Wien

Vắng chủ nhà. Vô thức là gì?

Ông ta là một con người khó chơi, ông hút á-phiện, bỏ bê con cái, có một quan niệm kinh sợ về phụ nữ, không chấp nhận sự phản đối của ai cả, và các nghiên cứu khoa học của ông về sau xem ra có thể áp dụng trong mọi lãnh vực, chỉ mỗi việc là chúng không thể kiểm chứng được bằng khoa học. Dù vậy, ông là một người nổi tiếng, là một trong những nhà suy tư ảnh hưởng nhất trong mọi thời.

Sigismund Schlomo Freud sinh năm 1856 tại Freiberg (Pribram) địa hạt Böhmen, trước đây vùng này thuộc Áo, nay thuộc Tiệp. Cha ông là một nhà buôn bông sợi, người Do-thái, đã sập nghiệp sau khi sinh ông. Sigismund là anh cả trong tám anh em, lớn lên trong một gia cảnh tương đối nghèo, nhiều khó khăn. Thoạt tiên, gia đình ông dời về Leipzig (đức), không lâu sau đó chuyển sang Wien (Áo). Anh cả là con cưng của bà mẹ, học hành rất giỏi. Cậu đậu tú tài hạng ưu. Mùa thu 1873 cậu ghi danh học I khoa ở đại học Wien. Freud nghiên cứu hạ nang (ngọc hoàn) của loài lươn nước ngọt, sau đó chuyển sang Viện cơ thể học thuộc đại học Wien, và cậu viết luận án tiến sĩ ở đây với đề tài „Tìm hiểu về tủy sống của các loài cá hạ đẳng“. Nhưng hoàn cảnh tài chánh khó khăn đã không cho phép cậu ở lại lâu trong đại học. Cậu miễn cưỡng tìm một việc làm trong Bệnh viện Tổng quát ở Wien và ở lại đó ba năm. Ở đây, với vai trò bác sĩ phụ tá cho nhà não học nổi tiếng Theodor Meynert, Freud tiếp tục nghiên cứu về óc cá, đặc biệt óc của loài cá chín mắt (Neunauge). Trong thời gian đó, Freud bắt đầu tự mình thí nghiệm về á-phiện (Kokain), vì ông cho rằng, á-phiện có thể dùng để trị chứng rối loạn thần kinh. Vì muốn nổi tiếng sớm, nhà khoa học trẻ đầy cao vọng này đã cho phổ biến năm luận văn về á-phiện, nhưng không thành công. Trong các bài viết từ đây được kí với tên Sigmund, ông cố tình chẳng đá động gì tới chuyện thất bại trong việc dùng a-phiến để chữa cho một người bạn nghiện mọc-phin. Năm 1885, lòng đầy tự tin, Freud làm một cuộc du khảo tới Paris. Trong một lá thư, ông viết: „Ôi chao đẹp quá. Tôi sẽ trở lại Wien với một mũ hào quang rất, rất lớn, và tôi sẽ chữa được hết mọi thứ bệnh thần kinh bất trị“. Tại Paris, Freud gặp Jean-Marie Charcot, vốn được gọi là „Napoleon của những người rối loạn tinh thần“, lúc đó là con chim đầu đàn trong lĩnh vực bệnh thần kinh. Charcot đã mở mắt cho Freud, khi ông chỉ cho Freud biết rằng, căn nguyên của nhiều chứng rối loạn thần kinh có nguồn gốc tâm lí, chứ không phải luôn luôn xuất phát từ nguồn gốc sinh lí. Charcot cũng dạy cho Freud nghệ thuật thôi miên và phương pháp đặt câu hỏi gợi í. Sau khi trở lại Wien, Freud mở phòng mạch chữa trị thần kinh ở đường Rathausgasse. đồng thời, ông làm trưởng phòng thần kinh của Viện nhi đồng tại đây. Ông cưới Martha Bernays, con gái của một gia đình giáo trưởng do-thái (Rabbin) học thức uy tín, và hai người có được sáu đứa con. Nhưng Freud không phải là một người cha gia đình có tình với con cái, trái lại, con cái thường khó gần gũi được với ông. Những năm đầu thập niên 90’, vị bác sĩ trẻ 35 tuổi lại quay về nghiên cứu não. Ông viết một luận văn về những rối loạn ngôn ngữ do hậu quả của các bệnh não, trong đó nói đến viễn ảnh vô cùng to lớn của nghành nghiên cứu não trong việc giải mật bộ máy tinh thần. Nhưng tác phẩm Entwurf einer Psychologie (Phác thảo về một môn Tâm lí học, 1895), trong đó ông thử giải thích „bộ máy tâm thần“ bằng thuyết thần kinh mới toanh của Cajals, chẳng ai đọc.

Freud có cao vọng chữa lành các bệnh thần kinh và các rối loạn tâm thần khác, nhưng khoa nghiên cứu não thời đó chưa tiến được xa. Các quan điểm mới của Cajals về sự hoạt động cũng như tác động phối hợp của thần kinh não quá trừu tượng và tổng quát. Cajals mổ não người chết ở Madrid để lập nên „Tâm lí học hữu lí“ của mình. Freud trái lại đi theo con đường khác. Ông thí nghiệm với người sống, đưa con bệnh lên giường bệnh để tìm hiểu não họ, và từ đó lập ra một khoa học mới: Phân tâm học. Năm 1889, Freud tới thăm Hippolyte Bernheim ở Nancy (Pháp), ông này đang thử dùng cái gọi là phỏng vấn gợi í hậu thôi miên với các con bệnh của mình. Từ đó, Freud rút ra kết luận, hẳn phải có một Vô thức, và Vô thức này là nguyên nhân của đa số hành vi của con người.

„Vô thức“ không phải là một khái niệm mới lạ. Năm 1869, triết gia trẻ Edouard von Hartmann đã viết Triết học Vô thức, một cuốn sách chưa được chín mùi và mang nhiều ảnh hưởng của Schoppenhauer (xem bài Tôi có thể muốn điều tôi muốn không?). đó là một tác phẩm bán rất chạy, nó xào xáo chung nhiều yếu tố lại với nhau, những yếu tố mà các triết gia duy vật từ giữa thế kỉ 19 không hài lòng về triết học Kant, Fichte và Hegel. Nietzsche, người cũng đứng từ quan điểm như thế để phê bình các đối thủ tương tự, đã lồng lộn lên, đặc biệt ông giận dữ vì Hartmann là tay mơ mà lại thành công hơn chính ông. Nhưng Hartmann cũng không phải là người khám phá ra „Vô thức“. Bác sĩ và nhà nghiên cứu thiên nhiên Carl Gustav Carus, một người bạn của Goethe, năm 1846 đã nói tới „điều vô thức“ và „Vô thức“ rồi trong tác phẩm của ông Psyche. Zur Entwicklungsgeschichte der Seele (Tâm thần. Về lịch sử phát triển của tâm hồn), trong đó ông coi Vô thức là vùng khai sinh ra những kích thích tâm thần nguyên thuỷ nhất.

Cái làm cho Freud khác với những người đi trước, là ông nghiên cứu Vô thức một cách có hệ thống. Ông phỏng định được Vô thức này nằm ở đâu: nơi các trung tâm của hạ não (subcorticale Zentren) và cuống não (Hirnstamm). Qua việc mổ xẻ não, sư phụ Meynert của Freud cũng chỉ biết được tới đó. Nhưng khoa nghiên cứu não của thập niên 90’ thế kỉ 19 chưa giúp được gì nhiều cho việc khám phá Vô thức. Năm 1891 Freud đời về địa chỉ Berggasse 19 và ở lại và làm việc tại đó trong suốt 47 năm. Lần đầu tiên ông nói tới „Phân tâm“ vào năm 1896. Ông lấy lại khái niệm này trong tài liệu „Phương pháp khảo cứu tinh tế“ của người bạn đồng nghiệp Josef Breuer, người đã dùng nó để khuyến khích con bệnh Bertha Pappenheim nói ra những chấn thương tinh thần của bà. Cả Freud sau đó cũng chữa trị những con bệnh, đặc biệt phái nữ, bị chấn thương tinh thần do bạo lực tình dục gây ra, ông tìm cách gợi cho họ nói ra những kinh nghiệm gặp phải. đối với phái nam, ông tìm hiểu thái độ tình dục thủa thiếu thời của người bệnh đối với mẹ mình, điều được ông gọi là „mặc cảm Ödipus“. Về sau, dựa trên những kinh nghiệm này và các nền tảng khác, ông khai sinh ra „Thuyết bản năng“, một thuyết hàm chứa nhiều hồ nghi và những phát biểu chung chung của nó ngày nay chẳng còn giá trị gì. Từ 1899 tới 1905 Freud viết bốn cuốn sách về sức mạnh của Vô thức: về giấc mơ, về những hành vi sai sót trong cuộc sống hàng ngày, về chuyện tiếu lâm và về tính dục; mấy cuốn này sẽ làm ông nổi tiếng. Năm 1902, trở thành giáo sư thỉnh giảng đại học Wien, ông lập ra Hội Tâm Lí Ngày Thứ Tư, tiền thân của Hội Phân Tâm Wien sau này. 

Mặc dù đa số sách ông tạo ra nhiều luận bàn trái ngược và ít được công nhận về mặt khoa học, ông vẫn có nhiều tự tin lạ lùng. Năm 1917, ông đưa những khám phá về Vô thức của mình sánh với thuyết của Darwin và Kopernikus. Ông cho hay, cả ba thuyết đều làm tổn thương nhân loại. Kopernikus đẩy địa cầu, vốn được coi là rốn của vũ trụ, ra lề. Darwin thay thế bản chất linh thiêng của con người bằng bản chất thú vật. Và ông thì đã chỉ ra cho con người biết, là họ không có chủ nhà, vì Vô thức quyền năng hơn Í thức. Ông quả quyết, 90% quyết định của con người được hình thành từ Vô thức. 

để cắt nghĩa sự kiểm soát của Vô thức trên Í thức, năm 1923 Freud đưa ra một hình ảnh

tâm thần gồm ba phần. Ba phần này quyết định đời sống tinh thần của con người. Chúng gồm Es (Vô ngã), Ich (Ngã) và Über-Ich (Siêu ngã). Freud bảo ba khái niệm đó là phám phá của riêng ông, nhưng Nietzsche trước đây đã sử dụng ba khái niệm đó với những vai trò tương tự của chúng rồi. Es tương đương với Vô thức, là thành phần mang tính bản năng của tâm thần. đói, ham muốn tình dục, tị hiềm, thù ghét, tin tưởng, yêu v.v. quyết định cái Es này. đối lại với nó là Über-Ich. Über-Ich đại biểu cho những quy điều, những lí tưởng, những vai trò, những hình ảnh mẫu mực mà con người đã học được trong quá trình giáo dục. Ở giữa là Ich, một con vật đáng thương, luôn bị xâu xé giữa hai lực quyền thế là Es và Über-Ich. Là kẻ phục vụ một lúc ba ông chủ Es, Über-Ich và môi trường xã hội, Ich ra công hoá giải và điều hoà những xung đột giữa ba chủ. Nhưng Ich vốn yếu đuối. Nó thường bị Es khống chế, vì Es chẳng bao giờ muốn để Ich điều khiển mình. Vì rất khó nhận diện được các bản năng vô thức và những điều tập thành trong thiếu thời, nên cũng không dễ thanh toán được chúng.

Freud đưa ra mô hình đó tương đối trễ, và ông cũng không trình bày nó ra trong hết mọi tác phẩm về sau của mình. Nhưng ông trước sau vẫn quả quyết: động cơ chính của hành vi con người xuất phát từ sự xung đột vô thức giữa một bên là những đòi hỏi bản năng và một bên là cái lí trí không còn kham nổi nhiệm vụ của mình. Nhận xét này ông rút ra nhờ quan sát không những từng bệnh nhân riêng lẻ, mà cả theo dõi động lực bản năng của xã hội con người nói chung.

Những cuốn sách phê phán văn hoá tiếp theo của ông được viết ra trong những cơn đau dằn vặt của thể xác. Trong thập niên 20’, Freud là một ngôi sao quốc tế, nhưng căn bệnh ung thư miệng đã giới hạn sinh hoạt và việc đi lại của ông. Sau khi Quốc Xã lên nắm quyền, sách ông bị cấm và đốt. Tháng 3 năm 1938 quân Quốc Xã tiến chiếm Áo quốc, ông phải sang Anh tị nạn. Bốn trong năm người em gái của ông ở lại Wien đã bị Quốc Xã đưa vào trại tập trung và bị giết ở đó. Ngày 23 tháng 9 năm 1939 con bệnh ung thư đã tới hồi cuối từ giã cuộc đời bằng một liều mọc-phin mạnh. 

Thuyết của ông còn lại gì? Trước hết, Freud có công nêu bật được í nghĩa quan trọng của các cảm giác, của các xung đột tâm thần và của Vô thức, và đưa chúng vào trọng tâm trong cái nhìn về con người. Và phương pháp chữa trị của ông, vốn lấy lại của Breuer nhưng được ông dũa gọt thêm, vẫn còn được thông dụng trên thế giới, dù khoa Phân tâm ngày nay đã chia ra thành nhiều trường nhiều phái có khi không còn liên hệ gì nhiều tới thuyết của Freud nữa. Xét về sự nghiệp khoa học của ông trong việc tìm hiểu tâm thần con người thì ông là một người có cái mũi rất thính. Và chỉ có vậy thôi. Ông chu du tâm thần các bệnh nhân của ông như một nhà vẽ bản đồ không có tàu thuyền để đi, nhưng vẫn bảo là đã thấy và đo được cái đại lục do các bệnh nhân mô tả. Và đó cũng là điểm xuất phát tính kiêu ngạo của ông, là vì chẳng có ai sử dụng các phương pháp của ông mà lại tiến xa được như ông. đại lục là cõi Vô thức, và ông là người dẫn đường. Nhưng vinh quang của ông đang lụi tàn, điều này sinh thời ông cũng đã biết. Khoa nghiên cứu não, môn trước đây ông đã bỏ vì nó chẳng giúp được gì cho ông, đã căng buồm đi tiếp, và nó sẽ qua mặt ông. Chỉ còn lại một câu hỏi: Bao nhiêu nét phác hoạ, sông rạch, núi đồi và ốc đảo được ông vẽ ra trên bản đồ, liệu sẽ còn lại gì? Trong cuốn sách về nguyên lí khoái lạc, ông đưa ra một điểm tự phê thật lạ khi thú nhận rằng, chính những nhà sinh học sẽ là người có thể giải toả được toàn bộ những bí ẩn của tâm thần bằng những khám phá mới và bất ngờ, và những khám phá này „rồi sẽ phá đổ toàn bộ toà nhà giả tạo được dựng nên bằng các giả thiết“.

Phân tâm học không phải là một khoa học, mà chỉ là một phương pháp. Những tiền đề của nó không thể kiểm chứng được bằng khoa học. Vì thế, chỉ 30 năm sau ngày Freud qua đời, các khoa học thần kinh và Phân tâm nhìn nhau như nước với lửa. Thời đó, Phân tâm đang nở rộ. Các học trò và con cháu của Freud chê khoa nghiên cứu não, một môn muốn lấy thước đo và dòng điện để giải thích tất cả những gì thuộc tâm thần, là môn có hại, cũng như các nhà thần kinh học khinh Phân tâm là loại hầm bà lằng. Chỉ mới hôm nay, sau giai đoạn chiến thắng chung chung của mình, một số nhà thần kinh học nay mới lại dám ca ngợi công sức của Freud.

Những gì Freud trước đây phỏng đoán, thì nay tương đối đã rõ ràng đối với các nhà não học: Quan sát não bộ, ta thấy có những vùng liên hệ mật thiết với Í thức. Như đã nói, những vùng này nằm ở vỏ não (assoziativer Cortex). Và có những vùng tạo ra và thu nạp những diễn tiến vô thức, đó là Cuống não (Hirnstamm), Tiểu não (Kleinhirn), Thị kì (Thalamus) và những trung tâm thuộc phần cuối não (subcorticale Zentren). Như vậy, về mặt cơ thể học, Í thức và Vô thức tách biệt nhau. Dù vậy, các nhà thần kinh học cũng đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu Vô thức. Và họ cũng phải công nhận rằng, không dễ mô tả và hiểu được cõi âm u này. Những diễn tiến vô thức thường xẩy ra rất nhanh, và chúng – cũng như Freud trước đây đã biết - không thể diễn tả được bằng lời, đơn giản là vì chúng không lọt vào vòng í thức của con người. Như vậy chỉ còn có cách của Phân tâm là nghiền ngẫm từng câu từng chữ trong biên bản phỏng vấn để đoán ra Vô thức – hay cách của nhà sinh học thần kinh: đẩy bệnh nhân vào máy đo và quan sát xem đâu là những phản ứng của những vùng não liên hệ với Vô thức trước những câu hỏi hay câu thử nghiệm được đặt ra. 

Như vậy, người ta có thể dễ dàng xác định được những vùng não có liên hệ với Vô thức, nhưng việc hình thành của Vô thức này thì lại rất khác nhau, không đơn giản tí nào. Vô thức là những diễn tiến xẩy ra trong ta mà ta không biết. Giác quan của chúng ta hàng giây hàng phút bị tràn ngập bởi các cảm nhận, nhưng khả năng chú í của ta chỉ có thể thu nhận được một phần rất ít những gì ta thực sự thấy, nghe hay cảm mà thôi. Phần còn lại đi vào Vô thức. Một số trong chúng, có thể nói, được bí mật thu nạp vào bộ nhớ, số còn lại bị thải hồi. Chúng ta chỉ cố í thu nạp những gì đang liên hệ với công tác hay mục tiêu hiện thời hoặc phù hợp với các nhu cầu của ta mà thôi. Ai đang đói, người đó chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới ăn hoặc ngửi đâu cũng thấy mùi thức ăn. Khách du lịch thường chỉ quan tâm tới các cảnh quang, họ nhận thức thành phố khác hơn với một người đang đi tìm việc. Càng chú tâm vào một chuyện gì, ta càng ít nhìn ra những cái khác. Tai nạn lưu thông là một thí dụ. Nhiều người khai rằng, họ đã không nhìn thấy chiếc xe trước họ, nên đã không tránh kịp. 

Khi ta tập trung chú í vào một chuyện gì, não chúng ta lúc đó thường chẳng quan tâm tới những gì khác nữa, cho dù những cái đó có lạ lùng hay có đập vào mắt ta. đoạn phim nổi tiếng về chị khỉ đột của các hai nhà tâm lí Daniel Simon thuộc đại học Illinois ở Urbana-Champaign và Christopher Chabris thuộc đại học Harvard là một thí dụ. Hai đội bóng rổ đối diện nhau, một bên đồng phục trắng, một bên đen, họ chuyền liên tục quả banh cho đồng đội mình. Nhóm khán giả nghiệm nhân có nhiệm vụ tính xem đội áo trắng đã nhận được bao nhiên lần banh tất cả. đa phần nghiệm nhân đã hoàn thành nhiệm vụ mình cách dễ dàng và đã nói đúng số lần banh. Nhưng nhà thí nghiệm muốn biết một cái gì khác hơn. Hơn một nửa nghiệm nhân đã không nhận ra điều nghiệm viên muốn đó. Chỉ sau khi đoạn phim được chiếu lại lần hai, và lần này các nghiệm nhân không còn phải đếm banh, họ mới nhận ra rằng, giữa cuộc giao banh có một cô giả dạng khỉ đột xuất hiện đứng giữa hai đội banh và đấm ngực. Cuộc thí nghiệm được lập lại, lần này nghiệm nhân được yêu cầu đếm banh của đội áo đen. Lần này chỉ có một phần ba số người không nhận ra khỉ đột. Và một số trong họ sở dĩ nhận ra, là nhờ khỉ bận đồ đen. đoạn phim là một thí dụ điển hình cho thấy sự chú í của ta đúng là một tấm lưới lọc hay một ánh đèn pha chỉ chiếu sáng những gì mình muốn thấy, còn những gì khác bị đẩy vào vùng vô thức. 

Một phần lớn Vô thức của ta được nuôi bằng những cảm nhận không được chiếu sáng đó. Một phần khác cũng không kém quan trọng của Vô thức bao gồm những kinh nghiệm khi ta còn trong bụng mẹ và trong ba năm đầu đời. Trong giai đoạn này, chúng ta thu nhận ngoại giới rất nhiều, nhưng vỏ não (assoziativer Cortex) lúc đó chưa phát triển đầy đủ, nên nó chưa thu nạp được những cảm nhận đã trải qua đó một cách chính xác, để về sau có thể biến chúng thành những gì có í thức. Khoảng hai phần ba nhân cách của ta lớn lên trong vô thức như thế, khiến chúng ta về sau không còn nhớ ra được những hoàn cảnh cụ thể để mà phản hồi.

Ngoài những cái vô thức của thời niên thiếu và những vô thức xẩy ra hàng ngày trong cuộc sống như trên, còn có một số Vô thức khác nữa. Một thí dụ của loại này là những động thái đã được tự động hoá của ta. Biết bao lần tôi ngỡ ngàng, là đã vượt được một đoạn đường ban đêm xa hàng cây số để về tới nhà bình yên trong lúc đang say khướt, mà sau đó không tài nào nhớ ra được những gì đã diễn ra trên đường về. Cũng như khi những ngón tay tôi đang lướt như chớp trên bàn phím để viết những dòng này. Nếu bảo tôi giờ viết ra bảng chữ cái trên phím, chắc chắn tôi sẽ viết sai. Các ngón tay tôi rõ ràng biết nhiều hơn tôi! Cũng có rất nhiều điều đã lâu trí ta chẳng còn nghĩ tới, nhưng nhân một biến cố nào đó, chẳng hạn một mùi hương, chúng lại theo nhau hiện ra thành chuỗi trong trí ta. 

Xem như thế, ta thấy Freud có lí trong rất nhiều điều: Hầu hết những diễn tiến trong não chúng ta đều diễn ra trong vô thức. Và Vô thức này có ảnh hưởng vô cùng lớn trên ta. Có thể nói rằng, đời sống vô thức mới là chính, còn đời sống í thức – dĩ nhiên chỉ những í thức đặc biệt quan trọng cho ta mà thôi – chỉ là phụ thuộc. Là vì chỉ có những gì liên hệ với Vỏ não (assoziativer Cortex) mới trồi lên vùng í thức mà thôi. Nhưng, để đẩy các biến cố ra vùng ánh sáng của í thức, Vỏ não phải cần sự giúp đỡ của Vô thức. Như đã nói trong chương trước, các cảm giác là những chất keo nối kết chúng ta lại với nhau. Nếu không có những tín hiệu vô thức tiết ra từ Hệ Limbic, Vỏ não chẳng có được một chất gì để có thể tiếp nhận, phản hồi, cân nhắc và diễn tả. Nó cũng giống như một bộ máy có khả năng rất lớn, nhưng vì không có điện để chạy nên chẳng làm được gì. Như vậy, Í thức của ta bị Vô thức kiểm soát mạnh hơn, chứ không phải ngược lại. Trong tiến trình phát triển nhân cách, Vô thức xuất hiện trước Í thức, nó ấn dấu lên  Í thức rất lâu trước khi Í thức dần dần lớn lên. Lượng kinh nghiệm và khả năng vô thức trong ta – nói chung là Vô thức – có sức mạnh ghê gớm, chúng ta khó mà ảnh hưởng lên chúng được. để có thể tiến gần được tới Vô thức, chúng ta thường hay nhờ vào sự trợ giúp của một phương tiện bên ngoài, nghĩa là nhờ vào phương pháp chữa trị tâm lí. 

Các nhà nghiên cứu não ngày nay mong ước có được một phương pháp Phân tâm đặt nền trên các khám phá của khoa Thần kinh học hiện đại. Năm 1979, nhà nghiên cứu Kí ức nổi tiếng thế giới Eric Kandel đã đưa ra một chương trình đầy cao vọng: Làm sao kết hợp được hai đường hướng nghiên cứu đó. Theo ông, để đáp ứng được tính khoa học, Phân tâm phải bỏ đi tất cả những gì là phỏng đoán, bỏ đi những khái niệm liều lĩnh cũng như những ảo tưởng chữa trị các căn bệnh tâm thần và thể xác bằng lối phân tích tâm lí suông. Và thay vào đó đưa vào các phương pháp thực nghiệm của khoa Thần kinh não học, dùng thống kê, áp dụng các phương pháp giám sát gắt gao và các máy móc tân thời để duyệt xét kết quả chữa trị.

Việc nghiên cứu Vô thức bằng các phương pháp thực nghiệm chỉ mới bắt đầu. Vô thức, vốn là đứa con ghẻ của Triết học và chỉ mới được dần dần quan tâm từ hậu bán thế kỉ 19, hiện là lãnh vực nghiên cứu có thể nói quan trọng nhất trong việc con người tự tìm hiểu về mình. Về mặt sinh học, con người bị hạn chế ở hai điểm. Thứ nhất là hạn chế bởi khả năng giới hạn của giác quan và của ngay bộ não của loài có vú (Bài 1 - 4). Thứ đến là hạn chế bởi biên giới giữa Í thức và Vô thức. Con người hầu như không thể nào tiếp cận được Vô thức, trong đó chứa đựng phần lớn các kinh nghiệm và cả phần lớn nhân cách của mình. Trước khi bước vào phần hai của cuốn sách bàn về động thái của con người, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm một khía cạnh vốn gắn liền với đề tài này, đó là Kí ức. Kí ức là gì, nó hoạt động như thế nào?

• Hẳn phải có một cái gì đó. Kí ức là gì?

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích