Boston

Người đàn ông trên cầu. 

đạo đức là một đặc tính bẩm sinh?

Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh sau đây: Một toa xe lửa mất tay lái đang lao thẳng vào năm người thợ sửa đường sắt. Và bạn là người duy nhất đang đứng ở chỗ ghi đổi đường xe. Nếu bạn bẻ ghi sang phải, bạn có thể cứu được năm mạng người vào giờ phút chót. Nhưng ngặt một cái, nếu bẻ sang phía đó, thì toa xe sẽ nghiến lên một người thợ khác – chỉ một người thợ mà thôi. Trong trường họp này, bạn quyết định như thế nào?

Nhưng khoan. Trước khi trả lời, bạn hãy nghĩ kĩ câu hỏi thứ hai này. Cũng là câu chuyện toa xe mất tay lái như trên, nhưng lần này bạn không đứng ở ghi, mà đang đứng trên một cây cầu bắc qua đường rầy. Nếu như lúc này bạn tìm được một cái gì ném xuống đường rầy, thì nó sẽ cản được toa xe, và năm mạng người kia sẽ được cứu sống. Nhưng quanh bạn chẳng có cái gì để thẩy xuống cả, ngoài một người đàn ông to lớn mập mạp cũng đang đứng trên thành cầu. Bạn chỉ cần tới sau ông ta, đẩy nhẹ một cái là ông ta rớt xuống, và toa xe sẽ dừng lại khi đụng vào vật cản to lớn đó. Bạn sẽ quyết định ra sao?

Hơn 300.000 người đã được hỏi như vậy. Người ra câu hỏi là nhà tâm lí Marc Hauser của đại học Harvard ở Boston. Ông đưa câu hỏi lên Internet để cho người được hỏi trả lời. Nhưng không chỉ những người vào Internet mà thôi. Ông còn hỏi những người Hoa-kì, người Trung Quốc và cả dân du mục nữa. Ông hỏi người lớn, con nít, người vô thần, kẻ có tín ngưỡng, đàn ông, đàn bà, thợ thuyền lẫn người học thức. Kết quả bất ngờ: Các câu trả lời gần như luôn như nhau – bất kể những đặc tính khác nhau trên đây.

Câu trả lời như thế nào? Câu hỏi 1: Gần như tất cả đều sẽ bẻ ghi sang phải. Hi sinh một mạng người mà cứu được năm mạng, là điều nên làm. Câu 2: Chỉ một phần sáu số người trả lời sẽ đẩy ông mập xuống đường rầy để cứu năm người. đa số người được hỏi không làm điều đó.

Câu trả lời có lạ đời không? Tôi bẻ ghi hay đẩy một người xuống cầu, kết quả đều như nhau! Một người chết để năm người sống. Không có khác biệt giữa tổng số nhân mạng và người được cứu sống. Nhưng dù vậy xem ra có một sự khác biệt. Khác biệt rõ ràng giữa việc tôi chấp nhận cái chết của một người và việc tôi gây ra cái chết cho một người. Về mặt tâm lí, có sự khác biệt lớn giữa việc tôi gây ra cái chết một cách tích cực hay thụ động. Trong trường hợp sau - đẩy ông mập, tôi có cảm giác mình giết người, dù việc giết đó có thể cứu được năm mạng khác. Ở trường hợp đầu, tôi có cảm giác đấy là số mệnh của người thợ. Giữa hành vi tích cực và sự vô í thụ động là một khoảng cách vô cùng lớn. Và luật pháp của gần như mọi quốc gia đều phân biệt rõ giữa những hành vi cố í và những hành vi sơ sót. 

Hành vi tích cực, xét về mặt đạo đức, là cái gì khác - chẳng hạn - với việc ra một mệnh lệnh hay một quy điều. Các phi công thả bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima về sau bị chứng bất an; trong khi những vị chỉ huy của họ, cho tới tổng thống Truman là người ra lệnh, rõ ràng ít gặp vấn đề hơn. Chúng ta phân biệt giữa những thiệt hại cố í và những thiệt hại có thể lường trước. Chúng ta phân biệt giữa hành vi trực tiếp và gián tiếp. Và đa số trong chúng ta coi những thiệt hại xẩy ra do sự đụng chạm cơ thể xấu xa hơn nhiều so với những thiệt hại không do sự đụng chạm cơ thể. Nhấn một chiếc nút để giết một người dễ hơn là cầm dao đâm vào tim người đó. Một hành vi tàn bạo càng trừu tượng thì xem ra càng dễ thực hiện hơn.

Hãy nhớ lại gốc gác đạo đức của chúng ta xuất phát từ lối cư xử xã hội của các loài động vật có vú. Dù rằng ở đây không có các hành động trừu tượng, nhưng hẳn có sự khác biệt giữa hành động và bỏ qua. Khi người nào bỏ qua một hành động, ta không biết rõ người đó đã cố í làm điều đó hay không. Vì thế, ta cũng ngần ngại đánh giá cụ thể điều đó về mặt đạo đức. Trái lại, một hành động tích cực xem ra là một động thái rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. 

Nhưng Marc Hauser còn nhận ra nhiều thứ hơn trong đó. Nếu đa số con người ta trong cùng một hoàn cảnh cùng đánh giá tình hình như nhau và hành xử như nhau về mặt đạo đức, thì phải chăng đó là bằng chứng cho sự hiện hữu của một hạt mầm đạo đức chung, vượt mọi biên giới văn hoá, trong mỗi con người chúng ta? Phải chăng chúng ta cùng có chung một bộ luật hành xử? Phải chăng chúng ta một cách nào đó đều hướng theo những nguyên tắc chung, như „Hãy đối xử công bằng với nhau!“, „đừng làm hại ai!“ hay „Hãy cư xử thuận hoà!“? Hauser quả quyết, có những quy luật đạo đức trong tâm mỗi người chúng ta. Vì thường không ai í thức được những quy luật đó, nên chúng không thể truyền thừa được qua giáo dục. Chúng có thể nằm sẵn trong các di tử của chúng ta và đã được chúng ta nhập tâm cho mình trong những năm tháng đầu đời. Ông Hauser đoán rằng, chúng ta nhập tâm đạo đức cũng như đã học tập Ngôn ngữ. Noam Chomsky cho hay, thoạt tiên có sẵn một thứ Văn phạm phổ quát trong não ta, từ kho văn phạm này ngôn ngữ mẹ đẻ, tuỳ theo ảnh hưởng môi trường, đã dần phát triển lên trong mỗi đứa trẻ. Chúng ta không học được ngôn ngữ đầu tiên, mà đúng hơn, chúng ta đã sở hữu nó, như kiểu cánh tay ta cứ mỗi ngày dài thêm ra. Hauser cho rằng, trường hợp đạo đức cũng giống như thế. Cả ở đây cũng có một thứ Văn phạm chiều sâu, nó giúp chúng ta sở hữu được những cấu trúc đạo đức của môi trường sống. Như vậy, mỗi người sinh ra với một giác quan về lành dữ, với một „trực giác đạo đức“. Như vậy, con người ta không học được đạo đức chỉ từ tôn giáo hoặc hệ thống luật pháp, hay chỉ từ cha mẹ hoặc thầy cô – nhưng họ đã sẵn mang cảm giác đạo đức từ khi sinh ra. Cũng chính vì thế mà chúng ta chẳng gặp khó khăn gì hay phải suy nghĩ gì khi đánh giá một hành động là tốt hay xấu. Ngay cả một tay tội phạm cũng biết tự thâm tâm mình, hành động của mình là xấu hay tốt. 

Phải chăng ông Hauser có lí? Phải chăng các nhà tâm lí đã tìm được chìa khoá mở ra cánh cửa Linh tính đạo đức, điều mà các triết gia đã không hiểu được bằng các mệnh lệnh và luật trừu tượng hay các nhà nghiên cứu não đã không thể thấy được bằng máy đo quang phổ? Kant khinh thường các cảm giác, vì ông cho rằng đạo đức không xuất phát từ cảm giác. Theo ông, các cảm giác là kẻ thù, chứ không phải là đồng bạn của lí trí; chúng thay vì giúp thì lại cản trở và làm lu mờ sự đánh giá đạo đức của ta. Hauser, trái lại, xây dựng thuyết đạo đức của mình trên nền tảng cảm giác. Tình cảm không nhất thiết là những bản năng thấp kém, nhưng chúng cũng dẫn tới những cảm giác cao thượng. để chắc ăn với thuyết Trực giác đạo đức bẩm sinh của mình, Hauser nhờ sự giúp đỡ của người bạn thân. Cùng với Antonio Damasio, ông khám nghiệm các bệnh nhân bị thương tích ở miền ventromedial của vùng não trán, nghĩa là những người cũng bị mất một phần não như Phineas Gage trong bài trước. Cả những bệnh nhân này cũng được hỏi về chuyện toa xe mất tay lái trên đây. Kết quả minh bạch rõ ràng: Cũng giống như những người lành lặn, các bệnh nhân đều đồng í nên bẻ ghi để cứu năm mạng người. Nhưng ở câu hỏi thứ hai, những bệnh nhân với triệu chứng thương tích như Gage thì lại không ngần ngại bảo rằng, nên đẩy ông mập xuống đường tàu. Nơi những người lành lặn, bản năng đạo đức trực giác đã ngăn cản không cho họ xô ông mập. Còn những người bệnh, vì đã mất đi bản năng này, nên họ đã không ngần ngại xô ông ta xuống, họ còn chỉ phán đoán thuần tuý theo lí trí.

Nếu tin vào thử nghiệm đó, thì Trực giác đạo đức nằm ở vùng não trán của con người. đây là chỗ, chìm khuất trong miền ventromedial, đóng quân của hạt mầm đạo đức bẩm sinh. Nhưng trước khi đồng í với nhận định này, ta cũng nên nhắc đến một số phản biện quan trọng: Câu hỏi về toa xe lửa và đường ghi quả thật rõ ràng và không thể hiểu lầm được. Nhưng câu hỏi thứ hai về người đàn ông trên cầu thiếu rõ ràng. Ta hãy một lần nữa hết sức thận trọng đặt mình vào hoàn cảnh đó: xô một người xuống cầu để cản toa xe lửa. Nếu người đó quay lưng lại với ta, ta sẽ dễ đẩy ông ta xuống hơn. Nếu ông nhìn ta, hẳn ta sẽ khó quyết định hơn. Nếu ông đó mặt mũi khó thương, ta dễ hi sinh ông. Nhưng nếu ông tốt lành dễ thương, đang mỉm cười với ta? Trường hợp này, có lẽ ta sẽ chẳng xô ông. Tất cả những cái đó chẳng ngược lại thuyết Trực giác đạo đức của Hauser. Nhưng chúng làm cho thuyết của ông thêm rắc rối. Là vì những cảm giác rất cá nhân của ta về cảm tình và vô cảm cũng có dính dáng đôi chút với đạo đức trực giác của chúng ta.

Thí dụ toa xe với đường ghi cũng không khác. Năm trên sáu người được hỏi đều trả lời, họ sẵn sàng để một người chết để cứu năm người. Cho tới đây, không có gì đáng phân vân. Nhưng nếu người thợ duy nhất kia là một người bạn thân của tôi? Trong trường hợp này tôi có bẻ ghi về phía người đó không? Nếu đó lại là người mẹ, người chị, người em, đứa con của tôi? Còn ai dám ra tay bẻ ghi! Ai sẽ dám bẻ ghi để cứu năm mạng người lớn trước một em bé đang nô giỡn trên đường ray? Trong một thí dụ khác, một số học sinh sẵn sàng xô ông thầy dạy toán đáng ghét của mình xuống cầu để cứu năm mạng người kia.

Trong trường hợp thứ hai còn thêm một số yếu tố chẳng dính dáng gì tới các bản năng cả. Nếu giờ đây tôi xô ông mập, đầu óc tôi có rùng mình không, có ai bảo cho tôi hay là ông ta sẽ rơi đúng ngay trên đường rây hay không? Và nếu đúng, thì toa xe có dừng lại hay không? Nếu xe không ngừng, thì cái gì sẽ xẩy ra? Không những mất năm mạng người, mà tôi còn thêm một tội giết người. Ai sẽ tin, là tôi đã xô ông với í hướng tốt? Tất cả những câu hỏi đó đều quan trọng đối với hành động của tôi. Và chúng chẳng phải là kết quả của những suy tư đắn đo lâu dài, nhưng trái lại chúng tới một cách chớp nhoáng. Chúng được hình thành từ các kinh nghiệm sống và như vậy giống như một thứ phản xạ văn hoá và xã hội. 

Không dễ dàng phân biệt được giữa các bẩm tính di tử và kiến thức văn hoá. Cả hai quyện lẫn trong nhau. Những quyết định giống nhau trong các câu hỏi thử nghiệm của Hauser, mặc dù những người được hỏi thuộc nhiều văn hoá khác nhau, vẫn chưa chứng minh được rằng, đạo đức là một đặc tính bẩm sinh. Cũng có thể các quan niệm về đạo đức đều rất giống nhau trong các nền văn hoá khác nhau, vì đâu đâu chúng cũng được coi là tốt hay ít ra có lợi. Như vậy, câu trả lời đúng đắn cho „bẩm sinh hay tập thành“ sẽ là: Quả thật chúng ta không thể phân biệt được! Chẳng hạn một số thiếu niên lớn lên trong sự giáo dục của Hitler về sau đã không trở thành những sĩ quan vô lại của Quốc Xã, sẵn sàng giết người vô tội không gớm tay. Cũng như việc học tiếng, những cảm nhận đạo đức của chúng ta không hoàn toàn bẩm sinh. Chúng ta không sinh ra với những giá trị bẩm sinh, nhưng được sinh ra với sẵn một chương trình giáo dục cho biết ta có thể thu nhận những thông tin nào, và với sẵn một số điều kiện cho phép ta tổ chức những thông tin đó. 

Khả năng đạo đức này có thể được sử dụng rất khác nhau. Sự khác biệt của những quan niệm đạo đức con người là một bằng chứng. Các quyền tư hữu, đạo đức tình dục, các giáo lí tôn giáo và các lối cư xử hung hãn đã và đang được áp dụng rất khác nhau, khiến ta khó mà nói được, đâu là „đặc tính mẫu“ của con người. Cả trong xã hội chúng ta đang sống cũng có nhiều mảng không rõ. Có nền đạo đức hàng ngày, đạo đức nhóm đoàn, đạo đức trách nhiệm, đạo đức giai cấp, đạo đức giao ước, đạo đức tối thiểu hay tối đa, đạo đức kiểm soát, đạo đức tiên khởi, đạo đức cho đàn ông đàn bà, đạo đức xí nghiệp, đạo đức cho quản trị viên, cho các nhà thần học, cho các bà tranh đấu nữ quyền. Mỗi khi xã hội nhận ra một vấn đề mới, lại có thêm một đạo đức mới. đạo đức mới, nhưng lại đặt nền trên những giá trị đã có sẵn: Nó kêu gọi tới lương tri, kêu đòi trách nhiệm, đòi hỏi có thêm bình đẳng và dân chủ, thêm tình huynh đệ.

Ai suy nghĩ theo hướng đạo đức, người đó chia thế giới ra thành hai lãnh vực: lãnh vực trọng kính và lãnh vực khinh ghét. Hơn hai ngàn năm các triết gia cứ loay hoay với việc kiếm tìm những minh chứng chắc nịch cho các tiêu chuẩn trọng khinh đó. Với một kết quả lạ lùng: Một mặt, nhờ ảnh hưởng của triết học qua nhiều trăm năm, nhiều quốc gia pháp trị với một hệ thống đạo đức tân tiến đã hình thành; mặt khác, toàn bộ cấu trúc đó lại tỏ ra quá mỏng manh (như trường hợp nước đức), khiến chủ nghĩa Quốc Xã với nền đạo đức khập khễnh đã xuất hiện dễ như trở bàn tay. Xem ra tiến bộ đạo đức trong một xã hội ít tuỳ thuộc vào lí trí hơn là tuỳ vào việc làm cho quảng đại dân chúng nhạy cảm với một vấn đề nào đó. Xúc động tình cảm mạnh cũng là nguồn lực của những biến cố xã hội. Hoặc là, như triết gia người Mĩ Richard Rorty đã có lần nói rất đúng: „Tiến bộ đạo đức … không tuỳ thuộc vào việc người ta thoát ra được khỏi tính đa cảm để tiến sâu vào lí trí. Nó cũng ít tuỳ thuộc vào việc, thay vì tiếp tục khiếu nại tại các toà án tham những của chính quyền cấp thấp, đâm đơn lên một toà án cấp cao, và toàn án cao cấp này lại có những quyết định thiếu tính lịch sử, dựa trên một luật đạo đức chẳng trói buộc cho nơi nào và cho nền văn hoá nào“.

Như vậy, sau bảy chương về đạo đức, có lẽ phải làm một tóm tắt như thế này: Người là một con vật có năng khiếu đạo đức. Khả năng đạo đức vốn bẩm sinh, nhưng bẩm sinh tới mức nào thì khó mà xác định được. Bộ não của loài có vú đã sắp sẵn cho những khả năng đồng cảm với người khác, và não này nhận ra những tưởng thưởng (hoá học thần kinh) cho những hành vi „tốt“. Hành vi đạo đức là một thứ Vị tha phức tạp. Nó bao gồm những cảm giác lẫn những tính toán. Khác với điều Kant nói, không có „luật đạo đức“ trong tâm để bó buộc người ta làm lành lánh dữ. Nhưng người ta làm lành, là vì hành vi này thường mang lại điều tốt đẹp cho cá nhân và cho cả nhóm. Hành vi này được sử dụng nhiều hay ít, đây là một vấn đề tuỳ vào sự tự trọng, và tự trọng này lại tuỳ vào sự giáo dục.

Và như vậy với dụng cụ đó, giờ đây ta có thể vững vàng bước vào lãnh vực hành động. Chúng ta sẽ yên chí đi vào những vấn đề đạo đức cụ thể trong xã hội đang sống. Phải chăng, như đã thấy, có một Quyền đạo đức trên bình diện cảm thức cho phép ta giết người trong những trường hợp nhất định, như trường hợp người đàn ông trên cầu? Và phải chăng cũng có một Bổn phận đạo đức buộc ta giết người?

•Nên để cô Ba sống. Có được phép giết người không?

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích