm đó có rất nhiều phạm nhân được thả tự do, trong đó có tôi. Tuy vậy, tôi cũng đã phải ngồi tù gần đủ ba năm sáu tháng, chỉ được thả trước có hai tháng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Tôi là Ê-ri Chương 38

Có thể bạn thích